Ông Benjamin Ismail, Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong tổ chức RSFTổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế Phóng viên Không biên giới (RSF) có trụ sở tại Pháp vừa ra phúc trình thường niên một lần nữa liệt kê Việt Nam vào danh sách 5 nước “Kẻ thù của internet 2013” trên thế giới.
Ông Benjamin Ismail, Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong tổ chức RSF dành cho VOA Việt ngữ cuộc trao đổi về những điểm nổi bật đáng chú ý của phúc trình năm nay về tình hình Việt Nam.
Bấm vào đây để nghe cuộc phỏng vấn với RSF về "Việt Nam Kẻ thù của Internet"
VOA: Những yếu tố nào được RSF xem xét khi quyết định đưa Việt Nam vào danh sách các nước “Kẻ thù của Internet 2013”?
Ông Benjamin Ismail: Chúng tôi đưa Việt Nam cùng với Trung Quốc, Bahrain, Syria, và Iran vào danh sách 5 nước “Kẻ thù của Internet” vì các hoạt động theo dõi những tương tác trên mạng internet của những chính phủ này rất phổ biến và phát triển. Việt Nam còn thành lập cả những đội quân trên mạng. Theo ước lượng, lực lượng này có trên 80.000 nhân viên chuyên giám sát các hoạt động của cư dân mạng, các trang blog hay các trang mạng xã hội chỉ trích đảng cộng sản hay chế độ. Đội ngũ vừa kể được huấn luyện các khả năng nghiệp vụ để truy ra tung tích tác giả của những lời chỉ trích, bất đồng quan điểm với nhà nước.
VOA: Danh sách “Kẻ thù của Internet” không xếp hạng các nước bị liệt kê theo thứ tự dựa trên mức độ vi phạm tự do internet?
Ông Benjamin Ismail: Không, danh sách này không xếp hạng mà chỉ liệt kê các nước đã trở thành “Kẻ thù của internet”. Ngoài ra, chúng tôi còn có danh sách các nước đang nằm trong vòng theo dõi và danh sách các công ty là kẻ thù của internet gồm 5 công ty tư chuyên bán các sản phẩm thường được các chính phủ dùng để vi phạm nhân quyền và quyền tự do thông tin của công dân. Các nước bị xem là “Kẻ thù của internet” là những nơi rõ ràng đang kiểm duyệt internet, kiểm soát các luồng thông tin, áp dụng các kỹ thuật và chiến thuật để theo dõi các hoạt động trên mạng internet của người dân.
VOA: So với các phúc trình về “Kẻ thù của Internet” trong những năm trước, báo cáo năm nay về tình hình Việt Nam có gì khác hơn hay nổi bật?
Ông Benjamin Ismail: Phúc trình năm nay khác biệt ở chỗ chúng tôi chỉ ra một số trường hợp cụ thể và kỹ thuật mà nhà cầm quyền áp dụng. Chúng tôi có một số thông tin gốc và những lời khai chứng từ các blogger là nạn nhân của tình trạng kiểm duyệt. Họ cho chúng tôi biết họ bị giám sát thế nào bằng nhiều cách thức kể cả bị theo dõi qua mạng, qua điện thoại, và thậm chí trong các sinh hoạt hằng ngày. Nhiều blogger bị buộc phải hạn chế việc viết blog vì bản thân họ bị đe dọa, bị cản trở, ngăn cấm hoặc gia đình họ bị sách nhiễu. Những nạn nhân này chịu sự áp bức chỉ vì họ viết về những thông tin liên quan đến nhân quyền, dân chủ hay các chủ đề bị xem là nhạy cảm ở Việt Nam như quan hệ Việt-Trung và tranh chấp Biển Đông, chỉ vì họ bày tỏ quan điểm cá nhân về các vấn đề được công luận quan tâm và truyền tải thông tin cho nhiều người được biết.
VOA: Việt Nam bị liệt kê trong danh sách “Kẻ thù của Internet” bao lâu rồi, thưa ông?
Ông Benjamin Ismail: Việt Nam lọt vào danh sách “Kẻ thù của Internet” kể từ khi danh sách này ra đời. Từ năm 2008, Tổ chức Phóng viên Không biên giới bắt đầu đánh dấu ngày Thế giới chống kiểm duyệt internet. Như vậy tính tới nay, Việt Nam đã có tên trong danh sách này 5 năm liên tiếp.
VOA: Những điểm đáng lưu ý về trường hợp của Việt Nam trong phúc trình năm nay là gì?
Ông Benjamin Ismail: Trường hợp của Việt Nam năm nay chúng tôi nêu bật các đội quân công an mạng của nhà nước và các luật lệ hỗ trợ cho việc đàn áp, sách nhiễu quyền tự do internet, tự do báo chí, và tự do ngôn luận của công dân. Hà Nội không chỉ nỗ lực theo dõi các blogger và những người bất đồng chính kiến trên mạng mà còn ban hành các quy định hầu buộc tội và kết án các blogger chỉ trích nhà nước, quy kết họ vào các tội danh liên quan đến an ninh quốc gia như “tuyên truyền chống nhà nước”, “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”, hay có liên hệ với đảng Việt Tân, một tổ chức chính trị hải ngoại cổ xúy dân chủ ôn hòa mà Việt Nam gọi là “khủng bố”. Khi không đủ yếu tố kết tội quyền viết blog chính đáng của các công dân mạng, để bắt giữ, giam cầm những người hành xử nhân quyền căn bản, nhà cầm quyền Việt Nam thường dùng các cáo buộc về “an ninh” kiểu này như trong vụ án của hàng loạt các blogger thanh niên Công giáo, hoặc dùng các cáo buộc về tội “trốn thuế” như đối với blogger Điếu Cày và luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân. Qua chiêu thức sử dụng các cáo buộc này, Hà Nội tìm cách tránh những chỉ trích về vi phạm nhân quyền từ cộng đồng quốc tế.
VOA: Trong khi Tổ chức Phóng viên Không biên giới liệt kê Việt Nam vào danh sách “Kẻ thù của Internet”, Hà Nội khẳng định Việt Nam là một trong những nước phát triển internet nhanh nhất trên thế giới, xếp hạng 18 trên toàn cầu, đứng thứ 8 ở Châu Á, và hạng 3 ở khu vực Đông Nam Á về số người sử dụng net với trên 31 triệu người mà theo Liên hiệp Viễn thông Thế giới, Việt Nam đang đứng nhì Châu Á-Thái Bình Dương trong việc phát triển internet. Ý kiến của RSF thế nào?
Ông Benjamin Ismail: Phạm vi nội dung khảo sát mà Liên hiệp Viễn thông Thế giới dùng trong việc xếp hạng về phát triển internet hoàn toàn khác so với phạm vi khảo sát của chúng tôi. Dĩ nhiên một nước có thể có đông dân sử dụng net, đó là sự phát triển internet. Nhưng điều đó không có nghĩa là các cư dân mạng ở đó được truy cập, tiếp nhận, và phổ biến thông tin trên mạng internet một cách tự do. Tất cả các hoạt động mạng của cư dân net tại Việt Nam đều bị nhà nước kiểm soát chặt chẽ và Hà Nội không ngừng nâng cấp thiết bị, kỹ thuật để theo dõi, kiểm duyệt nội dung trao đổi trên mạng internet để cấm chặn những ý kiến chỉ trích, bất đồng với nhà nước. Nói cách khác, Việt Nam phát triển internet nhưng là kẻ thù của quyền tự do internet.
Tình hình tự do báo chí trên thế giới năm 2013 do RSF thực hiệnVOA: Vai trò và tầm quan trọng của phúc trình về “Kẻ thù Internet 2013” ra sao?
Ông Benjamin Ismail: Thông điệp mà phúc trình của Tổ chức Phóng viên Không biên giới muốn gửi đến cộng đồng quốc tế và người dân tại Việt Nam là chúng tôi đang theo sát tình hình tại Việt Nam, ủng hộ cư dân mạng Việt Nam, những người nỗ lực tranh đấu cho các nhân quyền căn bản của con người bao gồm quyền tự do bày tỏ quan điểm và tự do thông tin. Qua việc bênh vực các blogger bị đàn áp, chúng tôi ủng hộ quyền của công dân Việt Nam như các công dân khác trên thế giới phải được tiếp cận độc lập các nguồn thông tin tự do. Chúng tôi muốn thế giới biết rằng tình hình nhân quyền tại Việt Nam đang ngày càng tồi tệ hơn, đáng được cộng đồng quốc tế lưu tâm hơn nữa. Năm ngoái, RSF có phát động chiến dịch tại Pháp kêu gọi những người hoạt động du lịch và du khách Pháp chú ý tới Thái Lan, Việt Nam, và Mexico rằng ba nơi này có thể là địa điểm du lịch hấp dẫn, nhưng thực tế cuộc sống của người dân tại đây thì hoàn toàn khác. Phúc trình của chúng tôi năm nay là một thông điệp đánh động sự quan tâm của công luận thế giới và các cơ chế quốc tế như Liên hiệp quốc và Liên hiệp Châu Âu về tình hình tự do ngôn luận, tự do internet tại Việt Nam.
VOA: Xin chân thành cảm ơn ông Benjamin Ismail, Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong tổ chức RSF, đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
Source: VOA