Vụ Panama: Người Việt và tài khoản ở đảoHầu hết các tài khoản từ Việt Nam đăng ký ở Virgin Islands thuộc Anh
Một số trong gần 190 cá nhân và tổ chức từ Việt Nam có tên trong Hồ sơ Panama đã lên tiếng với truyền thông trong nước trong khi cơ quan thuế nói sẽ điều tra.
Bà Đàm Bích Thủy, cựu Giám đốc điều hành của Ngân hàng ANZ, nói với trang Zing rằng đây có thể là chuyện mới ở Việt Nam nhưng ở nước ngoài có tài khoản không phải ở nước mình là điều bình thường và nói thêm:
"Cũng vì vậy mà khi thấy danh sách có tên tôi, rất nhiều người quen hỏi thăm, tôi cũng vui vẻ chia sẻ để mọi người hiểu."
Trong khi đó ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) được Thời báo Kinh tế Việt Nam dẫn lời nói việc mở tài khoản tại nước ngoài đã được cấp phép.
Ông cũng "mong muốn cơ quan quản lý sớm giải pháp để tránh đánh thuế hai lần với hoạt động đầu tư ra nước ngoài đối với công ty của ông."
Một số báo cũng dẫn thông cáo báo chí của SSI và Công ty trách nhiệm hữu hạn Nguyễn Duy Hưng nói:
“Hiện tại, cũng chưa có bất kỳ quốc gia nào cấm hành động mở công ty ở nước ngoài để quản lý tài sản, rất nhiều quỹ đầu tư, cả ở Việt Nam và thế giới sử dụng các công ty ở nước ngoài làm pháp nhân cho thực hiện các hoạt động kinh doanh của mình.
"Do đó, chúng tôi một lần nữa khẳng định việc một công ty đầu tư ra nước ngoài khi đã được Cơ quan quản lý cấp phép là hoàn toàn bình thường, minh bạch và tuân theo quy định của pháp luật."
Trên Facebook của ông, Chủ tịch SSI cũng có ý nói cùng một tài khoản hải ngoại nhưng có người sẽ sử dụng vào mục đích chính đáng và cũng có người có những cách dùng bất hợp pháp nhưng không thể đánh đồng hai cách sử dụng này.
Trong lúc đó báo Dân Trí nói Tổng cục Thuế đã "họp gấp" về vụ việc chiều 10/5 và "quyết định lập ngay một tổ công tác điều tra về nghĩa vụ thuế đối với 189 tổ chức, cá nhân Việt Nam có tên trong hồ sơ này."
Vụ Thanh tra của Tổng cục sẽ đóng vai trò tổ chức điều tra.
Cũng trong tuần này, giáo sư Pháp Thomas Piketty, tác giả cuốn ‘Tư bản trong thế kỷ 21’ cùng chừng 300 nhà kinh tế hàng đầu đã ký thư yêu cầu xóa bỏ các ‘thiên đường thuế’.
Trong số họ có ông Angus Deaton, nhà kinh tế được giải Nobel 2015, ông Ha-Joon Chang, nhà kinh tế từ ĐH Cambridge, Nora Lustig, giáo sư ĐU Tulane, Jeffrey Sachs, giáo sư, cố vấn cho Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, và ông Olivier Blanchard, cựu kinh tế gia trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Trả lời kênh BBC Radio 4, GS Sachs giải thích vì sao ông và những người khác ký thỉnh nguyện thư gửi lên chính phủ Anh và Hoa Kỳ trước một hội nghị chống tham nhũng tại London.
Ông cho rằng “thông điệp các chính trị gia cần gửi ra là họ không đầu hàng trước những vận động hành lang của giới giàu có và thất bại trong việc cải cách” hệ thống tài chính và thuế toàn cầu.
Ông cũng gọi thiên đường thuế là “các lỗ hổng tạo ra vì sự tiện lợi của những người giàu có và đầy thế lực”.
Đảo Virgin
Hầu hết các cá nhân và tổ chức liên quan tới Việt Nam có tài khoản tại Virgin Islands thuộc Anh.
Đây là quần thể 40 đảo lớn nhỏ ở vùng Caribbe nổi tiếng với khí hậu cận nhiệt đới, những bãi cát trắng và các rặng san hô.
Kinh tế của Virgin Islands phụ thuộc chủ yếu vào du lịch và dịch vụ tài chính hải ngoại cho các công ty và cá nhân.
Những công dân của đảo này đã được quyền lấy hộ chiếu Anh từ năm 2002, cũng là năm mà Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế bỏ Virgin Islands ra khỏi danh sách các thiên đường thuế bất hợp tác mặc dù chính phủ Anh vẫn kêu gọi đảo này và nhiều đảo trực thuộc cải thiện luật lệ trong báo cáo hồi năm 2009.
Tới năm 2013, Virgin Islands cùng các đảo Bermuda, Cayman Islands, Anguilla, Montserrat cùng Turks và Caicos Islands ký hiệp định chia sẻ thông tin thuế với Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha.
Đảo được nhà thám hiểm Christopher Columbus đặt tên, tiếng Việt có nghĩa là 'trinh nữ', hồi năm 1493 và người Hà Lan đã định cư ở đây tới năm 1666. Đảo chính Tortola đã bị toàn quyền đảo Leeward Islands sáp nhập hồi năm 1672 và 200 năm sau toàn bộ Virgin Islands cùng Leeward Islands trở thành thuộc địa của Anh.
Thuộc địa này được cai quản theo dạng liên bang tới năm 1956 và chuyển dần sang chế độ tự quản hạn chế trong thập niên 60. Quyền tự quản này mở rộng dần và tới năm 2002 các công dân đảo này được quyền nhận hộ chiếu Anh.
Theo hiến pháp mới thông qua hồi năm 2007, Virgin Islands có quyền tự trị lớn hơn nữa và vị trí thủ hiến được lập ra thay vị trí tổng trưởng trong vài trò người đứng đầu chính quyền.
Theo BBC