uân đội Việt Nam thời nay.
ReutersTừ hoạt động du kích với những tình nguyện quân trang bị vũ khí thủ công, đến việc quản lý các tập đoàn viễn thông hay sân gôn, Quân đội Nhân dân Việt Nam, nay trở thành sức mạnh to lớn trong nền kinh tế của đất nước cộng sản, đã thay đổi hẳn bộ mặt 60 năm sau chiến thắng trước Pháp tại Điện Biên Phủ.
Thiếu tướng Vũ Quang Đạo, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam nhớ lại : « Chúng tôi hồi đó chẳng có gì cả : súng ống và chất nổ tự tạo, và những quả mìn chống tăng thô sơ cho đến nỗi nhiều khi sát hại ngay chính người lính đánh mìn ». Chiến thắng Điện Biên Phủ « là một chiến thắng của sự ngoan cường » - ông giải thích với hãng tin Pháp AFP như trên, vào thời điểm chỉ vài ngày nữa là đến dịp kỷ niệm thất bại nổi tiếng của quân đội Pháp trước các chiến binh Việt Minh, ngày 07/05/1954.
Việt Nam ngày nay là một trong những quốc gia Đông Nam Á dành nhiều tiền bạc nhất để phát triển quân đội của mình, chủ yếu là do cuộc xung đột lãnh thổ với Bắc Kinh tại Biển Đông.
Jon Grevatt, chuyên gia về kỹ nghệ quốc phòng tại châu Á-Thái Bình Dương của cơ quan phân tích IHS Jane’s bình luận : « Việc mua các hệ thống thiết bị quân sự hiện đại của Việt Nam tăng lên với mức độ chóng mặt. Vấn đề là phải đảm bảo an ninh lãnh thổ và các lợi ích trên Biển Đông, nhất là các mỏ dầu khí ngoài khơi ».
Khi mua các thiết bị quân sự như thế, chủ yếu là của Nga, và qua việc nhân lên các quan hệ hợp tác chiến lược từ Đức cho đến Hàn Quốc, quân đội Việt Nam đang « chuyên nghiệp hóa », theo ông Grevatt. Theo ước tính của IHS Jane’s, ngân sách quốc phòng dành cho việc mua thiết bị lên đến trên 910 triệu euro trong năm 2014. Nhưng do thiếu minh bạch trong lãnh vực này, số tiền trên còn có thể cao hơn.
Trong ba mươi năm sau này, quân đội Việt Nam còn đầu tư vào kinh doanh, với một hệ thống doanh nghiệp có sức nặng đáng kể.
Quân đội luôn là « một lực lượng chính trị chủ yếu ở Việt Nam », nhưng với các cải cách kinh tế đưa ra vào cuối thập niên 80, « giới quân nhân bắt đầu đóng một vai trò tích cực trong nền kinh tế thị trường » - giáo sư Jonathan London thuộc trường City University của Hồng Kông khẳng định. Ông giải thích : « Bản thân quân đội cũng như các quân nhân cũng đã có thể hưởng lợi từ việc được ưu tiên cấp đất, cấp vốn », bên cạnh vị trí ưu đãi để thắng thầu ».
Quân đội cũng sở hữu nhiều khách sạn, sân gôn, các kênh truyền hình, báo chí, và ngay cả một công ty viễn thông hàng đầu là Viettel hiện đã vươn tay ra đến nước ngoài, từ Cam Bốt láng giềng đến Haiti.
Theo với những thập kỷ chiến đấu ở Việt Nam, các quân nhân có được những khu đất rộng rãi, mà cách sử dụng gây nhiều tranh cãi. Việc xây dựng một sân gôn trên đất quân sự gần sân bay Tân Sơn Nhất ở Saigon cũng bị phản đối. Huỳnh Đăng, một cư dân chỉ trích trên tờ Thanh Niên : « Sân gôn này xây lên để phục vụ cho các đại gia và quan chức tham nhũng hay chăng? Các công dân bình thường không thể nào có điều kiện chơi gôn ».
Đa dạng hóa nền kinh tế mang lại cho quân đội hàng trăm triệu đô la mỗi năm, theo ông Carl Thayer, thuộc trường đại học New South Wales của Úc. Và các doanh nghiệp quân đội thu dụng nhiều cựu binh và thân nhân bộ đội, là một lực lượng vận động hậu trường rất mạnh, trong đất nước độc đảng mà ảnh hưởng của quân đội vẫn rất lớn.
Cho dù việc mua thiết bị tăng lên, tầm vóc quân đội lại thu nhỏ bớt, từ 1,2 triệu quân vào cuối thập niên 80 xuống còn dưới 600.000 quân hiện nay, trong một đất nước có 90 triệu dân. Giáo sư Thayer nhấn mạnh, tuy vậy còn phải tính thêm 5 triệu quân dự bị.
Đối mặt với người láng giềng khổng lồ Trung Quốc, Việt Nam ngày nay đang trong một tình trạng có thể so sánh với thời kỳ chiến tranh chống quân đội thực dân Pháp trong thập niên 50, cũng như « David chống lại Goliath » - giáo sư Thayer ví von. Ông khẳng định : « Goliath trấn ở đó, xây dựng các lá chắn và tàu chiến lớn hơn. Nhưng người Việt lại có nhiều khẩu súng cao su tốt ».
Theo RFI