Khiếu kiện : lên tận nốc cao để được nghe thấy . Ảnh chụp tại Bắc Kinh , ngày 08/04/2014.
ReutersHôm nay, 24/04/2014, báo chí chính thức ở Trung Quốc thông báo kể từ giờ người dân gặp oan ức không còn được phép tới Bắc Kinh khiếu nại thẳng như từ trước đến nay. Nhiều nhà quan sát cho rằng chính quyền Trung Quốc đưa ra biện pháp mới này nhằm bịt miệng người khiếu kiện.
AFP dẫn thông tin của nhật báo China Daily, theo đó, chính quyền Bắc Kinh ra quyết định kể từ ngày 01/05 tới, người dân gặp bất công không được phép đệ đơn khiếu nại vượt cấp lên các cơ quan hành chính cấp trung ương.
Theo các nhà quan sát, biện pháp mới này chỉ có lợi cho các giới chức địa phương, lo sợ số lượng dân chúng lên trung ương khiếu kiện tăng mạnh khiến họ mất uy tín và ngăn cản con đường thăng quan tiến chức.
Các nhà bảo vệ nhân quyền thường xuyên lên án các cấp chính quyền địa phương tại Trung Quốc sử dụng nhiều biện pháp bất hợp pháp để ngăn cản người dân biểu tình hay đưa đơn kiện lên chính quyền trung ương. Những người dân khiếu kiện thường bị chính quyền địa phương cho người bắt đưa vào các nơi giam giữ bí mật, còn gọi là các « nhà tù đen » hay các trại cải tạo lao động.
Việc khiếu kiện lên chính quyền trung ương là một quy định mà Nhà nước cộng sản kế thừa truyền thống thời quân chủ, theo đó người dân thường, về mặt nguyên tắc, được quyền tố cáo những lạm dụng của chính quyền cấp dưới lên đến cấp cao nhất.
Trước đó, ngày 20/03/2014, chính quyền Bắc Kinh ra chỉ thị cấm bỏ tù những người « khiếu kiện », bốn tháng sau khi bãi bỏ hệ thống trại cải tạo lao động, bị lên án là một thứ nhà tù trá hình, cho phép các cấp chính quyền bắt giam không qua xét xử. Ban lãnh đạo đảng Cộng sản cũng ra lệnh cho các cán bộ Đảng phải chuyển các khiếu nại của họ đến cơ quan tư pháp, hoặc giải thích vì sao khiếu nại bị từ chối. Hệ thống tư pháp cũng đồng thời được yêu cầu xét xử « công bằng » và « minh bạch ».
Năm ngoái, một trong những người khiếu kiện nổi tiếng, bà Đường Tuệ (Tang Hui), bị giam vì đã đòi xử tù nặng hơn những kẻ hãm hiếp con gái bà, đã được trả tự do khỏi trại lao giáo, dưới áp lực của cư dân mạng, sau cuộc đấu tranh kéo dài sáu, bảy năm trời của chính bà. Công an tỉnh Hồ Nam đã phải chính thức xin lỗi bà Đường Tuệ.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, bất kể một số cải thiện và tuyên bố nói trên, việc những người khiếu kiện bị chính quyền ngược đãi là một thực tế phổ biến ở Trung Quốc. Theo Amnesty International, tại nhiều nơi, trên thực tế trại cải tạo lao động vẫn tiếp tục tồn tại dưới danh nghĩa « trại cai nghiện » hay « trung tâm kỷ luật ».
Theo RFI