RSF mở Chiến dịch Hỗ trợ Tự do mạngChiến Dịch Hỗ trợ Tự Do Mạng của Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF)
Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) hôm 12 tháng 3 đã phát động một chiến dịch mới có tên là ‘Chiến dịch Hỗ trợ Tự Do’. Trong chiến dịch này, RSF đã chọn ra 9 trang mạng trên thế giới đang bị các chính phủ một số nước chặn để tạo các trang mạng ảo và đặt vào máy chủ của các công ty cung cấp dịch vụ mạng lớn như Google, Amazon, Microsoft. Với cách làm này, RSF hy vọng chính phủ các nước được coi là kẻ thù của internet theo báo cáo hàng năm của tổ chức này sẽ khó có thể tìm cách chặn được các trang mạng bị kiểm duyệt vì sẽ gây tổn phí lớn về kinh tế và chính trị. Nhân dịp này, Việt Hà phỏng vấn ông Benjamin Ismal, phụ trách khu vực chấu Á Thái Bình Dương của RSF về chiến dịch này. Trước hết nói về mục đích và thời gian tiến hành chiến dịch mới, ông Benjamin Ismal cho biết:
Benjamin Ismal: Ý tưởng mới lấy cảm hứng từ một nhóm có tên là greatfire.org. Họ là những nhà hoạt động xã hội ẩn danh ở Trung Quốc. Trong nhiều năm họ đã áp dụng phương pháp trang mạng ảo, tức là tạo một trang mạng ảo đặt ở một địa chỉ URL khác. Họ cho người đọc địa chỉ của website để có thể liên lạc. Giới hạn của kỹ thuật này là khi bạn thông báo địa chỉ thì giới chức chính quyền cũng biết và họ có thể nhanh chóng chặn website này và thế là bắt đầu một cuộc chơi mèo đuổi chuột.
Cho nên cải thiện mới là tạo trang mạng ảo và đặt vào một địa chỉ an toàn, đó là mục tiêu đặt ra của chương trình hỗ trợ tự do. Chúng tôi gọi là hỗ trợ vì chúng tôi sử dụng các công ty lớn như Microsoft, Amazon, Google là những công ty có dịch vụ máy chủ cho các công ty tư nhân. Bằng cách đặt trang mạng ảo ví dụ như Dân Làm Báo của Việt nam vào dịch vụ này thì chúng tôi có thể bảo vệ được trang mạng vì giao thức (protocol) sử dụng STPS có nghĩa là an toàn. Nếu bạn cố gắng hình tượng máy chủ như một căn nhà, bạn chỉ cần lấy một phòng trong nhà và đặt trang mạng vào phòng đó. Vì mã hóa của máy chủ, giới chức chính quyền sẽ không thể biết được phòng nào là nơi có trang mạng. Nếu họ muốn chặn trang mạng họ phải chặn cửa chính của căn nhà tức là toàn bộ dịch vụ và điều này sẽ gây tổn phí lớn về kinh tế chính trị vì nó gây hại cho rất nhiều hoạt động của lĩnh vực tự nhân, và tạo sự phản đối của các doanh nghiệp là những người không có liên quan gì đến cuộc chiến này. Chúng tôi đã chọn ra 9 trang mạng trên thế giới và đặt các trang mạng này trong vài tháng.
Chúng tôi chịu chi phí vì đây là dịch vụ phải trả tiền. Càng nhiều người vào trang mạng thì càng tốn nhiều tiền. Chúng tôi sẽ làm việc này lâu nhất có thể, hy vọng là khoảng 1 năm. Cùng thời gian đó chúng tôi cũng sẽ tìm giải pháp tài chính để duy trì các trang web này trong lâu dài. Với các công ty truyền thông lớn thì chúng tôi có thể yêu cầu họ tự trả tiền dịch vụ, còn các trang web và blog nhỏ thì chúng tôi sẽ tìm kiếm người tài trợ để duy trì hoạt động.
Việt Hà: Trên thế giới có rất nhiều trang mạng đang bị kiểm duyệt, bị chặn, tại sao RSF chỉ chọn 9 trang mạng này, RSF có ý định mở rộng danh sách hay không và nếu không tìm được đủ nguồn tài trợ thì các ông có kế hoạch dự phòng nào?
Benjamin Ismal: Danh sách các trang web, hay blog bị kiểm duyệt, và chặn là rất dài. Có nhiều tài khoản của blog, twitter có thể được mở được nhờ dịch vụ này. Nhưng nếu như vậy thì sẽ rất tốn tiền và chúng tôi không thể làm hết. Tôi nghĩ là chúng tôi sẽ luôn tìm ra được những giải pháp cho các trang nhỏ cần được sự trợ giúp. Chúng tôi đã trợ giúp rất nhiều công ty truyền thông trong quá khứ và sẽ tiếp tục làm như vậy. Chúng tôi sẽ kêu gọi sự trợ giúp từ khu vực tư nhân và quốc tế. Vì những trang web này nhờ kỹ thuật mới có thể được mở được ra với mọi người trong nước, chúng tôi hy vọng là một số nhà quảng cáo không chịu sức ép từ chính phủ có thể đặt quảng cáo vào website để tạo thu nhập và từ đó giúp duy trì trang mạng.
Việt Hà: Cũng có ý kiến đánh giá rằng ý tưởng của chiến dịch là rất hay nhưng họ e ngại về hiệu quả của chiến dịch vì chính phủ những nước muốn ngăn chặn tự do internet sẽ luôn tìm được các giải pháp để đối phó như trước đây họ đã sử dụng bức tường lửa để ngăn chặn thông tin internet chẳng hạn. Các ông đã có giải pháp nào để chuẩn bị cho tình huống này?
Benjamin Ismal: Họ rất có thể sẽ tìm ra giải pháp, nhưng vào lúc này thì chưa. Các trang mạng được đặt ở các máy chủ này an toàn và họ chỉ có thể chặn trang mạng bằng cách chặn toàn bộ hệ thống. Cho nên đến khi họ tìm ra cách, tìm được cách giải mã thì việc chặn là không thể. Ngoài ra khi họ tìm ra giải pháp để chặn, thì chúng tôi cũng sẽ tiếp tục chơi trò mèo đuổi chuột. Chỉ trong một phút, chúng tôi có thể tạo ra một trang web ảo khác ngay khi được biết là trang trước bị chặn. Chúng tôi cũng cân nhắc khả năng làm tăng khả năng của máy chủ chấp nhận các yêu cầu, và do đó chống được những vụ tấn công làm tràn ngập dữ liệu điển hình.
Ý tưởng của chiến dịch này không phải là để chứng minh là chúng tôi đã tìm cách mở được các trang mạng 100%, nhưng để tạo ra một sự hiểu biết trong cộng đồng của các nhà hoạt động xã hội và xã hội dân sự, những người muốn đưa thông tin đến công chúng. Đó là một chiến dịch tăng hiểu biết trên toàn cầu. Bằng chiến dịch này, chúng tôi cũng muốn đặt các công ty lớn như Microsoft, Amazon… vào cuộc chiến. Có thể họ muốn tránh tham gia, nhưng nếu ví dụ chính phủ Việt Nam gây khó khăn cho họ bằng cách liên hệ với Amazon và yêu cầu họ bỏ Dân Làm Báo nếu không sẽ phải chịu hậu quả thì chúng tôi sẽ biết là liệu công ty có đồng ý với chính phủ hay không.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn
Theo RFA