Trại tị nạn Sainte- Livrade ở Lot-et-Garonne.
Nguồn: rapatries-vietnam.orgSau thất bại Điện Biên Phủ ngày 07 tháng 5 năm 1954, và hai năm sau ký kết Hiệp định Geneve, nhằm tránh các cuộc trả thù nhắm vào các quân nhân, công chức và người thân của những công dân Pháp tại Đông Dương, chính quyền Paris vào thời điểm ấy đã quyết định cho di tản toàn bộ số kiều dân của mình và đưa họ vào nhiều trung tâm tiếp nhận khác nhau trên cả nước.
Trong một bài phóng sự cô đọng và xúc tích, hãng thông tấn Pháp AFP nhận thấy dù 60 năm đã trôi qua, nhưng dư âm một thời Đông Dương thuở nào vẫn còn ngự trị tại Sainte-Livrade-sur-Lot, cách thành phố Bordeaux 100 km về phía đông. Những nét văn hóa truyền thống Việt Nam không hề phai nhạt với năm tháng. Bàn thờ tổ tiên vẫn nghi ngút khói hương, được bày biện nghiêm trang cùng với hoa quả như thanh long, chuối…
Nhớ lại cách đây gần 60 năm, vào một ngày tháng Tư năm 1956, vùng Sainte-Livrade, một xã nông nghiệp của Pháp với số dân 3500 người, đã tiếp nhận 1160 kiều dân hồi hương từ Đông Dương, trong đó hết hai phần ba là trẻ con (khoảng 740 trẻ). Phần đông, họ là những cặp vợ chồng Pháp-Việt. Nhưng cũng có nhiều người là góa phụ, những người « vợ thứ » của các binh sĩ Pháp.
Thật ra Sainte-Livrade là một trong số các trung tâm tiếp nhận do nước Pháp mẫu quốc dựng nên sau trận bại Điện Biên Phủ và sau khi ký kết hiệp định Genève. Hàng ngàn kiều dân hồi hương sống rải rác trên khắp cả nước. Những ai kém may mắn thì được chuyển đến các trung tâm tiếp nhận, ở ba vùng Noyant (Allier), Bias (Lot-et-Garonne) và Sainte-Livrade. Điều kiện sinh sống cũng rất tạm bợ, thiếu thốn đủ bề, mùa đông không đủ ấm (do thiếu nước nóng và điều kiện cách nhiệt không tốt) và điện chỉ được cung cấp có hạn định.
Không chỉ thiếu thốn về mặt vật chất, những người Pháp Đông Dương bị lãng quên đó còn phải đối mặt với những cái nhìn kỳ thị từ người bản xứ và sự ghẻ lạnh từ chính phủ Pháp. Ông Robert Leroy, 68 tuổi, một công nhân về hưu nhớ lại : « Chúng tôi được đón tiếp rất lạnh nhạt. Đi đến đâu cũng bị miệt thị. Người ta xem chúng tôi là những tên ‘Tàu bẩn’ ».
Với thời gian, các khu lán trại đó giờ cũng xuống cấp trầm trọng. Số người còn sinh sống trong khu trại này cũng không là bao. Mặc dù chính phủ đã nhượng quyền quản lý về chính quyền địa phương từ những năm 1980, nhưng khu lán trại đó cũng không được một cấp bậc hành chính nào đoái hoài tới. Mãi đến tận đầu thập niên 2000, khi những hậu thế của những kiều dân đó bắt đầu kêu ca, chính quyền địa phương mới đề ra các dự án chỉnh trang đô thị và di dời dân cư sang những nơi ở mới.
Điều nghịch lý là chính những người đó lại lo sợ về dự án phá hủy các khu lán trại. Dù rằng đã rất cũ nát, nhưng nơi đó lại tập hợp toàn bộ ký ức của họ. Ông Patrick Fernand chua xót giải thích : « Thật là đau đớn khi thấy nhiều bàn thờ tổ tiên phải bị phá dỡ ».
Dù sao đi nữa những hậu thế này cũng tìm được chút niềm an ủi. Đến cuối năm 2008, một thỏa thuận đã đạt được cho việc xây dựng các khu nhà ở mới. Đối với họ, việc chuyển sang nơi ở mới, tuy chỉ cách nơi cũ có vài trăm mét, cũng giống như là một sự mất gốc. Như để an ủi phần nào cho những con người bị lãng quên đó, bản vẽ thiết kế còn gợi ý theo kiến trúc Việt Nam : nhà bằng gỗ, mái ngói đỏ xen lẫn giữa những hàng cây hoa anh đào. Họ hy vọng sẽ có một khu tưởng niệm như chính quyền đã cam kết, một ngôi chùa, một nhà thờ và một đài tưởng niệm chẳng hạn để những người con của những kẻ tha hương đó có dịp tựu về ôn cố tri tân.
Theo RFI