Sau cuộc đổi tiền cướp của, người dân đã bị một đòn choáng váng, bất ngờ và không gượng nổi trên đôi chân của mình. Cuộc sống ngày càng khó khăn hơn bao giờ hết. Đồ tiêu dùng xuất hiện ở thị trường ngày càng thưa thớt. Vật giá leo thang đến độ chóng mặt. Công ăn việc làm không có. Khẩu phần lương thực được bán theo định lượng đầu người, nhu yếu phẩm, vải vóc được phân phối theo chế độ tem phiếu nhỏ giọt. Hàng ngày người dân phải đứng xếp hàng từ sáng đến chiều để mua được những cân gạo mục mốc xanh mà trong đó lẫn lộn thóc, bông cỏ, sạn sỏi mà người nông dân cố tình cho vào vì giá thu mua của nhà nước quá rẻ, những cân khoai sùng, hà, chạy chỉ xanh, hay những cân cá biển các loại đã lên mùi ươn thối. Thỉnh thoảng người ta nghe tin ở nơi này, nơi kia cả gia đình tự tử tập thể với nồi cháo trộn thuốc rầy. Thật đắng cay, nhưng niềm an ủi có thể gởi đến những linh hồn bất hạnh này là họ sẽ không tiếp tục chịu thêm đau khổ mấy chục năm nữa dưới chế độ Cộng Sản toàn trị. Cộng với cái thiếu ăn, thiếu mặc này thì những thanh niên còn phải tham gia công tác thủy lợi đào kinh ở những nơi đất phèn chua. Phong trào Thanh Niên Xung Phong khởi xướng bởi Võ Văn Kiệt cũng bắt đầu từ lúc này, thu hút một số đông nam nữ thanh niên thuộc thành phần gia đình lao động, lẫn con nhà nề nếp, thất chí vì sự xoay vần của cuộc đổi đời long trời lỡ đất đã và đang diễn ra. Phong trào này về sau thất bại hoàn toàn, đến lúc có cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam với Campuchia, họ bị đẩy ra chiến trường để vác đạn và bị chết cũng nhiều.
Vào năm 1978, Cộng Sản phát động phong trào cải tạo công thương nghiệp tư bản, tư doanh và đánh tư sản mại bản, song song với việc thúc đẩy thành lập các Hợp Tác Xã mua bán, tiểu thủ công nghiệp ở miền Nam. Trước, trong và sau các chiến dịch này, họ phát động chiến dịch tuyên truyền trên báo chí, đài phát thanh và truyền hình, tố cáo tư sản đã lũng đoạn thị trường, bóc lột người dân lao động để gieo lòng căm tức, lừa mị người dân tiếp tay với họ tịch thu tài sản và nhà cửa những người bị họ gán cho nhãn hiệu tư sản. Ở bất kỳ đâu và hạng người nào cũng có kẻ xấu, người tốt. Nếu trong số họ có những người lũng đoạn thị trường, thu lợi bất chính thì nhà nước có thể tịch thu phần lợi bất chính này, đưa họ ra toà và bắt họ đền bù những thiệt hại. Còn như lấy cớ này nọ để tịch thu toàn bộ tài sản bao đời tích góp của người dân là một điều không công bằng. Họ cố tình quên hay thật sự không biết một điều rằng những người tư sản này đã dùng số vốn to lớn của họ để đầu tư vào khu vực sản xuất và phân phối hàng hóa, góp phần không nhỏ cho sự phát triển sản xuất và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân. Có lẽ họ muốn triệt ngay từ đầu những thế lực kinh tế, tài chánh có thể trở thành mối thách thức cho sự lãnh đạo tuyệt đối của họ? Dù gì đi nữa thì đây chính là một cuộc đánh cướp công khai lần thứ hai ở Sài Gòn chủ yếu nhắm vào những người có nhiều vốn liếng và phương tiện sản xuất. Sau cuộc đánh phá này, cái xương sống sản xuất của miền Nam bị đánh gãy, phương tiện sản xuất đã tập trung vào tay nhà nước nhưng thiếu người quản lý và xử dụng hiệu quả và trên hết là đường lối kinh tế tập trung chỉ huy không thực tế, duy ý chí đã không phát triển được sản xuất để tạo hàng hóa cho xã hội, ngược lại nó đã kìm hãm nặng nề nền kinh tế miền Nam nếu không muốn nói là tiêu diệt toàn bộ sinh lực của nó. Từ đây sản xuất và tiêu thụ chỉ có tính cách đơn lẻ, cục bộ địa phương và với việc ngăn sông cấm chợ theo kiểu cát cứ, hàng hóa sản xuất ít đi, người tiêu thụ không có đủ hàng để dùng và phải trả tiền cao khi cần một mặt hàng nào đó trên thị trường chợ đen, tiền lời đi vào túi kẻ trung gian buôn bán. Chính sách nhà nước thu mua nơi người sản xuất với giá ấn định quá rẻ, sự bần cùng hóa người dân qua việc truất quyền sở hữu từ tay họ các phương tiện sản xuất và không tạo đủ công ăn việc làm cho lực lượng lao động dồi dào là những nguyên nhân chính làm cho tình hình trở nên tồi tệ. Cái vòng lẩn quẩn của sản xuất, phân phối của nhà nước, tiêu thụ của người dân cứ quay mãi một điệu cho đến khi sản xuất kiệt quệ và người tiêu thụ không có đủ hàng do nhà nước phân phối qua thương nghiệp quốc doanh và không có đủ tiền để mua hàng trên thị trường chợ đen nữa. Kết cục là toàn dân đều nghèo khó, điêu đứng vì sản xuất lụn bại. Ai là người đứng ra chịu trách nhiệm cho tình trạng bi đát này?
Cũng từ năm 1978 trở đi, phong trào vượt biên lên cao, nhà nhà đều tìm cách cho những thanh niên đến tuổi nhập ngũ tìm đường thoát khỏi một xã hội u ám, không tương lai để đến một vùng trời tự do hơn, nơi con người được tôn trọng và có được những cơ hội để vươn lên, làm chủ cuộc đời mình. Họ không muốn con em mình phải bỏ mình vì kiệt sức và bệnh tật ở nông trường hay phải làm bia đỡ đạn ngoài chiến trường. Ai cũng thu góp vốn liếng tích cóp bao năm để góp vàng vượt biển, bởi vì họ biết trong cái xã hội Cộng Sản xấu xa và điêu ngoa này, con người sẽ chết dần, chết mòn và cuộc sống vô cùng thiếu thốn về vật chất sẽ đẩy con người về với bản năng bầy đàn, nhân phẩm sẽ không còn và đạo đức sẽ mai một. Với nhiều người, đánh đổi chính mạng mình với cuộc sống không ra người vẫn còn rẻ và họ chấp nhận cái chết trước khi ra đi. Những câu hỏi lúc này khi gặp nhau ngoài phố là ai còn, ai ở, bao giờ thì đi? Tin tức người đi được và hình gởi về cho thấy cuộc sống những ngày đầu khởi sắc ở nước ngoài cũng nhiều mà tin tức những người vượt biển mất tích, bị hải tặc cướp bóc, bắt cóc, tàn hại cuộc đời cũng lắm làm cho người dân hoang mang. Nhưng đã một liều thì ba bảy cũng liều mà thôi!
Đến năm 1979 khi cuộc chiến bên Campuchia bắt đầu vào giai đoạn ác liệt thì Sài Gòn cũng bước vào bóng đêm tăm tối. Những nước Bắc Âu, Hòa Lan đã thôi viện trợ lương thực cho Việt Nam, Mỹ tiếp tục cấm vận Việt Nam, Trung cộng vừa đánh phá biên giới phía Bắc đã làm cho tình hình kinh tế của miền Nam và cả nước nói chung lâm vào chỗ cực kỳ bi đát. Ở Sài Gòn, các khu dân cư bị cắt điện luân phiên một tuần hai ba lần, từ sáng cho đến tối, sau đó là nước cũng bị cắt luân phiên như vậy, nước dùng bấy giờ ngầu đục bùn, phải dùng phèn chua để lắng bùn đi phần nào.
Những người dân đi xây dựng các vùng Kinh Tế mới tự nguyện vì hoàn cảnh nghèo khó hoặc cưỡng bức vì lý do này hay lý do khác, nay không thể sống được vì cái cách làm việc đem con bỏ chợ của nhà nước đối với việc thu mua nông sản họ làm ra, trang bị các phương tiện trồng trọt, chăm sóc cây trồng, cũng như tạo những điều kiện học tập cho con em họ, chăm sóc y tế cho bệnh nhân khi cần, đã lũ lượt kéo nhau về thành phố. Họ sống vất vưởng trên vỉa hè thành phố, trong các khu chợ trống về đêm. Họ lột vỏ cây, bẻ nhánh cây để nấu ăn, con cái họ người đầy cáu bẩn, trần truồng trên những mảnh chiếu tả tơi, còn cha mẹ chúng thì rách nát, tả tơi, mặt mày nhem nhuốc. Họ sống lây lất nhờ vào lòng hảo tâm của người qua kẻ lại, nhờ những việc làm tạp nham có thể tìm được và ngay cả bằng trộm cắp. Ban đầu nhóm người này xuất hiện ngày càng nhiều ở mọi nơi trong thành phố, sau thưa thớt dần vì bị công an truy đuổi. Không ai biết được số phần của những kẻ vô gia cư bất đắc dĩ này đi về đâu. Mà có mấy ai thắc mắc về điều đó khi ai cũng có nỗi khổ, lo lắng của riêng mình? Đến lúc này thì dân Sài Gòn đã nghèo lắm, đói lắm. Họ chỉ nghĩ đến ăn, mơ ước gần gũi nhất chỉ là có được một bữa ngon như trước ngày 30 tháng 4!
Khoảng đầu niên khóa 1979-1980, nếu ai tinh mắt sẽ thấy trước cổng để xe của học sinh trường Marie Curie, góc Ngô Thời Nhiệm và Công Lý (lúc này đổi là Nguyễn Văn Trổi), có một thiếu phụ trắng trẻo, nét mặt dễ nhìn, dáng người cao ráo, ôm một đứa bé sơ sinh trong tay, thỉnh thoảng đến hỏi vay tiền các học sinh đến trường vì con cô ta không có sữa và bị bệnh, cô hứa sẽ đem trả tiền sau này. Tại sao cô phải trông chờ ở tấm lòng hảo tâm của những học sinh thơ ngây, hồn nhiên đang cắp sách đến trường? Có lẽ đó là cơ hội cuối cùng cho người đàn bà, vì có biết bao người lâm vào hoàn cảnh của cô, biết bao nhiêu người có chút dư để lo cho người khác mà không để dành lo cho mình vào ngày mai? Cho dầu người đàn bà ấy có gạt gẫm đám học sinh thơ ngây đi nữa, cô ta cũng đáng được thương hại.
Khi bóng tối phủ trùm thì ma quỷ bắt đầu nhảy múa.
Hình ảnh Sài Gòn lúc này thật nhếch nhác vào ban ngày với cảnh người buôn kẻ bán xô bồ ở chợ trời, chốn vỉa hè, dân kinh tế mới lang thang, lếch thếch mọi nơi, mọi nẻo và bệ rạc vào ban đêm với những khoảng đường dằng dặc tối đen như mực ngay cả ở những con đường chính tấp nập xe cộ và sáng lòa ánh đèn khi xưa như Công Lý, Duy Tân, Pasteur, Phan Đình Phùng, Hồng Thập Tự... Trong bóng đen nhầy nhụa ấy, thỉnh thoảng người ta thấy những người đàn bà, những cô gái bước ra, mời mọc khách đi đường.
Vào cuối năm 1975, thầy Bá dạy trường Lasan Đức Minh, sau này đổi thành Trần Quốc Tuấn, đến từng lớp để nhắn nhủ học sinh và thầy cô các lớp rằng một cô giáo trẻ, lái chiếc xe Honda về nhà sau khi tan trường, trên đường về gặp một bà lão ốm ở bên đường ngoắc tay xin quá giang. Cô đã chở bà về một con hẻm và không trở ra được. Khi người thân nghe tin qua một người nào đó nhắn gởi, đến tìm cô tại con hẻm đó thì thấy chiếc xe cô đã không cánh mà bay, ngoài ra cô giáo không còn một mảnh gì trên người. Cũng vào thời điểm này, một nam giáo viên với vóc dáng thanh lịch, ăn mặc bảnh bao, tính tình hiền lành, dạy học buổi sáng ở trường Lê Lợi (trước đây là Lasan Hiền Vương) ở góc đường Nguyễn Thông và Lý Chính Thắng (trước là Yên Đỗ) nhưng vào một buổi tối bị bắt gặp leo lên khu dành riêng cho các sư huynh ở tầng bốn để ăn trộm đồ đạc. Các sư huynh ở đây đã giăng bẫy bắt tại trận sau nhiều vụ trộm vải vóc, đồ đạc xảy ra trước đó.
Một năm sau đó, khoảng 6 giờ sáng, khách bộ hành qua lại đường Trần Quốc Toản, trước kia là Nguyễn Đình Chiểu ở khu Tân Định, phát hiện xác của một bà lão ăn xin bị cắt cổ, nằm trước thềm nhà của ông Lanh, một người Hoa bán tạp hóa trở nên giàu có, máu đổ chảy dài lênh láng từ đầu thềm sát cửa cho đến mặt lộ xe qua lại.
Chỉ vài tháng sau cái chết của bà lão ăn xin, một buổi sáng tinh mơ, những người bới rác ở khu vực góc Nguyễn Thị Minh Khai trước đây là Pasteur và Trần Quốc Toản phát hiện ra xác một cô gái bị đốt nham nhở. Có người cho rằng tối hôm trước, họ thấy ánh lửa lớn cháy ngay tại bồn chứa rác nơi này. Không ai biết cô gái bị giết chết vì tiền, vì tình hay vì cả hai.
Không lâu sau các sự kiện trên, trong hẻm nhà may Thiết Lập ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, công an đến bắt giam một người thanh niên trong hẻm vì đã tham gia một vụ giết người cướp của. Vụ án được kể lại là cô gái em vợ chàng thanh niên này nhân một buổi tiệc đám cưới của một người bạn, thấy cô ta được gia đình chồng tặng cho chiếc nhẫn kim cương, nên sau đó lập kế hoạch với người anh rể, tới nhà cô này để cướp. Họ đến thăm cô bạn gái này khi người nhà đi vắng, mở cassette thật to, cô em dâu kềm cô bạn để người anh rể leo lên bụng cô gái xấu số mà siết cổ cô ta bằng sợi dây cước cho đến khi cô ta xuôi tay, tắt thở.
Không những chỉ ở khu vực Tân Định, mà khắp nơi trong thành phố rộ lên tin tức những vụ giết người cướp võ trang bằng súng hay các phương tiện khác nhắm vào những gia đình thanh thế ở nơi nhà cao cửa rộng như biệt thự. Họ giết người hàng loạt mà không thương tiếc. Mỉa mai thay, có trường hợp hung thủ giết hết cả nhà mà không lấy được thứ gì quí giá vì cái nghèo đến nhanh quá, nó đến trước khi họ đi ăn cướp!
Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta không quên được vụ án bắt cóc của nữ nghệ sĩ Thanh Nga chính thức loan tải trên báo chí Cộng Sản, mặc dầu bị cho rằng có yếu tố chính trị lồng vào, nhưng nó xảy ra vào cuối năm 1978, thời điểm mà trước đó không lâu, con của nữ nghệ sĩ Kim Cương cũng bị bắt cóc đòi tiền chuộc.
Khi người con ra đi, chỉ có tin buồn trở về.
Khi chiến trường Campuchia sôi động kể từ 1979, Cộng Sản rốt ráo bắt lính hai lần một năm đối với những năm thanh niên tuổi từ 18 trở lên, không cho hoãn dịch vì lý do con một, mẹ già đau yếu như trước 1975. Loa phường ra rả tên những thanh niên bị bắt lính mà họ gọi với danh từ quá mỹ miều là trung tuyến Nghĩa Vụ Quân Sự. Trong thâm tâm, họ tin rằng những cái bánh vẽ, lời ca tụng sáo rỗng đưa người ta lên mây có thể làm quên được nỗi đau khổ, nhận thức sự thật như họ đã sử dụng từ những năm 1932 đến 1945.
Trần Anh Dũng, lớp trưởng 10D10 niên khóa 1978-1979 trường Marie-Curie, một thanh niên cao ráo, hiền lành, dáng lưng hơi khòm, tính tình dễ mến, trúng tuyển nghĩa vụ quân sự vào năm 1979, đến năm 1980 thì tin về cho biết anh đã chết banh xác vì mìn. Một thanh niên khác tên Phùng, chơi bóng bàn giỏi ở khu Nguyễn Thông cũng trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, cũng có tin về bị chết banh xác vì mìn. May mắn hơn, bạn của Phùng là Ngôn đi nghĩa vụ quân sự ba năm về, may mắn không chết nhưng mắt một bên không còn thấy nữa vì miểng đạn. Biết bao thanh niên căng đầy nhựa sống đã phải chết banh xác trên chiến trường Campuchia. Tại sao họ cứ phải chết banh xác mà không vì lý do nào khác? Hay cái banh xác đó là một lý do đơn giản mà hữu hiệu để người ta khỏi tốn công, tốn tiền, tốn thì giờ và bị ảnh hưởng tâm lý bất lợi từ phía người dân khi mang xác những người thanh niên xấu số đó về với gia đình? Có những câu hỏi mà người dân Sài Gòn không bao giờ dám hỏi và chắc chắn là giới lãnh đạo thành phố không bao giờ muốn nghe và trả lời. Chuyện chỉ nên được hiểu ngầm và đừng lên tiếng.
Kinh tế và đời sống nhân dân miền Nam và cả nước nói chung lao không phanh xuống dốc, cho đến những năm 1985 thì có chính sách đổi mới của Đảng cho phép làm khoán sản phẩm, thành lập các tổ hợp sản xuất tư nhân ở quy mô nhỏ. Chỉ một động thái cởi mở đối với lực lượng sản xuất, đời sống người dân dễ thở hơn hẳn và với nền sản xuất tuy nhỏ mà hữu hiệu hơn đã cứu vãn được nền kinh tế quốc dân, dần dà người dân đã có đủ cơm ăn và đủ gạo để xuất khẩu.
Nhờ sự bỏ cấm vận của Mỹ và việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao từ những năm 90 mà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam tăng cao, cộng với tiền kiều hối của người Việt hải ngoại đều đặn gởi về, đến nay đã trên 10 tỷ đô-la một năm mà nền kinh tế trong nước không bị sụp đổ như hiện nay. Tuy nhiên nạn tham nhũng lan tràn ở mọi cấp và ở mức độ cao đã khiến tiền đổ vào túi riêng của giai cấp lãnh đạo mà không được dùng vào những công trình phúc lợi cho người dân hay kiện toàn nền kinh tế hơn nữa khiến tương lai đất nước không mấy gì tươi sáng.
Trước kia, người Cộng Sản chiếm đoạt được miền Nam mà Sài Gòn là linh hồn, họ không mảy may quan tâm đến số phận của những người dân ở đây, họ đã cướp tất cả nói gì đến việc lo lắng cho đời sống an ninh của người dân. Những người lính công an áp tải tù cải tạo thì lúc nào cũng nhiều, xe chở chiến lợi phẩm từ miền Nam ra Bắc thì có bao giờ thiếu? Trái lại, họ chỉ nỗ lực giam cầm người dân vào nhà tù lớn với những biện pháp hạn chế đi lại, cột họ bằng cái đói và thiếu thốn vật chất để họ không còn sức phản kháng, triệt đường tiến thân để họ luôn luôn là đám nô lệ kiểu mới của Cộng Sản. Họ còn có tham vọng chiếm đoạt linh hồn và trí tuệ con người bằng cách tẩy não, nhồi sọ người dân nhất là ở thế hệ mới bằng những phương tiện tuyên truyền như báo chí, đài phát thanh và truyền hình, văn hóa và nghệ thuật, ngay cả trường học là nơi người dân có truyền thống tôn sư trọng đạo hay chốn thiêng liêng là chùa chiền, nhà thờ. Họ biến tất cả những định chế này thành công cụ thống trị của Đảng. Từ đây đã có truyền thông của Đảng, nền văn hóa nghệ thuật mang tính Đảng, sư quốc doanh, cha quốc doanh.
Từ đó, xã hội miền Nam mang những mầm móng hủy hoại về mọi mặt từ ngày người Cộng Sản trở thành chủ nhân ông. Có thể nhìn thấy nguyên nhân những điều tồi tệ xảy ra hiện nay từ những hạt giống thuở ban đầu mà người Cộng Sản đã gieo. Ngày hôm nay là sự tiếp diễn và phát triển của ngày qua và ngày mai chỉ là một ngày hôm nay tồi tệ hơn. Cho dù người ta có cố che đậy bằng những phù hoa giả tạo, tinh xảo như thế nào đi nữa.
Giờ đây, tâm hồn con người đã chai cứng vì những toan tính hẹp hòi, ích kỷ, đầu óc u mê vì những hoạch định tương lai lệch lạc, xác lập lý tưởng sai lầm, tai điếc vì vô cảm với những tiếng thét gào của công lý, lẽ phải, đui mù vì cái nhìn chỉ giới hạn trong không gian cái tôi và cái hiện tại chứ không là khoảng không gian hướng về tương lai vời vợi, cho nên đám kiêu vua loạn chúa tồng ngồng vẫn nghênh ngang trong bộ cánh tưởng tượng Cộng Sản mà tiếng la “Vua ở truồng!” vẫn chưa nghe. Có còn chăng dầu chỉ một tâm hồn đơn sơ, chân thật trong cái chế độ này?
Giờ đây, giáo dục trong chế độ Cộng Sản không phải là công cụ để giúp con người thoát khỏi ngu muội, vươn đến ánh sáng của văn minh, chân lý hầu tạo nên mối quan hệ giữa người và người ngày một yêu thương, chấp nhận và tha thứ cho nhau để tạo nên một xã hội công bằng, bác ái, tôn trọng và đề cao nhân vị, giúp con người tiến đến chân, thiện, mỹ. Ngược lại, nó đã được sử dụng như một công cụ trói buộc vào những thành kiến hủ lậu, những ngụy tín về nhân sinh quan, vũ trụ quan, tẩy não có hệ thống và nhồi nhét những tín điều Cộng Sản vào đầu óc những con người tay sai trong hệ thống, chỉ biết sống còn trong hệ thống này, nếu buông ra là chết. Nền giáo dục này đi ngược lại chiều hướng phát triển con người và văn minh nhân loại, nó chỉ nhằm phục vụ cho những bướu ung thư của xã hội loài người, chỉ chực chờ di căn cho những xã hội tiếp cận va tàn phá tất cả những thành tựu nhân loại trên bình diện thế giới và sự tồn vong dân tộc trên bình diện quốc gia.
Giờ đây, người dân chỉ an phận thủ thường, không quan tâm gì đến diễn biến ngoài xã hội hay vận mệnh đất nước. Thanh niên lớn lên chỉ lo đua đòi, chạy theo mốt này mốt nọ, thú thời thượng để chứng tỏ mình có đẳng cấp, không thua ai. Thần tượng của họ là những bậc đại gia vứt tiền qua cửa sổ, có nhiều bạn gái là người mẫu, siêu sao. Giới lãnh đạo và phe cánh với tiền muôn bạc vạn do tham nhũng thì xài vung vít, xây biệt thự này, nhà nghỉ mát nọ trên mọi miền đất nước. Kẻ không tiền thì đi cướp của, giết người kể cả người thân để có tiền ăn xài như chúng bạn. Đất nước mất dần lãnh thổ, lãnh hải vào tay giặc, những vùng đất trọng yếu rơi vào sự kiểm soát của ngoại bang, những thảm họa môi trường và cuộc sống treo lơ lửng trên đầu dân Việt, người ngay bị đàn áp, lẽ phải bị dẹp bỏ mà mấy ai lên tiếng với chính quyền?
Người Cộng Sản đã xóa đi những định chế xã hội, kinh tế, văn hóa tốt đẹp ở một chừng mực nào đó ở miền Nam để thay vào đó là một khuôn thức định sẵn, áp đặt bởi hệ thống Cộng Sản quốc tế, để sau cùng đi đến sự thất bại toàn diện: kinh tế lụn bại không đủ đáp ứng nhu cầu tối thiểu hàng ngày của người dân nói chi đến thặng dư kinh tế để xây dựng chủ nghĩa xã hội không tưởng mà họ phô trương như một cái bánh vẽ to đùng. Sự thật thì xã hội bất an, vô định hướng, là một ngục tù lớn giam hãm thân xác, trí tuệ và tài năng con người, làm cho họ mất đi tự do, rồi đến nhân phẩm, cuối cùng thoái hóa thành thân phận loại người-vật sống theo bản năng sinh tồn, tách rời với những cá thể khác của cộng đồng, hờ hững với những hiện trạng xấu, sự tha hóa, đi xuống của xã hội. Bây giờ, trong những tập thể ở cơ quan, trường học, đoàn thể các ngành, các cấp, người ta chỉ nhận thấy hình ảnh của một đám đông, bị xiềng xích bởi chính sách, đường lối và giáo điều Cộng Sản như một loại kinh thánh cho kẻ vô thần, tuyệt nhiên không có một sự gắn bó nào hết giữa những thành viên của một xã hội. Họ biết mình thất bại nhưng không bao giờ nhận lỗi, họ quay lại cái cách mua bán và sản xuất đã có trước đây ở miền Nam, từng bước một dọ dẫm, họ dần thoát khỏi hố thẳm nhưng vẫn không ngừng huênh hoang, khoác lác cho những việc họ bắt chước cái phương cách cũ của miền Nam là đổi mới, là sáng tạo. Mỉa mai thay, họ giải thể những ngân hàng tư nhân ở miền Nam, thì nay lại xây dựng lại những ngân hàng thương mại, cổ phần, ít nhiều không chịu sự kiểm soát của ngân hàng nhà nước trung ương, họ đã tự hoặc cho tư nhân xây dựng những cơ sở sản xuất, dịch vụ mà tiền lời đã cứu vãn khu vực kinh tế chủ đạo quốc doanh của nhà nước, họ đã từng màu mè công lập hóa các trường tư thục của miền Nam, thì nay mở ra các trường tư thục với học phí cao hơn rất nhiều so với thu nhập bình quân của người dân với phương pháp giáo dục và quản lý kém hiệu quả hơn rất nhiều những gì đã làm trước ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Con người Cộng Sản từ lúc vào thâu tóm miền Nam như một vùng đất bị chinh phục cho đến ngày nay vẫn như thế, cho dù họ có ăn mặc chải chuốt, hợp thời trang hơn, ở những căn biệt thự phải mang dáng vẻ cung đình hay dinh thự, đi những chiếc xe hơi hào nhoáng, đắt tiền nhất, không ai có được, cho bõ công trèo cao lên những bậc thang danh vọng Cộng Sản. Bởi vì cái não trạng của họ vẫn như thế, cách hành xử của họ đối với người miền Nam vẫn như thế. Họ tự cho họ có cái quyền đứng trên mọi người bởi vì họ là kẻ chiến thắng. Kẻ chiến thắng luôn đúng về mọi thứ. Họ chỉ quen ra lịnh, thưởng cho kẻ cúc cung tận tụy với họ, phạt nặng nề để làm gương những ai không nghe họ, dù là người thân thích hoặc bạn bè đi chăng nữa. Họ muốn người dân tôn sùng họ như những minh quân của thời đại, những anh hùng của dân tộc, họ muốn sau khi chết trở thành thánh nhân để nhân dân thờ phượng.
Nhìn lại người Cộng Sản sau 40 năm, ta thấy rằng dù thế hệ mới thay thế thế hệ cũ, nhưng những khuôn thước của họ vẫn được truyền lai nguyên vẹn như thuở ban đầu, họ có thể biến hình như con cắc kè tùy theo tình thế đề lừa phỉnh những kẻ hời hợt hoặc thiếu kinh nghiệm để đạt được mục đích tối hậu của họ.
Người Việt ở hai miền Nam Bắc đều chịu số phận đau thương là sự thống trị của chế độ Cộng Sản vô đạo và phi nhân, đã làm cạn kiệt sinh khí của đất nước bằng cách tiêu diệt tinh hoa dân tộc qua các cuộc đấu tố địa chủ mà thực chất là tiêu diệt tầng lớp có khả năng đóng góp cho sự phát triển kinh tế, giết hại các nhà cách mạng xã hội có lòng yêu nước, thương dân, có bản lĩnh và tài trí để xây dựng văn hóa, xã hội, chính trị sau khi Cộng Sản chiếm được miền Bắc. Những việc làm này được tái tục khi người Cộng Sản chiếm nốt phần còn lại của đất nước bằng các chiến dịch học tập cải tạo, đổi tiền, cải tạo công thương nghiệp tư bản, tư doanh, tiêu diệt tư sản mại bản, xây dựng vùng kinh tế mới, hợp tác xã nhà nước. Thêm vào đó, họ đã làm suy yếu vị thế chiến lược của Việt Nam ở vùng Đông Nam Á bằng việc dâng hiến những vùng đất chiến lược, hải phận to lớn, rất cần thiết cho sự trường tồn và phát triển của Việt Nam về mọi mặt sau này qua sự can tâm để Trung Cộng xâm chiếm Trường Sa và Hoàng Sa đã bao đời thuộc về đất nước chúng ta.
Giờ đây, dân tộc ta phải làm lại từ đầu bằng một bước xuất phát thấp nhưng mọi người phải bằng mọi cách đoàn kết, yêu thương và hướng về một tương lai tốt đẹp hơn cho con cháu và sự trường tồn của đất nước. Đường đi vẫn còn gian nan phía trước nhưng với quyết tâm và sự hy sinh, chúng ta sẽ làm được. Điều cần thiết nhất là phải trừ đi cái họa lớn nhất vẫn còn đến ngày hôm nay, đó là sự vận dụng tà thuyết Cộng Sản mà ban đầu là chủ nghĩa Mác-Lênin và biến tướng của nó về mặt kinh tế ngày nay là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đã non một thế kỷ nay, tà thuyết ngoại lai chỉ đem đến cho dân Việt bao tang thương, đau khổ, triệt đường sống của thế hệ mai sau, nó không còn một lý do nào đề tồn tại nữa.
Bốn mươi năm nhìn lại ngày 30 tháng 4 năm 1975 sao thấy vẫn như là ngày hôm qua. Bởi vì cách cư xử của Cộng Sản từ những ngày đầu đối với miền Nam quá tàn bạo, nó có thể không lộ liễu mà ngấm ngầm, thủ đoạn, gây hệ lụy cho đến cả ngày nay. Những dấu ấn đau buồn ngày nào giờ đã thành sẹo nhưng không biến mất khỏi tâm hồn người dân miền Nam dù ở đâu, trong hay ngoài nước. Đừng bắt họ phải quên vì họ có thể tha thứ nhưng không bao giờ quên. Không quên để không còn lầm bởi người Cộng Sản, không quên khi nói về thời gian đen tối cho thế hệ con cháu biết những lỗi lầm của dân tộc và đừng để nó xảy ra nữa. Người Cộng Sản đừng nên đòi hỏi quá nhiều về phía người dân miền Nam trong khi họ không thật lòng và có những động thái muốn hòa hợp hòa giải đúng nghĩa.
Người viết bài này là một người dân miền Nam, đã chứng kiến cảnh Sài Gòn sụp đổ vào những giờ phút chót và những sự kiện xảy ra sau ngày định mệnh 30 tháng 4 năm 1975 khi người Cộng Sản tiến chiếm vùng đất này. Hòa với sự hoài niệm về một biến cố đau thương của lịch sử cận đại của dân tộc Việt Nam, người viết muốn nói lên tâm tư và ký ức về khoảng thời gian nay dựa trên những gì mình thấy và biết.
Tháng tư 2015
Yên Tánh