Nhà bình luận Phạm Chí Dũng (DR)Trong khuôn khổ các hoạt động nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới 3 tháng Năm, một số nhà báo và blogger từ Việt Nam được mời sang tham dự buổi điều trần tại Quốc hội Hoa Kỳ ngày 29/04/2014 và một cuộc hội thảo vào ngày 01/05 tại Washington DC, nhằm vận động cho tự do báo chí trong nước.
Các khách mời này sẽ tham gia một loạt các sinh hoạt như thảo luận về những thử thách của việc khởi động một nền báo chí độc lập tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các nhà hoạt động cũng sẽ tiếp xúc với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc, một số dân biểu Mỹ, các tổ chức nhân quyền, công ty tin học, tham gia khóa huấn luyện về truyền thông và an ninh mạng.
Được biết chủ đề của Ngày Tự do Báo chí Thế giới 2014 là « Tự do cho truyền thông vì một tương lai tốt đẹp hơn ». Dấu nhấn được đặt trên các vấn đề : truyền thông tự do, Nhà nước pháp quyền, báo chí chuyên nghiệp là một bộ phận của phát triển.
Vừa rồi có ba nhà hoạt động đã đến Mỹ, hai người khác bị ngăn chận tại sân bay. Riêng tiến sĩ, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, người đã từng bị cấm xuất cảnh đi Genève để tham dự một cuộc hội thảo về nhân quyền với tư cách diễn giả hồi tháng Hai, lần này cũng được mời làm diễn giả trong buổi điều trần, nhưng hộ chiếu của anh vẫn đang bị thu giữ. RFI Việt ngữ đã phỏng vấn tiến sĩ Phạm Chí Dũng về các vấn đề liên quan đến khả năng xuất ngoại của anh.
Tải để nghe ông Phạm Chí Dũng
http://telechargement.rf...4_2014_Pham_Chi_Dung.mp3RFI : Anh có nhận được thư mời chính thức từ Quốc hội Hoa Kỳ để tham dự buổi điều trần và hội thảo về tự do báo chí ?
TS Phạm Chí Dũng : Đó là thư mời chính thức, ký ngày 01/04/2014 bởi một số nghị sĩ Hoa Kỳ. Tôi được mời với tư cách diễn giả và sẽ thuyết trình về những vấn đề làm thế nào để tạo dựng một nền báo chí độc lập ở Việt Nam trong tương lai.
RFI : Chỉ còn ít ngày nữa là buổi điều trần tại Quốc hội Hoa Kỳ sẽ diễn ra, nhưng không biết Chính phủ Việt Nam đã có động thái nào trả lại hộ chiếu cho anh chưa?
Tôi được biết Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Hoa Kỳ đã làm việc với Hà Nội về trường hợp của tôi, nhưng cho tới nay vẫn chưa có một dấu hiệu nào về việc Chính phủ Việt Nam và Bộ Công an trả lại hộ chiếu cho tôi. Hộ chiếu của tôi đã bị Cục Quản lý Xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an thu giữ vào ngày 01/02/2014 khi tôi ra phi trường Tân Sơn Nhất để đáp chuyến bay đến Geneve, Thụy Sĩ cho một hội thảo bên lề cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về Nhân quyền đối với Việt Nam.
RFI : Nhà nước Việt Nam đã tham gia một số công ước quốc tế. Việc cấm xuất cảnh và thu giữ hộ chiếu của anh và những người khác có thể vi phạm các công ước này ?
Chắc chắn là vi phạm, thậm chí còn vi phạm ở mức độ rất nghiêm trọng theo quan điểm của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc khi Việt Nam đã ngăn cản khách mời của Liên Hiệp Quốc. Chúng ta hãy nhìn lại, điểm 3 của Điều 12 của Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị nêu rõ các quyền đi lại của cá nhân sẽ “không phải chịu bất kỳ hạn chế nào, trừ những hạn chế do luật định và là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội hoặc các quyền tự do của người khác, và phải phù hợp với những quyền khác được Công ước này công nhận”.
Còn Điều 12 của Hiến pháp Việt Nam quy định “Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam … tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên…”.
Trong khi đó, Bộ Công an chỉ đưa ra lý do chung nhất và hết sức mơ hồ để cấm nhiều người xuất cảnh là “vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội”. Nhưng lại chưa có cơ quan nào, dù bằng lời nói hay bằng văn bản, chứng minh cho tôi biết rằng tôi đã vi phạm an ninh quốc gia và trật tự xã hội. Nếu vậy thì làm sao có thể cấm đoán xuất cảnh đối với những người như tôi ?
RFI : Được biết sau khi bị cấm xuất cảnh đi Thụy Sĩ, anh đã gửi thư khiếu nại đến Chính phủ và một số cơ quan thẩm quyền của Việt Nam. Các cơ quan này có trả lời cho anh chưa ?
Tôi chỉ nhận được một công văn của Thanh tra Bộ Công an là đã chuyển thư khiếu nại của tôi đến Cục Quản lý Xuất nhập cảnh để “xem xét giải quyết”.
RFI : Anh có hy vọng nào cho khả năng “xem xét giải quyết” ấy ?
Thực lòng tôi chẳng mấy hy vọng. Từ ngày vào Hội đồng Nhân quyền, cơ quan công an Việt Nam vẫn hành xử theo một não trạng và cách thức hầu như không thay đổi, tức rất thiếu tôn trọng các quyền con người. Đúng là chỉ có ai bị chế tài mới có thể thấm hiểu sâu sắc về tâm trạng và sự mất tự do của những người bị chế tài.
Tôi chỉ hy vọng là Dự luật chế tài nhân quyền Việt Nam mà nghị sĩ Mỹ Ed Royce nêu ra vào cuối tháng 3/2014 sẽ sớm được thông qua ở Quốc hội Mỹ, sẽ giúp các quan chức Việt Nam nhìn nhận bản chất của việc cấm đoán không đơn giản như họ thường quan niệm và hành xử.
RFI : Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc có giúp gì được cho anh và những trường hợp như anh ?
Vì thật khó để hy vọng khiếu nại có kết quả đối với các cơ quan Việt Nam, tôi đã tiến hành làm hồ sơ khiếu nại Nhà nước Việt Nam và chính thức gửi đến Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Tôi yêu cầu trường hợp của tôi và của nhiều người bất đống chính kiến khác phải được Bộ Công an trả lại hộ chiếu và không ngăn cản việc xuất cảnh. Tôi cũng yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải chính thức xin lỗi vì đã để xảy ra những vụ việc vi phạm quyền đi lại như vậy.
Hồ sơ của tôi được một tổ chức tư vấn luật pháp quốc tế có uy tín hỗ trợ, và đã được Văn phòng Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc chính thức tiếp nhận cứu xét. Theo tôi được biết, vấn đề bị cấm xuất cảnh của tôi nằm trong những ưu tiên cứu xét hàng đầu của Hội đồng Nhân quyền. Nếu việc cứu xét thỏa đáng, Hà Nội sẽ bị ghi thêm một điểm xấu về nhân quyền và Nhà nước, Chính phủ Việt Nam sẽ phải trả lời trực tiếp cho ông chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc về vụ việc vi phạm… Câu chuyện còn lại chỉ là thời gian.
RFI : Thời gian bây giờ chỉ còn hơn một tuần nữa để kịp xuất cảnh đi Hoa Kỳ. Nếu Chính phủ và Bộ Công an Việt Nam vẫn kiên quyết không trả lại hộ chiếu, hoặc trả hộ chiếu nhưng không cho anh xuất cảnh, phản ứng của anh sẽ thế nào ?
Tôi xin nhường lại mọi phản ứng cho Quốc hội và các dân biểu Hoa Kỳ - những người đã thể hiện quá đủ thiện chí và tình cảm đối với một Việt Nam đang suy sụp kinh tế cùng lối thoát không còn cách nào khác là phải được chấp nhận vào Hiệp định TPP. Nhưng tôi không dám chắc rằng Quốc hội Hoa Kỳ - địa chỉ đưa ra lời mời với tôi - sẽ phản ứng đến mức nào nếu thể diện của họ bị xúc phạm nặng nề bởi sự từ chối từ phía Chính phủ Việt Nam.
RFI : Xin cảm ơn tiến sĩ Phạm Chí Dũng.
Theo RFI