Người vô tâm có thể tưởng Trung Cộng đang cống hiến cho Việt Cộng một cơ hội bằng vàng 24, giúp Việt Cộng dương danh với thế giới là quân đội Việt Cộng xứng đáng được coi là dũng mãnh hơn mọi quân đội khác, và để đính chánh với người Việt Nam là Việt Cộng không phải loài bò sát, mà chúng cũng là người, cũng đứng thẳng lưng, cũng chân đạp đất, đầu đội trời như mọi người Việt Nam khác.
Cơ hội đó là Trung Cộng đưa dàn khoan Hai Yang Shi You 981 -thường được gọi là HD 981- rộng như cái sân banh, cao bằng căn nhà 4 tầng, trị giá gần $1 tỉ Mỹ kim, vào tầm bay của không quân Việt Cộng, một không lực có thừa khả năng đánh chìm dàn khoan này ngay hôm nay, dù Trung Cộng bảo vệ nó với bất cứ loại vũ khí nào.
Không quân Việt Cộng hiện đang có 218 chiếc phi cơ chiến đấu, trong số đó, 144 chiếc MIG 21 bị coi là cũ kỹ nhất, và 24 chiếc Sukhoi 30MK, 12 chiếc Sukhoi 27SK/UBK hiện đại hơn. Khả năng của riêng những chiếc MIG 21 cũ kỹ này thôi cũng đã rất đáng kể, với thành tích bắn hạ 37 chiếc F-4s, và 15 chiếc F-105 của không quân Hoa Kỳ. (Con số đáng tín nhiệm vì do Flightglobal ghi nhận).
Dĩ nhiên những thành tích này chỉ có thể được tái lập NẾU dàn lãnh tụ Việt Cộng dám thực sự chống lại cuộc xâm lược công khai của Trung Cộng, chiếm Biển Đông, khui giếng dầu ngay sát thềm lục địa Việt Nam.
Nhưng Việt Cộng đang chống xâm lăng bằng những chiếc tiểu đĩnh Cảnh Sát Biển nhỏ bé, ra khơi để “múa nước” cùng với đoàn tàu Trung Cộng 80 chiếc đang bảo vệ dàn khoan 981.
Tuồng “múa nước” khai diễn ngày thứ Bẩy mùng 3 tháng Năm sau khi Trung Cộng post lên mạng là dàn khoan 981 của họ sẽ khoan dầu trong ba tháng -từ ngày mùng 4 tháng Năm đến ngày đến ngày mùng 4 tháng Tám 2014 gần đảo Hoàng Sa, và yêu cầu tàu bè mọi quốc gia khác tránh xa khu khoan dầu của họ.
Dàn lãnh đạo cao cấp Hà Nội nín khe, để bọn Việt Cộng trung cấp đứng ra đóng trò chống xâm lăng: bộ chỉ huy cảnh sát biển gởi một đoàn tàu nhỏ ra ngăn cản không cho dàn khoan hoạt động; nhưng đoàn tiểu đĩnh 35 chiếc của Việt Cộng còn cách dàn khoan Trung Cộng trên chục hải lý đã bị dàn tàu bảo vệ chặn lại.
Ông Yi Xianliang -phụ tá tổng giám đốc Hải Vụ- mô tả tàu Trung Cộng là tàu chính phủ không võ trang, và tàu dân sự. Cuộc chiến chống xâm lăng diễn ra như một trò đùa, tàu Việt Cộng tiến đến, bị tàu Trung Cộng xịt nước tấn công, vội vã bỏ chạy
Ông Yi tuyên bố, “từ ngày 5/3 đến ngày 5/7 Việt Nam gởi ra 35 chiếc tàu để lủi vào tàu Trung Quốc 171 lần. Tàu Việt Nam võ trang, trong lúc tàu Trung Quốc không võ trang."
Về phía Việt Nam, ông Trần Duy Hải, một viên chức nhỏ của bộ Ngoại Giao Việt Cộng nói trong một cuộc họp báo, “Hôm 5/4 tàu Trung Quốc với sự yểm trợ của máy bay đã đâm vào tàu Cảnh Sát Biển Việt Nam; cố ý đe dọa Việt Nam.”
Ông Yi cũng tuyên bố, “Trung Quốc đã tự chế tối đa, nhưng sẽ không dung tha cho những kẻ tạo nguy hiểm cho nhân viên khui giếng dầu.”
Được hỏi về chủ quyền lãnh thổ, Yi nói, “Hoàng Sa là của Trung Quốc, từ dàn khoan vào Hoàng Sa chỉ có 17 hải lý, trong lúc từ đó vào bờ biển Việt Nam là 150 hải lý. Như vậy thì giếng dầu là của ai? Tôi thiết nghĩ cộng đồng thế giới cũng biết câu trả lời chứ."
Yi phủ nhận là trong lúc tàu Trung Cộng xịt nước tàu Việt Cộng không hề có chiến hạm hoặc phi cơ Trung Cộng gần đó. Tờ The New York Times đặt câu hỏi dựa vào yếu tố nào mà Trung Cộng đem HD981, dàn khoan dầu trong lòng biển đầu tiên và cũng là dàn khoan duy nhất của họ vào vùng biển còn tranh chấp và đầy nguy hiểm.
Ông Li từ chối không trả lời câu hỏi về số lượng tàu của Trung Cộng đang có mặt quanh dàn khoan. Cán bộ Việt Cộng Trần Duy Hải khẳng định những cuộc va chạm trên biển là do tàu Trung Cộng cố ý đâm vào tàu Việt Cộng.
Cán bộ trung cấp của Hoa Kỳ -ông phụ tá tổng trưởng Ngoại Giao Mỹ Daniel R. Russel- cũng nói với phóng viên truyền thông là ông đã gặp cán bộ trung cấp Việt Cộng để bầy tỏ nỗi quan tâm của Hoa Thịnh Đốn về việc tàu Trung Cộng lấn ép tàu Việt Cộng.
Russel tuyên bố, “Có thể công bằng mà nói là cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều có quyền đòi chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Hoa Kỳ không thể nói bên nào có lý hơn. Nhưng Hoa Kỳ có quyền yêu cầu đôi bên giải quyết tranh chấp trong hòa bình."
Nói nôm na là Hoa Kỳ đứng ngoài, phủi tay không bênh vực Việt Nam như họ đã bênh vực Nhật trong vụ tranh chấp đảo Điếu Ngư.
Trong lúc đó giám đốc Công Trường Dầu Hỏa Trung Cộng, ông Li Yong, nói ông lo cho sự an toàn của nhân viên Tầu đang làm việc trong giàn khoan, và yêu cầu Việt Cộng thôi đừng cho tàu Việt Cộng đụng vào tàu Trung Cộng nữa.
Ông Li nói ông lo,nhưng hình chụp sinh hoạt bên trong dàn khoan 981 cho thấy nhân viên Trung Cộng không có vẻ lo lắng gì cả.
Những nhân vật cao cấp của Việt Cộng, Trung Cộng và Hoa Kỳ đều giữ im lặng, để nhóm phụ tá cấp nhỏ lên tiếng.
Được sự cho phép của Bắc Kinh, Việt Cộng còn đóng tuồng cho dân chúng được thả dàn biểu tình chống Trung Cộng (trong một thời gian ngắn) để xả bớt uất hận, tránh xẩy ra những diễn biến đáng tiếc.
Giao tranh theo kiểu xịt nước khiến người Hoa vững bụng khui giếng dầu; báo chí Hoa tưng bừng thảo luận về viễn ảnh bơm dầu từ lòng Biển Đông Việt Nam đem về sử dụng trong kỹ nghệ Tầu đang khát nhiên liệu. Một tay cự phách trong giới dầu hỏa Trung Cộng -ông Wu Shicun giám đốc viện Nghiên Cứu Biển Hoa Nam- viết, “Việt Nam sẽ tiếp tục quấy phá Trung Quốc và khai thác vấn đề chủ quyền lãnh thổ; nhưng lần này Trung Quốc không nhượng bộ như 20 năm trước. Mặc họ phản đối, chúng ta cứ tiếp tục khai thác tài nguyên của chúng ta."
Wu muốn nhắc lại việc hãng dầu quốc doanh Trung Cộng CNOOC bỏ dở việc cộng tác với hãng dầu Mỹ Crestone Energy năm 1994, sau khi Việt Cộng lên tiếng phản đối.
Nếu cần bổ túc cái hào quang “Đánh Tây, Tây quỵ; đánh Mỹ, Mỹ nhào,” có lẽ phải viết thêm vế thứ ba, mô tả cuộc hải chiến chống xâm lăng biển, đảo của Việt Cộng, là “gãi lưng Tầu, Tầu khen 'giỏi'.”
Không quân Việt Cộng với những chiếc phóng pháo, khu trục phản lực có tầm hoạt động xa căn cứ đến 3,000 cây số thừa sức bay ra Hoàng Sa, lượn về đất liền 5 vòng cũng chưa cạn nhiên liệu, nhưng dù có khả năng, phi công Việt Cộng cũng vẫn không cất cánh được.
Họ đang thua tại Bắc Kinh -cũng như, 40 năm trước, Quân Lực VNCH không thua trận tại Quảng Trị, Kontum hay An Lộc, mà thua tại Hoa Thịnh Đốn.
Dân Việt Nam đang thua, nước Việt Nam đang thua, nhưng Việt Cộng thắng, lãnh tụ Việt Cộng no với những đặc quyền, đặc lợi, nên chúng im lặng, không lên tiếng, mặc cho người Việt mất đất, mất biển, mất tài nguyên, kéo nhau xuống đường chống Trung Cộng vài tuần, một tháng. Sau đó chúng lại cấm không cho ai đụng đến đàn anh Bắc Kinh nữa.
Năm 1974 Hoàng Sa chỉ thất thủ; 40 năm sau, năm nay, Hoàng Sa đang trở thành lãnh thổ Trung Cộng với sự đồng ý của Việt Cộng.
Những cuộc hải chiến hào hùng bắn nhau bằng súng nước chỉ là chuyện trẻ con, chuyện "gãi lưng Tầu, Tầu khen 'giỏi'."
Nguyễn đạt Thịnh