Đó là một câu thơ trong một bài thơ của T.T.Kh (đến nay cũng chưa ai biết T.T.Kh là ai). Nhưng buông cuốn sách, tôi không đọc mà bỗng dưng trong đầu trào ra câu thơ của bài thơ “Hai sắc hoa Tigôn”. Nếu tính sổ thì bài thơ được viết năm nào cũng không rõ, nhưng lên báo từ năm 1937. Cho là tác giả T.T.Kh khi viết chỉ trên dưới hai mươi tuổi thì nay chắc cũng không còn. Thật đáng tiếc cho thế nhân là không được biết chân dung thi sĩ.
Cũng vì không nhớ hết bài thơ nên tôi search cho vơi chiều ở nhà một mình để đi ngủ là xong. Ngồi đọc lại bài thơ đã biết từ nhỏ, nhưng lòng vẫn buồn theo ngày tháng bụi mờ…
Quyển tiểu thuyết đang đọc không còn gì trong tôi mà chỉ là những câu hỏi cũ-không người đáp! Không biết ngày ấy, cái người dưng khác họ sao đem lòng mến thương của tôi có suy nghĩ như tôi không? Tôi mơ ngày chúng tôi trưởng thành, sẽ công khai quan hệ trước bạn bè; rồi gia đình… Tôi thường hình dung ra lần đầu tiên tôi được mời đến nhà người dưng với tư cách bạn trai của thị – thì tôi sẽ ứng xử ra sao để sau lần đầu gặp gỡ ấy, tôi có được tình cảm với những người thân của thị trong gia đình thị. Nếu mọi chuyện tốt đẹp thì tôi sẽ phải làm gì tiếp theo, để duy trì quan hệ ngày càng tốt đẹp hơn, vì tôi biết người dưng rất yêu thương cha mẹ và đứa em trai duy nhất trong gia đình chỉ có hai chị em.
Có lẽ là tôi sẽ biết làm gì tiếp theo, theo thời gian và sự khôn lớn của mình. Nhưng biến cố đổi đời đã biến chúng tôi thành xa nhau. Không biết (bà) người dưng khác họ sao mình đem lòng mến thương cả đời, bây giờ có lúc nào còn chợt nhớ đến tôi mà khẽ đọc, “nếu biết rằng tôi đã có chồng/ trời ơi! người ấy có buồn không?” Thì tôi đã buồn từ khi biết bài thơ “Hai sắc hoa Tigôn” với trí giàu tưởng tượng. Và sự thật là đôi lần sanh-tử của kẻ ở lại địa ngục trần gian, tôi đều thấy người dưng mỉm cười trước lúc tôi thấy mình chết chắc…
Có lẽ tôi không nên ở nhà một mình nữa vì sự yên lặng của căn nhà thường đồng lõa với hoang tưởng. Tôi nên đến một nơi ồn ào nào đó; càng náo nhiệt càng hay, để xua đi những mặc cảm thầm kín với người trăm năm thật chứ không phải ảo của mình!
Và tôi thường chế ngự khuyết tật của mình, nhưng vẫn chưa thắng được tính nết cứ nghĩ cái gì là làm cái đó. Vì tôi tin những gì đã nghĩ ra trong đầu là đã có một nửa; nửa hành động còn lại thường dễ hơn! Tôi khoác vội cái áo máng sau lưng ghế bàn viết, ra garage xỏ đôi giày là lái xe đi…
Thành Đà chưa tối đã ma đầy đường. Phố xá âm binh. Nhớ bao nhiêu ma quỷ đã lâu không gặp. Từng hàng quán bên đường là từng kỷ niệm. Nhưng tôi vẫn khôn nguôi niềm nhớ đến người dưng. Cũng may là đã ra hải ngoại, chứ còn ở Sài gòn thì từng góc phố như những hòn than mắc mưa, than cháy hết thành tro bay đi là lẽ thường; than cháy không hết vì gió mưa thành than thở, bốn mùa thở than riêng một góc trời. Nhưng người dưng giờ nơi đâu? Có hạnh phúc không? Cuộc đối mặt nào với người đời cũng có thắng hay thua – dễ dàng chấp nhận vì là: đời. Nhưng đối diện này khôn nguôi vì khi trẻ hận người bỏ ta đi bao nhiêu thì càng già càng thương cảm cho tâm can người đi không nói lên lời khi đời còn quá trẻ.
Một ngõ ồn trước mặt. Tôi ghé quán Cây dừa. Nhưng gặp phải mùa bưởi hay sao mà bưởi già bưởi trẻ, bưởi thật bưởi giả… đến loạn thị. Hình như trong đám lô nhô đó/ có kẻ phong trần nhớ cố hương. Cô gái bán bar càng ít vải càng chơn chất quê mùa đã không gặp nữa, cô còn nhớ tôi không?
Tôi lái đi bằng quán tính vì bộ nhớ đã biết tự động điều khiển tay lái muốn từ đâu đến đâu trong thành Đà. Tôi ghé quán karaoke của người bạn khác. Có lẽ đúng địa chỉ là một nơi ồn nhất thành phố, chỉ để kiếm góc chung thân theo nguyên lý trong động có tĩnh, con mắt bão là nơi bất động.
Nhưng mới ngồi chút đã bị… động. Bàn trong góc là băng singirl4. Bốn cô cộng lại cỡ 160 tuổi. Họ là những người bản lãnh chắc rồi! Nhưng xử sự cũng hào sảng không thua cánh đàn ông. Thời đại sản sinh ra những người phụ nữ độc thân tại chỗ… không phải của họ. Nhưng biết làm sao với những anh chồng thời đại cũng hay quên về nhà khi mặt trời lặn. Rồi bối cảnh xã hội có nhiều gia đình không ai muốn nhưng cứ tuột dốc theo suy thoái tới tan rã…
Trời đang vào xuân bên ngoài cửa kính, nhưng đương xuân trên bốn gương mặt quen biết. Rồi thu đông sẽ về theo bốn mùa như gió bên ngoài cánh cửa; cô đơn sẽ về sau những thâu đêm trên bốn gương mặt nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương kia với bia chỉ là chữa lửa cho chai cognac trên bàn họ.
Chuyện tiếng hỏi câu chào nơi quán xá thì nên, vì hòa khí cần thiết chung cho mọi người. Nhưng đừng dại làm gươm lạc giữa rừng hoa mà phải vạ. Cứ đến bàn họ ngồi chơi theo lời mời, “cho vui”. Nhưng uống với họ bằng chai bia của mình cầm từ bàn mình qua, là thông điệp xã giao trăm phần trăm trong những con mắt mang hình viên đạn!
Tôi làm đúng như thế cho phải phép để an tâm, vì còn mải chú ý đến một đôi song ca đã già, nhưng họ hát hay và tình tứ lắm. Điều tôi nhớ được về họ là trước sau gì đôi này cũng hát bản nhạc gì đó… (có lẽ là nhạc trong nước & sau 1975 nên tôi không biết!) Lời bài hát thì nhớ lõm bõm một câu…, “đừng trách gì nhau anh ơi; đừng trách gì nhau em ơi…” Cái điệp khúc ấy da diết lời nhạc không bằng ánh mắt họ trao nhau mới thật là đau khổ; thật muộn màng thì phải! Thính giả, bao giờ cũng vỗ tay như pháo với màn trình diễn của đôi uyên ương; chắc không mấy người thấy nguyên ủy của đôi kênh kênh nhiều phiền muộn…
Tôi hỏi cô ngồi bên cạnh, cô này tôi quen biết cả hai vợ chồng họ, nhưng là xưa kia…
“Hạnh có biết đôi song ca này không? Anh thấy họ hát rất mùi. Nhưng anh cũng thấy hình như có gì không ổn trong quan hệ hai người…”
Cô Hạnh vỗ vai Phấn, “mày nói cho anh P nghe về hai người này. Anh ấy chọn được đề tài để viết tuần này rồi kìa!”
Cô Phấn trúng tủ, “Lần sau, anh muốn hỏi về giọng ca nào ở Dallas-Karaoke thì hỏi em. Đừng hỏi lung tung rồi than mất tiền cò… có thuốc nhẹ nhẹ không, đốt cho em một điếu đi.”
Cô ấy kể về đôi song ca đó, “… Chị ấy đến office để trả tiền thuê apartment mỗi tháng, mà em là người nhận. Vì là người Việt với nhau nên thỉnh thoảng cũng có thăm hỏi. Đặc biệt là ưa gặp nhau đi karaoke nên ‘tám’ với nhau cũng có. Chị ấy con nhà H.O. nhưng lớn lên sau ‘giải phóng’. Lúc còn đi học lại yêu anh chàng con cán bộ ngoài bắc vào.
Khi cha chị ấy đi tù về thì gia đình sống nghèo tới lúc có chương trình H.O. là tiến hành thủ tục xuất cảnh ngay lập tức. Trong khi gia đình cán bộ thì tiêu luôn vì ông bố bị đá mất chức gì đó! Chị ấy bấm bụng theo gia đình đi Mỹ, vì biết trước và biết chắc là cha chị ấy không thể nào chấp nhận thằng rể là con cán bộ ngoài bắc vào.
Nhưng hai người vẫn thơ từ cho nhau để giữ liên lạc.
Con đường họ binh cũng đáng nể lắm! Chị ấy đi làm bên Mỹ để gởi tiền về Việt nam cho anh ấy đi hợp tác lao động bên Đông Đức. Kế hoạch của họ là chị ấy phải mau chóng lấy quốc tịch Mỹ để thủ sẵn trong tay mà đi cưới chồng tỵ nạn bên Tây Đức; còn anh thì tìm đường vượt biên sang Tây Đức. Hai người sẽ gặp nhau ở Tây Đức, kết hôn, và trở về Mỹ, sau đó.
Trời cũng giúp hai kẻ chung tình là Bức tường Bá Linh tự sụp đổ năm 1989. Chuyện riêng của họ càng dễ dàng hơn. Nhưng đời sống vợ chồng ở Cali lại không được như ý. Đa số người Việt tỵ nạn không chấp nhận anh ấy trong cộng đồng người Việt vì xuất thân của anh. Ngược lại, chị được nhiều người ưu ái vì xinh đẹp, lại thích sinh hoạt cộng đồng với người cha năng nổ chuyện hội đoàn này nọ…
Như chị ấy kể với em sao thì em biết vậy thôi! Anh ấy nói là anh bị người Việt quốc gia, người Việt tỵ nạn kỳ thị nên khó sống ở Cali quá. Anh về lại Đông Đức để làm ăn với bạn bè người bắc của anh (đã đông lắm ở Đông Đức) sau khi nước Đức thống nhất.
Họ tạm sống như vậy vài năm, chị nuôi đứa con của hai người ở Cali, còn anh thì bóng gió với vợ là không muốn về Cali nữa. Chị ấy nổi máu ghen nên bất tử qua Đông Đức xem sao! Không ngờ bắt quả tang là anh ấy thực sự đang sống với một cô gái bắc.
Hai người ly dị.
Chị ấy chịu không nổi những lời rủa xả của gia đình về việc đã tin giặc phương bắc, làm tan nát đời mình. Đặc biệt là đứa con trai, lại nói đúng giọng bắc rặt của cha nó trong gia đình người nam của chị, cứ làm ông ngoại nó tức giận. Nên sẵn lúc bị thất nghiệp, chị ấy dẫn con qua Dallas, sống với người bạn học cũ, đã tìm được cho chị ấy việc làm và giúp đỡ chị ấy lúc mới qua Dallas.
Chuyện không ngờ là cô bạn của chị ấy, đã có chồng, hai con. Vợ đi giũa nail, chồng làm cable, có nhà, có xe… tự nhiên bỏ nhà theo trai, và biệt tích giang hồ…”
“Khoan, khoan,… cô đó biệt tích giang hồ thì làm sao em biết là bỏ nhà theo trai?”
“Trai em nuôi em biết mà! Nó cũng là thợ giũa thôi! Thấy bà này có tiền. Trong khi nó đẹp trai gấp ngàn lần ông chồng cable-không biết connect con mẹ gì hết với bà vợ hồi xuân, lại rủng rỉnh… hỏi sao!”
“Phấn kể chuyện, sao giống chuyện ma quá! Kết lẹ lẹ đi. Coi chừng anh xỉn trước khi biết họ là ai…”
“Thì anh trả lời trước đi. Đã lâu không gặp. Sao hôm nay tái xuất một mình. Băng đảng của anh đâu hết rồi?”
“…Ôi, chuyện mấy khứa lão của anh. Nói ra thêm nản cho xấp nhỏ thôi! Đại ka anh thì mới vô nhà thương hôm tháng trước vì đột quỵ; tam ca anh bây giờ đi đái, có đàn kiến theo sau để say đường, nên bị tam tẩu khóa cẳng ở nhà như chó chờ thiến, thiệt là chết vì tiểu ra bia nhưng được đi nhậu còn sướng hơn tiểu đường. Thằng tiểu đệ của anh thì vỡ nợ football. Ở nhà nấu cơm cho vợ đi cày trả nợ. Có sớm cũng vài năm khói lửa nhà bếp tới hết nợ cà na thì nó mới được ra đường…”
“Còn anh?”
“Anh còn gì đâu!”
Chắc tôi ngộ sau lâu không gặp nên Phấn nhìn chằm chằm vào mặt tôi, “…Sao hôm nay anh đeo kiếng ngộ vậy?”
“Kiếng của bà xã. Đừng xoi mói đời tư anh nữa mà. Kể chuyện ma nghe tiếp đi…”
“Nói. Tại sao đeo kiếng bà xã?”
“Thì chọc giận bà trời… thì ăn bộp tai.”
“Vỡ kính!”
“Đoán giỏi. Phải như vỡ mặt thì anh đâu ra đây!”
“Hèn gì, đã lâu biệt tích. Hôm nay trở lại một mình. Nhớ chừa đường về nha đại ka…”
“Tử tế quá sinh nghi! Hay lâu không gặp, em đã lên sư…?”
“Làm như hết sư già về Dallas mở chùa hay sao vậy anh P? Chùa mới quá trời mà sư đẹp trai chưa xuống núi hay sao…?”
“Thiện tai. Thiện tai. Trời mưa đừng đứng gần anh nha…”
“Trời đánh cũng còn hơn vợ đánh. Bộ chị đánh anh thiệt hả?”
“Thôi đi… tám. Anh nói chơi thôi. Hồi chiều, cái kính của anh ghim trên đầu, anh đi rửa mặt cho tỉnh ngủ gục để viết cho xong bài báo. Cái kính rơi, rồi chính anh đạp xẹp lép. Hỏi thăm bà xã cái kính mới của anh ở đâu?
Ai dè bả còn giận anh không chở đi outlet mall. Nên bả quăng cho anh cục lơ, ‘kính anh để đâu, làm sao em biết!’ Nói rồi ra xe, chắc đi mua hòm cho anh nên gấp! Ném lại cho anh đoạn cuối cuộc tình, ‘…Anh than đau nhức, mua vitamin về đã dặn uống mỗi ngày… chỉ nhớ… báo…!’
Trời ơi! Gặp anh mà không có kính thì như mù. Anh đi tìm hũ vitamin để uống… hết tình này. Ai dè chỉ đọc được chữ ‘V’ lớn hơn mấy chữ nhỏ như con kiến tiếp theo. Anh uống lộn Viagra. Nên mới chạy khùng hết Dallas cả buổi chiều…”
Phấn sặc bia đến tội nghiệp. Mà chuyện ở quán karaoke là thế đó! Đừng làm ai giận vì ai cũng đến đây để tìm tiếng cười vắng bóng trong đời riêng. Tôi đi xin cho Phấn vài tờ napkin. Ngang qua bàn đôi song ca đã già đang ngồi tựa vào nhau du dương theo tiếng nhạc. Một đoạn tình không khéo kéo thành đoạn trường. Nhưng đoạn trường của họ thì tôi chưa nghe Phấn kể tiếp. Và ai là người kể về đoạn trường của Phấn; đoạn trường của tôi! Càng lúc tôi càng tin điều tự khám phá là trong tiếng ồn đinh tai nhức óc bao nhiêu thì tâm tịnh bấy nhiêu, tôi thấy rõ dấu lẻ loi từ tiền kiếp của những bàn chân đang khiêu vũ với bạn tình để cô đơn chực chờ tiếng nhạc rơi vào hư không, những bàn chân lại cô lẻ tới muôn đời…
Phấn đột ngột xuất hiện trước mặt tôi, “Anh sao rồi, không khỏe hả? Sao cứ cầm mấy miếng napkin rồi đứng lơ ngơ… nhìn người ta nhảy, không tìm ra bàn hay sao?”
Tôi theo Phấn về bàn vì câu chuyện còn dở dang, không trả lời loạt câu hỏi của Phấn vì tôi không đứng lơ ngơ mà đứng trúng phải cấm địa của tâm tư là đừng nghĩ tới sẽ thấy dễ chịu, thoải mái hơn về mình và đồng loại.
Câu chuyện của chúng tôi lại tiếp tục. Chuyện uống lộn thuốc của tôi làm mấy cô ấy cười một trận đã đời, rồi họ đi vui chơi với các bàn khác, vì kể ra cũng toàn người quen, có mấy tay dữ dằn nhưng là anh em đã đến. Họ xách bia lại thẳng bàn singirl4 nhập cuộc cho vui. Tôi cóc phải sợ tứ bề thọ địch gì nữa vì đã ngồi đúng bàn địch ở Dallas.
Phấn hỏi thăm tôi vài việc, vài người; nhắc vài chuyện vui nho nhỏ thời quên cả lối về… Nhưng tôi chỉ muốn nghe tiếp chuyện tình của đôi song ca, nên cô ấy kể tiếp.
“…thì ông cable nuôi con sau khi vợ theo trai. Rồi chỗ bạn bè với người vợ ra đi không nói; nên chị đây lui tới để giúp đỡ hai đứa con còn nhỏ của ông cable…”
“…họ thành vợ chồng với một đứa con tui, hai đứa con ông. Phải không? Em coi phim bộ dữ lắm sao mà kể chuyện không dứt tập vậy!”
“… thì cứ uống thoải mái đi. Tối, em đưa anh về cho. Ô-kê!”
“Tự tin quá ha! Nhưng, sao giờ họ lại cặp kè với nhau kiểu già nhân ngãi mà non vợ chồng này. Còn ông cable đâu?”
“Chưa có disconnect đâu mà lo! Em còn chưa kể về ông bắc kỳ. Ông ấy ở lại Đông Đức với cô bồ trẻ cũng lâu, như chị ấy kể, hai người không có con. Đến hồi cô ấy đủ sức bay nhảy thì đá đít ân nhân đã là một lão già. Anh ta trắng tay và bắt đầu bệnh hoạn, nên tìm về Cali để cầu cứu vợ cũ. Nhưng người đã ra đi; thuyền cũng sang bờ…”
“Vậy bây giờ họ gặp nhau với tư cách gì mà mùi mẫn vậy?”
“Vậy người lạ nhìn vào anh với em ngồi rù rì với nhau nãy giờ không mùi mẫn sao? Đâu ai biết là em đang chịu trận một ông nhà báo dai như đỉa…”
“Được. Xin mời cô nương ra sàn nhảy với điệu slow-mùi. Nhưng để anh coi có thằng nào rảnh không đã… anh không muốn bị người ta chĩa súng vào đầu mình. (Nhất là súng lậu có cô hồn… anh còn nợ em, chưa muốn chết đâu!)”
“…, đừng giả bộ sợ, coi chừng em cảm động đó!”
Tôi không biết nói gì, vì tư tưởng cứ đi đâu, hay ngộp với nhan sắc đẫm phong trần của Phấn? Một câu hỏi thiếu kiểm soát đã bật ra vì không đúng lúc, “Phấn có nghĩ là đám anh em mình bị già trước tuổi, do toàn thấy những chuyện buồn…”
“Thì anh biến được cũng tốt. Nhớ hồi đó đi chơi quá chừng… Em cũng không muốn đến những chỗ này nữa. Nhưng ở nhà từ chiều tới tối chịu không nổi, khi cứ nhớ chuyện cũ không vui. Ra đây, cũng không có gì vui như chuyện hai người anh đang đeo…”
“…”
“… Anh ấy bây giờ sống một mình bằng trợ cấp xã hội bên Cali, không đi làm vì bệnh hoạn. Vậy là cứ gọi chị ấy, vì còn ai nói chuyện với anh ấy nữa chứ!
Lần đầu xin sang Dallas thăm con, thăm vợ cũ và gia đình mới của chị ấy, là hợp lý! Nhưng đứa con không chịu nhìn mặt cha. Nói chi bây giờ nó cũng đã sống riêng, không sống với mẹ và cha kế nữa.”
“Vậy sao không liên lạc để thăm con mà cứ đi thăm vợ cũ.”
“Lần đầu qua thăm, còn ở khách sạn, thì đúng thôi. Và ông cable cũng tiếp đãi lịch sự. Nhưng từ đó, vài tháng lại qua thăm bằng tiền của chị ấy mua vé máy bay cho đi chứ ăn trợ cấp xã hội thì tiền đâu du lịch lia chia vậy! Ông cable làm lơ cũng đúng. Chắc ông ấy cũng nản khi chị ấy đưa ông chồng cũ về ở chung căn apartment với hai vợ chồng vì chị ấy giàu thì đã không ở apartment…
Hoàn cảnh của họ bây giờ tội nghiệp, ông chồng làm cable thì nín thinh đi làm, ngày rảnh đi làm công quả cho chùa. Hai đứa con riêng của ông ấy thì con gái lớn đi đại học, đứa nhỏ đi học, đi làm thêm một hai năm nữa cũng đi luôn như chị nó. Thằng con riêng của chị ấy thì đã ra riêng mấy năm nay…
Em cứ nghĩ tới cảnh bây giờ vài tháng lại diễn ra cảnh hai ông một bà trong căn apartment chừng một tuần lễ, làm sao nhìn mặt nhau từ sáng tới tối cho ông Cali đi ca hát với vợ cũ, tình tứ tới nửa đêm; ông chồng sau, lái xe ra rước hai người về qua đêm tại nhà mình.”
“Rồi ngủ làm sao?…”
“…anh đi học phép thuật, để biến em thành con rệp đi. Em chui vô giường họ được thì mới biết để kể anh nghe…”
“Ờ ha. Nhưng mà Phấn à! Bộ ông cable không ghen thiệt sao?”
“Đã nói là ông ấy chỉ biết connect cable tivi. Không biết uống lộn viagra… Nói chơi. Anh là đàn ông mà gặp ông ấy anh còn chán thì nói gì phụ nữ. Trong khi ông bắc kỳ có dáng hơn, em nghĩ là miệng lưỡi bắc kỳ mới đáng sợ, vì chị ấy cũng biết là mình không phải với ông cable khi cứ để chồng cũ sang thăm hoài; thăm bằng tiền của ông cable mà không biết nhục vì chị ấy cũng đâu có đi làm.
Nhưng… chuyện họ là vậy đó! Chính chị ấy kể em nghe, nhiều hôm nhớ người thì chị ấy đi ca hát một mình cho đỡ buồn. Nửa đêm say sưa thì ông cable đi đón về nhà như đi nhặt xác…”
“…”
“Thiệt là đau lòng. Còn em, có hy vọng gì re-connect với ông xã không?”
“Restore cũng không ‘quớt’ anh ơi! Mà thôi. Đã đường ai nấy đi thì níu kéo làm gì nữa. Lâu rồi đời mình cũng quen mà anh. Con em chỉ biết ông bà ngoại với dì nó, không thương mẹ, nó nói thẳng. Nên em lo ba má em, đưa tiền con nhỏ em lo giùm cho con em… tới nó trưởng thành. Còn em thì…”
“Không tính lập gia đình lại à! Sống vầy hoài sao?”
“Em thì không ràng buộc rồi! Nhưng chưa kiếm được người không thuộc về ai…”
“Anh có người bạn giống anh lắm! Được không?”
“Đúng là uống lộn thuốc, mà thuốc tự giận nữa chứ! Anh thuộc bề trên hồi nào vậy, mới mấy shot đã tự phong linh mục cho mình. Tính giảng đạo hả?”
“…”
Kỳ cục đàn bà. Cứ hễ càng đẹp là càng dữ. Mà đàn ông lại càng già càng dại. Mấy con mắt già nua đang ôm mấy khúc giò thủ sắp quá đát lúc lắc ngoài sàn nhảy đã ném cho tôi những tia lửa của lòng ích kỷ lạ lùng. Ở đời muôn sự của chung mà, sao không khôn hơn một chút ở chỗ đông người là đừng coi thường, bán rẻ, bán đứng giò thủ hôi ê… tối về, nó móc mắt thì hỏi sao xui!
Không biết đã mấy giờ sáng, chỉ thấy trời thưa thớt mấy vì sao như tình lưu xứ. Phấn lái xe tôi, đưa tôi về tận nhà. Cô em còn biết de xe vô garage như tôi vẫn thường thế. Rồi chỉ nói lời thừa, “Anh vô nghỉ đi. Em về nha…”
Cô ấy ra xe của ba cô bạn lái theo để đưa tôi về. Singirl4 mới thực sự đi chơi cho hết phần đời còn lại của mỗi họ! Chỉ tiếc là bốn người họ cộng lại mới chừng 160 tuổi, họ còn chơi thêm 240 năm nữa thì ngán thật. Không biết những người chúc họ hôm họ lấy chồng với lời chúc “trăm năm hạnh phúc” có thấy mình nhẫn tâm?
Còn lời chúc “trăm năm hạnh phúc” của khách “viếng” đám cưới tôi thì quả báo nhãn tiền là họ về trời đã nhiều, phần còn lại dường như không gặp được ai nữa. Tôi bước vào phòng ngủ của mình. Hạnh phúc đang trùm mền, thở nhẹ trên giường như sắp lên đường về tây phương cực lạc. Muốn đánh thức bà xã, nhưng lại ngộ ra được từ bài thơ “Hai sắc hoa Tigôn” đọc ban chiều, từ mấy người bạn trẻ ở địa phương, từ cuộc tình gian khổ của đôi song ca muộn phiền… Tôi đánh thức mình trước trong hôn nhân như giấc ngủ đông vì trăm năm hạnh phúc dài quá! Đừng để hôn nhân, hạnh phúc gian khổ mới có được, rồi bông băng một chiều vì những chuyện không đâu. Vết thương có thể lành được ngoài da, nhưng không khỏi được đau nhức bên trong bốn mùa. Chỉ mỗi chuyện người dưng thuở bé là chuyện tình học trò mà đau đến có tóc bạc, nay vài sợi nhưng mai trắng đầu, cũng vẫn còn đau. Nói chi chuyện vợ chồng, là duyên là nợ, sao đổ bể vây quanh đến chạnh lòng…
Phan