Lá thư mà cô Stephanie bỗng phát hiện trong túi đựng đồ mua sắmMột phụ nữ nói với truyền thông Hoa Kỳ về việc cô tìm thấy mẩu thư yêu cầu được giúp đỡ của một người đàn ông bị tù ở Trung Quốc, trong một chiếc túi ở cửa hàng Saks New York.
Trong lá thư, người đàn ông này nói ông bị ép làm việc 13 giờ mỗi ngày ở một nhà máy của nhà tù để làm túi.
Phát hiện của cô Stephanie Wilson vào tháng 9/2012 làm dậy lên làn sóng đi tìm người đàn ông này, theo nhiều bài báo.
Trang tin tức trên mạng DNAinfo nói đã truy ra được người đàn ông là người Cameroon, nay đã được thả.
Trung tâm mua sắm xa xỉ Saks nói đã cho thực hiện cuộc điều tra về phát hiện trên nhưng không thể xác định cụ thể nguồn gốc của chiếc túi, các bài báo viết.
'Như nô lệ'Người phụ nữ 28 tuổi phát hiện ra mẩu thư sau khi lấy hóa đơn mua hàng từ túi giấy đựng đồ ở trung tâm mua sắm.
Mẩu thư ký tên Tohnain Emmanuel Njong, viết: “Chúng tôi là bị đối xử tệ bạc và phải làm việc như nô lệ suốt 13 tiếng mỗi ngày, sản xuất hàng loạt túi trong phân xưởng của nhà tù.”
Ông kết thúc lá thư bằng “cảm ơn và rất xin lỗi đã làm phiền quý vị” và để lại địa chỉ email, được phát hiện lúc đó là không còn hoạt động.
Tấm ảnh cỡ ảnh thẻ của một người đàn ông mặc chiếc áo khoác màu cam cũng được dán cùng.
“Tôi đọc mẩu thư và tôi lắc đầu,” cô Wilson nói với DNAinfo.
Cô Wilson là người Úc đang làm việc ở New York, đã chuyển đoạn thư cho Quỹ Nghiên cứu Laogai (Lao cải) chuyên về nhân quyền.
Quỹ này không thể tìm được ông Njong, nhưng đã đặt ra vấn đề với Bộ An ninh Nội địa và cửa hàng Saks Fifth Avenue.
Với sự trợ giúp của mạng xã hội, DNAinfo nói gần đây họ liên hệ với một người tự nhận chính là người viết bức thư.
“Một cách rất tự nhiên, ông Njong kể về các chi tiết thiếu liên quan trong lá thư, chẳng hạn như việc nhắc tới Samuel Eto’o, một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp của đội bóng Giải Ngoại hạng Anh Chelsea, người cũng giống như ông Njong, đến từ Cameroon ở Tây Phi,” trang web viết.
Theo DNAinfo, ông bị giữ ở thành phố Thanh Đảo miền Đông Trung Quốc sau khi bị bắt vì tội lừa đảo hồi tháng 5/2011 – ông phủ nhận các tội danh.
Ông nói với trang tin tức trên rằng ông đã phải làm việc nhiều giờ ở nhà máy sản xuất túi giấy, đồ điện tử và may mặc, từ 6:00 tới 22:00
Người đàn ông 34 tuổi nói ông viết tổng cộng năm lá thư bằng cả tiếng Pháp và tiếng Anh kêu gọi giúp đỡ.
“Có lẽ những chiếc túi này có thể đi đến đâu đó và họ tìm thấy thư của tôi và họ có thể báo cho gia đình tôi hoặc bất kỳ ai [quen tôi] rằng tôi đang trong tù,” ông nói thêm.
Ông Njong nói ông được thả do ân xá nhờ cải tạo tốt vào tháng 12/2013 và sau đó được đoàn tụ với gia đình ở Cameroon, trang web viết.
Theo BBC