101 con đường đến nước Mỹ Nhưng con đường để họ đến với giấc mơ ấy không phải bao giờ cũng êm xuôi mà phần lớn đều ẩn chứa những nguy cơ và hiểm hoạ, thậm chí đe doạ đến an toàn sinh mạng của chính họ. Những con đường đến Mỹ mà tôi biết qua bạn bè tôi, con đường nào .....
Trước khi đến Mỹ, tôi được nghe những hình dung từ mỹ miều về xứ sở này nhưng tôi không tin lắm chuyện nó là “miền đất hứa” đối với tất cả mọi người trên khắp thế giới. Dù tôi thường xuyên đọc, nghe, xem, thấy những chuyện di cư sang Mỹ, vượt biên sang Mỹ nhưng đối với tôi, đó vẫn chỉ là những câu chuyện của báo chí, phim ảnh và rất có thể đã được “cường điệu hoá”. Nhưng sau khi sống ở Mỹ vài năm, tiếp xúc với nhiều bạn bè đến từ nhiều quốc gia và châu lục khác nhau, nghe những câu chuyện của họ, tôi đã thực sự biết rằng: giấc mơ Mỹ là có thật đối với rất nhiều người trên thế giới này. Nhưng con đường để họ đến với giấc mơ ấy không phải bao giờ cũng êm xuôi mà phần lớn đều ẩn chứa những nguy cơ và hiểm hoạ, thậm chí đe doạ đến an toàn sinh mạng của chính họ. Những con đường đến Mỹ mà tôi biết qua bạn bè tôi, con đường nào cũng có dấu ấn của lựa chọn, dấn thân và số phận.
Tôi may mắn khi được trải nghiệm cuộc sống Mỹ ở Berkeley - thành phố gần kề với thành phố cảng sầm uất và xinh đẹp San Francisco - là điểm đến của vô số người nhập cư. Chính vì thế mà tôi có cơ hội được tiếp xúc với rất nhiều người nhập cư mang theo giấc mơ Mỹ của họ đến sống ở nơi đây. Berkeley và San Francisco được mệnh danh là thành phố của dân hippy[1], nơi tụ hội của dân hippy từ khắp nơi trên nước Mỹ vào những năm 60, 70 của thế kỉ XX. Tôi đến sống ở Berkeley 50 năm sau những ngày sôi nổi nhất của phong trào hippy nhưng vẫn còn có thể cảm nhận rõ rệt hơi thở hippy đậm đặc trong lối sống thành phố này. Hồi đầu mới sống ở Berkeley, tôi ngạc nhiên thích thú khi bắt gặp những chiếc xe cổ lỗ sĩ, sơn xanh đỏ rằn ri, hình thù cổ quái chạy trên đường. Có những chiếc xe được chủ nhân của nó gắn thêm lên nóc cả một bộ sưu tập khủng long, chó mèo, gà lợn hoặc hầm bà lằng các dị vật khác nhau. Ban đầu tôi cứ tưởng đó là trò vui của đám trẻ trai nghịch ngợm, nhưng hỏi ra mới biết, những chiếc xe độc nhất vô nhị ấy là chứng tích của tinh thần hippy từng rất sôi nổi ở vùng này. Chủ nhân của chúng là những người lớn lên trong bầu văn hoá hippy nên tới tận ngày nay, họ vẫn tiếp tục thể hiện sự phản kháng với các quy tắc xã hội bằng những hành động khác thường. Đến Berkeley, nếu bạn nhìn thấy một người đàn ông râu tóc xồm xoàm nhưng ăn bận như phụ nữ với váy dài, đồ trang sức cầu kì và cài hoa lên tóc, bạn cũng đừng nhìn chằm chặp khiếm nhã. Họ chính là những người vẫn đang sống với tinh thần hippy, đề cao tự do tuyệt đối. Họ muốn thể hiện tinh thần ấy ngay trong việc đảo lộn các quy tắc ăn mặc thông thường. Tại sao chỉ phụ nữ mới có quyền mặc váy, cài hoa? Tại sao chúng ta tự bó buộc mình trong mớ quy chuẩn nhàm chán? Tại sao chúng ta phải lệ thuộc vào những chuẩn mực chung? Những người hippy muốn phá vỡ mọi lề lối để con người được tận hưởng thứ tự do tuyệt đối. Chính tinh thần hippy còn vương sót lại khắp nơi trong thành phố Berkeley khiến thành phố này có một vẻ quyến rũ đặc biệt. Ở đây, bạn không phải lo chuyện kì thị dân tộc, vì những người dân nơi đây yêu tự do và mở rộng vòng tay chào đón những người đến từ xứ lạ. Lối sống phóng khoáng, cởi mở của dân cư vùng này khiến tôi hoà nhập rất nhanh, dù tôi vốn là một người có xu hướng khép kín và hướng nội. Berkeley đã khiến tôi thay đổi. Có lẽ, tinh thần tự do ngập tràn trong bầu trời xanh thẳm ở nơi đây là chiếc chìa khoá nhiệm màu có khả năng tự động mở tung những cánh cửa bí mật trong tôi. Tôi tự thấy mình hoà đồng hơn với đồng loại, với cỏ cây, hoa lá, chim muông. Tôi tin rằng, những nụ cười trên phố, những câu chào hỏi thân thiện, lối phục trang bất quy tắc và đám xe cộ vui mắt của cư dân Berkeley khiến ngay cả những người kì quái nhất cũng không bao giờ cảm thấy lạc lõng. Ở đó, mọi dị biệt được chấp nhận và tôn trọng. Chắc cũng vì vậy mà những người đồng tính thường chọn San Francisco và Berkeley làm nơi hẹn hò và sinh sống. Tôi nhìn thấy rất nhiều cặp đồng tính nam, đồng tính nữ tự do yêu đương, sinh con đẻ cái, lập gia đình và sống một cuộc sống hạnh phúc theo cách riêng của họ xung quanh mình. Tôi yêu tự do và tôi may mắn được sống ở Berkeley - thành phố của những người yêu tự do. Và ở đó, tôi đã được gặp những người bạn yêu tự do như tôi đi tìm giấc mơ của đời mình. Ở đó, tôi đã được nhìn thấy 101 ngả đường đến với thiên đường - nước Mỹ.
Tôi tình cờ đến Mỹ vì trót yêu và gắn kết cuộc đời mình với một chàng trai Mỹ, nhưng bạn bè tôi, họ đến Mỹ với tất cả khát khao tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Những câu chuyện tôi sẽ chia sẻ với các bạn sau đây chỉ là một số ít những trường hợp tìm đường đến với giấc mơ Mỹ trong muôn nẻo đường mở rộng gọi mời.
2. Câu chuyện của Vương Thi Hàn - cô gái Đài Loan đi tìm vận may kết hôn với người Mỹ
Tôi gặp Vương Thi Hàn ở lớp học tiếng Anh và văn hoá Mỹ. Cô gái nhỏ với đôi mắt sáng và mái tóc đen nhánh đến từ Đài Loan đã nhanh chóng gây ấn tượng với tôi từ những ngày đầu tiên lên lớp. Trong một lần tình cờ ngồi chung nhóm thảo luận, tôi đã có dịp bắt chuyện với cô và được biết, đây không phải là lần đầu tiên cô đến Mỹ. Cô từng đến Mỹ vì công việc và sau đó hàng năm đều tự tổ chức những chuyến du lịch một mình đến Mỹ khám phá đất nước rộng lớn này. Cô làm kế toán cho một công ty ở Đài Bắc và theo lời cô, đó là một công việc quá nhàm chán nên cô phải tự tìm cách “đổi gió” cho bản thân bằng những chuyến phiêu lưu như thế. Nói chuyện với Tiểu Hàn (tôi gọi cô thân mật như thế sau khi chúng tôi đã trở thành bạn), tôi không khỏi kinh ngạc và khâm phục khả năng tự lập của cô. Với một đứa từng là gà công nghiệp như tôi, chuyện một cô gái 27 tuổi mỗi năm đều tự sang Mỹ sống ba tháng trời ở một bang mới, không bạn bè, không người thân là chuyện quá sức tưởng tượng. Cô thuê một phòng trọ nhỏ, ở chung nhà với nhiều người khác. Rồi cô mua một chiếc xe đạp để đi học và dạo loanh quanh trong thành phố. Ban đầu, tiểu Hàn chỉ bảo rằng, cô ưa đến Mỹ vì rất thích thiên nhiên hoang dã nơi đây. Cô lấy lớp học để rèn luyện thêm tiếng Anh và bổ túc kiến thức văn hoá, đồng thời, để kết bạn. Mỗi cuối tuần, cô thường đi du lịch đâu đó ngoài thành phố. Cả năm trời sống ở Mỹ của tôi không bằng vài tuần của tiểu Hàn vì cô lên lịch khám phá khắp mọi nơi cho riêng mình, từng tuần một. Từ khi quen biết cô, ngày đầu tuần bỗng trở thành một ngày đặc biệt với tôi vì đầu tuần nào, tiểu Hàn cũng từ một nơi nào đó trở về, mang theo những câu chuyện mới để kể cho tôi nghe. Ngày nào lên lớp, tôi và cô cũng nói chuyện với nhau, rủ nhau đi căng-tin uống nước và hết giờ thì cùng tản bộ với nhau một quãng, trước khi chia tay ở bến tàu Một lần, tiểu Hàn rủ tôi đi mua sắm cùng cô vì cô bảo tối nay cô có hẹn ăn tối với một người đàn ông cô mới quen trong quán bar tối hôm qua. Đó là một anh chàng người Mỹ gốc Trung Quốc, làm việc ở một kênh truyền hình địa phương. Tôi hơi ngạc nhiên vì cô bạn đã nhận lời hẹn hò với một người đàn ông lạ nhanh chóng đến thế, nhưng thấy nét mặt rạng rỡ của cô, tôi không dám hỏi gì thêm vì sợ những suy nghĩ ấu trĩ của tôi có thể khiến cô cụt hứng. Nhưng không hiểu sao, từ hôm đó, tôi cứ hồi hộp lo lắng thay cho cô. Những buổi lên lớp của cô cứ thưa dần vì Tiểu Hàn bận đi du lịch với anh bạn mới quen. Vài tuần sau, trong một lần hiếm hoi cô trở lại lớp học, cô kể rằng cô đã dọn đến sống cùng anh bạn đó ở San Francisco và mọi thứ đang rất tuyệt. Tôi cố giấu ngạc nhiên, chúc mừng cô mới có bạn trai. Tiểu Hàn cười, bảo: Không, anh ta chưa phải là bạn trai của tao đâu, chỉ có thể sẽ là thôi… Rồi cô tâm sự với tôi rằng, thực chất, những chuyến phiêu lưu đến Mỹ của cô là những chuyến đi tìm bạn đời. Cô thích nước Mỹ ngay từ lần đầu tiên đến thăm và đã lên kế hoạch sẽ “sắm” bằng được một anh chồng người Mỹ để có cơ hội sống ở “thiên đường” mà cô mơ ước. Hàng đêm, Tiểu Hàn đi quán bar tìm “mồi”, với hi vọng sẽ gặp được người đàn ông giúp cô thực hiện giấc mơ Mỹ. Cô kể ở bất kì đâu cô đến, cô cũng dễ dàng làm quen được với nhiều đàn ông Mỹ ở nhiều tầng lớp khác nhau vì hình như họ ưa vẻ ngoài dễ thương của cô, nhưng rốt cục, lần nào cũng thế, sau ba tháng hết hạn visa, cô trở về Đài Loan thì mọi mối tình đều chấm dứt. Đó là lí do mà hành trình đến Mỹ của cô đến giờ vẫn còn tiếp diễn.
Ba tháng ở Mỹ của Tiểu Hàn nhanh chóng trôi qua trong những chuyến du lịch. Trước ngày về lại Đài Loan, Tiểu Hàn hẹn tôi đi uống café. Cô gái mắt đen tôi gặp ba tháng trước nhìn tôi bằng cặp mắt từng trải mà có lẽ trước đó tôi không nhận ra. Cô hào hứng kể với tôi chuyến du lịch cuối cùng với người “có thể sẽ là bạn trai”. Để thực hiện chuyến đi Hawaii - chuyến du lịch cuối cùng với anh bạn sống chung phòng, ngủ chung giường suốt hơn hai tháng trời ở Mỹ, Tiểu Hàn đã đổi vé máy bay. Tôi vẫn hi vọng rằng, cô đã tìm thấy người đàn ông của đời mình, rụt rè hỏi: Thế chuyện tình cảm của mày với anh chàng kia tiến triển đến đâu rồi? Sao mày lại nói rằng đó là chuyến du lịch cuối cùng của bọn mày? Tiểu Hàn cười buồn nói với tôi: Bọn tao vẫn chỉ là bạn thôi. Không hứa hẹn gì, không nói yêu đương gì đâu. Có lẽ tao chưa gặp may… Rồi hẳn là cô không thấy thoải mái với vẻ mặt buồn rầu ngớ ngẩn của tôi và không khí chùng xuống của chầu café chia tay, cô huyên thuyên nói với tôi về kế hoạch đi sang một bang mới của Mỹ cho năm tới. Cô sẽ lại có ba tháng phiêu bạt ở Mỹ, lang thang khắp các điểm du lịch, uống rượu hàng đêm ở các quán bar tìm người tình trong mộng - một người Mỹ sẽ giúp cô ở lại miền đất hứa, giúp cô quên đi công việc tính toán nhàm chán ở quê nhà.
Tôi ngồi lặng im nghe người bạn gái đến từ một nơi mà hình như, phụ nữ là của hiếm. Chẳng thế mà bao cô gái Việt Nam quê tôi ôm giấc mộng lấy chồng Đài Loan để đổi đời. Có lẽ nào, bởi vì các cô gái Đài Loan bận rộn đi kiếm tìm giấc mơ Mỹ như Tiểu Hàn, nên đàn ông ở đó không còn cơ hội? Trước khi ôm cô bạn gái nhỏ chia tay, tôi chúc Tiểu Hàn có một chuyến du lịch vui và sẽ sớm tìm thấy người đàn ông cô muốn gắn bó suốt đời. Tôi cũng bảo với cô rằng, có lẽ, không phải cô chưa gặp may mà cô đã đi sai đường. Quán bar không phải là nơi lí tưởng để cô tìm bạn đời. Và tình yêu không phải là một trò cờ bạc may rủi, để cô cứ đi tìm vận may ở một chốn xa xôi. Tôi đã đắn đo suốt mấy tháng trời quen biết Tiểu Hàn rồi đợi đến phút cuối cùng bên cô mới dám nói ra những điều ấy. Tôi tin rằng, giấc mơ hạnh phúc của cô là đáng trân trọng, nhưng tôi e, giấc mơ ấy sẽ chỉ là bong bóng, nếu cô cứ mê mải lạc bước vào con đường cô đang đi.
3. Chuyện của Kifle - cậu bạn đến từ Châu Phi
Kifle - chàng trai trẻ điển trai có làn da đen bóng và đôi mắt sáng, rợp bóng mi đến từ châu Phi là người ít tuổi nhất trong lớp (18 tuổi) nên thường nhận được sự quan tâm đặc biệt của bà giáo. Tôi để ý đến cậu vì thấy mỗi lần lên lớp, cậu thường tỏ ra mệt mỏi. Hỏi ra mới biết, cậu đang cố gắng học lại chương trình phổ thông ở Mỹ để có thể sớm học lên đại học. Khi tôi hỏi cậu đến từ đâu, câu trả lời của Kifle xa lạ đến nỗi tôi phải hỏi đi hỏi lại mấy lần rồi cuối cùng, vì vẫn không tài nào nghe thủng tên đất nước của cậu, tôi phải dùng đến tấm bản đồ treo trong lớp học để nói chuyện tiếp với cậu. Thì ra, Eritrea - đất nước bé nhỏ ở Châu Phi - quê hương của Kifle là cái tên tôi chưa từng nghe đến trong đời. Có lẽ nỗi tò mò lẫn niềm phấn khích được học cùng với một người đến từ một đất nước tôi chưa từng có chút ý niệm nào khiến tôi năng nói chuyện hơn với Kifle. Và câu chuyện của cậu trai trẻ ấy hệt như một cuốn sách mà mỗi trang mở ra đều khiến tôi kinh ngạc và xúc động.
Kifle lớn lên thiếu vắng bàn tay chăm sóc của cha mẹ. Cha mẹ cậu li hôn rồi mỗi người di cư đến một đất nước mới để kiếm tìm giấc mơ riêng của họ. Mẹ cậu di cư sang Anh còn cha cậu di cư sang Mỹ, mang theo người chị gái của cậu. Kifle ở lại Eritrea với ông nội vì lúc đó cậu còn quá nhỏ. Kifle nói rằng, cuộc sống túng thiếu và khốn khổ của người dân ở Eritrea là nguyên nhân khiến vô số người cố gắng vượt biên sang Etiopia - quốc gia lân cận (quốc gia từng coi Eritrea là một tỉnh của họ vào năm 1962 rồi chấp nhận để Eritrea li khai thành một quốc gia độc lập năm 1991). Kifle đã từng được chứng kiến nhiều người chết dưới súng đạn của chính quyền vì hành động vượt biên trái phép, nhưng làn sóng người di cư tị nạn vẫn tiếp tục tăng. Dù vô cùng muốn đoàn tụ với người cha ở Mỹ, nhưng Kifle không được phép đi ra khỏi biên giới. Sự cấm đoán của chính quyền khiến đứa con xa cha mẹ phải tiếp tục sống trong sự thiếu thốn tình thương. Kifle bảo mỗi lần nghe tiếng cha mẹ trong điện thoại, cậu đều nung nấu rằng, cậu phải tìm cách để gặp lại gia đình. Và cách duy nhất để cậu có thể đoàn tụ với những người ruột thịt là vượt biên trái phép. Đó là cả một canh bạc lớn đối với chàng trai trẻ Kifle lúc bấy giờ mới 16 tuổi. Vì ước mơ đoàn tụ gia đình, Kifle đã chấp nhận đem sinh mạng mình ra đặt cược với rủi may của số phận. Tôi rùng mình nghĩ đến sự liều lĩnh của cậu thanh niên ấy, nhưng rồi tôi hiểu, khi tự do và tình yêu bị xâm phạm, con người ta có thể cứng cỏi đến nhường đó là chuyện bình thường.
Nung nấu ý định vượt biên từ lâu nhưng Kifle không dám hé răng nói với bất kì ai, kể cả người ông đã chăm sóc cậu từ bé đến lớn. Cậu nói với tôi rằng, cậu rất hiểu tính chất khốc liệt của ván bài may rủi này nên cách tốt nhất là giữ kín miệng. Kinh nghiệm cho thấy, những người kéo nhau đi từng tốp là những người dễ dàng bị phát hiện và phải nhận lấy kết cục bi thảm dưới họng súng tàn nhẫn của chính quyền. Kifle quyết định sẽ vượt biên một mình, phó mặc sinh mệnh cho đức chúa Trời. Rồi một đêm, cậu lẻn ra khỏi nhà, một mình lặng lẽ đi về hướng biên giới Etiopia. Đi bộ ròng rã 6 tiếng đồng hồ, cuối cùng, cậu đã đặt chân được tới Etiopia bình an để có thể trút mọi nỗi căng thẳng, sợ hãi ra khỏi lồng ngực. Sau một tuần an toàn ở Etiopia, Kifle mới dám gọi điện cho người cha ở Mỹ để ông liên lạc về cho ông nội cậu, thông báo tình hình. Tôi tưởng tượng ra một tuần mất tích của Kifle đối với ông nội và gia đình cậu khủng khiếp đến dường nào. Có lẽ, ý nghĩ rằng cậu đã bỏ mạng từng bóp nghẹt trái tim họ suốt những ngày dài không tin tức ấy.
Kifle phải ở lại Etiopia ròng rã một năm trời để hoàn thành giấy tờ bay sang Mỹ. Giấc mơ đoàn tụ với bố và chị gái của chàng trai trẻ ấy đã thành hiện thực đúng vào năm cậu tròn 18 tuổi - sau 14 năm trời sống xa cha mẹ. Với cậu, nước Mỹ không phải chỉ là miền đất hứa chung chung như người đời vẫn gọi, đó là mái ấm gia đình, là thiên đường của tình yêu và hạnh phúc.
Kifle kể câu chuyện vượt biên và những giờ phút đối mặt với nguy hiểm ghê gớm trong đời bằng một giọng bình thản và nụ cười hồn hậu. Tôi tin, chỉ có một người đã tự mở cánh cửa đến hạnh phúc cho mình mới có được vẻ an nhiên như thế ở tuổi của cậu.
4. Chuyện của Pema - cô gái bị mắc kẹt trong giấc mơ Mỹ
Pema là cô trông trẻ của gia đình tôi. Cô là người Tây Tạng nhưng sinh ra và lớn lên ở Nepal, trong một gia đình thiếu bóng dáng đàn ông. Pema từng làm việc ở Đài Loan, Ấn Độ nên cô có thể nói tất cả 5 thứ tiếng: tiếng Nepal, tiếng Tây Tạng, tiếng Ấn Độ, tiếng Trung và tiếng Anh. Lần đầu tiên tôi gặp Pema là ngày mẹ chồng cô đến thử việc trông nom thằng cu Muống. Lúc đó, Pema mới đến Mỹ được vài tháng và cô chỉ đi theo mẹ chồng cho biết đây biết đó. Sau khi hỏi chuyện Pema, tôi và Jason lại muốn Pema trở thành người trông trẻ cho gia đình tôi, thay vì mẹ chồng cô. Pema vui sướng nhận công việc đầu tiên ở Mỹ và cô rất cố gắng chăm sóc cu Muống. Cô thường hát những bài hát Ấn Độ vui tai cho cu Muống nghe rồi dạy cho cu Muống cách chào của người Tây Tạng. Sau khi dỗ cu Muống ngủ, Pema thường ngồi đọc kinh Tây Tạng với một vẻ mặt tĩnh tại hiếm thấy ở cô - cô gái lúc nào cũng tất bật với công việc. Ngoài việc trông cu Muống, Pema thường tranh thủ giúp tôi dọn dẹp nhà cửa, rửa bát, giặt đồ dù rằng, những việc đó không thuộc phạm vi công việc của cô. Ở Mỹ, các cô trông trẻ chỉ làm mỗi một việc là chăm sóc trẻ, còn việc dọn nhà là chuyện hoàn toàn không nằm trong trách nhiệm của họ. Pema biết thế nhưng cô vẫn luôn cố gắng giúp tôi vì cô bảo tôi làm cô nhớ đến người chị gái sống xa nhà cô đã không gặp suốt 10 năm nay. Chị gái cô lấy chồng ở New York, rồi Pema cũng nối gót chị - kết hôn với một người Mỹ gốc Tây Tạng, những tưởng sau khi sang Mỹ thì sẽ có cơ hội gặp lại chị gái. Nhưng đến Mỹ rồi, Pema mới nhận ra, cô đang mắc kẹt chính trong giấc mơ của mình.
Pema kể rằng, cô quen biết người chồng hiện tại từ hồi học chung trường phổ thông với anh ta ở Nepal. Sau khi anh này được gia đình bảo lãnh sang Mỹ, họ tiếp tục giữ liên lạc và bắt đầu yêu nhau trong xa cách. Trong một lần Pema nghỉ phép để từ Đài Loan về thăm gia đình, anh ta đã về Nepal và ngỏ lời cầu hôn với Pema. Cô nhanh chóng kết hôn rồi làm thủ tục đi Mỹ cùng với vị hôn phu, lòng mơ tưởng đến thiên đường hạnh phúc mà cô sắp cập bến. Ngờ đâu, sang tới Mỹ, thực tế khắc nghiệt của gia đình nhà chồng khiến cô tụt xuống hố thẳm của thất vọng. Bố mẹ chồng của Pema đã định cư ở Mỹ gần 20 năm, song họ vẫn giữ truyền thống của người Tây Tạng, cha mẹ và con cái vẫn ở chung nhà với nhau kể cả sau khi các con trai lập gia đình. Vợ chồng Pema sống chung với bố mẹ chồng và người anh trai độc thân của chồng. Bố chồng cô làm hộ lí ở một bệnh viện còn mẹ chồng và các con trai của họ cùng làm công việc kinh doanh nhỏ. Bố mẹ chồng của Pema không trả lương cho các con trai mà coi việc nuôi họ hàng ngày là đủ. Vốn tự lập sớm, Pema vô cùng thất vọng với anh chồng đã hơn 30 tuổi đầu mà vẫn sống bám vào bố mẹ. Cô động viên chồng đi học và kiếm việc gì khác để làm, rồi vợ chồng cố gắng tích luỹ để thuê nhà ở riêng nhưng chồng cô không nghe. Bố mẹ chồng Pema cho rằng cô con dâu đang xúi giục con trai làm trái ý muốn của họ thì bắt đầu trở mặt với cô. Họ đòi Pema phải trả tiền thuê nhà và tiền ăn hàng tháng. Thậm chí, các nhu yếu phẩm hàng ngày như xà phòng, sữa tắm, dầu gội đầu…, họ cũng giấu đi để buộc cô phải tự mua sắm. Mỗi lần phải lái xe đưa Pema đi làm, bố chồng cô luôn gợi ý cô trả tiền xăng. Pema vốn quen sống trong sự đùm bọc yêu thương của mẹ và chị gái, nay rơi vào một gia đình có cách ứng xử khác biệt như thế thì không khỏi choáng váng. Cô quyết định sẽ thực hiện mọi việc theo ý bố mẹ chồng để họ không than phiền về mình, nhưng cô vẫn nuôi hi vọng sẽ thuyết phục được chồng tìm việc làm và xây dựng cuộc sống riêng.
Chỉ sau nửa năm sống ở nhà chồng, Pema đã nhận ra rằng, cô hoàn toàn bất lực trước chồng và nhà chồng. Họ chỉ coi cô như một cái máy kiếm tiền và cố gắng vắt kiệt sức của cô bằng cách ngoài giờ làm việc, họ giao cho cô hết tất cả việc nhà. Mỗi cuối tuần, Pema phải theo mẹ chồng ra chợ để phụ giúp việc kinh doanh. Pema muốn đi thăm chị gái ở New York nhưng gia đình nhà chồng không cho phép. Ngay cả việc chị gái cô thường xuyên gọi điện hỏi thăm cô, gửi quà cho cô và bày tỏ mong muốn được bay sang thăm cô cũng khiến nhà chồng khó chịu. Pema bị cầm tù trong những ràng buộc khắt khe của nhà chồng.
Một đêm, Pema gọi điện cho tôi và hỏi liệu tôi có thể giúp cô tìm một nhà trọ rẻ tiền nào đó được không? Cô bảo rằng bố mẹ chồng trong cơn thịnh nộ đã đuổi cô ra khỏi nhà. Tôi lo lắng bảo Pema cứ đến nhà tôi ở tạm vài hôm rồi sẽ tính tiếp. Nhưng tối hôm đó, Pema không đến, tôi cũng không thể liên lạc được với cô bằng điện thoại. Sáng hôm sau, cô đến nhà tôi làm việc như thường lệ, nhưng dưới sự kèm cặp của bố chồng. Pema bảo rằng, gia đình họ sợ Pema sẽ bỏ trốn hoặc đi theo người đàn ông khác nên họ đã tịch thu điện thoại của cô, buộc cô phải sử dụng cái điện thoại cũ của ông bố chồng để dễ bề kiểm soát. Mỗi ngày, Pema được mượn điện thoại trước khi ra khỏi nhà và phải trả lại nó khi quay về nhà sau một ngày làm việc. Chuỗi ngày tù ngục của Pema bắt đầu từ đó. Ông bố chồng vốn là một gã nghiện rượu thường đỗ xe ngay trước cửa nhà tôi để đợi đón Pema về. Nhiều hôm, ông ta đến muộn, đợi mãi không thấy Pema thì vào thẳng cửa nhà tôi thô lỗ đấm cửa. Khi biết Pema đã đi tàu điện ngầm về trước, ông ta đấm tay vào không khí chửi thề ngay trước mặt tôi. Có lần, tôi gọi điện cho Pema vào số điện thoại Pema mượn của bố chồng để hỏi tình hình cu Muống. Ngay tối hôm đó, bố chồng cô gọi cho tôi để kiểm tra xem tôi là ai. Từ đó, ông ta thường gọi điện quấy nhiễu tôi với các câu hỏi liên quan đến Pema. Nhiều hôm chúng tôi nhờ Pema đến trông con vào buổi tối, ông ta liên tục gọi điện để nhờ tôi xác thực rằng Pema đang ở nhà tôi. Một lần, Jason phát khùng giật lấy điện thoại, thông báo với bố chồng của Pema rằng, nếu ông ta tiếp tục quấy quả như thế thì chúng tôi sẽ báo cảnh sát.
Pema nghĩ đến chuyện li dị chồng nhưng gia đình nhà chồng liên tục đe doạ cô rằng, họ sẽ báo cáo với cảnh sát để cô bị tống cổ ra khỏi nước Mỹ. Pema không sợ phải ra khỏi nước Mỹ, cô chỉ lo gia đình sẽ mất mặt khi cô bị đuổi về quê. Pema bảo mẹ cô bị bệnh cao huyết áp nên cô không dám nói sự thật với bà. Lần nào gọi điện cho mẹ, cô cũng nói rằng cô đang sống hạnh phúc và vui vẻ. Tôi và Jason ái ngại cho Pema nên đã nhiều lần mời cô đến sống cùng chúng tôi. Jason cũng hứa rằng, nếu gia đình nhà chồng cô gây phiền phức về việc định cư ở Mỹ của cô, chúng tôi sẽ đứng ra làm chứng để bảo vệ cô. Luật cấp thẻ định cư của Mỹ ngăn chặn các cuộc kết hôn giả bằng cách chỉ cấp cho người vợ/chồng kết hôn với công dân của họ một cái thẻ định cư 2 năm. Sau hai năm đầu tiên êm thấm, họ sẽ được tiếp tục cấp thẻ định cư 10 năm, trong thời gian đó, họ được phép thi để trở thành công dân Mỹ. Đó là cái cớ để gia đình nhà chồng Pema đe doạ cô, nhưng tôi động viên cô rằng, việc xảy ra với cô là lỗi của gia đình nhà chồng. Cô không cần phải chịu đựng cuộc sống địa ngục ấy chỉ vì cái thẻ cư trú. Pema cứ nung nấu ý định bỏ chồng đi sang New York ở với chị gái mãi nhưng mỗi lần cô định dứt áo ra đi thì gia đình nhà chồng gây khó dễ - ngay cả khi chính họ đuổi cô ra khỏi nhà.
Mùa hè năm đó, cô kết thúc công việc trông trẻ cho gia đình tôi ngay trước khi chúng tôi về thăm Việt Nam mấy tuần. Pema hẹn chúng tôi rằng cô sẽ quyết tâm bay đi New York và sẽ liên lạc để gặp chúng tôi ở New York trong thời gian gia đình tôi ghé thành phố này thăm bố mẹ chồng. Những tưởng lần đó cô chắc chắn lắm về chuyến ra đi tự giải thoát mình, nhưng rồi Pema lại vẫn không thể đi được. Quay trở lại Berkeley, Pema giúp tôi trông nom cu Muống thêm vài tuần trước khi cu cậu chính thức đi nhà trẻ. Cô kể rằng, ngay trước khi cô định ra đi, ông bố chồng của cô ngã bệnh phải nằm bệnh viện không có ai chăm sóc. Gia đình nhà chồng ai cũng lo việc kinh doanh nên đã năn nỉ Pema giúp họ vào bệnh viên chăm cho ông bố chồng. Họ thay đổi thái độ với Pema khiến cô nuôi hi vọng rằng sau lần này, họ sẽ cư xử khá hơn.
Nhưng ngay sau khi ông bố chồng ra khỏi bệnh viện, mọi việc lại quay về quỹ đạo cũ. Pema sống bấp bênh trong sợ hãi và khao khát được giải phóng khỏi giấc mơ cô tự vẽ ra trước khi qua Mỹ để rồi mắc kẹt lại đầy xót xa. Đã có ít nhất hai lần, Pema nhờ tôi giúp cô mua vé máy bay đi New York để bay ngay sau đó vài ngày. Tôi mua vé giúp cô rồi chúng tôi chia tay nhau, lòng khấp khởi mừng thầm về một giấc mơ mới tươi sáng hơn cô sẽ có nơi đất khách. Nhưng ngay cả khi đã có trong tay tấm vé máy bay - một bằng chứng hiện hữu về sự giải thoát cũng không đủ sức kéo Pema ra khỏi tình trạng bị cầm tù của cô. Cô cứ mua vé rồi lại hoãn chuyến đi vì một lí do gì đó mà cô không dám nói với tôi. Tôi thương Pema nhưng không biết giúp cô bằng cách nào. Tôi chỉ nói với cô rằng, chỉ có cô mới có khả năng tự giải thoát chính mình. Tôi sẽ luôn ở đây khi cô cần giúp đỡ.
Pema theo tiếng Tây Tạng nghĩa là hoa sen. Tôi đã quý Pema ngay từ lần đầu tiên gặp mặt, và tình cờ sao, hoa sen lại đúng là loài hoa ưa thích nhất của tôi. Khi nghe tôi kể câu chuyện về Pema - đoá sen bị cầm tù, nhiều người bạn Mỹ tỏ ra kinh ngạc. Vì lí do chính trị, nhiều người Tây Tạng đã dễ dàng có cơ hội đến sống ở Mỹ và nhận được sự cảm thông, chia sẻ của người Mỹ - những người có sự mẫn cảm đặc biệt với các vấn đề chính trị. Vì thông cảm, người Mỹ có một ngộ nhận rằng: bất kì ai đến từ Tây Tạng đều là những người hiền lành, tốt bụng và xứng đáng nhận được sự kính trọng. Câu chuyện về gia đình nhà chồng của Pema là bằng chứng cho thấy đó chỉ là một ngộ nhận của người Mỹ, cũng như rất nhiều người đang ngộ nhận rằng: nước Mỹ là thiên đường. Có 101 con đường đến Mỹ nhưng qua những câu chuyện tôi được biết, tôi dám chắc rằng, không phải con đường nào cũng dẫn đến thiên đường.
5. Xổ số đến thiên đường
Lần đầu tiên trong đời, tôi nghe nói đến loại xổ số đặc biệt được lưu hành ở nhiều nước khác nhau, trong đó có Cambodia: xổ số giành thẻ định cư ở Mỹ. Qua cô bạn gái người Cambodia khá thân thiết, một lần, tôi được gặp hai anh em họ người Cambodia may mắn được sang Mỹ nhờ trúng xổ số. Tôi tròn xoe mắt khi nghe nói đến thứ giải thưởng xổ số kì lạ ấy và kinh ngạc hơn khi biết hai anh em họ cùng trúng xổ số ấy trong hai năm liên tiếp. Tìm hiểu thêm, tôi được biết rằng, đây là giải xố số do chính phủ Mỹ tổ chức, nhằm đa dạng hoá các tộc người trong cộng đồng cư dân Mỹ. Theo Senghorng - cô gái may mắn trúng xổ số đến “thiên đường” từ năm 20 tuổi, mỗi năm, có khoảng 30 người trúng giải xổ số đặc biệt này nhưng rất ít người trong số đó có thể di cư sang Mỹ. Để được sang định cư ở Mỹ, họ phải có một gia đình ở Mỹ nhận đỡ đầu. Thường thì những người có họ hàng ở Mỹ sẽ dễ dàng hơn trong việc di cư. Senghorng và người anh họ hiện nay đang sống cùng gia đình người bác họ ở Berkeley. Cả hai anh em đều cố gắng làm việc kiếm tiền đi học và cả hai người đều rất hạnh phúc được sống ở Mỹ. Họ tin rằng, họ có nhiều cơ hội để có một cuộc sống tốt đẹp hơn trên xứ sở này.
Không phải ở đâu cũng có giải xổ số mà phần thưởng là tấm vé đến “thiên đường”, không phải ai cũng có may mắn giành được phần thưởng đặc biệt ấy. Vì vậy mà dòng người vượt biên đến Mỹ để cư trú bất hợp pháp vẫn gia tăng không ngừng nghỉ, với giấc mơ thiên đường lơ lửng cùng rất nhiều bất trắc. Paulo - anh bạn người Brazil đã cùng vợ vượt biên sang Mỹ cách đây hơn 15 năm với chi phí hơn 20.000 đô-la cho mỗi người. 15 năm lăn lộn ở xứ người, không giấy tờ, không được luật pháp công nhận, 15 năm không một lần được trở lại quê hương không biến Paulo thành người đàn ông hạnh phúc như anh những tưởng. Ngược lại, giấc mơ thiên đường của anh biến thành cơn ác mộng gia đình. Vợ anh đã bỏ anh chạy theo người đàn ông khác sau khi họ đã có với nhau ba mặt con. Hiện tại, Paulo sống cùng các con, quay cuồng trong mấy công việc khác nhau để kiếm tiền. Anh không nói ra nhưng tôi và những bạn bè của anh đều biết, anh rất cô đơn. Đó là lí do vì sao dù vô cùng bận rộn, anh ít khi từ chối gặp gỡ bạn bè. Mỗi lần gặp, anh nói nhiều, cười nhiều, như thể đã lâu lắm anh không có cơ hội nói cười cùng ai đó. Canh bài số phận mà Paulo đã dốc hết tài sản từng xây đắp ở xứ sở của anh để đặt cược đã hoàn toàn thất bại. Giấc mơ hạnh phúc của anh đã bị mắc kẹt lại ở quê hương, vì nó không đủ mạo hiểm để theo anh vượt biên sang đất Mỹ.
Nước Mỹ có phải là thiên đường hay không? Tôi tin rằng nếu có 101 con đường đến Mỹ thì cũng có 101 câu trả lời khác nhau cho câu hỏi ấy.
Nguyễn Thị Thanh Lưu
Sửa bởi người viết 29/07/2016 lúc 08:14:19(UTC)
| Lý do: Chưa rõ