Hoa Kỳ chống kỳ thị
với nhiều đặc tính khác, như dân chủ, như hùng mạnh, tiến bộ..., kỳ thị cũng là một đặc tính mô tả khá chính xác nước Mỹ. Bất chấp nguyên tắc "mọi người đều bình đẳng trước pháp luật", không người Mỹ nào không biết việc một bị cáo giầu, tung tiền mướn một dàn luật sư nổi tiếng, vẫn trắng án, hoặc lãnh một bản án nhẹ hơn anh bị cáo khố rách áo ôm, ra tòa với một luật sư nhà nước "cãi thí".
Điển hình là vụ án xử ông O. J. Simpson -một nhà hoạt động trong giới football và một tài tử; tháng Sáu 1994, cô vợ cũ Nicole Brown Simpson của ông, và anh Ronald Lyle Goldman, mà ông nghi là người tình của cô Nicole bị giết. Công tố viện truy tố Simpson.
Simpson mướn một dàn luật sư thượng thặng gồm những tay sừng sỏ nhất trong giới luật sư California, như F. Lee Bailey, Robert Shapiro, Alan Dershowitz, Robert Kardashian, Gerald Uelmen (trưởng khoa Luật tại trường đại học Santa Clara), Carl E. Douglas và Johnnie Cochran; ngoài dàn luật sư vô cùng hùng hậu này, Simpson còn mướn 2 luật sư chuyên cãi về DNA, để bác bỏ chứng cứ của cảnh sát đưa ra, buộc Simpson vào tội giết vợ.
Truyền thông ước tính Simpson đã bỏ ra từ $3 đến $6 triệu Mỹ kim trang trải chi phí để chứng minh là thám tử Mark Fuhrman -người phụ trách điều tra vụ án mạng- dựng chứng buộc tội Simpson. Chỉ riêng số nhân chứng được các luật sư gọi ra tòa bênh vực Simpson cũng đã lên đến 150 người.
Cuối cùng, ngày 3 tháng 10, 1995 -sau 8 tháng xét xử- bồi thẩm đoàn quyết định là Simpson vô tội.
Tuy nhiên câu chuyện có thật đó vẫn không có nghĩa là hễ giầu là có thể kỳ thị nghèo, hễ Mỹ trắng là có thể kỳ thị Mỹ đen. Mọi người coi bài công dân giáo dục này là rẻ tiền, là chuyện common sense, không cần học cũng biết.
Nhưng nhà tỉ phú Donald Sterling không biết, núi tiền nắm trong tay làm ông chủ quan; ông vừa vấp vào tảng đá kỳ thị, ngã dập mặt xuống đất, vỡ tim, suốt đời không còn đứng lên được nữa.
Sterling không phải là last name của ông ngày chào đời; ông là con trai của ông Mickey Tokowitz -một người di dân Do Thái- do đó, được bố khai sanh là Donald Tokowitz.
Năm nay 80, Sterling sống tại Beverly Hill, California, học đến tiến sĩ luật, tài sản giầu đến $1.9 tỉ Mỹ kim, có vợ và 3 con, nhưng vẫn thích đàn bà và thích bóng rổ.
Năm 1981 ông mua đội bóng rổ Los Angeles Clippers với giá $12 triệu rưỡi; năm nay đội bóng này được đánh giá $575 triệu, và ông Sterling đoạt kỷ lục làm chủ Los Angeles Clippers lâu nhất (33 mùa bóng rổ).
Sáng sớm ngày thứ Bẩy 4/26 đài TMZ (Thirty Mile Zone) phổ biến một đoạn băng dài 9 phút rưỡi, ghi âm nguyên văn những câu ông Sterling cằn nhằn cô tình nhân V. Stiviano vì những liên hệ giữa cô với những người Mỹ đen, nhất là với cầu thủ Magic Johnson.
Từ phút đó, Sterling khổ như ngồi trên vỏ sầu riêng, không phút nào, đài truyền hình, đài phát thanh không ra rả đem ông ra làm mục tiêu xỉ vả.
Nhiều đài còn mời gọi khán giả, thính giả tiếp sức chỉ trích Sterling, mổ xẻ những lời ông cằn nhằn cô Stiviano vì trong lúc cặp với ông, cô còn cặp với cầu thủ Johnson và post hình cô chụp chung với Johnson lên mạng.
Ông nói, "Em phải biết em làm tôi quá khó chịu vì em post lên mạng tấm ảnh em chụp chung với bọn da đen. Chụp chung cũng chẳng sao, miễn là em đừng quảng bá hình chụp chung với bọn da đen lên mạng. Em muốn ngủ với Mỹ đen tôi cũng không buồn, miễn là em đừng post hình lên, khiến nhiều người gọi điện thoại hỏi tôi."
Rất có thể Sterling chỉ ghen với Magic Johnson chứ ông không có ác ý gì với người Mỹ đen, và nếu ông chỉ là một trong hàng trăm ngàn người Mỹ trắng vô danh hàng ngày vẫn có thái độ hoặc ngôn ngữ kỳ thị, thì cô Stiviano đã không post lên đài TMZ những câu nói hằn học của ông, hoặc nếu cô có post như cô đã post thì cũng không mấy người quan tâm. Đằng này ông lại là một tỉ phú, và là chủ một đội bóng danh tiếng.
"Văn chương" ghen tuông của ông bị truyền thông coi là kỳ thị; một phóng viên đem vấn đề ra hỏi tổng thống Obama trong cuộc họp báo của ông tại Kuala Lumpur cùng với thủ tướng Mã -ông Najib Razak.
Obama trả lời, "Nếu ông Sterling thích khoe cái xấu của ông ta, thì chúng ta không cần có phản ứng gì cả. Phản ứng sẽ tự động đến từ quần chúng." Quần chúng, nhất là truyền thông phản ứng rất mạnh; nhiều đài truyền hình kéo dài chương trình chỉ trích Sterling suốt 5 tiếng đồng hồ.
Tờ Los Angeles Times dùng chữ racism mô tả những câu ông Sterling cằn nhằn cô tình nhân; đài Fox News bình luận, "ngôn ngữ và thái độ kỳ thị của ông Sterling không hề là một khám phá mới, nhưng chỉ từ khi đài TMZ phổ biến câu nói bất hủ "đừng dẫn bọn da đen đến coi đội bóng của tôi" câu chuyện mới bùng nổ như một chuyện mới toanh."
Hôm thứ Ba 4/29 ông Adam Silver, ủy viên của tổ chức NBA (The National Basketball Association - Hiệp Hội Bóng Rổ Toàn Quốc) quyết định cấm ông Sterling trọn đời không được làm chủ một đội bóng rổ nào nữa, và phạt ông $2.5 triệu.
Thị trưởng Sacramento, ông Kevin Johnson, nguyên cũng là một cầu thủ bóng rổ, ca ngợi ông Silver xứng đáng là ủy viên không những chỉ cho 30 đội bóng rổ toàn quốc, mà còn là người ủy viên được khán giả ưa chuộng môn bóng rổ ca tụng.
Nhà lãnh tụ Nhân Quyền, mục sư Jesse Jackson, nhận định, "quyết định của ông Silver đặt ranh giới không cho thái độ kỳ thị vượt qua."
Đại diện cô Stiviano, luật sư Mac Nehoray nói thân chủ ông rất buồn về việc ông Sterling bị trừng phạt; Nehoray "không bao giờ cô muốn làm Sterling buồn, và cô cũng không hề chuyển băng ghi âm "kỳ thị" cho đài TMZ; có thể một người nào khác đã làm việc đó."
Ông Sterling không nói gì, nhưng tháng trước vợ ông, bà Sterling đưa Stiviano ra tòa để đòi lại $1.8 -trị giá căn nhà, chiếc xe, và tiền mặt ông cung cấp cho cô.
Điều đáng ngạc nhiên là ông Sterling quên dĩ vãng dân tộc, quên việc hàng triệu người Do Thái bị Hitler đem thiêu trong nhiều hỏa ngục chỉ vì họ là người Do Thái; ông cũng quên là dân tộc bị kỳ thị truyền kiếp, từ đời này sang đời khác, vẫn chỉ là dân Do Thái.
Ngay mới đây, sau khi lấn chiếm 7 tỉnh miền Đông Ukraine, lực lượng thân Nga cũng đã ra thông cáo bắt người Do Thái trình diện. Sau này, chính phủ Nga đính chánh đó không phải là chính sách của Nga.
Dĩ nhiên ông Sterling có quyền không nộp tiền phạt, không bán đội bóng L.A. Clippers, rồi đưa Hiệp Hội Bóng Rổ (HHBR) ra tòa, nhưng các luật sư chuyên về thể thao lại cho là dù kiện HHBR, ông Sterling cũng khó thắng, vì nội quy của Hiệp Hội có những khoản như vậy với sự đồng thuận của toàn thể 30 hội bóng rổ.
Như vậy, ông Sterling phải bán L.A. Clippers, và tỉ phú David Geffen đã có ý muốn mua; một người khác cũng được nhắc đến là cầu thủ "Magic" Johnson, nhưng Johnson lại bảo một người bạn trên Twitter là "tôi muốn chấm dứt tin đồn là tôi mua L.A. Clippers, một đội bóng đang có người làm chủ."
Câu chuyện ông tỉ phú ghen nói nhảm là chuyện vui cho nhiều người, chỉ cần mở ti vi coi thái độ vô cùng hăng say của quần chúng tham gia cuộc tố khổ ông Sterling cũng đã thấy vui, vì thấy người Mỹ là zua chống kỳ thị, nhưng một góc khác của câu chuyện cũng vui không kém là người Mỹ còn là zua kỳ thị, kỳ thị trên mọi địa hạt, từ kỳ thị chủng tộc, đến kỳ thị nghèo giầu, kỳ thị giữa những người đàn bà có chồng khinh ghét những người đàn bà có vợ, ...
Tuy mang tai, mang tiếng, nhưng ông Sterling vẫn có thể vui sống với một cô Stiviano khác nhờ đống bạc cao đến vài chục thước của ông, nếu ông tập được chứng dễ quên được như những ông cụ Alzheimer cũng tuổi bát tuần như ông.
Nhưng không mắc bệnh Alzheimer mà quên được bệnh vỡ tim cũng không phải là chuyện dễ.
Nguyễn Đạt Thịnh