Dấu ấn Trương Đình Anh tại FPT và Internet VNÔng Trương Đình Anh, Tổng Giám đốc của tập đoàn FPT trong thời gian từ 3/2011 cho tới 9/2012, vừa đưa vợ và bốn con trai sang Mỹ sống, một đồng nghiệp từng làm việc với ông tại FPT xác nhận với BBC Tiếng Việt.
"Ông ấy đi định cư, và tôi nghĩ ông ấy sẽ chẳng định làm cho ai khi ở Mỹ," cựu đồng nghiệp không muốn nêu tên nói. "Có lẽ ông ấy sẽ vẫn tìm phương án làm nhà đầu tư vào các dự án mà ông ấy thấy là thú vị. Tôi nghĩ là ông ấy sẽ không bỏ nhiều công sức để đi làm nữa."
"Kể từ khi rời FPT [tháng 9/2012], ông ấy đã không đi làm cho nơi nào, chỉ tham gia một số tổ chức như ví điện tử MoMo với tư cách nhà đầu tư góp vốn, và có đóng góp một số ý tưởng rất giá trị [cho những nơi đó], chẳng hạn như trong việc kêu gọi hợp tác với các đối tác nước ngoài."
Lý do khiến ông Đình Anh đưa gia đình sang Mỹ, theo cựu đồng nghiệp của ông, là "vì con cái".
Kết hôn năm 1998, hai vợ chồng ông có bốn người con trai, cách nhau chỉ độ năm một; người con đầu lòng sinh năm 2000.
Tuy nhiên, với tính cách của ông, ít người tin rằng ông sẽ từ bỏ hoàn toàn công việc sau khi sang Mỹ.
Ông Trương Đình Anh, sinh năm 1970, gia nhập FPT từ năm 1993, với vị trí là chuyên gia máy tính.
Người tiên phong trong cung cấp dịch vụ internetTrở thành Giám đốc Trung tâm Internet FPT, một công ty con của tập đoàn mẹ FPT, vào năm 1997 ở tuổi 27, ông cũng nổi danh trong cùng năm đó với tuyên bố: "Ước mơ của tôi là trở thành tỷ phú năm 35 tuổi và trở thành thủ tướng năm 40 tuổi."
Ông từng được đánh giá là "người kinh doanh internet hiệu quả nhất Việt Nam" khi đưa FPT từ vị trí khởi điểm rất khiêm tốn với bốn nhân viên vào năm 1997 và số vốn 100 triệu đồng, trở thành một nhà cung ứng dịch vụ internet dial-up khổng lồ vào cuối năm 1998 có doanh thu nửa triệu đôla Mỹ.
Ông cũng là người táo bạo ra quyết định kéo cáp khi mảng dịch vụ internet của FPT bị đe dọa phá sản trước dịch vụ ADSL của VDC hồi 7/2003, bất chấp những rào cản pháp lý khi đó.
Mạng Trí Tuệ Việt Nam, một địa chỉ quen thuộc với hầu hết những ai là người dùng internet trong thời dịch vụ internet và chatroom còn rất sơ khai ở Việt Nam, là do ông tham gia thành lập.
Bên cạnh việc ra các quyết định sống còn về kỹ thuật, ông còn là người tung ra những 'chiêu khuyến mại' chưa từng có trước đó tại Việt Nam, như tặng miễn phí modem, tặng thời gian lướt mạng, v.v... khiến thị phần FPT vượt lên áp đảo các đối thủ khác.
Theo VietnamNet, dịch vụ internet dial-up của FPT từng đạt 1 tỷ phút điện thoại cố định hồi 2002, chiếm 10% tổng lượng sử dụng dịch vụ điện thoại bàn trên toàn quốc.
Dịch vụ cáp quang mà FPT Telecom của ông tiên phong tung ra thị trường hồi đầu 2008 giúp tăng lợi nhuận công ty 50% so với năm trước.
Sau thời gian lãnh đạo Trung tâm Internet FPT từ 1997 đến 2003 và trước khi được bổ nhiệm vào vị trí CEO của cả tập đoàn, ông từng giữ các chức vụ Tổng giám đốc Công ty Truyền thông FPT, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Viễn thông FPT rồi Tổng giám đốc công ty này.
'Nhà lãnh đạo thực sự'Đánh giá về tầm ảnh hưởng của ông Trương Đình Anh tại FPT, cựu đồng nghiệp không muốn nêu tên nói: "Ông ấy thực sự là một nhà lãnh đạo. Ông đưa ra định hướng về chiến lược kinh doanh, và từ định hướng kinh doanh đó ông sẽ vạch đường đi nước bước cho các yếu tố về kỹ thuật, về đối tác, về định hướng thị trường, khách hàng. Ông có tầm nhìn cả về chiến lược kinh doanh lẫn kỹ thuật."
Vai trò của Trương Đình Anh trong việc đem lại thành công cho FPT là điều không ai phủ nhận được, được chứng minh bằng những kết quả kinh doanh, những con số phát triển thực tế.
Tuy nhiên, ông cũng bị đánh giá là có phần "quân phiệt" trong công việc, "không dành thời gian nhiều cho công tác quản trị, điều hành" mà đòi hỏi nhân viên dưới quyền "nhất nhất thực hiện" những mệnh lệnh đưa ra.
Kể từ khi rời khỏi FPT, ông hầu như không liên hệ với các đồng nghiệp cũ tại FPT, điều khá phù hợp với tính cách của ông, người được đánh giá là rất coi trọng giá trị gia đình và không thích giao lưu với bạn bè, đồng nghiệp sau giờ làm.
Sau khi rời FPT, cái tên Trương Đình Anh lại nổi lên trong một số dự án có tiếng, trong đó có MoMo của Công ty Cổ phần M_Service, một dự án chuyên nhận tiền trực tuyến, được nhận khoản đầu tư 28 triệu đôla từ hai nhà đầu tư danh tiếng nước ngoài, Standard Chartered Private Equity (25 triệu đôla) và Ngân hàng Đầu tư Toàn cầu Golman Sachs (3 triệu đôla).
Tại MoMo, ông Trương Đình Anh được đăng ký là một nhà đầu tư và là thành viên quản trị của MoMo.vn.
Theo BBC