logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
phai  
#1 Đã gửi : 28/07/2016 lúc 07:32:33(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
UserPostedImage
Ảnh minh hoạ.

Đây là một câu hỏi rất xứng đáng được đặt lên bàn cờ chế độ vào lúc điểm giao thời chuyển tiếp chính trị đang dần lộ diện.

Từ Hồ sơ Panama đến đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường

Mặc dù từ lâu đã có nhiều dư luận về hiện tượng các quan chức Việt âm thầm tẩu tán tài sản ra nước ngoài, nhưng chỉ đến năm 2016 lần đầu tiên mới bật ra thông tin theo một cách “chẳng giống ai”: sự rò rỉ bất ngờ và sau đó là tiết lộ của vụ Hồ sơ Panama đã lôi ra ánh sáng việc Việt Nam có tới 189 cá nhân và tổ chức với 19 công ty vỏ bọc được thành lập ở nước ngoài, chủ yếu là tại các “thiên đường trốn thuế”. Tổng cộng có đến 92 tỉ USD được chuyển phi pháp từ Việt Nam ra nước ngoài trong những năm qua.

Nhưng sau vụ Hồ sơ Panama, mọi chuyện lại trở về khoảng lặng êm đềm trong quá khứ của nó. Không một cơ quan và quan chức nào của Việt Nam muốn tự vạch áo cho người xem lưng. Vì thế đã chẳng có một cuộc điều tra nào, dù chỉ cho có, đối với “Hậu Hồ sơ Panama”.

Chỉ đến tháng 7/2016, ngay trước thời điểm thông qua lần cuối tư cách của gần 500 đại biểu Quốc hội, Việt Nam mới “bỗng dưng” phát hiện một chuyện cười ra nước mắt: nữ đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường có quốc tịch ở… Cộng hòa Malta - một quốc gia chỉ rộng có 300 cây số vuông, nằm ở một xó của châu Âu, tạo ấn tượng nổi bật nhất nhờ vào hai việc: trở thành rổ đựng bóng trong các trận cầu quốc tế, và dễ tránh thuế đánh vào tài sản cá nhân.

Hẳn nhiên với lý do bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã vi phạm điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam về việc công dân Việt Nam không được có hai quốc tịch, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã phải họp đột xuất để bỏ phiếu không xác nhận tư cách đại biểu của bà Hường.

Tuy nhiên, vấn đề có lẽ không chỉ nằm ở chỗ tư cách đại biểu quốc hội xen kẽ tư cách “công dân Malta” của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, mà từ vụ việc của bà Hường, người dân đã có hẳn một bằng chứng xác thực về chuyện đến cả đại biểu Quốc hội Việt Nam cũng chuẩn bị “ra đi tìm đường cứu nước” như thế nào, thay vì trước đây chỉ nghe đồn đoán về “một bộ phận không nhỏ” đã chuẩn bị nhảy lên máy bay chuồn ra nước ngoài nếu Tổ quốc “có biến”.

‘Đặt vé chưa?’ và nhìn từ Trung Quốc

Thật thế, trong những năm gần đây, một số đại gia và quan chức khi gặp nhau trên bàn nhậu thường nháy mắt đầy ngụ ý “Đặt vé chưa?”. Trước đó là một câu hỏi khác “Có thẻ xanh chưa?”.

Cũng đã từ lâu, trong giới đại gia và quan chức, đặc biệt ở khu vực Hà Nội, khá phổ biến kinh nghiệm cần một khoản chi phí 500.000 đô la để được nhập tịch Canada. Ngay trước Đại hội XII của đảng cầm quyền, một đơn thư gửi đến Bộ Chính trị đã tố cáo bà Nguyễn Thị Thanh Phượng, con gái thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng, có quốc tịch Mỹ…

Dù chẳng ai dám nói trắng ra, nhưng nhiều quan chức và thương gia đều ngầm hiểu với nhau là việc có thêm một quốc tịch nước ngoài mà do đó vi phạm luật Việt Nam là “chẳng có gì xấu trong tình hình hiện nay”. Mà tình hình hiện nay lại là một núi lửa đang chực chờ phun trào, bao gồm những biến động chính trị nội bộ không thể lường trước, làn sóng phản kháng xã hội của các tầng lớp nhân dân ngày càng dữ dội, trong đó phải kể đến tâm lý “hồi tố tài sản tham nhũng” và sự trả thù của người dân một khi chế độ không còn nằm trong tay lớp quan lại nhũng nhiễu.

Tuy không có số liệu thống kê nào, nhưng bầu không khí ở Việt Nam là khá gần gũi với “người anh em Trung Quốc”.

Theo số liệu của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc, riêng trong năm 2011, các chính phủ nước ngoài đã giúp bắt giữ 1.631 người Trung Quốc chạy trốn vì “các hành động tội phạm liên quan đến công việc” và thu hồi 7,8 tỉ nhân dân tệ (1,2 tỉ USD) tài sản nhà nước bị đánh cắp. Phần lớn đối tượng phạm tội đều là quan chức và nhân viên của các doanh nghiệp nhà nước.

Hiện tượng các quan tham Trung Quốc chuyển tài sản cho các thành viên trong gia đình mang ra nước ngoài và họ không giữ gì trong tay, sau khi gia đình định cư an toàn ở nước ngoài những quan tham này mới lên kế hoạch thoát thân, đang trở thành phổ biến ở Trung Quốc.

Điểm đến hàng đầu cho các dòng tiền Trung Quốc chảy ra nước ngoài phi pháp là Mỹ, Châu Âu, Australia, Canada... Tại Mỹ, Los Angeles là điểm đến ưa thích nhất của các quan tham Trung Quốc.

Vụ bê bối chính trị của gia đình Bạc Hy Lai - Cốc Khai Lai bị phanh phui khiến dư luận kinh ngạc về mức độ tham nhũng và cách tẩu tán tiền kiếm được từ tham nhũng của các ông quan tham Trung Quốc. “Xách tay” hàng nghìn tỷ USD ra khỏi đất nước, mua bất động sản cao cấp ở nước ngoài, tiêu tiền cho gái, đánh bạc… là những cách thức tẩu tán tiền ra nước ngoài phổ biến của các quan tham Trung Quốc.

Một bản báo cáo của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã chỉ ra những cách mà các tham quan Trung Quốc thường sử dụng để chuyển tiền ra nước ngoài:

- Một vài người dùng cách đơn giản là tự mình hoặc cho người xách những vali lớn đựng đầy tiền qua biên giới.

- Một số khác sử dụng thẻ tín dụng để mua hàng hiệu với khối lượng lớn ở nước ngoài, sau đó dùng tiền biển thủ công quỹ hoặc tiền hối lộ để bù vào thẻ tín dụng.

- Trong một số trường hợp, tham quan nhận tiền hối lộ ở nước ngoài và dùng tiền đó mua bất động sản cũng ở nước ngoài, hoặc chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản ở nước ngoài.

- Ly dị giả cũng là một cách để các quan tham Trung Quốc tẩu tán tài sản ra nước ngoài.

- Nếu tinh vi hơn, tham quan sẽ thành lập công ty ở những nơi như British Virgin Islands song song với một công ty trong nước. Kế đó, họ cho công ty trong nước mua nguyên vật liệu từ công ty ở nước ngoài với mức giá “trên trời” rồi để công ty trong nước bán hàng cho công ty nước ngoài với giá dưới mức giá thị trường. Công ty ở trong nước sau đó sẽ phá sản theo một kịch bản có sẵn, rồi công ty ở nước ngoài sẽ thâu tóm công ty phá sản này.

- Một kênh rửa tiền phổ biến khác là các sòng bạc ở “thiên đường casino” Macao. Do quy định kiểm soát chuyển tiền ra nước ngoài, các sòng bạc Macau cho phép khách hàng từ đại lục để Nhân dân tệ trong nhà băng ở đại lục rồi chuyển bằng thẻ tín dụng tới Macao, thường là với số lượng lớn hơn nhiều so với số lượng tiền gửi ban đầu tại ngân hàng. Người thắng bạc có thể được trả bằng đô la Hồng Kông và chuyển số tiền này đến một địa chỉ khác, nhưng cũng có lúc tham quan thắng bạc cầm thẳng số tiền này mang đi…

Thế giới thu hồi tài sản tham nhũng ra sao?

Chỉ đến gần đây mới xuất hiện vài số liệu cho biết số ngoại tệ được chuyển phi pháp từ Việt Nam ra nước ngoài có năm đã lên đến 19 tỷ USD. Con số này cho thấy rất nhiều quan chức và thương gia đã âm thầm chuyển tiền bạc ra các nước, bất chấp kỷ luật đảng. Nếu quan chức Trung Quốc “thích” những nước như Canada, Mỹ, Anh, Pháp…, thì quan chức Việt Nam có lẽ cũng như vậy.

Không khó để hình dung rằng số tiền từ 500.000 đến 1 triệu bảng Anh mà đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường bỏ ra để nhập quốc tịch Malta có thể chẳng là gì so với những quan chức giàu có ở Việt Nam.

Nhưng cho tới nay, cơ sở pháp lý của Việt Nam, công cụ phòng chống tham nhũng và nhất là thu hồi tài sản tham nhũng tẩu tán vẫn hoàn toàn chưa có biện pháp chế tài. Việc chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài vẫn rất dễ thực hiện thông qua các giao dịch điện tử ngầm hoặc đội lốt hợp tác đầu tư thông qua các công ty bình phong ở nước ngoài.

Năm 2014, trong một bài viết cho đài VOA, nhà báo Bùi Tín đã cung cấp một số thông tin đáng chú ý về cơ chế nhằm thu hồi tài sản tham nhũng từ các chế độ độc tài. Một kinh nghiệm từng có là khi chế độ cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, các chế độ mới đã không kịp thời xử lý nghiêm những tài sản phi pháp của hệ thống cầm quyền cũ, nên tài sản chung đã bị tẩu tán, phân tán, lọt lưới pháp luật, tạo nên một số “tỷ phú mafia đỏ hậu cộng sản,” những phe nhóm lợi ích thuộc gia tộc các quan chức cầm quyền cũ; nhờ thế số người này vẫn chế ngự và lũng đoạn nền kinh tế và tài chính quốc gia, mặc dù lịch sử đã sang trang.

Tháng 3 năm 2007, cuộc họp liên tịch giữa Tổ chức chống buôn lậu và tội ác của LHQ (UNODC) và một nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đã lập ra một cơ chế mang tên Stolen Asset Recovery Initiative (StAR– Chương trình thu hồi tài sản phi pháp) nhằm hướng dẫn và giúp đỡ các nước thực hiện việc thu hồi các tài sản phi pháp bị mất bởi nạn hối lộ, tham nhũng, buôn lậu cấp quốc gia và nộp các tài sản được thu hồi đó vào ngân sách nhà nước hoặc vào các quỹ từ thiện quốc tế nhằm giúp các nước đói nghèo trên thế giới.

Trước đó ở châu Âu đã có tổ chức Serious Organized Crime Agency (SOCA – Cơ quan chống tội ác có tổ chức nghiêm trọng) mang tính chất nghiệp vụ pháp lý chuyên giúp đỡ việc truy tìm những người phạm tội ác nghiêm trọng trong đó có tội tham nhũng ở mọi nơi, mọi nước, cũng như tổ chức Financial Crimes Enforcement Network (FICEN - Mạng luới chống tội ác về tài chính), hay tổ chức Agence Gestion et Recourement des Avoirs Confisqués (AGRAC - Cơ quan quản lý và giải quyết tài sản bị tịch thu). Chính những tổ chức này đã tham gia có hiệu quả vào việc giúp cho Indonesia và Philippines thu hồi một số tài sản phi pháp khá lớn của 2 cựu Tổng thống Suharto và Ferdinand Marcos sau khi 2 ông này bị lật đổ và truy tố. Riêng tài sản phi pháp của vợ chồng Marcos đã được thu về cho ngân sách nhà nước là 4 tỷ USD trong tổng số 10 tỷ họ đã tước đoạt của công quỹ và nhân dân.

Các tổ chức trên đã giúp cho chính quyền mới ở Libya thu về hơn 1 tỷ USD của nhà độc tài Gaddafi để trao cho Hội đồng Chuyển tiếp sung vào ngân sách quốc gia; ngoài ra các ngân hàng ở Thụy Sỹ cũng đã tự nguyện trao trả cho chính quyền mới ở Tunisia 60 triệu Francs Thụy Sỹ, cho chính quyền mới ở Ai Cập 410 triệu Francs Thụy Sỹ và cho chính quyền mới ở Libya 650 triệu Francs Thụy Sỹ là tiền ký gửi của các nhà độc tài tham ô Ben Bella, Mubarak và Gaddafi…

Còn với trường hợp Việt Nam thì sao?

Nếu không gấp rút có được một cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng, hệ lụy chắc chắn sẽ xảy ra là sau khi đã có “vé”, đến một thời điểm nào đó lớp quan chức “ăn của dân không chừa thứ gì” sẽ nhảy lên máy bay để “chuồn”, bỏ lại một đất Việt cạn kiệt tài nguyên, khủng hoảng chính trị và xã hội tan hoang.

Theo Blog của Phạm Chí Dũng (VOA)
phai  
#2 Đã gửi : 29/07/2016 lúc 07:53:35(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Những ngả đường vào Mỹ
UserPostedImage

Trong những ngày qua dư luận trong nước xôn xao việc ông Trương Đình Anh, nguyên Tổng Giám đốc tập đoàn viễn thông FPT, đưa cả gia

đình sang Mỹ định cư.

Trước đó không lâu dư luận cũng bàn tán về việc một đại biểu quốc hội là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường bị truất quyền đại biểu vì mang song

tịch Việt Nam và Cộng hòa Malta, một đảo quốc nhỏ ở Địa Trung Hải gần bên nước Ý.

Theo luật Malta, một người nước ngoài chỉ cần bỏ nửa triệu đôla vào đầu tư, không bắt buộc phải sinh sống ở đó cũng có thể được nhập

tịch. Điều này khơi lên nghi vấn là có bao nhiêu người Việt khác có chức quyền và những triệu phú đã có quốc tịch Malta như bà Hường, hoặc

đang là thường trú nhân, hay đã mang hộ chiếu một nước khác.

Báo chí trong nước đưa tin ông Trương Đình Anh rời Việt Nam hôm 23/7 nhưng không cho biết ông và gia đình gồm vợ và bốn người con

dưới 21 tuổi được vào Mỹ định cư theo diện nào.

Theo ông Lương Duy Phương từ Công ty Pháp lý DP Legal Solutions có văn phòng dịch vụ ở vùng Vịnh San Francisco thì có khả năng cao là

ông Anh đến Mỹ định cư theo diện bỏ vốn đầu tư.

Ông Phương nói: “Hiện nay ở Mỹ có những vùng sâu xa cần đầu tư, nếu một người nước ngoài có thể bỏ ra 500 nghìn hay một triệu đôla đầu

tư vào một cơ sở thương mại hay những dự án có sẵn và có thể thuê 10 công nhân làm việc chính thức toàn thời gian thì nhà đầu tư và cả

gia đình sẽ được chính phủ Mỹ cấp thẻ xanh.”

Với kinh nghiệm dịch vụ về pháp lý và di dân lâu năm, ông Phương cho biết những địa phương nào người nước ngoài có thể đầu tư để được

thẻ xanh thì do sở di trú Mỹ quyết định. Ngay ở California cũng có những vùng xâu xa, khu vực gần sa mạc nếu người nước ngoài bỏ tiền vào

đầu tư sẽ được thẻ xanh, theo lời ông Phương.

“Với một người như ông Trương Đình Anh thì không chỉ cần 1 triệu đôla mà ngay cả 10 triệu đôla để đầu tư vào Mỹ thì điều đó không khó,”

ông Phương đưa ra nhận xét như thế về trường hợp ông Trương Đình Anh và gia đình.

Như thế, cứ theo đúng tiến trình thì từ việc có thẻ xanh đến việc nhập tịch Mỹ, nếu muốn, chỉ còn là vấn đề thời gian đối với ông Anh.
Những ngả đường vào Mỹ


UserPostedImage

Với hàng triệu người Việt đã đến Mỹ định cư từ năm 1975, để trở thành công dân Mỹ đã qua các giai đoạn sau: người vượt biên, vượt biển

được nhận cho định cư qua qui chế tị nạn với giấy I-94, một năm sau có thẻ xanh và 5 năm kể từ ngày đặt chân đến Mỹ thì có thể xin nhập

tịch.

Bình thường một di dân đến Mỹ khi còn trẻ, có khả năng học hiểu tiếng Anh và hiểu biết cơ bản về tổ chức công quyền, quyền lợi công dân và

không phạm luật thì chừng sáu bảy năm là có thể trở thành công dân Mỹ dễ dàng.

Những người lớn tuổi với khả năng tiếng Anh giới hạn, nếu trên 65 tuổi và ở Mỹ hơn 15 năm có thể xin thi nhập tịch bằng tiếng Việt.

Khi làn sóng thuyền nhân vượt biển chấm dứt, đến lớp người được Hoa Kỳ nhận cho định cư theo diện HO, con lai hay ROVR, là diện hồi

hương từ các trại tị nạn, vào thập niên 1990 và hầu hết cũng được hưởng qui chế tị nạn với thẻ I-94.

Ngày nay vẫn còn nhiều người Việt đến Mỹ định cư, đa số theo diện di dân đoàn tụ do người thân trong gia đình bảo lãnh và họ nhận được

thẻ xanh trong một thời gian rất ngắn, chừng vài tuần, sau khi đặt chân đến Hoa Kỳ.

Nếu đến Mỹ theo diện hôn thê hôn phu hay vợ chồng, thời gian có thẻ xanh sẽ lâu hơn vì cơ quan di trú muốn có thời gian để xác minh những

đám cưới không phải những cuộc kết hôn giả tạo.

Trong những năm qua, với quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ phát triển hơn thì người Việt vào Mỹ qua diện đầu tư hay nghề nghiệp cũng

nhiều.

Diện di dân theo nghề nghiệp, cao cũng như thấp, một năm chính phủ Mỹ cấp hơn một trăm nghìn visa, trong số đó khoảng 40 nghìn thuộc

loại EB-3 dành cho những ngành nghề đòi hỏi có bằng cử nhân hay cao hơn từ đại học Mỹ như kiến trúc sư, kỹ sư, luật sư, bác sĩ, giáo viên

các cấp và giới hạn không quá 7% số visa dành cho một quốc gia.

Nhiều sinh viên du học từ Việt Nam đã được định cư tại Mỹ sau khi hoàn tất học trình là qua diện này. Trung Quốc và Ấn Độ luôn sử dụng hết

số visa được cấp vì quá đông dân.

Như thế con đường định cư và trở thành công dân Mỹ có nhiều cơ hội hơn cho người Việt, so với việc định cư ở các nước như Đức, Anh hay

Pháp. Không những được định cư cho gia đình, sau đó còn có thể đem bố mẹ, anh chị em qua nữa.

Trong quá khứ đã có nhiều nghệ sĩ Việt di dân hợp pháp sang Mỹ như Thu Phương, Trần Thu Hà, Lam Trường, Bằng Kiều, Quang Dũng qua

kết hôn với Việt kiều có quốc tịch Mỹ.

Chuyện ông Trương Đình Anh đưa cả gia đình sang Mỹ định cư tuần qua là sự kiện đầu tiên một người nổi tiếng trên thương trường bỏ nước

ra đi được truyền thông công khai nhắc đến.
UserPostedImage

Ông Trương Đình Anh từng là Tổng giám đốc FPT
Cơ hội cho người Cộng sản?

Sự việc có nhiều người từ Việt Nam qua Hoa Kỳ định cư, trong đó có thể có những đảng viên Đảng Cộng sản, từ lâu nay đã gây chú ý trong

cộng đồng người Mỹ gốc Việt, đặc biệt ở California với nhiều cơ sở thương mại do người trong nước mới qua làm chủ.

Điều này đã khiến một ứng cử viên gốc Việt ở San Jose quan tâm.

Kỹ sư Công Đỗ, ứng cử dân biểu tiểu bang California trong kỳ bầu sơ bộ vừa qua nhưng không thành công, đã lên tiếng yêu cầu chính phủ

Mỹ thu hồi thẻ xanh của những người đã từng là đảng viên cộng sản và ông đã nêu vấn đề này với giới chức dân cử địa phương cũng như với

sứ quán Mỹ tại Việt Nam.

Một đảng viên Đảng Cộng sản có thể định cư tại Mỹ được không? Theo hồ sơ xin thẻ xanh mẫu, I-485, có câu hỏi số 6, nguyên văn như sau:

“Have you EVER been a member of, or in any way affiliated with, the Communist Party or any other totalitarian party?” (Ông/Bà đã có bao

giờ là thành viên, hay qua bất cứ hình thức nào có liên hệ với Đảng Cộng sản hay một đảng độc tài toàn trị nào khác?)

UserPostedImage

Một trong những câu hỏi trong đơn xin nhập tịch Hoa Kỳ là "Ông/Bà đã từng bao giờ là thành viên trực tiếp hay gián tiếp của Đảng Cộng sản

chưa?"

Câu hỏi tương tự cũng có trong đơn xin nhập tịch Hoa Kỳ, mẫu đơn N-400, và thêm quan hệ với tổ chức khủng bố: “Have you EVER been a

member of, or in any way associated (either directly or indirectly) with: A. The Communist Party? B. Any other totalitarian party? C. A

terrorist organization?” (Ông/Bà đã có bao giờ là thành viên, hay qua bất cứ hình thức nào có liên hệ (trực tiếp hoặc gián tiếp) với: A. Đảng

Cộng sản? B. Với bất cứ đảng độc tài toàn trị nào khác? C. Một tổ chức khủng bố?)

Vì lý do này mà trong thập niên 1980 nhiều bộ đội cộng sản Việt Nam vượt biên giới từ Cambodia qua Thái Lan và đến được các trại tị nạn

thì không được Hoa Kỳ nhận cho định cư. Hầu hết họ đi Canada, Úc hay các nước Tây Âu.

Về việc thu hồi thẻ xanh, nếu đã cấp cho một đảng viên cộng sản, theo nhận định của ông Lương Duy Phương là điều khó thực hiện: “Đưa

việc này vào vấn đề tranh cử thì được, nhưng để thực hiện thì rất khó vì sở di trú INS không đủ người để điều tra. Chỉ khi một người có

những hành vi phạm luật khác, khi đó họ mới xét lại hồ sơ.”

Tôi biết một bà mẹ được con bảo lãnh qua Mỹ, khi khai hồ sơ đánh dấu YES cho câu hỏi về tư cách đảng viên Đảng Cộng sản vì bà thực sự

là một đảng viên cấp chi bộ và đã nghỉ hưu. Nhân viên di trú bác hồ sơ và nói với bà hãy thôi tham gia sinh hoạt đảng rồi khiếu nại thì phía Mỹ

sẽ tái cứu xét hồ sơ.

Hoa Kỳ là nước có chính sách đón tiếp di dân rất thoáng vì truyền thống lịch sử. Những ai có tài năng vượt trội, có nhiều tiền đều có cơ hội

đến Mỹ để đóng góp cho sự thịnh vượng của đất nước này, dù theo nhiều bảng xếp hạng toàn cầu nước Mỹ không phải là nơi hạnh phúc

nhất.

Theo một khảo sát mới đây của tổ chức New Economics Foundation, Việt Nam đứng cao thứ 5 về chỉ số hạnh phúc trong số 140 quốc gia,

còn Hoa Kỳ đứng thứ 108. Nhưng mỗi năm có gần trăm nghìn người rời Việt Nam đi định cư ở nước khác, đông nhất vẫn là đến Mỹ.
Bùi Văn Phú Gửi cho BBC từ San Jose, California
phai  
#3 Đã gửi : 29/07/2016 lúc 07:55:44(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
101 con đường đến nước Mỹ

Nhưng con đường để họ đến với giấc mơ ấy không phải bao giờ cũng êm xuôi mà phần lớn đều ẩn chứa những nguy cơ và hiểm hoạ, thậm chí đe doạ đến an toàn sinh mạng của chính họ. Những con đường đến Mỹ mà tôi biết qua bạn bè tôi, con đường nào .....
Trước khi đến Mỹ, tôi được nghe những hình dung từ mỹ miều về xứ sở này nhưng tôi không tin lắm chuyện nó là “miền đất hứa” đối với tất cả mọi người trên khắp thế giới. Dù tôi thường xuyên đọc, nghe, xem, thấy những chuyện di cư sang Mỹ, vượt biên sang Mỹ nhưng đối với tôi, đó vẫn chỉ là những câu chuyện của báo chí, phim ảnh và rất có thể đã được “cường điệu hoá”. Nhưng sau khi sống ở Mỹ vài năm, tiếp xúc với nhiều bạn bè đến từ nhiều quốc gia và châu lục khác nhau, nghe những câu chuyện của họ, tôi đã thực sự biết rằng: giấc mơ Mỹ là có thật đối với rất nhiều người trên thế giới này. Nhưng con đường để họ đến với giấc mơ ấy không phải bao giờ cũng êm xuôi mà phần lớn đều ẩn chứa những nguy cơ và hiểm hoạ, thậm chí đe doạ đến an toàn sinh mạng của chính họ. Những con đường đến Mỹ mà tôi biết qua bạn bè tôi, con đường nào cũng có dấu ấn của lựa chọn, dấn thân và số phận.

Tôi may mắn khi được trải nghiệm cuộc sống Mỹ ở Berkeley - thành phố gần kề với thành phố cảng sầm uất và xinh đẹp San Francisco - là điểm đến của vô số người nhập cư. Chính vì thế mà tôi có cơ hội được tiếp xúc với rất nhiều người nhập cư mang theo giấc mơ Mỹ của họ đến sống ở nơi đây. Berkeley và San Francisco được mệnh danh là thành phố của dân hippy[1], nơi tụ hội của dân hippy từ khắp nơi trên nước Mỹ vào những năm 60, 70 của thế kỉ XX. Tôi đến sống ở Berkeley 50 năm sau những ngày sôi nổi nhất của phong trào hippy nhưng vẫn còn có thể cảm nhận rõ rệt hơi thở hippy đậm đặc trong lối sống thành phố này. Hồi đầu mới sống ở Berkeley, tôi ngạc nhiên thích thú khi bắt gặp những chiếc xe cổ lỗ sĩ, sơn xanh đỏ rằn ri, hình thù cổ quái chạy trên đường. Có những chiếc xe được chủ nhân của nó gắn thêm lên nóc cả một bộ sưu tập khủng long, chó mèo, gà lợn hoặc hầm bà lằng các dị vật khác nhau. Ban đầu tôi cứ tưởng đó là trò vui của đám trẻ trai nghịch ngợm, nhưng hỏi ra mới biết, những chiếc xe độc nhất vô nhị ấy là chứng tích của tinh thần hippy từng rất sôi nổi ở vùng này. Chủ nhân của chúng là những người lớn lên trong bầu văn hoá hippy nên tới tận ngày nay, họ vẫn tiếp tục thể hiện sự phản kháng với các quy tắc xã hội bằng những hành động khác thường. Đến Berkeley, nếu bạn nhìn thấy một người đàn ông râu tóc xồm xoàm nhưng ăn bận như phụ nữ với váy dài, đồ trang sức cầu kì và cài hoa lên tóc, bạn cũng đừng nhìn chằm chặp khiếm nhã. Họ chính là những người vẫn đang sống với tinh thần hippy, đề cao tự do tuyệt đối. Họ muốn thể hiện tinh thần ấy ngay trong việc đảo lộn các quy tắc ăn mặc thông thường. Tại sao chỉ phụ nữ mới có quyền mặc váy, cài hoa? Tại sao chúng ta tự bó buộc mình trong mớ quy chuẩn nhàm chán? Tại sao chúng ta phải lệ thuộc vào những chuẩn mực chung? Những người hippy muốn phá vỡ mọi lề lối để con người được tận hưởng thứ tự do tuyệt đối. Chính tinh thần hippy còn vương sót lại khắp nơi trong thành phố Berkeley khiến thành phố này có một vẻ quyến rũ đặc biệt. Ở đây, bạn không phải lo chuyện kì thị dân tộc, vì những người dân nơi đây yêu tự do và mở rộng vòng tay chào đón những người đến từ xứ lạ. Lối sống phóng khoáng, cởi mở của dân cư vùng này khiến tôi hoà nhập rất nhanh, dù tôi vốn là một người có xu hướng khép kín và hướng nội. Berkeley đã khiến tôi thay đổi. Có lẽ, tinh thần tự do ngập tràn trong bầu trời xanh thẳm ở nơi đây là chiếc chìa khoá nhiệm màu có khả năng tự động mở tung những cánh cửa bí mật trong tôi. Tôi tự thấy mình hoà đồng hơn với đồng loại, với cỏ cây, hoa lá, chim muông. Tôi tin rằng, những nụ cười trên phố, những câu chào hỏi thân thiện, lối phục trang bất quy tắc và đám xe cộ vui mắt của cư dân Berkeley khiến ngay cả những người kì quái nhất cũng không bao giờ cảm thấy lạc lõng. Ở đó, mọi dị biệt được chấp nhận và tôn trọng. Chắc cũng vì vậy mà những người đồng tính thường chọn San Francisco và Berkeley làm nơi hẹn hò và sinh sống. Tôi nhìn thấy rất nhiều cặp đồng tính nam, đồng tính nữ tự do yêu đương, sinh con đẻ cái, lập gia đình và sống một cuộc sống hạnh phúc theo cách riêng của họ xung quanh mình. Tôi yêu tự do và tôi may mắn được sống ở Berkeley - thành phố của những người yêu tự do. Và ở đó, tôi đã được gặp những người bạn yêu tự do như tôi đi tìm giấc mơ của đời mình. Ở đó, tôi đã được nhìn thấy 101 ngả đường đến với thiên đường - nước Mỹ.

Tôi tình cờ đến Mỹ vì trót yêu và gắn kết cuộc đời mình với một chàng trai Mỹ, nhưng bạn bè tôi, họ đến Mỹ với tất cả khát khao tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Những câu chuyện tôi sẽ chia sẻ với các bạn sau đây chỉ là một số ít những trường hợp tìm đường đến với giấc mơ Mỹ trong muôn nẻo đường mở rộng gọi mời.

2. Câu chuyện của Vương Thi Hàn - cô gái Đài Loan đi tìm vận may kết hôn với người Mỹ

Tôi gặp Vương Thi Hàn ở lớp học tiếng Anh và văn hoá Mỹ. Cô gái nhỏ với đôi mắt sáng và mái tóc đen nhánh đến từ Đài Loan đã nhanh chóng gây ấn tượng với tôi từ những ngày đầu tiên lên lớp. Trong một lần tình cờ ngồi chung nhóm thảo luận, tôi đã có dịp bắt chuyện với cô và được biết, đây không phải là lần đầu tiên cô đến Mỹ. Cô từng đến Mỹ vì công việc và sau đó hàng năm đều tự tổ chức những chuyến du lịch một mình đến Mỹ khám phá đất nước rộng lớn này. Cô làm kế toán cho một công ty ở Đài Bắc và theo lời cô, đó là một công việc quá nhàm chán nên cô phải tự tìm cách “đổi gió” cho bản thân bằng những chuyến phiêu lưu như thế. Nói chuyện với Tiểu Hàn (tôi gọi cô thân mật như thế sau khi chúng tôi đã trở thành bạn), tôi không khỏi kinh ngạc và khâm phục khả năng tự lập của cô. Với một đứa từng là gà công nghiệp như tôi, chuyện một cô gái 27 tuổi mỗi năm đều tự sang Mỹ sống ba tháng trời ở một bang mới, không bạn bè, không người thân là chuyện quá sức tưởng tượng. Cô thuê một phòng trọ nhỏ, ở chung nhà với nhiều người khác. Rồi cô mua một chiếc xe đạp để đi học và dạo loanh quanh trong thành phố. Ban đầu, tiểu Hàn chỉ bảo rằng, cô ưa đến Mỹ vì rất thích thiên nhiên hoang dã nơi đây. Cô lấy lớp học để rèn luyện thêm tiếng Anh và bổ túc kiến thức văn hoá, đồng thời, để kết bạn. Mỗi cuối tuần, cô thường đi du lịch đâu đó ngoài thành phố. Cả năm trời sống ở Mỹ của tôi không bằng vài tuần của tiểu Hàn vì cô lên lịch khám phá khắp mọi nơi cho riêng mình, từng tuần một. Từ khi quen biết cô, ngày đầu tuần bỗng trở thành một ngày đặc biệt với tôi vì đầu tuần nào, tiểu Hàn cũng từ một nơi nào đó trở về, mang theo những câu chuyện mới để kể cho tôi nghe. Ngày nào lên lớp, tôi và cô cũng nói chuyện với nhau, rủ nhau đi căng-tin uống nước và hết giờ thì cùng tản bộ với nhau một quãng, trước khi chia tay ở bến tàu Một lần, tiểu Hàn rủ tôi đi mua sắm cùng cô vì cô bảo tối nay cô có hẹn ăn tối với một người đàn ông cô mới quen trong quán bar tối hôm qua. Đó là một anh chàng người Mỹ gốc Trung Quốc, làm việc ở một kênh truyền hình địa phương. Tôi hơi ngạc nhiên vì cô bạn đã nhận lời hẹn hò với một người đàn ông lạ nhanh chóng đến thế, nhưng thấy nét mặt rạng rỡ của cô, tôi không dám hỏi gì thêm vì sợ những suy nghĩ ấu trĩ của tôi có thể khiến cô cụt hứng. Nhưng không hiểu sao, từ hôm đó, tôi cứ hồi hộp lo lắng thay cho cô. Những buổi lên lớp của cô cứ thưa dần vì Tiểu Hàn bận đi du lịch với anh bạn mới quen. Vài tuần sau, trong một lần hiếm hoi cô trở lại lớp học, cô kể rằng cô đã dọn đến sống cùng anh bạn đó ở San Francisco và mọi thứ đang rất tuyệt. Tôi cố giấu ngạc nhiên, chúc mừng cô mới có bạn trai. Tiểu Hàn cười, bảo: Không, anh ta chưa phải là bạn trai của tao đâu, chỉ có thể sẽ là thôi… Rồi cô tâm sự với tôi rằng, thực chất, những chuyến phiêu lưu đến Mỹ của cô là những chuyến đi tìm bạn đời. Cô thích nước Mỹ ngay từ lần đầu tiên đến thăm và đã lên kế hoạch sẽ “sắm” bằng được một anh chồng người Mỹ để có cơ hội sống ở “thiên đường” mà cô mơ ước. Hàng đêm, Tiểu Hàn đi quán bar tìm “mồi”, với hi vọng sẽ gặp được người đàn ông giúp cô thực hiện giấc mơ Mỹ. Cô kể ở bất kì đâu cô đến, cô cũng dễ dàng làm quen được với nhiều đàn ông Mỹ ở nhiều tầng lớp khác nhau vì hình như họ ưa vẻ ngoài dễ thương của cô, nhưng rốt cục, lần nào cũng thế, sau ba tháng hết hạn visa, cô trở về Đài Loan thì mọi mối tình đều chấm dứt. Đó là lí do mà hành trình đến Mỹ của cô đến giờ vẫn còn tiếp diễn.

Ba tháng ở Mỹ của Tiểu Hàn nhanh chóng trôi qua trong những chuyến du lịch. Trước ngày về lại Đài Loan, Tiểu Hàn hẹn tôi đi uống café. Cô gái mắt đen tôi gặp ba tháng trước nhìn tôi bằng cặp mắt từng trải mà có lẽ trước đó tôi không nhận ra. Cô hào hứng kể với tôi chuyến du lịch cuối cùng với người “có thể sẽ là bạn trai”. Để thực hiện chuyến đi Hawaii - chuyến du lịch cuối cùng với anh bạn sống chung phòng, ngủ chung giường suốt hơn hai tháng trời ở Mỹ, Tiểu Hàn đã đổi vé máy bay. Tôi vẫn hi vọng rằng, cô đã tìm thấy người đàn ông của đời mình, rụt rè hỏi: Thế chuyện tình cảm của mày với anh chàng kia tiến triển đến đâu rồi? Sao mày lại nói rằng đó là chuyến du lịch cuối cùng của bọn mày? Tiểu Hàn cười buồn nói với tôi: Bọn tao vẫn chỉ là bạn thôi. Không hứa hẹn gì, không nói yêu đương gì đâu. Có lẽ tao chưa gặp may… Rồi hẳn là cô không thấy thoải mái với vẻ mặt buồn rầu ngớ ngẩn của tôi và không khí chùng xuống của chầu café chia tay, cô huyên thuyên nói với tôi về kế hoạch đi sang một bang mới của Mỹ cho năm tới. Cô sẽ lại có ba tháng phiêu bạt ở Mỹ, lang thang khắp các điểm du lịch, uống rượu hàng đêm ở các quán bar tìm người tình trong mộng - một người Mỹ sẽ giúp cô ở lại miền đất hứa, giúp cô quên đi công việc tính toán nhàm chán ở quê nhà.

Tôi ngồi lặng im nghe người bạn gái đến từ một nơi mà hình như, phụ nữ là của hiếm. Chẳng thế mà bao cô gái Việt Nam quê tôi ôm giấc mộng lấy chồng Đài Loan để đổi đời. Có lẽ nào, bởi vì các cô gái Đài Loan bận rộn đi kiếm tìm giấc mơ Mỹ như Tiểu Hàn, nên đàn ông ở đó không còn cơ hội? Trước khi ôm cô bạn gái nhỏ chia tay, tôi chúc Tiểu Hàn có một chuyến du lịch vui và sẽ sớm tìm thấy người đàn ông cô muốn gắn bó suốt đời. Tôi cũng bảo với cô rằng, có lẽ, không phải cô chưa gặp may mà cô đã đi sai đường. Quán bar không phải là nơi lí tưởng để cô tìm bạn đời. Và tình yêu không phải là một trò cờ bạc may rủi, để cô cứ đi tìm vận may ở một chốn xa xôi. Tôi đã đắn đo suốt mấy tháng trời quen biết Tiểu Hàn rồi đợi đến phút cuối cùng bên cô mới dám nói ra những điều ấy. Tôi tin rằng, giấc mơ hạnh phúc của cô là đáng trân trọng, nhưng tôi e, giấc mơ ấy sẽ chỉ là bong bóng, nếu cô cứ mê mải lạc bước vào con đường cô đang đi.

3. Chuyện của Kifle - cậu bạn đến từ Châu Phi

Kifle - chàng trai trẻ điển trai có làn da đen bóng và đôi mắt sáng, rợp bóng mi đến từ châu Phi là người ít tuổi nhất trong lớp (18 tuổi) nên thường nhận được sự quan tâm đặc biệt của bà giáo. Tôi để ý đến cậu vì thấy mỗi lần lên lớp, cậu thường tỏ ra mệt mỏi. Hỏi ra mới biết, cậu đang cố gắng học lại chương trình phổ thông ở Mỹ để có thể sớm học lên đại học. Khi tôi hỏi cậu đến từ đâu, câu trả lời của Kifle xa lạ đến nỗi tôi phải hỏi đi hỏi lại mấy lần rồi cuối cùng, vì vẫn không tài nào nghe thủng tên đất nước của cậu, tôi phải dùng đến tấm bản đồ treo trong lớp học để nói chuyện tiếp với cậu. Thì ra, Eritrea - đất nước bé nhỏ ở Châu Phi - quê hương của Kifle là cái tên tôi chưa từng nghe đến trong đời. Có lẽ nỗi tò mò lẫn niềm phấn khích được học cùng với một người đến từ một đất nước tôi chưa từng có chút ý niệm nào khiến tôi năng nói chuyện hơn với Kifle. Và câu chuyện của cậu trai trẻ ấy hệt như một cuốn sách mà mỗi trang mở ra đều khiến tôi kinh ngạc và xúc động.

Kifle lớn lên thiếu vắng bàn tay chăm sóc của cha mẹ. Cha mẹ cậu li hôn rồi mỗi người di cư đến một đất nước mới để kiếm tìm giấc mơ riêng của họ. Mẹ cậu di cư sang Anh còn cha cậu di cư sang Mỹ, mang theo người chị gái của cậu. Kifle ở lại Eritrea với ông nội vì lúc đó cậu còn quá nhỏ. Kifle nói rằng, cuộc sống túng thiếu và khốn khổ của người dân ở Eritrea là nguyên nhân khiến vô số người cố gắng vượt biên sang Etiopia - quốc gia lân cận (quốc gia từng coi Eritrea là một tỉnh của họ vào năm 1962 rồi chấp nhận để Eritrea li khai thành một quốc gia độc lập năm 1991). Kifle đã từng được chứng kiến nhiều người chết dưới súng đạn của chính quyền vì hành động vượt biên trái phép, nhưng làn sóng người di cư tị nạn vẫn tiếp tục tăng. Dù vô cùng muốn đoàn tụ với người cha ở Mỹ, nhưng Kifle không được phép đi ra khỏi biên giới. Sự cấm đoán của chính quyền khiến đứa con xa cha mẹ phải tiếp tục sống trong sự thiếu thốn tình thương. Kifle bảo mỗi lần nghe tiếng cha mẹ trong điện thoại, cậu đều nung nấu rằng, cậu phải tìm cách để gặp lại gia đình. Và cách duy nhất để cậu có thể đoàn tụ với những người ruột thịt là vượt biên trái phép. Đó là cả một canh bạc lớn đối với chàng trai trẻ Kifle lúc bấy giờ mới 16 tuổi. Vì ước mơ đoàn tụ gia đình, Kifle đã chấp nhận đem sinh mạng mình ra đặt cược với rủi may của số phận. Tôi rùng mình nghĩ đến sự liều lĩnh của cậu thanh niên ấy, nhưng rồi tôi hiểu, khi tự do và tình yêu bị xâm phạm, con người ta có thể cứng cỏi đến nhường đó là chuyện bình thường.

Nung nấu ý định vượt biên từ lâu nhưng Kifle không dám hé răng nói với bất kì ai, kể cả người ông đã chăm sóc cậu từ bé đến lớn. Cậu nói với tôi rằng, cậu rất hiểu tính chất khốc liệt của ván bài may rủi này nên cách tốt nhất là giữ kín miệng. Kinh nghiệm cho thấy, những người kéo nhau đi từng tốp là những người dễ dàng bị phát hiện và phải nhận lấy kết cục bi thảm dưới họng súng tàn nhẫn của chính quyền. Kifle quyết định sẽ vượt biên một mình, phó mặc sinh mệnh cho đức chúa Trời. Rồi một đêm, cậu lẻn ra khỏi nhà, một mình lặng lẽ đi về hướng biên giới Etiopia. Đi bộ ròng rã 6 tiếng đồng hồ, cuối cùng, cậu đã đặt chân được tới Etiopia bình an để có thể trút mọi nỗi căng thẳng, sợ hãi ra khỏi lồng ngực. Sau một tuần an toàn ở Etiopia, Kifle mới dám gọi điện cho người cha ở Mỹ để ông liên lạc về cho ông nội cậu, thông báo tình hình. Tôi tưởng tượng ra một tuần mất tích của Kifle đối với ông nội và gia đình cậu khủng khiếp đến dường nào. Có lẽ, ý nghĩ rằng cậu đã bỏ mạng từng bóp nghẹt trái tim họ suốt những ngày dài không tin tức ấy.

Kifle phải ở lại Etiopia ròng rã một năm trời để hoàn thành giấy tờ bay sang Mỹ. Giấc mơ đoàn tụ với bố và chị gái của chàng trai trẻ ấy đã thành hiện thực đúng vào năm cậu tròn 18 tuổi - sau 14 năm trời sống xa cha mẹ. Với cậu, nước Mỹ không phải chỉ là miền đất hứa chung chung như người đời vẫn gọi, đó là mái ấm gia đình, là thiên đường của tình yêu và hạnh phúc.

Kifle kể câu chuyện vượt biên và những giờ phút đối mặt với nguy hiểm ghê gớm trong đời bằng một giọng bình thản và nụ cười hồn hậu. Tôi tin, chỉ có một người đã tự mở cánh cửa đến hạnh phúc cho mình mới có được vẻ an nhiên như thế ở tuổi của cậu.

4. Chuyện của Pema - cô gái bị mắc kẹt trong giấc mơ Mỹ

Pema là cô trông trẻ của gia đình tôi. Cô là người Tây Tạng nhưng sinh ra và lớn lên ở Nepal, trong một gia đình thiếu bóng dáng đàn ông. Pema từng làm việc ở Đài Loan, Ấn Độ nên cô có thể nói tất cả 5 thứ tiếng: tiếng Nepal, tiếng Tây Tạng, tiếng Ấn Độ, tiếng Trung và tiếng Anh. Lần đầu tiên tôi gặp Pema là ngày mẹ chồng cô đến thử việc trông nom thằng cu Muống. Lúc đó, Pema mới đến Mỹ được vài tháng và cô chỉ đi theo mẹ chồng cho biết đây biết đó. Sau khi hỏi chuyện Pema, tôi và Jason lại muốn Pema trở thành người trông trẻ cho gia đình tôi, thay vì mẹ chồng cô. Pema vui sướng nhận công việc đầu tiên ở Mỹ và cô rất cố gắng chăm sóc cu Muống. Cô thường hát những bài hát Ấn Độ vui tai cho cu Muống nghe rồi dạy cho cu Muống cách chào của người Tây Tạng. Sau khi dỗ cu Muống ngủ, Pema thường ngồi đọc kinh Tây Tạng với một vẻ mặt tĩnh tại hiếm thấy ở cô - cô gái lúc nào cũng tất bật với công việc. Ngoài việc trông cu Muống, Pema thường tranh thủ giúp tôi dọn dẹp nhà cửa, rửa bát, giặt đồ dù rằng, những việc đó không thuộc phạm vi công việc của cô. Ở Mỹ, các cô trông trẻ chỉ làm mỗi một việc là chăm sóc trẻ, còn việc dọn nhà là chuyện hoàn toàn không nằm trong trách nhiệm của họ. Pema biết thế nhưng cô vẫn luôn cố gắng giúp tôi vì cô bảo tôi làm cô nhớ đến người chị gái sống xa nhà cô đã không gặp suốt 10 năm nay. Chị gái cô lấy chồng ở New York, rồi Pema cũng nối gót chị - kết hôn với một người Mỹ gốc Tây Tạng, những tưởng sau khi sang Mỹ thì sẽ có cơ hội gặp lại chị gái. Nhưng đến Mỹ rồi, Pema mới nhận ra, cô đang mắc kẹt chính trong giấc mơ của mình.

Pema kể rằng, cô quen biết người chồng hiện tại từ hồi học chung trường phổ thông với anh ta ở Nepal. Sau khi anh này được gia đình bảo lãnh sang Mỹ, họ tiếp tục giữ liên lạc và bắt đầu yêu nhau trong xa cách. Trong một lần Pema nghỉ phép để từ Đài Loan về thăm gia đình, anh ta đã về Nepal và ngỏ lời cầu hôn với Pema. Cô nhanh chóng kết hôn rồi làm thủ tục đi Mỹ cùng với vị hôn phu, lòng mơ tưởng đến thiên đường hạnh phúc mà cô sắp cập bến. Ngờ đâu, sang tới Mỹ, thực tế khắc nghiệt của gia đình nhà chồng khiến cô tụt xuống hố thẳm của thất vọng. Bố mẹ chồng của Pema đã định cư ở Mỹ gần 20 năm, song họ vẫn giữ truyền thống của người Tây Tạng, cha mẹ và con cái vẫn ở chung nhà với nhau kể cả sau khi các con trai lập gia đình. Vợ chồng Pema sống chung với bố mẹ chồng và người anh trai độc thân của chồng. Bố chồng cô làm hộ lí ở một bệnh viện còn mẹ chồng và các con trai của họ cùng làm công việc kinh doanh nhỏ. Bố mẹ chồng của Pema không trả lương cho các con trai mà coi việc nuôi họ hàng ngày là đủ. Vốn tự lập sớm, Pema vô cùng thất vọng với anh chồng đã hơn 30 tuổi đầu mà vẫn sống bám vào bố mẹ. Cô động viên chồng đi học và kiếm việc gì khác để làm, rồi vợ chồng cố gắng tích luỹ để thuê nhà ở riêng nhưng chồng cô không nghe. Bố mẹ chồng Pema cho rằng cô con dâu đang xúi giục con trai làm trái ý muốn của họ thì bắt đầu trở mặt với cô. Họ đòi Pema phải trả tiền thuê nhà và tiền ăn hàng tháng. Thậm chí, các nhu yếu phẩm hàng ngày như xà phòng, sữa tắm, dầu gội đầu…, họ cũng giấu đi để buộc cô phải tự mua sắm. Mỗi lần phải lái xe đưa Pema đi làm, bố chồng cô luôn gợi ý cô trả tiền xăng. Pema vốn quen sống trong sự đùm bọc yêu thương của mẹ và chị gái, nay rơi vào một gia đình có cách ứng xử khác biệt như thế thì không khỏi choáng váng. Cô quyết định sẽ thực hiện mọi việc theo ý bố mẹ chồng để họ không than phiền về mình, nhưng cô vẫn nuôi hi vọng sẽ thuyết phục được chồng tìm việc làm và xây dựng cuộc sống riêng.

Chỉ sau nửa năm sống ở nhà chồng, Pema đã nhận ra rằng, cô hoàn toàn bất lực trước chồng và nhà chồng. Họ chỉ coi cô như một cái máy kiếm tiền và cố gắng vắt kiệt sức của cô bằng cách ngoài giờ làm việc, họ giao cho cô hết tất cả việc nhà. Mỗi cuối tuần, Pema phải theo mẹ chồng ra chợ để phụ giúp việc kinh doanh. Pema muốn đi thăm chị gái ở New York nhưng gia đình nhà chồng không cho phép. Ngay cả việc chị gái cô thường xuyên gọi điện hỏi thăm cô, gửi quà cho cô và bày tỏ mong muốn được bay sang thăm cô cũng khiến nhà chồng khó chịu. Pema bị cầm tù trong những ràng buộc khắt khe của nhà chồng.

Một đêm, Pema gọi điện cho tôi và hỏi liệu tôi có thể giúp cô tìm một nhà trọ rẻ tiền nào đó được không? Cô bảo rằng bố mẹ chồng trong cơn thịnh nộ đã đuổi cô ra khỏi nhà. Tôi lo lắng bảo Pema cứ đến nhà tôi ở tạm vài hôm rồi sẽ tính tiếp. Nhưng tối hôm đó, Pema không đến, tôi cũng không thể liên lạc được với cô bằng điện thoại. Sáng hôm sau, cô đến nhà tôi làm việc như thường lệ, nhưng dưới sự kèm cặp của bố chồng. Pema bảo rằng, gia đình họ sợ Pema sẽ bỏ trốn hoặc đi theo người đàn ông khác nên họ đã tịch thu điện thoại của cô, buộc cô phải sử dụng cái điện thoại cũ của ông bố chồng để dễ bề kiểm soát. Mỗi ngày, Pema được mượn điện thoại trước khi ra khỏi nhà và phải trả lại nó khi quay về nhà sau một ngày làm việc. Chuỗi ngày tù ngục của Pema bắt đầu từ đó. Ông bố chồng vốn là một gã nghiện rượu thường đỗ xe ngay trước cửa nhà tôi để đợi đón Pema về. Nhiều hôm, ông ta đến muộn, đợi mãi không thấy Pema thì vào thẳng cửa nhà tôi thô lỗ đấm cửa. Khi biết Pema đã đi tàu điện ngầm về trước, ông ta đấm tay vào không khí chửi thề ngay trước mặt tôi. Có lần, tôi gọi điện cho Pema vào số điện thoại Pema mượn của bố chồng để hỏi tình hình cu Muống. Ngay tối hôm đó, bố chồng cô gọi cho tôi để kiểm tra xem tôi là ai. Từ đó, ông ta thường gọi điện quấy nhiễu tôi với các câu hỏi liên quan đến Pema. Nhiều hôm chúng tôi nhờ Pema đến trông con vào buổi tối, ông ta liên tục gọi điện để nhờ tôi xác thực rằng Pema đang ở nhà tôi. Một lần, Jason phát khùng giật lấy điện thoại, thông báo với bố chồng của Pema rằng, nếu ông ta tiếp tục quấy quả như thế thì chúng tôi sẽ báo cảnh sát.

Pema nghĩ đến chuyện li dị chồng nhưng gia đình nhà chồng liên tục đe doạ cô rằng, họ sẽ báo cáo với cảnh sát để cô bị tống cổ ra khỏi nước Mỹ. Pema không sợ phải ra khỏi nước Mỹ, cô chỉ lo gia đình sẽ mất mặt khi cô bị đuổi về quê. Pema bảo mẹ cô bị bệnh cao huyết áp nên cô không dám nói sự thật với bà. Lần nào gọi điện cho mẹ, cô cũng nói rằng cô đang sống hạnh phúc và vui vẻ. Tôi và Jason ái ngại cho Pema nên đã nhiều lần mời cô đến sống cùng chúng tôi. Jason cũng hứa rằng, nếu gia đình nhà chồng cô gây phiền phức về việc định cư ở Mỹ của cô, chúng tôi sẽ đứng ra làm chứng để bảo vệ cô. Luật cấp thẻ định cư của Mỹ ngăn chặn các cuộc kết hôn giả bằng cách chỉ cấp cho người vợ/chồng kết hôn với công dân của họ một cái thẻ định cư 2 năm. Sau hai năm đầu tiên êm thấm, họ sẽ được tiếp tục cấp thẻ định cư 10 năm, trong thời gian đó, họ được phép thi để trở thành công dân Mỹ. Đó là cái cớ để gia đình nhà chồng Pema đe doạ cô, nhưng tôi động viên cô rằng, việc xảy ra với cô là lỗi của gia đình nhà chồng. Cô không cần phải chịu đựng cuộc sống địa ngục ấy chỉ vì cái thẻ cư trú. Pema cứ nung nấu ý định bỏ chồng đi sang New York ở với chị gái mãi nhưng mỗi lần cô định dứt áo ra đi thì gia đình nhà chồng gây khó dễ - ngay cả khi chính họ đuổi cô ra khỏi nhà.

Mùa hè năm đó, cô kết thúc công việc trông trẻ cho gia đình tôi ngay trước khi chúng tôi về thăm Việt Nam mấy tuần. Pema hẹn chúng tôi rằng cô sẽ quyết tâm bay đi New York và sẽ liên lạc để gặp chúng tôi ở New York trong thời gian gia đình tôi ghé thành phố này thăm bố mẹ chồng. Những tưởng lần đó cô chắc chắn lắm về chuyến ra đi tự giải thoát mình, nhưng rồi Pema lại vẫn không thể đi được. Quay trở lại Berkeley, Pema giúp tôi trông nom cu Muống thêm vài tuần trước khi cu cậu chính thức đi nhà trẻ. Cô kể rằng, ngay trước khi cô định ra đi, ông bố chồng của cô ngã bệnh phải nằm bệnh viện không có ai chăm sóc. Gia đình nhà chồng ai cũng lo việc kinh doanh nên đã năn nỉ Pema giúp họ vào bệnh viên chăm cho ông bố chồng. Họ thay đổi thái độ với Pema khiến cô nuôi hi vọng rằng sau lần này, họ sẽ cư xử khá hơn.

Nhưng ngay sau khi ông bố chồng ra khỏi bệnh viện, mọi việc lại quay về quỹ đạo cũ. Pema sống bấp bênh trong sợ hãi và khao khát được giải phóng khỏi giấc mơ cô tự vẽ ra trước khi qua Mỹ để rồi mắc kẹt lại đầy xót xa. Đã có ít nhất hai lần, Pema nhờ tôi giúp cô mua vé máy bay đi New York để bay ngay sau đó vài ngày. Tôi mua vé giúp cô rồi chúng tôi chia tay nhau, lòng khấp khởi mừng thầm về một giấc mơ mới tươi sáng hơn cô sẽ có nơi đất khách. Nhưng ngay cả khi đã có trong tay tấm vé máy bay - một bằng chứng hiện hữu về sự giải thoát cũng không đủ sức kéo Pema ra khỏi tình trạng bị cầm tù của cô. Cô cứ mua vé rồi lại hoãn chuyến đi vì một lí do gì đó mà cô không dám nói với tôi. Tôi thương Pema nhưng không biết giúp cô bằng cách nào. Tôi chỉ nói với cô rằng, chỉ có cô mới có khả năng tự giải thoát chính mình. Tôi sẽ luôn ở đây khi cô cần giúp đỡ.

Pema theo tiếng Tây Tạng nghĩa là hoa sen. Tôi đã quý Pema ngay từ lần đầu tiên gặp mặt, và tình cờ sao, hoa sen lại đúng là loài hoa ưa thích nhất của tôi. Khi nghe tôi kể câu chuyện về Pema - đoá sen bị cầm tù, nhiều người bạn Mỹ tỏ ra kinh ngạc. Vì lí do chính trị, nhiều người Tây Tạng đã dễ dàng có cơ hội đến sống ở Mỹ và nhận được sự cảm thông, chia sẻ của người Mỹ - những người có sự mẫn cảm đặc biệt với các vấn đề chính trị. Vì thông cảm, người Mỹ có một ngộ nhận rằng: bất kì ai đến từ Tây Tạng đều là những người hiền lành, tốt bụng và xứng đáng nhận được sự kính trọng. Câu chuyện về gia đình nhà chồng của Pema là bằng chứng cho thấy đó chỉ là một ngộ nhận của người Mỹ, cũng như rất nhiều người đang ngộ nhận rằng: nước Mỹ là thiên đường. Có 101 con đường đến Mỹ nhưng qua những câu chuyện tôi được biết, tôi dám chắc rằng, không phải con đường nào cũng dẫn đến thiên đường.

5. Xổ số đến thiên đường

Lần đầu tiên trong đời, tôi nghe nói đến loại xổ số đặc biệt được lưu hành ở nhiều nước khác nhau, trong đó có Cambodia: xổ số giành thẻ định cư ở Mỹ. Qua cô bạn gái người Cambodia khá thân thiết, một lần, tôi được gặp hai anh em họ người Cambodia may mắn được sang Mỹ nhờ trúng xổ số. Tôi tròn xoe mắt khi nghe nói đến thứ giải thưởng xổ số kì lạ ấy và kinh ngạc hơn khi biết hai anh em họ cùng trúng xổ số ấy trong hai năm liên tiếp. Tìm hiểu thêm, tôi được biết rằng, đây là giải xố số do chính phủ Mỹ tổ chức, nhằm đa dạng hoá các tộc người trong cộng đồng cư dân Mỹ. Theo Senghorng - cô gái may mắn trúng xổ số đến “thiên đường” từ năm 20 tuổi, mỗi năm, có khoảng 30 người trúng giải xổ số đặc biệt này nhưng rất ít người trong số đó có thể di cư sang Mỹ. Để được sang định cư ở Mỹ, họ phải có một gia đình ở Mỹ nhận đỡ đầu. Thường thì những người có họ hàng ở Mỹ sẽ dễ dàng hơn trong việc di cư. Senghorng và người anh họ hiện nay đang sống cùng gia đình người bác họ ở Berkeley. Cả hai anh em đều cố gắng làm việc kiếm tiền đi học và cả hai người đều rất hạnh phúc được sống ở Mỹ. Họ tin rằng, họ có nhiều cơ hội để có một cuộc sống tốt đẹp hơn trên xứ sở này.

Không phải ở đâu cũng có giải xổ số mà phần thưởng là tấm vé đến “thiên đường”, không phải ai cũng có may mắn giành được phần thưởng đặc biệt ấy. Vì vậy mà dòng người vượt biên đến Mỹ để cư trú bất hợp pháp vẫn gia tăng không ngừng nghỉ, với giấc mơ thiên đường lơ lửng cùng rất nhiều bất trắc. Paulo - anh bạn người Brazil đã cùng vợ vượt biên sang Mỹ cách đây hơn 15 năm với chi phí hơn 20.000 đô-la cho mỗi người. 15 năm lăn lộn ở xứ người, không giấy tờ, không được luật pháp công nhận, 15 năm không một lần được trở lại quê hương không biến Paulo thành người đàn ông hạnh phúc như anh những tưởng. Ngược lại, giấc mơ thiên đường của anh biến thành cơn ác mộng gia đình. Vợ anh đã bỏ anh chạy theo người đàn ông khác sau khi họ đã có với nhau ba mặt con. Hiện tại, Paulo sống cùng các con, quay cuồng trong mấy công việc khác nhau để kiếm tiền. Anh không nói ra nhưng tôi và những bạn bè của anh đều biết, anh rất cô đơn. Đó là lí do vì sao dù vô cùng bận rộn, anh ít khi từ chối gặp gỡ bạn bè. Mỗi lần gặp, anh nói nhiều, cười nhiều, như thể đã lâu lắm anh không có cơ hội nói cười cùng ai đó. Canh bài số phận mà Paulo đã dốc hết tài sản từng xây đắp ở xứ sở của anh để đặt cược đã hoàn toàn thất bại. Giấc mơ hạnh phúc của anh đã bị mắc kẹt lại ở quê hương, vì nó không đủ mạo hiểm để theo anh vượt biên sang đất Mỹ.

Nước Mỹ có phải là thiên đường hay không? Tôi tin rằng nếu có 101 con đường đến Mỹ thì cũng có 101 câu trả lời khác nhau cho câu hỏi ấy.

Nguyễn Thị Thanh Lưu

Sửa bởi người viết 29/07/2016 lúc 08:14:19(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.626 giây.