Chỉ có Bộ Công an: Đối tượng bị tố cáo, đối tượng đề nghị khởi tố và đối tượng quyết định khởi tố vụ án hình sự là một Công an lại lạm dùng Điều luật 258 để khởi tố báo điện tử Pháp Luật Và Xã Hội và nhà báo Minh Thắng.
Ngày 04/6/2014, Bộ Công an nhận được khẳng định từ Bộ Công an là bài báo sai sự thật, xâm phạm nghiêm trọng uy tín và các lợi ích hợp pháp khác của Bộ Công an. Bộ Công an đề nghị Bộ Công an điều tra, xem xét, xử lý việc theo quy định của pháp luật.
Ngày 5 tháng 6, 2014 cơ quan điều điều tra Bộ Công an đã khởi tố nhà báo Minh Thắng và báo Pháp Luật Và Xã Hội tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo Điều 258 BLHS. Lý do khởi tố đến từ bài báo Luật sư “tố” doanh nghiệp của Bộ Công an kinh doanh kiểu “bầu Kiên”. Hành động này của Bộ Công an có nhiều sai trái.
1. Khởi tố sai đối tượng: Bài báo của phóng viên Minh Thắng là một bài tường thuật diễn biến tranh tụng tại một phiên tòa. Những tố cáo Bộ Công an - chủ sở hữu của Tổng công ty Viễn thông toàn cầu (GTEL) - không đăng ký ngành nghề kinh doanh tài chính, góp vốn, mua cổ phần cổ phiếu đến từ các luật sư Bùi Quang Nghiêm, Hoàng Đôn Hùng như là những bằng chứng trình bày trong phiên tòa tranh tụng của vụ án Nguyễn Đức Kiên.
Nhà báo Minh Thắng chỉ làm nhiệm vụ của một phóng viên tường thuật lại những thông tin từ phiên tòa, nội dung trình bày của luật sư và báo Pháp Luật và Xã Hội đăng tải. Nếu Bộ Công an muốn khởi tố thì phải khởi tố các luật sư bào chữa cho Nguyễn Đức Kiên. Muốn vậy Điều 258 phải được Bộ Công an tùy tiện diễn dịch thêm là “Lợi dụng quyền tranh tụng trước tòa để xâm phạm lợi ích của Bộ Công an”.
2. Đối tượng bị tố cáo, đối tượng đề nghị khởi tố và đối tượng quyết định khởi tố vụ án hình sự là một. Đối tượng bị các luật sư tố cáo là Tổng công ty Viễn thông Toàn cầu (GTEL) thuộc Tổng cục Hậu cần, Kỹ thuật - Bộ Công an.
Đại diện cho GTEL gửi Công văn 253/GTEL-VP đến Bộ Công an-Chủ sở hữu của GTEL (1) là Chủ tịch Tổng cty Nguyễn Văn Dư. Ông Nguyễn Văn Dư là Đại tá công an và từng là Cục trưởng Cục Thông tin liên lạc - Tổng cục Kỹ thuật - Bộ Công An (2)
Đối tượng Sở hữu chủ GTEL - Bộ Công an ngay lập tức, chỉ 1 ngày sau, tiến hành khởi tố án hình sự. Nguyên văn thông báo của Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công An như sau: (3)
Nếu viết lại theo “căn cước” của các đối tượng thì thông báo này nên được trình bày như sau:
Ngày 04/6/2014, Bộ Công an nhận được khẳng định từ Bộ Công an là bài báo sai sự thật, xâm phạm nghiêm trọng uy tín và các lợi ích hợp pháp khác của Bộ Công an. Bộ Công an đề nghị Bộ Công an điều tra, xem xét, xử lý việc theo quy định của pháp luật.
3. Nội dung bài báo là sai sự thật?: Đại tá công an Nguyễn Văn Dư “khẳng định” với Bộ Công an “nội dung bài báo là sai sự thật, đã xâm phạm nghiêm trọng uy tín và các lợi ích hợp pháp khác”. Vậy nội dung ấy gồm những dữ kiện gì.
Trích dẫn nguyên văn từ bài báo Luật sư “tố” doanh nghiệp của Bộ Công an kinh doanh kiểu “bầu Kiên” (bài báo đã bị gỡ xuống trên Pháp Luật Và Xã Hội) những dữ kiện liên quan đến Tổng công ty Viễn thông Toàn cầu của Bộ Công an:
- Trao đổi với phóng viên chiều 2-6, các luật sư đã cho biết, hàng loạt bằng chứng mới vừa được các luật sư thu thập được, để chứng minh hàng loạt công ty đã đầu tư góp vốn, mua cổ phần cổ phiếu mà trong giấy phép đã được cấp hoàn toàn không có đăng ký “đầu tư tài chính, góp vốn, mua cổ phần cổ phiếu”. Đặc biệt là các công ty của chính Bộ Công an cũng không hề đăng ký kinh doanh đầu tư góp vốn, mua cổ phần cổ phiếu, mà họ vẫn thực hiện hành vi này từ lâu nay.
- Theo "điểm danh" của các luật sư này, đó là Tổng công ty Viễn thông toàn cầu (GTEL), Bộ Công an là chủ sở hữu công ty này. GTEL không đăng ký ngành nghề kinh doanh tài chính, góp vốn, mua cổ phần, cổ phiếu. Vậy mà ngay trên Website của công ty này (http://gtel.com.vn/vi-VN/caccongtythanhvien/6/23/Default.aspx) cũng công bố công ty này góp vốn thành lập rất nhiều công ty khác, trong đó có việc góp vốn vào công ty CP Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật GTEL và công ty TNHH Công nghệ Thông tin và Truyền thông GTEL.
- Như vậy, công ty TNHH Công nghệ Thông tin và Truyền thông GTEL, công ty này có chủ sở hữu là Tổng công ty Viễn thông toàn cầu (GTEL). Mà chính Bộ Công an là chủ sở hữu của Tổng công ty Viễn thông toàn cầu (GTEL). Công ty này không đăng ký ngành nghề kinh doanh tài chính, góp vốn, mua cổ phần cổ phiếu, nhưng công ty này đã góp vốn vào công ty CP Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật GTEL... Theo các luật sư, cơ cấu góp vốn ở nhiều công ty khác, cũng minh chứng đều này.
- Các luật sư băn khoăn đặt câu hỏi, với bằng chứng này, thì ngay cả Bộ Công an cũng có công ty hoạt động đầu tư tài chính góp vốn, mua cổ phần cổ phiếu kiểu... "bầu Kiên". Liệu các DN này có bị xem xét quy buộc là “Kinh doanh trái phép” như theo kết luận điều tra của Cơ quan điều tra-Bộ Công an và VKSND tối cao trong vụ án Nguyễn Đức Kiên!?
Một lần nữa, từ những trích dẫn này, những cáo buộc là từ 2 luật sư Bùi Quang Nghiêm, Hoàng Đôn Hùng chứ không phải tự nhà báo Minh Thắng cáo buộc.
Cáo buộc của phía luật sư tóm gọn vào như sau:
GTEL/Bộ Công an không đăng ký ngành nghề kinh doanh tài chính, góp vốn, mua cổ phần, cổ phiếu góp vốn. Tuy nhiên, dù không đăng ký nhưng GTEL/Bộ Công an vẫn góp vốn và thành lập Gtel TSC (Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật) và Gtel ICT (Công ty TNHH Công nghệ thông tin và Truyền thông). Bộ Công an nắm cổ phần chi phối Gtel TSC và làm chủ sở hữu Gtel ICT. (4)
Do đó, trong tố cáo của các luật sư chỉ còn lại phần phải minh bạch: GTEL/Bộ Công an có hay không đăng ký ngành nghề kinh doanh tài chính, góp vốn, mua cổ phần, cổ phiếu góp vốn?
Nếu GTEL/Bộ Công an thực sự có đăng ký thì chỉ cần công bố văn bản, tài liệu chứng minh có đăng ký là giải quyết xong mọi ngộ nhận và yêu cầu các luật sư biện hộ tại phiên tòa Nguyễn Đức Kiên đính chính hay xin lỗi trước công luận. Cùng lắm là... khởi tố hình sự các luật sư này đã chứng minh sai trước tòa!
Thế nhưng tại sao Bộ Công an đã không trình bày việc đăng ký mà ngược lại đã quy cho nhà báo Minh Thắng và báo điện tử Pháp Luật Và Xã Hội đã "xâm phạm nghiêm trọng uy tín và các lợi ích hợp pháp khác của Tổng công ty".
Câu trả lời không thể nào khác: những chứng minh của luật sư là đúng sự thật, những thông tin tường thuật lại của báo chí là chính xác và những chứng minh này rõ ràng đã... xâm phạm nghiêm trọng các lợi ích BẤT HỢP PHÁP của Bộ Công an.
Vì thế Bộ Công an phải ra tay, bịp mồm (ra lệnh gỡ bài xuống), răn đe (để đừng bao giờ đụng đến lá chắn của chế độ) và trả thù (vì đã đụng đến phần còn tiền của bộ phận còn đảng còn tiền).
Bộ Công an đã tùy tiện sử dụng Điều 258 với nội dung mở ra cho mọi suy diễn tùy tiện "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" để bắt giam, bỏ tù nhiều người - gần đây nhất là blogger AnhBaSam Nguyễn Hữu Vinh, Lê Thị Phương Anh, Đỗ Nam Trung và Phạm Minh Vũ. Lần này, Bộ Công an đã leo lên một nấc thang mới của sự lạm quyền, chà đạp lên những nguyên tắc căn bản nhất của pháp lý khi chính họ vừa là đối tượng bị tố cáo, vừa là đối tượng đề nghị khởi tố, và cũng là đối tượng quyết định khởi tố để bảo vệ lợi ích bất hợp pháp của một bầy đoàn mà người dân đã có một cụm từ mới dành cho họ: côn an.
7/6/2014
Vũ Đông Hà
________
(1) gtel.com.vn/
(2) gmobile.vn/content/80-ban-dieu-hanh.aspx
(3) mps.gov.vn/web/guest/ct_trangchu/-/vcmsviewcontent/GbkG/2005/2102/29607
(4) gtel.com.vn/vi-VN/caccongtythanhvien/6/23/Default.aspx
Sửa bởi người viết 06/06/2014 lúc 06:40:43(UTC)
| Lý do: Chưa rõ