logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
xuong  
#1 Đã gửi : 09/05/2014 lúc 05:48:37(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Sau mấy tháng băng giá mùa đông, mùa xuân đã thực sự đến với miền đất hạnh phúc này. Làng An Lạc của chúng tôi đã sinh hoạt náo nhiệt trở lại, khởi đi từ lễ Phục Sinh. Thật đúng như lời ông cha già Paolo: Chúa Sống lại từ cõi chết đã kéo theo vạn vật cùng sống lại với ngài. Cỏ hoa sau bốn tháng bị chôn vùi dưới tuyết nay đã sống lại, đã trỗi dậy, rất sung mãn. Cụ Chánh chỉ vào lớp cỏ xanh đang nhú lên khỏi mặt đất: Đây là phép lạ nhãn tiền. Cỏ cây đã chết trong mùa đông, ai đã làm cho chúng sống lại? Không những sống lại mà còn trổ ra bông vàng bông đỏ, mà còn sinh ra trái thơm trái ngọt. Ai đây? Thiên Chúa chứ còn ai! Các cụ đã thấy cụ Chánh tiên chỉ làng tôi bây giờ sùng đạo Chúa chưa? Tôi nhớ hồi tháng trước đầu mùa Phục Sinh, anh chị John rủ cụ đi dự Lễ Tro ở nhà thờ. Cụ cũng lên nhận tro như mọi người. Lúc Cha Paolo xức một chút tro lên trán cụ rồi nói: “Cụ hãy nhớ mình là tro bụi, rồi sẽ trở về tro bụi ”. Cụ nghe xong liền chảy nước mắt.
Sau lễ Phục Sinh là lễ Các Bà Mẹ, Mother’s Day. Không biết các nơi khác thế nào chứ ở Canada lễ này mừng lớn lắm. Đây là dịp con cái nhớ đến công ơn Mẹ. Làng tôi có một truyền thống bất thành văn là phe liền ông phụ trách nấu cỗ thết các bà trong ngày đại lễ này, và phe các bà sẽ nấu cỗ trong ngày lễ tôn vinh các người Cha, Father’s Day, vào tháng sau.
Ông ODP là trưởng ban nấu cỗ năm nay. Cỗ được tổ chức tại nhà ông. Nói là cỗ nhưng không phải là ‘cỗ’ theo lối Bắc Kỳ. Ông cười hà hà: Nếu làm cỗ theo lối Bắc Kỳ ngày xưa thì vất vả lắm, mâm cỗ phải có đủ 10 món, chia làm 5 bát và 5 đĩa. Tôi là dân Bắc Kỳ nhưng quá nửa đời sống trong Nam, tôi là dân có máu Nam Kỳ nhiều hơn máu Bắc Kỳ. Ông đã nấu một món canh cá rất đỗi Miền Nam, theo lối dã chiến của nhà binh, vừa lẹ vừa ngon hết biết. Khi miếng cá trong nồi canh có thể dùng đũa tách ra khỏi xương là coi như cá đã chín, đó là lúc bỏ đồ bồi vào, nào bạc hà, nào giá, nào đậu bắp, nào cà chua, nào rau om. Bỏ vào lúc nồi canh đang sôi, khi nó sôi trở lại là bưng ra nhậu liền. Mời cụ xơi với bún, với cơm tùy ý. Ngon quên chết. Cụ B.95 vừa ăn vừa nói: Lần đầu tiên tôi nghe một tiếng mới của Miền Nam. Đố các bạn biết tiếng đó là tiếng gì? Nào có ai để ý đâu! Cụ cười rồi nói: Đó là tiếng ‘đồ bồi’. Người Miền Nam gọi các thứ rau cho vào nồi canh cá lúc nãy là ‘đồ bồi’. Rõ ràng ông ODP đã nói đi nói lại tiếng này. Ông gốc Bắc Kỳ nhưng cái tâm cái trí của ông là Nam Kỳ đặc. Năm xưa, chắc chắn ông phải có người yêu Nam Kỳ, cái điệu như ông thì không những chỉ có một mà dám có nhiều cô bồ Nam Kỳ. Chị Ba Biên Hòa nói lớn tiếng ngay: Dĩ nhiên rồi, chắc phải có nhiều cô Nam Kỳ mê ông lắm. Mà đâu phải chỉ Nam Kỳ, chính ông ngày xưa đã thú rằng ông xém chết vì mấy cô Huế nữa cơ mà! Cả làng cười ồ lên, và ai cũng gật gù đồng ý về lập luận của chị Ba. Ông ODP cười hà hà khỏa lấp: Hôm nay ngày tôn kính các bà mẹ, chúng ta phải nói các chuyện tôn vinh các bà mẹ, cớ sao lại lấy chuyện người yêu Nam Kỳ và Trung Kỳ của tôi ra mà nói. Anh John đâu, vợ anh đang tố khổ tôi, xin anh đừng theo gương vợ mà lạc đề, bữa nay xin anh hãy nói về ‘lòng mẹ bao la như biển Thái Bình’ coi.
Anh John đáp ngay: Xin tuân lệnh. Mới đây có người xin tôi kể một câu chuyện về Mẹ mà tôi cho là hay nhất. Thật khó quá chứ. Nói về lòng Mẹ thì bao nhiêu là chuyện. Nhưng chuyện nào hay nhất? Cái khó là ở chữ hay nhất này. Nó tùy hoàn cảnh. Tôi đem đề tài khó này hỏi một ông bạn già. Ông này gốc nhà binh. Ông kể cho tôi một câu chuyện khi ông còn tại ngũ khi xưa. Chuyện như sau:
Hồi đó tôi có một chú lính làm vệ sĩ. Một hôm hai thày trò cùng tiểu đoàn đi hành quân. Bất ngờ chúng tôi bị lọt ổ phục kích. VC bắn như mưa. Nhờ phúc đức tổ tiên, chúng tôi thoát chết. Chú vệ sĩ mặt tái mét không còn giọt máu. Về đến trại, bỗng chú òa lên khóc ‘Mẹ ơi, mẹ đã cứu con…’. Tôi hỏi tại sao khóc thì chú nức nở: Tháng trước em được đi phép, em về nhà thăm mẹ. Nhà em nghèo lắm, mẹ em suốt ngày tần tảo ngoài chợ bán rau. Mẹ em chắt chiu để dành từng đồng. Thấy em về thì mẹ em đập con heo đất lấy hết tiền để dành đi mua một ký thịt heo và làm ruốc (chà bông) cho em. Mẹ em bỏ hết ruốc vào cái lon guigoz này. Em từ chối, em nhất định không lấy vì lòng dạ nào mà ăn ruốc khi hằng ngày mẹ em ăn cơm hẩm với mắm. Mẹ em nhất định bắt em lấy. Bà nhét lon ruốc vào cái bị đeo vai này. Em vừa đeo cái bị này đi hành quân. Em về thấy cái bị có vết đạn. Em mở bị ra coi, và thấy lon ruốc bị bể. Một viên đạn của VC nằm gọn trong lon ruốc này. Thế có nghĩa rằng nếu không có lon ruốc đỡ đạn thì viên đạn này đã bắn vào tim em rồi! Lon ruốc của mẹ đã cứu em…

Chuyện thật là cảm động. Nhưng chưa hết. Ông bạn già kể tiếp.
Ít lâu sau chú lính nghe tin mẹ đau nặng nên tôi cho chú mấy ngày về thăm. Hết phép, về trại, chú kể: Sếp ơi, mẹ em xém chết. Sau lon ruốc thứ nhất, mẹ em lại chắt chiu định làm cho em lon ruốc thứ hai. Chị em kể: Tuần qua, mẹ đi bán rau cải chợ chiều, lúc về mẹ cho chị thấy miếng thịt. Mẹ bảo sẽ làm ruốc ngay cho em vì thịt còn tươi. Nào ngờ mẹ mệt quá, mẹ đuối sức ngã lăn ra bếp. Thấy động, chị em chạy xuống thì thấy mẹ đã xùi bọt mép. Chị tri hô lên, ông hàng xóm chạy sang, rồi nhờ có xe ông chở mẹ đi trạm y tế, và người ta cứu kịp…

Anh John kể tiếp: Đó là chuyện về lòng mẹ mà ông bạn già của tôi ở Biên Hòa ngày xưa kể. Tôi cũng vừa đọc trên báo mạng chuyện một ông linh mục Đại Hàn tên là Lee Tae-Seok. Các bạn có bao giờ nghe chuyện này chưa? Trong giới nhà thờ Công Giáo thì ai cũng biết chuyện Cha Lee. Chắc ông này sẽ là vị thánh đầu tiên của Thế kỷ 21. Ông sinh năm 1962, là người con thứ 9. Gia đình rất nghèo nhưng sống rất đạo đức. Cha ông chết sớm, mẹ ông tần tảo nuôi một đàn con 10 đứa. Ông bản chất thông minh, học giỏi. Ông thấy người anh đã đi tu nên ông cũng muốn đi tu theo, nhưng mẹ ông không cho. Mẹ ông muốn ông học làm bác sĩ. Để làm đẹp lòng mẹ, ông vâng lời học y khoa và ông đã thành một bác sĩ y khoa nổi tiếng trong quân đội Đại Hàn. Sau đó ông thưa với mẹ: Con đã vâng lời mẹ, đã học y khoa. Nay xin mẹ cho con được theo lời Chúa gọi. Mẹ ông gật đầu và ông đã đi tu dòng Don Bosco, dòng chuyên tâm phục vụ giới trẻ. Khi ông sắp chịu chức linh mục thì ông được Nhà Dòng cho ông đi thăm xứ Sudan ở Phi Châu. Ông đến thăm khu người cùi ở miền Tonj. Lần đầu tiên thấy người cùi bẩn thỉu nghèo nàn dơ dáy thì ông ngất xỉu. Lúc tỉnh lại thì ông xin lỗi về việc ngất xỉu này, ông xin hứa cải thiện và sẽ trở lại. Về Đại Hàn lãnh chức linh mục xong thì ông xin trở qua Sudan, xin được phục vụ khu người cùi ở Tonj trước đây. Ông đến sống giữa lớp người bệnh tật đau khổ bần hàn và tuyệt vọng này. Ông kêu gọi bạn bè giúp đỡ. Và ông đã làm được phòng chữa bệnh, nhà thương. Ông vừa là bác sĩ vừa là y tá tự tay băng bó và chữa bệnh cho nhiều người. Bệnh nhân khắp nơi chạy về đây. Ông làm việc cả ngày lẫn đêm. Ngoài tài chữa bệnh, ông còn tài âm nhạc, ông ca hát và thổi kèn rất hay. Ông lập ra một ban nhạc cho lớp trẻ ở đây. Ai cũng chạy đến với ông. Ông sống với người Sudan nghèo khổ bệnh cùi được hơn 9 năm thì thấy sức khỏe xuống dốc kỳ lạ. Ông về lại Đại Hàn để chẩn bệnh. Người ta khám phá ra ông bị ung thư cột sống và gan ở vào giai đoạn cuối cùng, vô phương cứu chữa. Và ông đã ra đi vĩnh viễn ngày 14 tháng Giêng 2010, vừa tròn 47 tuổi. Trong lễ an táng người ta thấy bà mẹ ông ôm xác con mà khóc ngất không thôi. Nhà Dòng đã làm một đoạn phim ngắn về cuộc đời của Cha Lee. Ai xem xong cũng thấy lòng mình xúc động. Một vị lãnh tụ già của một tôn giao lớn đã nói: Các đạo hữu của tôi mà xem đoạn phim cảm động này thì chắc họ sẽ xin nhập đạo Công Giáo của Cha Lee hết.

Nghe anh John kể đến đây thì cả làng An Lạc đều đòi anh John cho xem đoạn phim gây xúc động này. Anh bảo đoạn phim có tên là: ‘Hỡi Sudan, xin đừng khóc thương tôi / Don’t Cry for Me, Sudan’. Bạn lên mạng, mở tìm Lee Tae Seok là thấy liền.

Nghe Anh John kể chuyện Cha Lee vì vâng lời mẹ mà học y khoa, nhờ vậy mà ngài đã chữa bệnh và cứu được bao nhiêu người cùi ở Sudan, tôi chợt nhớ tới những lời bà mẹ của cụ Huỳnh Văn Lang. Các bạn đã đọc hai cuốn sách mới nhất của nhà văn lớn Huỳnh Văn Lang chưa? (Ký Ức Huỳnh Văn Lang, tập I-2011 và tập II-2012). Nếu chưa thì nên đọc ngay. Hay vô cùng, hay thấm thía. Tác giả nói đi nói lại 4 lời mẹ ông dặn:
+ Con làm cái gì, dù chơi nhỡn, cũng phải làm đến nơi đến chốn. Không làm thì thôi, đừng mất thời giờ vô ích…
+ Đừng bao giờ nhổ nước miếng xuống giếng mà con đã uống nước, dù chỉ một lần thôi.
+ Tiền cho người là tiền bỏ ống
+ Bạn gái, con phải xem là chị của con, là em của con, không nên làm hỗn
(Ký Ức Huỳnh Văn Lang, tập II, trang 679)

Trên đây tôi vừa gọi Cụ Lang là nhà văn lớn. Gọi xong thì tôi thấy không ổn, vì viết văn chỉ là một mặt nhỏ của Cụ mà thôi. Tôi gọi là Cụ vì năm nay Cụ đã ngoài 90. Cụ là con trai một đại điền chủ Miệt Vườn, ở Trà Vinh. Thời mới lớn Cụ đã đi tu, xém làm linh mục. Cụ là bạn học với ba vị giám mục nổi tiếng Nguyễn Kim Điền, Nguyễn Văn Nam và Nguyễn Văn Bình. Cụ là người có đầu óc lớn, luôn luôn cầu tiến. Cụ đã xuất dương du học tại Pháp, Canada và Mỹ. Năm 1954, đáp lời kêu gọi của Ông Ngô Đình Diệm, Cụ đã hồi hương giúp nước. Cụ đã sống một thời gian đầu với Ông Diệm ngay trong Dinh Gia Long. Cụ Huỳnh Văn Lang là người đa tài, vừa có tài vừa có lòng vừa có trí. Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, về mặt chính quyền thì Cụ phụ trách Ngân Hàng Quốc Gia, về mặt văn hóa thì Cụ lập ra Hội Văn Hóa Bình Dân vừa dạy chữ vừa dạy nghề cho không biết bao nhiêu ngàn người trên toàn cõi Miền Nam. Cụ lập ra một tờ báo hết sức trí thức, đó là tờ Bách Khoa, hồi xưa Miền Bắc chỉ nể có tờ này. Sau 1963, Cụ Lang đi vào ngành thương mại, từ nhập cảng xe Honda tới các ngân hàng tư, tới xuất cảng gỗ sang Nhật, ngành nào cũng thành công. Ngoài việc buôn bán, Cụ còn những cái thú tiêu khiển của một công tử nhà giàu, rất rành rẽ, như đá cá, đá gà, đi săn. Cái gì cũng đạt mức thượng thặng. Cụ bảo cụ theo đúng lời mẹ dạy mà. Tôi mê nhất 40 trang Cụ viết về cuộc đi săn cọp ở làng người Thượng Pang-Sim vùng Tùng Nghĩa miền Đà Lạt. Phải là người trong cuộc, biết rành về súng săn, biết đường đi nước bước của con thú, biết cách ngụy trang chờ mồi, biết kiên nhẫn, thì Cụ mới viết hay và hấp dẫn như thế. Cụ đã làm độc giả hồi hộp hơn 40 trang giấy, mãi ở trang cuối cùng Cụ mới nổ súng và hạ được một con cọp rất lớn. Đọc xong chuyện đi săn này của Cụ Lang thì tôi mới suy ra rằng: xưa nay các bài tả về săn bắn, tôi cho rằng đa số tác giả đều phịa, đều dùng trí tưởng tượng. Chỉ có Cụ Lang là người thực việc thực. Lời Cụ viết ra là lời đích thực và có thẩm quyền. Giọng văn người Miền Nam nhưng văn có thần.
Qua 1500 trang sách của hai tập hồi ký, tôi học được rất nhiều, nhất là về lịch sử. Chẳng hạn khi vừa thu hồi độc lập, Quốc trưởng Bảo Đại đã ký sắc lệnh ngày 2.5.1945 cho thả hết mọi tù chính trị đang bị giam ở Côn Đảo, khoảng hơn mười ngàn người, trong số này chỉ có chừng 150 người tù gốc quốc gia, tất cả còn lại đều là tù gốc cộng sản do Pháp bắt giam từ thời XôViết Nghệ Tĩnh. Nhóm tù cộng sản này dẫn đầu là Lê Duẫn, Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng… Sau khi được thả, nhóm này đã không ra Bắc mà ở lỳ lại Miền Nam, lập chiến khu ở Miền Nam. Chính nhóm này đã đánh phá Miền Nam, giết không biết bao nhiêu người Quốc Gia.
Chẳng hạn Hồ Chí Minh có tới 7 vợ: Ở Pháp thì có Cô Bourdon, Cô Bière, ở Tàu thì có Cô Mao Từ Mẫn, Cô Lý Xảo Văn, cô Tăng Tuyết Minh, ở Hong Khong thì lấy Cô Nguyễn Thị Minh Khai vợ của đồng chí Lê Hồng Phong, về hang Pac Bó thì có cô Đỗ Thị Lạc, rồi cô Nông Thị Xuân…
Phần lớn nội dung nói về chính trị, văn hóa, xã hội nhưng hai cuốn sách này không khô cứng khó đọc. Tôi thấy nhiều chỗ cũng ướt át lắm, như khi Cụ viết về mấy người đẹp, Cô Huyền, Cô Tám, Cô Andrée. Nhiều chỗ cũng nổ lửa như khi Cụ chê GS Vũ Quốc Thúc có nhiều thành kiến sai lầm, chê Ông Nguyễn Hữu Hanh, Tổng Giám Đốc Ngân Hàng Quốc Gia, đã làm nhiều việc bất công, chê Thượng tọa Thích Trí Quang là láo…

Nghe tôi kể đến đây thì ông ODP cắt ngang. Ông bảo nhân chuyện bác Hồ nhiều vợ, và nhân bài tháng trước ông Trà Lũ nói tới chữ CÓC đồng nghĩa với chữ ‘Không’, ông chợt nhớ tới lãnh tụ Võ Văn Kiệt của VC. Cụ Kiệt sống tới 85 tuổi mới lấy vợ. Vợ cụ là bà Phan Lương Cầm, kỹ sư hóa học. Thiên hạ cười Cụ Kiệt là trâu già gặm cỏ non, nên mới có thơ rằng:

Cụ Kiệt cưới Cô Cầm
Cái cô Cầm cần, cụ Kiệt cóc có
Cái cụ Kiệt có, cô Cầm cóc cần…

Dân làng tôi đã bò ra cười, mãi mới thôi.

Tiện đây tôi xin xưng một tội lẫn: Trong bài Đánh Tan Quân Tàu vừa qua, khi nói tới Hiệp định đình chiến 1973, tôi gọi là Hiệp Định Geneve. Tôi đã lẫn. Đó là Hiệp Định Paris, cái hiệp định mà Hoa Kỳ bắt ép VNCH phải ký, rồi họ buông xuôi, rồi gián tiếp giao Miền Nam cho Cộng sản. Tôi than với một bà trong nhóm bạn già là vì tôi già nên lú mất rồi. Bà già này rất gân, bà già tóc già tai chứ cái đầu không hề già. Bà cười ha hả rồi đọc tặng tôi một bài thơ. Hôm nay đầu mùa xuân, ngày rộng tháng dài, nhân đang nói chuyện chữ nghĩa, tôi xin chép nguyên văn bài thơ của bà già gân ra đây để các cụ đọc chơi cho vui nha:

Già Ơi Chào Mi
Ngày xưa sáu chục đã già
Bi chừ tám chục vẫn còn là son
Điện thoại tán gẫu cười giòn
Tía lia như thuở trăng tròn mười lăm
Tại sao ta phải quan tâm
Chuyện ngồi xe đẩy hay cầm ba toong?
Cứ tin mình vẫn còn ngon
Dù đủ chín chục hay tròn một trăm
Việc chi khóc kín than thầm
Trời dù có sập cái rầm đã sao
Bỏ qua những chuyện tào lao
Dùng internet nói khào mua vui
Yêu đời như bọn tụi tui
Khi gần nhắm mắt còn cười ha ha

Đọc xong bài thơ tếu này các cụ phương xa có thấy bọn tôi vui không. Bà bạn già này còn bảo: Tên của bọn mình không phải là ‘các cụ già’ mà là ‘nhóm thanh niên thanh nữ cao niên’ nha.
Tôi đem chuyện tếu này kể cho một ông bạn già khác thì ông già này cười hắc hắc rồi kể một câu chuyện. Rằng trong một buổi tiệc mừng một cụ già 100 tuổi, có người xin cụ bí quyết sống lâu. Cụ này cười rồi bảo: Tôi có bí quyết gì đâu! Mỗi sớm mai thức dậy, tôi cám ơn Trời đã cho tôi còn sống, rồi tôi tự hỏi hôm nay tôi muốn sống ở thiên đàng hay ở hỏa ngục. Dĩ nhiên là tôi chọn thiên đàng. Và tôi bắt đầu một ngày mới như sống ở thiên đàng vậy. Cái bà già tếu kia chắc vẫn cho mình ngày nào cũng sống ở thiên đàng. Đã ở thiên đàng thì làm gì còn nghĩ bậy, còn nói hành nói xấu, còn ăn cắp, còn đánh nhau…

Rồi phe các bà xin anh John nói về những nét đặc biệt của tiếng Việt mà anh là ngoại nhân đã nhìn thấy. Xưa nay anh John có những nhận xét về tiếng Việt rất hay, những thứ mà chúng ta nói đã quen miệng, nghe đã quen tai nên không nhìn ra. Anh kể: Tuần qua tôi chợt tìm thấy trong tập ca dao dân gian có mấy câu mà nam nữ ngày xưa tỏ tình rất hay và rất thơ. Chẳng hạn anh con trai khen cô gái như thế này:
Em ăn em nói em cười
Kiếp này không có hai người như em!
Hay quá chứ. Tôi mà là cô gái và được bạn trai khen như vậy thì chắc tôi ưng anh này liền, cho anh ta bàn tay tôi liền.
Chỗ khác tôi thấy câu anh con trai tán cô gái cũng hay thấm thía:
Trên trời có vạn ngôi sao
Hai ngôi sáng nhất lọt vào mắt em!
Con trai Việt Nam tán gái vừa văn chương vừa giầu trí tưởng tượng quá chứ!
Rồi anh John cười hì hì. Nhưng mà có một giai thoại kể rằng: cái anh kia vừa tán cô gái bằng hai câu thơ trên đây, cô gái đáp lại ngay.
Trên trời có vạn ngôi sao
Hai ông nặng nhất lọt vào miệng anh!
Nghe xong thì thấy câu đáp lễ cũng quá hay và khen cô gái quả là mau trí. Nhưng nếu ta nghĩ thêm chút nữa thì thấy không phải cô gái khen mà là cô ấy chê. Cô gái chê anh này nói xạo. Này nha, cô ta bảo: ‘sao nặng’, sao nặng nếu đánh vần thì hóa ra là ‘sạo’, tức là anh ba xạo!
Các bạn trẻ nào chưa có vợ nên cẩn thận, đi tiệc tùng mà được cô gái khen là có ‘ngôi sao nặng lọt vào miệng’ thì hiểu là cô ta chê đó.

Đến đây thì bà cụ B.95 giơ tay xin nghe chuyện thời sự. Cụ bảo mỗi lần họp làng là mỗi lần cụ được 3 sự sung sướng: ăn ngon, cười nhiều và biết thêm tin thời sự. Đây là phần vụ của anh John. Anh John xin kể ngay.
Chuyện thứ nhất là chuyện chính trị ở Québec sát ngay Ontario của chúng ta. Thuở xưa, người da trắng đầu tiên đến buôn bán rồi lập nghiệp ở Canada này là người Pháp, con cháu của ông Tây Jacques Cartier. Người Pháp đến trước, người Anh đến sau. Hai sắc dân này tranh đất của nhau, rồi đánh nhau, rồi Anh thắng, Pháp thua. Con cháu người Pháp vẫn nhớ cái thua trận này. Tuy Quebec là một trong 4 tỉnh bang đầu tiên lập ra nước Canada, người Pháp vẫn thấy ấm ức trong lòng và thấy mình bị ăn hiếp. Người Pháp đã chuyền cái ấm ức và cái hận này xuống cho con cháu, do đó mới có phong trào đòi ly khai là thế. Đảng chủ trương ly khai là đảng Parti Quebecois. Đảng này đã nắm chính quyền mấy lần và họ đã tổ chức trưng cầu dân ý hai lần, năm 1980 và năm 1995. Tuy họ thất bại nhưng cái đảng này đã làm Canada ngộp thở và xém chết. Nhiệm kỳ vừa qua đảng Parti Québecois cầm quyền nhưng vì là chính phủ thiểu số nên không đủ sức mạnh. Họ tổ chức bầu cử lại quốc hội mong sẽ nắm đa số để tổ chức trưng cầu dân ý về việc ly khai, lần thứ ba. Cuộc bầu cử đã diễn ra ngày 7 tháng Tư vừa qua, và đảng Parti Québecois thảm bại, chỉ được 30 ghế quốc hội. Đảng Tự Do thắng lớn, chiếm tới 70 ghế. Ai cũng nghĩ rằng từ nay dân Quebec sẽ hết nhức đầu. Dân chúng Quebec bây giờ đa số là lớp trẻ và là di dân nên sẽ không còn nghĩ tới việc ly khai nữa.
Tin thời sự thứ hai: Bước vào mùa xuân, rừng hoa tulip ở thủ đô Ottawa bắt đầu nở, dân thủ đô đang chuẩn bị Hội Chợ Tulip, và du khách đang bắt đầu chương trình đi Ottawa thăm vườn hoa nổi tiếng quốc tế này. Chắc các cụ còn nhớ nguồn gốc những cây hoa tulip này chứ. Thưa, những cây hoa này có gốc từ xứ Hòa Lan. Chuyện như thế này: Đầu Thế Chiến Thứ Hai, Hòa Lan bị Phát xít Đức tấn công. Hoàng Gia Hòa Lan đã sang Canada lánh nạn, và Nữ hoàng Hòa Lan đã hạ sinh một công chúa ở đây. Nhớ ơn này, khi về lại quê hương, mỗi năm Hoàng gia Hòa Lan đều mỗi gửi giống hoa tulip sang tặng Canada.
Tin thứ ba: Cũng tại thủ đô Canada, cộng đồng Người Việt Tự Do đã vận động và được chính quyền thủ đô Ottawa công nhận ngày 30 tháng Tư là ‘Black April Day’. Và nhờ có một thượng nghị sĩ Canada gốc người Việt là Ông Ngô Thanh Hải, dự luật ngày Quốc Hận 30 tháng Tư đã được đệ trình lên Thượng Viện.
Còn tin thời sự Việt Nam, thì Biển Đông vẫn là đề tài nóng bỏng. Tàu Cộng vẫn ngang nhiên chiếm đóng Trường Sa và Hoàng Sa của ta. Chúng đem tàu lớn tàu nhỏ đến hai đảo này vừa để canh phòng vừa để khai thác hải sản. Có một tờ báo lề trái ở Việt Nam đã ra một câu thách đối khá hay về việc này:
‘Tàu lạ tàu quen, tàu nào cũng là tàu Tàu.’
Mời các cụ cho câu đối lại nha.
Tin thời sự sau cùng: Tại thành phố Toronto vừa có một nhạc hội thính phòng rất đáng ca ngợi. Nhạc hội này không do một hội đoàn hay một nhóm văn nghệ nào tổ chức, mà chỉ do một cá nhân đứng ra làm từ A tới Z. Đây là một người nghệ sĩ rất nghệ sĩ. Anh đứng ra tổ chức không nhằm lợi nhuận mà chỉ để thỏa lòng yêu quê hương, yêu văn nghệ. Tên người hùng là Hoàng Mạnh Hùng. Anh đã tổ chức những buổi nhạc thính phòng như thế này nhiều năm. Anh có một số khán giả chọn lọc. Anh mướn một hội trường nhỏ của Canada, chừng 150 chỗ ngồi. Chương trình do anh soạn lấy. Chủ đề năm nay là ‘Tình tôi’, tiếng hát chính là nữ ca sĩ Lê Uyên từ Hoa Kỳ sang với hai ca sĩ ở Toronto là Khánh Ly Trần và Nhật Lâm. Những bài ca tiêu biểu của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn và Lê Uyên Phương được trình bày rất hay. Âm thanh và ánh sáng hoàn hảo. Suất hát rất thành công. Khán thính giả đều có trình độ. Một điều đặc biệt là ở đầu, giữa và sau suất hát, khán thính giả được mời ăn tối. Bữa ăn đứng rất nhẹ nhàng, ngon miệng và thoải mái. Xưa nay chưa hề có suất hát nào cho ăn tối ngon như thế này. Xin hoan hô người nghệ Sĩ Hoàng Mạnh Hùng. Chúng tôi đang chờ tin suất hát sang năm.

Sau phần tin thời sự thì ông bồ chữ ODP xin kể một chuyện. Ông bảo tuần rồi ông tình cờ mở tập sách cổ đã gặp một câu chuyện về Đức Khổng Tử. Rằng ngày kia có một người khách lạ từ phương xa mang một mớ sách cổ đến biếu ngài. Ông khách chưa kịp nói gì thì Khổng Tử hỏi ngay: Tiên sinh từ nước Vệ tới đây, phải không? Người khách giật mình kinh ngạc: Sao Phu Tử lại biết tôi là người nước Vệ? Khổng Tử đáp: Trên người tiên sinh có mùi tử khí. Người khách rùng mình hoảng sợ, nói ngay: Tôi là đại diện cho giai cấp lãnh đạo của nước Vệ, Ngài muốn rủa tôi, muốn tôi chết hay sao? Đức Khổng Tử thản nhiên trả lời: Tất cả người nước Vệ hiện thời đều có mùi tử khí hết vì thế người trong nước không ai ngửi ra đó thôi. Xưa nay tử thi thì phải chôn xuống đất hay đốt thành tro bụi, nếu để quá một tuần thì âm khí sẽ ám đến phạm vi một thành, nếu để quá trăm ngày thì âm khí sẽ ám tới cả nước. Hôm trước lão xem thiên văn, trông về nước Vệ thì thấy âm khí đã ám đến tận trời xanh, trùm khắp cõi đất. Người khách nghe xong liền toát mồ hôi, quả vua Vệ là Linh Công chết đã lâu mà con cháu chỉ tranh giành ngôi báu chưa chịu đem chôn…

Nói đến đây rồi ông ODP kết: Đọc xong câu chuyện này thì tôi thấy Cụ Khổng Tử quả là một nhà tiên trí lớn. Chuyện nước Vệ ngày xưa giống y chang nước Việt Nam ngày nay: Xác Hồ Chí Minh vẫn chưa chôn, vẫn còn nằm ở Hà Nội, tỏa ám khí ra cả nước, bè phái họ Hồ còn đang mải xâu xé đồng bào…
Xin Ơn Trên phù hộ chúng con.
Trà Lũ
—————
Tác giả Trà Lũ vừa xuất bản 2 tác phẩm mới: Đất Quê Hương 2, và 600 Chuyện Cười, và tái bản 3 cuốn chuyện cười cũ. Độc giả muốn mua những tập sách này, xin liên lạc trực tiếp với tác giả: petertralu@gmail.com
Ai đang xem chủ đề này?
Guest (3)
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.209 giây.