Trong cuộc họp báo hôm thứ Tư mùng 7 tháng 5, Tổng thống Nga Vladimir V. Putin công bố 3 điều: một là Nga đã rút những lực lượng đang có mặt gần biên giới Ukraine trở vào nội địa, hai là ông đã yêu cầu lực lượng Ukraine thân Nga bãi bỏ cuộc trưng cầu dân ý dự trù tổ chức ngày Chúa Nhật 5/11, và ba là Nga sẽ chấp nhận kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine sắp tổ chức vào ngày 5/25. Ba điều này là căn bản những đòi hỏi của đồng minh Mỹ-Liên Âu.
Diễn biến này bất ngờ đến mức nhiều người nêu lên câu hỏi, “Ông Putin ra đòn gì nữa đây?”, vì từ ngày cuộc khủng hoảng Ukraine khởi diễn, Putin đã đánh ra khá nhiều đòn như giảng giải ngược chiều bản thỏa ước Geneva, và tổ chức trưng cầu dân ý (TCDY) tại Crimea để nuốt chửng tỉnh ven biển này của Ukraine.
Qua bài tường thuật của phóng viên NEIL MacFARQUHARMAY, tờ The New York Times, viết là giọng nói của Putin trong buổi họp báo nghe “nhẹ bớt đe dọa”; dĩ nhiên, vì Nga không còn trong thế chủ động để có thể đe dọa Đồng Minh được nữa.
Nhận định về tình hình Ukraine, Putin nói, “cần thực sự và tức khắc tìm lối thoát cho Ukraine”. Thái độ “nhượng bộ” nhanh chóng và toàn diện của Putin khiến nhiều người không tin, nhưng một số quan sát viên lại cho là ông thật sự không có lối thoát nào khác, ngoài cách để yên cho Ukraine với cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra.
Nga không chịu đựng được quá lâu những đòn kinh tế của Đồng Minh, như Iran đã từng gồng mình chịu đòn, để rồi cũng gục ngã, vì Nga là một cường quốc kinh tế có nhiều liên hệ xuất, nhập cảng với thế giới bên ngoài, nhất là với thị trường tiêu thụ Liên Âu.
Mặt khác, cuộc hành quân dẹp nội loạn của Ukraine, khiến Nga bối rối trước những lời kêu cứu của người Ukraine gốc Nga đang ly khai chống chính quyền Ukraine; đưa quân vào cứu quân Ukraine ly khai là chấp nhận những tốn kém quân sự khiếp đảm của một cuộc hành quân tiến chiếm lãnh thổ, bình định sức kháng chiến của người Ukraine; và nguy hại hơn nữa là phải chấp nhận cuộc trừng phạt kinh tế rộng lớn hơn, cuộc trừng phạt mà Mỹ cho biết hiện vẫn chỉ nằm vào giai đoạn trừng phạt những cá nhân thân Putin.
Josh Earnest, một phát ngôn viên Bạch Cung, nói, “Chúng tôi chưa ghi nhận được dấu hiệu nào của cuộc rút quân Nga ra khỏi khu vực biên giới”. Tổng Thư ký Liên Âu Anders Fogh Rasmussen cũng xác nhận là chưa thấy cuộc lui quân thực hiện.
Với sự quan sát của hàng chục vệ tinh trên bầu khí quyển, Nga không thể nói đã rút quân khi họ chưa rút.
Bà Jen Psaki, một phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, nói, “Ông Putin kêu gọi người Ukraine ly khai ngưng cuộc trưng cầu dân ý tại Đông Bộ Ukraine không đủ; ông ta cần có hành động thiết thực hơn để cuộc TCDY đó không diễn ra”.
Luân Đôn lạc quan về thái độ mới của Putin; họ nhắc lại là trước đó trong một cuộc điện đàm với bà Thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Putin cũng đã đề cập đến việc rút quân. Chủ tịch quốc hội Liên Âu Herman Van Rompuy đánh giá những lời tuyên bố của ông Putin là chỉ dấu xuống thang trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Nhưng chính phủ lâm thời của Ukraine lại không tin ông Putin; Thủ tướng Arseny Yatsenyuk nhận định những lời tuyên bố của Putin là nói suông và khôi hài. Ông bảo Putin hãy ngừng bán nước miếng. Ông tố cáo việc Putin kêu gọi Đông Bộ Ukraine tạm gác lại tổ chức TCDY chỉ là một trò đùa độc ác, vì rồi cuộc TCDY vẫn được tổ chức để tạo lý do tách Đông Ukraine sát nhập vào lãnh thổ Nga như cuộc TCDY tại Crimea đã làm.
Putin nói Nga muốn thúc đẩy những cuộc hòa đàm giữa những phần tử Ukrainian dị biệt; ông không tin là đang có những cuộc hòa đàm thực sự, do đó ông muốn giúp thúc đẩy những nỗ lực hòa giải giữa người Ukrainian với nhau. Một lối nói để lại chen vào nội bộ Ukraine.
Putin nói, “Tôi tin tưởng là nếu chúng ta muốn mưu tìm một giải pháp dài hạn cho Ukraine, thì mọi người đều phải cởi mở, ngay thẳng, và đối thoại bình đẳng với người khác”. Ông có thể cho là ông Obama đã đối xử thiếu bình đẳng với ông, khi ép ông vào thế yếu trong thương nghị.
Trong lúc thế giới còn hoài nghi, thì giới phân tách thời sự tại Mạc Tư Khoa lại tin là ông Putin thành thật mưu cầu một lối thoát ra khỏi bế tắc quân sự, kinh tế và chính trị do cuộc khủng hoảng Ukraine tạo ra cho Nga.
Trước nhất Putin không muốn xẩy ra một tình trạng tan vỡ như đã xẩy ra tại Yugoslavia năm 1991, khi nước này -nguyên là một quốc gia thành viên của Liên Bang Nga Sô Viết- bị xâu xé bởi những thành phần võ trang, đưa đến hỗn loạn không ai còn kiểm soát được nữa.
Tình hình Ukraine hiện nay đang rất gần với tình trạng hỗn loạn đó; nhiều nhóm quốc gia quá khích Ukraine phẫn nộ trước hành động của những phần tử ly khai thân Nga đang vận động võ trang để chống lại nhóm ly khai.
Quân đội Ukraine cũng quyết liệt hơn, không để những tổ chức “nhân dân” Đông Bộ thân Nga kéo ra cản đầu xe thiết giáp, rồi giở trò thuyết phục hòa hoãn, đừng tấn công những nhóm võ trang nổi dậy nữa.
Học giả Sergei A. Karaganov, Viện trưởng học viện Kinh Tế Toàn Cầu tại Mạc Tư Khoa, khuyến cáo, “Đừng chờ cho đến lúc con Hạc Đen cất cánh mới tìm cách ngăn đại họa”. Hai chữ black swans (hạc đen) thường dùng để mô tả những biến chuyển lớn, bất ngờ, mang hậu quả lâu dài và tai hại.
Lý do thứ nhì của “đòn” xuống thang khủng hoảng là ông Putin không thể không nhận ra tính chất phiêu lưu của việc thôn tính Ukraine; thôn tính lãnh thổ của một quốc gia khác là việc làm lỗi thời đến mức không nước nào còn dám làm nữa.
Nếu ông không thật sự và dứt khoát ngừng lại, thân binh của Nga tại Ukraine sẽ tiếp tục, và sẽ gặp sức kháng cự của quân đội và nhân dân Ukraine; chờ đến lúc đó Nga khó đứng ngoài.
Ngay cả trong giả thuyết Nga chiếm được Đông Bộ Ukraine như họ đã chiếm Crimea, thì phần đất này sẽ chỉ là một gánh nặng kinh tế thêm cho Nga gánh vác, trong lúc “mẫu quốc” cũng đang bấn lên vì thiếu thốn.
Mặt khác, Denis Pushilin, nhà lãnh đạo ly khai Đông Bộ Ukraine, tuyên bố với phóng viên là cuộc trưng cầu dân ý ngày Chúa Nhật 5/11 vẫn sẽ diễn ra như dự trù, mặc dù ông Putin kêu gọi gác lại.
Pushilin muốn làm cho thế giới tưởng là Mặt Trận Giải Phóng Miền Đông Ukraine không tùy thuộc Nga, như trước kia người Mỹ tưởng là MTGPMN Việt Nam không trực thuộc Bắc Việt.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama -khán giả chính của màn kịch “rút quân và không tiến hành TCDY để tách Đông Bộ Ukraine rời khỏi nước này”- không lên tiếng suốt 3 ngày đầu tiên; thái độ im lặng của ông có thể hiểu là ông chờ Putin chính thức nói với Mỹ và Liên Âu những điều đó, hoặc chờ Nga thực sự rút quân, và quân ly khai Đông Bộ Ukraine tuân hành chỉ thị của Nga, hoãn cuộc TCDY.
Nếu Putin không chính thức nói, và những việc ông công bố trong một cuộc họp báo không được thực hiện thì Obama vẫn giữ im lặng, để mặc Putin tiếp tục độc diễn, trong lúc Obama cùng với Liên Âu cứ leo thang trừng phạt kinh tế.
Việc mà Bạch Cung đang làm là vận động những tổng giám đốc các đại công ty Hoa Kỳ không đích thân đến St. Petersburg tham dự cuộc hội thảo kinh tế do chính Putin chủ tọa sắp tổ chức vào tháng này.
Tổng giám đốc các công ty lớn như Alcoa, Goldman Sachs, PepsiCo, Morgan Stanley, ConocoPhillips đều đã trả lời thuận; nếu công ty cần có mặt trong buổi hội thảo, họ chỉ cắt người đi đại diện.
Có thể những cuộc vận động thầm lặng tương tự đang bảo Putin là không những ông có quyền độc diễn, mà ông còn có quyền chọn thế bị cô lập thị trường cho sản phẩm Nga. Nếu Iran -một quốc gia đang mở mang- không chịu đựng nổi thế bị cô lập kinh tế, thì một quốc gia đại kỹ nghệ như Nga lại càng không thể sống còn trong thế bị bế quan tỏa cảng.
Dù sao cuộc độc diễn của ông Putin cũng là dấu hiệu cho chúng ta hiểu là vở bi hài kịch “chiến tranh nổi dậy” sắp hạ màn.
Nguyễn đạt Thịnh