Thế giới không có mấy quốc gia nhiều đất đai và tài nguyên. Trong số ít ỏi ấy, ba quốc gia còn mộng đế quốc, hoặc ít nhất có tâm lý đàn anh quốc tế, mà nhất là Mỹ, Nga và Trung Quốc. Từ sau thế chiến thứ nhì, ba nước này là kẻ thù của nhau nhiều hơn bạn. Trung Quốc lẽ ra là bạn chí thiết đồng chủ nghĩa hồi Nga còn là Liên Bang Sô Viết, nhưng rồi cũng không tránh khỏi kèn cựa nhau về ảnh hưởng cũng như về biên giới. Mỹ nghịch cả đôi, Nga nhiều hơn Trung Quốc trong thời gian ngay sau thế chiến thứ hai, vì lúc ấy Trung Quốc mới tập tễnh ra khỏi thời kỳ đô hộ Tây Phương, chưa đủ sức mạnh để lên mặt với ai.
Bang giao Mỹ- Trung gọi là êm thắm được trong một thời gian khá dài từ ngày Nixon thực hiện chuyến viễn du lịch sử đến Trung Quốc năm 1972, sau khi Trung Quốc mở cửa, chính trị đỏ nhưng kinh tế tư bản, cho đến gần đây khi Trung Quốc đủ lông cánh để gây hấn, nào là ăn cắp kỹ thuật quân sự và thương mại của Mỹ, nào là muốn hất chân Mỹ ở vùng biển Đông…
Nga với Mỹ sau thời chiến tranh lạnh đằm thắm được ít lâu lúc Liên Bang Sô Viết sụp đổ vào cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990, rồi từ từ nguội lạnh khi một anh cựu KGB là Vladimir Putin đi nước cờ chính trị ngược: vẻ ngoài dân chủ nhưng thực ra là chuyên chính độc trị theo kiểu cộng sản.
Từ đầu thế kỷ 21 đến nay, ba cường quốc này tạo thành thế chân vạc, thân thiện bề mặt và đấu đá bề trong, và liên minh 2 chống 1 đôi khi xảy ra theo quyền lợi quốc gia từng thời kỳ. Nhưng tuần qua, cái thế 2 chống 1 trở lại như thời chiến tranh lạnh: Nga và Trung Quốc, hai người bạn xưa, bắt tay để chống kẻ thù cũ là Mỹ.
Chống chọi trực tiếp đáng kể hiện tại là giữa Nga và Mỹ qua vụ Ukraine, sau khi Nga nuốt mất Crimea và đang chực chờ miền Đông Ukraine bất ổn để đi cùng nước cờ sát nhập. Mỹ và các đồng minh châu Âu thực thi một vài biện pháp trừng phạt kinh tế không ảnh hưởng sâu rộng gì mấy vì kinh tế châu Âu và Nga phụ thuộc vào nhau trong quan hệ buôn bán, nhất là trong lãnh vực dầu khí: Nga cần bán và châu Âu cần mua. Tuy thế, để chuẩn bị cho khả năng tiếp tục nuốt càng nhiều lãnh thổ Ukraine càng tốt thì Nga cũng phải chuẩn bị cho những bước trừng phạt kinh tế nặng hơn từ châu Âu và Mỹ. Muốn làm thế Nga cần một bạn hàng kinh tế khác có sức mua lớn, và lựa chọn thích hợp nhất chính là Trung Quốc đang khát năng lượng.
Về phía Trung Quốc, dầu khí từ Nga có thể giúp giảm nạn ô nhiễm từ than củi đang làm mịt mờ bầu trời nhiều thành phố lớn, nhưng trước đây hai nước cò kè giá cả chưa ngã ngũ được. Đang lúc Nga cần bán, Trung Quốc cũng lợi dụng lợi thế để mua năng lượng giá hời, thêm nữa cho Mỹ một đòn gián tiếp khi giúp Nga bẻ cùn trừng phạt kinh tế của Mỹ và châu Âu. Vì tuy chống chọi trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ là tố cáo trong tuần qua của Mỹ về hoạt động gián điệp ăn cắp kỹ thuật qua mạng của cơ quan quân sự Trung Quốc, hai nước còn gián tiếp kình nhau trên biển Đông, nơi Mỹ có căn cứ quân sự và Trung Quốc đang muốn vơ làm hải phận của mình.
Thoáng nhìn vị thế Nga và Trung Quốc họp nhau dằn mặt Mỹ, có thể nghĩ rằng đấy là tàn tích của tình hữu nghị từ thời Nga Soviet. Trên thực tế, tàn tích duy nhất chính là mộng đế quốc xâm chiếm đất đai từ cả hai nước quá độ từ phong kiến thẳng đến cộng sản, không có hoặc rất ít ý thức tôn trọng chủ quyền quốc gia của những nước khác. Liên minh này tồn tại bao nhiêu lâu là tùy sức mạnh tương đối của đôi bên với nhau và quan hệ giữa họ và Mỹ cũng như những nước khác. Trung Quốc đang trên đà tăng trưởng và có thể sẽ là nước gây hấn trong tương lai, và đường biên giới chung giữa hai nước có thể một lần nữa lại là mục tiêu tranh chấp
Nguyễn Phương