Cảnh tang lễ nhà đối lập Win Tin ở Yangon, ngày 23/04/ 2014.
REUTERS/Soe Zeya TunCho đến hơi thở cuối cùng, nhà đối lập Miến Điện Win Tin không ngừng đấu tranh để đem lại dân chủ cho đất nước. Ông chưa bao giờ « tha thứ » cho chế độ độc tài quân sự. Khác với giải Nobel Hòa bình 1991, là bà Aung San Suu Kyi, Win Tin luôn cương quyết không đối thoại kể cả với chính quyền dân sự ở Naypyidaw ngày nay.
Ngày 04/07/1989 ông Win Tin bị bắt với lý do đã « chứa chấp một tội phạm ». Tội phạm đó, trên thức tế đó là một phụ nữ vừa phá thai. Đấy chỉ là cái cớ để tập đoàn quân sự Miến Điện lên cầm quyền từ sau cuộc đảo chính năm 1962 vô hiệu hóa một nhà báo có uy tín và cũng là một trong những « kẻ thù » của giới tướng lãnh cầm quyền. Việc bắt giam ông Win Tin còn nhằm cô lập thêm chủ tịch Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ bà Aung San Suu Kyi.
Chịu ảnh hưởng của thuyết đấu tranh bất bạo động từ Thánh Gandhi, ông Win Tin chưa bao giờ tin tuởng vào những hứa hẹn về « con đường tiến tới xã hội chủ nghĩa của Miến Điện » luôn được các tướng lĩnh ở Rangun rao giảng. Ông cũng là một trong những nhà đấu tranh hàng đầu của phong trào nổi dậy tại Miến Điện năm 1988.
Nhà báo Win Tin vừa qua đời hôm 21/04/2014 tại Rangun, thọ 84 tuổi. Là một nhà báo dấn thân, là một trong những sáng lập viên của Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ, ông từng bị giam cầm trong hơn 19 năm dưới chế độ của tập đoàn quân sự Miến Điện. Từ khi được trả tự do ông chưa bao giờ rời khỏi chiếc áo sơ mi màu xanh lơ, y phục của những năm tháng ngục tù. Viết tiểu sử về nhà dân chủ nổi tiếng này của Miến Điện, nhà báo Sophie Malibeaux của đài RFI, tác giả cuốn « Win Tin, une vie de dissident » - Win Tin, cuộc đồi của một nhà ly khai » giải thích vì sao tên tuổi của ông lại gắn liền với lịch sử đương đại của Miến Điện trong gần ¾ thế kỷ qua.
Trước hết về câu hỏi, tại Miến Điện ngày nay đâu là vị trí của nhà đấu tranh vì dân chủ Win Tin, phóng viên của đài RFI và cũng là người từng viết về tiểu sử của ông Win Tin , Sophie Malibeaux trả lời :Ngày nay, ông vẫn là một nhà đối lập hàng đầu, là một người mà chế độ đã không thể mua chuộc. Cả cuộc đời ông không hề thay đổi con đường đấu tranh đã tự vạch ra cho mình : đó là quyết tâm để đất nước tiến tới một nền dân chủ.. Nhà đấu tranh này chưa bao giờ nao núng, chưa bao giờ lùi bước trước mục tiêu đó. Đấy là lý do vì sao ông không hề ký bất kỳ một tờ giấy nào chứng nhận là ông được ra tù. Cho đến cùng, ông thực sự là một chiếc gai của chính quyền Miến Điện và ông Win Tin vẫn tiếp tục phản đối chính sách mở cửa đang được chính quyền Naypyidaw tiến hành hiện nay bởi vì chính quyền hiện nay vẫn do quân đội thao túng.
Năm 2004, khi đó ông Win Tin vẫn còn trong tù, nhà báo Pháp, Sophie Malibeaux đã liên lạc với gia đình nhà đối lập Miến Điện này. Vào thời điểm đó ông đã bị giam cầm tất cả là 15 năm, nhưng bà tin chắc rằng ông này sẽ được trả tự do :Đúng như vậy, có lúc tin này đã được lộ ra. Nhiều người cho rằng ông sẽ chóng được trả tự do thế nhưng mọi việc đã không tiến triển theo hướng đó. Ông Win Tin tiếp tục bị giam giữ. Nhiều lần có tin đồn ông được thả thế rồi những tin đó đã được cải chính. Như đã biết, nhà ly khai này đã chỉ được tự do vào năm 2008 và khi có thông báo được thả, thì chính ông cũng không tin rằng đó là sự thực. Ông đã từ chối ra khỏi ngục vì tưởng là trò đùa. Thế rồi các viên cai ngục bắt ông ký giấy chứng nhận được trả tự do, ông Win Tin luôn từ chối cũng như cho đến cuối đời ông nhất quyết không ký giấy cam đoan từ bỏ mọi hoạt động chính trị.
Dù vậy nhà hoạt động này chưa bao giờ tự xem mình là một chính trị gia. Ông luôn khẳng định chỉ muốn được sử dụng quyền tự do ngôn luận mà không bị cấm đoán. Đấy là điều ông đã làm. Điển hình là dù được trả tự do, ông luôn chỉ mặc chiếc áo màu xanh lơ, y phục của nhà tù Insein, tại Rangun. Đây là nơi ông đã chôn vùi gần 20 năm cuộc đời. Cho đến chết, ông vẫn giữ nguyên chiếc áo sơ mi này để nhắc nhở với mọi người là Miến Điện vẫn còn giam giữ các nhà bất đồng chính kiến.
Trong thời gian ông Win Tin bị giam giữ Miến Điện còn là một quốc gia khép kín, trong tay tập đoàn quân sự. Bốn năm sau, vào tháng 9/2008 nhà đấu tranh vì dân chủ này đã được trả tự do, được chính quyền Rangun thời đó « ân xá ». Phải chăng đó là dấu hiệu rạn nứt đầu tiên, là một dấu hiệu cho thấy Miến Điện bắt đầu mở cửa ?
Đúng như vậy đấy là một thời điểm khá thú vị. Trước hết là phong trào nổi dậy của các nhà sư Miến Điện, mọi người đã nói tới cuộc « Cách mạng màu vàng nghệ » ngay tại thủ đô Rangun. Từ biến cố đó, chính quyền bắt đầu cảm nhận thấy được một làn sóng phẫn nộ trong công luận, và người dân ủng hộ phong trào phản kháng của các nhà sư. Chính quyền quân sự Miến Điện khi đó từng bước nới lỏng gọng kềm. Một trong những nhà đấu tranh đã sát cánh với ông Win Tin là ông Ludu Sein Win đã qua đời năm ngoái, nói với tôi là ở vào thời điểm đó, chính quyền có thể trả tự do cho ông Win Tin nhưng sẽ không ân xá cho bà Aung San Suu Kyi bởi vì nếu cả hai nhân vật này cùng được tự do thì họ sẽ là một mối đe dọa đối với tập đoàn quân sự Miến Điện. Như chúng ta đã biết thì mãi đến năm 2010 bà Aung San Suu Kyi mới được trả tự do.
Ngoài ra thì cũng có nhiều khác biệt giữa bà Aung San Suu Kyi với ông Win Tin : Cả hai cùng bắt đầu tham gia các hoạt động chính trị tại Miến Điện dấn thân vào công cuộc đấu tranh kể từ năm 1988. Một năm sau đó, năm 1989 ông Win Tin bị bắt sau phong trào nổi dạy chống tướng Ne Win. Đành rằng ông Win Tin và bà Aung San Suu Kyi cùng sáng lập ra Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ, nhưng đừng quên rằng bà Aung San Suu Kyi là con gái tướng Aung San, cha đẻ của một đất nước Miến Điện độc lập và bà luôn tỏ thái độ tôn trọng đối với bên quân đội.
Những năm gần đây, ông Win Tin tỏ thái độ bất đồng với nhà đối lập Aung San Suu Kyi. Ông cho rằng chủ tịch Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ quá khoan nhượng đối với giới tướng lĩnh Miến Điện.
Tiến trình dân chủ hóa của Miến Điện tới nay ra sao ? Nhà báo Sphie Malibeaux của RFI trả lời :Triến trình dân chủ hóa của Miến Điện trong một chừng mực nào đó đang lâm vào bế tắc. Vấn đề xuất phát từ bản Hiến pháp đã được tập đoàn quân sự nước này soạn thảo và thông qua vào năm 2010. Văn bản đó đã mở đường cho cuộc bầu cử trước thời hạn năm 2012. Người ta có thể hài lòng với bản Hiến pháp này, hiểu theo nghĩa là phe đối lập đã được phép tập hợp, tham gia các chương trình vận động tranh cử. Nhưng giờ đây tiến trình đó đang dậm chân tại chỗ. Điển hình là gần đây, người đứng đầu ủy ban bầu cử Miến Điện, một nhân vật vẫn được phe quân đội yểm trợ, tuyên bố rằng trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới, nhà đối lập Aung San Suu Kyi sẽ chỉ được phép vận động trong phạm vi đơn vị bầu cử của bà mà thôi. Như đã biết bà Aung San Suu Kyi có ý định ra tranh cử tổng thống vào năm 2015 và đây là một cuộc trắc nghiệm hết sức quan trọng cho tiến trình dân chủ của quốc gia Đông Nam Á này.
Tuyên bố của chủ tịch Ủy ban bầu cử Miến Điện cho thấy, bà Aung San Suu Kyi sẽ bị giới hạn đi lại và không thể vận động tranh cử ở khắp mọi miền đất nước như những gì bà đã làm trong cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn hồi năm 2012. Rõ ràng đó là một bước thụt lùi về phương diện tự do trong các hoạt động chính trị của Miến Điện. Đây là một điểm hết sức quan trọng, vì đừng quên rằng, bà Aung San Suu Kyi có uy tín rất lớn trong công luận, bà có khả năng tập hợp quần chúng không chỉ trong hàng ngũ đối lập mà còn cả với tất cả các đảng phái chính trị với các thành phần trong xã hội. Chính quyền dân sự Miến Điện vẫn do bên quân đội kiểm soát còn rất thật trọng đối với gương mặt đối lập nổi tiếng này. Họ không muốn trông thấy cảnh người dân ồ ạt đến dự các buổi meeting của bà như hồi năm 2012.
Theo RFI