'Nên chơi đẹp trong văn chương' Nhà văn Thuận tham gia thảo luận của BBC từ Paris
Nhà văn Thuận nhắn các bạn trẻ, "nếu cần danh vọng, cần tiền tài thì không nên viết văn viết thơ," trong Bàn tròn thứ Năm của
BBC hôm 22/10 về chủ đề đạo văn.
Tác giả của nhiều tiểu thuyết xuất bản ở Việt Nam và Pháp khẳng định, "văn thơ đối với tôi là một cuộc chơi và đã chơi thì nên
chơi cho đẹp." (Xem lại thảo luận tại:
http://bit.ly/1NVAjfc )
Nhà thơ Lý Đợi cũng cho rằng, tuy sự việc Phan Huyền Thư có lẽ đã kết thúc, "nhưng vấn đề đạo văn ở Việt Nam chưa bao
giờ kết thúc mà càng lúc càng nhiều hơn vì nhiều lý do, trong đó có chuyện thành tích trong nghiên cứu, sáng tạo, những
thành tích mà người cầm bút muốn hướng đến, vì thế mà rất nhiều người đã đi vào con đường đạo văn."
"Chúng ta nếu soi vào các văn bản khoa học, văn bản hàn lâm ở cấp độ nghiên cứu này kia thì mức độ đạo văn vừa kinh
khủng, trắng trợn mà tinh vi lắm. Cái tạm gọi là giới tinh hoa đã như vậy rồi thì cái đại chúng, cái phổ thông nó sẽ đi theo hệ
quả tất yếu." nhà phê bình văn học nhận xét.
Nhà thơ đương đại với bút danh Lu, cho rằng đạo văn trong thời công nghệ thông tin "là hành động rất dại dột".
"Khi đạo văn người khác tức là mình đã nghĩ mình không đủ tài năng để tạo ra tác phẩm hay, hoặc là do lười biếng."
Bài Bạch lộ trong tập thơ Sẹo Độc lập của Phan Huyền Thư bị cáo buộc đạo lại bài Buổi sáng của bà Phan Ngọc Thường
Đoan.
Hôm 20/10, Hội Nhà văn Hà Nội quyết định thu hồi giải thưởng đã trao tập thơ Sẹo Độc lập. Và đến hôm 22/10, nhà thơ Phan
Huyền Thư đã chính thức xin lỗi lần thứ hai bà Phan Ngọc Thường Đoan về vụ việc này.
'Ranh giới mỏng manh'? Khi được hỏi đâu là ranh giới giữa việc bị ảnh hưởng, lấy cảm hứng từ một tác giả, tác phẩm nào đó và sao chép, nhà thơ Lý
Đợi cho rằng, ranh giới này rất mỏng manh, dễ vỡ ở Việt Nam.
Nhưng nhà thơ Lu nói tuy việc tác giả bị ảnh hưởng vẫn thường xảy ra, và ngay khi tác giả dùng ngôn ngữ đã là một sự mô
phỏng, song người sáng tác cần có "nỗ lực của riêng mình, nỗ lực truyền tải cảm giác cho người khác", nhà thơ trẻ đương đại
nói thêm, "và sớm muộn gì ăn cắp của người khác cũng bị phát hiện thôi".
Đồng tình với quan điểm của Lu, hay tên thật là Nguyễn Hoàng Nam, nhà văn Thuận khẳng định, đây là ranh giới rất rõ ràng,
"không có gì nhập nhờ".
"Không một tác phẩm nghệ thuật nào xuất phát từ số 0 cả, trong mọi ngành. Bây giờ sống ở năm 2015, tất nhiên bạn có bị ảnh
hưởng, nhưng nó chỉ dừng lại ở ảnh hưởng thôi."
Nhà văn dẫn lại lời của tác giả Phạm Thị Hoài: "Những người như thế hệ của chị Hoài đã học được rất nhiều từ nhà thơ Trần
Dần, nhưng nó chỉ là hạt giống thôi. Nếu muốn làm nên một tác phẩm thì phải bỏ sức cá nhân mình vào đó."
"Sáng tác đối với tôi là công việc hoàn toàn cá nhân. Nó rất riêng tư. Tôi không hiểu làm sao có thể lấy tác phẩm của người
khác và lấy tên mình vào đó."
Chữ 'Đạo' Từ khía cạnh luật pháp, ông Phan Vũ Tuấn, chánh Văn phòng Hội Sở hữu Trí tuệ TPHCM nhận xét, cách dùng từ đạo văn
không chính xác khi pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật quốc tế không có khái niệm này.
"Chúng ta không thể quy kết một người vào tội mà pháp luật không quy định.
"Sao chép như thế nào thì được coi là vi phạm? Như ở một số quốc gia, sao chép trên 20% đã bị coi là sao chép rồi. Ở Việt
Nam không có quy định cụ thể về vấn đề này mà quy định là nếu sao chép phần trọng yếu của tác phẩm mới là sao chép.
"Toàn bộ những sự mà chúng ta cho rằng trường hợp này có đạo thơ, đạo văn hoàn toàn là mang tính cảm tính," luật sư
chuyên về bản quyền nói.
Tuy nhiên nhà thơ và là một trong những thành viên chính của nhóm Mở Miệng cho rằng, cách dùng từ 'đạo' như để chỉ tới một
thứ bị ăn cắp.
"Chữ đạo văn ở Việt Nam, người ta muốn đánh vào yếu tố đạo đức, cách dùng của người ta cũng như đạo chích, đạo tặc
vậy," anh Lý Đợi nói trong chương trình của BBC.
Tác giả của Paris 11/8', và gần đây nhất là tiểu thuyết 'Chỉ còn 4 ngày là đến tháng Tư' nhận xét, chuyện ăn cắp đã quá phổ
biến ở Việt Nam, đến nỗi "ăn cắp một bài thơ thì nhiều người cũng nói là thôi bỏ qua đi, phụ nữ mà".
"Tôi nghĩ tinh thần làng xã, tinh thần ba phải của người Việt cũng khá cao.
"Các bạn biết là làng văn làng thơ Việt Nam bây giờ nó yếu kém lắm. Tôi không hiểu là bao giờ nó sẽ mạnh lên, bao giờ sẽ đi
được với các làng văn quốc tế, nhưng tôi chỉ muốn làm sao là ít ra nó yếu thì cũng phải trong sạch một chút."
'Tài sản trí tuệ' Luật sư Phan Vũ Tuấn bày tỏ sự bất đồng quan điểm đối với một số thông tin về bản quyền được đưa trên truyền thông Việt
Nam gần đây. Anh cho rằng, một tác phẩm được bảo hộ ngay khi tác giả đặt bút xuống viết ra tác phẩm đó, mà không cần
phải đăng ký bản quyền.
"Khi anh đặt cây bút lên trên tờ giấy hay khi bàn phím của anh khắc được vào trong ổ cứng những dấu hiệu liên quan đến bài
thơ đó thì bất cứ hình thức nào anh đã viết ra thì anh được bảo hộ ngay thời điểm đó."
Việc đăng ký bản quyền sẽ giúp tác giả đó không phải chứng minh khi có tranh chấp xảy ra mà nhiệm vụ chứng minh quyền
tác giả thuộc về người còn lại.
"Cơ quan duy nhất tại Việt Nam có thể chứng minh rằng tờ giấy đó có hiệu lực để đẩy nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên còn
lại là Trung tâm Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và thể thức đăng ký rất rõ ràng, chi phí thấp," luật sư
nhấn mạnh.
Anh cũng đưa ra lời khuyên tới các nghệ sỹ 'lười' đi đăng ký bản quyền là mỗi năm tự gom tác phẩm của mình lại rồi gửi đảm
bảo qua bưu điện và giữ phong bì đó làm bằng chứng.
Luật sư Tuấn nói việc Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) gần đây khiến người tiêu dùng Việt
cũng như các nhà kinh doanh sản phẩm trí tuệ buộc phải nâng cao ý thức.
"Tuy nhiên việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng phụ thuộc nhiều vào việc cộng đồng được giáo dục về sở hữu trí tuệ như
thế nào.
"Nếu như ngay từ nhỏ chúng ta không cho rằng sao chép bài của bạn bè là việc xấu, thì lớn lên chúng ta có thể sao chép
nhiều thứ khác nhau.
"Nên gọi là tài sản trí tuệ. Nếu là những gì chúng ta làm ra, là tài sản của chúng ta thì chúng ta sẽ bảo vệ nó tốt hơn, chúng ta
thấy đó là tài sản của người khác thì chúng ta sẽ không xâm phạm."
Xem lại toàn bộ chương trình
VIDEO Theo BBC
Sửa bởi người viết 23/10/2015 lúc 01:56:21(UTC)
| Lý do: Chưa rõ