Một khu thương mại ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc, 04/04/2014. REUTERS/Alex Lee
Một phần tư thế kỷ sau vụ đàn áp đẫm máu phong trào đòi dân chủ ở quảng trường Thiên An Môn, Trung Quốc từ chỗ bị cộng đồng quốc tế lên án, cô lập, đã trở thành một cường quốc rất được phương Tây ve vãn. Trong quan hệ giữa Bắc Kinh và phương Tây, vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc dần dần được xếp xuống hàng thứ yếu.
Trong đêm ngày 03 rạng sáng 04/06/1989, Bắc Kinh đã huy động quân đội thẳng tay trấn áp những người biểu tình ở Thiên An Môn. Sự kiện gây chấn động mạnh công luận quốc tế. Các cường quốc phương Tây áp đặt những biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào Trung Quốc.
Thế nhưng, với đầu óc thực dụng, nhiều nước phương Tây đều tính tới khả năng làm ăn với Trung Quốc trong tương lai. Tổng thống Mỹ George Bush – thường gọi là Bush cha – nguyên là phái viên Hoa Kỳ tại Trung Quốc trong các năm 1974 – 1975, tương đương như đại sứ, vì đến năm 1979, Bắc Kinh và Washington mới thiết lập quan hệ ngoại giao – đã bỏ ngoài tai những lời kêu gọi phải có những biện pháp trừng phạt Trung Quốc mạnh mẽ hơn. Thậm chí, Washington còn bí mật cử các phái viên đến Bắc Kinh để giải thích và trấn an lãnh đạo số 1 Trung Quốc thời đó là Đặng Tiểu Bình.
Trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống năm 1992, ông Bill Clinton đã tố cáo vụ đàn áp Thiên An Môn và « những tên đồ tể Bắc Kinh ». Sau khi vào Nhà Trắng, trong thời gian đầu, Tổng thống Clinton đã gắn việc phát triển quan hệ thương mại song phương với việc cải thiện tình trạng nhân quyền ở Trung Quốc. Nhưng rồi, đòi hỏi này đã nhanh chóng bị lãng quên.
Trong một cuộc điều trần gần đây trước Nghị viện Hoa Kỳ, ông Winston Lord, nguyên phụ trách hồ sơ Đông Á của Bộ Ngoại giao Mỹ, được AFP trích dẫn, cho biết : « Chúng ta có đạt được một vài tiến bộ, nhưng các cơ quan kinh tế không hào hứng, làm hỏng chính sách của chúng ta và Tổng thống Clinton không ủng hộ Bộ Ngoại giao ». Theo nhà ngoại giao này, chính quyền Mỹ bị chia rẽ, « Trung Quốc khai thác tình trạng này và họ không có thay đổi gì đáng kể trong vấn đề nhân quyền ».
Một số trừng phạt vẫn tồn tại từ năm 1989 đến nay. Phương Tây và Nhật Bản thường xuyên tổ chức đối thoại với Trung Quốc về nhân quyền và duy trì cấm vận bán vũ khí cho Bắc Kinh, cho dù trước đây, đã có lần, nước Pháp kêu gọi bãi bỏ biện pháp này. Thế nhưng, Trung Quốc ngày nay có ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều so với thời kỳ năm 1989 : Sức nặng kinh tế tăng gấp 30 lần và Trung Quốc trở thành công xưởng khổng lồ của thế giới. Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, vào năm 2013, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa ra các đòi hỏi chủ quyền biển đảo, đe dọa các nước láng giềng có tranh chấp. Trên nhiều hồ sơ quốc tế quan trọng như Bắc Triều Tiên, Iran hay Sudan, phương Tây phải nhờ cậy đến sự hợp tác, ảnh hưởng của Trung Quốc.
Giáo sư Warren Cohen, thuộc trường đại học Maryland-Baltimore County, Hoa Kỳ, nhận định : « Ngay từ đầu, các chính quyền Mỹ không đặc biệt chú tâm đến những vấn đề » nhân quyền này. Theo ông, thỉnh thoảng, vấn đề nhân quyền được nhắc đến khi có một sự cố hoặc ai đó viết một bài về chủ đề này. « Nhưng thông điệp được gửi tới Trung Quốc rất rõ ràng là mối quan hệ của chúng ta với họ quan trọng hơn rất nhiều so với những gì mà họ bắt người dân Trung Quốc phải hứng chịu ».
Khi bình thường hóa quan hệ thương mại với Trung Quốc, Tổng thống Clinton lập luận rằng về lâu dài, đây là cách tốt nhất để khuyến khích những tiến bộ về nhân quyền. Thế nhưng, chính các quan chức Mỹ, trong thời gian qua, đã thừa nhận là tình trạng nhân quyền tại Trung Quốc ngày càng tồi tệ, với các vụ bắt bớ giới ly khai, hạn chế quyền của các cộng đồng thiểu số hoặc phong tỏa, kiểm duyệt thông tin liên quan đến vụ đàn áp Thiên An Môn.
Theo bà Sophie Richardson, phụ trách hồ sơ Trung Quốc trong tổ chức Human Rights Watch, « người ta không thể nói rằng phát triển kinh tế sẽ dẫn đến cải thiện các quyền dân sự và chính trị. Trung Quốc đã cho thấy rõ ràng không phải là như vậy ».
Theo RFI