Trưa thứ Bảy 17/5, trước Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc và trên phố San Francisco đã có một sự kiện chưa từng xảy ra trong sinh hoạt người Việt ở Bắc California. Đó là cuộc biểu tình do phe Cờ Đỏ tổ chức.
Phe Cờ Vàng đến đây biểu tình là chuyện bình thường trong nhiều năm qua, từ những ngày có tin nhà nước Việt Nam nhường biển, cắt đất cho Trung Quốc; từ những lần ngư dân bị “tàu lạ” tấn công mà chính phủ không bảo vệ; từ khi người dân trong nước biểu tình lên tiếng và bị trấn áp.
Cờ Vàng đã nhiều lần tung bay tại đây để phản đối chính sách xâm lược của Bắc Kinh, để yểm trợ cho những tiếng nói từ quê nhà. Nay Cờ Đỏ cũng kéo đến đây biểu tình thì là chuyện lạ.
Nguyên do cũng vì Trung Quốc hôm 02/05 đã công khai xâm lấn lãnh hải, qua việc đưa giàn khoan HD-981 vào khai thác trong vùng biển còn tranh chấp nằm trong khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Từ hơn hai tuần qua đã có xung đột căng thẳng trên biển Đông bằng vòi rồng, khẩu chiến, đưa đến những xô đẩy giữa tàu hai bên, tuy chưa có súng nổ, và tình hình đang căng thêm mỗi ngày.
Sự kiện HD-981 đã làm dấy lên tinh thần yêu nước của người Việt. Nhiều cuộc biểu tình rầm rộ nhất từ trước đến nay của Cờ Đỏ đã bùng lên ở châu Á, châu Âu sang châu Mỹ.
Tại quê nhà đã có một cuối tuần an ninh quay mặt làm ngơ cho dân xuống đường biểu tình chống Trung Quốc, từ Hà Nội, Đà Nẵng vào Sài Gòn, Cần Thơ. Nhưng chỉ mấy ngày rồi thôi. Sau đó công an lại tiếp tục ngăn cản và ra tay trấn áp người biểu tình như đã làm từ trước.
Tại San Francisco, Cờ Vàng đã biểu tình hôm 12/5. Hôm nay Cờ Đỏ. Ngày mai lại có Cờ Vàng trở lại nơi này. Cùng mục đích phản đối Trung Quốc xâm lược, nhưng hai bên tránh né không muốn chạm mặt nhau trước mặt kẻ thù.
Đúng ra Cờ Đỏ cũng tổ chức biểu tình ở San Francisco vào ngày Chủ nhật 18/5, như đã phối hợp chương trình hành động cùng lúc với nhiều nơi khác. Nhưng vì Cờ Vàng trước đó đã thông báo tổ chức biểu tình vào ngày 18/5 nên Cờ Đỏ quyết định làm trước một ngày.
Cờ Đỏ xuống đườngTrước nay, tại Mỹ chưa bao giờ Cờ Đỏ xuống đường. Ở châu Âu như Pháp, Đức đã có vài lần trong những năm gần đây, là để phản đối Trung Quốc xâm lăng, gây hấn chứ không đòi tự do, dân chủ, nhân quyền cho người dân trong nước. Còn Cờ Vàng thường xuyên nêu lên những mục đích đó, trong Bạch Ốc, tại Quốc hội Mỹ, trên đường phố hay trước những cơ sở ngoại giao của Hà Nội ở nhiều nơi.
Những cuộc xuống đường của Cờ Đỏ trong vài ngày qua, từ Paris, Berlin, Tokyo, Warsaw, London đến Busan, Taipei, Budapest, Washington D.C., New York đã có nhiều nghìn người tham gia mỗi nơi, giương biểu ngữ, hô to những khẩu hiệu chống Bắc Kinh xâm lược, đòi Trung Quốc rút giàn khoan, xác nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam và với một thông điệp rõ ràng: “Việt Nam yêu hòa bình – Vietnamese Love Peace”; “We love peace”; để giành cảm tình của dư luận thế giới.
Những khẩu hiệu đó đã thể hiện rõ trong đoàn biểu tình với khoảng trăm người trước Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco vào trưa 17/5.
Tôi đến địa điểm khi cuộc biểu tình vừa khai mạc. Gió lồng lộng thổi, cờ bay phần phật. Nắng chiếu rọi lên những chiếc áo thun nền đỏ có sao vàng được ban tổ chức phát cho người tham dự. Giữa mầu đỏ tôi thấy hai lá cờ lạ, không phải cờ vàng, mà là cờ nửa xanh biển nửa vàng và cờ nửa đỏ nửa đen do hai thanh niên da trắng phất lên, có lẽ từ các nước nào đó bên trời Âu.
Bài hát “Nối vòng tay lớn” phát ra từ chiếc iPhone được phóng lớn âm thanh qua chiếc loa cầm tay. Lời ca vang vang cả góc phố.
'Cờ Đỏ' đã xuống đường ở nhiều nơi trên thế giới - đây là cuộc biểu tình ở London hôm 18/05
Tay cầm máy ảnh quay phim, lòng tôi thầm hát những ca từ quen thuộc đã in trong tim mình từ ngày còn ở quê nhà. Không thấy các bạn trẻ đứng quanh cầm biểu ngữ hát theo. Ở vào tuổi đôi mươi, đang sống ở Mỹ có lẽ các bạn không thuộc lời bài ca.
Đứng bên đoàn biểu tình có giáo sư Chung Hoàng Chương, bác sĩ Bùi Duy Tâm. Miền bắc California có hai nhà giáo dục thường công tác ở Việt Nam là giáo sư Chung Hoàng Chương và giáo sư Vũ Đức Vượng, hôm nay thày Chương tham gia biểu tình ở San Francisco, cuối tuần trước thày Vượng cũng đã cầm ba-ton xuống đường ở Sài Gòn. Bác sĩ Tâm mới có chuyến đi thăm Trường Sa mười ngày trong phái đoàn do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn hướng dẫn.
Nhiều trẻ em được cha mẹ dẫn theo. Nghe nói chuyện lẫn lộn nờ, lờ và giọng đậm nét Hà Nội, tôi đoán nhiều người biểu tình có gốc miền Bắc, trong đó có một anh, trên vai quấn cờ Mỹ, mà tôi đã có dịp gặp gỡ nhiều lần. Một em quen thấy tôi cũng vẫy tay chào.
Không khí trở nên náo nhiệt mỗi khi các bạn trong ban tổ chức hướng loa cầm tay lên tầng trên của tòa nhà, hô to những khẩu hiệu:
Đả đảo Trung Quốc. Đả đảo.
China. Stop invading Vietnam. Stop.
China. Get out of Vietnam. Out.
Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam. Việt Nam.
Khoảng cách và khác biệtKhi mọi người đang hăng say hô to “Đả đảo Trung Quốc” nhiều lần, một em bé độ 5 tuổi ngây thơ hỏi mẹ: “Mẹ ơi, Trung Quốc ở đâu?”. Bà mẹ đưa tay chỉ lên tầng lầu, nói: “Trung Quốc ở trên đó”.
Đây là cơ sở ngoại giao. Tầng trệt là cơ quan, các tầng trên là nơi cư trú. Hôm nay thứ Bảy, không phải ngày làm việc nên văn phòng đóng cửa, nhưng những tiếng hô to chắc chắn cũng đã lọt lên lầu, vào tai cán bộ ngoại giao Trung Quốc.
Tôi nhớ lại bao lần Cờ Vàng đã biểu tình tại đây, mới nhất là hôm 12/5 vừa qua. Cũng những khẩu hiệu như thế được hô vang cả một góc trời bởi quý ông bà, anh chị: Nguyễn Phú, Vũ Huynh Trưởng, Huỳnh Lương Thiện, Mai Khuyên, Nguyễn Trung Cao, Đức Nguyên, Cao Thị Tình, Trần Minh Nhựt, Bảo Ngọc, Thanh Loan, Thomas Nguyễn, Trần Hồng Phúc, Chu Tấn, Minh Ngọc, Trương Thanh Minh là những người thường tham gia sinh hoạt cộng đồng.
Ngay cả những người trước đây không tham gia biểu tình, chỉ lo làm ăn như các anh David Dương, Đỗ Chiến Quang cũng không thờ ơ được nữa và đã có mặt, góp tiếng phản đối hành vi xâm lược của Bắc Kinh. Tôi thấy anh Quang tham gia biểu tình của cả hai phe đỏ, vàng.
Cán bộ Trung Quốc nghe những khẩu hiệu đó ầm ầm bên tai đã nhiều. Nếu nhìn xuống và không phân biệt mầu cờ, họ chỉ biết đó là đoàn người Việt Nam biểu tình phản đối chính sách xâm lấn biển của chính phủ mà họ đại diện.
Còn giữa người Việt với nhau, tuy cùng chống Trung Quốc nhưng vẫn có khoảng cách và khác biệt. Cờ Đỏ dừng lại ở mục tiêu chống kẻ thù, không chống lại đảng Cộng sản. Cờ Vàng chống Trung Quốc, đòi Đảng cho dân trong nước được quyền biểu tình, được tự do nói lên quan điểm.
Thật là điều không vui, vì sau gần bốn thập niên đất nước đã thống nhất mà cờ đỏ, cờ vàng vẫn còn là hố ngăn cách giữa người Việt. Giữa lúc tổ quốc lâm nguy, dù cùng mục tiêu chống quân xâm lăng, vàng đỏ vẫn không thể gần lại với nhau.
Bùi Văn Phú gửi cho BBC Việt ngữ từ Hoa Kỳ