Âm thanh của những bước chân từ xa khiến đám trẻ dừng lại. Một nhóm người đang bước về phía chúng. Phú nghỉ tay trên
xẻng, nhìn chằm chằm vào đám đông đang tới gần. Một tên VC đội nón lính trong áo sơ mi trắng và quần bộ đội xanh lá cây
xuất hiện; hắn cầm một khẩu AK-47 ngang hông. Phía sau hắn là cả chục người cả nam lẫn nữ, hộ tống bởi ba tên VC
trong bộ đồ bà ba đen, AK-47 lủng lẳng từ vai. Phú giật mình khi thấy những khuôn mặt quen thuộc. Các tội nhân bị kết án
tử hình. Họ đi một cách khó khăn. Chỉ tới khi họ đến gần hơn thì Phú mới biết tại sao. Họ bị trói tay quặt ra sau lưng và bị cột
vào nhau thành một chuỗi bằng các dây điện thoại. Người này sang người khác. Một số bước đi chân không, một số đi
dép.
Phú ngạc nhiên kinh hoàng khi thấy một ngày đã thay đổi họ như thế nào. Họ đều trông mòn mỏi. Những miếng giẻ bẩn thỉu
nhét ở miệng họ để lại mắt họ là nét diễn tả duy nhất; những cặp mắt lõm và ngơ ngác biểu lộ không một sức sống.
Mấy tên VC trong bộ bà ba đen ra lệnh những người bị bắt trói đứng bên cạnh các rãnh hố. Phú thấy Lan đứng đó; nàng
xanh xao và hốc hác. Cặp mắt bàng hoàng của nàng nhìn chằm chằm vào một mục tiêu vô hình nào đó.
Mấy tên VC bước trở lại, mặt lạnh lẽo của họ xầm lại. Một tên cầm khẩu AK-47 như thể hắn sắp sửa bắn. Phú run rẩy.
"Tất cả mấy người đã phạm tội ác chống lại nhân dân và cách mạng," tên VC áo trắng tuyên bố.
Tên VC trong bộ bà ba đen giơ súng và bắn một phát độc nhất vào mặt người đàn ông đứng ở đầu chuỗi người. Ông ta
ngã xuống rãnh, không một tiếng kêu, kéo những người khác theo với ông. Một người ngã, người kế tiếp ngã theo, và mọi
người còn lại rớt xuống rãnh. Họ gào lên nhưng tiếng la hét của họ bị bóp nghẹt bởi giẻ trong miệng thành những tiếng ú ớ.
Vài người cố đứng lên nhưng không được vì trọng lượng những người khác.
"Lấp hố, mau!" Tên VC áo trắng quát với đám trẻ.
Phú cứng người. Nó không cử động được. Mấy đứa kia đứng chết sững.
Mấy tên VC chọc AK-47 vào đám trẻ. Tên VC áo trắng quất lưng Phú với báng súng. "Làm đi, nếu không tao bắn!"
"Không," Phú la lên.
Những người nam nữ trong rãnh quằn quại dữ dội. Một ông đẩy mình lên trên mặt đất tại mép rãnh, hai tay vẫn bị trói sau
lưng, nhưng một tên VC đập đầu ông với báng súng AK-47. Ông phát ra một tiếng rít ngắn ngủn từ miệng bị bịt và ngã
xuống. Tên VC quay lại và chọc khẩu súng vào một đứa. "Lấp hố!"
Đứa bé lau nước mắt. Nó do dự, sau đó từ từ xúc đất từ các đống trên mặt đất và hất vào rãnh. Phú, Duyệt, Huy và mấy
đứa khác đứng, nước mắt tràn trụa trên mặt.
Tên VC áo trắng giơ cây AK-47 lên và nhắm vào đầu Phú. "Tao làm thiệt đó, lấp hố!"
Phú nuốt ực. Nó đẩy cái xẻng vào đống đất mới đào, cầm cán trong một tay và lau nước mắt bằng tay kia, ấn cạnh xẻng với
bàn chân, kéo nó ra với nắm đất, và hất vào rãnh. Mấy đứa kia làm theo nó. Những khối đất vất lên đầu các nạn nhân đang
lăn lộn lổm ngổm dưới hố. Một số nhìn lên, nhưng phải quay đầu tránh đất bắn văng tung tóe lên mặt họ. Đất và bụi bẩn
chẳng mấy chốc lấp đầy miệng bị bịt của họ. Một ông cố leo lên bằng đầu gối, nhưng bị đánh với báng súng và rớt trở
xuống.
Lan nằm mẹp dưới hai người đàn ông. Nàng đá và đẩy họ ra, nhưng họ ngã xuống, lăn đè lên nàng. Nàng luồn lách dưới
sức nặng của những người đàn ông. Nàng nhìn lên. Mấy miếng vải đen trong miệng chặn tiếng thét của nàng. Mặt nàng
méo mó với đau đớn và kinh hoàng. Tia mắt nàng chạm tia mắt Phú. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi, vẻ thê lương trong đôi
mắt đẫm lệ của nàng đâm vào tim nó.
Nó xúc đất giận dữ. Nó nghiến răng, nắm chặt cán xẻng, xúc vào đống đất, hất đất lên mà không nhìn. Những nắm đất bay
vào rãnh. Mắt nó mờ đi. Tai nó ù lên. Nhưng nó cứ xúc mạnh và hất.
Một nơi nào đó ở xa xa, một tiếng nổ vang lên trong màn đêm yên tĩnh.
Toàn nghe tiếng nổ. Chắc là đạn súng cối phe địch ở một nơi nào đó phía tây. Anh dừng lại và giơ tay lên. Từ xa, Brad và
Jimmy đứng lại, chờ tín hiệu anh. Anh để một phút trôi qua.
Bây giờ là bốn giờ sáng. Đường phố còn tối, nhưng mặt trời sẽ lên trong khoảng hai tiếng và cổ thành sẽ bị bắn phá và
pháo kích dữ dội. Toàn ra hiệu cho hai anh thủy quân lục chiến tiếp tục chạy thận trọng về phía tòa nhà bị quân BV chiếm
đóng. Họ vượt qua đường từng người một, cách hai phút. Nếu kẻ thù thấy bất kỳ một người trong toán họ và bắn, ít nhất hai
người kia sẽ được cảnh báo.
Tòa nhà chỉ khoảng 200 m ở phía trước. Tối và yên tĩnh. Nhưng Toàn biết hàng chục lính BV vẫn tỉnh táo. Anh đã ở đó với
chúng một đêm và anh biết thói quen chúng.
Trước đó, trung úy Hummel đã chấp thuận yêu cầu họ để thực hiện nhiệm vụ lẻn vào bên trong tòa nhà để tiêu diệt các
khẩu súng máy đã dí sát lính thủy quân lục chiến tại vị trí họ cả ngày. Hummel miễn cưỡng về chuyện cho phép sứ mạng,
nhưng sau khi nhìn thấy sự bất hiệu lực của xe tăng và Ontos, anh không còn sự lựa chọn nào. Yêu cầu lập đi lập lại cho
yểm trợ máy bay và pháo binh đã bị từ chối. Đồng thời, lệnh từ bộ chỉ huy càng lúc càng nhiều, cấp bách và bó buộc hơn.
Lính thủy quân lục chiến phải chiếm lại tòa nhà càng sớm càng tốt. Các vị tướng rất lo lắng. Washington không muốn thấy
Huế liên tục trên các tiêu đề báo chí và truyền hình.
Khi Toàn lần đầu tiên nói với Brad về ý anh xâm nhập vào tòa nhà để tiêu diệt các khẩu súng máy, Brad nghĩ anh chàng
thiếu úy Việt điên rồi.
"Anh đang bị thuốc hành hay sao đó?" Brad hỏi một cách hoài nghi.
"Không, chẳng có chút nào hết. Ngược lại, tôi tỉnh như sáo sậu," Toàn nói một cách bình tĩnh.
"Thế tại sao anh đề nghị tụi mình tự tử?"
"Vẫn tốt hơn là ngồi đây dòm xe tăng M-48 hoặc Ontos của mình ép qua đường phố chật hẹp và bị nổ tung lên bởi hỏa tiễn
B-40."
"Và anh nghĩ rằng chiến lược kamikaze của anh sẽ thành công?"
"Làm sao nó có thể là một sứ mạng cảm tử khi kế hoạch là mình lẻn vào trong tòa nhà chúng mà chúng không biết?"
"Làm sao mình làm chuyện đó được?"
"Tôi biết một cách bí mật vào bên trong mà không bị thấy," Toàn nói với một nụ cười tự mãn. "Đừng quên rằng tôi đã lục lọi
tòa nhà đó kỹ lưỡng và tôi ở lại đó một đêm."
"Cách bí mật gì?"
"Có một đường hầm kết nối hệ thống thoát nước dưới đất ở đường phố đến phòng dịch vụ trong tòa nhà và có một cầu
thang từ phòng dịch vụ lên tới mái nhà."
Brad nhìn Toàn chằm chằm, không biết anh ta đang nói đùa hay thật.
Mặt Toàn trở nên nghiêm trọng. "Tin tôi đi, Brad. Tôi không biết lý do tại sao có đường hầm ở đó. Tòa nhà cũ; nó được
Pháp xây và Nhật chiếm đóng trong Thế chiến II. Nó có nhiều lối đi bí mật. Có lẽ đường hầm được dùng là một nơi trú ẩn."
"Và cầu thang?"
"Tôi nghĩ là nó chính yếu được dùng bởi những người bảo trì để có lối đi nhanh lên tới mái nhà."
"OK, tôi tin anh. Nhưng giả sử chúng ta có thể lên tới mái nhà mà không bị phát hiện, và giả sử chúng ta có thể giết tất cả
mấy tên điều khiển súng máy. Làm sao anh tính ra khỏi tòa nhà?"
"Cùng lối mình đi vào. Ngay sau khi mình xong việc, mình sẽ đi ra qua đường hầm và không có cách nào tụi nó có thể thấy
tụi mình."
Nghe có vẻ như cốt truyện của một tiểu thuyết chiến tranh dở ẹt, nhưng Brad thích chí. Anh và Toàn nói thêm về kế hoạch
và cuối cùng anh bị thuyết phục là chuyện đó có thể làm được. Cả hai đến gặp Hummel và trình bày ý tưởng. Sau vài giờ
thảo luận qua lại, Hummel cuối cùng đồng ý cho Toàn dẫn Brad và Jimmy để thực hiện một sứ mạng "không cách đéo nào
làm được"- lời của Hummel - mà anh từng nghe.
Cái lỗ cống dẫn đến đường hầm nằm trong một ngõ hẻm gần vỉa hè trên đường phía sau tòa nhà địch. Toàn và hai chiến
hữu Mỹ phải đi vòng quanh các khu phố qua một ngõ tắt để họ có thể đến gần tòa nhà từ phía sau. Ngay cả với ngõ tắt, họ
cũng mất gần một tiếng và bây giờ họ chỉ còn hai trăm mét cách tòa nhà.
Đường phố hoàn toàn vắng teo. Dân cư chắc đã chạy ra khỏi khu vực khi cuộc chiến bắt đầu. Toàn khá quen thuộc với khu
phố đặc biệt này vì anh đã đến đây nhiều lần trong những năm qua. Ngõ hẻm nơi có lỗ cống nằm bên cạnh các cửa hàng
tạp hóa mà anh thường xuyên lui tới mỗi khi đến phần này thành phố. Kẻ thù không tin rằng họ có thể đến tới tòa nhà từ
phía sau. Chúng không biết rằng có một ngõ tắt tới đây từ các đường ngang qua tòa nhà. Nhưng tất nhiên, gác canh chúng
hoàn toàn thức tỉnh. Ngoại trừ là chúng không biết gì về đường hầm.
Từ vị trí này trở đi, Toàn không muốn đi ra ngoài trên đường phố để tránh lộ diện. Trời tối, nhưng kẻ thù vẫn có thể thấy
được những di động. Anh dẫn Brad và Jimmy xuyên qua những ngôi nhà và các cửa hàng, len lỏi khoảng cách hai trăm
mét qua các ngõ hẻm nhỏ và đường vòng. Chẳng mấy chốc, họ đến lỗ cống. Nó hoàn toàn được che bởi những bức
tường cao cả hai bên mặt ngõ.
Sự im lặng và bóng tối cho Toàn một cảm giác kỳ lạ. Anh đưa ra dấu hiệu tay để Brad và Jimmy gỡ cái nắp trên miệng
cống. Cái nắp không khóa. Hai anh TQLC dỡ bỏ nắp từ từ trong khi Toàn đứng canh chừng. Đó là một lỗ cỡ trung bình,
vừa đủ lớn cho một TQLC Mỹ trang bị đầy đủ chui xuống. Toàn đã vẽ một sơ đồ chỉ cho họ đường hầm. Đường hầm nằm
khoảng hai mét từ miệng cống, một phần ẩn sau một bức tường. Nước thải ở bên trái.
Toàn đi xuống đầu tiên. Anh hạ thấp người qua lỗ cống, cố gắng giữ chiếc M-16 không chạm vào mép lỗ. Từng người một,
họ hạ xuống từ từ qua lỗ cống. Jimmy là người cuối cùng. Anh giơ nắp trên đầu và cẩn thận đưa nó xuống vị trí chính xác
như trước.
Một khi trên mặt đất, Toàn thở phào nhẹ nhõm. Ít nhất họ không phải lo lắng bị quân địch thấy. Anh bật đèn pin và dẫn hai
anh TQLC tới đường hầm. Mặc kệ mùi hôi thối từ rác rưởi trong nước thải, họ nín thở, bò qua đường hầm trên hai tay và hai
chân trong khi vẫn giữ đồ nghề khỏi mặt đất. Đó là một chuyến tập dượt đau đớn và mệt mỏi, một chuyện mà họ đã không
bao giờ thực hành trong quá trình huấn luyện quân sự họ.
Sau nửa giờ bò âm thầm trên tay và đầu gối, họ đến cuối đường hầm. Họ bây giờ ở ngay bên trong bản doanh đối phương.
Toàn ra dấu nghỉ ngơi. Họ ngồi trên mặt đất, nhìn nhau với vầng trắng quanh mắt trên mặt bôi dầu xám xịt. Họ ngồi im lặng
trong năm phút trong khi tập trung sự chú ý vào âm thanh đến từ trên.
Toàn từ từ đứng dậy và nhòm qua một khe hẹp giữa hai tảng đá chặn lỗ hổng đường hầm. Phòng dịch vụ tối đen. Anh nhìn
chằm chằm vào bóng tối một lúc để điều chỉnh thị lực. Anh không thể nhìn thấy toàn bộ phòng, nhưng không có âm thanh,
không có hơi thở đều đặn của một tên lính Bắc Việt đang ngủ.
Anh gật đầu với Brad và hai người từ từ đẩy những tảng đá sang một bên, để lộ một căn phòng không cửa sổ trống rỗng,
với một cầu thang xoắn ốc trong góc.
Toàn đẩy mình lên và bò ra cửa. Brad và Jimmy theo. Họ xúm quanh cầu thang. Brad ngạc nhiên vỉ kích thước nhỏ bé của
cầu thang và kiểu hẹp, nó giống như một cầu thang dành cho con nít trong nhà chơi cho trẻ con. Bậc thang làm bằng gạch
cỡ bàn chân kết nối với nhau bởi hai ống đồng xoắn ốc cuộn lên và quanh một cột thép thẳng đứng. Toàn đã bảo đảm với
Brad là cầu thang vững chắc và có thể chịu được trọng lượng cả hai người, nhưng bây giờ anh đối diện nó, anh không
chắc chắn làm sao Toàn có thể có cái ước lượng chuyên môn như vậy. Toàn biết Brad hoài nghi, nhưng anh không muốn
giải thích. Anh chỉ vào đồng hồ, cho biết họ không có nhiều thì giờ. Brad nhìn Jimmy và nhún vai.
Không có lý do gì để mà do dự nữa. Họ sẽ phải thử và xem như thế nào. Toàn leo lên đầu tiên, Brad theo sau. Jimmy ở lại
phía sau để phụ sức khi họ rút lui trong trường hợp quân địch khám phá ra căn phòng dịch vụ. Cầu thang hơi trùng xuống
khi hai người leo lên lúc mới đầu, nhưng nó có vẻ vững vàng. Nó sẽ dẫn lên mái nhà qua luôn ba tầng. Nó đứng trong một
khoảng trống nhỏ dọc và bị chặn bởi các bức tường ở mỗi tầng. Kẻ thù không thể nhìn thấy họ, nhưng họ có thể nghe thấy
chúng nếu chúng gây ra tiếng động.
Đó là một chuyến leo lên nhọc nhằn. Họ leo từng bước một. Ở mỗi bước, họ dừng lại và lắng nghe dấu hiệu hiện diện của
địch. Chung quanh thật yên tĩnh. Có lúc Brad tự hỏi không biết đám lính BV đã rời khỏi tòa nhà rồi hay không. Tuy nhiên, khi
họ đến gần mái nhà, họ nghe tiếng thì thầm và ngửi mùi khói thuốc lá. Chắc chắn, có lính BV trên mái nhà.
Cầu thang dẫn đến một khoảng trống dưới bầu trời. Khi họ leo lên gần hơn, tiếng thì thầm trở thành to hơn. Toàn bước ra
khỏi cầu thang và dán mình vào tường. Có một chỗ nhỏ cho cả hai người đứng ở rìa mái nhà sau một bức tường. Một cú
trượt và cả hai sẽ lao ba tầng xuống dưới mặt đất.
Họ nín thở, chờ đợi. Mấy tên lính BV đang nói chuyện và hút thuốc lá. Brad ngửi mùi thơm quen thuộc thuốc lá Pall Mall.
Đám lính BV chắc là đã lấy thuốc lá Mỹ trong tòa nhà hoặc các cửa hàng trên đường phố. Họ lặng lẽ và từ từ lấy lựu đạn
bằng một tay trong khi tay kia nắm chặt khẩu M-16. Toàn kín đáo nhìn qua tường vào mái nhà. Anh chìa các ngón tay ra để
Brad có thể thấy số đếm, rồi mở và đóng bàn tay hai lần. Bốn tên lính và hai súng máy.
Toàn quay lại và đối diện Brad. Anh gật đầu. Đã đến lúc tấn công. Họ đếm nhẩm. Một. Hai. Ba.
Nhanh như chớp, cả hai nhảy ra khỏi tường và bắn M-16. Brad ném lựu đạn vào toán lính BV. Tiếng nổ xé toang bầu không
khí im lặng. Mấy tên lính BV không có cơ hội.
Cả tòa nhà thức dậy. Đám lính BV tràn ra sân và nhìn lên mái nhà. Chúng hét lên điên cuồng trong khi bắn AK-47 lên không.
Brad nhẩy tới chiếc súng máy DShK cỡ 0,51, đẩy tên lính BV ngã trên mặt súng, quỳ xuống và gắn ống đạn. Anh chỉa khẩu
súng máy xuống và bắn không ngừng vào đám lính BV đang chạy tứ tung trong sân. Bị bất ngờ, chúng không biết tiếng
súng từ đâu và trong phút bối rối ban đầu chúng trở thành mục tiêu dễ dàng.
Toàn phóng tới một súng máy khác, một khẩu PK làm tại Nga, gắn trên góc mái nhà. Brad nạp lại đạn và nhìn lên Toàn.
Theo những tông phấn màu của ánh nắng trước bình minh, anh thấy Toàn nhìn lại anh với một biểu hiện lạ trên khuôn mặt
anh ta. Trước khi anh biết chuyện gì xảy ra, Toàn giơ chiếc M-16 của mình và bắn một tràng. Một tiếng thét phát ra từ phía
sau Brad. Anh quay lại và nhìn thấy khuôn mặt đẫm máu của tên lính BV mới bị bắn trước đó, nhưng không đủ để giết chết
hắn, cho đến bây giờ. Một khẩu súng lục rơi ra khỏi bàn tay hắn.
Brad mỉm cười và giơ ngón tay cái lên với Toàn. Cảm ơn anh đã cứu tôi. Bây giờ chúng ta huề nhau rồi.
Những bước chân nặng nề kêu vang vang từ cầu thang chính lên mái nhà. Toàn vội vã trở lại và bắn khẩu M-16 vào đám
lính BV đang chạy tới gần.
"Mình đi đi. Tụi nó biết mình ở đâu rồi," Toàn hét lên.
Brad bắn thêm một loạt đạn và vội vã trở lại cầu thang ở cạnh mái nhà. Anh quẳng lựu đạn vào khẩu súng máy và bắn M-16
vào mấy súng đã bị đập nát, hất cả hai cây súng ra kh̉ỏi mái nhà.
Brad trèo xuống cầu thang trong khi Toàn nạp lại khẩu M-16.
"Toàn, đi, đi," Brad gào lên.
"OK, anh đi trước đi," Toàn hét lại, trút hết đạn trong chiếc M-16 vào đám lính BV và ném lựu đạn xuống cầu thang chính.
Anh phóng ngược lại bờ mái nhà.
Cầu thang dịch vụ lắc lư dữ dội khi hai người vội vã leo xuống. Khi họ leo qua mỗi tầng, họ nghe thấy tiếng bước chạy nặng
nề và tiếng la hét cuồng loạn của đám lính BV.
Jimmy đang ngước mặt nhìn họ với nét mặt lo lắng. Khi họ nhảy xuống, họ phóng qua lỗ hổng đường hầm và lăn xuống
giữa những bước chân rầm rập bên ngoài phòng dịch vụ. Họ khum người xuống và chạy thật nhanh qua đường hầm. Nón
lính họ đập vào trần đường hầm, nhưng họ tiếp tục chạy. Jimmy bò ngược đầu, canh chừng quân địch trước khi chạy theo
chiến hữu anh. Nỗ lực anh không cần thiết. Đám lính BV đang bận rộn chạy kiếm chỗ núp và không quan tâm về một phòng
dịch vụ không xài.
Ngay sau khi họ trồi lên khỏi miệng cống, họ chạy trở lại các ngõ hẻm phía sau các cửa hàng và các ngôi nhà. Tiếng la hét
và đạn bắn từ tòa nhà phai dần, nhưng họ vẫn tiếp tục chạy. Họ không còn sợ bị kẻ thù nhìn thấy, nhưng họ muốn thoát ra
khỏi tầm bắn của chúng càng sớm càng tốt.
Sau khi qua nhiều khu phố, Toàn chạy chậm lại. Ngay sau khi anh ném lựu đạn, anh đã cảm thấy một cơn đau ở bàn tay,
nhưng anh không chú ý. Cơn đau bây giờ trở thành không thể chịu đựng nổi. Anh nhìn xuống và thấy máu chảy ra khỏi bàn
tay. Anh buông cây M-16 nặng nề xuống và lảo đảo.
Brad quay đầu và thấy Toàn ngồi xổm trên mặt đất.
"Anh có sao không?" Anh hét lên.
Toàn không trả lời. Anh vung vẩy tay với nét mặt đau đớn.
Brad quì xuống bên cạnh anh. "Anh có đau không?"
"Tôi không biết."
Jimmy hét lên từ phía sau. "Mình tới đây là an toàn rồi."
Toàn nâng bàn tay lên. Máu bớt chảy, nhưng một mảnh đạn bị mắc kẹt ở giữa bàn tay anh. Chắc mảnh đạn đó văng từ lựu
đạn anh khi anh ném chúng vào kẻ thù.
Anh lật bàn tay lên. Trong kinh dị, anh thấy mảnh đạn xuyên qua mặt sau bàn tay anh ngay giữa đóa hoa lan xâm trên tay.
Một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng anh.
"Lan ơi," anh kêu lên.
© 2014 Cao-Đắc Tuấn (Danlambao)
TIẾNG KHÓC VÙI CHÔN -GHI CHÚ LỊCH SỬ VÀ SỰ KIỆN
Cao-Đắc Tuấn
VỤ thảm sát Huế:
Vụ thảm sát Huế được biết và ghi nhận nhiều (Chính 1998, 134-137; Willbanks 2007, 99-103; Vennema 1976; Robbins
2010, 196-208; Oberdorfer 2001, 198-235; Pike 1970, 26-31). Tuy nhiên, mặc cho sự quy mô và tàn bạo của nó, vụ thảm
sát Huế hầu như không được báo cáo ở Hoa Kỳ vào lúc đó và bây giờ bị quên lãng (Braestrup 1994, 215; Robbins 2010,
196).
Mặc dù chứng cớ đầy rẫy cho một vụ thảm sát hơn hai ngàn nạn nhân, một vài học giả cãi là không có một cuộc tàn sát
thực sự. D. Gareth Porter, cùng với đồng nghiệp ông ta, đăng một loạt các bài báo (Porter 1974; Herman và Porter 1975)
cáo buộc các cơ quan Nam Việt Nam và Hoa Kỳ bịa đặt bằng chứng trong báo cáo số người chết trong vụ thảm sát ở Huế
năm 1968. Herman và Porter (1975) bác bỏ báo cáo của Douglas Pike về số dân bị giết bởi Cộng sản và kết luận rằng chữ
'thảm sát' dùng cho sự giết dân Huế của Cộng sản chỉ là một mưu đồ tuyên truyền lừa đảo (sđd., 4). Herman và Porter
(sđd.) đồng ý rằng cộng sản có giết một số thường dân trong lúc họ chiếm đóng Huế, nhưng bày tỏ rằng không có bằng
chứng cho thấy họ hành quyết số lớn. Một nguồn chính yếu mà Herman và Porter dựa vào để thiết lập lý thuyết họ là báo
cáo của bác sĩ Alje Vennema, một bác sĩ Tây phương duy nhất đã xem xét các ngôi mộ, người, theo Herman và Porter,
thấy rằng số nạn nhân trong các chỗ chôn cất bị Mỹ ở Sài Gòn thổi phồng hơn bảy lần, tổng cộng chỉ có 68 thay vì tuyên bố
chính thức là 477 (sđd., 2). Herman và Porter xác định thêm rằng theo Vennema, đa số xác chết mặc quân phục và những
vết thương cho thấy rằng họ là nạn nhân của cuộc chiến (sđd.). Tuy nhiên, những chi tiết Vennema cung cấp mâu thuẫn với
những gì Herman và Porter báo cáo. Bác sĩ Alje Vennema, một cảm tình viên phản chiến, trình bày phiên bản riêng của
ông về vụ thảm sát trong sách ông, Sự Thảm Sát tại Huế bởi Việt Cộng, xuất bản năm 1976, một năm sau bài của Herman
và Porter. Trong sách ông, Vennema ghi chi tiết về vụ thảm sát. Báo cáo của ông bao gồm chứng kiến của chính ông về
các mộ và các cuộc phỏng vấn các nhân chứng và những người sống sót khác.
Porter dựa vào Vennema cho kết luận ông ta rằng chính phủ miền Nam Việt Nam đã thổi phồng số các vụ hành quyết thực
sự. Theo Porter, Vennema "bất chợt ở bệnh viện tỉnh Huế trong cuộc Tổng tấn công Tết và là người điều tra riêng về các
hầm chôn" (Porter 1974, 3). Vì vậy, báo cáo của Vennema nên tượng trưng cho các báo cáo đáng tin cậy nhất về những
gì đã xảy ra tại Huế và nên là bằng chứng duy nhất đáng tin cậy nhất. Chúng ta hãy nghe những gì Vennema thực sự nói về
vụ thảm sát.
Về các hầm chôn phát hiện và số lượng xác người, Vennema báo cáo những địa điểm sau đây:
1) Trường trung học Gia Hội (Vennema 1976, 129-131): Tổng số hầm chôn: 14 và thêm một số lượng hầm chôn không rõ.
Tổng số xác chết: 203, gồm cả nam giới (trẻ và già) và phụ nữ. Trong số người chết là một phụ nữ 26 tuổi "với chân và tay
bị trói, một miếng giẻ nhét vào miệng" và những người "không có vết thương rõ ràng"; một cảnh sát 42 tuổi người đã bị
chôn sống; một phụ nữ báo rao đường 48 tuổi, "cánh tay bà bị trói và một miếng giẻ nhét vào miệng" và những người
không có vết thương trên cơ thể, có thể là đã bị chôn sống.
2) Chùa Theravada, được gọi là Tăng Quang Tự (sđd., 131-132): 12 rãnh có 43 xác. Trong số người chết là một thợ may,
tay trói và bị bắn xuyên qua đầu, một số người bị trói tay sau lưng bằng giây thép gai, và một số có miệng nhồi với giẻ rách.
"Tất cả những người chết là nạn nhân bị trả thù và báo oán" (sđd., 132).
3) Bãi Dâu Con Mo (sđd., 131): 3 rãnh với 26 xác.
4) Đằng sau một chủng viện nhỏ, nơi mà tòa án tổ chức các phiên xử (sđd., 133): 2 rãnh với 6 xác (3 người Việt Nam làm
việc cho Đại sứ quán Hoa Kỳ, hai người Mỹ làm việc cho USOM, và một giáo viên trường trung học Pháp nhầm lẫn là Mỹ ).
"Tất cả đều bị trói tay."
5) Quận Tả Ngạn (sđd.): 3 rãnh với 21 thi thể, "tất cả là đàn ông, với hai tay bị trói, và các lỗ đạn trên đầu và cổ.
6) Năm dặm về phía đông Huế (sđd.): 1 rãnh với 25 xác, tất cả bị bắn vào đầu, tay bị trói sau lưng.
7) Gần các lăng của hoàng đế Tự Đức và Đồng Khánh (sđd., 133-135): 20 rãnh với thêm số lượng rãnh nhỏ không rõ.
Tổng cộng có 203 xác được phát hiện. Trong số người chết là một linh mục Pháp, Cha Urbain, người đã bị trói hai tay và
không có vết thương trên cơ thể, và linh mục khác Pháp, Cha Guy, có một vết thương đạn trên đầu và cổ. Không có xác
phụ nữ và trẻ em nào được tìm thấy, cho biết rằng "các nạn nhân bị giết tàn nhẫn và không phải trong hoạt động quân sự.
8) Cầu An Ninh (sđd., 135): 1 rãnh với 20 xác.
9) Cửa Đông Ba (sđd., 135): 1 rãnh với 7 xác.
10) Trường tiểu học An Ninh Hạ (sđd., 135): 1 rãnh với 4 xác.
11) Trường Vân Chí (sđd., 136): 1 rãnh với 8 xác.
12) Chợ Thông, một chợ (sđd., 136): 1 rãnh với 102 xác. "Đa số bị bắn và trói, trong đó có nhiều phụ nữ, nhưng không có
trẻ em."
13) Trên mặt các ngôi mộ lăng hoàng đế Gia Long (sđd., 136): gần 200 xác đã được tìm thấy. Một số người có tay "bị trói
sau lưng, và họ bị bắn xuyên qua đầu."
14) Nửa đường giữa chùa Tạ Quang và chùa Tu Gy Văn, 2,5 km về phía tây nam của Huế (sđd., 137): 4 xác người Đức (3
bác sĩ và một người vợ của bác sĩ).
15) Đông Gi, 16 km trực tiếp phía đông Huế (sđd.): 110 xác, tất cả là đàn ông và "hầu hết bị trói tay và giẻ nhét vào miệng."
16) Làng Vĩnh Thái, làng Phù Lương, và làng Phú Xuân, khoảng 15 km về phía nam và phía đông nam thành phố (sđd.,
137-138): 3 hầm chôn với hơn 800 xác (gồm có 135 ở Vĩnh Thái, 22 Phù Lương, 230 và sau 357 tại Phú Xuân): Hầu hết là
nam giới với một số ít phụ nữ và trẻ em. Trong số người chết là Cha Bửu Đồng và hai chủng sinh.
17) Làng Thượng Hòa, phía Nam lăng vua Gia Long (sđd., 139): 1 hầm chôn với 11 xác. "Các xác chết cho thấy cùng một
loại vết thương ở đầu và cổ, có lẽ gây ra do hành quyết."
18) Làng Thủy Thành và Vĩnh Hưng (sđd.): hơn 70 xác, "đa số là nam giới với một số phụ nữ và trẻ em." "Có vài người
chết có lẽ là trong thời gian chiến tranh vì họ có nhiều loại vết thương và thân thể bị cắt; những người khác trưng bày vết
thương duy nhất ở đầu và cổ, nạn nhân của hành quyết."
19) Khe Đá Mài (sđd.): 500 sọ. "Trong số rất nhiều những bộ xương có các mảnh quần áo bình thường, không phải vải
kaki màu xanh của đồng phục Bắc Việt hoặc Việt Cộng. Tất cả các sọ đều trưng bày một vết nứt bị nén của xương trán
giống nhau như là kết quả của một cú đánh với khí cụ nặng."
Danh sách trên của các hầm chôn cho thấy tổng cộng 19 hầm chôn và khoảng 2307 xác chết. Hầu hết trưng bày những vết
thương gây ra bằng cách hành quyết và không phải bởi kết quả của chiến tranh. Nhiều người bị trói tay và giẻ nhét vào
miệng. Vào cuối tháng 9 năm 1969, hàng trăm người vẫn còn mất tích (sđd., 140). Ngoài ra, Vennema lưu ý rằng "Ngoài
các hầm chôn tập thể, có những sự giết người tàn nhẫn riêng rẽ" (sđd., 141).
Porter cố gắng đổ lỗi cho cuộc đánh nhau dữ dội tại một trong những bãi chôn nơi 22 xác được tìm thấy. Theo ông ta,
"máy bay Mỹ ném bom xuống làng nhiều lần, phá hủy hàng trăm ngôi nhà và giết thường dân" và "khoảng 250 binh lính
cộng sản đã bị giết" trong trận đánh cả ngày (Porter 1974, 4). Ông ta viết thêm rằng "250 bộ xương được tìm thấy tại Khe
Đá Mai (không phải 400 như lời của Pike) cũng bị giết trong trận chiến hoặc bởi B-52 Mỹ thả bom" (sđd., 5-6). Tuy nhiên,
Vennema (1976, 140) xác định với độ chính xác của một bác sĩ rằng con lạch chứa 500 sọ người và "kiểm tra hồ sơ của
quân đội Mỹ không tiết lộ bất kỳ hành động quy mô rộng hoặc B-52 thả bom trong khu vực ngoại trừ một trận đánh gần Lộc
Sơn, khoảng 10 km cách khu vực này, vào cuối tháng Tư năm 1968." Vennema (sđd.) nói rằng "cho rằng bất kỳ người chết
nào do bởi cuộc tấn công B-52 được vác qua địa hình gồ ghề để được chôn ở suối dường như không hợp lý." Ông (sđd.)
tiếp tục khẳng định rằng "tất cả các sọ đều trưng bày một vết nứt bị nén của xương trán giống nhau như là kết quả của một
cú đánh với khí cụ nặng" và "các xương khác không bị vỡ nứt thể hiện bằng chứng của gãy xương mà chắc chắn sẽ không
phải là trường hợp nếu họ đã chết do bởi kết quả của chiến tranh."
Kết luận của Porter rằng "một số lớn xác phát hiện vào năm 1969 thực ra là nạn nhân của lực lượng không quân Mỹ và
đánh nhau trên bộ hoành hành ở các thôn chứ không phải là do Việt cộng" (Porter 1974, 6) mâu thuẫn với lời khai của một
bác sĩ nhân chứng mà chính Porter dựa nhiều vào.
Nhiều nguồn khác cung cấp các ước tính phù hợp với báo cáo của Vennema. Bùi Tín (Bui 2002, 66), một cựu đại tá của
quân đội Bắc Việt, xác nhận rằng vụ thảm sát Huế có xảy ra. Theo ông, Đại tá Lê Minh, trưởng khu an ninh cộng sản trong
cuộc thảm sát Huế năm 1968, ước tính số người chết là 2.000, nhưng ông nói thêm rằng con số đó có thể thấp. Các ước
tính khác báo cáo 2.500 đến 3.500, đa số là thường dân hoặc gia đình các viên chức chính quyền Sài Gòn (Prados 2009,
240; Hammel 2007, 159); 2.800 bao gồm cả viên chức chính phủ, chiến sĩ, giáo viên, linh mục, trí thức và các người phản
động khác, và thường dân không may mắn, với một số nạn nhân bị bắn, đập chết, và thiêu sống (Braestrup 1994, 215;
Isaacs 1984, 360; Oberdorfer 2001, 232; Pike 1970, 30-31). Woodruff (2005, 244) cho biết tổng số 2.810 xác dần dần
được tìm thấy trong những mổ tập thể nông vào giữa những năm 1970. Ngoài ra, 1.946 người vẫn còn mất tích Những
con số này có vẻ được lấy từ bài chuyên khảo của Pike (Pike 1970, 30-31). Một tài liệu, tuyên bố là lấy được từ Cộng sản,
báo cáo số nạn nhân bao gồm 1.892 nhân viên hành chính, 38 cảnh sát, 790 tên bạo ác, 6 đại úy, 2 trung úy, 20 thiếu úy và
nhiều hạ sĩ quan (Woodruff 2005, 244; Willbanks 2007, 101).
Trong khi chắc chắn rằng Hồ chấp thuận, mặc dù có thể chỉ trên hình thức, quyết định khởi động cuộc tổng nổi dậy (Duiker
2000, 557), không rõ là ông ta có đặc biệt thông qua kế hoạch dùng bạo lực cách mạng trên dân Huế. Theo Bùi Tín (Bui
2002, 68), cuộc thảm sát xảy ra vì quân đội Bắc Việt trở thành cuồng loạn, và bị mất hướng - và mất cả nhân tính. Bùi Tín
(sđd., 67) khẳng định rằng không có lệnh từ cấp trên đòi hỏi tiêu diệt cả tù binh hay thường dân. Theo Trương Như Tảng,
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Cộng, Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng sản (Provisional
Revolutionary Government - PRG), nói rằng hoàn toàn không có chính sách hay chỉ thị của Mặt trận để thực hiện bất cứ vụ
thảm sát nào, nhưng Tảng thể hiện rằng ông không thấy điều giải thích này đặc biệt thỏa đáng (Truong 1986, 154). Tuy
nhiên cả Bùi Tín lẫn Trương Như Tảng có vẻ không biết đến tòa án nhân dân và những bản án tử hình giao xuống các nạn
nhân. Tính chất của việc chuẩn bị cho các vụ thảm sát, gồm chuyện tập hợp dân chúng từ các danh sách đen và sự tổ
chức tòa án nhân dân, rõ ràng cho thấy vụ thảm sát là một hoạt động có dự tính với những mục đích chính xác và rõ rệt, ra
lệnh từ, và được hỗ trợ bởi, chỉ huy cao cấp của Bộ Chính trị Hà Nội (Robbins 2010, 196; Oberdorfer 2001, 232; Vennema
1976, 183), hoặc ít nhất là Hồ có thể đoán trước và mong muốn (Hubbell 1968, 67). Vennema (1976, 184) lưu ý rằng kích
động khủng bố là quan trọng với Đảng cộng sản và các thành viên cộng sản không thể kềm hãm được. Robbins (2010,
208) ghi rằng vụ thảm sát Huế không phải là một hành động tự phát của sự quá đáng mà là một thực hiện tàn nhẫn của
chính sách cộng sản Bắc Việt.
Báo cáo về các cuộc tàn sát và sự hiện hữu của tòa án nhân dân được nhiều nhân chứng tường thuật (Robbins 2010, 198;
Vennema 1976, 94) Trong một báo cáo, Phan Văn Tuấn, lúc đó 16 tuổi, bị bắt bởi VC và bị ra lệnh đào mồ chôn sống một
số nạn nhân. Ông mô tả kinh nghiệm của mình trong một cuộc phỏng vấn (Vimeo 2008). Trong một báo cáo khác, bà
Nguyễn Thị Thái Hòa kể lại chuyện bà chứng kiến Hoàng Phủ Ngọc Phan, em trai của Hoàng Phủ Ngọc Tường, giết tàn
nhẫn anh bà (DLB 2013). Bà cũng mô tả vụ Nguyễn thị Đoan Trinh sát hại các nạn nhân vô tội. Theo nhiều nguồn tin, một
tòa án ngoài trời được chủ trì bởi Hoàng Phủ Ngọc Tường tại trường Gia Hội ở Quận II, là một quan tòa để ra án tử hình
cho 203 người (Vennema 1976, 94). Một người, Nguyễn Đắc Xuân, cũng tham gia vào việc giết các nạn nhân vô tội.
Tường, Phan, Đoan Trinh, và Xuân là phần một lực lượng chính trị được tổ chức trong lúc Cộng sản chiếm đóng tạm thời
một phần của Huế. Lực lượng chính trị này được gọi là Liên minh Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình (Chính 1998, 131-132).
Một số nạn nhân bị bắn tàn nhẫn, đôi khi với tội phạm tầm thường (Vennema 1976, 94). Tòa án tại Gia Hội được biết bởi
các cư dân địa phương, những người ẩn núp sau khi ra tòa lần đầu và sau đó sống sót, hoặc trốn thoát (sđd.). Sau phiên
toà này, toàn bộ trường học cuối cùng mang lại 203 thi thể của các thanh niên trẻ, những người đàn ông lớn tuổi, và phụ nữ
(sđd.). Cũng nên lưu ý rằng Gia Hội không phải là nơi duy nhất mà một tòa án được tổ chức. Các cuộc xử tòa ngoài trời
khác được thực hiện dưới danh nghĩa nhân dân và cách mạng, nơi mà lời tuyên án và bản án được những người không có
quyền hạn pháp luật đưa ra (sđd., 185). Thông thường, một cán bộ chủ trì làm quan tòa, và cũng là luật sư, công tố viên,
bồi thẩm đoàn, và người hành quyết (sđd.).
Trận chiến tại thành Huế:
Trận chiến tại Huế được các tác giả Mỹ mô tả rộng lớn. Các quy luật tham chiến mà không cho phép dùng không lực gây ra
rất nhiều phẫn nộ cho Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ (Nolan 1996, 140; Warr 1988, 100-102, 123, 125). Hỗ trợ máy bay
không được cung cấp cho đến sau này trong trận (Warr 1988, 153)