Tiếp sau bộ phim báng bổ đạo Hồi sản xuất tại Mỹ, nay đến lượt các tranh biếm họa Mohamed của một tờ báo Pháp gây tranh cãi về vấn đề tự do ngôn luận và trách nhiệm của người làm truyền thông tại các nước phương Tây dân chủ.
Cũng như chính phủ Mỹ không thể cấm chiếu bộ phim « Sự vô tội của người Hồi giáo », chính phủ Pháp không thể ngăn cản tuần báo châm biếm Charlie Hebdo đăng các bức tranh biếm họa về đấng tiên tri Mohamed của người Hồi giáo.
Giám đốc xuất bản tuần báo trào phúng Charlie Hebdo, người chịu trách nhiệm về số báo gây tranh cãi về tự do ngôn luận ra ngày 19/9/2012, AFP PHOTO FRED DUFOURTừ hôm thứ Ba (18/9), chính phủ của Đảng Xã hội cánh tả đã nhắc lại rằng tự do ngôn luận là một « quyền căn bản » của mọi công dân, tuy rằng họ không đồng tình với những hành động thái quá hoặc khiêu khích. Tại Pháp, quyền tự do báo chí đã được công nhận và bảo đảm trong Hiến pháp từ năm 1881 và đây là một trong những quyền tối thượng không ai được đụng đến.
Charlie Hebdo là một tờ báo trào phúng cánh tả, vốn có truyền thống không ngại đụng chạm với bất cứ ai. Những bức biếm họa về Mohamed của Charlie Hebdo thật ra cũng giống như những bức biếm họa khác mà tờ báo này vẫn thường đăng tải về đủ mọi đề tài xã hội, chính trị, tôn giáo. Lần này, chủ đề các bức biếm họa của tờ báo là cuộc tranh cãi chung quanh bộ phim báng bổ đạo Hồi sản xuất tại Mỹ. Tờ báo đả kích những người làm phim cũng như chỉ trích phản ứng cực đoan của người Hồi giáo về bộ phim này. Trong các bức biếm hoạ, có hai bức vẽ tiên tri Mohamed trần truồng.
Nhưng đụng đến Hồi giáo cũng giống như đùa với lửa. Tờ báo này đã từng bị đốt cháy vào cuối năm 2011 sau khi đăng những bức biếm họa đầu tiên về Hồi giáo. Lần này cũng thế, hôm qua, độc giả đã tranh nhau mua số báo của Charlie Hebdo, 75 ngàn bản đã được bán sạch chỉ nội trong ngày hôm qua. Nhưng nhiều người mua xong thì xé ngay để tỏ thái độ phẩn nộ.
Tại Pháp, Nhà nước, tức là thế quyền, đã tách khỏi các Giáo hội, tức là thần quyền từ năm 1905. Truyền thống châm biếm, đả kích các chức sắc tôn giáo cũng đã có ở Pháp từ hơn một thế kỷ qua. Nhà nghiên cứu lịch sử báo chí tại đại học Sorbonne được hãng tin AFP trích dẫn hôm qua cho rằng : « Ta có thể báng bổ mọi tôn giáo. Trong bối cảnh hiện nay, Charlie Hebdo đúng là có ý khiêu khích, nhưng tờ báo này làm đúng vai trò của họ khi khẳng định rằng trong một quốc gia thế tục và theo thể chế Cộng hòa, người ta có quyền chế giễu mọi biểu tượng thiêng liêng ».
Giám đốc xuất bản của Charlie Hebdo, họa sĩ châm biếm bút danh Charb hôm qua cũng nói rằng : « Chúng tôi không phải những người gây ra bạo lực. Tôi không phài là người cầm súng và bom xăng xuống đường để tấn công các tòa đại sứ ». Ông nói thêm rằng, "nếu chỉ vì 250 người quá khích biểu tình trước sứ quán Mỹ mà phải hoãn không không đăng các bức biếm họa, thì chẳng khác gì chính họ là người làm ra luật ở Pháp ».
Nhưng đối với các chuyên gia khác, như nhà chính trị học Philippe Braud, quyền tự do ngôn luận không nên vượt quá giới hạn của xúc phạm tôn giáo. Trong giới báo chí Pháp, không phải ai cũng tán đồng với hành động của tờ Charlie Hebdo. Trong bài xã luận hôm qua, tờ Le Monde đã đặt câu hỏi : « Chủ nghĩa cực đoan : Có nên đổ dầu vào lửa ? »
Có lẽ mấu chốt vấn đề đó là ở chỗ này. Không ai có thể bác bỏ quyền của ban biên tập tờ Charlie Hebdo đăng các bức biếm họa Mohamad, nhưng người ta có thể trách họ đã quyết định đăng các bức họa đó trong lúc này, khi mà làn sóng biểu tình phẫn nộ tại các nước Hồi giáo đang dâng cao sau bộ phim báng bổ đạo Hồi của đạo diễn Mỹ. Những kẻ cực đoan, những người không có chút khái niệm gì về tự do ngôn luận sẽ lại càng có cớ để kích động một cuộc thánh chiến chống phương Tây, tức là chống nền dân chủ nói chung.
Source: RFI
Sửa bởi người viết 20/09/2012 lúc 08:42:49(UTC)
| Lý do: Chưa rõ