Đám cưới chui thì ai cũng đã biết đó là trò bịp bợm của những tay ván đã đóng hòm nhưng còn ham của lạ. Thật đúng với ca dao, “đàn ông năm bảy lá gan/ lá ở cùng vợ lá toan cùng người”. Chắc chỉ trừ ông Adam là trong sạch. Vì ngoài bà Eva thuở ấy, trái đất chỉ có khủng long. Nghĩ mà thương cho ông tổ của loài cô đơn trong cảnh hồng hoang.
Tôi với Thảo – người bạn đã lâu không gặp, nên tình cờ đâu dễ bỏ qua!, dắt nhau vào quán nhà, ngồi… nói xấu đàn bà. Bởi tâm sự của loài cô đơn hậu duệ cũng chưa có gì đổi thay từ thời ông Adam, vẫn một mình chống mafia đằng sau cánh cửa phòng ngủ.
Ai dè tên đồng bọn thứ ba – không hẹn mà gặp. Thế là, mình ba đứa hôm nay gặp nhau…
Mà chuyện tay ba nào chả hấp dẫn khúc sau, vì người đến sau bao giờ cũng action hơn người trước!
Tôi với Tuấn ngồi nghe Thảo đang càm ràm về bản án tù treo của anh ta -khi không bị vợ bỏ đơn ly dị cho Văn phòng luật sư, nhưng cứ ngâm tôm ở đó như sợi dây thòng lọng để răn đe…
Hai chữ “khi không” với Tuấn quá đơn giản qua nhận định, “đàn bà ưa làm vậy để hù chồng thôi! Mày yếu bóng vía quá Thảo ơi!”
Nhưng với tôi lại thấy oan cho Thảo phu nhân vì “khi không” thì vợ nào đi làm chuyện “khi không” ấy với chồng cho mất lửa… khi không.
Tôi chỉ biết khề khà với hai người bạn trẻ, vì kinh nghiệm vợ chồng thì lập gia đình càng trước họ càng không nên truyền đạt, bởi quan niệm hôn nhân thay đổi còn nhanh hơn kiều dáng xe hơi hay chức năng điện thoại. Nhiều ông con nít sống lâu năm vẫn đem gương vợ chồng mình ra khè lớp nhỏ, rồi ngủ ngồi tuổi tác nên không thấy họ cười… con nít sống lâu năm.
Tôi chỉ cố chứng minh tính tương đối trong hôn nhân, nhằm giảm thiểu cố chấp cá nhân để hàn gắn. Tôi nói với Thảo, anh có đọc được đoạn văn đoạn trường này của Alfred De Musset từ bài viết của ông anh của chúng ta là Trần Yên Hạ, chắc anh ấy đã gối đầu nằm từ khi vỡ mộng, “Người đàn ông nào cũng đều bất thường, giả dối, điêu ngoa, kiêu căng, khiếp nhược, đáng khinh, hiếu sắc. Người đàn bà nào cũng đều tò mò, tọc mạch, hời hợt bề ngoài, đạo đức giả. Tuy nhiên, ở đời có một việc hết sức lạ lùng và vô lý là có một sự kết hợp hai trạng thái ấy mà người ta lại gọi là hạnh phúc” .
Nên cái hạnh phúc của vợ chồng ở thời yêu nhau chỉ cần đôi lần gặp mặt đã thấy mình hiểu hết về con người của đối tượng. Tình yêu dâng tràn qua ngưỡng hôn nhân nữa là đàng khác! Nhưng sau hôn nhân thì mỗi ngày tôi ngộ một lầm to, không bao lâu, cứ ngỡ là mình đang sống với người hành tinh lạ!
Có cất công đi tìm quyển nhật ký đã có lần quên ở chỗ anh ở, với những dòng đại loại, “…em thích nhìn anh suy tư, tay mân mê điếu thuốc, những làn khói xanh huyễn hoặc đã làm em mê hoặc gương mặt rất đàn ông của anh…” Có vậy thì người ta mới mắt nhắm mắt mở se duyên với con nhỏ smoke-girl trong rừng con gái. Nhưng làm thân trâu ngựa chưa được mấy năm thì nó vứt vô mặt chồng cả tập hồ sơ của công ty bảo hiểm sức khoẻ, “Đó! Bây giờ còn hút thuốc thì tiền bảo hiểm mỗi tháng sẽ lên năm chục. Anh liệu đi! Không biết sao tới đi ngủ, cũng còn mò ra garage, đốt một điếu, để vô nhà hôi rình…”
Đôi mắt mơ mang nhìn anh đẹp trai của smoke-girl mới mấy năm đã sắc lạnh như dao mổ.
Kể làm sao hết lửa lòng, mới hôm nào, “em thì làm sao cũng được, miễn có xài thôi. Nhưng mua vớ cho anh cũng phải Docker, Polo… tại anh còn đi đây đi đó!” Nhưng bây giờ anh chỉ đi có một đường… từ nhà tới hãng, nên mang vớ Wal-Mart để tiết kiệm chi tiêu cho gia đình, nó có cà xục cà xịch trong chân thì anh bớt đi…
Cái ấm ờ của chữ “bớt đi” là cách dùng chữ của đàn bà; nó ngây thơ vô số tội, làm ứa gan nam nhi mà không nói được; chỉ còn biết hát vu vơ, “từ ngày có em về, nhà mình toàn tiếng chửi thề…”
Vì thế mà đa số Phật tử là đàn bà, con gái! Bởi tất cả đàn ông đã thành Phật từ khi lấy vợ. Mà đã là Phật thì xá gì sợi dây thòng lọng của đời này. Hãy cứ yêu người mà sống, lâu rồi đời mình cũng quen…
Tội nghiệp cu Thảo, như con gà rù. Có lẽ mới lấy vợ lần đầu nên chưa có kinh nghiệm, như người mới đi làm sợ lay-off. Đời sống sẽ dạy cho người công nhân hết áy náy lương tâm khi cùng việc làm mà hãng khác trả lương cao hơn; bởi sự trung thành với hãng cũ chỉ có giá trị 9 tháng tiền thất nghiệp khi hết việc. Bà boss ở nhà không tệ bạc như ông xếp trong hãng, nhưng tính bossy tự nhiên thành sau hôn nhân để giữ kỷ cương cho một gia đình là điều phụ nữ hay chọn như cách tốt nhất để xây dựng và bảo vệ hạnh phúc gia đình… Tính tương đối trong hôn nhân là mắt nhắm mắt mở với người để bình an tạm bợ cũng được vì đời sống vốn ngắn ngủi…
Thằng Tuấn nãy giờ lo ăn, không nói. Vì nó mới đi làm về, ghé quán nhà mua vài món qua ngày. Bởi vợ cũng dẫn con về nhà má đã mấy hôm! Nhớ thằng “trời gầm” này, hôm Tổng thống Obama hạ thủ được trùm khủng bố Bin Laden, dư luận quán nhà không cho điển cao ông tổng da màu như dư luận Mỹ mà chỉ nghi ngờ ông đã biết trước Bin ở đâu, nhưng để đúng thời điểm tông tông cần tín nhiệm của cử tri lên cao thì ra tay lấy điểm. Riêng nó, “phải như ổng hạ thủ được bà già vợ tui thì tui cho ổng làm tổng thống muôn năm…”
Trường hợp Tuấn cũng tội nghiệp lắm! Làm con người đâu ai muốn ác miệng với tứ thân phụ mẫu, nhưng không có lửa thì khói đâu ra! Chuyện người thứ ba như nói ở trên là action thứ thiệt, nghe Tuấn như nghe người khi đói thì bộ óc thường tuột xuống bao tử để người ta chỉ nghĩ đến cái ăn. Nhưng đã no bụng… thì ông Lâm Chương không viết tiếp là bộ óc trồi lên lại hộp sọ hay theo đường tiêu hoá đi luôn!
Tôi mới được nghe lần đầu về một chuyện “ly dị chui”, thật là sáng mắt trong chuyện hôn nhân chói lòa của mình. Mà chắc chắn tôi có nhiều bạn bè cũng rứa, vì khi ngồi nhậu với nhau mà nói tới mấy hiền nội thì tên (trự) nào cũng chỉ thở dài; hiểu nhau qua cái nhìn tràn trề thông cảm, chia sẻ lặng thinh năm chục phần trăm, như chia chung hoạn nạn.
Tuấn ưu tư mà rằng,
“Anh với Thảo còn nhớ anh Hai tui không?”
“Sao quên được, ăn nhậu ở nhà anh Hai của Tuấn tới mòn ghế. Quên gì mà quên!”
“Vậy, anh nhớ chị Hai em không? Chị dâu em đó!”
“Nhớ chứ! Chị Hai nấu ăn ngon. Mà cũng rộng lượng lắm!”
“Anh với Thảo, nghĩ sao về anh chị Hai em?”
Thảo nói, “mơ ước của tuổi trẻ tụi mình.”
“Còn anh?” Tuấn nói,
“Anh thấy anh chị Hai của Tuấn khá rộng rãi. Biết là anh chị có khả năng thì mới như vậy với người quen kẻ biết. Nhưng anh, sau này ngại, ít đến chơi nhà vì thấy đôi người lợi dụng lòng tốt của anh chị…”
“Anh nói đúng. Cảm ơn anh. Nhưng hai ông bà già có tiền thì cho mình ăn nhậu, khỏi cúng cô hồn, đâu có sao! Có chuyện em nói ra, không biết anh với Thảo nghĩ gì, thậm chí có tin em không nữa?…”
“Thảo nói, “Ê, vợ mày đi mới mấy ngày. Mà đi về ngoại chứ có lên thiên đàng hay xuống âm phủ đâu, mà mày mất khí thế quá vậy?
“Tao còn thê thảm hơn mày đang lãnh án treo! Cái án của tao tức chết, mà không nói được! Anh Hai tao trở chết hay sao rồi! Tự nhiên đòi ly dị. Bây giờ ông ấy sống riêng, dọn ra apartment sống một mình. Nhưng độc địa ở chỗ là bắt chị Hai tao im lặng! Không được để ai biết, thậm chí là mấy đứa con cũng không được biết, nói chi là anh em hay bạn bè, người quen…”
“Nhưng nguyên nhân đưa đến quyết định của anh ấy là gì?” Tôi nói,
“Chị Hai em siết ổng từ sau cái kết quả xét nghiệm định kỳ. Ông ấy không chịu ở tù thêm lần nào nữa trong đời, nên chọn tự do và chấp nhận chết cũng được! Chỉ khổ cho em là phải ghé thăm anh Hai, nhưng lại phải dấu vợ. Bà xã em sinh nghi em la cà, dẫn con về má với hiểm họa khó lường vì tính bà xã em hay ghen tuông…”
“Anh thấy chị Hai của Tuấn là người tế nhị lắm! Sao lại để ra nông nỗi khi hai vợ chồng đã tới hàng bảy mươi hết rồi còn gì?”
“Chị Hai em còn tỉnh táo lắm, nhưng anh Hai em trở chết thật rồi! Bây giờ bỏ hết giàn bonsai mà anh ấy cắt tỉa có tới mấy chục năm. Đám em, con cháu, không muốn gặp đứa nào nữa. Vợ nói không nghe, nhà không ở… lang thang quán xá tới một, hai giờ đêm như ma cà rồng. Em thì lớp phải đi làm, lớp phải theo ổng chứ để chị Hai em ra đường đêm hôm cũng đâu có được…
Không biết anh Hai em nghĩ gì trong đầu óc anh ấy bây giờ nữa! Một người đứng đắn, đàng hoàng, có hết các thứ… tự nhiên đổi tánh như hồi dương vậy đó! Bây giờ anh với Thảo tình cờ gặp ông ấy mà không hết hồn nữa thì thôi! Ăn mặc quái đản, phong độ khùng khùng điên điên, suốt ngày la cà hàng quán vung vít tiền bạc… như xài cho hết để chết vậy đó!”
“Tiền đâu mà vung vít?…”
“Em không biết nói sao với anh và Thảo. Anh chị Hai em đã thôi đi làm mấy năm nay. Sáng ra có cà phê, bữa sáng chị Hai lo tươm tất. Anh ấy chỉ vui với bonsai. Hai ông bà rủng rỉnh tiền già, tiền hưu đều nhiều. Trong khi con cái đền đã ổn định, ra riêng… Nói chung là hai người về hưu quá khoẻ với nhà, xe trả hết từ đời nào rồi, lại còn hai căn nhà cho thuê…
Chỉ từ mùa lạnh vừa qua, anh ấy bị cảm cúm, phải đi bác sĩ. Sau đó, em tính là đứt dây thần kinh gì đó! Tự nhiên đổi thái độ với chị Hai em, lôi hết quá khứ đời nào ra trách móc, nói vợ xem thường , khinh khi… Ông ấy chịu đựng mấy chục năm đủ rồi! Bây giờ…
Chị Hai em dấu chuyện dí súng, kề dao, bắt làm đơn ly dị. Không được cho ai biết, không được chia tài sản… vì không có em tôi cũng đâu có chết!
Chị Hai em thì anh với Thảo đều biết mà! Chị ấy lập toàn bộ hồ sơ ly dị giả thì anh Hai không biết! Và người không cần tiền khi hết tiền mặt trong túi thì cà thẻ vô tư vì không biết ai là người trả bill luôn nữa! Vậy đó, bây giờ lang thang và cà thẻ lung tung; cà thẻ khó hiểu là cà trong tiệm đồ chơi con nít, mua đến bạc ngàn tiền đồ chơi rồi đem đi cho, hay vứt bỏ ở đâu không biết; ở căn apartment của anh Hai em, thật khó tin là ông ấy chơi xe hơi remote control. Em hỏi thì nói là tập lái xe cao tốc trên đường đua, chứ đường trong thành phố đâu cho chạy nhanh… mà đó giờ ông ấy lái xe chỉ nhanh hơn người đi bộ; có đã cả chục năm, đi đâu hai người thì chị Hai em lái vì mắt ông ấy đâu thấy đường…”
Tôi nói, “Anh thấy chuyện này không đơn giản đâu! Phải cho mấy đứa con anh chị Hai biết. Sau đó, bày mưu lập kế gì đó để chụp thuốc mê ông ấy mà đưa đi khám bác sĩ tâm thần. Vì để anh ấy lang thang với thẻ nhựa sẽ có ngày bị mất xác không hay, em hiểu ý anh chứ!”
“Chỉ là chị Hai em biết anh Hai có vấn đề về tâm thần, nên càng không dám khuấy động. Sợ anh ấy làm bậy! Nên trước mắt là cho em hay để theo dõi anh ấy thôi.
Cũng may là ổng thương em nhất nhà nên còn cho em gặp mặt.”
Chuyện ly dị chui của người đàn ông đã ngoài bảy mươi làm oải ba tên còn trẻ. Chúng tôi ngồi nhìn nhau không nói vì như mỗi người đang nhìn vào chính mình. Không biết đó là tương lai của ai nữa! Tôi càng không biết anh Hai là sản phẩm của sự uốn nắn của chị Hai; hay là sản phẩm của cuộc sống trên vai người đàn ông sau mấy mươi năm tận tụy với hôn nhân và gia đình. Cái định nghĩa về hạnh phúc mà Trần Yên Hạ sưu tầm có quá khác thường không! Hay cuộc sống đã có nhiều chứng minh về sự khác thường luôn ẩn chứa tính phi thường của nó mà ràng buộc xã hội làm chúng ta không dám nghĩ tới…
Phan