Một cuộc biểu tình trước sứ quán Trung Quốc tại Seoul đòi ngưng cưỡng bách hồi hương dân tỵ nạn Bắc Triều Tiên - REUTERS /Kim Hong-Ji ùinVề thời sự Châu Á, nhật báo Libération nhìn về bán đảo Triều Tiên qua bài viết : « Hành trình của người dân từ Bắc Triều Tiên sang Hàn Quốc ». Thông tín viên Eva John tại Seoul tường thuật lại trường hợp của bà Park Ji-su, một kiến trúc sư Bắc Triều Tiên, đã cùng gia đình chạy trốn khỏi chế độ độc tài do điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt.
Từ nay, bà sống tại Seoul và làm hướng dẫn viên cho du khách tại khu vực biên giới. Đồng thời, trái với phần đông những người tỵ nạn khác, bà nhiệt tình làm chứng về cuộc sống khốn khó tại đất nước khép kín nhất hành tinh này. Tuy không hề hối tiếc về quyết định ra đi của mình, bà Park Ji-su vẫn luôn rất gắn bó với quê hương.
Bà vẫn mơ ước được sống tại một thành phố sáng choang ánh điện trong khi tại quê hương của bà lại chìm ngập trong bóng tối một khi mặt trời đi ngủ. Đôi khi, chính quyền Bắc Triều Tiên chỉ cho dùng điện 1 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Theo bà Park Ji-su, đó là một vùng đất tươi đẹp, có nhiều cây cối nhưng giờ đây đã bị đốn sạch để bán cho Trung Quốc.
Cho đến những năm 1990, bà Park Ji-su vẫn cảm thấy khá hài lòng về cuộc sống tại quê nhà. Có trình độ học vấn cao, bà đã làm việc cho một công ty xây dựng và thuộc một tầng lớp xã hội khá giả. Bà cho biết đã rất biết ơn cố lãnh đạo Kim Il-sung, người sáng lập ra đất nước Bắc Triều Tiên. Nhờ vào vị lãnh tụ này mà bà được học hành miễn phí. Người dân được phân phát quần áo, tem phiếu để ăn uống.
Sau khi lãnh tụ Kim Il-sung qua đời, đất nước chìm trong nạn đói và bà khó khăn nuôi nấng con mình. Đối với bà, đây là một bước ngoặt quan trọng của đất nước. Tem phiếu không còn giá trị nhiều như trước và người dân chỉ nhận được ít lương thực để sinh sống. Để sống sót, người dân buộc phải đổi tài sản lấy lương thực, mở ra một nền kinh tế ngầm và từ đó không ngừng phát triển.
Song song với công việc chính thức tại công ty, bà lao vào buôn lậu quần áo nhập từ biên giới. Chính tại biên giới với Trung Quốc, thị trường chợ đen phát triển mạnh nhất. Bà Park Ji-su hồi tưởng lại, khi bị công an bắt, cảnh sát tịch thu sản phẩm và chỉ trả lại hàng hoá khi đút lót một món tiền cho công an. Bà nhận định, công việc này tuy rủi ro nhưng so ra lợi nhuận cao hơn nhiều so với công việc chính thức của bà trong một công ty xây dựng mà vẫn thường không trả lương cho nhân viên.
Trong các mặt hàng quần áo bà bán có đủ loại, đủ màu, duy chỉ có quần jean là bị cấm bán vì đó là biểu tượng của kẻ thù Hoa Kỳ. Một ngày nọ con gái bà mặc quần jean và đã bị cảnh sát chặn lại và cắt nát cái quần. Sự kiện đó đã nung nấu thêm nỗi căm giận trong bà, cộng với đời sống ngày càng khó khăn. Một ngày nọ, được sự giúp đỡ của một người cậu tại trung Quốc, bà đã cùng với một phần gia đình trốn sang Trung Quốc nhưng tại đây, bà đã phát hiện ý định cậu mình muốn bán bà và các chị em bà cho những người nông dân Trung Quốc.
Vô cùng thất vọng, bà đã cùng gia đình trốn sang Thái Lan để có thể từ đó xin tỵ nạn tại Hàn Quốc, nhất là khi Trung Quốc thường gửi trả lại Bắc Triều Tiên những ai có ý đồ đào tẩu. Khi đặt chân được đến Hàn Quốc, bà buộc phải sống hai tháng rưỡi trong trại tạm trú để chuẩn bị hội nhập vào cuộc sống tại Hàn Quốc. Tại đó có các khóa học về lịch sử và ngôn ngữ, học về cách sử dụng thẻ ngân hàng. Ra khỏi trại, bà được cấp tiền và thẻ công dân Hàn Quốc để bắt đầu tìm việc làm và hội nhập vào cuộc sống.
Khi rảnh rỗi, bà học thêm tin học. Khó khăn lớn nhất của bà khi hội nhập tại đất nước Hàn Quốc là ngôn ngữ, thậm chí bà nói tiếng Hàn nhưng giọng nói là Bắc Triều Tiên cộng với một loạt các từ vay mượn tiếng Anh được sử dụng tại Hàn Quốc mà bà không hiểu nổi và cũng không dám nhờ người giải thích.
Giờ đây, bà đã có cuộc sống ổn định tại Hàn Quốc nhưng vẫn luôn nhớ về người chồng vẫn sống tại quê nhà, do chồng bà vẫn tin tưởng vào chế độ độc tài Bắc Triều Tiên và không chịu ra đi cùng gia đình. Bà cũng không dám liên lạc với chồng vì sợ ông ta sẽ gặp phiền phức với chính quyền.
Theo RFI