Chủ nghĩa cộng sản tuân theo lý thuyết duy vật (hoặc nói theo kiểu hơi mạ lỵ thì là chủ nghĩa vô thần). Điều này đối nghịch với đa số thế giới còn lại, tuy tin vào khoa học biện chứng nhưng vẫn mang phần duy tâm, tin vào những quyền lực không có chứng cớ rõ ràng, như phép lạ của đạo Thiên Chúa, hay một dạng thượng đế nào đó, trong tất cả những nền văn hóa từ thời thượng cổ.
Với lý thuyết chính thức cho rằng tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng, để ru ngủ họ chấp nhận thụ động những khổ ải của thế gian (gây ra bởi bọn tư bản) và ảo tưởng về một cuộc sống vĩnh hằng sau khi chết, chủ nghĩa Mác-Lê thường hô hào tận diệt tôn giáo.
Chủ nghĩa Mác-Lê ở Việt Nam đã là như thế. Trước kia, tuy nhà nước nói rằng họ tôn trọng tự do tín ngưỡng của người dân nên không đóng cửa chùa chiền nhà thờ, rất nhiều người, nhất là những người thấy rằng con đường tiến thân duy nhất là qua Đoàn (thanh niên) và Đảng (cộng sản), đã không dám tỏ lộ bất cứ dấu vết duy tâm nào trong thái độ và lời nói.
Bẵng đi mấy mươi năm sau thời đổi mới, ngoảnh nhìn lại thì VN ngày nay duy tâm đến quá độ duy tâm, tiến nhanh tiến mạnh thẳng đến mê tín dị đoan. Chùa chiền mọc ra như nấm, từ Sài Gòn tỏa ra bốn phương tám hướng, đi một quãng là thấy một chùa, một am, một cốc, ngói gạch còn tươi hồng, sân còn trống đầy cát bụi vì chưa kịp trồng cây cỏ.
Đây không phải là hiện tượng bộc phát riêng từ dân chúng, vì ngẩng mặt nhìn lên thì sẽ thấy những chùa chiền này chỉ là một phần của bản giao hưởng siêu nhiên, đang réo rắt xướng lên trong tất cả các cấp bậc từ chính quyền đến thường dân, và sự bùng nổ số lượng của những am những chùa đã xảy ra một phần là nhờ có sự “cho phép” của nhà nước.
Một ví dụ là vụ “cậu Thủy” (Nguyễn Văn Thúy) đã dùng tài ngoại cảm dỏm của mình lừa đảo nhiều gia đình và cả Ngân hàng Việt Nam, tức là một ngân hàng quốc doanh. Điểm cần nhấn mạnh ở đây không phải là chuyện lừa đảo, mà chuyện ngân hàng quốc doanh, đại diện cho nhà nước VN nói riêng và chủ nghĩa Mác –Lê nói chung, lại đặt niềm tin vào một khả năng - chẳng những nặng phần siêu nhiên mà lại chưa được chứng thực bằng khoa học.
Ngoài những lần “giổ tỗ” có thể được xem là tôn trọng và gìn giữ tập tục thờ cúng tổ tiên của văn hóa Việt, chính quyền VN còn có những hoạt động nặng phần mê tín như là “tế trời” chẳng hạn. Ngày 17 tháng 4 vừa qua, vào lúc nửa đêm, Bí thư (đảng cộng sản) tỉnh Thừa Thiên – Huế đã làm chủ tế Đàn Nam giao, cầu cho quốc thái dân an. Những chuyện như giết súc vật cúng tế, vốn là những hành động thời nay bị xem là vô nhân đạo và vô lý, cũng diễn ra trong màn cầu khẩn này, với ba con dê, trâu, lợn bị giết ngay khu vực bên dưới đàn tế.
Bài viết trên trang mạng vnexpress tả tỉ mỉ “bài vị thờ Ngọc hoàng, Nương nương thánh mẫu đặt ở chính đàn tế; bài vị các vị vua được đặt ở bàn thờ theo bốn hướng Đông - Tây - Nam - Bắc”, giải thích thêm rằng trước đây người tế lễ là “diễn viên đóng vai vua. Nhưng do có nhiều ý kiến phản đối, cho rằng tế trời đất vì mục đích an dân nên không thể dùng vua giả, đích thân lãnh đạo phải cúng”. Cộng thêm vào phần giải thích trước đấy rằng “thời xưa, các bậc đế vương coi mình là thiên tử (con trời) nên tổ chức lễ tế trời đất”, có thể suy ra gọn gàng nhanh chóng rằng lãnh đạo tỉnh, những đảng viên cộng sản, chính là những ông con trời ngày nay. Thực không có so sánh nào đúng hơn, vì hiện giờ chính thể độc tôn độc quyền như quân chủ ngày xưa chỉ có hai loại: độc tài và cộng sản.
Nếu không xem buổi tế lễ trên là một trò sân khấu (một màn trong Hội Huế hàng năm), thì có thể nào xem đây là một cái bắt tay hữu nghị giữa duy vật và duy tâm? Và cái bắt tay này, phải chăng là một cách chủ nghĩa duy vật sử dụng chủ nghĩa duy tâm? Không tận diệt được, tại sao lại không lợi dụng, đúng như chủ nghĩa Mác – Lê nhận định, như là một thứ thuốc phiện ru ngủ dân chúng, để họ thụ động chấp nhận những điều áp đặt của chế độ và tìm giải thoát ở cõi sau chứ không phải trong cuộc sống này?
Mặt khác, dân VN ngày nay duy tâm và mê tín cực kỳ, như thế cũng là một dấu hiệu cho cảm giác bất lực của họ, không thể thay đổi cuộc đời mình nên phải bám víu vào những niềm tin siêu nhiên hoặc thậm chí mê tín. Dù vậy, ngay cả trong những niềm tin này, họ cũng hành động rất thực tế: thay vì chỉ cầu xin không thôi, họ tìm đủ cách tăng cơ hội “được phù hộ” của mình bằng cách hối lộ thần thánh tối đa theo mức có thể, không khác mấy cách họ phải “lót tay” trong cuộc sống hàng này.
Nguyễn Phương