logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 29/04/2015 lúc 09:19:49(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Bốn mươi năm nhìn lại ngày 30 tháng 4 năm 1975
Bài thi viết "Cộng sản & Tôi"

Người Việt ở hai miền Nam Bắc đều chịu số phận đau thương là sự thống trị của chế độ Cộng Sản vô đạo và phi nhân, đã làm cạn kiệt sinh khí của đất nước bằng cách tiêu diệt tinh hoa dân tộc qua các cuộc đấu tố địa chủ mà thực chất là tiêu diệt tầng lớp có khả năng đóng góp cho sự phát triển kinh tế, giết hại các nhà cách mạng xã hội có lòng yêu nước, thương dân, có bản lĩnh và tài trí để xây dựng văn hóa, xã hội, chính trị sau khi Cộng Sản chiếm được miền Bắc. Những việc làm này được tái tục khi người Cộng Sản chiếm nốt phần còn lại của đất nước bằng các chiến dịch học tập cải tạo, đổi tiền, cải tạo công thương nghiệp tư bản, tư doanh, tiêu diệt tư sản mại bản, xây dựng vùng kinh tế mới, hợp tác xã nhà nước. Thêm vào đó, họ đã làm suy yếu vị thế chiến lược của Việt Nam ở vùng Đông Nam Á bằng việc dâng hiến những vùng đất chiến lược, hải phận to lớn, rất cần thiết cho sự trường tồn và phát triển của Việt Nam về mọi mặt sau này qua sự can tâm để Trung Cộng xâm chiếm Trường Sa và Hoàng Sa đã bao đời thuộc về đất nước chúng ta.


Tiếng máy bay trực thăng xình xịch xành xạch cứ khoảng mười lăm hay ba mươi phút một lần trên 12 bầu trời thật thấp của vùng Tân Định làm cho không khí hối hả của một cuộc tháo chạy càng tăng dần mức độ, cùng lúc chúng để lại một nỗi băn khoăn, lo lắng, cảm giác bất an, bị bỏ rơi cho số đông nhiều hơn bên dưới. Ngoài đường lúc này, ánh nắng chói chang và không khí nóng nực đến nghẹt thở từ những ngày tháng ba, khi dân từ các tỉnh cao nguyên và duyên hải trung phần lũ lượt kéo về Sài Gòn để lánh nạn Cộng Sản làm cho người ta có ảo giác rằng cái hơi nóng từ thân thể của bao con người Sài Gòn đang sốt vì lo lắng, cộng với cái hơi nóng từ đoàn người tị nạn mất niềm tin và phương hướng đã làm cho không khí Sài Gòn như thiêu như đốt đến độ không còn thở nổi. Làm sao thở nổi, khi cảnh một trại tiếp nhận dân tị nạn từ Buôn Mê Thuột cứ được chiếu đi chiếu lại hàng đêm, khi mà phóng viên phỏng vấn một cô gái trẻ với gương mặt đầy đặn, xinh xắn, đầy nét hồn nhiên về cảm nghĩ của mình sau khi đến trại tiếp nhận, thì thay cho câu trả lời là tiếng khóc tức tưởi, nghẹn ngào vì lạc người thân và ánh mắt hoảng loạn của con nai lạc bầy đã nói lên hết sự cô đơn và đau khổ của cô gái ấy?


Trường học toàn thành phố đã đóng cửa vài tuần sau vụ Nguyễn Thành Trung ném bom dinh Độc Lập, tuy vậy dòng xe cộ bên ngoài vẫn đông và có phần hối hả hơn trước vì người ta nhao nhao chạy đi mua gạo thóc, mắm muối để dự trữ cho những ngày sắp tới sẽ không còn họp chợ được, mua valise, xách tay để mang đồ dùng cá nhân cho một cuộc vượt thoát, một cuộc di tản, một cuộc tị nạn mà người dân không thể hình dung diện mạo của nó vào lúc này. Ngay cả những cái địu trẻ con bằng vải cũng bán chạy như tôm tươi cho các bà mẹ đang có con thơ nhỏ dại.


Tin tức chiến sự trên tờ nhật trình Chính Luận, một tờ báo có uy tín lúc bây giờ, không mang lại một hy vọng nào như thời kỳ mùa hè đỏ lửa năm 1972 cho người dân Sài Gòn khi theo sau sự triệt thoái cao nguyên là tin Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt lần lượt thất thủ. Sài Gòn nóng ran lên như một con bệnh đang lên cơn sốt mà chưa tìm ra thuốc chữa. Đêm đêm tiếng đại bác đì đùng từ xa vọng lại. Nhưng Sài Gòn có bao giờ nghe tiếng đại bác như thế từ sau Tết Mậu Thân 1968? Mặt trận đã lan dần tới Sài Gòn bằng những tín hiệu từ xa này? Dân Sài Gòn đã biết ăn mất ngon, ngủ mất yên, bắt đầu nghĩ đến một tương lai không tươi sáng như mong đợi sẽ đến rất gần. Trong những bữa cơm gia đình, người ta đã tự an ủi mình rằng dẫu gì thì cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn rồi sẽ chấm dứt, mọi người rồi sẽ bắt tay xây lại nhà Việt Nam, sẽ được đoàn tụ với người thân bên kia vĩ tuyến sau hơn hai mươi năm chia lìa.


Người dân Sài Gòn đã mất hầu hết niềm hy vọng vào một hòa bình có thể vãn hồi khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trần tình với người dân Sài Gòn qua màn ảnh truyền hình về tình trạng quân đội không được trang bị quân cụ và vũ khí do sự cắt dần viện trợ cho miền Nam trong nỗ lực ngăn ngừa sự xâm lăng của Cộng Sản miền Bắc. Sau đó, ông từ chức và giao quyền lại cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương. Bầu trời Sài Gòn những ngày sau đó vần vũ mây đen, sấm rền vang rung chuyển cả nhà cửa trong những cơn mưa xối xả, mịt mùng điên cuồng, như đánh dấu một sự chuyển đổi không mang lại một điều tốt đẹp nào cho người dân Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung.


Chẳng bao lâu sau khi từ chức, ông Thiệu và gia đình đã di tản khỏi Sài Gòn. Từ đó tin gia đinh ông Tướng này, ông Tá nọ đã ra đi cứ được truyền tải từ người này sang kẻ khác. Không ai bảo ai mà kế hoạch trốn chạy Cộng Sản được manh nha và thành hình trong nhiều gia đình có nguồn gốc di cư từ miền Bắc, có thân nhân tham gia quân đội, chính quyền miền Nam và có quan hệ làm việc với người Mỹ, những người đã quá sợ hãi sự tàn bạo của Cộng Sản vì đã chứng kiến kết quả của những hành động khủng bố của họ đối với dân tộc Việt ở cả hai miền Nam, Bắc trong mấy chục năm qua. Tuy nhiên, ngoài những người kể trên, đa số người miền Nam, không kể những người Cộng Sản được cài lại và những kẻ a tòng làm nội tuyến, đều muốn thoát khỏi bàn tay tàn bạo của Cộng Sản, bằng chứng là sau khi miền Nam bị rơi vào tay họ, dân Việt từ người giàu có đến kẻ nghèo hèn đều tìm mọi cách mình có để đào thoát ách cai trị Cộng Sản để mưu tìm một cuộc sống mới, hoàn toàn khác ở nước ngoài.


Những giờ hấp hối cuối cùng của Sài Gòn thật thảm thương với những ngôi nhà, công thự vô chủ bị phá toang cửa, đồ đạc từ nhỏ đến lớn đều bị những đám người xấu trong xã hội kéo vào thay nhau cướp phá, mang đi và thả vương vãi trên đường những đồ đạc hư hỏng, vỏ bọc, báo chí, tranh ảnh, dĩa nhựa và vô số những đồ vụn vặt không tên khác bị gió thổi tung lên những hàng rào hoặc rơi xuống những bờ cỏ, lối đi, cống rãnh trông thật nhớp nháp. Hỡi ơi, trong lúc mạng con người không biết còn giữ được không, thì sao lại có hạng người gieo thêm nỗi chán chường tột cùng cho một Sài Gòn vốn dĩ đã héo hon quá nhiều rồi! Không những thế, Sài Gòn những ngày này đã ôm vào lòng những núi quần áo lính, súng đạn cùng những thứ quân trang, quân dụng khác của người lính Cộng Hòa sa trận như người mẹ ôm vào lòng mình di vật cuối cùng của người con yêu dấu đã ngã gục giữa chiến trường lửa đạn.


Chuyện gì sẽ đến đã đến, Sài Gòn giờ không còn là chính mình nữa khi trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, người cầm đầu chính thể Việt Nam Cộng Hòa là Đại Tướng Dương Văn Minh đã chính thức giao trọn Sài Gòn và miền Nam cho đại diện của đội quân chiến thắng đã đem xe tăng nghiến đổ cánh cổng Dinh Độc Lập, hạ lá cờ vàng ba sọc đỏ để giương lên ngạo nghễ lá cờ hai màu xanh, đỏ với ngôi sao vàng chính giữa trên nóc tòa dinh thự này. Một cái chết đã đến mang theo tang lòng nặng trĩu, câm nín cho hầu hết nhân dân miền Nam và một cuộc sống mới vô định bắt đầu từ lúc lá cờ của Việt Nam Cộng Hòa không còn hiện diện trên bầu trời của phần đất này của đất nước. Cuộc sống mới đó sẽ như thế nào? Nhân dân miền Nam tự hỏi.


Người ta không một sớm một chiều mà biết được chân dung đích thực của một cuộc sống mới, nhưng những hình ảnh đầu tiên của nó ở Sài Gòn là những chiếc xe tăng mang lá cờ của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam chở đầy những anh lính Cộng Sản, mặt còn non chọet và đầy vẻ ngơ ngác, cầm súng ở tư thế thủ, diễu qua những đường phố chính của Sài Gòn như nói với người dân ở đây rằng từ rày trở đi họ mới chính là những chủ nhân ông thật sự của thành phố này, một thành phố mà họ không thể tưởng tượng ra được khi cả đời họ chỉ mang trong trí nhớ hình ảnh của những làng quê nghèo khổ, heo hút hay tốt hơn thế nhiều là một Hà Nội nhỏ bé, thiếu tiện nghi hơn Sài Gòn nhiều, nơi ấy cái không khí nặng nề, ngột ngạt không thể nào so sánh với cái không khí của Sài Gòn, trẻ trung, năng động và tràn đầy sức sống. Không biết trong lúc này, có mấy ai trong họ thắc mắc rằng ai đã từng là nô lệ của miền Nam, làm sao tìm gặp được những người nô lệ đó ở vùng đất mới mẻ và hào nhoáng này và họ sẽ tiếp tục làm gì để giải phóng những con người miền Nam này ra khỏi cuộc sống họ đang có, để đạt đến một cuộc sống không còn cảnh người bóc lột người, làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu của một xã hội thiên đường Cộng Sản? Có mấy ai đổ giọt lệ tiếc thương cho thân xác một người giàu cả tài, trí, và khả năng sáng tạo những giá trị vật chất ngã xuống con đường họ đi qua hay họ còn mải mê thâu tóm những tư trang quí giá của con người bất hạnh kia? Ngược lại, người dân Sài Gòn cũng tò mò muốn biết về những người hùng mới của thành phố. Cái đầu tiên đập vào mắt họ là những người bộ đội nam từ rừng sâu về, đa số là còn rất trẻ, những khuôn mặt da vàng ủng hoặc xanh mét, dấu tích của những cơn sốt rét hành hạ nhiều lần trong rừng theo cuộc Nam tiến, quần áo xanh lùng nhùng, nhăn nhúm, đầu đội nón cối, chân mang dép râu. Họ thường đi thành tốp, nói năng rất to, tiếng hô vang cả một khoảng đường. Các cô bộ đội thì ít khi thấy mặc đồ giống bọn đàn ông, mà phần nhiều là mặc áo bà ba hay áo sơ mi dài tay màu xanh tro và quần may bằng loại vải ú, những loại vải cứng còng, đen bạc màu chứ không mềm mại và đen huyền như loại sa tanh ở miền Nam và dĩ nhiên bộ quần áo đó cũng xốc xếch, nhàu nát không thua gì cánh đàn ông. Tóc của họ đa số thả lùng bùng, lủng lẳng chấm mông, được gài bằng một cái kẹp lớn ở giữa đám tóc ấy và có thêm hai kẹp cài hai bên mang tai. Khi họ đi thì mớ tóc nhùng nhằng ấy lại đánh qua đánh lại hai bên trông thật lạ. Những người thắng trận ấy với dáng vẻ lạ lùng chưa từng thấy ở Sài Gòn này, cái dáng vẻ của một thời kỳ nào đó thật xa xôi, xa xôi không định được, bởi vì hình ảnh cha mẹ, ông bà của người dân Sài Gòn mấy chục năm trước vẫn mang cốt cách trang trọng khi đứng ngồi hay ít ra cũng mang hình dáng tươm tất, gọn ghẽ của nghèo cho sạch, rách cho thơm. Họ như từ một thời đại xa xôi, từ một nơi chốn lạ lẫm nào về. Ngoài diện mạo hiếm hoi của họ, người ta còn thấy sự lạ lùng khi họ sử dụng xe đạp là đứng một chân trên bàn đạp, một chân kia đạp đất vài cái để lấy đà rồi mới phóng lên ngồi trên yên xe. Khi họ gặp người quen, thì cả hai bên dừng xe giữa đường và nói chuyện như chốn không người, xong lại phóng lên xe, đạp tiếp. Tiếp theo là sự xuất hiện không lâu sau đó của các cán bộ cao cấp mà người ta có thể thấy được là họ mặc áo sơ mi bằng vải trắng dầy và thô, nhăn nheo không ủi, cùng chiếc quần bộ đội màu lá cây úa và đôi dép râu đen và dầy cộm. Người ta có thể thấy được vẻ hãnh diện và thỏa mãn của họ trong những bức hình chụp trước cột đồng hồ đường Nguyễn Huệ hay trước cổng Thảo Cầm Viên Sài Gòn với cặp kiếng mát đen đặc, một tay đeo đồng hồ lấp lánh cầm lủng lẳng một cái radio mà họ gọi là cái đài, tay kia vịn một chiếc xe đạp mua đâu đó ở chợ trời Sài Gòn. Hãy nhìn kỹ những gương mặt này đi, họ sẽ là những người lãnh đạo các ban ngành thành phố trong một tương lai rất gần! Cũng có thể họ đã có nhiệm sở ở một nơi nào trong thành phố này rồi. Người dân Sài Gòn có thể trông mong gì nơi sự lãnh đạo, việc định đoạt số phận của miền Nam nơi những con người chưa từng được hưởng và đang khao khát sở hữu, xử dụng những món vật chất thông thường, nhỏ nhặt mà người thành phố xem rất nhẹ này?


Ngày tháng đầu tiên có mặt ở Sài Gòn, người Cộng Sản đã thực hiện chế độ thanh tẩy xã hội để chỉ còn tồn tại những cá nhân ngoan ngoãn, vô hại, chỉ biết nghe lời. Họ đã lừa thành phần binh lính, sĩ quan, các viên chức trong bộ máy chính quyền miền Nam cũ mà họ gọi là ngụy quân, ngụy quyền, bằng cách cho những binh sĩ cấp thấp dự các khóa mà họ gọi là học tập cải tạo vài ba ngày rồi cho về, sau đó triệu tập các sĩ quan và giới chức cao cấp đi dự các khóa học này với điều kiện là mang theo lương thực đủ cho một tháng. Tài tình thay cho trò lường gạt giữa ban ngày mà từ trước đến giờ không một chính quyền nào cho dù là của thực dân đi nữa cũng không hành động như vậy! Tạo cảm tưởng an toàn cho nạn nhân trước khi đến nộp mạng tại trại học tập cải tạo rồi sau đó lùa họ đến miền rừng sâu núi thẳm đày ải lao động khổ sai, cho chết dần mòn vì đói khát bệnh tật. Biết bao người đã vùi thây nơi chốn đọa đày này mà xác thân không về được với gia đình? Với chính sách khoan hồng Cộng Sản, biết bao nhiêu người sắp chết vì sức cùng lực cạn, bệnh tật hoành hành thân thể được tha cho về nhà, để một thời gian ngắn sau đó cũng lìa cõi trần gian ô trọc này. Khéo thay cho cách người Cộng Sản đọa đày người lỡ vận sa trường từng giờ, từng ngày cho đến chết mà vẫn vỗ ngực cho mình là nhân đạo, đã đối xử khoan hồng với những người họ gọi là lầm đường lỡ bước!


Đã thế, họ còn muốn triệt đường sống của thân nhân những người đi tù cải tạo này bằng cách xếp họ vào hàng công dân diện thứ 13, chỉ trên có diện 14 là diện dành cho tu sĩ các tôn giáo. Vì thế trong thang bậc Cộng Sản dùng để đánh giá giá trị của công dân, thì họ là loại công dân hạng chót (bởi vì các tu sĩ thì đã trọn một đời theo đạo, không có ước muốn tiến thân trong xã hội qua học tập, công việc), họ chỉ có một chút giá trị trên được những kẻ tội phạm, và chỉ khác với hạng người này về sự đối xử của chính quyền là không bị giam giữ hay quản thúc mà thôi. Do vậy, họ bị tước đoạt mọi cơ hội tiến thân trong xã hội như quyền được học hành ở bậc đại học, quyền làm việc ở các công sở, nhà máy, v.v... Người Cộng Sản thường lớn tiếng cho rằng họ đang xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, không có cảnh người bóc lột người, sao họ lại phân chia người dân ra làm nhiều thứ hạng như thế? Chính họ kỳ thị người với người ở mức độ kinh khủng nhất, gây chia rẽ và oán hận ngút ngàn giữa các tầng lớp được ưu đãi và không ưu đãi, gieo đau thương cho bao gia đình bị gạt ra ngoài lề xã hội với tương lai mù mịt, bấp bênh. Chính sách kỳ thị dân tộc này đã làm suy yếu nội lực vốn đã yếu kém của dân Việt vì chiến tranh, lại làm phung phí biết bao nhiêu nhân tài được đào luyện chính quy ở miền Nam và phá hủy từ đầu những mầm mống tài năng có ích cho sự phát triển của đất nước sau này.


Một vài tháng sau cái ngày định mệnh ấy, dẫu bao lo âu chất chồng vẫn còn đó, người thành phố lại bị cột chặt vào cái hiện thực hàng ngày là phải ăn uống, sinh hoạt, vì thế âu lo phải được quên đi và gác qua một bên. Để bảo đảm thỏa mãn những nhu cầu này, người ta buộc phải nghĩ đến cách làm ra tiền. Nhưng tiền ở đâu ra bây giờ khi những người công chức trong bộ máy hành chánh của Sài Gòn cũ đã hoàn toàn mất việc. Thầy cô giáo và nhân viên các cơ sở mà chính quyền mới có thể cần vẫn chưa được gọi đi làm đầy đủ? Mặt khác, ngay từ những ngày đầu tiếp quản thành phố, chính quyền cũng bày tỏ thái độ của mình một cách rõ ràng qua những bích chương, biểu ngữ, báo chí, đài truyền thanh, truyền hình về vấn đề lao động, họ cho là lao động làm ra tất cả và lên án những người chây lười, trốn tránh lao động nên những đối tượng vô công rồi nghề sẽ là tầm ngắm đầu tiên của chế độ. Thế là hòa cùng những người vốn dĩ là dân buôn bán, nhà nhà thi nhau mở một quầy hàng nhỏ trước nhà để bán lặt vặt những thứ gì có thể bán được như đồ ăn, thức uống, quần áo, máy móc, v.v… Những ai không có nhà mặt tiền thì tham gia thị trường chợ đen với tư cách là người mua, người bạn, hay cả hai. Hầu như gia đình nào cũng phải bán dần đồ đạc trong nhà để chi tiêu trong cơn thất nghiệp không biết chừng nào mới chấm dứt. Những người có của ăn của để, chưa bị thâm lạm thì cũng mau mau lập một cái bàn nho nhỏ bán một cái gì đó để tránh mang họa vào thân khi trông không giống người ta.


Giờ đây người dân thành phố được nhà nước chăm lo giáo dục để trở thành con người mới xã hội chủ nghĩa bằng việc đầu tiên là tạo cho họ ý thức tập thể qua việc gia nhập các tổ dân phố có tổ trưởng, tổ phó văn xã và tổ phó an ninh quản lý về hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng, xin đi học hay đi làm, việc phân phối lương thực và nhu yếu phẩm như là những việc hằng ngày. Ngoài ra cứ vài ba hôm, người dân phải họp tổ dân phố tại khu xóm hay tập trung cả phường tại trụ sở Công An, Ủy Ban Nhân Dân Phường hay các trường học trống về đêm để học tập chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, cam kết thi hành nghĩa vụ người dân, đóng góp tiền bạc cho các công trình của nhà nước. Cứ những dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của người Cộng Sản, người dân phải lập thành tích chào mừng, đang đi làm thì phải làm bằng hai, bằng ba, tăng ca, còn dân phố thì thi nhau quét đường, quét chợ cho bộ mặt thành phố được sáng sủa, sạch sẽ. Chắc hẳn người Cộng Sản không nghĩ rằng đội ngũ dân phố này sẽ làm công tác quét dọn vệ sinh tốt hơn những công nhân vệ sinh dọn dẹp đường phố, mà họ muốn giáo dục người dân phải tuân theo lệnh họ để làm ngay cả một việc hèn mọn nhất. Ban đêm mỗi nhà thay phiên cử ra một người để đi gác dân phòng bảo vệ an toàn cho khu phố. Người ta có thể thấy trong số này những gương mặt phờ phạc của những người đàn bà đã lao lực ban ngày kiếm kế sinh nhai. Làm sao những người đàn bà chân yếu tay mềm như thế này trong tay không một tấc sắt có thể bảo vệ an ninh khu phố khi có biến? Hỡi các anh công an nhân dân, giờ này các anh làm gì? Các anh có yên giấc ngủ vì đã có người bảo vệ các anh?


Mùa hè 1975 trôi qua và mùa tựu trường lại đến, các học sinh tiểu học, trung học đệ nhất và đệ nhị cấp nay được đổi lại là cấp 1, cấp 2 và cấp 3 được trở lai trường trễ gần hai tháng. Họ vui mừng gặp lại thầy cô, bạn bè và khung trời yêu dấu cũ. Bạn bè cũ không đầy đủ, thế vào đó là những gương mặt mới có lẽ là từ những miền khác di tản đến và ở lại Sài Gòn. Học sinh từ đây được học miễn phí, sách được phát không, nếu không đủ thì dùng chung. Bù lại một giờ học trung học chỉ còn 45 phút, giáo sư được gọi là giáo viên và phải làm giáo án trước khi đến lớp. Lớp học phải treo hình ông Hồ, ở dưới có hàng chữ "Không Có Gì Quý Hơn Độc Lập Tự Do". Các khẩu hiệu dán trên tường lớp học đã đi vào lòng người học sinh bao thế hệ và ở lại với họ suốt cuộc đời như Tiên Học Lễ Hậu Học Văn, Công Cha Như Núi Thái Sơn, Nghĩa Mẹ Như Nước Trong Nguồn Chảy Ra, hay Không Thầy Đố Mày Làm Nên bị dẹp bỏ, thay vào đó là Đâu Cần Thanh Niên Có, Đâu Khó Có Thanh Niên, Vì Lợi Ích Mười Năm Trồng Cây, Vì Lợi Ích Trăm Năm Trồng Người, Bàn Tay Ta Làm Nên Tất Cả, Có Sức Người Sỏi Đá Cũng Thành Cơm. Người ta còn nghe thấy qua những bài hát của thiếu niên nhi đồng rằng đêm đến các em chỉ mơ thấy bác Hồ như một ông tiên, các em biết ơn Đảng, biết ơn Bác đã cho mình cuộc đời ngày hôm nay. Khi trước, trẻ con chỉ biết yêu kính ông bà, cha mẹ, thầy cô và yêu thương anh chị em, bạn bè, các em không cần biết ơn một Đảng nào, chính phủ nào đã tạo cho các em và gia đình một cuộc sống sung túc và an bình hơn cái gọi là cuộc sống sau ngày 30 tháng 4. Giờ đây các em đến trường phải quàng cổ lá cờ mang màu máu, phấn đấu vào Đội Thiếu Niên Tiền Phong lúc nhỏ, rồi vào Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh lúc thanh niên để làm theo những gì gọi là lý tưởng Cộng Sản. Sau vài tháng phát động phong trào thi đua Kế Hoạch Nhỏ cho các em cấp 1 và 2 đã có tin hai em bé chết vì lựu đạn hay mìn tại một bãi rác khi đang tìm phế liệu. Sao chẳng thấy ai truy phong danh hiệu Anh Hùng cho hai em đã hy sinh vì Kế Hoạch Nhỏ này? Nếu như các em thu gom được nhiều giấy vụn, sách báo, nhựa ni-lông, nhôm vụn thì sẽ được phong làm Dũng Sĩ Kế Hoạch Nhỏ, thế thì danh hiệu gì sẽ được truy tặng nếu các em chết vì Kế Hoạch Nhỏ? Xét cho cùng, hai em xứng đáng được điều đó. Tuổi thơ Sài Gòn đã mất đi từ lúc những cánh diều không còn bay trên thành phố nữa. Từ sân trường Lasan Đức Minh ở khu Tân Định, những cánh diều bay cao tít tắp, giương những cái vây và đuôi dài đủ màu sắc phất phới trên bầu trời cao lồng lộng bên trên những tòa cao ốc khu Tân Định trong giờ ra chơi lúc ba giờ trưa hay vào lúc tan học lúc năm giờ rưỡi chiều gieo vào lòng tuổi thơ một cảm giác êm đềm lý thú, cũng như những tư tưởng bồng bềnh bay cao như cánh diều trong thế giới của tưởng tượng, rồi ở lại mãi trong ký ức tuổi thơ. Từ đây những cánh diều bềnh bồng trong gió chiều, cao vút hơn mây sẽ không bao giờ được trông thấy nữa. Vì lẽ gì?


Chiếm được Sài Gòn, người Cộng Sản liền muốn xóa đi những cái tên, địa danh, ngôn ngữ thường ngày như thể chung là những cái đã cũ không hợp thời đại mới, những di tích cũ gợi nhớ một thời xưa không cần được nhớ đến và trên hết, có lẽ họ muốn xác lập một cái gì mới của riêng họ mà họ cho là tiến bộ. Giờ Sài Gòn nay phải đổi lại một giờ cho bằng giờ Hà Nội. Sài Gòn mấy trăm năm chết đi để một Hồ Chí Minh trẻ trung, mưu lược sống mãi với toàn dân. Một Pasteur của thực dân Pháp nên rút lui cho cái tên Nguyễn thị Minh Khai, người đồng chí một thời của Hồ Chí Minh được rạng ngời danh tánh và còn biết bao cái tên lạ lẫm khác như Huỳnh Văn Bánh, Đoàn Văn Bơ, Lý Chính Thắng, v.v... đã thay thế cho bao tên đường rất đỗi thân quen. Họ đề cao sử dụng từ thuần Việt, không dùng từ Hán Việt nên phi trường trở thành sân bay, trực thăng thành máy bay lên thẳng, Cục Hàng Hải thành Cục Đường Biển. Tuy nhiên họ lại dùng hộ khẩu thay cho sổ gia đình, khẩn trương thay cho nhanh và lạ hơn cả là logic thay cho hợp lý! Có lẽ họ muốn làm một cuộc cách mạng văn hóa, tạo lập một ngôn ngữ riêng và xóa bỏ những gì tồn tại trước đó, dẫu lâu đời? Điều người ta thấy cuối cùng nơi họ chỉ là một việc làm dang dở và vô ích. Những năm không thuận hòa với Trung Cộng, họ còn sửa cả lịch để người dân ăn Tết trước cả tháng, vì vậy những người không đủ tin tưởng vào lịch này cho việc thờ cúng tổ tiên đã phải ăn hai cái Tết trong cùng một năm, một cái Tết âm lịch Cộng Sản và một cái Tết âm lịch bình thường. Đó chỉ là một vài điều nhỏ, riêng lẻ nhưng cũng cho thấy được người Cộng Sản sẵn sàng phá bỏ những truyền thống, tập tục lâu đời và thay vào đó là những điều duy ý chí, do họ và chỉ có lợi cho họ mà thôi. Càng sống với họ, người dân càng ngộ ra điều này hơn.


Cuộc đổi tiền bất ngờ đã giáng một đòn chí mạng vào cuộc sống của dân Sài Gòn và miền Nam nói chung. Mặc dầu trước đó mấy ngày, tin đồn đổi tiền như một cái gì lạ lẫm đến đôi tai người dân nhưng họ mơ hồ nghĩ rằng tiền của họ sẽ bị kiểm soát và như thế có nghĩa là họ sẽ không thể làm chủ hoàn toàn số tiền này. Vì thế, người dân chạy nháo nhác mua lương thực, hàng nhu yếu phẩm, thuốc men và những thứ gì có thể buôn đi bán lại sau này. Do nhu cầu tăng vọt, các tiệm buôn nhanh chóng tăng giá hàng, đến mức cao nhất có thể được, và cuối cùng là không còn hàng để bán, các cửa hàng đóng cửa im thin thít. Trước cái giờ G gớm ghiếc đó, trong buổi truyền hình trước đó chừng ba tiếng đồng hồ, xướng ngôn viên thông báo bà con đừng nên nghe tin đồn thất thiệt của các phần tử xấu làm mất ổn định cuộc sống. Vậy mà chưa đến nửa đêm, tối hôm đó, còi hụ và vài ba nhân viên Phường với loa phóng thanh đứng trước các ngõ, thông báo giới nghiêm, ai ở nhà đó, không được di chuyển nếu không có lý do cấp bách và cần thiết, rồi thì tổ trưởng đi cùng đại diện ban đổi tiền của Phường đến từng nhà kiểm tra hộ khẩu, xác định số nhân khẩu của mỗi hộ và lập danh sách đổi tiền cho từng hộ, số tiền được đổi căn cứ vào số tiền được đổi cho mỗi đầu người, cứ năm trăm đồng tiền chế độ cũ đổi lấy một đồng tiền bác Hồ. Thế là số tiền dư, quá tiêu chuẩn coi như mất trắng! Sáng hôm sau, tại địa điểm đổi tiền do Phường quy định, người dân đứng ngồi từng đám, đôi mắt lo âu, lòng buồn rười rượi mà không dám nói lời nào vì tai mắt chung quanh, lẳng lặng vào đổi tiền rồi lại lẳng lặng ra về. Thật nực cười, họ dựa vào tiêu chuẩn kinh tế, tiền tệ nào mà đánh giá đồng tiền của một miền nghèo nàn, kém phát triển kinh tế về cả hai mặt công nghiệp và nông nghiệp, không kể ngành thương mại, dịch vụ phát triển ở miền Nam mà không thấy bóng dáng ở nơi đó, có giá trị 500 lần hơn đồng tiền ở miền Nam? Có lẽ câu trả lời ngắn gọn mà chính xác nhất là người Cộng Sản đã ăn cướp tài sản của nhân dân miền Nam một cách chính thức, công khai không hơn không kém.
song  
#2 Đã gửi : 29/04/2015 lúc 09:21:10(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Sau cuộc đổi tiền cướp của, người dân đã bị một đòn choáng váng, bất ngờ và không gượng nổi trên đôi chân của mình. Cuộc sống ngày càng khó khăn hơn bao giờ hết. Đồ tiêu dùng xuất hiện ở thị trường ngày càng thưa thớt. Vật giá leo thang đến độ chóng mặt. Công ăn việc làm không có. Khẩu phần lương thực được bán theo định lượng đầu người, nhu yếu phẩm, vải vóc được phân phối theo chế độ tem phiếu nhỏ giọt. Hàng ngày người dân phải đứng xếp hàng từ sáng đến chiều để mua được những cân gạo mục mốc xanh mà trong đó lẫn lộn thóc, bông cỏ, sạn sỏi mà người nông dân cố tình cho vào vì giá thu mua của nhà nước quá rẻ, những cân khoai sùng, hà, chạy chỉ xanh, hay những cân cá biển các loại đã lên mùi ươn thối. Thỉnh thoảng người ta nghe tin ở nơi này, nơi kia cả gia đình tự tử tập thể với nồi cháo trộn thuốc rầy. Thật đắng cay, nhưng niềm an ủi có thể gởi đến những linh hồn bất hạnh này là họ sẽ không tiếp tục chịu thêm đau khổ mấy chục năm nữa dưới chế độ Cộng Sản toàn trị. Cộng với cái thiếu ăn, thiếu mặc này thì những thanh niên còn phải tham gia công tác thủy lợi đào kinh ở những nơi đất phèn chua. Phong trào Thanh Niên Xung Phong khởi xướng bởi Võ Văn Kiệt cũng bắt đầu từ lúc này, thu hút một số đông nam nữ thanh niên thuộc thành phần gia đình lao động, lẫn con nhà nề nếp, thất chí vì sự xoay vần của cuộc đổi đời long trời lỡ đất đã và đang diễn ra. Phong trào này về sau thất bại hoàn toàn, đến lúc có cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam với Campuchia, họ bị đẩy ra chiến trường để vác đạn và bị chết cũng nhiều.


Vào năm 1978, Cộng Sản phát động phong trào cải tạo công thương nghiệp tư bản, tư doanh và đánh tư sản mại bản, song song với việc thúc đẩy thành lập các Hợp Tác Xã mua bán, tiểu thủ công nghiệp ở miền Nam. Trước, trong và sau các chiến dịch này, họ phát động chiến dịch tuyên truyền trên báo chí, đài phát thanh và truyền hình, tố cáo tư sản đã lũng đoạn thị trường, bóc lột người dân lao động để gieo lòng căm tức, lừa mị người dân tiếp tay với họ tịch thu tài sản và nhà cửa những người bị họ gán cho nhãn hiệu tư sản. Ở bất kỳ đâu và hạng người nào cũng có kẻ xấu, người tốt. Nếu trong số họ có những người lũng đoạn thị trường, thu lợi bất chính thì nhà nước có thể tịch thu phần lợi bất chính này, đưa họ ra toà và bắt họ đền bù những thiệt hại. Còn như lấy cớ này nọ để tịch thu toàn bộ tài sản bao đời tích góp của người dân là một điều không công bằng. Họ cố tình quên hay thật sự không biết một điều rằng những người tư sản này đã dùng số vốn to lớn của họ để đầu tư vào khu vực sản xuất và phân phối hàng hóa, góp phần không nhỏ cho sự phát triển sản xuất và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân. Có lẽ họ muốn triệt ngay từ đầu những thế lực kinh tế, tài chánh có thể trở thành mối thách thức cho sự lãnh đạo tuyệt đối của họ? Dù gì đi nữa thì đây chính là một cuộc đánh cướp công khai lần thứ hai ở Sài Gòn chủ yếu nhắm vào những người có nhiều vốn liếng và phương tiện sản xuất. Sau cuộc đánh phá này, cái xương sống sản xuất của miền Nam bị đánh gãy, phương tiện sản xuất đã tập trung vào tay nhà nước nhưng thiếu người quản lý và xử dụng hiệu quả và trên hết là đường lối kinh tế tập trung chỉ huy không thực tế, duy ý chí đã không phát triển được sản xuất để tạo hàng hóa cho xã hội, ngược lại nó đã kìm hãm nặng nề nền kinh tế miền Nam nếu không muốn nói là tiêu diệt toàn bộ sinh lực của nó. Từ đây sản xuất và tiêu thụ chỉ có tính cách đơn lẻ, cục bộ địa phương và với việc ngăn sông cấm chợ theo kiểu cát cứ, hàng hóa sản xuất ít đi, người tiêu thụ không có đủ hàng để dùng và phải trả tiền cao khi cần một mặt hàng nào đó trên thị trường chợ đen, tiền lời đi vào túi kẻ trung gian buôn bán. Chính sách nhà nước thu mua nơi người sản xuất với giá ấn định quá rẻ, sự bần cùng hóa người dân qua việc truất quyền sở hữu từ tay họ các phương tiện sản xuất và không tạo đủ công ăn việc làm cho lực lượng lao động dồi dào là những nguyên nhân chính làm cho tình hình trở nên tồi tệ. Cái vòng lẩn quẩn của sản xuất, phân phối của nhà nước, tiêu thụ của người dân cứ quay mãi một điệu cho đến khi sản xuất kiệt quệ và người tiêu thụ không có đủ hàng do nhà nước phân phối qua thương nghiệp quốc doanh và không có đủ tiền để mua hàng trên thị trường chợ đen nữa. Kết cục là toàn dân đều nghèo khó, điêu đứng vì sản xuất lụn bại. Ai là người đứng ra chịu trách nhiệm cho tình trạng bi đát này?


Cũng từ năm 1978 trở đi, phong trào vượt biên lên cao, nhà nhà đều tìm cách cho những thanh niên đến tuổi nhập ngũ tìm đường thoát khỏi một xã hội u ám, không tương lai để đến một vùng trời tự do hơn, nơi con người được tôn trọng và có được những cơ hội để vươn lên, làm chủ cuộc đời mình. Họ không muốn con em mình phải bỏ mình vì kiệt sức và bệnh tật ở nông trường hay phải làm bia đỡ đạn ngoài chiến trường. Ai cũng thu góp vốn liếng tích cóp bao năm để góp vàng vượt biển, bởi vì họ biết trong cái xã hội Cộng Sản xấu xa và điêu ngoa này, con người sẽ chết dần, chết mòn và cuộc sống vô cùng thiếu thốn về vật chất sẽ đẩy con người về với bản năng bầy đàn, nhân phẩm sẽ không còn và đạo đức sẽ mai một. Với nhiều người, đánh đổi chính mạng mình với cuộc sống không ra người vẫn còn rẻ và họ chấp nhận cái chết trước khi ra đi. Những câu hỏi lúc này khi gặp nhau ngoài phố là ai còn, ai ở, bao giờ thì đi? Tin tức người đi được và hình gởi về cho thấy cuộc sống những ngày đầu khởi sắc ở nước ngoài cũng nhiều mà tin tức những người vượt biển mất tích, bị hải tặc cướp bóc, bắt cóc, tàn hại cuộc đời cũng lắm làm cho người dân hoang mang. Nhưng đã một liều thì ba bảy cũng liều mà thôi!


Đến năm 1979 khi cuộc chiến bên Campuchia bắt đầu vào giai đoạn ác liệt thì Sài Gòn cũng bước vào bóng đêm tăm tối. Những nước Bắc Âu, Hòa Lan đã thôi viện trợ lương thực cho Việt Nam, Mỹ tiếp tục cấm vận Việt Nam, Trung cộng vừa đánh phá biên giới phía Bắc đã làm cho tình hình kinh tế của miền Nam và cả nước nói chung lâm vào chỗ cực kỳ bi đát. Ở Sài Gòn, các khu dân cư bị cắt điện luân phiên một tuần hai ba lần, từ sáng cho đến tối, sau đó là nước cũng bị cắt luân phiên như vậy, nước dùng bấy giờ ngầu đục bùn, phải dùng phèn chua để lắng bùn đi phần nào.


Những người dân đi xây dựng các vùng Kinh Tế mới tự nguyện vì hoàn cảnh nghèo khó hoặc cưỡng bức vì lý do này hay lý do khác, nay không thể sống được vì cái cách làm việc đem con bỏ chợ của nhà nước đối với việc thu mua nông sản họ làm ra, trang bị các phương tiện trồng trọt, chăm sóc cây trồng, cũng như tạo những điều kiện học tập cho con em họ, chăm sóc y tế cho bệnh nhân khi cần, đã lũ lượt kéo nhau về thành phố. Họ sống vất vưởng trên vỉa hè thành phố, trong các khu chợ trống về đêm. Họ lột vỏ cây, bẻ nhánh cây để nấu ăn, con cái họ người đầy cáu bẩn, trần truồng trên những mảnh chiếu tả tơi, còn cha mẹ chúng thì rách nát, tả tơi, mặt mày nhem nhuốc. Họ sống lây lất nhờ vào lòng hảo tâm của người qua kẻ lại, nhờ những việc làm tạp nham có thể tìm được và ngay cả bằng trộm cắp. Ban đầu nhóm người này xuất hiện ngày càng nhiều ở mọi nơi trong thành phố, sau thưa thớt dần vì bị công an truy đuổi. Không ai biết được số phần của những kẻ vô gia cư bất đắc dĩ này đi về đâu. Mà có mấy ai thắc mắc về điều đó khi ai cũng có nỗi khổ, lo lắng của riêng mình? Đến lúc này thì dân Sài Gòn đã nghèo lắm, đói lắm. Họ chỉ nghĩ đến ăn, mơ ước gần gũi nhất chỉ là có được một bữa ngon như trước ngày 30 tháng 4!


Khoảng đầu niên khóa 1979-1980, nếu ai tinh mắt sẽ thấy trước cổng để xe của học sinh trường Marie Curie, góc Ngô Thời Nhiệm và Công Lý (lúc này đổi là Nguyễn Văn Trổi), có một thiếu phụ trắng trẻo, nét mặt dễ nhìn, dáng người cao ráo, ôm một đứa bé sơ sinh trong tay, thỉnh thoảng đến hỏi vay tiền các học sinh đến trường vì con cô ta không có sữa và bị bệnh, cô hứa sẽ đem trả tiền sau này. Tại sao cô phải trông chờ ở tấm lòng hảo tâm của những học sinh thơ ngây, hồn nhiên đang cắp sách đến trường? Có lẽ đó là cơ hội cuối cùng cho người đàn bà, vì có biết bao người lâm vào hoàn cảnh của cô, biết bao nhiêu người có chút dư để lo cho người khác mà không để dành lo cho mình vào ngày mai? Cho dầu người đàn bà ấy có gạt gẫm đám học sinh thơ ngây đi nữa, cô ta cũng đáng được thương hại.


Khi bóng tối phủ trùm thì ma quỷ bắt đầu nhảy múa.


Hình ảnh Sài Gòn lúc này thật nhếch nhác vào ban ngày với cảnh người buôn kẻ bán xô bồ ở chợ trời, chốn vỉa hè, dân kinh tế mới lang thang, lếch thếch mọi nơi, mọi nẻo và bệ rạc vào ban đêm với những khoảng đường dằng dặc tối đen như mực ngay cả ở những con đường chính tấp nập xe cộ và sáng lòa ánh đèn khi xưa như Công Lý, Duy Tân, Pasteur, Phan Đình Phùng, Hồng Thập Tự... Trong bóng đen nhầy nhụa ấy, thỉnh thoảng người ta thấy những người đàn bà, những cô gái bước ra, mời mọc khách đi đường.


Vào cuối năm 1975, thầy Bá dạy trường Lasan Đức Minh, sau này đổi thành Trần Quốc Tuấn, đến từng lớp để nhắn nhủ học sinh và thầy cô các lớp rằng một cô giáo trẻ, lái chiếc xe Honda về nhà sau khi tan trường, trên đường về gặp một bà lão ốm ở bên đường ngoắc tay xin quá giang. Cô đã chở bà về một con hẻm và không trở ra được. Khi người thân nghe tin qua một người nào đó nhắn gởi, đến tìm cô tại con hẻm đó thì thấy chiếc xe cô đã không cánh mà bay, ngoài ra cô giáo không còn một mảnh gì trên người. Cũng vào thời điểm này, một nam giáo viên với vóc dáng thanh lịch, ăn mặc bảnh bao, tính tình hiền lành, dạy học buổi sáng ở trường Lê Lợi (trước đây là Lasan Hiền Vương) ở góc đường Nguyễn Thông và Lý Chính Thắng (trước là Yên Đỗ) nhưng vào một buổi tối bị bắt gặp leo lên khu dành riêng cho các sư huynh ở tầng bốn để ăn trộm đồ đạc. Các sư huynh ở đây đã giăng bẫy bắt tại trận sau nhiều vụ trộm vải vóc, đồ đạc xảy ra trước đó.


Một năm sau đó, khoảng 6 giờ sáng, khách bộ hành qua lại đường Trần Quốc Toản, trước kia là Nguyễn Đình Chiểu ở khu Tân Định, phát hiện xác của một bà lão ăn xin bị cắt cổ, nằm trước thềm nhà của ông Lanh, một người Hoa bán tạp hóa trở nên giàu có, máu đổ chảy dài lênh láng từ đầu thềm sát cửa cho đến mặt lộ xe qua lại.


Chỉ vài tháng sau cái chết của bà lão ăn xin, một buổi sáng tinh mơ, những người bới rác ở khu vực góc Nguyễn Thị Minh Khai trước đây là Pasteur và Trần Quốc Toản phát hiện ra xác một cô gái bị đốt nham nhở. Có người cho rằng tối hôm trước, họ thấy ánh lửa lớn cháy ngay tại bồn chứa rác nơi này. Không ai biết cô gái bị giết chết vì tiền, vì tình hay vì cả hai.


Không lâu sau các sự kiện trên, trong hẻm nhà may Thiết Lập ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, công an đến bắt giam một người thanh niên trong hẻm vì đã tham gia một vụ giết người cướp của. Vụ án được kể lại là cô gái em vợ chàng thanh niên này nhân một buổi tiệc đám cưới của một người bạn, thấy cô ta được gia đình chồng tặng cho chiếc nhẫn kim cương, nên sau đó lập kế hoạch với người anh rể, tới nhà cô này để cướp. Họ đến thăm cô bạn gái này khi người nhà đi vắng, mở cassette thật to, cô em dâu kềm cô bạn để người anh rể leo lên bụng cô gái xấu số mà siết cổ cô ta bằng sợi dây cước cho đến khi cô ta xuôi tay, tắt thở.


Không những chỉ ở khu vực Tân Định, mà khắp nơi trong thành phố rộ lên tin tức những vụ giết người cướp võ trang bằng súng hay các phương tiện khác nhắm vào những gia đình thanh thế ở nơi nhà cao cửa rộng như biệt thự. Họ giết người hàng loạt mà không thương tiếc. Mỉa mai thay, có trường hợp hung thủ giết hết cả nhà mà không lấy được thứ gì quí giá vì cái nghèo đến nhanh quá, nó đến trước khi họ đi ăn cướp!


Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta không quên được vụ án bắt cóc của nữ nghệ sĩ Thanh Nga chính thức loan tải trên báo chí Cộng Sản, mặc dầu bị cho rằng có yếu tố chính trị lồng vào, nhưng nó xảy ra vào cuối năm 1978, thời điểm mà trước đó không lâu, con của nữ nghệ sĩ Kim Cương cũng bị bắt cóc đòi tiền chuộc.


Khi người con ra đi, chỉ có tin buồn trở về.


Khi chiến trường Campuchia sôi động kể từ 1979, Cộng Sản rốt ráo bắt lính hai lần một năm đối với những năm thanh niên tuổi từ 18 trở lên, không cho hoãn dịch vì lý do con một, mẹ già đau yếu như trước 1975. Loa phường ra rả tên những thanh niên bị bắt lính mà họ gọi với danh từ quá mỹ miều là trung tuyến Nghĩa Vụ Quân Sự. Trong thâm tâm, họ tin rằng những cái bánh vẽ, lời ca tụng sáo rỗng đưa người ta lên mây có thể làm quên được nỗi đau khổ, nhận thức sự thật như họ đã sử dụng từ những năm 1932 đến 1945.


Trần Anh Dũng, lớp trưởng 10D10 niên khóa 1978-1979 trường Marie-Curie, một thanh niên cao ráo, hiền lành, dáng lưng hơi khòm, tính tình dễ mến, trúng tuyển nghĩa vụ quân sự vào năm 1979, đến năm 1980 thì tin về cho biết anh đã chết banh xác vì mìn. Một thanh niên khác tên Phùng, chơi bóng bàn giỏi ở khu Nguyễn Thông cũng trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, cũng có tin về bị chết banh xác vì mìn. May mắn hơn, bạn của Phùng là Ngôn đi nghĩa vụ quân sự ba năm về, may mắn không chết nhưng mắt một bên không còn thấy nữa vì miểng đạn. Biết bao thanh niên căng đầy nhựa sống đã phải chết banh xác trên chiến trường Campuchia. Tại sao họ cứ phải chết banh xác mà không vì lý do nào khác? Hay cái banh xác đó là một lý do đơn giản mà hữu hiệu để người ta khỏi tốn công, tốn tiền, tốn thì giờ và bị ảnh hưởng tâm lý bất lợi từ phía người dân khi mang xác những người thanh niên xấu số đó về với gia đình? Có những câu hỏi mà người dân Sài Gòn không bao giờ dám hỏi và chắc chắn là giới lãnh đạo thành phố không bao giờ muốn nghe và trả lời. Chuyện chỉ nên được hiểu ngầm và đừng lên tiếng.


Kinh tế và đời sống nhân dân miền Nam và cả nước nói chung lao không phanh xuống dốc, cho đến những năm 1985 thì có chính sách đổi mới của Đảng cho phép làm khoán sản phẩm, thành lập các tổ hợp sản xuất tư nhân ở quy mô nhỏ. Chỉ một động thái cởi mở đối với lực lượng sản xuất, đời sống người dân dễ thở hơn hẳn và với nền sản xuất tuy nhỏ mà hữu hiệu hơn đã cứu vãn được nền kinh tế quốc dân, dần dà người dân đã có đủ cơm ăn và đủ gạo để xuất khẩu.


Nhờ sự bỏ cấm vận của Mỹ và việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao từ những năm 90 mà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam tăng cao, cộng với tiền kiều hối của người Việt hải ngoại đều đặn gởi về, đến nay đã trên 10 tỷ đô-la một năm mà nền kinh tế trong nước không bị sụp đổ như hiện nay. Tuy nhiên nạn tham nhũng lan tràn ở mọi cấp và ở mức độ cao đã khiến tiền đổ vào túi riêng của giai cấp lãnh đạo mà không được dùng vào những công trình phúc lợi cho người dân hay kiện toàn nền kinh tế hơn nữa khiến tương lai đất nước không mấy gì tươi sáng.


Trước kia, người Cộng Sản chiếm đoạt được miền Nam mà Sài Gòn là linh hồn, họ không mảy may quan tâm đến số phận của những người dân ở đây, họ đã cướp tất cả nói gì đến việc lo lắng cho đời sống an ninh của người dân. Những người lính công an áp tải tù cải tạo thì lúc nào cũng nhiều, xe chở chiến lợi phẩm từ miền Nam ra Bắc thì có bao giờ thiếu? Trái lại, họ chỉ nỗ lực giam cầm người dân vào nhà tù lớn với những biện pháp hạn chế đi lại, cột họ bằng cái đói và thiếu thốn vật chất để họ không còn sức phản kháng, triệt đường tiến thân để họ luôn luôn là đám nô lệ kiểu mới của Cộng Sản. Họ còn có tham vọng chiếm đoạt linh hồn và trí tuệ con người bằng cách tẩy não, nhồi sọ người dân nhất là ở thế hệ mới bằng những phương tiện tuyên truyền như báo chí, đài phát thanh và truyền hình, văn hóa và nghệ thuật, ngay cả trường học là nơi người dân có truyền thống tôn sư trọng đạo hay chốn thiêng liêng là chùa chiền, nhà thờ. Họ biến tất cả những định chế này thành công cụ thống trị của Đảng. Từ đây đã có truyền thông của Đảng, nền văn hóa nghệ thuật mang tính Đảng, sư quốc doanh, cha quốc doanh.


Từ đó, xã hội miền Nam mang những mầm móng hủy hoại về mọi mặt từ ngày người Cộng Sản trở thành chủ nhân ông. Có thể nhìn thấy nguyên nhân những điều tồi tệ xảy ra hiện nay từ những hạt giống thuở ban đầu mà người Cộng Sản đã gieo. Ngày hôm nay là sự tiếp diễn và phát triển của ngày qua và ngày mai chỉ là một ngày hôm nay tồi tệ hơn. Cho dù người ta có cố che đậy bằng những phù hoa giả tạo, tinh xảo như thế nào đi nữa.


Giờ đây, tâm hồn con người đã chai cứng vì những toan tính hẹp hòi, ích kỷ, đầu óc u mê vì những hoạch định tương lai lệch lạc, xác lập lý tưởng sai lầm, tai điếc vì vô cảm với những tiếng thét gào của công lý, lẽ phải, đui mù vì cái nhìn chỉ giới hạn trong không gian cái tôi và cái hiện tại chứ không là khoảng không gian hướng về tương lai vời vợi, cho nên đám kiêu vua loạn chúa tồng ngồng vẫn nghênh ngang trong bộ cánh tưởng tượng Cộng Sản mà tiếng la “Vua ở truồng!” vẫn chưa nghe. Có còn chăng dầu chỉ một tâm hồn đơn sơ, chân thật trong cái chế độ này?


Giờ đây, giáo dục trong chế độ Cộng Sản không phải là công cụ để giúp con người thoát khỏi ngu muội, vươn đến ánh sáng của văn minh, chân lý hầu tạo nên mối quan hệ giữa người và người ngày một yêu thương, chấp nhận và tha thứ cho nhau để tạo nên một xã hội công bằng, bác ái, tôn trọng và đề cao nhân vị, giúp con người tiến đến chân, thiện, mỹ. Ngược lại, nó đã được sử dụng như một công cụ trói buộc vào những thành kiến hủ lậu, những ngụy tín về nhân sinh quan, vũ trụ quan, tẩy não có hệ thống và nhồi nhét những tín điều Cộng Sản vào đầu óc những con người tay sai trong hệ thống, chỉ biết sống còn trong hệ thống này, nếu buông ra là chết. Nền giáo dục này đi ngược lại chiều hướng phát triển con người và văn minh nhân loại, nó chỉ nhằm phục vụ cho những bướu ung thư của xã hội loài người, chỉ chực chờ di căn cho những xã hội tiếp cận va tàn phá tất cả những thành tựu nhân loại trên bình diện thế giới và sự tồn vong dân tộc trên bình diện quốc gia.


Giờ đây, người dân chỉ an phận thủ thường, không quan tâm gì đến diễn biến ngoài xã hội hay vận mệnh đất nước. Thanh niên lớn lên chỉ lo đua đòi, chạy theo mốt này mốt nọ, thú thời thượng để chứng tỏ mình có đẳng cấp, không thua ai. Thần tượng của họ là những bậc đại gia vứt tiền qua cửa sổ, có nhiều bạn gái là người mẫu, siêu sao. Giới lãnh đạo và phe cánh với tiền muôn bạc vạn do tham nhũng thì xài vung vít, xây biệt thự này, nhà nghỉ mát nọ trên mọi miền đất nước. Kẻ không tiền thì đi cướp của, giết người kể cả người thân để có tiền ăn xài như chúng bạn. Đất nước mất dần lãnh thổ, lãnh hải vào tay giặc, những vùng đất trọng yếu rơi vào sự kiểm soát của ngoại bang, những thảm họa môi trường và cuộc sống treo lơ lửng trên đầu dân Việt, người ngay bị đàn áp, lẽ phải bị dẹp bỏ mà mấy ai lên tiếng với chính quyền?


Người Cộng Sản đã xóa đi những định chế xã hội, kinh tế, văn hóa tốt đẹp ở một chừng mực nào đó ở miền Nam để thay vào đó là một khuôn thức định sẵn, áp đặt bởi hệ thống Cộng Sản quốc tế, để sau cùng đi đến sự thất bại toàn diện: kinh tế lụn bại không đủ đáp ứng nhu cầu tối thiểu hàng ngày của người dân nói chi đến thặng dư kinh tế để xây dựng chủ nghĩa xã hội không tưởng mà họ phô trương như một cái bánh vẽ to đùng. Sự thật thì xã hội bất an, vô định hướng, là một ngục tù lớn giam hãm thân xác, trí tuệ và tài năng con người, làm cho họ mất đi tự do, rồi đến nhân phẩm, cuối cùng thoái hóa thành thân phận loại người-vật sống theo bản năng sinh tồn, tách rời với những cá thể khác của cộng đồng, hờ hững với những hiện trạng xấu, sự tha hóa, đi xuống của xã hội. Bây giờ, trong những tập thể ở cơ quan, trường học, đoàn thể các ngành, các cấp, người ta chỉ nhận thấy hình ảnh của một đám đông, bị xiềng xích bởi chính sách, đường lối và giáo điều Cộng Sản như một loại kinh thánh cho kẻ vô thần, tuyệt nhiên không có một sự gắn bó nào hết giữa những thành viên của một xã hội. Họ biết mình thất bại nhưng không bao giờ nhận lỗi, họ quay lại cái cách mua bán và sản xuất đã có trước đây ở miền Nam, từng bước một dọ dẫm, họ dần thoát khỏi hố thẳm nhưng vẫn không ngừng huênh hoang, khoác lác cho những việc họ bắt chước cái phương cách cũ của miền Nam là đổi mới, là sáng tạo. Mỉa mai thay, họ giải thể những ngân hàng tư nhân ở miền Nam, thì nay lại xây dựng lại những ngân hàng thương mại, cổ phần, ít nhiều không chịu sự kiểm soát của ngân hàng nhà nước trung ương, họ đã tự hoặc cho tư nhân xây dựng những cơ sở sản xuất, dịch vụ mà tiền lời đã cứu vãn khu vực kinh tế chủ đạo quốc doanh của nhà nước, họ đã từng màu mè công lập hóa các trường tư thục của miền Nam, thì nay mở ra các trường tư thục với học phí cao hơn rất nhiều so với thu nhập bình quân của người dân với phương pháp giáo dục và quản lý kém hiệu quả hơn rất nhiều những gì đã làm trước ngày 30 tháng 4 năm 1975.


Con người Cộng Sản từ lúc vào thâu tóm miền Nam như một vùng đất bị chinh phục cho đến ngày nay vẫn như thế, cho dù họ có ăn mặc chải chuốt, hợp thời trang hơn, ở những căn biệt thự phải mang dáng vẻ cung đình hay dinh thự, đi những chiếc xe hơi hào nhoáng, đắt tiền nhất, không ai có được, cho bõ công trèo cao lên những bậc thang danh vọng Cộng Sản. Bởi vì cái não trạng của họ vẫn như thế, cách hành xử của họ đối với người miền Nam vẫn như thế. Họ tự cho họ có cái quyền đứng trên mọi người bởi vì họ là kẻ chiến thắng. Kẻ chiến thắng luôn đúng về mọi thứ. Họ chỉ quen ra lịnh, thưởng cho kẻ cúc cung tận tụy với họ, phạt nặng nề để làm gương những ai không nghe họ, dù là người thân thích hoặc bạn bè đi chăng nữa. Họ muốn người dân tôn sùng họ như những minh quân của thời đại, những anh hùng của dân tộc, họ muốn sau khi chết trở thành thánh nhân để nhân dân thờ phượng.


Nhìn lại người Cộng Sản sau 40 năm, ta thấy rằng dù thế hệ mới thay thế thế hệ cũ, nhưng những khuôn thước của họ vẫn được truyền lai nguyên vẹn như thuở ban đầu, họ có thể biến hình như con cắc kè tùy theo tình thế đề lừa phỉnh những kẻ hời hợt hoặc thiếu kinh nghiệm để đạt được mục đích tối hậu của họ.


Người Việt ở hai miền Nam Bắc đều chịu số phận đau thương là sự thống trị của chế độ Cộng Sản vô đạo và phi nhân, đã làm cạn kiệt sinh khí của đất nước bằng cách tiêu diệt tinh hoa dân tộc qua các cuộc đấu tố địa chủ mà thực chất là tiêu diệt tầng lớp có khả năng đóng góp cho sự phát triển kinh tế, giết hại các nhà cách mạng xã hội có lòng yêu nước, thương dân, có bản lĩnh và tài trí để xây dựng văn hóa, xã hội, chính trị sau khi Cộng Sản chiếm được miền Bắc. Những việc làm này được tái tục khi người Cộng Sản chiếm nốt phần còn lại của đất nước bằng các chiến dịch học tập cải tạo, đổi tiền, cải tạo công thương nghiệp tư bản, tư doanh, tiêu diệt tư sản mại bản, xây dựng vùng kinh tế mới, hợp tác xã nhà nước. Thêm vào đó, họ đã làm suy yếu vị thế chiến lược của Việt Nam ở vùng Đông Nam Á bằng việc dâng hiến những vùng đất chiến lược, hải phận to lớn, rất cần thiết cho sự trường tồn và phát triển của Việt Nam về mọi mặt sau này qua sự can tâm để Trung Cộng xâm chiếm Trường Sa và Hoàng Sa đã bao đời thuộc về đất nước chúng ta.


Giờ đây, dân tộc ta phải làm lại từ đầu bằng một bước xuất phát thấp nhưng mọi người phải bằng mọi cách đoàn kết, yêu thương và hướng về một tương lai tốt đẹp hơn cho con cháu và sự trường tồn của đất nước. Đường đi vẫn còn gian nan phía trước nhưng với quyết tâm và sự hy sinh, chúng ta sẽ làm được. Điều cần thiết nhất là phải trừ đi cái họa lớn nhất vẫn còn đến ngày hôm nay, đó là sự vận dụng tà thuyết Cộng Sản mà ban đầu là chủ nghĩa Mác-Lênin và biến tướng của nó về mặt kinh tế ngày nay là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đã non một thế kỷ nay, tà thuyết ngoại lai chỉ đem đến cho dân Việt bao tang thương, đau khổ, triệt đường sống của thế hệ mai sau, nó không còn một lý do nào đề tồn tại nữa.


Bốn mươi năm nhìn lại ngày 30 tháng 4 năm 1975 sao thấy vẫn như là ngày hôm qua. Bởi vì cách cư xử của Cộng Sản từ những ngày đầu đối với miền Nam quá tàn bạo, nó có thể không lộ liễu mà ngấm ngầm, thủ đoạn, gây hệ lụy cho đến cả ngày nay. Những dấu ấn đau buồn ngày nào giờ đã thành sẹo nhưng không biến mất khỏi tâm hồn người dân miền Nam dù ở đâu, trong hay ngoài nước. Đừng bắt họ phải quên vì họ có thể tha thứ nhưng không bao giờ quên. Không quên để không còn lầm bởi người Cộng Sản, không quên khi nói về thời gian đen tối cho thế hệ con cháu biết những lỗi lầm của dân tộc và đừng để nó xảy ra nữa. Người Cộng Sản đừng nên đòi hỏi quá nhiều về phía người dân miền Nam trong khi họ không thật lòng và có những động thái muốn hòa hợp hòa giải đúng nghĩa.


Người viết bài này là một người dân miền Nam, đã chứng kiến cảnh Sài Gòn sụp đổ vào những giờ phút chót và những sự kiện xảy ra sau ngày định mệnh 30 tháng 4 năm 1975 khi người Cộng Sản tiến chiếm vùng đất này. Hòa với sự hoài niệm về một biến cố đau thương của lịch sử cận đại của dân tộc Việt Nam, người viết muốn nói lên tâm tư và ký ức về khoảng thời gian nay dựa trên những gì mình thấy và biết.


Tháng tư 2015

Yên Tánh
Ai đang xem chủ đề này?
Guest (2)
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.341 giây.