Vaan Nguyễn
JAFFA – Tại một quốc gia hiếm thấy người Á Đông như Do Thái, sự việc có người Việt Nam sinh sống là điều đáng kể, và càng đặc biệt hơn nữa khi có người bước vào nền văn chương của quốc gia này và được ngợi khen như một nhân tài mới của Do Thái.
Theo tạp chí Tablet Magazine tại Israe, cô Vaan Nguyễn, 32 tuổi, là con gái của những người tị nạn Việt Nam. Cha mẹ cô nằm trong số những thuyền nhân đã rời Việt Nam bằng đường biển vào cuối thập niên 1970. Sau khi không được Phi Luật Tân cho tị nạn chính trị, gia đình cô đã được cấp quy chế tị nạn tại Israel bởi Thủ tướng Menachem Begin thời bấy giờ.
Chào đời tại Ashkelon, Israel tháng Tư năm 1982, Vaan Nguyễn lớn lên ở Jaffa. Hiện nay cô là một nhà thơ đang lên của Israel và được ủng hộ bởi một số nhà phê bình hàng đầu của nước này. Tên Việt Nam của cô là Nguyễn Thị Hồng Vân. Cô chọn tên Do Thái là Vaan Nguyễn, và tên này đã trở thành quen thuộc trong giới văn thi sĩ trẻ tại Israel.
Tập thơ đầu tay của cô, tựa đề là The Truffle Eye (Con Mắt Nấm Tùng Lộ), lần đầu tiên ra mắt cách đây sáu năm, như là một tập sách nhỏ độc lập được phân phát kèm theo một số báo của tạp chí văn chương Maayan. Tạp chí này hiện này đang xuất bản tập thơ của Vaan – cùng với một ít bài thơ mới – dưới dạng sách bình thường.
Cô Nguyễn đã trở thành một tên tuổi quen thuộc với các độc giả của Israel trước khi tuyển tập của cô được xuất bản. Câu chuyện của cô – hoặc ít nhất một phần của nó được gắn liền với quá khứ của cô, gia đình cô, và cội rễ của cô – được dùng làm nền tảng cho bộ phim tài liệu năm 2005 của đạo diễn Duki Dror, tựa đề là “Hành Trình của Vaan Nguyễn,” trong đó Vaan cùng đi với cha cô trong một chuyến trở về Việt Nam, trong một nỗ lực nhằm đòi lại đất đai của gia đình bị chế độ cộng sản tịch thu.
Vaan Nguyễn không dự định trở thành một nhà thơ. Cô nói, “Tôi đã có một blog mà tôi đã viết về những chuyện đang xảy ra với tôi và chia sẻ những điều tôi suy nghĩ. Một số trong những bài viết của tôi có vẻ khá thi vị, vì vậy tôi thay đổi cơ cấu của chúng theo một nhịp điệu nội tại và nó đã trở thành thơ. Trong thời gian đó tôi tình cờ tôi gặp Roy “Chicky” Arad, một trong những biên tập viên của tạp chí Maayan. Ông ấy mời tôi tham gia đọc thơ, và chuyện đầu đuôi là như vậy.”
Cô mô tả những bài mình viết như là thơ “tài liệu.” Cô nói, “Nó giống như một bản đồ đi đường. Nó nói về những điểm của cảm xúc và kinh động, những khoảnh khắc được khắc vào trí não, những hình ảnh biến thành xấu xí, trả thù những người bạn trai cũ, và đạt được hồi kết thúc với bản thân tôi. Tất cả những gì tôi làm đều có liên quan đến tiểu sử của tôi, và theo một cách nào đó nhắc đến lịch sử gia đình của tôi.”
Arad nói rằng ông xuất bản cuốn sách của cô bất chấp lai lịch thân thế của cô, tuy nhiên nó là một phần không thể tách rời của công việc cô làm. Ông nói, “Tôi thấy cô ấy là một trong những nhà thơ trẻ thú vị nhất tại Israel. Trong bối cảnh hiện nay, bạn có thể nhìn vào cô ấy và tưởng tượng ra rằng có lẽ trong thế hệ tiếp theo sẽ xuất hiện một nhà thơ lớn từ cộng đồng thiểu số như của những người tị nạn Phi Châu mà chúng tôi có ở Israel. Nó giống như những kiệt tác mà người Do Thái đã viết ở Âu châu trước khi nhà nước Israel được thành lập. Bây giờ chúng tôi là đa số, và điều thú vị là lắng nghe những tiếng nói văn chương đại diện cho người ngoài. Tất nhiên chúng tôi sẽ xuất bản cuốn sách của cô, bất kể lịch sử của cô. Cô ấy là một nhà thơ lớn và rất độc đáo.”
Theo báo Viễn Đông