Có đến ba ủy viên Bộ chính trị đã lên tiếng yêu cầu báo chí phải giữ đúng ‘định hướng chính trị’ nhân ngày nhà báo Việt Nam 21/6.Ông Đinh Thế Huynh là người chịu trách nhiệm cao nhất về hệ thống tuyên truyền ở Việt NamTrong một bài viết đăng trên trang mạng của báo Công an nhân dân hôm thứ Năm 20/6, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang yêu cầu tất cả các báo chí của ngành công an trong cả nước phải quan tâm đến nhiệm vụ ‘trọng tâm, cơ bản’ này.
Ông cảnh báo báo chí không được ‘thương mại hóa’ mà ‘xa rời mục tiêu chính trị’ và bỏ quên việc ‘định hướng dư luận xã hội’.
Giữ vững trận địa’“Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về an ninh, trật tự,” ông yêu cầu.
Ông cũng nhắc nhở báo chí công an phải ‘giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng’ để ‘củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước’.
“Báo chí công an nhân dân cần tích cực tham gia và thể hiện vai trò đi đầu trong cuộc đấu tranh chống ‘diễn biến hòa bình’ trên lĩnh vực tư tưởng... phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, góp phần thực hiện thắng lợi cuộc đấu tranh phòng, chống ‘diễn biến hòa bình’, ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’,” ông viết.
Tuy nhiên ông cũng thừa nhận rằng các bài viết mang tính lý luận trên các báo công an để phản bác ‘các quan điểm sai trái, thù địch’ số lượng còn ít và ‘tính thuyết phục chưa cao’.
Ông nhận định có nguy cơ ‘phi chính trị hóa lực lượng vũ trang’ mà ‘các thế lực thù địch’ xem là mục tiêu tấn công, do đó ông yêu cầu các cơ quan báo chí của công an phải ‘đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng’.
“Mỗi cán bộ, biên tập viên, phóng viên, nhân viên báo chí công an nhân dân cần thực sự trở thành chiến sĩ tiên phong của lực lượng công an nhân dân trên mặt trận tư tưởng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa,” ông viết.
Hiện nay theo thống kê của Bộ Công an thì chỉ tính riêng trong lực lượng này đã có đến 6 báo in, 14 tạp chí, 1 kênh truyền hình phát sóng liên tục 24 giờ chưa kể 5 tờ báo khác của công an các địa phương và một nhà xuất bản.
Hình ảnh đẹpÔng cũng yêu cầu báo chí công an phải ‘xây dựng hình ảnh đẹp của người chiến sỹ công an nhân dân trong lòng nhân dân’ bằng cách ‘tuyên truyền sâu rộng về mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa lực lượng Công an với nhân dân với phương châm gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với dân’.
Ông cảnh báo các báo khi viết về các hiện tượng tiêu cực tham nhũng thì ‘không được để kẻ địch và các phần tử xấu lợi dụng, phá hoại sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự’.
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cũng có lời huấn thị tương tự khi ông đến thăm và chúc mừng báo Quân đội nhân dân vào chiều thứ Tư ngày 20/6.
Theo tường thuật của Thông tấn xã Việt Nam thì ông Thanh đã yêu cầu tờ báo này tăng cường ‘giữ vững định hướng chính trị’ để ‘xứng đáng là công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận đấu tranh tư tưởng’.
Ông khen ngợi báo Quân đội nhân dân đã có ‘đóng góp tích cực vào việc giữ gìn và nâng cao bản lĩnh chính trị của lực lượng vũ trang’.
Trong khi đó, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Đinh Thế Huynh đã nhắc nhở các cơ quan báo chí mà ông đến thăm hôm thứ Tư ngày 20/6 phải tiếp tục tích cực định hướng dư luận để ‘tăng cường niềm tin trong nhân dân’ với Đảng, Nhà nước và con đường phát triển đất nước
Ông Huynh dẫn đầu một phái đoàn của Ban Tuyên giáo, Bộ Thông tin Truyền thông đến thăm hỏi Hội Nhà báo trung ương, Thông tấn xã Việt Nam và các báo Tiền Phong và Lao động nhân ngày nhà báo.
Cách mạng từ blogTrong khi đó, một nhà báo nước ngoài lại lưu ý về một xu hướng trái ngược trong môi trường truyền thông của Việt Nam.
Trong bài báo có nhan đề ‘Các blogger đang ngày càng định hướng thông tin ở Việt Nam’ được The Diplomat, tạp chí về quan hệ quốc tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có trụ sở tại Tokyo, đăng tải trên trang mạng vào ngày 20/6, tác giả Marianne Brown đã phân tích về vai trò ngày càng nổi bật của báo chí lề trái ở Việt Nam.
Marianne Brown là thông tín thường trú tại Hà Nội của hãng thông tấn Đức DPA.
Tác giả bài báo đã dẫn lời một nhà báo nữ giấu tên ở Việt Nam nhận định rằng các trang blog hiện là ‘động lực thay đổi’ môi trường báo chí của Việt Nam hiện nay.
“Sự quan tâm đến vụ Văn Giang gần như hoàn toàn là nhờ vào sự tường thuật sâu rộng của các cây viết blog,” phóng viên này nói.
“Các trang blog đã thúc đẩy các việc tường thuật các vụ việc với việc đưa thêm nhiều thông tin lên các diễn đàn,” bà nói, “Chính quyền không thể làm gì với các thông tin được đưa trên mạng internet.”
Bài báo này cho biết một số phóng viên trong nước đã tìm cách vượt qua sự phong tỏa bằng cách dùng bút danh viết blog. Tuy nhiên chính quyền cũng không hề làm ngơ trước ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của loại hình báo chí độc lập kiểu này.
“Nội dung trên các trang blog được sử dụng ngày càng nhiều ở các phiên tòa để kết án tù các blogger,” bài báo viết.
Bài báo dẫn lời một blogger lấy tên giả là Lê Đức Thích để bảo vệ danh tính cho biết ông thường xuyên bị cảnh sát theo dõi và bài viết của bị săm soi kỹ lưỡng.
“Họ cố gây sức ép để buộc tội đừng viết về các chủ về nhạy cảm,” blogger này cho biết.
Nhà báo Brown cũng đưa dẫn chứng trường hợp của ông Nguyễn Xuân Diện ở Viện Hán Nôm, người vừa bị chính quyền bắt đóng cửa trang blog và bị quấy rối để chứng tỏ chính quyền đang rất bất an với các tay viết blog.
Trong vụ Văn Giang các blog đã đưa thông tin và hình ảnh rất đậm nét và được lan truyền nhanh chóng. Tuy nhiên, báo chí chính thống thì gần như im hơi lặng tiếng về vụ việc nóng bỏng này.
Bài báo dẫn lời một nhà báo trong nước lấy tên giả là Phạm Văn Linh nói ông tin rằng hệ thống kiểm duyệt ở Việt Nam không hề thay đổi mà chỉ có hà khắc hơn mà thôi.
Ông cho rằng chính quyền phải hạn chế báo chí bởi vì họ lo ngại sẽ mất kiểm soát đối với dư luận.
“Nếu họ mất kiểm soát đối với dư luận thì họ sẽ mất chế độ,” ông nói.
Việt Nam hiện được tổ chức Phóng viên không biên giới xếp hạng 172 trong tổng số 179 nước về chỉ số tự do báo chí.
‘Tuyên truyền không hiệu quả’Trao đổi với BBC, ông Dương Xuân Nam, nguyên tổng biên tập báo Tiền Phong, nói rằng phê bình báo chí ‘thương mại hóa’ là ‘không chuẩn’.
“Báo chí muốn tuyên truyền có hiệu quả thì phải bán được chứ,” ông nói và giải thích thêm rằng báo chí cũng là một loại hàng hóa.
Trong tình hình bùng nổ thông tin qua mạng Internet hiện nay, ông Nam cho rằng nhiệm vụ tuyên truyền của báo chí trong nước không còn hiệu quả như trước.
“Chỉ viết một chiều thì không ai đọc thì làm sao mà hiệu quả,” ông nói, “Những tờ báo được cho thì chỉ để trưng trên tủ mà thôi.”
“Không có thông tin đa chiều, ngay cả tôi còn không đọc,” ông nói.
Sự xuất hiện của các trang blog, theo ông Nam, chưa đủ để làm thay đổi diện mạo báo chí Việt Nam, nhưng nó lại thay đổi cách nhận thức, cách tiếp cận thông tin của độc giả theo hướng đa chiều.
“Độc giả không chỉ tìm đến một loại thông tin chính thống mà họ còn tìm kiếm sự phản biện xã hội,” ông nói.
Tuy nhiên ông cho biết hiện nay đa số người dân Việt Nam còn nghe, xem Đài và đọc báo của Nhà nước nên các blog độc lập chưa thật sự có ảnh hưởng cơ bản.
Điều này sẽ thay đổi dần dần, ông cho biết.
“Các blog nếu vì cái chung của đất nước thì tốt chứ sao,” ông nói.
Source: BBC