![UserPostedImage](http://scd.vi.rfi.fr/sites/viet.filesrfi/imagecache/rfi_16x9_1024_578/sites/images.rfi.fr/files/aef_image/2016-02-01T102807Z_1979623760_LR1EC210T1Q9E_RTRMADP_3_FRANCE-CUBA%281%29_0.JPG)
Chủ tịch Cuba Raul Castro tại Khải Hoàn Môn, Paris, ngày 01/02/2016. REUTERS/Jacky Naegelen
Trái với đồn đãi, các lãnh đạo Cuba tương đối trẻ, các bộ trưởng hiện nay ở lứa tuổi 40-50. Đa số các nhà phân tích từ lâu không còn cho rằng sẽ có việc cha truyền con nối. Trong số bốn người con của ông Raul Castro, chỉ có bà Mariela, nhà đấu tranh cho quyền của người đồng tính, và đại tá Alejandro Castro là được dân chúng biết đến.
Chuyến viếng thăm Pháp cấp Nhà nước đầu tiên từ nhiều năm qua của chủ tịch Cuba Raul Castro. Vòng sơ bộ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ khởi động từ hôm nay 01/02/2016 tại bang Iowa. Đàm phán giữa các bên tham chiến ở Syria bắt đầu tại Genève. Đó là những đề tài chính được các báo Pháp ra ngày hôm nay chú ý.
« Thảm đỏ cho ông Raul Castro », Le Figaro ghi nhận khi lần đầu tiên những lá cờ Cuba phấp phới trên đại lộ Champs-Elysées. Le Monde nhận xét, trước đây khi đệ nhất phu nhân Danielle Mitterand tiếp đón ông Fidel Castro năm 1995, tuy chỉ thăm không chính thức nhưng cũng gây nhiều bối rối. Còn bây giờ « ngoại giao kinh tế » vượt lên trên, và ông Raul Castro được tiếp với những nghi thức cao nhất.
Tổng thống Pháp François Hollande là nguyên thủ châu Âu đầu tiên đến thăm La Habana hồi tháng 5/2015, sau khi Hoa Kỳ và Cuba bình thường hóa quan hệ tháng 12/2014. Pháp hy vọng vào thỏa thuận với Cuba hôm 12/12/2015 giữa Câu Lạc Bộ Paris do Pháp làm chủ tịch, về việc tái cơ cấu món nợ 16 tỉ đô la mà La Habana không trả nổi năm 1986 nên không thể vay tiếp.
Nga là nước đầu tiên đã xóa nợ đến 90%, (khoảng 35 tỉ đô la), số nợ còn lại các nước phương Tây đã miễn lãi phạt trả chậm. Riêng 4,6 tỉ đô la Cuba còn nợ Pháp, Paris muốn thương lượng dành 360 triệu đô la cho các dự án phát triển với sự tham gia của các công ty Pháp. Chẳng hạn mạng lưới thoát nước của La Habana lạc hậu từ nửa thế kỷ, hay giao thông công cộng, du lịch…
Từ khi ông Raul Castro lên nắm quyền, tăng trưởng không vượt quá 2,8%, đất nước vẫn thiếu thốn mọi thứ và lệ thuộc vào nhập khẩu. Bộ trưởng Kinh Tế Rodrigo Malmierca ước tính đảo quốc cần 8 tỉ đô la để có thể cất cánh. Le Monde trích lời một doanh nhân châu Âu nhận định : « Cấm vận của Mỹ không phải là trở ngại chính, mà là sự thiếu an toàn về luật pháp và mơ hồ về quyền sở hữu ». Bên cạnh đó còn là tính thiếu minh bạch trong ngân sách, dự trữ ngoại hối nghèo nàn, thiếu vắng tự do báo chí.
Sau Raul Castro, khó có việc cha truyền con nốiLe Figaro quan tâm đến « Sự kế tục chính trị bất định tại Cuba » : ông Raul Castro khẳng định sẽ không ứng cử sau khi kết thúc nhiệm kỳ năm 2018. Nhân vật số hai là Miguel Diaz Canel sẽ lên thay, và như vậy ông này sẽ là chủ tịch đầu tiên của Cuba từ năm 1958 chưa hề tham gia cách mạng – một khuyết điểm đáng kể. Ông Canel không tham gia cuộc thương lượng Mỹ-Cuba năm ngoái, dù vị trí của ông chỉ sau Raul Castro.
Năm nay 84 tuổi, mười năm nắm quyền và 58 năm phục vụ cho chính quyền của người anh Fidel, ông Raul Castro có đời sống chính trị hết sức « thọ ». Những người chống đối cho rằng ông chỉ trụ được một thời gian ngắn, chứ không có uy lãnh đạo. Ít có những bài diễn văn hùng biện nhưng tràng giang đại hải, tính cách không nổi bật, nhưng chính con người luôn đứng sau hậu trường, bộ trưởng các lực lượng vũ trang cách mạng suốt 50 năm đã cứu vãn chế độ Castro sau khi Liên Xô sụp đổ.
Trái với đồn đãi, các lãnh đạo Cuba tương đối trẻ, các bộ trưởng hiện nay ở lứa tuổi 40-50. Đa số các nhà phân tích từ lâu không còn cho rằng sẽ có việc cha truyền con nối. Trong số bốn người con của ông Raul Castro, chỉ có bà Mariela, nhà đấu tranh cho quyền của người đồng tính, và đại tá Alejandro Castro là được dân chúng biết đến.
Trừ phi có một cuộc nổi dậy, các nhà quan sát ưu tiên cho giả thiết một sự thay đổi dần ban lãnh đạo. Quân đội Cuba, sở hữu các công ty quốc doanh béo bở nhất, giám sát rất kỹ. Phe đối lập thì chia rẽ với hàng trăm phong trào khác nhau, không được người dân biết đến. Cho đến nay, chưa có lãnh tụ đối lập nào đề ra được một chương trình cho đất nước ; và chế độ tố cáo – không phải là không có lý - các nhà ly khai nhận tiền từ « các tổ chức nước ngoài thù địch ».
Ẩn số vẫn là Mỹ. Nếu ít nhất đến năm 2012 Hoa Kỳ vẫn còn dùng bàn tay CIA để mưu toan lật đổ chế độ, thì La Habana cho Washington biết sẵn sàng đối thoại về mọi thứ, trừ việc đụng đến hệ thống chính trị Cuba.
Người dân Cuba có ý kiến khác nhau về ảnh hưởng trong tương lai của Hoa Kỳ, đặc biệt là việc giao trả những tài sản của người Mỹ bị cách mạng tịch thu thời trước. Gia đình của Meyer Lansky, một ông trùm mafia, chủ cũ khách sạn nổi tiếng Riviera ở thủ đô Cuba tháng trước đã đòi lại tài sản, và bộ Tư Pháp Mỹ phụ trách thương lượng. Vụ này đã đến tai người dân La Habana.
Liệu Hoa Kỳ có thay đổi quan điểm trong việc xích lại gần Cuba ? Các chuyên gia cho rằng mọi việc đã tiến triển rất nhanh, khó thể quay lui, dù nếu ông Trump hay ông Rubio lên thì sẽ khó khăn hơn. Còn đối với người dân Cuba, họ sợ nói đến chính trị nhưng ngày càng khao khát được tự do nhiều hơn và có thu nhập khá hơn. Tóm lại theo Le Figaro, là mong muốn dân chủ tuy không nhìn nhận điều này.
Theo RFI