logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
phai  
#1 Đã gửi : 28/05/2014 lúc 06:28:38(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
UserPostedImage

Nói đến Nguyễn Đình Toàn là phải đề cập đến ba chân dung nghệ sĩ: văn sĩ, thi sĩ và nhạc sĩ. Ba chân dung này có nhiều khi ở ba lãnh vực khác nhau nhưng lại có những quan hệ mật thiết với nhau. Một điều rõ ràng là bất cứ trong lãnh vực nghệ thuật nào, cũng đều thấy một con đường khác lạ với mọi người.
Thơ, văn, hay nhạc, cũng đều là một cách thế để suy tư, để sống bằng cảm quan của mình. Đời sống như dệt ra bằng những nỗi buồn và ở nơi ông, với một sức khỏe mong manh lại làm cho cuộc nhân sinh như bị u ám thêm. Suốt từ lúc còn trẻ tuổi, đi vào văn chương với cái bút hiệu Tô Hà Vân của thời Hà Nội xa xưa đến lúc vào Sài Gòn, viết tác phẩm đầu tay là Chị Em Hải đăng từng kỳ trên nhật báo Tự Do, rồi đến các tác phẩm sau này, cũng đều là những tác phẩm về tình yêu & tuổi trẻ, tuy hình thức có khác đi, vẫn là biểu hiện của một cách thế sống, một suy nghiệm sống.
Nguyễn Đình Toàn được kể như một người viết chịu ảnh hưởng nhất của phong trào Tân Tiểu Thuyết, một phong trào viết tiểu thuyết còn được gọi là anti-roman với chủ trương mới lạ đi ngược lại cách viết tiểu thuyết cổ điển như đã hiện hữu trong văn chương từ trước. Chủ trương của những nhà văn như Alan Robble Grillet, Claude Simon, Nathalie Sarraute,… là nhà văn phải xóa bỏ chủ quan khi cầm bút. Cách viết phải rất khách quan, như ống kính của người chụp ảnh, ghi chép lại nguyên vẹn sự việc và không có xúc cảm hoặc nhận định chủ quan chen vào. Tân tiểu thuyết (nouveau roman) còn có tên mệnh danh khác là trường phái của cái nhìn, nghĩa là y hệt một cặp mắt, nhìn, quan sát trung thực sự vật không bị biến tướng biến dạng bởi sự cảm nhận cá nhân.
Nhưng khi được hỏi về phong trào tân tiểu thuyết ở Việt Nam trong thập niên 60 thì Nguyễn Đình Toàn trả lời rằng ông nghĩ sao thì viết vậy mà thôi. Câu hỏi tiếp là liệu có chính xác không khi nói ông và một số bạn đồng hành chịu ảnh hưởng của tân tiểu thuyết như Huỳnh Phan Anh, Hoàng Ngọc Biên, Đặng Phùng Quân,…? Thì Nguyễn Đình Toàn trả lời là đó là những nhóm bạn viết trẻ hơn ông thường gặp nhau ở quán cà phê La Pagode chứ không phải là cố tình tạo ra một phong trào văn học mới lạ ở Miền Nam lúc ấy.
Có một điều, khi ông là một trong ba người lựa chọn bài vở cho tạp chí Văn, thời mà Trần Phong Giao làm chủ biên, thì bài vở được lựa chọn nhất là ở bộ môn văn đã có nhiều khám phá và các người cầm bút trẻ đã có bước khởi đầu tốt đẹp. Cũng như các trào lưu văn học cũng như các tác giả nổi tiếng trên thế giới được viết thành những chủ đề như những cánh cửa mở ra nền văn chương quốc tế.
Tiểu thuyết của Nguyễn Đình Toàn có cách tạo dựng nhân vật khá độc đáo. Những nhân vật ấy sống ơ hờ trong một không gian, thời gian mỏng mảnh, của bàng bạc những suy tư và nội tâm là những rối rắm phức tạp. Ông mang tuổi trẻ đi vào tình yêu và mỗi một nhân vật là mang theo một định mệnh mà ở đó con người bị lôi cuốn đi trong những mê thức chập chùng mà cuộc sống đã sẵn dành.
Đọc trong các tiểu thuyết của ông như Con Đường, như Ngày Tháng, như Không Một Ai, như Đồng Cỏ,…hoặc một số truyện ngắn như trong tập Đêm Lãng Quên chẳng hạn, thì thấy rõ cung cách của một người viết tạo ra một chỗ đứng cho tác phẩm của mình. Cùng với những cây bút khác, quả thực ông có tạo ra thành một phong trào mà nhà văn Mai Thảo gọi là có một chút thành công và thất bại. Thành công là phong trào này đã đem lại cho văn chương tiểu thuyết một chân trời mới mà kỹ thuật và ngôn ngữ là những khai phá bất ngờ đầy hứng thú. Nhưng thất bại vì không thể làm thay đổi được cảm quan của người đọc về tiểu thuyết truyền thống. Trước sau, tiểu thuyết vẫn là biểu hiện của đời sống qua ý nghĩ chủ quan người viết.
Nguyễn Đình Toàn có lẽ sáng tác cũng không hề để ý đến những thành tựu hay mất mát thua được của tân tiểu thuyết, mà ông chỉ viết theo ý thích của mình. Ông có niềm tin vào công việc mình làm và xác tín một thái độ rất trí thức nên tiểu thuyết của ông được kể đến như những thành tựu, và rõ ràng ông đã có địa vị của một nhà văn đáng kể trong hai mươi năm văn học miền Nam…
Đọc Con Đường, để thấy được định mệnh của một người đàn bà sẵn dành riêng một góc tối đau khổ. Nhân vật ấy có một cuộc đời bị bủa vây bởi tất cả những điều khốn khó nhất mà lại bất thường với khuôn mặt có vết chàm khó coi. Cha mất sớm, mẹ bỏ đi lấy chồng, thân thể thì dị dạng, nên con người sống gần với bản năng hơn lý trí. Cô ta không có một chọn lựa nào khác là đầu hàng nghịch cảnh và sau chuyến đi thăm người mẹ trở về đã dễ dàng ngả vào bàn tay của một người đàn ông xa lạ và trở thành đàn bà từ đêm dọc đường ấy cùng với sự khám phá về nỗi sung sướng vô biên của nhục cảm. Nhân vật xưng tôi trong Con Đường đã bị trôi vào một bi kịch cũng như người mẹ mười năm trước, cũng đã lang chạ ngoại tình và rốt cuộc chỉ là một dòng lệ rớt trên mi khi đưa tiễn đứa con trở về từ bến xe.
Nhân vật xưng tôi trong truyện và nhân vật “người viết kịch” đã đóng một vai kịch của những cuộc đời mà ở đó đã sẵn mầm chứa của những điều tối tăm ẩn sâu trong nội tâm con người. Thêm một nhân vật “bà ở chung” đã làm thành một vở kịch tay ba mà ở đó người đàn ông đã giương một cái bẫy để cho hai người nữ sụp hố. Và sân khấu kịch không chỗ nào khác hơn là cái giường, nơi tình yêu có khi là hỗn hợp của sự ngu ngốc khờ dại và lòng đam mê nhục dục cao độ.
Con đường với cô bé xấu xí bây giờ giống như con đường mà mẹ cô đã đi xa vĩnh viễn đứa con gái của mình. Một con đường định mệnh mà sự gian truân là hành trang mang theo.Trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Toàn, đầy dẫy những nghịch cảnh và con người luôn luôn thủ vai người thua bại. Họ đi trên những con đường mù mịt mà không cưỡng lại được những cảnh trớ trêu bày sẵn…
Trong Con Đường, tác giả bắt nhân vật phải xuôi theo định mệnh và chấp nhận tất cả những hậu quả bi đát dù có phi lý đến đâu chăng nữa. Cuộc đời sẵn dành cho mỗi con người một phận số và sẽ chẳng thể phản kháng được mà phải giơ tay đầu hàng trước những trớ trêu nghiệt ngã của cuộc đời…
Đọc một tác phẩm khác, Ngày Tháng, lại thấy được một số phận của người đàn bà bị lôi vào những mảnh sống đầy khúc mắc mà sự bó tay bất lực đã làm đời sống tưởng như bị triệt hủy thối rữa. Tiểu thuyết của ông là những ray rứt nội tâm, là những cảnh ngộ bị lôi cuốn vào, là sự tranh đấu giữa dục vọng và thánh thiện, để rồi bản năng đã dẫn dắt con người. Nhân vật nữ tên Hà sống trong nỗi mòn mỏi cuộc sống, không dám liều bước sợ bị vấp ngã, nên cứ đành trôi theo cuộc đời. Nhân vật ấy như được treo lơ lửng bằng những chán chường và người đàn ông chỉ có giá trị như là một sự kềm hãm, một sự cho phép ngấm ngầm kể cả chuyện làm tình. Thân phận của một người đàn bà 30 tuổi góa chồng sống một mình cô đơn thảm thiết giày vò kể cả việc tự sờ mó thân thể mình trong cơn dục vọng. Người chồng đã chết vẫn ám ảnh nàng với hình ảnh của bộ đồ phi công và những ngày tháng sống ở thành phố biển đã là một ám ảnh không nguôi.
Hà gặp Vinh, một phóng viên chiến tranh, và một mối tình bắt đầu với đam mê nhưng lại kéo theo những khúc mắc của đời sống, Hà sợ cô đơn nhưng cô đơn lại như một ám ảnh khiến đời sống như cứ dài ra nỗi khắc khoải. Hai người yêu nhau nhưng tự biết khó thể gần nhau vì mỗi người đều có cuộc sống riêng, có phận đời riêng. Nhưng dục vọng và sự ân ái cứ như sợi dây trói buộc, và con người như không thoát ra được. Cuộc sống như một chọn lựa bắt buộc. Có lúc Hà muốn bắt cặp với một người Mỹ say mê nàng nhưng rồi vẫn chỉ là những nửa vời của mê đồ không ngõ thoát.
Ở Nguyễn Đình Toàn và tiểu thuyết Ngày Tháng, nhân vật như lúc nào cũng ở trong trạng thái chiến đấu khốc liệt giữa bản năng và sự hướng thiện. Khi nằm ôm người tình để ngày mai đi vào quân trường, sự cô đơn như nỗi chết cứ chập choạng vây quanh đời sống.
Nhân vật của Con Đường và Ngày Tháng là đàn bà, thì trong tiểu thuyết Không Một Ai nhân vật lại là một thanh niên bị thương trong một cuộc hành quân giải ngũ trở về thành phố làm một công việc văn phòng. Vết thương về thể xác vẫn còn trong khi về tâm não thì cũng bị khủng hoảng theo. Nhân vật ở đại danh từ ngôi thứ nhất xưng “tôi” là một người có ý hướng muốn thay đổi cuộc sống mình, quên và bỏ đi những ký ức cũ, và cả hiện tại cũng đầy vết thương. Nhưng tất cả chỉ ở trong ý nghĩ thôi, và đời sống cứ như thế một mực chán chường của những vết thương không lành miệng.
Tác phẩm của Nguyễn Đình Toàn thường xuất hiện rất ít nhân vật, và những nhân vật thường hay độc thoại, ít đối thoại, và thường là những khám phá đi sâu vào nội tâm con người. Ở trong tiểu thuyết Không Một Ai, cũng chỉ có bốn nhân vật, gồm chàng thanh niên xưng tôi, người nữ lúc bỏ đi lúc trở lại tên Ph., Trang, người đàn bà đau khổ có số phận không may và Kế, người đàn ông đứng tuổi nhưng lại có đam mê của thời mới lớn. Những nhân vật ấy chia sẻ với nhau những định mệnh, mà sự bất hạnh dường như lúc nào cũng lẩn khuất và hạnh phúc là những giây phút chen lẫn ngắn ngủi. Chàng trai xưng tôi trong truyện thì người tình vừa bỏ đi, đời sống đang đầy những cơn đau về thể xác lẫn lộn về những ảo tưởng của tâm trí nên cuộc sống ấy như phủ đầy những bóng tối. Trang, người đàn bà làm chung sở, cũng chẳng may mắn hơn, cũng chuyện tình cảm gãy đổ, sống với bà mẹ và hai đứa con và trong lòng luôn khao khát một cuộc tình, để lấp cho đầy khoảng trống. Chàng trai thì lại nhìn Trang để nghĩ tới người tình đã bỏ đi, ân ái với Trang để tưởng tới những thỏa mãn nhục dục từ Ph., người tình lang chạ.
Tình yêu trong phần đông tác phẩm của Nguyễn Đình Toàn đều có những gãy đổ và thường là những nửa vời trong cuộc sống họ. Có khi chỉ là ý nghĩ, rất mong manh và thoáng qua. Nó phác họa một thế giới khác, một không gian thời gian khác mà rất ít chất cụ thể. Nó gần như của một con người khác lúc nào cũng tự đi kiếm mình và đời sống mình dù con người ấy, ngày tháng ấy, khung cảnh ấy vẫn sờ sờ trước mặt. Họ vong thân trong chính cuộc sống của họ. Trong Không Một Ai, nhân vật nào cũng đều có một thế giới riêng. Ngay cả Kế, một người lớn tuổi cùng làm việc chung với nhân vật xưng tôi và Trang, cũng là một nhân vật lạ lùng. Khi nghe người con là trung úy Quân y bị chết ở chiến trường, cũng là lúc vừa được lên chức, Kế như người bị phân đôi và chẳng biết làm gì nên rủ người bạn trẻ đi hút. Chiến tranh, hiện hữu với vết thương của nhân vật xưng tôi, hay cái chết của con trai Kế, chỉ là một nhắc nhở về cơn giông bão mà thôi.
Rồi những phức tạp, những xếp đặt của định mệnh để Trang ngủ với Kế, rồi tính phá thai rồi nhân vật tôi lại muốn cứu vớt, rồi Ph. người tình trở về, rồi Trang chết. Tất cả những diễn tiến ấy là đoạn kết của Không Một Ai. Một câu chuyện rất hiện sinh, của những người hiện hữu trong cái phút giây hững hờ của cuộc sống. Mà tiểu thuyết ấy cũng chính là một hành trình của những cuộc viễn du vào thế giới nội tâm, mà những con đường hình như đầy ngõ rẽ và nhiều bóng tối, của chính cuộc sống và những cảm nghĩ về cuộc sống.
Trong văn chương, Nguyễn Đình Toàn đã có định kiến về cõi sống, một định kiến mà chiều sâu của sự u ám bi quan đã làm khuất lấp đi bề mặt của cuộc sống hiện hữu. Ông muốn đi sâu vào ý thức, để từ đó soi rọi thêm những nhận định, nhìn rõ thêm chân dung con người và đôi khi cả mặt sau của chân dung ấy. Ông viết như một cách thế để “kể về” hoặc “nói về” mà không phải là “viết về”. Và cách nói hay kể cũng đều trầm lắng, mà cảm quan thì được giấu đi những phẫn nộ hay phản kháng, thành ra tiểu thuyết của ông có nét riêng của một sự chấp nhận. Chấp nhận cả những hữu lý và vô lý của cuộc đời. Những nhân vật ấy, tuy đầy dẫy trong thế giới chúng ta nhưng lại được nhìn và tả khác đi thành những nhân vật của riêng Nguyễn Đình Toàn với tất cả cá tính của một cuộc sống bề trên thì có vẻ tĩnh lặng nhưng bề sâu thì đầy những cuộc sóng lớn. Và, dù ở trong một đất nước chiến tranh, cuộc chiến vẫn là những bề sau khuất lấp, tuy nhiều ảnh hưởng nhưng lại có mặt như một nỗi tình cờ…
Đọc văn Nguyễn Đình Toàn, thấy thấp thoáng những khuôn trời thơ mộng. Và rồi Áo Mơ Phai, xuất bản năm 1973, đã đoạt giải thưởng văn học toàn quốc.
Sống ở hải ngoại, ông viết mục phác họa chân dung tác giả cho các báo và sau đó ông chọn lại và in Bông Hồng Tạ Ơn.
Suốt một hành trình văn chương dài hơn nửa thế kỷ, tác giả “Bông Hồng Tạ Ơn” đã có thật nhiều dịp tiếp xúc, làm việc, hoặc thân tình với nhiều nghệ sĩ trong nhiều bộ môn nghệ thuật. Thành ra những cảm nhận của ông về người, về thơ, về văn, về nhạc… đều có nét chính xác cũng như sâu sắc và khiến người đọc hình tượng được những cá tính của những khuôn dáng nghệ sĩ ấy. Với 190 tác giả Việt Nam được phác họa trong bộ sách 2 tập, độc giả có thể mường tượng được một thời kỳ văn học nghệ thuật có nhiều khai phá. Với cách viết ngắn gọn nhưng cô đọng và khá đầy đủ, từng tác giả và từng tác phẩm được biểu hiện trung thực. Đây có lẽ là một công trình làm phong phú hơn sinh hoạt văn học ở hải ngoại và là những tài liệu cho những người còn yêu ngôn ngữ Việt và văn chương Việt. Có nhiều tác giả khá lạ với người đọc, cũng như có nhiều bài nhạc bài thơ tưởng đã quên lãng thì với cái trí nhớ gần như xuất thần, tác giả ghi chép lại khá chính xác và đó chính là điểm rất đặc biệt của tác phẩm “Bông Hồng Tạ Ơn”…
Hình như, những chân dung nghệ sĩ được đề cập đến được chọn lựa tùy cảm hứng và không có một tiêu chuẩn nào. Và tác giả cũng không muốn làm công việc chọn lọc những vóc dáng nghệ sĩ tiêu biểu trong tập sách này. Ông yêu thích và nhớ được tác giả và tác phẩm rồi viết ra với cảm tình của mình.
Nguyễn Đình Toàn cũng là một nhà thơ nổi tiếng. Những tập kịch thơ như Phạm Thái Trương Quỳnh Như hay tập thơ Hồi Sinh, hoặc tập thơ đầu Mật Đắng đã tạo cho ông một vóc dáng thi sĩ mà về sau này ông đã mang ngôn ngữ của thi ca hòa hợp với cung bậc của âm nhạc thành những ca khúc có sức lôi cuốn thính giả.
Ở trong những tập sách bìa dày chép thơ của các cô cậu học trò thường có nhiều bài thơ được chép với sự nâng niu trìu mến. Khi tuổi đã lớn, đọc lại những bài thơ ấy, như có một chút vọng động nào ngân nga. Có thể là bước đi về của thuở hoa niên ngày cũ…
Thơ Nguyễn Đình Toàn, nhẹ nhàng như bài thơ Khi Em Về:

Khi em về trời xanh và gió mát
Con đường mòn thơm lá mục quê hương
Vườn cải ngồng rủ ong bướm về sân
Anh nằm đây buổi trưa và tiếng nắng
Mặt đất mềm bước chân em chợt nhẹ
Lá tre vàng dồn thổi mùa thu đi
Luống huệ ấy xòe những vầng hoa trắng
Và dầy thêm lá rụng lớp phên che
Quê mẹ đấy ưu phiền nhiều quá lắm
Hàng cau già mo thương bẹ quắt queo
Anh nằm đếm những ngày rồi những tháng
Đi qua dần khi nước mắt buông theo.

Có khi là thơ buồn, thơ của những lời ru từ xa xưa vọng lại, từ hiện tại thổi về, Thơ của lời ru cuối cùng cho một cuộc tình xa cách:

Ru em lần cuối cùng này
Bằng hơi mát của một ngày sắp xa
Bằng giờ phút sắp chia xa
Rồi thôi rồi chẳng bao giờ nữa đâu
Giòng kinh năm ngón son cầu
Với môi mặn với hồn trao nghẹn lời
Với sầu xưa ngút trên vai
Tóc xanh non với khuy cài áo thơm
Hàm răng mát tuổi má tròn
Đường thêu chỉ đã hao mòn đây em
Gió trời xin ngủ bình yên
Coi như giấc mộng ưu phiền đấy thôi
Mây cao với mắt trông vời
Soi gương trán bỏng quên người tôi đi

Có khi thơ lại là những bước đi về. Thơ Nguyễn Đình Toàn đầy những chỗ đi và nơi về, nơi chốn mà không gian thời gian ngưng đọng từ nỗi buồn chia xa của sẵn thiên cổ riêng dành:

Khi em trở về
trời mùa đông đen
căn nhà không người
và mùi ẩm mốc
Khi em trở về
Tay đầy nước mắt
Trên thành cửa bụi
Tuổi thơ đi qua
Khi em trở về
Mộ người yêu đó
Hoa trên phiến đá
Cỏ buồn ngón chân
Và cơn gió rét
Que diêm bật lên
Que diêm bật lên
Những mơ ước cũ
Sáng lên một lần
Những hình ảnh cũ
Tắt đi một lần
Khi em trở về
Bàn tay khói hương
Buồn xưa sắp hết
Nói gì đi em!

Viết về văn sĩ và thi sĩ Nguyễn Đình Toàn như vậy vẫn chưa đủ, tôi muốn viết nhiều hơn về người nghệ sĩ của tình yêu tuổi trẻ một thời. Nhưng xin hẹn một bài khác. Để tiếp tục, tôi viết về phần tới sẽ đăng tiếp ở kỳ tới. Chân dung nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn và chương trình Nhạc Chủ Đề lẫy lừng ngày xưa, một chương trình của những người trẻ thời ấy. Bây giờ, đã thành những người muôn năm cũ hướng vọng về một thuở nào sống mãi trong ký ức của đời người…

Nguyễn Mạnh Trinh
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.164 giây.