Trong hai ngày liên tiếp, hai tổ chức bảo vệ quyền tự do báo chí là Phóng viên không biên giới (RSF) và Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ) đã ra thông cáo và báo cáo chỉ trích tình trạng gia tăng đàn áp quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam. Hôm qua, Phóng viên không biên giới đã ra thông cáo lên án những hành động gây áp lực và trả đũa ngầm nhắm vào các nhà bất đồng chính kiến Việt Nam và gia đình của họ.
Ủy ban bảo vệ nhà báo có trụ sở tại New York (CPJ/Jeremy Bigwood)Bản thông cáo của Phóng viên không biên giới (
www.rsf.org ) trụ sở tại Paris, nhắc lại rằng, trong một công văn hỏa tốc đề ngày 12/09/2012, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã ra lệnh « điều tra, xử lý nghiêm » những người điều hành ba trang blog « Dân Làm Báo », « Quan Làm Báo », « Biển Đông », bị coi là đã đăng tải những thông tin « vu khống, xuyên tạc, nhằm bôi đen bộ máy lãnh đạo đất nước, kích động chống Đảng và Nhà nước Việt Nam ».
Chỉ vài ngày sau đó, ngày 16/09/2012, tại Bạc Liêu, vợ của blogger Điếu Cày, bà Dương Thị Tân, cùng với người em gái của blogger Tạ Phong Tần và một vị linh mục, cha Antôn Lê Ngọc Thanh, đã bị các công an mặc thường phục hành hung và bắt về đồn, với lý do họ gây tai nạn giao thông. Qua vụ này, Phóng viên không biên giới lên án việc chính quyền Hà Nội không chỉ gia tăng đàn áp các nhà bất đồng chính kiến, mà còn gây áp lực, sách nhiễu, hù dọa bằng bạo lực đối với những người thân và những người ủng hộ các nhà bất đồng chính kiến đó.
Ba blogger sáng lập viên Câu lạc bộ nhà báo tự do, Tạ Phong Tần, Nguyễn Văn Hải ( Điếu Cày ) và Phan Thanh Hải ( Anhbasaigon ) sẽ bị đưa ra tòa ngày 24/09 tới với tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước ). Trong bản thông cáo, Phóng viên không biên giới nhắc lại là ít nhất năm phóng viên và 19 cư dân mạng đang bị giam giữ ở Việt Nam, chỉ vì đã hành xử quyền tự do ngôn luận. Với con số này, Việt Nam là nhà tù đứng hàng thứ ba thế giới đối với giới blogger và đối lập sử dụng mạng, chỉ sau Trung Quốc và Iran.
Trong một báo cáo công bố ngày hôm nay 19/09/20121, Ủy ban bảo vệ nhà báo, CPJ (www.cpj.org ), trụ sở tại New York, cũng đã ghi nhận là tình hình tự do báo chí ở Việt Nam ngày càng tệ hại, mặc dù nước này tiếp tục mở cửa kinh tế.
Tác giả của bản báo cáo, ông Shawn Crispin, nhận định : « Vào lúc kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại và đấu đá chính trị gia tăng, chính quyền rõ ràng xem các nhà báo độc lập và các blogger như là một mối đe doạ đối với ổn định của đất nước ». Theo ông Shawn Crispin, chính quyền Việt Nam « duy trì một hệ thống kiểm soát thuộc loại nghiêm ngặt nhất và cứng rắn nhất châu Á ». Bản bản cáo của ông cũng lên án một « chiến dịch sách nhiễu và hù dọa » đối với các nhà bất đồng chính kiến kể từ năm 2009.
Bên cạnh đó, theo Ủy ban bảo vệ nhà báo, chính quyền Việt Nam gần đây đã thi hành những biện pháp giới hạn quyền tự do Internet : gia tăng kiểm soát các trang blog, ra những luật mới ngăn cấm việc đăng tải trên mạng những thông tin bị xem là « gây phương hại an ninh quốc gia » và « phá hoại đoàn kết dân tộc », triển khai một lực lượng gọi là « hồng vệ binh », tức là những an ninh đóng giả cư dân mạng chuyên đả kích các blogger đối lập. Một dự thảo nghị định mới còn buộc các công ty Internet ngoại quốc phải hợp tác với chính quyền Việt Nam và phải đặt các máy chủ ở Việt Nam.
Trong bài viết đăng trên báo điện tử Asia Times (
www.atimes.com ) hôm nay, tác giả David Brown, nhận định rằng, chiến dịch trấn áp các trang blog chính trị chính là hậu quả của cuộc đấu đá nội bộ giữa phe Nguyễn Tấn Dũng với phe Trương Tấn Sang, đặc biệt trang blog Quan Làm Báo bị đánh là vì trang này đăng nhiều thông tin chỉ trích ông Dũng
Source: RFI