logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
xuong  
#1 Đã gửi : 27/10/2014 lúc 09:04:23(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Điếu Cày: Ra nước ngoài không phải là đóng lại cánh cửa đấu tranh


Một trong những tù nhân lương tâm nổi tiếng nhất Việt Nam, blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải đã bị nhà cầm quyền CSVN cưỡng bức và trục xuất ra khỏi Việt Nam hồi tuần qua. Ngày 21/10/2014, người sáng lập Câu lạc bộ Nhà Báo Tự Do đã được hàng trăm người Việt tị nạn cộng sản chào đón như một người hùng ngay khi vừa đặt chân đến Hoa Kỳ.


Sau ít ngày nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe và lo một số vấn đề cá nhân, anh Điếu Cày đã dành cho Danlambao một cuộc phỏng vấn để hồi tưởng chặng đường đã qua và chia sẻ mục tiêu đấu tranh trong thời gian sắp tới.

Không nhận tội để được tha tù
Điếu Cày cho biết, sáng ngày 21/10/2014, anh bị 2 xe công an áp giải từ trại giam số 6, Nghệ An ra sân bay Nội Bài để trục xuất sang Hoa Kỳ.

“Trong suốt quá trình đi như thế, tôi không hề được gặp gia đình, thăm người thân và cũng không được đi như một người bình thường”, Điếu Cày nói

Trước đó, đại diện bộ công an đã nhiều lần trực tiếp vào trại giam ép buộc Điếu Cày viết ‘đơn xin nhận tội’ và ‘tha tù’, tuy nhiên những yêu cầu này đều bị từ chối.

“Một nguyên tắc bất di dịch của tôi là không bao giờ nhận tội để được tha tù”, anh khẳng định.

Do bị bưng bít thông tin trong tù, Điếu Cày hoàn toàn không biết gì về quá trình thương thảo giữa chính phủ Hoa Kỳ và nhà cầm quyền CSVN về trường hợp của anh.

Mãi cho đến ngày 22/9/2014, đại diện ngoại giao Hoa Kỳ đã vào trại giam gặp Điếu Cày, khi đó anh mới biết thêm một số thông tin. Điếu Cày kể lại:

“Bộ ngoại giao Hoa Kỳ có nói rằng, Hoa Kỳ yêu cầu Việt Nam thả ông ra mà không có bất kỳ điều kiện nào, dù ông ở lại Việt Nam hay sang Hoa Kỳ”.

“Nhưng hiện tại hai bộ ngoại giao mới đạt được thỏa thuận là ông ra khỏi Việt Nam sẽ phải vào Hoa Kỳ. Đó là những thông tin mà tôi có thể biết được”.

Thả tù vì nhân đạo là ‘hoàn toàn trái sự thật’
Một quan chức bộ ngoại giao CSVN có lên tiếng nói rằng ‘việc cho phép ông Nguyễn Văn Hải xuất cảnh đi Mỹ vì lý do nhân đạo’, blogger Điếu Cày khẳng định điều này ‘hoàn toàn trái với sự thật’.

“Những gì mà bà con, cộng đồng quốc tế nhìn thấy tôi bị áp giải và xuống sân bay Los Angeles trong đôi dép tổ ong thì cũng biết tôi đã phải ra đi như thế nào”.

“Nếu vì lý do nhân đạo, tôi đã được về gặp gia đình và giờ này tôi đang ở Sài Gòn cùng với gia đình tôi chứ không phải đi qua Mỹ như thế này”.

“Và nếu vì lý do nhân đạo, nếu tôi có đi sang Mỹ cũng đi một cách đàng hoàng, cầm vé trên tay vào sân bay, chứ không phải bị áp giải ra đến tận cầu thang sân bay như thế này”, blogger 62 tuổi này khẳng định.

Quan chức bộ ngoại giao CSVN cũng lặp lại tuyên bố “Ở Việt Nam không có cái gọi là tù nhân lương tâm”, đồng thời bác bỏ cách gọi tù nhân lương tâm của quốc tế dành cho Điếu Cày.

Nếu nhà cầm quyền CSVN có ‘nhân đạo’ thì những người cất lên tiếng nói ôn hòa không thể bị bỏ tù như trường hợp Điếu Cày trong suốt 6 năm 6 tháng vừa qua.

Không đóng lại cánh cửa đấu tranh

Khi thông tin Điếu Cày đặt chân đến Mỹ được loan tải, có ý kiến cho rằng việc anh ra nước ngoài sẽ khó có thể tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ như khi còn ở Việt Nam.

Trước những ý kiến này, Điếu Cày chia sẻ:

“Tôi đã đi qua 11 nhà tù và đã có hơn 6 năm rưỡi trong nhà tù, tôi có đủ thời gian để nhìn nhận tất cả những sự ghê tởm trong các nhà tù Việt Nam”.

“Chính vì điều đó, khi không còn được sát cánh cùng bạn bè đấu tranh ngay trên chính quê hương Việt Nam, tôi đã nhận được trách nhiệm mới, đó là trách nhiệm phải đấu tranh cho nhân quyền trong các nhà tù Việt Nam”.

“...Lần này tôi đi, tôi sẽ phải thực hiện và làm những công việc mà những người tù nhân lương tâm ở Việt Nam đã không cất lên tiếng nói được”.

“Trong hoàn cảnh bất khả kháng như tôi, việc đi ra nước ngoài cũng không phải là đóng lại cánh cửa đấu tranh đối với tôi”.

“Bởi vì trên internet không có khoảng cách”, Điếu Cày chia sẻ.

Ngay khi đến Hoa Kỳ, Điếu Cày cũng đã cho phổ biến bức thư của nhà báo Trương Duy Nhất nhắn gửi. Đây là lá thư mà Điếu Cày phải rất khó khăn mới có thể mang ra được bên ngoài.

Câu lạc bộ Nhà báo Tự do là một gia đình lớn

CLB Nhà Báo Tự Do do blogger Điếu Cày sáng lập đã đặt những viên gạch đầu tiên cho truyền thông độc lập tại Việt Nam phát triển. Mặc dù bị đàn áp hết sức nặng nề, nhưng nhiều thành viên CLB vẫn tiếp tục đấu tranh trong thời gian hơn 6 năm anh bị tù đày.

Điếu Cày cho biết, CLB Nhà báo Tự Do như một gia đình lớn, anh luôn nhớ tất cả mọi người trong hơn 6 năm qua.

“Tôi vẫn luôn nhớ về mọi người, mọi thành viên trong Câu lạc bộ Nhà báo Tự Do. Đối với các thành viên trong CLB NBTD, chúng tôi như một gia đình lớn, tình cảm như anh em trong nhà với nhau. Chúng tôi đã dành cho nhau tất cả tình cảm, những khả năng mà mình có thể làm được cho bạn của mình”.

“Vì vậy, tôi muốn rằng trong thời gian sắp tới, những người còn ở trong tù, những bạn bè còn ở bên ngoài… Tôi muốn tất cả tập hợp nhau lại để cùng đấu tranh cho những người còn đang ở trong tù, và cho tất cả những ai còn đang đấu tranh cho tự do ngôn luận ở Việt Nam”.

“Mọi nỗ lực của chúng ta là để thúc đẩy cho những quyền đó được thực hiện trên quê hương Việt Nam”.

Trong cuộc phỏng vấn, Điếu Cày gửi lời cảm ơn đến tất cả các cá nhân và tổ chức đã nỗ lực đấu tranh đòi trả tự do cho anh.

“Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến tất cả mọi người đã nỗ lực đấu tranh cho tự do báo chí. Cho tôi gửi lời cảm ơn đến những người đã giúp chúng tôi thoát khỏi lao tù”.

Dự định sắp tới: Tập hợp lại CLB NBTD

Chia sẻ về những dự định sắp tới trong một hoàn cảnh đấu tranh mới, Điếu Cày nói:

“Thứ nhất, chúng tôi sẽ tập hợp lại Câu lạc bộ Nhà báo Tự do. Trong quá trình từ khi thành lập đến nay, anh em CLB NBTD người thì bị bắt giữ, người bị giam cầm, nhưng chúng tôi vẫn không từ bỏ mục tiêu của mình.

Tất cả anh em sẽ tập hợp lại để phục hồi lại CLB NBTD và sẽ tiếp tục đấu tranh cho quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận.

Thứ hai, tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cho những tù nhân lương tâm tại Việt Nam. Họ không cất lên được tiếng nói thì tôi sẽ thay họ cất lên tiếng nói.

Đặc biệt, trong đó có một người vẫn còn ở trong tù là cô Tạ Phong Tần. Một người đã đấu tranh rất kiên cường suốt nhiều năm trong nhà tù cộng sản. Gia đình của cô, bác Đặng Thị Kim Liêng đã tự thiêu để phản đối chính sách hà khắc của cộng sản đối với những người con đang bị giam giữ như tôi và Tạ Phong Tần”.

Điếu Cày bị trục xuất sang Mỹ chỉ với bộ quần áo đơn sơ và đôi dép tổ ong, nhưng trách nhiệm mà blogger 62 tuổi này mang trên vai quả là hết sức nặng nề.


Theo Danlambao

Sửa bởi người viết 27/10/2014 lúc 04:55:54(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

xuong  
#2 Đã gửi : 27/10/2014 lúc 05:13:11(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Blogger Điếu Cày tuyên bố tiếp tục đấu tranh cho tự do dân chủ tại VN

UserPostedImage
Phóng viên Nam Nguyên phỏng vấn blogger Điếu Cày qua Skype chiều 27/10/2014

Một tuần sau khi tới Los Angeles, Tiểu bang California Hoa Kỳ, tù nhân lương tâm Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đã dành cho Đài ACTD cuộc phỏng vấn đặc biệt. Xin nhắc lại ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải được Chính quyền Hà Nội phóng thích hôm 20/10/2014 vừa qua và bị đưa thẳng ra phi trường buộc rời khỏi Việt Nam.

Đấu tranh bằng truyền thông

Nam Nguyên: Kính chào ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải. Hôm nay được 1 tuần từ khi ông được trả tự do và đến Mỹ. Hầu hết những người bất đồng chính kiến khi buộc rời VN ra nước ngoài cư trú đều có mối ưu tư là sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp tục con đường mà mình đã chọn khi ở Việt Nam. Kế hoạch sắp tới của ông như thế nào?
Blogger Điếu Cày: Thưa anh Nam Nguyên và kính thưa toàn thể thính giả, thực tế thì tôi đã bị tách khỏi môi trường đấu tranh ở trong nước 6 năm, 6 tháng, 2 ngày rồi. Vì vậy, bây giờ nói tôi bị tách khỏi môi trường đấu tranh ở trong nước thì cũng không được chính xác lắm. Còn đi ra nước ngoài như thế này, khi phải thay đổi môi trường sống, môi trường đấu tranh thì cũng cần có thời gian để hội nhập vào. Tôi nghĩ rằng tôi cũng có thể hội nhập sớm hơn.

Nam Nguyên: Thưa ông, tiếng nói của một người trong tư thế lưu vong sẽ khó có tác động mạnh mẽ như khi họ còn ở trong nước. Điều này chính quyền VN biết rõ, nên muốn đẩy tù nhân lương tâm ra khỏi nước nếu phải trả tự do cho họ. Blogger Điếu Cày sẽ có phương thức mới để đấu tranh, ông có thể tiết lộ đôi chút?
Blogger Điếu Cày: Cũng có một vài người hỏi tôi vấn đề này nhưng tôi cũng chỉ xin chia sẻ như sau:

Bởi vì chúng tôi hoạt động tự do báo chí trên internet mà trên internet thì không có khoảng cách. Còn khi đấu tranh ở trong nước, chúng tôi có tham gia đấu tranh xuống đường biểu tình chống Trung Quốc hoặc là tẩy chay Olympic Bắc Kinh. Trong những cuộc biểu tình đó, câu lạc bộ nhà báo tự do đã nhận vai trò đi đầu, dẫn dắt. Thế nhưng khi anh em chúng tôi bị đàn áp, bị bắt thì những cuộc biểu tình vẫn tiếp tục xảy ra. Và những cuộc biểu tình sau thì lại càng đông hơn những cuộc biểu tình trước. Như vậy, chúng tôi ngoài việc thắp lửa ban đầu thì không nhất thiết chúng tôi phải có mặt trong những cuộc biểu tình đó mà chúng tôi vẫn cứ giúp được anh em, vẫn cứ giúp được đồng bào, vẫn cứ giúp được phong trào. Đồng thời cũng đã khơi dậy chiến dịch biểu tình chống Trung Quốc. Ra ngoài hải ngoại, làm việc trên internet thì không có khoảng cách, tôi cũng không nghĩ rằng tôi bị tách khỏi xã hội Việt Nam thì tôi sẽ không hoạt động, không đấu tranh được.
Nam Nguyên: Vâng, như vậy sẽ có kế hoạch là ông Điếu Cày trở lại câu lạc bộ báo chí tự do mà ông là một trong những người sáng lập?

Blogger Điếu Cày: Thật ra, ngay sau khi rời khỏi sân bay về đến nhà thì từ ngày hôm đó đến hôm nay chúng tôi đã thực hiện những việc đó là kết nối. Đến hôm nay, chúng tôi đã một nhóm ở đây rồi. Anh em từ Canada sang cũng đã có một nhóm ở đây. Do vậy những chương trình sắp tới tôi đang thảo luận, bàn bạc để tiếp tục làm việc. Tôi là người của hành động nên từ hôm đó đến nay, mặc dù là chưa được khỏe để tiếp xúc với anh em bên truyền thông nhưng chúng tôi đã thực hiện những việc kết nối anh em trong và ngoài nước rồi.

Nam Nguyên: Thưa có phải điều đó là điều ông Điếu Cày hơn hẳn những nhà tranh đấu khác khi họ bị đi lưu vong không ? Đó là sự kết nối không những trong nước mà cả ngoài nước nữa. Và cũng nhờ thời đại internet phát triển mạnh nên đó là một thế mạnh phải không, thưa ông?

Blogger Điếu Cày: Vâng, tôi rất tâm đắc với cuốn “Thế Giới Phẳng” và cũng rất tâm đắc với cuốn “ Sống Sao Trong Thời Đại Số”. Vì vậy những việc chúng tôi làm, chúng tôi thấy có mình ở trong đó. Chúng tôi cũng học được nhiều điều ở trong đó. Và chúng tôi sẽ tiếp tục ứng dụng nó. Bởi vì trong thế giới phẳng này, trong kỷ nguyên của toàn cầu hóa và hội nhập, hợp tác và phát triển này thì việc liên lạc, việc đi lại cũng không phải là khó khăn như trước. Do vậy, ở hải ngoại này tôi vẫn cứ làm việc hiệu quả được như thường.

Nếu đem tôi mà so sánh với những người khác thì tôi nghĩ cũng không nên vì tôi mới sang, tôi cũng rất tôn trọng các anh em khác. Mỗi người có một sự lựa chọn riêng của mình. Trong những phong trào cũng thế thôi. Việc lựa chọn là việc của mỗi người. Mỗi người có thể tham gia với một cấp độ khác nhau. Vì thế tôi xin không bình luận về việc so sánh giữa tôi và những người khác.

Nam Nguyên: Thưa ông, một số ý kiến ở VN cho rằng, còn cộng sản thì không thể có dân chủ nhân quyền, nhưng thay cộng sản thì nhất nhất phải tránh được các hình thức độc tài khác. Ý kiến của blogger Điếu Cày là như thế nào?
Blogger Điếu Cày: Tôi thấy những giá trị của dân chủ là tôn trọng quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận. Tôi cũng quan niệm rằng một đảng chính trị thể hiện ý nguyện của người dân. Nếu mà một nhóm này thể hiện được ý nguyện mà nhóm khác cũng có thể thể hiện được ý nguyện của riêng mình. Trong một xã hội mà một nhóm khi nó đủ mạnh mà nó còn tước đoạt đi cái quyền được cất lên tiếng nói, cái quyền được biểu đạt ý nguyện của những nhóm khác thì cái nhóm đó trở thành độc tài và trở thành nguy hiểm cho xã hội. Tất nhiên, những xã hội đó không thể có dân chủ được.

Lá bài của chính quyền VN?

Nam Nguyên: Chính quyền Việt Nam dùng tù nhân lương tâm để trao đổi một số quyền lợi với nước ngoài mà trường hợp điễn hình cũng là trường hợp của Điếu Cày. Việt Nam không thực tâm cải thiện nhân quyền, dân chủ. Lá bài này được sử dụng nhiều lần, theo ông phải làm gì để hóa giải vấn đề đó để nó không xảy ra nữa và phải thực sự thay đổi nhân quyền?

Blogger Điếu Cày: Đó là câu chuyện truyền thông chúng ta cần phải làm. Với những người đấu tranh dân chủ như chúng ta thì việc cất lên tiếng nói thay cho những người tù mà đã bị bắt vào trong đó là điều rất quan trọng. Chính nhờ truyền thông chúng ta loan tin rộng rãi, đấu tranh mạnh mẽ thì sẽ đưa được tiếng nói của những người tù đến được với những tổ chức quốc tế mà khiến họ phải lưu tâm, khiến họ cũng phải góp tay đấu tranh để yêu cầu những chính quyền độc tài phải thả người của chúng ta ra.

Nam Nguyên: Theo các tin ghi nhận, bạn bè trong nước hy vọng ông không bỏ cuộc, nhưng tranh đấu ở hải ngoại thường phải dựa vào một tổ chức nào đó, chứ tranh đấu đơn độc thì không có kết quả. Ông nhận định gì?

Blogger Điếu Cày: Tôi nghĩ anh em nói cũng có phần đúng. Tuy nhiên điều đó tùy vào mỗi nhóm và mỗi công việc của mỗi người làm. Chúng tôi làm việc trên truyền thông, vì vậy, vì vậy chúng tôi sẽ thành lập nhóm chuyên làm về truyền thông. Chúng tôi không vào một nhóm nào nhưng lại ủng hộ tất cả các nhóm có thể cất lên tiếng nói giùm các nhóm. Tôi nghĩ mỗi một tổ chức nào cũng cần có truyền thông. Nếu những tổ chức nào cần hỗ trợ về truyền thông thì chúng tôi đều có thể giúp đỡ được.
Do vậy, tuy chúng tôi không thuộc về một nhóm nào nhưng lại giúp đỡ tất cả các nhóm bởi vì với một tổ chức chính trị thì truyền thông là quyền lực số một. Còn khi nó đã thành một nhà nước, có công an, có quân đội, có chính quyền nó mới xuống quyền lực thứ tư. Cho nên chúng tôi sẽ bắt đầu bằng truyền thông và chúng tôi sẽ dùng truyền thông để khích lệ, để hỗ trợ các phong trào đấu tranh dân chủ, các tổ chức hoạt động đấu tranh dân chủ, để đòi tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng sử dụng truyền thông để hỗ trợ bất kỳ nhóm nào mà có mục đích là đấu tranh đem lại dân chủ và tự do cho nhân dân Việt Nam, đem lại lợi ích của Tổ quốc, của dân tộc, đòi hỏi sự toàn vẹn lãnh thổ thì chúng tôi đều ủng hộ cả.

Nam Nguyên: Thưa blogger Điếu Cày, ông là tù nhân lương tâm được người Việt hải ngoại tiếp đón ân cần nhất, khác với thái độ dè dặt trước đây với nhiều nhân vật khác. Ông cảm nhận gì về điều này. (Hải ngoại đã cảm thông hơn?)
Blogger Điếu Cày: Hôm nay, được anh phỏng vấn thì tôi cũng nhờ anh chuyển đến đồng bào hải ngoại đã ra sân bay đón tôi là tôi rất xúc động, rất cảm động với tình cảm chân thành của bà con đối với tôi. Đó là niềm hạnh phúc của tôi. Còn cái việc bây giờ bà con có cái nhìn khác đối với những người trong nước ra bên ngoài đấu tranh như thế này thì một phần chúng ta cũng phải thấy rằng đó là do truyền thông. Trước đây, khi truyền thông bất cân xứng thì sự thông hiểu lẫn nhau giữa bên trong và bên ngoài có sự khác biệt. Thế nhưng khi truyền thông đã được thông thương nhiều chiều và đã có sự cân bằng thì sự thông hiểu giữa bên trong và bên ngoài đến với nhau dễ hơn, cảm thông với nhau nhiều hơn. Từ đó, làm cho thái độ thay đôỉ chân thành khác hơn. Chúng ta đều là người Việt Nam cả, đều máu đỏ da vàng. Tất cả những điều chúng ta làm, nếu vì lợi ích chung của dân tộc, của tổ quốc thì chúng ta không ai đi ngược lại những lợi ích, những quyền lợi của tổ quốc, của dân tộc. Chúng ta tin rằng chúng ta làm đúng và chúng ta không phải lo lắng về cái điều đó.

Chính vì thế mà bên trong, bên ngoài có hiểu nhau được hay không, tôi mong muốn rằng truyền thông phải mạnh mẽ lên. Bởi vì ở trong nước khi truyền thông nằm hết ở trong tay giai cấp thống trị và họ sử dụng toàn bộ hệ thống truyền thông đó để chi phối dư luận xã hội, phục vụ cho mục đích cai trị của mình. Rất nhiều người ở trong nước sẽ còn hiểu sai lầm về người ở ngoài nước. Người ở ngoài nước thì lại không đủ thông tin để hiểu về người trong nước thì cũng có thể hiểu sai về vấn đề đó. Vì vậy chúng ta làm truyền thông, chúng ta phải đẩy mạnh quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận ở trong nước lên. Và chính bằng sự cân bằng truyền thông, chúng ta có được sự thông hiểu. Từ đó mới mang đến được sự đoàn kết và sức mạnh cho dân tộc Việt Nam.

Nam Nguyên: Xin cảm ơn blogger Điếu Cày. Thay mặt ban Việt ngữ đài Á châu Tự do xin chân thành cảm ơn và xin chúc blogger đầy đủ sức khỏe và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống mới cũng như cuộc tranh đấu mới từ hải ngoại.

Blogger Điếu Cày: Vâng, xin cảm ơn anh. Tôi xin gởi lời cảm ơn quý khán thính giả của chương trình và xin chúc bà con cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại được mạnh khỏe và làm ăn phát đạt.
Theo RFA
xuong  
#3 Đã gửi : 27/10/2014 lúc 05:17:52(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Blogger Điếu Cày: Tôi sẽ kiện Việt Nam ra tòa quốc tế

UserPostedImage
Blogger Điếu Cày đang giở những bức thư của bạn tù được ông khâu vào áo và mang qua Mỹ.

Nhà bất đồng chính kiến vừa được Việt Nam phóng thích tuyên bố sẽ kiện chính quyền Hà Nội ra tòa quốc tế vì đã tống giam trái phép các thành viên của Câu lạc bộ Nhà báo tự do. Blogger Điếu Cày cho biết ông tin rằng ông sẽ “thắng kiện”. Ngoài ra, nhà báo tự do này còn cho biết ông phải đặt gánh nặng của phong trào “lên trên lợi ích của gia đình”. Mời quý vị theo dõi toàn bộ cuộc phỏng vấn sau đây với blogger Điếu Cày dành cho VOA Việt Ngữ chiều 27/10:

VOA: Ông mặc một chiếc áo cộc tay và đi đôi dép tổ ong để sang Mỹ. Vì sao ông lại ăn mặc giản dị như vậy?

Blogger Điếu Cày: Tôi ở trong nhà tù, bị đưa ra ngoài, có thế nào thì mặc như thế. Họ đưa tôi ra khỏi nhà tù và từ Trại giam số 6, Thanh Chương, Nghệ An, thì họ đưa thẳng tôi ra sân bay Nội Bài.

VOA: Chính quyền Việt Nam nói gì trước khi thả ông không?

Blogger Điếu Cày: Trước đó, Bộ Công an Việt Nam có vào, tham mưu của Bộ Công an Việt Nam có vào, có nói với tôi, đề nghị tôi viết đơn, xin nhập cảnh vào Hoa Kỳ để học tập về báo chí. Họ cũng yêu cầu tôi viết một cái đơn xin tha tù trước thời hạn. Thế nhưng tôi có một nguyên tắc bất di dịch là không nhận tội để được ra tù cho nên là tôi không viết.

Sau đó tôi có được gặp Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thì Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng nói với tôi rằng chính phủ Hoa Kỳ đã yêu cầu chính phủ Việt Nam phải thả tôi ra vô điều kiện, kể cả tôi ở Việt Nam hoặc đi sang Hoa Kỳ. Nhưng hiện tại, hai chính phủ mới đạt được thỏa thuận là tôi ra tù sẽ nhập cảnh vào Hoa Kỳ để học tập.

Và tôi cũng nhận được một số sự ủy thác của anh em ở trong trại giam, kể cả anh em tù chính trị và anh em tù hình sự ủy thác cho tôi cho nên tôi đồng ý nhập cảnh vào Hoa Kỳ để học tập.

VOA: Dũng, con trai ông và cả chị Tân, vợ cũ của ông, cho biết là gia đình không nhận được một lời từ biệt nào trước khi ông ra đi. Ông có thể nói rõ hơn về chuyện này không?

Blogger Điếu Cày: Về những việc như thế này, chúng tôi là người ở trong nhà tù, việc đàm phán giữa hai bên hoặc những người đi trước có kinh nghiệm như thế nào rồi, có thông tin gì rồi thì chúng tôi hoàn toàn không biết. Một người tù khi anh bị đặt vào hoàn cảnh như thế thì anh chỉ có thể đưa ra các quyết định đối phó trong hoàn cảnh đó với những kinh nghiệm mà anh có được, với những thông tin ít ỏi mà anh có được thôi.

Ở trong tù, chúng tôi luôn phải trả giá bằng những phương pháp thử và sai. Còn khi mà xuất cảnh ra sân bay, tôi cũng nghĩ là họ sẽ để cho tôi được gặp con tôi, gặp vợ tôi ở sân bay nhưng thực tế thì họ không cho tôi gặp mà đẩy thẳng ra máy bay luôn.
VOA: Có tin nói rằng ông bị ép buộc đi Mỹ. Thông tin này đúng hay sai, thưa ông?

Blogger Điếu Cày: Thực ra thì nó có hai vấn đề. Vấn đề thứ nhất là đối với chính phủ Việt Nam, thì họ chỉ đưa ra cho tôi có một sự lựa chọn, là đi học tại Hoa Kỳ, chứ không có lựa chọn là ở lại Việt Nam, và ra tù.

Anh em tù chính trị thì chúng tôi có thảo luận và thống nhất với nhau rằng “anh sẽ phải đi thay chúng tôi, để làm những gì chúng tôi ủy nhiệm”. Vì vậy, lựa chọn này, không phải là riêng của cá nhân tôi, mà còn là lựa chọn của anh em ở cùng với tôi, qua thảo luận đã ủy nhiệm cho tôi. Điều đó đã được thể hiện qua lá thư của anh Trương Duy Nhất.

VOA: Sau khi ông tới Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói ông được đi Mỹ vì ‘lý do nhân đạo’. Phản ứng của ông ra sao đối với tuyên bố này?

Blogger Điếu Cày: Tôi thấy cái tuyên bố này hoàn toàn sai, không có cái gì gọi là nhân đạo ở đây cả, bởi vì tòa án Việt Nam vẫn chưa hoàn thành thủ tục pháp lý để mà buộc tội câu lạc bộ nhà báo tự do. Chúng tôi bị bắt, bị xử sơ thẩm. Chúng tôi đã kháng cáo phúc thẩm, và đã đưa ra bằng chứng thuyết phục nhưng phiên tòa phúc thẩm đó đã không làm được một cái việc duy nhất, đó là chứng minh tội phạm đối với chúng tôi. Và đã không chứng minh được tội phạm, không công bố được chứng cứ, không đưa ra được kết luận mà lại cứ y án.

Việc đưa chúng tôi vào trại giam là hoàn toàn trái pháp luật, và quả thực nó trái pháp luật đối với ngay chính pháp luật của họ. Bởi vì cho đến giờ này, chúng tôi vào tù ngần ấy năm rồi nhưng vẫn chưa có quyết định thi hành án, chưa có bản án phúc thẩm. Tôi đã yêu cầu nhiều lần là phải công bố quyết định phúc thẩm, phải công bố quyết định thi hành án thì mới đưa tôi được vào trại giam. Vì vậy, khi mà anh Khải là tham mưu của Bộ Công an xuống và nói với tôi là viết một đơn xin tha tù trước thời hạn thì tôi nói rằng các anh chưa hoàn thành thủ tục đưa chúng tôi vào tù thì làm sao có thể làm thủ tục đưa tôi ra tù được. Vì vậy tôi không viết đơn xin tha tù. Anh ấy nói đây chỉ là một thủ tục pháp lý thì tôi nói rằng thủ tục pháp lý thì cũng phải tôn trọng pháp luật thì anh mới làm thủ tục pháp lý được. Cuối cùng thì đến ngày đi, họ cũng lặng lẽ đưa tôi ra, không hề tuyên đọc quyết định tha tù hay đình chỉ thi hành án như là Bộ Ngoại giao đã tuyên bố. Tôi cũng không phải ký bất kỳ giấy tờ gì để ra tù.

Vụ án này khi tôi sang đây là nhờ ủy nhiệm của anh em, và tôi cũng còn một trách nhiệm nữa trong chuyến đi này, đó là bắt đầu vụ án CLB nhà báo tự do ở một tòa án khác.

VOA: Tức là ông sẽ đưa vụ việc ra trước một tòa án quốc tế nào đó phải không, thưa ông?

Blogger Điếu Cày: Đúng thế. Đây là một vấn đề pháp luật và là một sai lầm cơ bản của pháp luật mà ngay tòa án Việt Nam sai lầm với chính pháp luật Việt Nam , với chính hiến pháp Việt Nam, vi phạm các công ước quốc tế. Họ không có đủ chứng cứ để buộc tội chúng tôi. Vụ án đã bị vỡ, bị sụp đổ rồi nhưng họ cố tình giam nhốt chúng tôi. Vì vậy mà chúng tôi phải đi ra ngoài này để bắt đầu vụ án đó tù một tòa án khác, tòa án của cộng đồng quốc tế.

Chúng tôi từng bước một sẽ tiến hành việc đó. Tôi sẽ tìm kiếm các nguồn lực, các tổ chức quốc tế để giúp đỡ chúng tôi đưa vụ đó ra tòa quốc tế. Tôi tin rằng, về mặt pháp lý, chúng tôi sẽ thắng kiện.

VOA: Một số nhà hoạt động cho rằng chính phủ Việt Nam đang sử dụng các tù nhân bất đồng chính kiến vào một cuộc mặc cả với Mỹ. Ông có nghĩ rằng mình là một con bài trong cuộc trao đổi này hay không?

Blogger Điếu Cày: Quan hệ ngoại giao giữa hai chính phủ với nhau, là một người tù, tôi hoàn toàn không có thông tin gì cho nên tôi không được biết. Tôi cũng không biết đổi tôi để lấy cái gì vì hoàn toàn tôi không được biết những thông tin đó. Một người phải ở trong tù đối với tôi là sáu năm sáu tháng và hai ngày nên bảo tôi phải bình luận về quan hệ ngoại giao giữa hai nước hoặc có những vấn đề liên quan đến tôi thì quả thật là tôi chưa đủ thông tin để mà bình luận.

VOA: Sau nhiều năm con cái tranh đấu cho tự do của ông khi ông ở trong tù, ông có ý định đưa gia đình mình sang Mỹ đoàn tụ với mình không?

Blogger Điếu Cày: Đó cũng là cái điều khi mà tôi lựa chọn ra đi, tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều tại vì ai cũng muốn đoàn tụ với gia đình. Thế nhưng, trên vai tôi còn gánh nặng ủy thác của anh em, của anh em tù chính trị, và kể cả anh em tù hình sự. Tôi đã đi qua 11 nhà tù, tôi phải thay anh em cất lên tiếng nói, để bảo vệ họ. Dù họ là tù nhân, họ có thể mất một số quyền công dân nhưng quyền con người, họ vẫn còn đầy đủ. Tôi muốn rằng, những trại giam, phải thực thi pháp luật đầy đủ, và phải đối xử với họ như đối xử với những con người.

Chính vì vậy, trong lựa chọn ra đi này, gia đình tôi tiếp tục bị chia cắt, nhưng mà tôi cũng phải đặt gánh nặng của phong trào, của anh em, lên trên lợi ích của gia đình. Tôi nhận sự ủy thác của anh em để đi tiếp. Còn gia đình tôi, tôi cũng rất mong muốn sớm được đoàn tụ.
Theo VOA
xuong  
#4 Đã gửi : 27/10/2014 lúc 05:22:35(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Điếu Cày: 'Tôi phải chỉ rõ ra những khuyết tật của xã hội Việt Nam'
UserPostedImage
Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải trả lời phỏng vấn qua Skype với Trà Mi của Ban Việt ngữ VOA.

Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, người vừa được trả tự do và buộc sang Mỹ tị nạn hôm 21/10 vừa qua sau 6 năm rưỡi ngồi tù với bản án 12 năm về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ vì các hoạt động chống Trung Quốc và cổ xúy tự do báo chí trong nước, cam kết sẽ thúc đẩy quyền tự do báo chí-tự do ngôn luận và bảo vệ các ngòi bút độc lập tại Việt Nam trên chặng đường tranh đấu tiếp theo của ông trong cuộc sống lưu vong tại Mỹ.

Lần đầu tiên lên tiếng với truyền thông hải ngoại kể từ khi đặt chân tới Mỹ, blogger Việt Nam nổi tiếng quốc tế đã dành cho Trà Mi VOA Việt ngữ cuộc trao đổi xoay quanh thời gian tranh đấu, tù đày tại Việt Nam và kế hoạch trong quảng đời lưu vong sắp tới của ông tại Mỹ.

VOA: Anh có đáp ứng yêu cầu ‘nhận tội’ hay ‘cam kết’ của nhà chức trách Việt Nam, một thủ tục trước nay bắt buộc phải có để được phóng thích?

Blogger Điếu Cày: Tôi chưa bao giờ nhận tội. Tôi không khai và không ký bất cứ giấy tờ gì trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, và giam cầm cho tới ngày hôm nay.

VOA: Anh nhất quyết khẳng định mình không làm gì sai hay có tội, vì sao anh chấp nhận được trả tự do có điều kiện, tự do trong lưu vong?

Blogger Điếu Cày: Tôi hiểu thế này. Chính tòa án của Việt Nam cũng chưa hoàn thành thủ tục buộc tội tôi. Tôi có một quy tắc bất di dịch là không nhận tội để được ra tù. Vì vậy, nếu một sự chấp nhận nào vi phạm quy tắc đó, tôi không lựa chọn. Những lựa chọn không vi phạm nguyên tắc này không đồng nghĩa với sự nhận tội.

VOA: Giờ đây anh đã được tự do, nhưng ‘tự do trong lưu đày’, theo cách hiểu của nhiều người. Tâm trạng và cảm nghĩ của anh về sự tự do có điều kiện này, vốn cũng là một hình thức bị cách ly với xã hội Việt Nam?

Blogger Điếu Cày: Là người hoạt động tự do báo chí trên internet, tôi nghĩ tự do internet không có khoảng cách. Tôi không nghĩ mình bị cách ly với xã hội Việt Nam.

VOA: Anh tuyên bố ‘Sự có mặt của tôi trên đất nước tự do này là minh chứng cho chiến thắng của các giá trị tự do dân chủ’, nhưng Hà Nội đã chứng minh rằng ‘chiến thắng’ đó chỉ có được khi ra khỏi biên giới Việt Nam, còn bên trong lãnh thổ Việt Nam thì không có cơ hội ấy. Suy cho cùng, tới giờ phút này những gì anh gọi là ‘các giá trị dân chủ’ vẫn chưa thắng được luật lệ của Việt Nam. Anh nghĩ sao?


Tải để nghe bài phỏng vấn blogger Điếu Cày
http://av.voanews.com/cl...1b-954c-12fa85456350.mp3


Blogger Điếu Cày: Tôi không đồng ý với điều đó vì tất cả cần sự thay đổi, cần thời gian. Những giá trị của tự do-dân chủ đã thắng lợi là việc trong năm nay chúng tôi đã cứu được rất nhiều người ra khỏi tù. Còn việc những giá trị tự do-dân chủ ở Việt Nam vẫn chưa được phổ quát đầy đủ, người Việt Nam vẫn chưa được thực hiện đầy đủ những quyền ấy thì đấy chính là mục tiêu mà chúng ta đấu tranh để đạt tới.

VOA: Nhà nước Việt Nam nói phóng thích anh ‘vì lý do nhân đạo’ xét theo quan điểm của họ khi trả tự do, cho xuất cảnh một người bị họ xem là phạm luật hình sự. Ý kiến anh thế nào?

Blogger Điếu Cày: Họ muốn nói ‘nhân đạo’ thì nó là ‘nhân đạo’ thôi, đó là theo ý kiến riêng của họ. Chứ còn trên thế giới này có nước nào mà bắt một người dân chỉ vì biểu đạt ý kiến một cách ôn hòa trên internet. Những nước như thế không thể nhân đạo được. Tôi thấy hiện nay bên Trung Đông, tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS không chấp nhận những tôn giáo khác biệt, muốn xây dựng một xã hội thuần nhất chỉ một tôn giáo duy nhất của họ. Rất tiếc rằng một số chính phủ trên thế giới này có tư tưởng gần giống với IS, không chấp nhận chính kiến khác biệt, quan điểm khác biệt, tư tưởng khác biệt mà muốn xây dựng một xã hội thuần nhất và đó là một xã hội nguy hiểm.

VOA: Nói chuyện với anh hôm nay không thể không nhắc lại Điếu Cày của ngày hôm qua. Một cách ngắn gọn chia sẻ về thời gian 6 năm rưỡi bị giam ở 11 nhà tù khác nhau, anh mô tả thế nào?

Blogger Điếu Cày: Thật sự không dễ dàng gì, đặc biệt đối với những người như tôi vì trong suốt 11 nhà tù đó, không bao giờ tôi ngừng đấu tranh. Trong tù, tôi vẫn tập hợp an hem bạn tù đấu tranh, đòi hỏi những quyền được làm người, yêu cầu họ phải thực thi đúng pháp luật đối với chúng tôi. Vì vậy, cứ mỗi lần câu chuyện trong tù được đưa lên internet thì họ lại đẩy tôi sang nhà tù khác, tổng cộng 11 nhà tù.

VOA: Ấn tượng nhất về thời gian tù tội của anh là cuộc tuyệt thực gây chú ý công luận trong và ngoài nước. Anh chống chọi với 33 ngày tuyệt thực đó thế nào? Điều gì đã giúp anh vượt qua thử thách ‘tồn-vong’ đó?

Blogger Điếu Cày: Thật ra, đợt tuyệt thực 33 ngày mà thế giới biết đến là đợt thứ hai. Đợt tuyệt thực thứ nhất trong B34, thời gian tạm giam. Khi đó, không anh em nào đưa được thông tin ra ngoài cả. Đợt đầu tiên đó, khi tôi tuyệt thực đến ngày thứ 28 họ đã phải đưa tôi đi cấp cứu tại bệnh viện 30/4. Tôi tuyên bố chỉ chấm dứt cuộc tuyệt thực này tại nhà xác hoặc bệnh viện chứ không ngừng lại. Còn tuyệt thực thứ hai kéo dài đến 33 ngày trước sự chứng kiến của những anh em tù chính trị. Cho nên, lần này tôi còn có thêm sức mạnh hỗ trợ của anh em nữa.

VOA: Nhìn lại tất cả những gì đã trải qua, anh thấy mình được và mất những gì trong công cuộc tranh đấu này?

Blogger Điếu Cày: Khi đã chọn con đường tranh đấu, tôi đã xác định sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì thế, tôi đã tự xây một bức tường ngăn cách giữa tôi và gia đình để bảo vệ gia đình của tôi. Thế nhưng, sự thật thì cũng không bảo vệ được. Họ tấn công vào gia đình tôi, vào cơ sở kinh doanh của tôi, sách nhiễu gia đình tôi, rất khó khăn. Trong quá trình tham gia đấu tranh, chúng tôi phải chấp nhận hy sinh. Mất mát của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do là quá lớn. Ngoài việc họ tịch thu một căn nhà của tôi trên đưởng Nguyễn Thái Học, họ còn tạo ra một vụ án trốn thuế và rồi họ truy tố khống trong lần thứ hai để nhốt tôi vô tù. Họ vẫn chưa đưa ra được quyết định thi hành án. Đây là một vụ án vô cùng bất công. Chúng tôi sang đây cũng một phần là để bắt đầu lại vụ án này trước cộng đồng quốc tế để còn kéo những người bạn khác trong tù ra đặc biệt là Tạ Phong Tần. Mất mát của Câu lạc bộ Nhà báo Tự Do là rất lớn, nhưng nó không quật ngã chúng tôi. Chúng tôi vẫn tiếp tục bước tiếp con đường đã chọn. Vai trò của chúng tôi là đấu tranh trên diễn đàn truyền thông internet. Trên internet không có khoảng cách, vì vậy, tôi vẫn như sống ở trong đất nước Việt Nam, tôi vẫn hoạt động hiệu quả như ở trong Việt Nam.

VOA: Về những mất mát của anh, không những anh bị mất tài sản, nhà cửa, sự tự do, mà cả tương lai của 2 người con còn ở Việt Nam của anh cũng phải trả giá cho các hoạt động của anh. Anh nghĩ gì về cái giá phải trả cho lý tưởng dân chủ mà anh theo đuổi?

Blogger Điếu Cày: Tôi quả thực không ngờ họ lại độc ác đến như vậy. Tôi không nghĩ một chính quyền lại đàn áp người dân khốc liệt như vậy chỉ vì họ cất tiếng nói một cách ôn hòa, bất bạo động. Những gì họ làm với chúng tôi càng cho người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế thấy rõ bản chất của họ.

VOA: Với sự gọi là ngoài sức tưởng tượng như thế, có điều gì trong quá khứ anh thấy mình cần phải thay đổi hay làm lại hay không? Có điều gì anh cảm thấy hối tiếc trên chặng đường đã qua?

Blogger Điếu Cày: Trong một cuộc cách mạng, có những người lựa chọn tham gia vì muốn thay đổi xã hội không thể đứng khoanh tay nhìn, nhưng có những người lựa chọn không tham gia. Điều đó tạo nên sự khác biệt. Nhưng tôi tin rằng những hy sinh mất mát của những người đi đâu không uổng. Nó thắp lên ngọn lửa cho những người đi sau để cùng bước xuống đường, cùng tranh đấu. Nó dẫn dắt những người khác. Tôi tin những hy sinh mất mát của chúng tôi sẽ tạo cảm hứng cho các bạn khác để họ thấy rõ con đường lựa chọn là đúng và tiếp bước cùng chúng tôi để đất nước Việt Nam có một ngày được dân chủ. Chúng tôi mong muốn rằng các bạn trẻ hãy cùng chúng tôi thêm một kết nối trên internet, thêm một trang blog trên internet, cùng kết nối với nhau tạo ra một hệ thống truyền thông mạnh mẽ đủ để phá vỡ bức tường bưng bít thông tin. Từ đó, chúng ta sẽ thay đổi suy nghĩ, mở toang vùng tối u mê trong nhiều người bị bưng bít lâu nay. Từ thay đổi suy nghĩ chúng ta sẽ thay đổi hành động.

VOA: Tình cảm mọi người dành cho anh khi anh được thả được xem là nồng nhiệt nhất chưa từng có trước nay. Trong mắt nhiều người, anh là ‘anh hùng bất khuất’, là ‘di sản’ và là ‘ánh sáng’ của phong trào dân chủ VN, thậm chí có người còn gọi anh là ‘Aung San Suu Kyi của VN’. Từ thành tích đó, giai đoạn đấu tranh mới của Điếu Cày, ở góc độ mới (theo lời anh nói) cụ thể sẽ ra sao? Anh có những kế hoạch cụ thể thế nào giúp phát huy xã hội dân sự và các ngòi bút độc lập trong nước?

Blogger Điếu Cày: Kế hoạch cụ thể tôi không nói ở đây, nhưng hướng là chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện và tìm cách thúc đẩy quyền tự do báo chí-tự do ngôn luận trong nước, đồng thời bảo vệ các ngòi bút độc lập trong nước bằng pháp lý của cộng đồng quốc tế và bằng những kế hoạch hỗ trợ truyền thông. Tôi mong muốn các cơ quan truyền thông lớn trên thế giới quan tâm đến hoạt động của các ngòi bút độc lập trong nước, lưu ý hỗ trợ đăng tải thông tin và truyền tải thông tin bảo vệ khi cần thiết, tạo thành mạng truyền thông hỗ trợ trong-ngoài giúp nhau cùng phát triển. Khi hệ thống truyền thông được cân bằng, phá vỡ được sự bưng bít thì sự thông cảm-thấu hiểu giữa các nhóm trong xã hội sẽ thay đổi. Từ đó dẫn đến thay đổi về hành động. Tôi mong muốn tự do báo chí-tự do ngôn luận là con đường phải đi đầu tiên để dẫn tới các hành động sau này.

VOA: Việt Nam bị cáo buộc là tích trữ con tin để thả nhỏ giọt, chứng tỏ ‘nhượng bộ-cải thiện nhân quyền’ đổi lấy quyền lợi từ quốc tế. Là một người trong cuộc, anh thấy mình có thể làm gì giúp ngăn chặn tái diễn việc này?

Blogger Điếu Cày: Những nhóm trong xã hội một khi tước đi nguyện vọng cất lên tiếng nói của các nhóm khác thì nhóm đó trở thành nguy hiểm và không xứng đáng tồn tại trong xã hội. Góp sức của tôi là phải trình bày cho cộng đồng quốc tế biết rõ những vấn đề vi phạm nhân quyền của Việt Nam. Chỉ những người như chúng tôi mới biết được sự thật chính sách của họ sau các bản án. Tôi đã có 6 năm rưỡi trong tù qua 11 nhà giam từ mũi Cà Mau ra tới Nghệ An, tôi đã nhìn đầy đủ-chi tiết các vấn đề ghê tởm trong các nhà tù Việt Nam. Ngoài ra, trong xã hội Việt Nam, pháp quyền chưa được tôn trọng. Cộng đồng quốc tế phải chỉ đích danh, chỉ đúng chỗ để họ sửa đổi pháp luật bảo vệ đủ các quyền tự do dân chủ cho nhân dân. Cụ thể ở đây, tôi muốn mọi người chú ý đến luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam. Mọi khuyết tật xuất phát từ chỗ đó. Nó cho những người hành pháp tự ban hành pháp luật và tự thi hành. Chính những văn bản dưới luật, trái luật lại được thi hành đã làm cho Quốc hội và luật pháp Việt Nam trở thành bù nhìn. Tôi phải chỉ rõ ra những khuyết tật của xã hội đó.

VOA: Xin chân thành cảm ơn anh rất nhiều vì thời gian dành cho cuộc phỏng vấn này.
Theo VOA
xuong  
#5 Đã gửi : 27/10/2014 lúc 05:46:49(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Blogger Điếu Cày: Nhà tù Cà Mau như ‘trại súc vật’

LTS – Sáu ngày sau khi được đưa thẳng từ nhà tù ở Nghệ An lên máy bay sang thẳng Hoa Kỳ và đặt chân xuống phi trường Los Angeles, ngày 27 tháng 10, blogger Điếu Cày dành cho Người Việt cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ chỗ ở tạm của ông. Trong cuộc phỏng vấn này, ông chia sẻ nhiều điều liên quan đến việc được thả trước thời hạn và những trải nghiệm của ông ở trong tù. Cuộc phỏng vấn do Nam Phương và Thiện Giao thực hiện.
Người Việt: Khi được thả ra khỏi nhà tù ở Thanh Chương, Nghệ An, sao người ta không thả anh ở Việt Nam mà lại đi thẳng sang Hoa Kỳ?


Điếu Cày: Trước hết, tôi xin nói rõ: Tôi không xin tha tù, và nhà cầm quyền Cộng Sản cũng không tha tôi. Họ đưa tôi ra khỏi trại giam và áp giải tới sân bay. Bộ Ngoại Giao Việt Nam tuyên bố, Việt Nam đã quyết định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.


Người Việt: Vậy anh có biết trước việc ra đi? Hay anh có biết là liệu có những cuộc nói chuyện giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ Hoa Kỳ?


Điếu Cày: Hai bên chính phủ làm việc với nhau thì chúng tôi hoàn toàn không biết. Chúng tôi ở trong tù. Thông tin rất hạn hẹp.


Người Việt: Có nghĩa là anh bị trục xuất?


Điếu Cày: Cũng không hẳn như vậy. Chính phủ Việt Nam yêu cầu tôi viết đơn xin tha tù và nhập cảnh vào Mỹ để học tập về báo chí. Nhưng họ cũng không đưa ra điều kiện tôi được ra tù và được ở lại Việt Nam. Còn khi tôi gặp đại diện Bộ Ngoại Giao Mỹ, thì họ nói chính phủ Mỹ yêu cầu chính phủ Việt Nam phải thả tôi vô điều kiện dù tôi ở lại Việt Nam hay sang Hoa Kỳ, thì hai bên mới đạt thỏa thuận tôi ra tù sẽ sang Mỹ.


Người Việt: Vào ngày anh lên đường sang Hoa Kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói rằng anh tự quyết định xin sang Mỹ. Như thế có đúng không ạ?


Điếu Cày: Câu hỏi của anh có phải là: Anh không có quyền lựa chọn ở lại Việt Nam và đi sang Mỹ, hay đúng như Bộ Ngoại Giao Mỹ nói anh quyết định sang Mỹ để được thả sớm?


Người Việt: Đúng vậy.


Điếu Cày: Cả hai điều trên đều đúng.
Người Việt: Anh từng qua nhiều nhà tù khác nhau ở Việt Nam. Nơi nào cai tù độc ác nhất với tù nhân? Cách khác, nhà tù Việt Nam có tôn trọng khía cạnh con người của người bị giam cầm không?


Điếu Cày: Tôi đã đi qua 11 nhà tù của Việt Nam, từ Cà Mau ra tới Nghệ An. Trại nào cũng ác. Nhưng trại giam Cái Tàu, Cà Mau, thì đúng là Trại Súc Vật. Năm 2009, nghị định 113 quy định chỗ nằm mỗi người là 2 mét vuông, nhưng thực tế mỗi người khi chia gạch thì chỉ được rộng bằng (nghe không rõ). Cứ 2 người một cái mùng nhỏ, hai đầu có lỗ thủng để xuyên cái võng qua, kẻ nằm trên, người nằm dưới. Các lối đi trong phòng giam cũng kín người nằm, dù người ta đi lại ướt nhẹp và hôi thối. Nước tắm rất ít và yếu. Tù nhân phải ngậm miệng vào đường ống để hút nước ra, hứng từng ca đổ vào thùng để sử dụng. Nhưng không phải ai cũng dễ dàng đến gần vòi nước được, nếu không muốn bị một cái ca vào đầu. Một phòng, họ nhốt hơn 100 người mà chỉ có 2 chỗ đi cầu. Lại không có nước dội. Hai đống phân như hai cái thúng úp. Mùi nước tiểu và mùi phân nồng nặc, cộng với hơi người hầm hập. Và muỗi thì nhiều vô kể. Những ngày triều cường lên cao, nước trong cống và hố phân không thoát ra được, dâng lên, ngập đầy sân trại, thúi hoắc. Còn cơm với canh thì suốt đời là canh rau muống, mà canh rau muống thì dài nửa mét. Những người bị kỷ luật mới khổ.

Người Việt: Có sự khác biệt nào giữa chính sách đối xử của cai tù với tù chính trị và tù hình sự?

Điếu Cày: Tôi muốn nói về chuyện quản giáo đánh tù ngay giữa sân trại, có hàng ngàn tù nhân chứng kiến. Đó là vụ của đại úy tên là “Phú Ma” đánh tù nhân tên là “Minh Ngọng” người Cà Mau. Lúc đầu thì anh ta quất bằng mã trắc, sau đó bỏ mã trắc sang một bên, lấy gốc tràm đánh tiếp. Rồi lại thay bằng một chân niễng. Minh Ngọng chỉ lấy hai tay ôm lấy đầu, nằm quằn quại giữa sân. Đánh mỏi tay rồi Phú Ma bắt Minh Ngọng bò vào nhà tự quản, như một con vật. Phú Ma là người ở Vinh, quê Nghệ An. Còn rất nhiều vụ nữa mà tôi không tiện kể hết ra đây. Chính tôi đấu tranh hơn 2 tháng trời thì họ mới khoan thêm một cái giếng cho tù nhân ở trại giam Cái Tàu, Cà Mau.


Nếu Viện Kiểm Sát mà muốn điều tra, cứ lấy tổng số tù nhân nam ở trại Cái Tàu, chia cho diện tích số phòng giam vào thời điểm đó thì sẽ biết mỗi người nằm một đoạn gạch là bao nhiêu. Tôi ở đội 28 nhưng mà 2 lần Viện Kiểm Sát vào trại kiểm tra là 2 lần quản giáo đưa cả đội chúng tôi ra ngoài đồng ngồi cho đến khi Viện Kiểm Sát đi về thì mới được cho vào trại. Sống như thế thì làm sao gọi được là người?


Người Việt: Anh đã từng tuyệt thực nhiều lần, trong đó có 2 lần tuyệt thực dài, gần một tháng và hơn một tháng. Nếu lần sau cùng, khi anh ở Thanh Chương, không có anh Nguyễn Xuân Nghĩa tiết lộ chuyện anh tuyệt thực, anh có thể nguy đến tính mạng không?


Điếu Cày: Lần tuyệt thực 28 ngày, đến ngày thứ 28 họ phải đưa cấp cứu tại bệnh viện 30 tháng Tư. Lần thứ hai tại trại giam số 6, tôi tuyệt thực 33 ngày. Tôi không ăn, chỉ uống nước. Ở trại B34, tôi tuyệt thực nhưng không có ai đưa tin ra ngoài. Vì vậy, khi tôi sắp chết họ mới đưa tôi đi cấp cứu. Ở trại giam số 6, nếu không có anh Nguyễn Xuân Nghĩa thì tôi cũng phải đi tới cùng như lần trước thôi. Nhưng lần này may có anh Nghĩa đi ra thăm gặp, anh đã dũng cảm báo cho chị Nga vợ anh ấy vào ngày 17 tháng Bảy, 2013. Khi gia đình tôi biết tin, đi thăm tôi lần thứ hai vào ngày 20 tháng Bảy, mặc dầu tin tôi tuyệt thực đã được cả thế giới biết tới, từ ngày 17 tháng Bảy, đến 20 tháng Bảy, Viện Kiểm Sát mới vào làm việc.


Người Việt: Trở lại việc gần đây. Thấy mấy bức hình liên quan đến kỷ vật anh mang ra bên ngoài, trong đó có bức thư của anh Trương Duy Nhất do anh mang ra. Khi anh đi ra, những bạn tù còn lại gồm những ai, họ ký thác, kỳ vọng điều gì nơi anh? Anh có thể làm gì để giúp họ?


Điếu Cày: Ngoài anh Trương Duy Nhất, còn có anh Trần Anh Kim, anh Nguyễn Kim Nhàn và 3 anh Tây Nguyên nữa. Khi chúng tôi thảo luận với nhau, anh em nhắn gởi và ủy thác cho tôi thay mặt anh em đấu tranh cho quyền lợi của tất cả tù chính trị, vạch trần những văn bản luật rừng. Anh em tin rằng tôi đủ trải nghiệm để thực hiện nghĩa vụ này. Điều đó cũng tác động đến quyết định của cá nhân tôi. Các bạn có thể thấy điều ấy ngay trên lá thư của anh Trương Duy Nhất. Tôi mong được mọi người chung tay giúp đỡ tôi để tôi hoàn thành những điều mà anh em đã tin tưởng ký thác.


Người Việt: Khi ở nhà tù số 6 Huyện Thanh Chương, anh bị giam chung với tù làm gián điệp với Trung Quốc. Những người đó được sử dụng để theo dõi các anh và báo cáo lại với cai tù? Những người đó có làm phiền các anh nhiều không?


Điếu Cày: Đúng vậy. Trại Nam Hà, hễ có 2 đơn tố cáo là bị giam riêng, không cần biết đơn tố cáo có phải là sự thật không. Trại giam chỉ sử dụng đơn tố cáo của mấy tên gián điệp làm cái cớ để đàn áp anh em tù chính trị mà không cần điều tra, xác minh. Cụ thể nhất là vụ của tôi. Khi họ ngang nhiên và quyết định giam riêng tôi, không hề có một biên bản vi phạm nào, bất chấp tôi phản đối, họ xốc nách tôi, đưa ngay vào trong buồng giam. Khi anh Nghĩa đưa được tin ra ngoài, vào ngày 23 tháng Bảy, trại giam đưa tôi ra, tuyên đọc đơn tố cáo của 2 thằng gián điệp, lập “biên bản nguội” nhằm hợp thức hóa quyết định họ đã ra từ ngày 22 tháng Sáu, 2013, tức là trước đó hơn 1 tháng. Tôi đã ngay lập tức vạch trần âm mưu đê hèn này, và yêu cầu những người ký vào biên bản đó phải ghi đúng ngày tháng rồi mới ký.


Người Việt: Bây giờ đã sang Hoa Kỳ, chỉ mới là những ngày đầu tiên. Con đường dự định đấu tranh sẽ tiếp tục ra sao? Dự định cuộc sống riêng sẽ ra sao?


Điếu Cày: Về cuộc sống riêng, gia đình tôi và gia đình bên vợ hầu hết ở Vancouver và Toronto, Canada. Hiện nay tôi cũng chưa muốn chia sẻ nhiều về cuộc sống riêng.

Về dự tính tranh đấu trong tương lai, tôi muốn nói như thế này: Các chế độ độc tài thường tạo ra một không gian khép kín và bưng bít thông tin. Chúng nắm tất cả mọi phương tiện truyền thông và dùng nó để chi phối dư luận xã hội, phục vụ cho mục đích cầm quyền. Còn người dân trong những đất nước đó thì được nghe, được biết những gì nhà cầm quyền muốn. Người dân không có phương tiện cất lên tiếng nói, thể hiện ý nguyện của mình. Bọn độc tài thì sống phè phỡn trên những vùng tối u mê đó. Cho đến khi bức tường bưng bít thông tin bị phá vỡ bởi người dân đã có trong tay công cụ để chia sẻ để cất lên tiếng nói, để tự do biểu đạt ý nguyện của mình, lúc đó sự dối trá mới bị phơi bày. Người dân sẽ mất niềm tin, và đến một ngày, khi họ rút lại sự tuân phục, quyền lực khi đó chỉ còn là thứ cường quyền. Truyền thông không còn bất cân xứng, tự do nhiều chiều sẽ đem lại sự cảm thông và sự thấu hiểu giữa các dân tộc, giữa các quốc gia, và góp phần củng cố hòa bình. Chúng tôi đã bắt đầu bằng truyền thông, chúng tôi sẽ tiếp tục đi theo con đường đã chọn. Nếu bạn đồng ý với tôi, hãy chung tay tạo ra càng nhiều kết nối để loan tải thông tin, để cân bằng và để phá vỡ bức tường bưng bít thông tin và định hướng.


Người Việt: Người cùng xử chung vụ với anh, là chị Tạ Phong Tần và blogger Phan Thanh Hải. Anh và anh Hải đã ra tù, còn lại chị Tần. Anh nghĩ gì về trường hợp chị Tạ Phong Tần.


Điếu Cày: Chị Tạ Phong Tần là người đấu tranh rất kiên cường, là một cây bút chủ lực. Trong suốt nhiều năm qua, chúng tôi tuy bị chia cắt ra nhiều nơi, chúng tôi vẫn luôn nhớ về nhau, đặc biệt là trong cuộc đấu tranh này, Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do đã chịu mất mất rất lớn. Đặc biệt là trong việc mẹ cô Tần tự thiêu để phản đối chế độ hà khắc này. Vì vậy, chúng tôi, dù đã được ra ngoài, vẫn sẽ tìm mọi cách, sẽ đấu tranh bằng mọi giá để kéo Tần ra ngoài, bởi vì Tần không có tội gì cả. Chúng tôi chỉ là những người dân biểu đạt quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận một cách ôn hòa, mà đã bị chính quyền Cộng Sản này đàn áp một cách ghê rợn như vậy.


Người Việt: Xin cám ơn thời gian anh dành cho độc giả của chúng tôi.

Nam Phương & Thiện Giao (Người Việt)
xuong  
#6 Đã gửi : 28/10/2014 lúc 08:02:56(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Điếu Cày, hẹn gặp anh ba năm nữa!
Nửa ngày sau chuyến lưu vong cưỡng bức đột ngột của Điếu Cày, tôi ghé thăm chị Tân vợ anh. Mắt còn thâm quầng bởi cả

đêm trước mất ngủ, chị buồn buồn nói với tôi: “Ông Cù Huy Hà Vũ đi thì dù gì còn có người nhà bên cạnh, còn ông Hải thậm

chí không được gọi điện về nhà”.

Cả đêm, con gái chị ngồi bó gối khóc rưng rức bởi không được nhìn thấy mặt bố.

Chẳng khác gì tù nhân lương tâm Cù Huy Hà Vũ, người tù chính trị quan trọng nhất Điếu Cày Nguyễn Văn Hải bị cơ quan an

ninh áp giải từ trại giam ra thẳng phi trường Nội Bài trong cảnh tuyệt đối câm lặng. Những người muốn giữ riệt bóng tối ấy chỉ

muốn anh chuyển từ bốn bức tường cô độc sang một không gian hoàn toàn cô đơn.

Nhưng những hình ảnh đầu tiên về bà con kiều bào Việt và cả giới báo chí Mỹ đón tiếp Điếu Cày tại sân bay Los Angeles lại

biểu tả quá sống động rằng anh đang trở về vòng tay ấm áp của mọi người.

Xứ Mỹ hay Canada không hề lạnh giá với anh.

Vậy mà một người quen của tôi bất chợt hỏi: “Điếu Cày chống Cộng dữ lắm phải không?”. Tôi ngỡ ngàng nhìn lại. Người

quen của tôi tuy không truy cập mạng lề dân nhiều, nhưng cũng nắm bắt tình hình thời sự, biết không phải ít về các nhân vật

bất đồng chính kiến và dân chủ. Rõ là hệ thống thông tin một chiều của đảng đã lợi hại đến mức biến một nhà hoạt động xã

hội và phản kháng Trung Quốc như Điếu Cày trở thành kẻ chống phá chế độ.

Cầu nguyện
Buổi sáng Sài Gòn nắng trượt nhẹ uể oải. Cuối cùng, ngày tôi chờ đợi cũng vừa đến, nhưng tôi đã không thể gặp mặt “kẻ

chống phá chế độ”.

Một tháng trước, chúng tôi đã kỷ niệm ngày sinh nhật của Câu lạc bộ Nhà báo tự do được sáng lập bởi anh và cầu nguyện cho

Điếu Cày sớm ra tù. Một buổi liên hoan nho nhỏ cũng đã được lên kế hoạch để siết tay anh sau sáu năm rưỡi cay đắng giữa

bốn bức tường ẩm mốc của trại giam.

Điều kỳ lạ là tuy chưa một lần nói chuyện, tôi đã có với Điếu Cày một kỷ niệm không quên. Buồng giam 2C1, trại giam PA92

số 4 Phan Đăng Lưu của Công an TP. HCM năm 2012.

Khi tôi bị đẩy vào buồng giam này, nghe nói Điếu Cày đã bị chuyển sang trại giam Chí Hòa ba ngày trước đó. Thật ngẫu nhiên,

những bạn giam cùng buồng người Malaysia và Hàn Quốc lại bố trí cho tôi nằm trên bục ximăng ngay chỗ trú thân của Điếu

Cày trong suốt một năm tám tháng trước. Đôi dép nhựa mòn vẹt của Điếu Cày cũng được bàn giao cho tôi sử dụng.

Không có lấy một người Việt. Điều đáng giá còn lại chỉ là tiếng Anh. Nhờ vào chút ít vốn ngoại ngữ, tôi được nghe những

người cùng buồng giam kể rất nhiều về Điếu Cày.
Tất cả đều làm tôi khắc khoải nhớ lại năm 2009. Lần đầu tiên tôi nhận ra anh trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở khu

vực gần Nhà Văn hóa Thanh Niên, Sài Gòn. Thế nhưng lúc đó tôi chỉ đứng bên cạnh và im lặng quan sát anh. Lúc đó, tôi im

lặng. Lúc đó, tôi chỉ là một kẻ ngoài lề xã hội…

Số phận kỳ quặc không ngờ là một năm rưỡi sau khi ra khỏi buồng giam nơi Điếu Cày từng ở, bỗng nhiên tôi lại trú chân trong

một tổ chức dân sự có tên là Hội Nhà báo độc lập Việt Nam - hậu bối của Câu lạc bộ nhà báo tự do.

Có lẽ không ai có thể cưỡng lại số phận, nhất là nếu số phận có ý muốn sắp đặt như thế.

Có lẽ anh và cả tôi nữa đều chung thân phận vác thánh giá.

Anh sẽ sớm về
Hội Nhà báo độc lập đã không có cơ hội để đón Điếu Cày, cũng như nỗi thất vọng khó nói thành lời của chị Tân và các con

anh. Điều an ủi chỉ là hy vọng anh sẽ sớm về nhà.

Tối đa là ba năm nữa. Biết đâu chừng còn sớm hơn.

Bất kể ý chí của chính thể cầm quyền Việt Nam ra sao và số phận của nó như thế nào.

Khác hẳn nhiều năm trước, những ai phải lưu vong vào thời điểm này hay năm sau đều tràn ngập hy vọng trở về cố hương

trong không bao lâu nữa.
Khác hẳn nhiều năm trước, những ai phải lưu vong vào thời điểm này hay năm sau đều tràn ngập hy vọng trở về cố hương

trong không bao lâu nữa.

Điều an ủi lớn hơn dành cho giới hoạt động dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam là khi chính quyền và ngành công an buộc phải

thả người tù quan trọng nhất và cũng mang tính thách thức nhất như Điếu Cày, đó không phải là một tinh thần “toàn thắng” từ

phía họ như hệ thống tuyên truyền một chiều vẫn thường tự an ủi và cũng bị ngộ nhận từ một số người khác.

Lần này thì khác. Thực chất đó là một sự nhượng bộ không nhỏ của chính thể Hà Nội. Rốt cuộc, những người bên đảng cũng

đặt chân đến nửa còn lại của bán đảo Triều Tiên, nơi họ được đón tiếp bởi 21 phát đại bác và cùng người đồng minh quân sự

của “kẻ thù số một” ra tuyên bố chung phản bác Bắc Triều chạy đua vũ khí hạt nhân.

Còn nhượng bộ vì cái gì thì đến giờ này có lẽ hầu hết chúng ta đều không mơ màng.

Buổi tối Việt Nam còn là sân bay Nội Bài. Nhưng khi Điếu Cày đặt chân xuống phi trường Los Angeles thì cũng là lúc ở Hà Nội

bắt đầu nhận ra sự xuất hiện của viên trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ Tom Malinowski, phụ trách dân chủ, nhân quyền và lao động.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà Tom đến Việt Nam vào lúc này. Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà trước, trong và sau chuyến công

du của nữ thứ trưởng ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đến Hà Nội vào tháng 3/2014, phía chính quyền đã lập kỷ lục bằng hành

động thả một hơi 5 tù nhân lương tâm, trong đó có cái tên đáng giá là Cù Huy Hà Vũ.

Còn sau đợt viếng thăm đột ngột Hà Nội của Thượng nghị sĩ John McCain và Chủ tịch Hội đồng liên quân Martin Dempsey,

Việt Nam tiếp tục nhỏ giọt 7 tù nhân chính trị, với đa số là những người già yếu mà có thể bị coi là “sắp chết”.

Điếu Cày là người thứ 14 có tên trong danh sách tù chính trị được phóng thích từ đầu năm đến giờ, nhưng lại là nhân vật đầu

bảng trong danh sách mà người Mỹ nêu ra cho Hà Nội. Logic tiếp theo là nếu vào đầu tháng 9/2014 trong dịp đặc xá quốc

khánh, công chuyện về TPP vẫn chưa đâu vào đâu và cánh cửa TPP gần như đã khép lại vào cuối năm nay, thì tới đây Tom

Malinowski và sau đó là Ngoại trưởng John Kerry lại phải làm nhiệm vụ giúp đẩy hé cánh cửa ấy.

Một nhân vật khác với quyền lực ghê gớm hơn - Michael Froman, Đại diện thương mại Mỹ - cũng vừa nhấp nhá cơ hội “quyết

tâm kết thúc đàm phán TPP” cho giới chính phủ Việt Nam.

Cạn kiệt mọi nguồn tài nguyên thiên nhiên, Việt Nam vẫn còn niềm tự hào cuối cùng về một thị trường dồi dào sức lao động rẻ

tiền cùng nguồn tài nguyên nhân quyền không bao giờ mất dáng vẻ quyến rũ khi thổ lộ nhan sắc mặc cả.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng gửi cho BBC từ Sài Gòn

xuong  
#7 Đã gửi : 28/10/2014 lúc 08:34:26(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Ai đã xây dựng hình tượng blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải?
Ai? Có lẽ câu trả lời mạnh mẽ và chắc chắn nhất là chế độ Cộng sản xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam. Hay nói cách khác, không

có Cộng sản, sẽ không có một Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, không có chế độ Cộng sản, cũng không có nốt Nguyễn Văn Đài,

Lê Thăng Long, Lê Thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Phương Uyên hay Bùi Chát, Lý Đợi... Nói

vậy nghe có vô lý?!

Mới nghe qua thì có vẻ rất vô lý và khôi hài, chẳng có gì để làm căn cứ, thậm chí có thể hiểu nhầm là những người đấu tranh

dân chủ, những nhà cách tân vốn do chế độ Cộng sản Việt Nam nuôi dưỡng và đào tạo. Nhưng trên thực tế không phải vậy

nếu như đặt một bài toán ngược: Nếu không đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam thì những nhà đấu tranh trên đây

sống một cuộc đời ra sao? Vì sao họ phải đấu tranh?

Có hai trường hợp xảy ra: Nếu các nhà đấu tranh dân chủ, nhân quyền trên đây sống trong một đất nước có đầy đủ dân chủ,

nhân quyền và tiến bộ, chắc chắn họ sẽ không mất công để đấu tranh cho điều đó và có thể họ đã có văn phòng luật sư riêng,

công ty riêng hoặc một tờ báo tư nhân nào đó... Mỗi người một lĩnh vực đủ để họ nỗ lực làm việc và sống thoải mái, không

cần phải suy nghĩ gì nhiều.

Ngược lại, trong điều kiện xã hội hoàn toàn thiếu vắng dân chủ, nhân quyền, khoa học và tiến bộ như Việt Nam, nếu họ không

đấu tranh cho điều đó, thì họ cũng giống như bao số phận khác, chấp nhận và cam chịu, cũng toa rập, đút lót, nịnh bợ, cúi đầu

trước quyền lực phe nhóm để được yên thân làm ăn (cho dù việc làm ăn đó hoàn toàn vô nghĩa nếu xét trên góc độ con

người!). Hoặc là như hiện tại, họ buộc lòng phải đấu tranh để thực hiện lý tưởng dân chủ, tiến bộ cho dân tộc.

Với một nhà nước hà khắc cộng với cơ chế độc tài, độc trị của đảng Cộng sản Việt Nam, những nhà đấu tranh cho dân chủ,

dân quyền Việt Nam đương nhiên là kẻ thù của họ. Và họ đã đối đãi với những kẻ thù chế độ như thế nào? Dùng mọi thủ

đoạn, kể cả những thủ đoạn bỉ ổi và mông muội nhất để tạo ra cái cớ mà bắt nhốt, ghép tội và hành hạ các nhà đấu tranh dân

chủ.

Có một điều rất đặc biệt là trong cái chế độ độc tài này, nhà đấu tranh dân chủ bị hành hạ, bị làm nhục bao nhiêu thì ngược lại,

danh dự của họ càng cao quí bấy nhiêu trong cái nhìn của thế giới tiến bộ. Chỉ có vấn đề duy nhất là những người đấu tranh

dân chủ, nhân quyền có chịu giữ khí tiết, kiên định với lập trường của mình hay không mà thôi!

Trường hợp Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải là một ví dụ điển hình cho nhân cách cũng như sự xây dựng hình tượng ngẫu

nhiên trong đấu tranh dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam. Không giống như nhà cầm quyền với chủ trương xây dựng hình

tượng, thần tượng thông qua tuyên truyền, các nhà đấu tranh dân chủ Việt Nam chỉ thực hiện duy nhất một sứ mệnh, đó là

sống và đấu tranh cho lý tưởng dân chủ. Cũng chẳng có cơ quan truyền thông nào đứng ra để lăng xê, xây dựng hình tượng

cho họ.

Nhưng, chính nỗ lực đấu tranh, chính sự chịu đựng và kiên định trước mọi thủ đoạn của công an, nhà nước, chính hình ảnh

đau đớn, gầy gò, thiếu ăn, thiếu ngủ, thiếu mặc và sức khỏe hom hem của các nhà đấu tranh trong nhà tù Cộng sản đã vô hình

trung làm toát lên vẻ đẹp của sự dũng cảm và khí tiết dân nước Nam trong họ. Chính điều này đã làm nên tên tuổi của họ. Và,

suy cho cùng, kẻ cố gắng xây dựng hình tượng tốt nhất cho các nhà dân chủ không ai khác ngoài chính nhà cầm quyền Cộng

sản Việt Nam.

Và đây cũng là vấn đề khốn nạn nhất cho nhà cầm quyền Cộng sản, bởi họ không còn lý lẽ gì đủ để thuyết phục cho những

nhà đấu tranh dân chủ từ bỏ lý tường của mình, họ chỉ còn một phương pháp duy nhất là dùng đòn thù, đòn ác để các nhà đấu

tranh chịu kham khổ không nổi, phải đau đớn mà từ bỏ con đường đã chọn.

Rất tiếc, bây giờ đang là thế kỉ 21, thế giới đã là thế giới phẳng, mọi thông tin ở bất kì góc khuất, xó xỉnh nào cũng có thể được

phổ biến, được công bố cho toàn cầu. Chính vì thế, bao nhiêu thủ đoạn hành hạ Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải do nhà

cầm quyền Cộng sản Việt Nam đối xử với ông Nguyễn Văn Hải chỉ làm cho sự cứng cáp, kiên định của ông trở nên nổi trội,

đáng ngưỡng mộ trong mắt độc giả, thính giả khắp thế giới.

Dáng bộ hom hem, đôi dép tổ ong và bộ áo quần cũ độc nhất trên người Điếu Cày Nguyễn Văn Hải khi bước ra khỏi cổng sân

bay ở Mỹ không những làm cho ông trở nên đẹp hơn bao giờ hết mà vô hình trung còn tố cáo sự tàn ác cũng như lối đối xử

quá tệ mạt đối với tù nhân lương tâm của nhà nước Cộng sản Việt Nam.

Không hiểu khi đưa ông Hải sang Mỹ, người ta có chủ trương hạ nhục ông bằng cách đưa sang Mỹ một hình ảnh thiếu thốn,

ăn mặc tuềnh toàng hay không? Vì nếu thật sự nghĩ và làm như thế, có lẽ tư duy và suy nghĩ của nhà nước Cộng sản chỉ hợp

với thời đồ đá, thời mà suy nghĩ, lý tưởng không được quan tâm, còn hiện tại, tất cả những gì đẹp đẽ và cao quí của ông

Nguyễn Văn Hải đều do nhà cầm quyền Cộng sản xây dựng cho ông.

Nói cụ thể và rõ ràng hơn là lòng thù hận, thủ đoạn của nhà cầm quyền Cộng sản đã làm nền tôn tạo cho vẻ đẹp ý chí, tính

kiên định cũng như lý tưởng tự do của một chiến sĩ dân chủ - Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải!
xuong  
#8 Đã gửi : 28/10/2014 lúc 09:15:36(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Hãy cùng với anh Điếu Cày đấu tranh cho một ngày về

Ngồi xem lại những thước phim hình ảnh anh Điếu Cày đặt chân đến phi trường Los Angeles, gương mặt, tiếng nói, những lời phát biểu ngắn, chân tình và đầy cảm xúc. "Tôi sang đây đấu tranh là để cho ngày trở về, không phải cho riêng tôi mà cho tất cả đồng bào ở đây". Câu nói ấy cứ vang vọng mãi bên tai tôi, nghe như lời thề sắt son thủy chung cùng Sông Núi. Trong những ngày qua đã có nhiều bài thơ, bài viết rất hay, đầy đủ để nói về sự hy sinh và tinh thần dân tộc cao cả mà anh đã đóng góp cho Tổ Quốc với sáu năm sáu tháng tù giam.

Tôi không gọi anh là anh hùng, bởi điều đó sẽ làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng của những người đã "Vị Quốc Vong Thân" và cũng chưa hẳn là điều anh muốn. Hơn nữa… trong tôi có chút "ích kỷ" muốn được nhìn thấy ở nơi anh có một cái gì đó rất đơn sơ, mộc mạc như chiếc điếu cầy dân dã, không cao sang, nhưng dễ gần gũi thân thiện. Mỗi người đều có một cách thể hiện tình cảm riêng dành cho người mình quý mến, tất cả cần phải được trân trọng như nhau. Một bài viết, bài thơ… hay một bài hát để chia sẻ với anh cũng là một cách bày tỏ thiện cảm, và tôi cũng chỉ đến với anh bằng tấm lòng của một người con đất Việt luôn trăn trở về một quê hương đã sinh và nuôi lớn thân tôi cho đến một ngày phải đứt ruột lìa xa.


Kể từ khi trang nhà Dân Làm Báo đăng bản tin đầu tiên về anh bị nhà cầm quyền cộng sản "trục xuất" khỏi Việt Nam. Ở một phương trời rất xa, tôi cũng như mọi người trước nhất là vui mừng và sau đó là thấp thỏm chờ tin bình an của anh đặt chân lên bến bờ tự do. Cuối cùng thì anh cũng đã xuất hiện trước sự đón mừng của đồng bào hải ngoại. Có một chút gì đó thật cay trong mắt.


Bài viết này tôi mong muốn được chia sẻ đến mọi người một chút suy tư của cá nhân tôi, cũng không ngoài nỗi trăn trở về sự vẹn toàn lãnh thổ ngày một xói mòn trước sự gậm nhấm một cách tinh vi, phối hợp nhịp nhàng từng bước giữa Trung Cộng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Kẻ xâm lược (Trung cộng) thì sử dụng chính sách "tầm ăn dâu", kẻ bán nước (Việt cộng) thì sử dụng chiêu "mưa dầm thấm đất". Nhìn lãnh thổ mất dần vào tay Trung Cộng mà đau thấu tâm can, nhưng đó chưa phải là tận cùng của mất mát, điều thâm độc nhất là sự hủy hoại đi nền tảng giá trị đạo đức và nhân tâm con người, không biết phải mất bao nhiêu thế hệ mới có thể gội rửa sạch những con vi trùng vô liêm sỉ ngày một cào mòn dần các tế bào của lòng tự trọng.


Trở lại vấn đề anh Điếu Cày bị bạo quyền cộng sản trục xuất ra khỏi Việt Nam. Dĩ nhiên đây là điều đáng khinh bỉ trước cách hành xử của nhà cầm quyền cộng sản, nhưng cũng là niềm mong ước của mỗi người trong chúng ta khi thấy anh vượt thoát cảnh tù tội, coi đó như một thắng lợi trong việc vận động quốc tế trong nhiều năm qua, đặc biệt là chính giới Hoa Kỳ. Mặc dù chúng ta hiểu mỗi tù nhân lương tâm đều được nhà cầm quyền cộng sản sử dụng như một con tin cho mục tiêu trao đổi các vấn đề liên quan đến chính trị và kinh tế. Chúng ta có thể tức giận, chửi rủa nhưng không thể phủ nhận đó là nguyên nhân mà các tù nhân chính trị còn có thể tồn tại để bước ra khỏi nhà tù nhỏ. Đừng quên chính sách thà giết lầm hơn bỏ sót của nhà cầm quyền cộng sản luôn là kim chỉ nam của chúng, những người dân bình thường chúng còn giết giữa thanh thiên bạch nhật, huống gì một người "đối lập" đã nằm trong bàn tay sắt, chỉ cần một nguyên nhân "tự tử" đủ để chúng khóa hồ sơ không cần khám nghiệm tử thi. Chính sách "thực dụng" của người Mỹ sẽ không làm bất cứ điều gì nếu không kèm theo quyền lợi của họ. Có một chút hơi hướng của mùi "phản bội"? Phải thế không? Lấy danh nghĩa gì để bảo rằng mình bị phản bội nhỉ? Chính sách Hoa Kỳ mang tính toàn cầu hóa, chủ nghĩa thực dụng chẳng ai lại đi nắm kẻ trọc đầu. Cho dù ghét hay thương thì cũng phải chấp nhận cái "ơn nghĩa" đối với Hoa Kỳ qua việc trao đổi giữa họ với nhà cầm quyền cộng sản để có được tự do cho anh Điếu Cầy cũng như một số vị được thả trước đây. Sự nhờ cậy nào cũng phải chấp nhận những đắng cay, và cũng là cái giá phải trả cho bài học tự lực-tự cường.


Thả anh Điếu Cầy và trục xuất anh khỏi Việt Nam cho thấy nhà cầm quyền cộng sản đã đi vào thế triệt buộc. Tại sao không là ai khác mà lại là anh Điếu Cày? Tôi tin đằng sau dấu hỏi là một niềm vui tích cực về chiến lược lâu dài trong công cuộc đấu tranh dành quyền tự quyết cho dân tộc. Nếu chúng ta đã được biết đến anh Điếu Cày như một "biểu tượng" tiên phong trong vấn đề chủ quyền biển đảo, hay một Điếu Cày với bản chất ngay thẳng và là một người của hành động thì anh có thể làm được gì trước cảnh cá chậu chim lồng? Tôi cho rằng sự có mặt của anh ở thời điểm này là điều cần thiết và rất đúng với câu thiên thời - địa lợi, chỉ cần anh đạt thêm yếu tố nhân hòa để kết hợp lòng người trong và ngoài nước, thì đây đúng là cái giá rất đắt từ trước đến nay mà nhà cầm quyền cộng sản phải trả để nhận được Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương. Dĩ nhiên…. có hay không có anh Điếu Cày Hoa Kỳ vẫn thông qua nếu đó là lợi ích của họ. Sự bang giao với nhà cầm quyền cộng sản của chính phủ Hoa Kỳ có thể làm chúng ta khó chịu, nhưng đó cũng là một cánh cửa mở cho những diễn biến mới trong tương lai, họa hay phúc tùy thuộc vào sự kết hợp khôn ngoan của đồng bào trong và ngoài nước, huống gì vấn đề này chúng ta cũng chỉ có thể nằm trong thế "thụ động", lực bất tòng tâm. Tiên trách kỷ - hậu trách nhân…. sự thật đôi khi mất lòng, nhưng nếu cứ kéo dài tình trạng tự chặt tay chân mình thì khó có thể tạo được LỰC để làm đòn bẩy đi vào thế "chủ động". Điều đau buồn nhất là…. "chúng ta vẫn mãi làm khổ nhau".


Có nhiều người cho rằng sự rời khỏi đất nước của anh Điếu Cày sẽ làm ảnh hưởng đến tinh thần của các anh em đang đấu tranh trực diện với nhà cầm quyền. Tôi không nghĩ vậy, mà tôi tin mỗi người trong chúng ta một khi có quan tâm đến sự tồn vong của dân tộc đều nhận lãnh một vai trò trách nhiệm thiêng liêng mà Tổ Quốc đã đặt trên vai mình. Tôi hiểu tình cảm của mọi người dành cho anh rất lớn, ai cũng mong anh sẽ là "cột trụ" trong quốc nội, vì quan niệm của "chúng ta" thường cho rằng ra hải ngoại thì coi như một lá "bài chết". Tôi không nghĩ trường hợp anh Điếu Cày nếu nhà cầm quyền để anh ở lại thì cục diện có thể khá hơn hay thay đổi được gì lớn, một khi mỗi cử động của anh đều được chiếu cố rất "tận tâm" từ bọn mật vụ. Cứ nhìn hiện tình của các tù nhân lương tâm sau khi được thả cho đến nay ra sao thì chúng ta có thể hình dung số phận của anh Điếu Cày chắc chắn sẽ không khá hơn. Thay vì "suy diễn" theo chiều hướng tiêu cực tôi ước mong mọi người cùng chung vai sát cánh với anh để làm nên những việc có lợi ích cho công cuộc đấu tranh giải thể chế độ bạo quyền buôn dân bán nước, sẽ giá trị hơn nhiều. Xin hãy tha thứ cho tôi, nếu như những điều tôi nói có làm buồn lòng ai đó, nhưng đó là tất cả những gì xuất phát từ trái tim của một người luôn đau đáu bên lòng về sự mất còn của dân tộc.


Trong những ngày đầu đặt chân đến miền đất xa lạ, chắc hẳn anh cũng mang tâm trạng bồi hồi xúc cảm trước cảnh ly hương xa người thân, xa bạn bè và nhất là những người chiến hữu đang còn trong vòng lao lý. Sự chia sẻ từ mỗi người trong chúng ta là niềm an ủi rất lớn cho anh, thân cô lẻ lại mang trong lòng một nỗi hận vong quốc, chỉ có tình đồng bào mới đủ để khỏa lấp những nỗi đau mất mát khi phải xé lòng rời xa Tổ Quốc thân yêu. Tôi tin một người đã sẵn sàng lấy sinh mạng mình giữ gìn mảnh đất quê hương sẽ không tầm thường để tìm một chốn dung thân an nhàn. Nhà cầm quyền cộng sản muốn trục xuất anh ra khỏi nước là vì chúng muốn vô hiệu hóa giá trị tinh thần đấu tranh của anh, sự bàn ra tán vào sẽ vô tình tiếp tay hoàn thành mục đích của chúng, rất mong mọi người cùng sát vai với anh để đấu tranh cho một ngày về chung của những người con dân Việt, như lời anh phát biểu lúc vừa bước chân xuống phi trường Los Angeles. Ai trong chúng ta tại hải ngoại này có thể đảm nhận được vai trò kết hợp lòng người? Bốn mươi năm qua, đây vẫn là yếu tố quan trọng và cần thiết mà nhà cầm quyền cộng sản luôn lo sợ phải dùng đến những nghị quyết ngăn chặn, chia rẽ. Còn quá sớm để nói lên bất cứ điều gì, hãy để mọi việc diễn tiến theo lẽ tự nhiên, tôi nhìn anh ở một vị trí lớn, hơn chỉ dừng lại trong phạm vi dự định sắp tới: Tập hợp lại CLB NBTD. Đất nước đang cần những người con vừa có TÂM và có TẦM…. chữ TÂM anh đã có…. chữ TẦM nằm trên con đường anh đi không có bản dừng*(Stop). Một mình anh chỉ là một mắc xích trong chuỗi sự sống trên trái đất này, lý tưởng anh có đủ lớn móc từng mắc xích thành một xâu chuỗi sức mạnh để làm nên cuộc cách mạng cứu nguy dân tộc hay không còn tùy thuộc vào khả năng khai sáng thêm về những nhận thức mà anh đang có. Nguyện Hồn Thiêng Sông Núi phù hộ cho anh và xin gửi anh chút suy nghĩ về cái nhìn của cá nhân tôi trước hiện tình đất nước:
TỰ DO-DÂN CHỦ-NHÂN QUYỀN với bối cảnh VN chỉ có thể trả bằng máu của chính con dân Việt.


Cuộc chiến đã kết thúc gần bốn mươi năm, vết thương quá khứ vẫn còn đang rỉ máu chảy cùng với dòng sống của dân tộc. Cơn bão thời đại không dễ dàng mở ra cánh cửa tương lai, nhưng tôi tin vào Hồn Thiêng Sông Núi, tôi tin vào những trái tim Việt còn mang chung dòng máu Lạc Hồng. Cuộc đấu tranh ngày hôm nay là cuộc đấu tranh của toàn dân cùng đứng lên lật đổ chế độ bạo tàn thối nát, dành lại quyền tự quyết cho dân tộc. Cũng như anh "không ai có thể lấy Tổ Quốc ra khỏi trái tim tôi"*, anh sinh ra là để đi tới, đường anh đi không có bảng dừng, thỉnh thoảng ngó lại anh sẽ thấy rất nhiều bước chân Việt Nam đang bước theo anh, trong đó có tôi… một đôi dép Việt Nam rất nhỏ trên con đường tìm lại dấu vết xưa.


Paris 27/10/2014

Hạt sương khuya
phai  
#9 Đã gửi : 28/10/2014 lúc 06:26:44(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Người phụ nữ đằng sau ánh hào quang ở Los Angeles
UserPostedImage
Anh Nguyễn Trí Dũng và bà Dương Thị Tân.

Thương tặng Dương Thị Tân - người bạn, người em mà tôi quý trọng thương yêu

Khi Điếu Cày được đón tiếp nồng nhiệt khi đặt chân xuống Sân bay quốc tế Los Angeles, có lẽ ít ai để ý đến một người phụ nữ từ Sài Gòn buồn bã hướng về nơi hào quang tỏa sáng mà đồng bào Việt ở Mỹ dành cho anh.

Chị chẳng bao giờ lên facebook giãi bày tư tưởng, quan điểm, trưng ảnh, khoe có mối quan hệ với ai. Cũng chẳng bao giờ tuyên bố này nọ, có chăng chỉ là những câu trả lời phỏng vấn mang đầy bức xúc khi bị làm khó dễ, đày ải. Người ta biết đến chị bởi những hoạt động của chị liên quan đến một người nổi tiếng mà tôi vừa nhắc đến: Blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải.

Tôi quý trọng chị không phải vì chị liên quan đến anh Nguyễn Văn Hải mà từ những gì biết về chị: chân thành, gần gũi, chu đáo với anh em bạn bè, thẳng thắn và quyết liệt khi đối mặt với công an.

Chị là Dương Thị Tân.

Lần đầu tiên tôi gặp chị vào ngày 9/3/2013, hôm chị cùng Nhung (mẹ bé Uyên) được một số bạn bè đưa đến thăm tôi. Hai người ra Hà Nội để tham gia phiên tòa xử sơ thẩm Luật sư Lê Quốc Quân nhưng đến sát ngày thì họ báo hoãn. Khi Lê Quốc Quyết giới thiệu, tôi không ngờ được chị đến thăm. Lúc ấy, tôi đã biết khá nhiều về chị.

Đó là một phụ nữ đã qua tuổi trung niên nhưng chưa thể gọi là già. Vẻ chị còn lưu lại nhiều nét của một thời con gái xuân sắc. Chị mặc bình dị, giọng thanh mà ấm rất dễ nghe, nói năng khúc chiết. Ở chị toát lên một vẻ sang trọng không cần tôn tạo. Sau đó, tôi và các bạn Hà Nội nhiều lần cùng mẹ con chị trong những chuyến đi đấu tranh cho anh Nguyễn Văn Hải, từ vụ anh Hải tuyệt thực 33 ngày đến những lần thăm nuôi anh ở trại giam số 6 Nghệ An. Tôi đã từng chứng kiến cảnh chị giáp mặt với công an trại giam, Viện Kiểm sát Nghệ An, Tổng cục Trại giam yêu cầu làm rõ chuyện anh Hải tuyệt thực; đến cả Tòa soạn báo công an đối chất về việc tờ báo này xuyên tạc vụ anh Hải tuyệt thực, nói xấu những người đồng hành cùng chị trong những chuyến đi.

Qua những lần như thế, tôi thấy bản lĩnh chị thật kiên cường. Chị nói năng lưu loát, cứng cỏi, lý lẽ chắc chắn. Trước chị, những người bị chị chất vấn chỉ biết thoái thác trả lời, hoặc đánh bài chuồn như Viện kiểm sát Nghệ An.

Án chồng án, anh Nguyễn Văn Hải bị tổng cộng 14 năm 6 tháng tù giam, điều này ai cũng biết nhưng ít người biết chị cũng bị án lây 2 năm 6 tháng tù treo, lại còn kèm theo 3 năm quản chế. Chị đã nhiều lần kể cho tôi nghe chuyện chị bị chúng đánh rất tàn bạo, kể cả treo lên cao để đánh cho dễ. Chị bị khốn khổ khốn nạn chỉ vì căm anh Hải mà chúng dồn luôn đòn thù lên chị. Bây giờ, trong người chị đầy bệnh tật, một bên đầu gối sưng vù, đi lại rất khó khăn. Ở trại 6, tôi mới biết được chị cứ hơi ngồi một lúc là phải có người đỡ, chị mới đứng dậy được. Thế mà chị đi khắp nơi, ngoài việc đi cùng con vì anh Hải, chị còn tham gia các phong trào tranh đấu rất nhiệt tâm. Thì thông thường là thế, chuyện tù thường phạm không nói nhưng cứ một người thành tù chính trị thì vợ con, gia đình cũng trở thành những người đấu tranh.

Trong đấu tranh, có lẽ phụ nữ can trường hơn nam giới. Những tấm gương của chị em khiến cánh mày râu phải nể phục như Bùi Thị Minh Hằng, Trần Thị Nga, Lê Thị Phương Anh, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Phương Uyên, Phạm Thanh Nghiên… Với Dương Thị Tân, dù sao chị cũng là người lớn tuổi hơn, sức khỏe yếu hơn nhưng sức chịu đựng của chị thật tuyệt vời. Chị còn là người bạn ân cần chu đáo với bạn bè. Nhà chị cũng là nơi tụ tập thường xuyên của anh em hoạt động dân chủ. Dạo tôi vào Sài Gòn vì vụ xử Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, Đinh Nhật Uy, đã có tới 4 lần tôi được mời ăn cơm nhà chị, tất nhiên không chỉ tôi là khách. Cũng vì vậy, tôi biết thêm nhiều bạn Sài Gòn. Anh em Hà Nội có việc vào Sài Gòn, thường là phải lãnh thêm trách nhiệm mang quà cáp của chị gửi ra. Ăn những trái cây, miếng bánh của chị mang hương vị miền Nam, tôi thầm tự trách mình cư xử với chị chưa được chu đáo.

Ngày 21/10/2014, nhà cầm quyền thả anh Nguyễn Văn Hải ra khỏi trại tù nhưng buộc phải sang Mỹ tị nạn, tâm trạng tôi thật khó tả. Mừng thì có mừng vì anh thoát khỏi chế độ nhà tù khắc nghiệt nhưng sự vui mừng ấy không trọn vẹn. Sao anh không được ở lại quê hương – nơi anh bị bao đọa đầy, đau khổ để tiếp tục đấu tranh? Trục xuất một người đấu tranh ra khỏi Tổ quốc, họ quá tàn nhẫn. Tàn nhẫn hơn nữa là đẩy gia đình anh vào cảnh chia ly mà không được nói với nhau lời nào.

Từ hôm ấy, tôi vẫn chưa có một liên lạc gì với chị Tân, gọi là để nói lời chúc mừng hay an ủi. Điều này tôi đắn đo lắm. Tôi biết tâm trạng chị còn nặng nề hơn tôi. Vậy là từ nay, chị không còn phải lặn lội khắp các trại giam để thăm nuôi anh Hải. Điều đó làm cho chị nhẹ gánh nhưng cũng có thể làm cho chị buồn hơn khi xét đến một góc độ tâm lý khác. Nhiều khi, người ta lấy sự vất vả làm niềm vui khi nghĩ đến sự vất vả của mình mang lại niềm vui, điều tốt cho người khác. Và dù sao, mỗi lần thăm anh Hải, dẫu chị chỉ được chầu rìa ngoài cổng để cho một mình cháu Dũng vào nhưng anh Hải vẫn rất gần. Chị còn có cảm giác như nghe quanh đây hơi thở của anh, còn anh thì biết chị đang phải ngồi lắt lay ngoài cổng vì mình. Còn bây giờ là nỗi buồn của sự xa xôi vạn lý.
Trong 6 năm rưỡi ở tù, Nguyễn Văn Hải đã qua 11 trại giam. Anh bị giam ở đâu, chị Tân và các cháu lại phải tìm đến đấy. Là người được chị tin cậy, đôi khi tôi mạnh bạo hỏi chuyện về chị và anh Hải. Tôi hỏi chị những khi đi đấu tranh cho anh Hải thì lấy tư cách gì? Họ sẽ lấy lý do em với anh Hải không còn là vợ chồng, họ từ chối tiếp thì sao? Chị bảo: em đại diện cho quyền lợi cho các con em, mà con em cũng là con anh Hải.

Nhiều lần tôi hẹn với chị, nếu anh Hải ra tù, chắc chắn tôi sẽ bay từ Hà Nội vào. Chị biết là tôi không chỉ nói cho vui. Đầu tháng 8 vừa qua, nghe nói anh Hải sẽ được thả vào dịp 2/9, mọi người đều hy vọng. Thế rồi vụ án Bùi Thị Minh Hằng xảy ra, tôi vào Sài Gòn rồi đi Cao Lãnh. Lẽ ra sau khi xử xong, tôi có thể quay ra Hà Nội nhưng lại cùng một số anh em khác cố nấn ná lại đến một tuần, hy vọng có thể được đón anh Hải. Mãi 3/9 chúng tôi mới trở ra Hà Nội.

Cứ nghĩ đến cảnh người vợ lặn lội đi thăm nuôi chồng là tù nhân chính trị trong các trại giam, tôi thường hay nghĩ đến câu ca dao:

Cái cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non

Ngàng về nuôi cái cùng con

Để anh đi trảy nước non Cao Bằng.

Người chồng hoạt động chính trị bị bắt đi tù, khổ đã đành, nhưng khó có thể nói khổ hơn khi so với sự lo toan vất vả của người vợ. Vậy mà sự vất vả tận tụy của chị Tân vì anh Hải so với những người vợ của những tù nhân chính trị khác, không hề nhẹ đi nếu không nói là hiếm có. Chị nói là vì quyền lợi của các con chị nhưng tôi hiểu nó còn là một cái nghĩa. Cái nghĩa ấy của chị thật là cao quý, lớn lao. Đôi khi anh em nói chuyện vui, chúng tôi hay đùa sau này anh Hải ra tù, hai người phải quay lại với nhau, chị bảo, không bao giờ có chuyện ấy đâu anh ạ. Tôi lại nghĩ, nếu cho rằng sự tận tụy của chị xuất phát từ động cơ hai người sẽ quay trở lại với nhau thì vô hình trung đã đánh giá thấp về chị.

Dù sao, tôi vẫn cứ mong một kết cục có hậu giữa chị và anh Hải. Có lần cháu Dũng kể, cháu vào trại, nói với bố là bố mẹ nên quay trở lại với nhau để có danh nghĩa cho mẹ được gặp bố, anh Hải không phản đối mà cười, bảo nhưng bố bây giờ đang trong tù thì làm sao được. Vì vậy, khi anh Hải sang Mỹ, tôi còn buồn vì có thể lỡ một cơ hội mà tôi mong muốn.

Nhưng đọc bài trả lời phỏng vấn báo Người Việt hôm qua 27/10, thấy anh dùng từ “vợ” để nói về chị Tân:

Về cuộc sống riêng, gia đình tôi và gia đình bên vợ hầu hết ở Vancouver và Toronto, Canada. Hiện nay tôi cũng chưa muốn chia sẻ nhiều về cuộc sống riêng.

Cũng ngày 27/10, khi đài VOA dùng cụm từ “vợ cũ của ông” thì anh Hải lại dùng từ “vợ tôi” để nói về chị Tân:

VOA: Dũng, con trai ông và cả chị Tân, vợ cũ của ông, cho biết là gia đình không nhận được một lời từ biệt nào trước khi ông ra đi. Ông có thể nói rõ hơn về chuyện này không?
UserPostedImage
Hai mẹ con chầu chực trước cổng trại giam

Blogger Điếu Cày: … Còn khi mà xuất cảnh ra sân bay, tôi cũng nghĩ là họ sẽ để cho tôi được gặp con tôi, gặp vợ tôi ở sân bay nhưng thực tế thì họ không cho tôi gặp mà đẩy thẳng ra máy bay luôn.

Tôi thấy vui vui khi phát hiện ra điều này. Điếu Cày không nói nhầm. Hẳn là anh hiểu được những nỗi cực khổ, gian nan mà chị Tân phải chịu đựng vì anh, hiểu được được tấm lòng cao cả đầy tình nghĩa mà chị đã vì con và chắc chắn vì cả anh nữa. Hẳn là anh rất vui khi biết trong 6 năm rưỡi qua, chỉ không chỉ làm tròn bổn phận của một người mẹ, người vợ mà chị đã hòa chung vào phong trào đấu tranh dân chủ, sát cánh cùng đồng đội của anh trong đó có nhiều người thức tỉnh do tấm gương từ anh soi sáng. Và có thể cũng vì những lẽ đó, anh “lạm dụng” từ “vợ tôi” một cách âu yếm để nói về chị, dù không biết chị có chấp nhận hay không.

Anh Hải ra đi, điều đó không có nghĩa là Dương Thị Tân đã được yên ổn. Ngày hôm nay, tôi được biết thông tin chị bị triệu tập ra tòa vì vụ tranh chấp đòi tiền đặt cọc giữ chỗ thuê nhà mà tôi cho rằng có thế lực nào đó xúi bẩy. Dù chưa biết sự thể ra sao nhưng tôi nghĩ chị thua là cái chắc vì người xử sẽ không đứng về phía chị.

Anh đi rồi nhưng chắc chị sẽ còn bị sách nhiễu. Cũng như Phương Uyên, khi buộc phải thả cháu ra, cháu vẫn còn phải chịu đòn thù. Tôi vừa mong cho anh Hải sẽ trở về để che chở cho chị, vừa mong muốn có một cuộc đoàn tụ gia đình bên Mỹ nếu như anh Hải không thể trở về.

28/10/2014
Nguyễn Tường Thụy, viết từ Hà Nội
Ai đang xem chủ đề này?
Guest (3)
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.613 giây.