40 năm nhìn lại Chiến dịch Di tản trẻ em năm 1975 Bài thi viết "Cộng sản & Tôi"Dẫn nhập: Bối cảnh Chiến dịch Di tản trẻ emBốn mươi năm về trước, trong những ngày của tháng tư 1975 hỗn loạn trước cuộc xâm lăng của Cộng sản Bắc Việt, tại Sài
Gòn, những cuộc di tản các em mồ côi khỏi Việt Nam được thực hiện khẩn cấp chỉ diễn ra trong vòng 3 tuần lễ qua Chương
trình mang tên “Operation Babylift” (tạm dịch “Chiến dịch Di tản trẻ em”) do tổng thống Hoa Kỳ Gerald Ford ký ban hành.
Ngày 04/4/1975, một chiếc Lockheed C-5A Galaxy chở hơn 300 trẻ em và người lớn C-5A bắt đầu rời đường băng Tân Sơn
Nhất. Cất cánh khoảng 67 phút, chiếc C-5A bốc cháy sau tiếng nổ to ở cửa sau. Phi hành đoàn buộc phải quay lại Tân Sơn
Nhất. Khi cách Sài Gòn khoảng 16 km, C-5A rơi, lướt đập vào bờ kè và gần như vỡ vụn! Chỉ 170 người lớn và trẻ em sống sót
với nhiều thương tích.
Dầu vậy, do tình hình chiến sự quá căng thẳng, chiến dịch di tản vẫn tiếp tục.
Trả lời phỏng vấn của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 11/6/2010, nhà văn Dana Sachs, tác giả quyển “The Life We Were
Given’ (Cuộc đời được ban tặng) phát biểu: “Tôi nghĩ động cơ về việc thực hiện chiến dịch đưa trẻ em ra khỏi nơi nguy hiểm là
rất nhân bản và tự nhiên, khi chúng ta nhìn những bức hình trẻ em trong những hoàn cảnh khó khăn thì chúng ta đều muốn giúp
các em. Nhưng vấn đề ở đây là chiến dịch babylift được thực hiện trong một giai đoạn vô cùng hỗn loạn.”
Dana Sachs sau đó nêu lên vấn nạn xã hội mà ai nấy cũng đều quan tâm: “Cùng với những sự hoang mang, sợ hãi, đã có nhiều
sai sót xảy ra mà sau này không thể sửa chữa được khi mà trẻ em đã được đưa khỏi Việt Nam và trao cho các gia đình nhận
nuôi. Không hề có nỗ lực nào để tìm hiểu xem những đứa trẻ đó có còn cha mẹ ở Việt Nam hay không, những người có thể
muốn nhận lại con họ sau này, và vấn đề trở nên rất phức tạp.”
Hai đứa con trai chúng tôi, một đứa bấy giờ tròn 7 tuổi, một đứa 4 tuổi, cũng đã rời khỏi Việt Nam vào thời điểm ấy, chính xác là
ngày 26/4/1975, trên chuyến bay cuối cùng của Operation Babylift - Chương trình Di tản trẻ em ra khỏi Việt Nam vào những giờ
phút căng thẳng nhất của Miền Nam Việt Nam trước cuộc xâm lăng của CS Bắc Việt.
Việc hai đứa con chúng tôi ra đi, trách nhiệm thuộc về chúng tôi, tuy rằng mọi sự do chồng tôi quyết định vào giờ phút cuối vì
bấn loạn tinh thần. Không hề có ý định cho biến cố này, chúng tôi không chuẩn bị cho con mình mang theo bất kỳ hành trang
nào, kể cả giấy tờ tùy thân hay dấu hiệu nhận dạng. Đó là nỗi đau lớn của tôi, một người mẹ đã để những hòn máu yêu của
chính mình vuột khỏi vòng tay mình.
Đã 40 năm rồi, có lẽ tôi không nên nhắc lại Chiến dịch Di tản trẻ em (Operation Babylift) đầy nước mắt đối với tôi, kéo dài ròng
rã 15-16 năm trời. Nhưng, báo chí, nhất là báo chí CSVN không ngừng khai thác biến cố đau thương đã qua để xuyên tạc,
khích động hận thù, tôi không thể không lên tiếng trong tư cách nhân chứng trực tiếp về Chiến dịch ấy.
I. Xót thương người kém may mắnNhư tác giả quyển The Life Were Given trình bày trong phần Dẫn nhập cuốn sách của bà, việc di tản trẻ em Việt Nam ra khỏi
vùng lửa đạn không hề là chuyện mới mẻ đối với Hoa Kỳ. Nước Mỹ đã trải qua không ít những lần giúp di tản và đón nhận trẻ
em từ nhiều quốc gia do chiến tranh.
Vào thời Phát xít Đức tàn sát người Do Thái (Holocaust), nước Mỹ đã từng đón nhận hàng ngàn trẻ em Do Thái lưu lạc.
Trong cuộc nổi dậy của Fidel Castro tại Cuba để áp đặt chế độ Cộng sản toàn trị, hàng ngàn trẻ em rơi vào cảnh bơ vơ cũng
đã buộc Chính quyền Hoa Kỳ giang tay đón nhận các em.
Năm 1970 nước Nigeria (Phi châu) có tới 5 ngàn trẻ em thuộc bộ tộc Biafran phải rời bỏ quê mẹ của chúng.
Có điều là những trẻ em Cu Ba lẫn trẻ em Nigeria đều được nhanh chóng đón nhận trở về quê hương của mình. Riêng tại
Nigeria, nhà lãnh đạo quốc gia Phi Châu này đã niềm nở chào mừng các đứa trẻ trở về bằng lời chào thân thiện: “Các cháu lìa
bỏ quê hương mình đâu phải là do lỗi của các cháu. Chúng tôi rất, rất sung sướng thấy các em trở về đây với chúng tôi”[1].
Phải chăng, nhà lãnh đạo của nước Phi châu nói trên ngầm ý tự thú rằng, lỗi thuộc về chiến tranh và cũng thuộc về kẻ thắng trận
đang cầm đầu đất nước Nigeria lúc bấy giờ?
Nhà cầm quyền Cộng sản có cách hành xử như vậy không với người bị thua trận cùng gia đình và con cái của những kẻ bất
hạnh?
Hơn nữa, nếu con số hơn 3 ngàn các em bé, con cái “ngụy quân, ngụy quyền”, các trẻ mồ côi, các trẻ lai Mỹ không được di tản
vào thời điểm đó để vẫn ở lại tại Việt Nam, thì liệu các em có được yên ổn hòa mình vào dòng chảy cuộc sống trên đất nước
mình như mọi trẻ em Việt Nam khác không?
Trở về với bối cảnh xã hội sau 30/4/1975, ai đoán biết chắc chắn số phận người dân Miền Nam Việt Nam sẽ đi về đâu, thân
phận các trẻ mồ côi, các con lai và con cái của “ngụy” sẽ về đâu? Trong khi đó rõ ràng suốt thời gian dài ít ra là 20 năm, kể từ
thời điểm ấy đến năm 1995, các trẻ lai và con cái “ngụy quân, ngụy quyền” đều kể như là đồng dạng, đồng hình và đồng số
phận với "Em Bé Lên Sáu Tuổi" mà nhà thơ Hoàng Cầm đã mô tả sinh động trên Nhân Văn Giai Phẩm 1956 tại Miền Bắc xhcn.
Em bé lên sáu tuổiEm bé lên sáu tuổi
Lủi thủi tìm miếng ăn.
Bố: cường hào nợ máu
Đã trả trước nông dân.
Mẹ bỏ con lay lắt
Đi tuột vào Nam...
Chân tay như cái que
Bụng phình lại ngẳng cổ,
Mắt tròn đỏ hoe hoe
Đảo nhìn đời bỡ ngỡ:
"Lạy bà, xin bát cháo,
"Cháu miếng cơm, thầy ơi!"
Nó là con địa chủ
Bé bỏng đã biết gì
Hôm em cho bát cháo
Chịu ba ngày hỏi truy (= tra khảo)
Chị phải đình công tác
Vì câu chuyện trên kia
Buồng tối lạnh đêm khuya
Thắp đèn lên kiểm thảo (= viết kiểm điểm)
....
Nào "liên quan phản động"
"Mất cảnh giác lập trường"...
Em bé 6 tuổi (hồi năm 1956), cha bị diệt (giết chết) vì là “địa chủ cường hào”, mẹ trốn vào Nam, còn lại một mình “Chân tay
như cái que/ Bụng phình lại ngẳng cổ” đói rách cùng cực, xin ăn, chẳng ai dám cho, trừ một cô công nhân lén “cho bát cháo”.
Cô bị kiểm điểm tội "liên quan phản động/ Mất cảnh giác lập trường"... và rồi mất việc! Ghê gớm chưa?
A. vài mẫu truyện về trẻ di tản
Xin phép tóm lược vài câu truyện liên quan tới một số trẻ di tản 1975 mà Dana Sachs đã thuật lại trong cuốn The Life We Were
Given của bà, đại khái như sau.
1) Bảy đứa con di tản.
Truyện kể về bà Đoàn Thị Hoàng Anh, một bà mẹ 32 tuổi hồi năm 1975, có tới 7 đứa con vất vào Trụ sở Hội FCVN tại Sài Gòn
khi bà di tản từ Cao Nguyên Trung Phần vào thành phố này.
Theo lời kể của bà Anh, chồng bà bị quân cộng sản giết chết, để lại cho bà 7 đứa con phải chăm sóc. Khi quân cộng sản tiến
chiếm Cao Nguyên vào Tháng Ba 1975, bà cùng dòng người tị nạn chạy trốn khỏi Cao Nguyên. Bà Anh vất vả mang theo 7
đứa con cùng ít hành trang cần thiết. Trên đường trốn chạy, có lúc bà đã phải dùng nước miếng của mình cho đứa bé trai mút
vì nó có nguy cơ chết khát.
Tới Sài Gòn, bà Hoàng Anh lúng túng chẳng biết tìm đâu nơi nương tựa cho bản thân và cho 7 đứa con mọn. Nghe nói tại Sài
Gòn có một Hội thiện nguyện tên là Hội Bạn Thiếu Nhi Việt Nam - Friends of Children of Viet Nam (FCVN), và rằng, Hội này có
thể đưa trẻ em Việt Nam ra nước ngoài an toàn, bà mang hết 7 đứa con của mình tới Trụ sở Hội FCVN, chen lấn với đám đông
hỗn loạn trước cổng trụ sở. Bà may mắn gặp một thanh niên người Mỹ tên Ross Meador, đồng Giám đốc hải ngoại của FCVN
cùng bà Cherie Clark. Người thanh niên Mỹ tuổi trẻ, nhưng bầu nhiệt huyết cao, nhất là đối với trẻ em VN nạn nhân chiến tranh.
Cậu động lòng từ tâm trước sự van xin khẩn thiết của bà Hoàng Anh, nên chấp nhận cho cả 7 đứa trẻ được đi Mỹ.
Theo lời bà Hoàng Anh do tác giả Dana Sachs thuật lại, khi Ross Meador yêu cầu bà Hoàng Anh ký tên đồng thuận cho Hội
FCVN quyết định đưa 7 đứa con bà vào “diện” con nuôi khi tới Mỹ, bà Anh từ chối (?) Bà nói đứa gái lớn của bà sẽ chịu trách
nhiệm lo cho các em của nó (?) trong vòng hai năm, bà sẽ tìm cách đi Mỹ sau đó (?) Thế là cả 7 đứa bé rời khỏi Việt Nam trên
chuyến bay ngày 26/4/1975. (Cùng ngày và cùng chuyến bay với 2 đứa con trai của tôi).
Ở đây xin mở dấu ngoặc về sự từ chối của bà Hoàng Anh. Nếu vào lúc dầu sôi lửa bỏng mà bà mẹ gửi con cho người ta lại
bảo có đứa gái lớn “sẽ chịu trách nhiệm lo cho các em nó trong vòng hai năm”, có lẽ không cơ quan thiện nguyện nào dám
chấp nhận. Đâu có gì bảo đảm việc đứa lớn sẽ lo cho 6 đứa em nó ở một nơi hoàn toàn xa lạ? Mặt khác, bà Hoàng Anh lấy gì
bảo đảm sẽ đi Mỹ được ngay sau khi 7 đứa con bà đã đi, trong lúc chiến cuộc leo thang từng giờ và định mệnh thì vô cùng
nghiệt ngã?
Đến tháng 8/1975, bà Đoàn Thị Hoàng Anh tới được Hoa Kỳ. Tháng 9/1975, sau khi ổn định được chỗ định cư ở Mỹ, bà Hoàng
Anh nhờ Hội Hồng Thập Tự Mỹ giúp tìm 7 đứa con bà để đưa về đoàn tụ với bà. Chỉ trong vài ngày, ngày 28/9/1975, bà Hoàng
Anh được xum họp với 4 trong số 7 đứa con của bà do một thành viên trong Hội FCVN ở Denver (Colorado) nuôi dưỡng và
hoàn lại cho bà. Vừa gặp bà, chúng hớn hở reo mừng: “Má! Má!”
Đứa con trai út của bà Anh tên là Đoàn Văn Bình thì do ông bà Johnny và Bonnie Nelson bảo dưỡng tại Tiểu bang Iowa. Ông
bà Nelson không tin bà Hoàng Anh là mẹ ruột của cháu Đoàn Văn Bình, nên từ chối hoàn trả đứa bé theo yêu cầu của bà. Bà
Hoàng Anh đệ đơn kiện lên Tòa Án Tiểu bang Iowa. Bà thua kiện ở Tòa sơ thẩm. Nhưng 6 tháng sau, ngày 06/02/1976, Tòa
phúc thẩm phán quyết cho bà Hoàng Anh quyền nhận lại đứa con.
Điều đáng chú ý ở đây là lời nhận định của ông Chánh án Tòa Thượng thẩm Iowa trong phiên phúc xử. Ông tuyên bố: “Chúng
tôi hoàn toàn không thấy việc bà Hoàng Anh giao con mình cho Hội FCVN làm sao lại được diễn dịch là một dấu chỉ rằng bà ấy
bỏ con. Trái lại, việc bà kiên định tìm kiếm chúng trên xứ sở này xác quyết rằng bà tỏ rõ tâm ý chu toàn trách nhiệm và bổn
phận làm cha làm mẹ của mình” [2].
Còn lại 2 cháu khác, theo Dana Sachs, về sau bà Hoàng Anh biết được một trong hai đứa con này do một gia đình người Pháp
nuôi dưỡng nhưng bà không tiếp cận được với gia đình này. Không rõ kết quả cuối cùng ra sao.
Dù sao, trong 7 đứa con thất lạc, bà mẹ nhận về cho mình 5 đứa với thời gian chưa tới một năm từ ngày xa cách thì cũng đã là
niềm an ủi lớn!
Thú thật, nếu tôi ở vào hoàn cảnh của bà Hoàng Anh trên đây, tôi sẽ hết lòng đội ơn anh Ross Meador, bà Cherie Clark, Hội
FCVN cùng tất cả những ai góp tay cứu sống và nuôi dưỡng con mình. Giả sử mỗi mình bà (như bà kể) với hai bàn tay trắng
cứ nặng gánh một lúc 7 đứa con, chơi vơi giữa đô thị Sài Gòn vào những giờ thành phố này đang lên cơn hấp hối, bà sẽ xoay
trở làm sao? Có cứu được mình và cứu được trọn vẹn 7 đứa con của bà không?
2) Cha mẹ nuôi trì hoãn trả con cho mẹ ruột
Một bà mẹ Việt Nam khác tên Dương Bích Vân tại Tiểu bang Michigan đã đệ đơn lên Tòa án đòi quyền nhận lại đứa con trai bà
rời Việt Nam theo Chiến dịch Di tản Trẻ em. Quan Tòa lúc bấy giờ đặc biệt tập chú vào vấn đề quyền lợi cao nhất của đứa trẻ.
Bà Bích Vân nói khi rời bỏ con mình, bà đã không hề ký một giấy tờ nào về đứa bé. Khi đến được Mỹ, bà mẹ biết con mình
đang ở đâu do ai nuôi. Bà kêu cứu để được giúp đưa con bà về với bà. Nhưng gia đình cha mẹ nuôi đứa bé nghe theo lời
khuyên của luật sư đã cố tình trì hoãn việc hoàn trả đứa bé với mục đích làm nản lòng người mẹ muốn đòi con.
Sau gần trọn một năm dằn co, đến tháng 6/1976, vụ kiện ngã ngũ. Tòa nêu lên câu hỏi: “Ai mới thật sự quan tâm tới đứa trẻ
trong vụ này?” Nếu gia đình cha mẹ nuôi thật sự có lòng quan tâm tới quyền lợi cao nhất của đứa bé, thì tại sao họ không mau
chóng đến tòa giúp kết thúc vụ kiện mà lại cố tình trì hoãn lâu dài? Do đó, tòa quyết định cho bà mẹ ruột đứa bé được quyền
nhận lại con mình (trang 201-202).
3) Mẹ ruột chấp nhận thử thách
Vị quan tòa ở Tiểu bang California đã có một quyết định đầy sáng suốt đối với quyền nuôi dưỡng đứa con trai thất lạc hồi 8 tuổi
tên “Tuấn Anh” như sau:
Tuấn Anh là tên của đứa bé con lai Mỹ của người thiếu phụ tên Lê Thị Sang. Bà Sang vốn là người làm công cho cặp vợ chồng
William và Elizabeth Knight đang công tác tại Việt Nam. Vào những ngày cuối cuộc chiến (1975), bà Sang sợ Cộng sản ám hại
con mình, đã giao nó cho ông bà Knight, nhờ đưa đi Mỹ. Di tản đến Hoa Kỳ, cháu Tuấn Anh được ông bà Knight nuôi dưỡng và
đã đặt tên cho nó là Dean - Dean Knight.
Vào lúc đứa con trai bà Sang di tản thì bà Sang cũng thoát khỏi Việt Nam để đi đến Hoa Kỳ. Ở đây, bà Sang tìm được nơi cư
trú của ông Knight. Bà yêu cầu hoàn trả đứa bé lại cho bà. Ông bà Knight từ chối với lý do đứa bé đã được bà Sang “mang
cho” để làm con nuôi và hiện nó đang hưởng cuộc sống mới tốt đẹp. Bà Sang không đồng ý, đã đệ đơn khởi kiện.
Vụ án kéo dài 20 tháng - thời gian dài đủ cho đứa bé khăng khít với cha mẹ nuôi của nó. Nó không còn nhớ gì về Việt Nam và
cũng chẳng cần biết tới Việt Nam. Quan tòa tự đặt cho mình câu hỏi: “Liệu việc trả đứa bé về cho mẹ ruột nó có gây nguy hại
gì cho bản thân nó không?” Và rồi ông quyết định: Giao đứa bé cho mẹ đẻ trong vòng ba tháng. Nếu sau ba tháng, bà Sang
chứng minh con bà thật sự yêu thương mẹ ruột, thì nó sẽ được hoàn trả cho mẹ ruột.
Bà mẹ đã phải lao tâm khổ tứ biết bao để lập lại tình mẹ-con giữa bà và cháu Tuấn Anh dù rằng bà không khỏi trải qua một số
chướng ngại. Chẳng hạn, không ít lần thằng bé nổi cơn, đòi “mét” quan tòa và đòi chạy về với cha mẹ nuôi. Nhưng nhờ kiên
nhẫn, nhờ thể hiện tình mẫu tử của mẹ đối với con và cũng nhờ đứa bé nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới, cháu Tuấn
Anh bắt đầu gọi “Má” thân thương và gắn bó với mẹ mình. (Trang 202-203).
4) Mẹ con đoàn viên tại Việt Nam
Mẩu truyện cuối cùng kể về một bé gái 7 tuổi tên là Hồ Thị Ngọc Anh được mẹ đẻ là bà Hồ Thị Hân (Hán?) từ Đà Nẵng đưa vào
Vũng Tàu khi bà chạy loạn vào những ngày cuối tháng 4/1975. Tại đây, bà mẹ chấp nhận để con gái lai Mỹ của mình ra khỏi
nước trên một chiếc tàu mỏng manh. Còn chính bà và những đứa con khác của bà (không lai) trở về Đà Nẵng.
Cháu Ngọc Anh được đưa tới Mỹ và được xếp vào một cô nhi viện tạm thời ở Philadelphia (Pennsylvania). Hình ảnh cháu Ngọc
Anh sau đó được đưa lên truyền hình Mỹ. Một gia đình Mỹ gốc Do Thái (ông bà Syd và Norm Gelbwaks) từ Connecticut lái xe ô
tô đến Philadelphia xin nhận cháu Ngọc Anh làm con nuôi. Vì quen với bầu khí cô nhi viện, ban đầu cháu Ngọc Anh phản ứng
bằng cách la khóc, tránh xa gia đình này. Nhưng cuối cùng, cháu bé đã chịu đi cùng gia đình về Connecticut. Điều đáng nói ở
đây là người mẹ đẻ của cháu Ngọc Anh vẫn còn ở lại Việt Nam (trang 192-196).
Tới cuối quyển sách (trang 225), tác giả cho biết sau 30 năm lưu lạc, người mẹ ở Việt Nam không ngừng tìm kiếm con. Trên
đường phố Đà Nẵng, gặp bất kỳ người du khách Mỹ nào, bà Hân (hay Hàn) cũng hỏi về con mình. Thế rồi bà may mắn gặp
được một viên chức của Hội Hồng Thập Tự Hoa Kỳ. Người này về Mỹ, tìm được tông tích Ngọc Anh (nay đã có chồng con).
Nhờ một bức hình cũ, Ngọc Anh nhận ra mình lúc còn thơ bé trong vòng tay của mẹ. Ngọc Anh thu xếp cùng chồng và cả bà
mẹ nuôi đi về Việt Nam. Nhiều kỷ niệm thuở thiếu thời trở về với ký ức Ngọc Anh. Dù ngôn ngữ là rào cản, nhưng nó không cản
trở được tình mẹ-con.
Dana Sachs kết thúc câu chuyện bằng những lời minh họa cảm động như sau:
Anh [tức Ngọc Anh] nói: “Dầu tôi chẳng hiểu mẹ tôi nói gì, [giữa mẹ-con chúng tôi] vẫn có sự liên kết và gần gũi. Mẹ tôi luôn
luôn nói ‘Mẹ thương con’. Dầu rằng người em trai một mẹ khác cha của tôi không có mặt ở đó để phiên dịch và dù chúng tôi
không ai hiểu ai, mẹ tôi vẫn nắm lấy tay tôi’. Giống như trong cuộc hỗn loạn của những ngày cuối cuộc chiến thảm khốc ấy,
người mẹ đau khổ đã siết chặt hai bàn tay con gái mình trong tay mình, rồi nâng nó để nó tự tìm đường vươn ra thế giới như
một con chim non. Giờ thì sau những năm mỏi mòn, bà mẹ lại nâng lấy tay con mình, kéo đứa con trở về phía mình với mình”
[3].
Lời kết của mẩu truyện trên đây được chính Dana Sachs dùng để kết thúc cuốn sách The Life We Were Given của bà.
Tâm trạng cá nhân tôi cũng na ná tâm trạng các bà mẹ trên đây. Và tôi tin là các con tôi cũng thấu hiểu lòng tôi như cô Ngọc
Anh hiểu được nỗi lòng mẹ mình qua cái siết chặt tay giữa hai mẹ con với nhau.
B. Những nỗ lực kiếm tìm
1) Mẹ nuôi quyết tìm mẹ ruột của đứa con nuôi.
Có người cho rằng cha mẹ nuôi của các trẻ di tản Việt Nam chẳng những không tận tình dưỡng dục các em, mà còn tìm cách
ngăn cản cha mẹ ruột đoàn tụ với con cái mình. Quả đã có tình trạng na ná như vậy, nhưng chỉ trong ít trường hợp riêng lẻ cá
biệt. Kẻ xấu thì lúc nào cũng lợi dụng cơ hội, bé xé to, nhất là cho mục đích tuyên truyền, như đã chứng minh trên.
Ở đây, xin nêu ra một bằng chứng nữa về cách hành xử của cha mẹ nuôi người Mỹ có lương tâm và có tấm lòng nhân đạo thật
sự đối với con nuôi của mình cũng như với mẹ đẻ của đứa bé. Đó ông bà Paul và Cheryl Markson, Tổng Giám đốc Điều hành
Hội FCVN tại Hoa Kỳ.
Ngoài nhiệm vụ đối với FCVN, ông bà Markson cũng nuôi một số trẻ em nạn nhân chiến tranh Việt Nam như ông bà Clark.
Trong số các trẻ do ông bà Markson nhận nuôi, có một cháu gái mà bà Cheryl Markson biết chắc chắn nó còn mẹ. Người mẹ
ruột khốn khổ của nó sống đâu đó tại Việt Nam.
Năm 1991, sau khi cung cấp tin tức về đứa con trai thất lạc thứ hai của tôi là cháu An, bà Cheryl có viết thư nhờ tôi tìm tin tức
về bà mẹ ruột của đứa bé mà bà đoán có thể đang lưu lạc ở vùng Châu Đốc, Rạch Giá.
Tiếc thay! Vào thời điểm đó, chúng tôi đang tất bật hoàn tất hồ sơ đi định cư theo chương trình (HO) cựu tù nhân chính trị. Mặt
khác, chồng tôi vẫn còn thuộc “diện quản chế” nên nhất cử nhất động của anh đều bị theo dõi. Dầu vậy, chúng tôi vẫn lặn lội đi
tới vùng Châu Đốc-Rạch Giá cho được, để tìm hỏi vài người và bỏ tiền đăng báo địa phương tìm trẻ lạc. Nhưng năm 1991,
năm mà bà Cheryl Markson nhờ chúng tôi đi tìm người mẹ ruột của đứa bé con nuôi, cũng là năm chúng tôi phải chạy lo thủ tục
xin đi tị nạn, thành thử tôi ân hận đã không làm tròn điều phải làm để bù đắp phần nào công ơn tôi được huởng từ tấm lòng
quảng đại của nhiều người, trong đó có ông bà Markson. Cuối năm ấy (1991) gia đình chúng tôi rời Việt Nam.
Không rõ sau này bà Cheryl Markson có tìm ra mẹ ruột của đứa bé để dựng lên cảnh đoàn tụ ấm cúng cho họ giống như
trường hợp của chúng tôi hay không. Dù sao, đối với tôi, việc làm đầy thiện chí của bà mẹ nuôi người Mỹ có tên Cheryl
Markson rõ ràng là một nghĩa cử mẫu mực về tình nhân loại rất đáng khâm phục.
2) Lời kêu cứu khẩn thiết.
Chuyện tìm con của tôi đã có hồi kết “có hậu” sau hơn 15 năm khắc khoải. Tôi nhận được hình ảnh tin tức cả hai đứa con trai
thất lạc của tôi, không phải trên đất Mỹ mà ngay khi còn ở Việt Nam, đứa lớn năm 1990, đứa nhỏ năm 1991. Đến cuối năm
1991, gia đình chúng tôi rời Việt Nam theo diện HO. Chính bà Debra Kasper mẹ nuôi cậu trai lớn của tôi bảo trợ gia đình chúng
tôi đến ngụ nhà bà tại thành phố New York. Cả hai đứa con tôi lúc bấy giờ đều có mặt tại phi trường JFK, New York, đón chúng
tôi. Đứa em, sau đó phải về với gia đình dưỡng phụ ở Boulder, Colorado để hành trang vào đại học.
Tuy nhiên, bên cạnh tôi, chung quanh tôi, cả trong giới người Việt cũng như trong mọi dân tộc khác, không hiếm gì những bi
kịch mẹ lạc mất con do hoàn cảnh này hay biến động khác. Thiên tai. Chiến tranh. Mâu thuẫn gia đình. Thù hằn cá nhân. Đói
rách. Cướp giật... Tất thảy đều có thể là nguyên nhân của những phân ly bất chợt đứt ruột xé gan!
Có những người mẹ bằng mọi giá quyết tìm lại cho được máu thịt đã chia lìa. Cũng có những bà mẹ cam phận bất lực do tình
cảnh khốn đốn về mặt an toàn cá nhân hay về phương diện tài chánh. Rồi năm năm, mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm
trôi đi lặng lẽ, bóng con cứ mãi biền biệt xa cách mẹ hiền! Nỗi dằn vặt đè nặng biết bao bà mẹ bạc phước... chờ mãi không
thấy con, và rồi nhắm mắt ra đi ôm theo nỗi đau xuống tuyền đài!
Là người mẹ có con thất lạc, tôi thật sự cảm nghiệm thế nào là nỗi đau lạc mất con, mà hàng ngàn lời kể, hàng chồng trang giấy
dày đặc câu-chữ cũng không sao tả cho hết.
Từ kinh nghiệm của người trong cuộc, tôi tha thiết khẩn khoản van nài tất cả các bậc dưỡng phụ, nghĩa mẫu, các nhà giám hộ
trẻ cô nhi hay trẻ lạc loài hãy vì lòng nhân đạo và sự quảng đại vô vị lợi của mình, bằng mọi nỗ lực có thể, giúp tìm cho ra cội
nguồn cha mẹ đẻ của những đứa trẻ vô phần bạc phúc, nối kết mẹ-con họ lại với nhau...
3) Ba Mươi Tám năm - chưa dứt kiếm tìm.
Năm 2013, tức 38 năm sau cuộc chiến Việt Nam, vẫn còn những cha mẹ rao tìm con cái hay con cái rao tìm cha mẹ một cách
tuyệt vọng, nhưng vẫn trông chờ “còn nước còn tát”. Điển hình, người ta đọc thấy trên internet (tháng 4/2013) lời rao bi thảm
của người cha tên Cao Anh Vân và người mẹ tên Nguyễn Thị Lan hiện định cư tại Westminster, CA, Hoa Kỳ quyết tìm con
mình là “Cao Thị Minh Phương, sinh năm 1964, thất lạc lúc 11 tuổi tại bến tàu căn cứ Chu Lai, tỉnh Quảng Tín vào Tháng Hai
năm 1975 khi gia đình di tản. Cháu lúc đó được gởi cho một người tên Minh giữ hộ trong khi gia đình lo bồng bế các đứa con
khác trong khi loạn lạc. Địa chỉ cha mẹ hiện nay: 13931 Newland St. #7, Westminster, CA 92683 USA.”
Còn đây lời rao của đứa con thất lạc rao tìm cha, cũng vào dịp tháng 4/2013: “Con gái là Bích, hiện ở Pháp, tìm cha: Tô văn
Giảng, trước 75 làm việc tại Air Việt Nam, văn phòng đặt tại số 116 Nguyễn Huệ, Sài Gòn. Ba ơi, có còn nhớ con không? Con
gái là Bích đây. Hồi những năm 70 -71, nhà mình ở Cư xá Nguyễn Hoàng, sang năm 72 thì dọn về Cư xá Lữ Gia Quận 11, Phú
Thọ. Hồi đó con còn nhỏ lắm, nhưng vẫn nhớ mỗi lần Ba về thăm đã bồng ẵm con và cho con nhiều đồ chơi, bánh kẹo. Từ
ngày 30/04/75 đến nay con không còn nhận được tin tức gì của Ba nữa, vậy được tin này mong Ba, nếu còn sống ở đâu đó
cho con được biết tin. Xin quý Cô Bác, anh chị em nào có biết chút tin tức gì cuả Ba tôi, dù rất mong manh cũng xin vui lòng
viết cho tôi vài hàng qua đ/c E -mail:
bichsg71@hotmail.fr”
Tôi thầm mong những người mẹ xấu số sẽ nhận được những lời an ủi ủy lạo của người xung quanh hơn là những lời dè bỉu mỉa
mai khoét sâu thêm vết thương lòng. Nhất là mong đừng ai vì động cơ chính trị hay tiền bạc mà làm cho việc tìm kiếm đứa bé
thất lạc đi tới chỗ bế tắc hoặc đào sâu hố ngăn cách giữa cha mẹ ruột với con cái hay với cha mẹ nuôi các cháu.