Trung Quốc kiểm duyệt tin đồn trên điện thoại di động Logo của hai mạng thông dụng ở Trung Quốc : WeChat và Vi Bác - Reuters
Theo AFP, hôm nay, 28/05/2014, chính quyền Trung Quốc mở chiến dịch chống loan truyền tin đồn trên các dịch vụ nhắn tin điện thoại di động WeChat, với ước tính gần 400 triệu người sử dụng. Kiểm duyệt siết chặt khiến mạng Vi Bác mất đến 9% khách hàng trong năm ngoái. Biện pháp mới này được đưa ra trong bối cảnh một loạt vụ khủng bố đẫm máu xảy ra tại Tân Cương.
Theo Tân Hoa Xã, mạng chia sẻ tin tức với WeChat đã nằm trong tầm ngắm của cơ quan kiểm duyệt thông tin Trung Quốc (SIIO). WeChat, một ứng dụng cho điện thoại di động của tập đoàn Internet Trung Quốc Đằng Tấn (Tencent), ít bị nhà cầm quyền chú ý hơn vì phạm vi kết nối ở quy mô hẹp.
WeChat cho phép truyền đạt các thông điệp bằng văn bản, ảnh hay âm thanh cho một nhóm tối đa 500 người. Các thông tin trên WeChat được coi là riêng tư, vì công chúng không trực tiếp truy cập được. Cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc Đây cho rằng những cuộc trao đổi mang tính « tư nhân » như vậy là « một thách thức đối với cuộc chiến chống tin đồn và các nội dung có hại ».
Theo các biện pháp mới, được áp dụng vào tháng 9/2013, người dùng net Trung Quốc có thể bị phạt tới 3 năm tù, nếu đưa lên mạng các thông điệp mang tính bôi nhọ, được đưa lên mạng từ 500 lần trở lên và được hơn 5.000 lượt truy cập.
Sau khi bị kiểm duyệt trấn áp hồi năm ngoái, 37% khách hàng của mạng tiểu blog Vi Bác đã chuyển sang sử dụng WeChat.
Tin đồn không chỉ là sản phẩm của truyền thông dân chúng, hồi đầu năm 2013, Tân Hoa Xã ra thông báo bác bỏ tin đồn về việc lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đi phẫu thuật thẩm mỹ để có hình thức giống với ông nội Kim Nhật Thành nhằm củng cố uy tín của mình, sau khi tin này được truyền đi qua kênh truyền hình Shenzhen TV, thuộc tập đoàn truyền thông Thẩm Quyến. Theo nhiều nhà quan sát, mù quáng tin theo và thực hư lẫn lộn là một thực trạng của nền truyền thông chính thức của Trung Quốc, nơi chế độ luôn nỗ lực ngăn chặn và kiểm soát thông tin nhằm duy trì độc quyền lãnh đạo.
Theo RFI