LTS: Việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, và chỉ cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý, khiến người Việt Nam khắp nơi sôi sục, và tranh chấp Biển Đông thêm căng thẳng. Sự kiện này có ý nghĩa và tạo ra những tác động gì, tại sao Trung Quốc lại có hành động cả quyết như vậy trong lúc này. Tiến sĩ Peter Navarro, chuyên gia về Trung Quốc, giáo sư đại học University of California, Irvine, tác giả hai cuốn sách bán chạy "The Coming China Wars," và "Death By China - Confronting the Dragon - A Global Call to Action" chia xẻ nhận định của ông, qua cuộc phỏng vấn do Hà Giang thực hiện.
Tiến Sĩ Peter Navarro giải thích về hiểm họa Trung Quốc trong buổi hội thảo ra mắt cuốn sách "Death By China - Confronting the Dragon - A Global Call to Action", tại Beckman Center, Irvine, ngày 7 tháng Sáu, 2011. (Hình: Hà Giang/Người Việt)
Hà Giang (NV): Theo nhận định của tiến sĩ, tác động của việc Trung Quốc đưa dàn khoan dầu vào vùng biển Đông thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam là gì, và tại sao Trung Quốc lại chọn thời điểm này?
Tiến sĩ Peter Navarro: Trung Quốc đã hiếp đáp Việt Nam kể từ khi chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 và bắn giết biết bao người dân Việt Nam vô tội trong trận chiến đẫm máu tại bãi Gạc Ma, quần đảo Trường Sa, năm 1988. Càng lớn hơn và càng mạnh hơn, Trung Quốc càng ngang nhiên tiến chiếm những gì họ có thể tước đoạt từ những quốc gia nhỏ hơn và yếu hơn như Việt Nam. Trung Quốc sẽ cướp đi của người dân Việt Nam cả quyền đánh bắt cá lẫn khối dầu khí tự nhiên. Điều tồi tệ nhất là các nhà lãnh đạo và phương tiện truyền thông Trung Quốc luôn luôn đưa ra những tuyên truyền giả mạo rằng Trung Quốc là một quốc gia yêu chuộng hòa bình. Trên thực tế, Trung Quốc là một quốc gia chuyên hiếp đáp những nước yếu.
NV: Ngoài việc lên tiếng phản đối và yêu cầu Trung Quốc lập tức “ngừng ngay tất cả các hoạt động bất hợp pháp” và “thu hồi các giàn khoan” ở vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, chính phủ Việt Nam có thể làm được gì, và nên làm gì, thưa tiến sĩ?
Tiến sĩ Peter Navarro: Việt Nam cần phải thuyết phục và liên kết mật thiết với các nước khác trong khu vực cũng như Hoa Kỳ để tạo thành mặt trận thống nhất chống lại một Trung Quốc tham lam. Việt Nam cần tìm mọi cách sử dụng lực lượng quân sự, trong lúc bất ngờ, giữa đêm khuya, nếu cần thiết, để phá hủy các giàn khoan mà Trung Quốc ngang nhiên mang vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hãy làm thế để cho Trung Quốc phản ứng, rồi thế giới sẽ thấy rõ Trung Quốc là một mối nguy hiểm lớn như thế nào cho hòa bình trong khu vực.
NV: Việc làm được Việt Nam cho là "bất hợp pháp" và "xân lấm chủ quyền một cách nghiêm trọng" này của Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng gì đến những quốc gia trong vùng?
Tiến sĩ Peter Navarro: Qua đường lưỡi bò chín đoạn, Trung Quốc đã từng tuyên bố và hành xử như thể toàn bộ Biển Đông là “ao nhà” của họ. Mỗi tấc đất biên cương, mỗi hải lý biển đảo nhường cho Trung Quốc là mất đi vĩnh viễn. Tất cả các nước trong vùng đều bị ảnh hưởng, đều là nạn nhân của chính sách xâm lược hung hăng của Trung Quốc.
NV: Trước tình hình này, Hoa Kỳ có nên tỏ thái độ, và nếu có thái độ, thì phải phản ứng như thế nào?
Tiến sĩ Peter Navarro: Hoa Kỳ không thể can thiệp trừ khi Việt Nam yêu cầu được giúp đỡ. Mời Hoa Kỳ thiết lập các căn cứ quân sự và hải quân sẽ là một bước đầu tốt cho việc kiềm chế sự xâm lăng của Trung Quốc.
NV: Cảm ơn giáo sư đã dành thì giờ cho cuộc phỏng vấn.
Hà Giang/Người Việt