logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 24/06/2016 lúc 08:01:50(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,273

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Cử tri Anh Quốc bỏ phiếu thuận cho Brexit

UserPostedImage
Phe ủng hộ Brexit ăn mừng chiến thắng sau cuộc trưng cầu dân ý. Đêm 23, sáng 24/06/2016 tại Luân Đôn - Anh.
REUTERS/Toby Melville TPX IMAGES OF THE DAY

Theo kết quả chính thức được uỷ ban bầu cử công bố sáng nay, 24/06/2016, trong cuộc trưng cầu dân ý hôm qua, 51,9% cử tri Anh Quốc đã bỏ phiếu thuận cho Brexit, tức là cho việc nước này ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Đây được coi như là một trận động đất làm rung chuyển không chỉ lục địa châu Âu, mà còn cả thế giới.

Như vậy là bất chấp những cảnh báo về thảm họa kinh tế trong trường hợp Anh Quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, đa số cử tri nước này đã tin vào lời hứa giành lại độc lập từ Bruxelles và qua đó ngăn chặn làn sóng di dân từ các nước khác trong Liên Hiệp, một trong những đề tài chủ yếu trong chiến dịch vận động vừa qua.

Trước khi có kết quả trưng cầu dân ý xác nhận xu hướng Brexit thắng thế, lãnh đạo của đảng bài châu Âu Ukip, Nigel Farage đã « mơ đến một nước Anh độc lập ». Về phần thủ tướng David Cameron, người đã vận động cho việc ở lại Liên Hiệp Châu Âu và cũng là người đề nghị lấy ý kiến người dân, ông đã tuyên bố sẽ từ chức để nhường chỗ cho một người khác thương lượng với Liên Hiệp Châu Âu về việc ra khỏi khối này.

Thủ tướng Cameron cho biết ông sẽ giữ chức này cho đến mùa thu năm nay và cho đến khi đảng bảo thủ của ông chỉ định một lãnh đạo mới trong kỳ đại hội vào tháng 10. Ông Cameron cũng trấn an các thị trường và các nhà đầu tư là nền kinh tế Anh Quốc về căn bản vẫn rất vững chắc.

Nhưng nguy cơ trước mắt đó là Vương quốc Anh có thể bị tan rã, vì nữ thủ tướng Scotland Nicola Sturgeon vừa tuyên bố là muốn vùng này nằm trong Liên Hiệp Châu Âu, hé mở khả năng tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập của Scotland đối với Vương quốc Anh. Tại Bắc Ireland, đảng Sein Fein, chủ trương ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu, cũng đã kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về một nước Ireland thống nhất.
Theo RFI
song  
#2 Đã gửi : 24/06/2016 lúc 08:05:43(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,273

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Brexit: Châu Âu phản ứng cẩn trọng

UserPostedImage
Nigel Farage - lãnh đạo của Đảng Ukip, sau tuyên bố chiến thắng của phe Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý. Ảnh chụp hôm 24/06/2016.
REUTERS/Toby Melville

Như vậy là nước Anh đã xác định chọn lựa của mình: Ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu với tỷ lệ phiếu ủng hộ gần 52%. Mặc dù đã dự đoán trước được tình hình, nhưng với kết quả chính thức đưa ra cũng đã làm rung chuyển giới chính khách Châu Âu. Nhiều lãnh đạo Châu Âu kêu gọi các nước thành viên giữ bình tĩnh và nên thận trọng trước khi đưa ra các quyết định.

Một loạt các cuộc họp đã được tổ chức từ sáng nay tại nhiều nước thành viên và lãnh đạo của các định chế của Liên Hiệp. Tại Pháp, sau một phiên họp khẩn cấp, Tổng thống François Hollande vào cuối buổi sáng hôm nay, 24/06/2016, trong một bài phát biểu ngắn đã “rất lấy làm tiếc” về kết quả trên của cuộc trưng cầu dân ý. Ông trịnh trọng kêu gọi sự “bật dậy” của Liên Hiệp Châu Âu để tránh một sự “chọn lựa đau đớn” như của Anh quốc.

Lãnh đạo Pháp nhấn mạnh là Liên Hiệp Châu Âu “không thể làm như trước được nữa” và giờ cần phải “tập trung vào điều cốt lõi”, một lộ trình hành động mà trong đó ưu tiên hàng đầu phải là “đầu tư để tăng trưởng và tạo công ăn việc làm”, “hài hòa thuế khóa và xã hội” cũng như là “củng cố khu vực đồng euro và cách điều hành dân chủ”.

Tại Đức, thủ tướng Angela Merkel kêu gọi 27 nước thành viên còn lại trong khối nên dành nhiều thời gian để suy nghĩ, đừng nên vội vã đưa ra các quyết định quá “nhanh và đơn giản”, vì điều này có nguy cơ gây chia rẽ hơn nữa Liên Hiệp Châu Âu.

Về phần mình, ông Jean-Claude Juncker, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu đã có những lời lẽ trấn an cho rằng việc Anh Quốc bỏ phiếu ra khỏi Liên Hiệp cũng không có nghĩa với việc khởi đầu cho sự chấm dứt Liên Hiệp. Đối với nhiều nghị sĩ Châu Âu, thắng lợi của phe Brexit là một thất bại và đây là cơ hội để xây dựng lại nền tảng của Châu Âu như ý tưởng lúc ban đầu, đảm bảo dân chủ và tôn trọng các giá trị, sự thịnh vượng, tự do và hòa bình bằng tình đoàn kết.

Tuy nhiên, đối với những ai bài Châu Âu, thì thắng lợi của Brexit này lại là một thành công lớn. Đương nhiên lãnh tụ đảng Ukip tại Anh sẽ là người vui mừng nhất cho rằng nước Anh đã “tìm lại được độc lập”. Đảng cực hữu tại Pháp, thông qua tuyên bố của lãnh đạo là bà Marine Le Pen, đã hoan nghênh một “thắng lợi của tự do”. Bà đã lên tiếng yêu cầu một cuộc trưng cầu dân ý về việc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu tại Pháp cũng như là tại nhiều nước khác trong khối.
Theo RFI
song  
#3 Đã gửi : 24/06/2016 lúc 08:09:40(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,273

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Châu Âu đốt đuốc tìm lãnh đạo

UserPostedImage
Thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Pháp François Hollande tại Paris. Ảnh chụp ngày 27/10/2015.
REUTERS/Charles Platiau

Tất cả báo Pháp đều không kịp đưa kết quả trưng cầu dân ý tại Anh Quốc với phe « đi ra » chiếm đa số. Nhật báo kinh tế Les Echos vẫn còn đề tựa : « Hầu hết các thị trường đều tin phe ở lại chiến thắng ». Le Figaro nhìn về tương lai với tựa : « Sau bầu chọn, Liên Hiệp Châu Âu phải lo chuyện tương lai ».

Dự báo ngầm Anh Quốc ra đi, nhật báo thiên hữu cho là sau nhiều năm dài bị xu hướng « hoài nghi » từ bên kia biển Manche lan qua làm tê liệt, trưng cầu dân ý tại Anh là một cơ hội để Liên Hiệp Châu Âu bật dậy, hướng về tương lai và tìm một nhà lãnh đạo để đi tới. Nhưng thực tế của châu lục này là giới lãnh đạo chính trị từ Berlin cho đến Paris, từ Roma cho đến Madrid đều mỏi mệt, hoặc sắp rời chức vụ và rất có thể không đủ khả năng, bản lĩnh để vực dậy một dự án chung cho Liên Hiệp Châu Âu sau 60 năm hao mòn.

Nước Đức và các thành viên Bắc Âu mỏi mệt vì đã đóng góp khá nhiều. Cử tri nào đồng ý đóng góp thêm với lý do để « hội nhập » hơn nữa ? Nguy cơ thứ hai gây lo ngại cho tiến trình củng cố Liên Hiệp Châu Âu là thành phần điều hành Ủy Ban Châu Âu gồm đông đảo chuyên gia, kỷ trị ít quan tâm đến ưu tư của người dân như nạn thất nghiệp, kinh tế tăng trưởng thấp, lo âu thế hệ con cái không có cuộc sống bảo đảm. Ngay bản thân chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Jean-Claude Juncker, một người bị Anh Quốc xem là nguy hiểm vì chủ trương thành lập « liên bang Châu Âu » cũng phải nhìn nhận là cần phải « rút ra bài học » đang làm dư luận chống Bruxelles. Cho dù các nước Nam Âu có xu hướng thắt chặt mối dây liên đới nhưng Ý và Tây Ban Nha đang bước vào chu kỳ bất trắc. Thủ tướng Ý Matteo Ranzi và liên minh trung tả bị phong trào xã hội « Năm Sao » đoạt mất ghế đô trưởng Roma và thị trưởng Turino. Ở Tây Ban Nha, tổng tuyển cử vào Chủ nhật này với phe cực tả Podemos chờ chia quyền, sau sáu tháng bế tắc chính trị.

Lãnh tụ châu Âu : Merkel hay Hollande ?

Ngày thứ Sáu hôm nay, mọi kỳ vọng đặt lên vai tổng thống Pháp François Hollande, và thủ tướng Đức Angela Merkel. Thế nhưng, theo Le Figaro, những ai tin cậy vào hai nhân vật này sẽ thất vọng hai lần.

Tổng thống Pháp đang mất uy tín trong công luận. Trong quan hệ song phương, sau bốn năm cầm quyền của François Hollande, hai nhà lãnh đạo Pháp - Đức không cải thiện được mối quan hệ song phương. Hậu quả là hai dự án lớn là chính sách phòng thủ chung và tiền tệ dậm chân tại chỗ. Không còn Anh Quốc thì chính sách an ninh chung sẽ tiếp tục bị hỏng vì quân đội Pháp và Đức không có cùng « học thuyết » chiến đấu. Tuy quân đội Đức đang được tăng cường trang bị khá hùng hậu nhưng khác với quân đội Pháp, không có chuẩn bị để can thiệp như đoàn quân viễn chinh.

Không hẹn mà nên, Libération và La Croix đặt vấn đề biên giới của Châu Âu. Theo nhận định của hai dân biểu nghị viện Châu Âu trên nhật báo cánh tả độc lập thì châu Âu cần « một biên giới mới », thành viên nào muốn ra thì ra. Còn đối với chuyên gia Michel Foucher trên nhật báo Công giáo thì châu Âu là một tập hợp đa dạng tuy có cùng biên giới tân tiến, văn minh và dân chủ, nhưng phải tôn trọng tính đa dạng này, đừng ép buộc nhau sử dụng chung một màu. Năm 1946, thủ tướng Anh Churchill đã từng khẩn thiết kêu gọi « thành lập một Liên Bang Châu Âu » nhưng ông nói thêm là « Anh Quốc không tham gia ».
Theo RFI
song  
#4 Đã gửi : 24/06/2016 lúc 08:19:57(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,273

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Brexit : Liên Hiệp Châu Âu cố ngăn chặn hiệu ứng domino

UserPostedImage
Phe ủng hộ Brexit ăn mừng chiến thắng hôm 24/06/2016.
REUTERS/Neil Hall

Sau cú sốc của trận động đất Brexit, một câu hỏi đang được đặt ra : "Liên Hiệp Châu Âu có sẽ sống sót được khi nước Anh không còn ở trong khối này ? ". Có thể là hãy còn quá sớm để trả lời câu hỏi đó, nhưng một điều chắc chắn là Brexit sẽ buộc Liên Hiệp Châu Âu, sẽ chỉ còn 27 thành viên, phải có những thay đổi căn bản để đáp ứng dư luận ngày càng hoài nghi về dự án châu Âu hợp nhất.

Trước mắt, các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu đang nỗ lực trấn an dư luận ở lục địa này để tránh hiệu ứng domino từ Brexit, nhất là vì phe cực hữu ở một số nước như Pháp, Hà Lan, Ý hôm nay đã đòi tổ chức trưng cầu dân ý tương tự như ở Anh.

Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk, phát biểu nhân danh các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, hôm nay đã bày tỏ quyết tâm duy trì sự đoàn kết của 27 nước thành viên. Ông bảo đảm rằng từ đây đến khi nước Anh chính thức ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, luật lệ của châu Âu sẽ tiếp tục được áp dụng đối với Luân Đôn, cả về các quyền cũng như về các nghĩa vụ của nước này.

Trên đài truyền hình Đức ZDF hôm nay, chủ tịch Nghị Viện Châu Âu Martin Schulz cũng khẳng định rằng sẽ không có « phản ứng dây chuyền », như hy vọng của phe chống châu Âu hợp nhất.

Sau các cuộc họp khẩn cấp giữa các lãnh đạo châu Âu hôm nay, ngày mai, ngoại trưởng của các 6 nước sáng lập viên Cộng Đồng Kinh Tế Châu Âu, tiền thân của Liên Hiệp Châu Âu, dự kiến họp tại Đức. Cuộc họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu trong hai ngày 28 và 29/06 chắc chắn sẽ chủ yếu bàn về Brexit và những hậu quả cũng như các thủ tục của cuộc « ly dị » này.

Trước đó, 28 ủy viên châu Âu sẽ họp lại ngay từ thứ hai tuần tới, 27/06/2016, để bàn cụ thể các thủ tục pháp lý sẽ rất phức tạp. Ngay cả trước khi có kết quả trưng cầu dân ý về Brexit, các luật gia của Ủy Ban Châu Âu đã được yêu cầu khoan đi nghỉ hè để có thể bắt tay ngay vào « công trình » tư pháp đồ sộ này. Ủy Ban Châu Âu cũng vừa yêu cầu Anh Quốc nhanh chóng tiến hành thương lượng về thủ tục ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.

Ngoài việc trấn an dư luận, Liên Hiệp Châu Âu còn phải trấn an các thị trường tài chính. Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu vừa ra tuyên bố bảo đảm rằng hệ thống ngân hàng của khu vực euro đủ vốn và thanh khoản để kháng cự với Brexit và nếu cần sẽ bơm thêm thanh khoản bằng đồng euro và ngoại tệ vào để ổn định các thị trường.

Những người lạc quan thì nghĩ rằng việc Anh Quốc quyết định ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu có thể là một cú sốc « cứu rỗi », vì nó sẽ thúc đẩy việc hình thành một châu Âu « hai vận tốc », với một nhóm quốc gia « hạt nhân » hội nhập ngày càng chặt chẽ hơn và một nhóm các quốc gia khác bao quanh hạt nhân này, vẫn là thành viên Liên Hiệp Châu Âu nhưng được miễn trừ một số điểm về mặt tư pháp, nội vụ, thậm chí tiền tệ. Có lẽ với một cơ cấu như vậy, Liên Hiệp Châu Âu sẽ có thể sống sót sau cơn chấn động lịch sử hôm qua.
Theo RFI
song  
#5 Đã gửi : 24/06/2016 lúc 08:25:42(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,273

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Cú sốc trên các thị trường tài chính sau Brexit

UserPostedImage
Thị trường cổ phiếu đã sụt giảm ngay sau khi phe Brexit thắng
REUTERS/Russell Boyce

Brexit đã tạo nên một cú sốc lớn cho các thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường tài chính ở châu Âu.

Đồng bảng Anh sụt giá xuống mức thấp kể từ năm 1985. Các thị trường chứng khoán ở châu Âu, nạn nhân của « ngày đen tối » này, đều sụt giảm ngang với mức sụt giảm vào thời điểm Ngân hàng Mỹ Lehman Brother phá sản năm 2008. Suy giảm là tình trạng chung ở châu Âu, trước tiên là trên lĩnh vực ngân hàng : các Ngân hàng Deutsche Bank và Crédit Agricole giảm 14%, ngân hàng BNP Paribas giảm hơn 16% và ngân hàng Société générale giảm gần 20%.

Vào phiên giao dịch giữa ngày, thị trường chứng khoán Paris giảm 8%, thị trường chứng khoán Francfort giảm 7% và thị trường chứng khoán Luân Đôn giảm 5%.

Còn các thị truờng tài chính châu Á cũng đều có phản ứng lo ngại. Thông tín viên Frédéric Charles cho biết phản ứng của thị trường Tokyo vào sáng nay :

« Đồng bảng Anh tại châu Á xuống tới mức thấp nhất kể từ 30 năm qua, bị mất giá tới 10%. Đồng yên của Nhật Bản thì tăng vọt, lên giá 6% so với đô la Mỹ, đồng euro cũng bị giảm giá.

Chính phủ Nhật đã triệu tập khẩn cấp các bộ trưởng Kinh Tế và Tài Chính. Để trấn an, bộ trưởng Kinh Tế Nhật Bản khẳng định là Tokyo vẫn muốn từ nay đến cuối năm, sẽ ký kết được hiệp định tự do mậu dịch với Liên Hiệp Châu Âu.

Tại châu Âu, các lợi ích kinh tế của châu Á rất lớn. Một số doanh nghiệp Nhật Bản có thể xem xét lại toàn bộ chiến lược đầu tư vào châu Âu.

Chỉ số trên thị trường chứng khoán Tokyo sụt giảm 7%. Cổ phiếu và công trái của các ngân hàng và công ty bảo hiểm Anh Quốc trên thị trường Hồng Kông mất giá 10%. Thậm chí các nhà đầu tư ví von đây là một vụ tàn sát.
Giao dịch công trái định kỳ trên thị trường Tokyo đã phải ngừng lại trong nhiều phút vì khối lượng phiếu bán ra nhiều đến mức thị trường không thể tiêu thụ được ».
Theo RFI
song  
#6 Đã gửi : 24/06/2016 lúc 08:30:18(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,273

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Đồng bảng Anh sụt giá, thị trường thế giới tuột dốc vì Anh rời khỏi EU

UserPostedImage
Bảng điện tử hiện tỉ giá đồng Yen Nhật so với đồng bảng Anh tại một trung tâm chứng khoán ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 24/6/2016. Đồng đôla Mỹ, đồng euro và bảng Anh rớt giá mạnh sau cuộc trưng cầu dân ý ở Anh.
Chia sẻ

Quyết định lịch sử của Anh ra khỏi Liên hiệp châu Âu đã gây một cơn sốc trên thị trường toàn cầu ngày 24/6, khiến giá các cổ phần sụt giảm và các đồng tiền xáo trộn. Thị trường chứng khoán châu Âu sụt giảm mạnh trong phiên khai mạc và triển vọng chứng khoán tại Mỹ được dự đoán cũng có thể tuột dốc mạnh.

Vào lúc cuộc bỏ phiếu nghiêng về phía ủng hộ việc Anh ra khỏi Liên hiệp châu Âu, đồng bảng Anh rớt giá ở mức kỷ lục, xuống mức thấp nhất trong vòng 31 năm nay so với đồng đôla của Mỹ.

Cuộc khủng hoảng đã lan rộng sang châu Á. Hãng tin Bloomberg ước lượng các thị trường chứng khoán trong vùng mất ít nhất 700 tỉ đôla tiền vốn trong phiên giao dịch ngày 24/6.

Thị trường Hồng Kông sụt hơn 4% và thị trường Nam Triều Tiên giảm hơn 3%. Nhật Bản phải ngưng giao dịch trong 10 phút sau khi áp dụng biện pháp tự động nhằm xoa dịu thị trường. Chỉ số Nikkei Tokyo sụt hơn 8% và giá trị đồng Yen Nhật Bản sụt gần 5% so với đồng đôla Mỹ.

Bộ trưởng Tài chánh Nhật Bản Taro Aso gặp các phóng viên ngay sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Anh được công bố và trấn an rằng Nhật Bản đang theo dõi sát các thị trường.

“Sự ổn định của các thị trường ngoại hối có tầm quan trọng đặc biệt đối với tăng trưởng toàn cầu nhưng hiện nay các thị trường này 'cực kỳ dao động'”.

Chính phủ Nam Triều Tiên cũng hứa làm hết sức mình để “giảm thiểu mọi tác động xấu của hậu quả Brexit đối với nền kinh tế Nam Triều Tiên”. Thông tấn xã Yonhap trích lời Thứ trưởng Tài chánh Choi Sang-mok trong một phiên họp khẩn cấp ngày 24/6 nói rằng “Chúng tôi sẽ tiến hành mọi biện pháp cần thiết, trong đó có những hoạt động san bằng để làm dịu bớt thị trường ngoại hối”.

Cho đến nay, nạn nhân lớn nhất của cuộc trưng cầu dân ý dường như là đồng bảnh Anh, sụt xuống còn 1,34 đôla vào giữa ngày 24/6 tại châu Á, so với 1,50 đôla trước đây vào lúc các cuộc bỏ phiếu tại Anh chấm dứt, mức cao nhất trong năm nay.

Các nhà phân tích nói với Đài VOA là các đồng tiền nước ngoài cũng sẽ thấy nhiều xáo trộn.

Ông Frank Lee, trưởng ban đầu tư của Ngân hàng DBS tại Hong Kong nói là theo quan điểm của họ, 1,33 đôla là mức sàn của đồng bảng Anh. Ông cũng nói là trong khi sẽ có một thời kỳ chuyển tiếp sau khi bỏ phiếu, thì cũng sẽ có nhiều cơ hội tiếp theo việc này.

Ông Lee nói: “Nếu tình hình hoặc kế hoạch cứu nguy được thị trường chấp nhận, hay thị trường được ổn định bằng tất cả những đề nghị được đưa ra, thị trường lúc đó có thể tập trung vào những lãnh vực có thể đưa tiền vào, nơi nào có thể đầu tư được”. Ông Lee nói thêm là thị trường châu Á là một nơi chọn lựa tốt vào 6 tháng còn lại năm nay.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các nhà kinh tế thị trường đã cảnh báo về những bất ổn do Brexit gây ra có thể gây tác động đáng kể về kinh tế.

Tuy nhiên ông Andy Xie, một nhà phân tích độc lập tại Hồng Kông nói trong khi nhiều người lo âu về cơn sốc tài chánh do cuộc trưng cầu dân ý gây ra và ảnh hưởng của London về phương diện tài chánh, nhưng ông nghi ngờ là những ảnh hưởng này sẽ không lớn như vậy.

Ông nói trong khi các mối liên hệ của Anh với Liên hiệp châu Âu có thể bị thiệt hại, nhưng việc giảm giá đồng bảng Anh không nhất thiết là một điều xấu vì đồng tiền Anh quá mắc.

Ông Xie nói: “Đó là lý do tại sao việc sản xuất của châu Âu sẽ giảm sút. Và nền kinh tế EU phụ thuộc nhiều vào London, vào bong bóng bất động sản và đầu cơ tài chánh toàn cầu. Tôi nghĩ nền kinh tế của Vương quốc Anh không lành mạnh, do đó cần phải có một cú sốc để thoát ra khỏi tình trạng này và đi theo một con đường bền vững hơn”.
Theo VOA
song  
#7 Đã gửi : 24/06/2016 lúc 08:32:22(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,273

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Quyết định của Anh rời khỏi EU gây hậu quả sâu rộng

UserPostedImage
Nhân viên làm việc tại một trung tâm chứng khoán ở Đức đang theo dõi tin tức về Brexit khi Thủ tướng Anh loan báo việc từ chức ngày 24/6/2016.
Chia sẻ

Riêng lần này, sự khoa trương của giới truyền thông trùng hợp với thực tế. Quyết định của Anh rời khỏi Liên hiệp Âu châu đã gây chấn động khắp thế giới và chấn động ban đầu đánh vào các thị trường tài chính. Đồng bảng Anh sụt xuống các mức chưa từng thấy từ năm 1985 và trị giá của các công ty Anh và Âu châu mất đi hàng tỷ đôla.

Với thị trường sụt mạnh và đa số người Anh bỏ phiếu chống EU, Thủ tướng David Cameron đã loan báo từ chức nhưng sẽ ở lại đảm nhận công tác cho đến khi đảng Bảo thủ Anh chọn được người thay thế trong 3 tháng nữa.

Câu hỏi quan trọng nhất tiếp theo cuộc trưng cầu dân ý không phải là ai sẽ lên thay thế ông, mặc dầu có phần chắc sự kiện này sẽ châm ngòi cho một cuộc nội chiến bên trong đảng Bảo thủ. Khắp châu Âu, các chính trị gia đang nêu thắc mắc liệu Liên hiệp châu Âu có thể sống còn sau “Brexit”, là từ được dùng để chỉ việc Anh rút ra khỏi khối này, hay là quyết định của Anh sẽ là động cơ thúc đẩy cho hiện tượng các nước thành viên khác cũng rút ra?

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đón nhận kết quả một cách thất vọng. Ông nói: “Đây là một ngày buồn thảm cho nước Anh và cho EU”. Nhưng đó không phải là quan điểm của những người theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu của châu Âu. Ngay trước cuộc trưng cầu Brexit, những người chủ trương dân túy ở Đan Mạch, Pháp, Italia, Hà Lan và Thụy Điển đã vận động đòi mở các cuộc trưng cầu dân ý tại nước họ. Có phần chắc nay họ sẽ phấn khích hơn trong cuộc vận động này.

Chính trị gia cực hữu của Pháp, bà Marine Le Pen, đã nhắn tin qua Twitter rằng quyết định là một “chiến thắng của tự do”.

Trong khi cố gắng tỏ ra can đảm trước kết quả cuộc trưng cầu, chủ tịch Ủy hội châu Âu Donald Tusk tuyên bố “Cái gì không giết ta sẽ làm cho ta mạnh hơn”. Ông nói thêm rằng 27 thành viên còn lại trong EU “quyết tâm duy trì sự đoàn kết. Châu Âu là khung sườn cho tương lai chung của chúng ta”. Nhưng ông thừa nhận rằng sẽ có một ảnh hưởng nghiêm trọng về ý nghĩa cuộc bỏ phiếu về cách thức vận hành của Liên hiệp châu Âu.

Thắc mắc không phải chỉ được nêu ra về tương lai của EU . Đối với một số người, sự sống còn của chính Liên hiệp Anh cũng bị nghi ngờ.

Bất kể lời hoan nghênh của người vận động cho chủ trương Anh quốc rời khỏi EU, ông Nigel Farage, nói rằng “đây là bình minh của một Vương Quốc Anh độc lập…”. Những người theo chủ nghĩa dân tộc Scotland cảnh báo rằng có phần chắc họ sẽ mưu tìm một cuộc trưng cầu dân ý khác để tách ra khỏi Anh Quốc. Scotland đã ồ ạt ủng hộ phe chủ trương ở lại EU với 62% người Scotland bỏ phiếu muốn ở lại EU.
UserPostedImage
Thủ tướng Anh David Cameron phát biểu sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 24/6/2016.

Tại Bắc Ireland, phần duy nhất của Anh có chung biên giới trên bộ với một nước EU khác, đảng Cộng hòa Sinn Fein của Ireland đã có phản ứng gay gắt và tức thời. Chủ tịch đảng Declan Kearney cảnh báo rằng chính phủ Anh đã “phản bội mọi sứ mạng đại diện cho lợi ích của dân chúng ở bắc Ireland trong các tình huống mà miền bắc bị lôi kéo ra khỏi châu Âu do kết quả của quyết định rời khỏi khối”.

Người đồng sự trong đảng và là đệ nhất phó ban hành pháp, ông Martin McGuinness, kêu gọi mở cuộc thăm dò về biên giới cho một nước Ireland thống nhất.

Trong khi các chính trị gia và các thị trường phản ứng về kết quả, ông Peter Mandelson, một nhà chính trị của đảng Lao Động Anh và là chủ tịch công ty tham vấn sách lược Global Counsel, nói mấy năm sắp tới sẽ đầy bất định và khó khăn cho Anh Quốc và châu Âu. Ông nói: “Sẽ phải mất hai năm để chính phủ Anh thương lượng với các nước từng là đối tác của chúng ta. Sẽ phải dành thêm nhiều năm nữa để thương lượng về tương lai quan hệ của Anh với châu Âu”.

Ông lập luận rằng thời kỳ bất định nên được rút ngắn càng nhiều càng hay và nói chính phủ Anh quốc, dưới sự lãnh đạo của bất kỳ ai, nên châm ngòi cho tiến trình cách ly chính thức càng sớm càng tốt.

Thông báo việc từ chức sáng sớm 24/6, ông Cameron nói ông sẽ để cho người thay thế ông quyết định khi nào bắt đầu những người thương lượng chính thức cho việc cách ly. Các nhà phân tích nói triển vọng là một chính phủ Bảo thủ sẽ có luận điệu chống EU nhiều hơn và do đó có thể dẫn tới những cuộc đàm phán gay gắt hơn. Các nhà lãnh đạo EU và các giới chức cảnh báo trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý rằng Anh Quốc sẽ phải trả một cái giá cho sự ra đi, nếu không phải vì một lý do nào khác hơn là ngăn cản bất cứ thành viên nào khác cứu xét việc rút khỏi khối.
UserPostedImage
Bảng điện tử hiện các chỉ số chứng khoán tại một trung tâm chứng khoán ở Nhật ngày 24/6/2016, thời điểm nước Anh tổ chức trưng cầu dân ý.

Đối với chính phủ Anh và các chính phủ khắp châu Âu, các mối quan ngại cấp thời hơn đang được tập trung vào hậu quả kinh tế to lớn của cuộc trưng cầu dân ý. Ông Carl Weinberg của công ty tham vấn đầu tư High Frequency Economics, hôm 23/6 cảnh báo khách hàng rằng nếu “các tài sản với mệnh giá đồng sterling – như vàng, trái phiếu và chứng khoán công ty – rớt xuống như một hòn đá ngay lập tức... thì động cơ đó có thể châm ngòi cho những lỗ lã trầm trọng trong các cơ quan tài chính”.

Trong tình hình hỗn loạn tài chính đang sôi động, các nước EU sẽ bị đặt dưới sự giám sát kỹ lưỡng của thị trường và một số nhà phân tích đã bày tỏ sự quan ngại rằng các nước đầy nợ nần như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Italia sẽ bị đặt dưới áp lực ngày càng tăng.

Báo Financial Times của Anh hôm 24/6 cảnh cáo: “Brexit sẽ gây thiệt hại cho sự đoàn kết, tin tưởng và thanh danh của EU trên trường quốc tế, làm suy yếu trật tự kinh tế và chính trị cấp tiến của phương Tây”.

Cựu thủ tướng Anh Tony Blair nói với đài Sky News rằng sẽ có “những hậu quả rất lớn”. Ông gọi kết quả trưng cầu là một “thảm kịch” và nói rằng những người vận động đòi rời khỏi EU là “tìm cách đưa đất nước trở lại một thế giới không còn tồn tại nữa”. Ông cảnh báo rằng: “Ta có thể cưỡi một làn sóng dân túy phẫn nộ nhưng nó không đem lại những câu trả lời” cho các vấn đề và những thách thức của sự toàn cầu hóa.
Theo VOA
song  
#8 Đã gửi : 24/06/2016 lúc 08:49:48(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,273

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Brexit : Thủ tục « ly dị » sẽ kéo dài 2 năm

UserPostedImage
Một người dân Anh mang cờ của Liên Hiệp Châu Âu (Ảnh chụp hôm 24/06/2016)
REUTERS/Stefan Wermuth

Các lãnh đạo châu Âu, gồm chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker và thủ tướng Mark Rutte của Hà Lan, chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu, hôm nay, 24/06/2016, đã đồng loạt yêu cầu Anh Quốc tiến hành « ngay khi có thể được » thủ tục rút ra khỏi khối này.

Thủ tục ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu được quy định trong điều 50 của Hiệp ước Lisboa năm 2009. Sau cuộc trưng cầu dân ý hôm qua, 23/06/2016, thủ tướng Anh phải viết thư cho Hội Đồng Châu Âu, cơ chế đại diện cho các nước thành viên, chính thức yêu cầu rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.

Thủ tục này sẽ kéo dài đến 2 năm, với các cuộc thương lượng giữa Luân Đôn với 27 nước thành viên còn lại của Liên Hiệp Châu Âu. Nói cách khác, Anh Quốc sẽ vẫn là thành viên Liên Hiệp Châu Âu cho đến năm 2018, trong thời gian thương lượng về các thể thức « chia tay » và về quan hệ mới giữa Luân Đôn với Bruxelles.

Từ đây đến đó, các luật lệ quy định và các hiệp ước châu Âu tiếp tục được áp dụng đối với Anh Quốc, cho đến khi thỏa thuận rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu bắt đầu có hiệu lực. Để có hiệu lực, thỏa thuận còn phải được đưa ra biểu quyết ở Nghị Viện Châu Âu và sau đó được Hội Đồng Châu Âu thông qua. Nhưng trong thời gian đó, Anh Quốc sẽ không được tham gia vào các quyết định ở cấp độ châu Âu. Tuy nhiên, do chưa bao giờ có một quốc gia thành viên ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, các thủ tục vẫn còn rất mơ hồ.
Theo RFI
Ai đang xem chủ đề này?
Guest (3)
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.158 giây.