Công an, dân phòng ngăn cản biểu tình chống Trung Quốc ở TPHCM.Liên tục trong vòng ba ngày 16, 17 và 18 tháng 5 năm 2014, tất cả các phương tiện thông tin đại chúng và mạng điện thoại di động ở Việt Nam đều nhắn tin thông báo lệnh của thủ tướng chính phủ cấm biểu tình vào ngày 18 tháng 5, tức là Chủ Nhật. Lệnh cấm chỉ mang duy nhất nội dung cấm biểu tình trái pháp luật nhưng lại không đưa ra giải thích thế nào là biểu tình trái pháp luật. Và ngày 18 tháng 5, khắp các thành phố ở Việt Nam, đặc biệt là Sài Gòn và Hà Nội, công an, dân phòng, cảnh sát cơ động, xe chữa cháy và chó nghiệp vụ có mặt khắp mọi nơi. Người dân đã nói gì trước tình trạng này?
Lệnh cấm vô lýÔng Đức Quang, một nhà giáo về hưu tại quận 7, Sài Gòn, chia sẻ: “Nói chung ở đâu thì nó cũng làm một kiểu như vậy thôi. Cảnh sát cơ động với cảnh sát giao thông với công an mặc áo xanh với tụi thành đoàn mặc áo đoàn đứng trước thành đoàn đó… nhiều lắm nhưng người biểu tình thì không có ai, không có biểu ngữ gì hết đó.Thì đương nhiên vô lý rồi. Có người nói rằng họ dựa vào mấy cuộc bạo loạn ở Bình Dương với Hà Tĩnh để cấm đó, nhưng tôi thấy không đúng đâu. Vì họ muốn cấm thì họ cấm thôi vì trước đây họ đã từng cấm nhiều cuộc rồi, quyền trong tay họ thì họ muốn cấm ở đâu thì họ cấm thôi, thà trước đây họ đừng cấm như vậy!”
Theo ông Đức Quang, hiện tại, cấm công dân đi biểu tình chỉ vì lý do có những đụng độ và bạo động ở Bình Dương, Hà Tĩnh là không được thành thật và hợp lý cho lắm. Đặc biệt là lấy lý do bạo động nân cấm hoặc giả có một “ai đó” đã nhúng tay vào cuộc biểu tình, tạo ra bạo động để làm cái cớ mà cấm biểu tình là hoàn toàn không có cơ sở. Vì nhà nước vốn muốn cấm thì cấm chứ không cần quan tâm đến đúng sai, những năm 2011, 2012, họ đã cấm và dùng biện pháp mạnh mà trước đó đâu có bạo động nào xãy ra!
Và điều làm ông Đức Quang bất mãn nhất nằm ở chỗ nội dung công điện thủ tướng chính phủ là: “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị mỗi người dân thể hiện lòng yêu nước đúng pháp luật, không nghe kích động và không tham gia biểu tình trái pháp luật, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội”. Trước đó, có nhiều công điện yêu cầu Bộ công an cùng nhiều bộ khác phối hợp ngăn chặn biểu tình. Và liên tục 7 tin nhắn trong vòng hai ngày 17 và 18 tháng Năm.
Biểu tình chống Trung Quốc ở TPHCM vào tuần trước. RFA PHOTO.Nhưng công điện lại không nêu rõ thế nào là biểu tình trái pháp luật và cũng không giải thích bất kì phần nào để cho người dân biết được họ phải thể hiện lòng yêu nước như thế nào mới là đúng luật. Nếu có chăng là gợi ý hãy siêng năng làm ăn, chú tâm vào công việc nhằm làm cho đất nước mạnh lên mà đánh giặc.
Nhưng trong khi đó, tình hình tham nhũng, mua quan bán chức và các tập đoàn kinh tế nhà nước làm ăn thua lỗ triền miên đã làm kiệt quệ đất nước. Thử hỏi nhân dân phải cố gắng đến chừng nào thì đất nước mới hết nợ công và phải cày đến bao giờ mới đủ để lấp cái lổ tham nhũng, để mạnh lên mà chống ngoại xâm. Và nếu với đà im lặng như thế này, đến khi đất nước mạnh lên thì có còn quốc gia để bảo vệ?!
Theo ông, sức mạnh của một quốc gia, ngoài yếu tố khí tài quân sự, yếu tố nhân dân là nòng cốt, sự phản kháng mạnh mẽ trong nhân dân vừa đóng vai trò khích lệ quân đội trên chiến tuyến lại vừa biểu hiện tính đồng thuận của dân tộc, đẩy đối phương vào thế cân nhắc, lưỡng lự. Và hiệu ứng đặc biệt nhất của sức mạnh nhân dân nằm phía sau những cuộc biểu tình yêu nước nhằm phản ánh tình thần yêu nước, đồng lòng chống ngoại xâm và đánh động dư luận quốc tế thông qua các phương tiện truyền thông.
Thế nhưng nhà nước cấm biểu tình thì khác nào vứt bỏ sức mạnh của nhân dân. Trong khi đó, theo ông quan sát, với lực lượng công an, mật vụ, cảnh sát cơ động, dân phòng, thậm chí có cả quân đội dày đặc như thế, nếu dùng các lực lượng này giám sát biểu tình ôn hòa thì chắc chắn sẽ không thể nào có bạo động xãy ra. Nhưng nhà nước đã không làm thế và chọn một phương án duy nhất là dập tắt biểu tình.
Nguy cơ chiến tranh trước mắtÔng Sáu Phạm, một cư dân khác ở quận 1, Sài Gòn, chia sẻ thêm: “Đi từ khúc Gò Vấp rồi vòng vòng qua quận 12 toàn là dân phòng, an ninh, công an đầy đường đầy xá, buổi sáng sớm đó nghe, khắp các ngã tư đều có chốt chặn, huống gì trung tâm Sài Gòn còn khủng khiếp nữa. Tỷ lệ là một trên hai mươi là biết rồi, khủng khiếp quá, còn đông hơn ruồi nữa. Ai đời mà khóa trái cửa nhà không hiểu nữa, lỡ như cháy nhà thì có phải là thiêu sống người ta sao. Mình không hình dung nổi nữa, một xã hội văn minh làm gì có kiểu kì vậy, đóng cửa nhà, nhốt người ta bên trong… Một cái lệnh chung chung mà nó áp dụng thì khủng khiếp luôn. Có nghĩa là bất kể anh biểu tình ôn hòa hay không ôn hòa nó cũng không cho cả. Nó cấm, ví dụ nếu anh hiểu được cái lệnh cấm, cấm biểu tình bạo động, cướp bóc… thì anh cấm thôi, được đi, nhưng giờ anh làm thế là hồ đồ, tất cả mọi thứ vơ vào chung một thứ, anh cấm hết tất cả mọi hình thức biểu tình đều cấm hết thì… Nhưng giờ không có luật biểu tình thì phải làm sao, mình lấy cái gì mình nói giờ. Cái nghị quyết gì tùm bậy tùm bạ, cái lệnh gì đó bất chấp hiến pháp…”
Theo ông, số lượng an ninh so với người biểu tình có thể là 20 công an viên “chăm sóc” một người biểu tình. Có nghĩa là con số dày đặc và đi đâu cũng nhìn thấy đồng phục công an. Điều này chỉ chứng tỏ quyết tâm cấm biểu tình triệt để của nhà cầm quyền. Và dường như không có cuộc biểu tình nào diễn ra ở những khu vực có quá nhiều nhân viên an ninh.
Ông Sáu kể thêm, bạn ông, một kĩ sư đang tạm trú tại Đà Nẵng đã viết đơn xin nhà nước cho phép biểu tình ôn hòa. Trong thời gian chờ ủy ban nhân dân phường trả lời đơn, anh đã gặp nhiều lời đe dọa bằng điện thoại và sáng ngày 18 tháng 5, anh thức dậy thì phát hiện cánh cửa nhà anh đã bị khóa trái.
Anh hết sức bức xúc bởi vì nếu như xãy ra cháy nhà hoặc sự cố nào đó thì anh chỉ có một đường duy nhất là bị chết thiêu và bó tay. Người bạn kĩ sư này không khẳng định ai là kẻ chủ mưu nhốt anh trong nhà nhưng anh nói rằng trong thời gian tạm trú ở Đà Nẵng, anh không gây thù chuốc oán với những người chung quanh và cho đến lúc bị khóa cửa, anh cũng không gây thù hận với bất kì ai. Anh lấy làm lạ vì có kẻ đã cố tình hãm hại anh.
Trở lại vấn đề cấm biểu tình ở trên toàn quốc, ông Sáu nói rằng hầu như người dân nào cũng nhận thấy đây là điều vô lý. Bởi vì người dân không có vũ khí để chống ngoại xâm, thứ duy nhất mà nhân dân có được chính là lòng yêu nước và những đồng tiền chắt chiu để đóng các khoản thuế thông qua thuế giá trị gia tăng nhằm củng cố sức mạnh quân đội, để mua khí tài và góp phần xây dựng, kiến thiết quốc gia. Thế nhưng từ lâu, những đồng thuế này trôi về đâu nhân dân không hề hay biết bởi vì những con số chưa bao giờ được công bố một cách minh bạch.
Điều duy nhất người dân có thể làm được trong lúc này là biểu tình nhằm thể hiện lòng yêu nước và quyết tâm chống ngoại xâm, phản đối kẻ ngoại bang Trung Cộng đã lấn chiếm vùng biển cũng như đất liền của Việt Nam. Và đương nhiên từ trước đến nay, mọi cuộc biểu tình ở thành phố Sài Gòn đều diễn ra một cách ôn hòa nhưng vẫn bị cấm đoán, dập tắt và bắt bớ.
Đến thời điểm này, lẽ ra cả nước đứng lên, đồng lòng hướng về biển đảo thân yêu, cùng biểu tình phản đối xâm lược để thế giới cùng lên tiếng ủng hộ… Thì nhà nước đã chính thức cấm biểu tình.
Và một khi cái quyền và sức mạnh cuối cùng của nhân dân bị cấm đoán, chặt đứt như vậy thì e rằng tương lai Việt Nam sẽ khó mà lường trước được sẽ về đâu!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
Theo RFA