Tranh Luận: Chuyện Xưa
...tranh luận kéo dài hơn cả tiếng đồng hồ, chỉ cần một cử chỉ hố hay một câu nói sai...
Khi bài này được viết thì cuộc tranh luận đầu tiên giữa bà Hillary và ông Trump chưa diễn ra, do đó không thể bàn gì hơn. Thôi thì ta coi lại những cuộc tranh luận đáng ghi nhớ trước đây. Gọi là thay đổi không khí, bàn về chuyện quá khứ xa xưa.
Cuộc tranh luận giữa hai ứng viên tổng thống được trực tiếp truyền hình lần đầu tiên là giữa PTT Richard Nixon và TNS John Kennedy. Ta bắt đầu từ đây vậy.
NIXON – KENNEDY
Lần đầu tiên cử tri Mỹ được coi tranh luận trên TV là năm 1960, khi đó vẫn còn là TV trắng đen. Hai ông tranh luận đúng một lần. Dĩ nhiên thu hút được kỷ lục người coi. Điểm độc đáo là sau đó, truyền thông thăm dò xem ai thắng ai thua. Kết quả, với những người theo dõi tranh luận qua đài phát thanh, chỉ nghe mà không nhìn thấy hình, thì PTT Nixon đại thắng, nhưng với những người theo dõi qua TV thì TNS Kennedy đại thắng.
Lý do khá giản dị. Ông Nixon làm phó cho TT Eisenhower trong 8 năm, kinh nghiệm cùng mình, lý luận vững hơn, nhưng khi đó đang bị cảm lạnh, đứng trên sân khấu với cả chục bóng đèn mấy trăm watts sáng rực chiả vào, ông bị đổ mồ hôi. Hình ảnh trên TV là hình ảnh một người chẳng những xấu trai hơn Kennedy, mà lại mặt mày bí xị, lâu lâu phải lấy khăn ra lau mồ hôi hột. Không có gì hấp dẫn. TNS Kennedy thắng cử khít nút. Thế mới nói anh nào xấu trai không nên mơ tưởng chuyện ra tranh cử tổng thống ở Mỹ.
Kinh nghiệm của PTT Nixon là bài học xương máu, khiến TT Johnson và cả TT Nixon sau này đều tránh né, không tranh luận gì nữa. Cho đến thời TT Ford.
FORD – CARTER
Tổng thống “ngáp phải ruồi” Gerald Ford ra tranh cử lần đầu tiên, đối mặt với cựu TĐ Georgia, Jimmy Carter năm 1976. Ngay từ đầu tỷ lệ hậu thuẫn của TĐ Carter cao hơn TT Ford rất nhiều, vì nhiều người không thích ông Ford. Chẳng những là tổng thống không chính danh mà lại còn làm thiên hạ nhớ lại tay gian hùng Nixon bị ép phải từ chức, đã vậy lại còn mắc tội ân xá cho Nixon nữa.
Bắt đầu thì thua xa nhưng rồi qua cuộc vận động tranh cử cả năm trời, cử tri thấy ông Ford, chững chạc, có tư cách, kinh nghiệm hơn xa ông Carter là thống đốc một tiểu bang “ruộng”, đã về hưu, khi đó đang trồng đậu phộng, buôn bán chắc không khá lắm, muốn đổi nghề, làm... tổng thống. Hậu thuẫn hai bên thành ngang ngửa với nhau.
Nhưng cuộc tranh luận đảo lộn hết. Trả lời một câu hỏi, TT Ford xác nhận “Không có chuyện Liên Bang Xô Viết thống trị Đông Âu”. Ta không nên quên khi đó, CS Xô Viết còn “đô hộ” cả khối Đông Âu từ Đông Đức qua đến Ukraine, và thời đó còn là thời chiến tranh lạnh. Chẳng những vậy mà trong khối cử tri Mỹ, có hàng triệu di dân từ các xứ Đông Âu chống Liên Bang Xô Viết kịch liệt. Ông Ford làm tổng thống mà không biết Nga đang xiết cổ cả Đông Âu? Đúng là lờ mờ! Kết quả, ông trồng đậu phộng có dịp đổi nghề vì đắc cử.
CARTER – REAGAN
TT Carter ra tái tranh cử chống TĐ Donald –xin lỗi- Ronald Reagan năm 1980. Một tổng thống với thành tích kinh tế và ngoại giao có thể nói là... cái gì cũng nhất: thất nghiệp cao nhất, lãi suất ngân hàng cao nhất, lạm phát cao nhất, kinh tế khủng hoảng trầm trọng nhất, trong khi Liên Xô chiếm Afghanistan, nhân viên tòa đại sứ Mỹ tại Iran bị bắt làm con tin cả năm trời, khiến uy tín Mỹ trên thế giới xuống thấp nhất.
TT Carter bó tay than trời, chẳng biết phải làm gì. Ông muốn dùng cuộc tranh luận để thanh minh thanh nga cho thành tích quá tệ, lải nhải giải thích. Đến phiên TĐ Reagan trả lời, thì ông nhìn TT Carter với cặp mắt... chán nản, lên tiếng với giọng ngao ngán “There you go again!”. Hơi khó dịch, đại khái là “Lại nữa rồi!” Câu nói ngắn gọn tóm lược toàn bộ thành tích của TT Carter. Ông làm tổng thống được đúng một nhiệm kỳ, thua đậm ông Reagan, về nhà, đổi nghề nữa, đi làm thợ xây cất nhà cho dân nghèo.
REAGAN – MONDALE
TT Reagan ra tái tranh cử chống cựu PTT Walter Mondale của Carter năm 1984. TT Reagan là người già nhất còn ra tranh cử, khiến nhiều người lo ngại cho sức khoẻ tinh thần và thể xác của ông, và phe Mondale dĩ nhiên chỉa mũi dùi tấn công ông.
TT Reagan lợi dụng cuộc tranh luận có cả chục triệu người theo dõi, để phá thế võ này một cách tuyệt diệu. Không đợi cho ông Mondale nêu vấn đề, TT Reagan đánh phủ đầu trước. Với một giọng bình tĩnh, cười mỉm chi rồi mặt thật nghiêm chỉnh, ông chậm rãi nói “Tôi sẽ không mang tuổi tác ra làm đề tài tranh cử. Tôi sẽ không vì mục tiêu chính trị khai thác tuổi trẻ và sự thiếu kinh nghiệm của đối thủ của tôi.” Cả hội trường nổ tung cười hơn vỡ chợ. Ngay cả ông Mondale cũng bật cười. Mấy năm sau, ông Mondale nhớ lại chuyện này và nói “Tôi bật cười thật, nhưng trong bụng biết ngay đó chính là lúc tôi đã thua cuộc”.
Ông Mondale năm đó 61 tuổi, với kinh nghiệm 4 năm phó tổng thống và 12 năm thượng nghị sĩ, trong khi ông Reagan 73 tuổi, với kinh nghiệm 4 năm tổng thống và 8 năm làm thống đốc Cali. Trước đó chỉ là tài tử phim cao bồi rẻ tiền.
TT Reagan tái đắc cử với tỷ lệ vô tiền khoán hậu, khi ông Mondale chỉ thắng được có đúng tại tiểu bang nhà Minnesota, và Washington DC với 90% cử tri là da đen. Được đúng 13 phiếu cử tri đoàn so với 525 của TT Reagan.
BUSH – DUKAKIS
PTT George W.H. Bush [cha] ra tranh cử khi TT Reagan mãn hai nhiệm kỳ, năm 1988, chống TĐ Michael Dukakis. Cuộc tranh cử mở màn với PTT Bush thua xa ông Dukakis, một thống đốc của tiểu bang cấp tiến nhất nước, Massachusetts. Ông Bush ra tranh cử dựa trên kinh nghiệm dầy cộm, từ giám đốc CIA, đến chủ tịch Ủy Ban Quốc Gia CH, đại sứ tại Trung Cộng, phó tổng thống,... Nhưng lại là ứng viên buồn ngủ nhất lịch sử, có vẻ lờ mờ nữa, chỉ dựa hơi thành tích của TT Reagan thôi, trong khi TĐ Dukakis được truyền thông phe ta tung hô như đại trí thức thiên tài, tuy hơi xấu trai.
Ông Dukakis, là người chống án tử hình, bị hỏi một câu hóc buá “nếu như bà vợ ông bị hãm hiếp rồi giết chết, ông có đòi tuyên án tử hình thủ phạm hay không?”. Ông bình tĩnh trả lời ông chủ trương chống lại án tử hình trong bất cứ trường hợp nào. Rồi ông bỏ ra 5 phút giảng giải về ý nghiã mạng sống con người, chương trình xã hội nhằm giảm bớt tội phạm, v.v... Như một cái máy! Đến phiên PTT Bush, ông nói ngay đại khái không thể hiểu tại sao ông Dukakis có thể bình tĩnh trước chuyện bà vợ bị hãm và giết mà lại lo giải thích mạng sống của thủ phạm quan trọng như thế nào. Đây là một “vụ án khủng khiếp, man rợ mà tôi sẽ nổi cơn điên ngay”.
Dân Mỹ đồng ý với PTT Bush, chê ông Dukakis là loại chính trị gia lạnh lùng, tính toán mà không có tình người. Ông Dukakis đại bại. Một lần nữa, chứng minh luật xấu trai khó đắc cử tổng thống ở Mỹ.
BUSH - CLINTON
Năm 1992, TT Bush cha ra tái tranh cử, bị TĐ Bill Clinton chống. Tỷ lệ hậu thuẫn của TT Bush lên tới... đỉnh Hoa Sơn, hơn 90%, sau vụ Mỹ và đồng minh giải thoát Kuwait khỏi tay Iraq. Tai to mặt lớn của đảng DC tránh né hết vì nghĩ sẽ vô vọng. Chỉ có ông thống đốc trẻ, Bill Clinton của Arkansas, vô danh nhưng tham vọng hơn người, điếc không sợ súng, ra tranh cử, không phải lấy thắng, mà để thiên hạ biết tới, chuẩn bị cho cuộc tranh cử sau khi TT Bush hết hai nhiệm kỳ vào năm 1996.
Bất ngờ chẳng hiểu từ đâu nhẩy ra tranh cử một ông tỷ phú lập dị, bất mãn vì bị TT Bush tăng thuế. Lạ lùng thay, ông này được hậu thuẫn tới hơn 20%. Được coi như đáng kể và được tham gia cuộc tranh luận tay ba.
Cuộc tranh luận là một thảm hoạ cho TT Bush. Ông tự cho mình là quá quan trọng, tuy hậu thuẫn giảm bớt nhiều, nhưng đã có lúc lên tới hơn 90%, ai mà hạ nổi? Một cuộc tranh luận mất thời giờ vô ích. Đã vậy lại phải nghe hai ông đối thủ lải nhải, chỉ trích đủ chuyện. Thật ra, cả hai ông đối thủ đều nói rất hăng say, nghe rất hấp dẫn trong khi TT Bush lẩm bẩm thành tích đánh Iraq ai cũng thuộc lòng, mà lại không giải thích thỏa đáng tại sao ông thất hứa, tăng thuế cả nước.
Đã vậy, TT Bush lại còn biểu lộ rõ sự bực mình, giơ tay lên nhìn đồng hồ xem giờ. TV chiếu đi chiếu lại cảnh này cả triệu lần sau đó. Chỉ khiến dân Mỹ thấy ông Bush coi bộ không có hứng thú tranh luận để trình bày cho cử tri rõ đường lối, chính sách của mình. Đúng là có vẻ khinh thường cử tri. Kết quả, ông Perot gặm nhấm mất của ông Bush 18% cử tri bảo thủ CH, mang lại chiến thắng cho TĐ Clinton với 43% phiếu, thấp nhất trong lịch sử bầu cử. TT Bush được có 37%. Không có ông Perot, TT Bush đã thắng dễ dàng.
Người ta kể lại câu chuyện, sau khi đắc cử, tối hôm đó TĐ Clinton về hỏi vợ “Chết rồi, thắng cử rồi. Bây giờ làm gì đây bà?”. Bị bà vợ nạt ngay “Làm tổng thống chứ làm gì nữa? Vậy mà cũng hỏi!”.
GORE – BUSH
TT Clinton mãn hai nhiệm kỳ, PTT Gore ra tranh cử, chống TĐ Texas George Bush năm 2000. Hai ông tranh luận trên TV, đưa ra hai hình ảnh không thể nào tương phản hơn. Ông Gore nghiêm chỉnh, cứng hơn khúc gỗ, cười gượng gạo, mỗi câu trả lời là một câu trả bài học thuộc lòng, đưa hết thống kê này đến con số khác. Trong khi ông Bush con lè phè, cười nói huyên thuyên, dĩ nhiên chưa làm tổng thống nên chẳng có thống kê gì để khoe. Mà có thống kê chắc cũng chẳng nhớ nổi để khoe.
Đã vậy mỗi lần ông Bush nói thì ông Gore lại nhìn ông Bush một cách chán nản, lắc đầu quầy quậy, cố ý thở dài thật rõ cho tất cả mọi người nghe và thấy. Chiến lược này bị hố nặng. Thăm dò sau đó cho thấy cử tri bực mình, cho ông Gore là phách lối, coi thường đối thủ, thiếu nghiêm chỉnh.
Đã vậy, có lúc ông Bush đang nói thì ông Gore từ cái bục của mình, bước qua sát ông Bush cách đó 3-4 thước. Ông này đang nói, ngừng lại, quay qua nhìn ông Gore, bật cười một cách hóm hỉnh, gật đầu chào “Hi there!”, rồi quay qua khán giả, nói tiếp như không có chuyện gì xẩy ra. Ông Gore cụt hứng, trở về chỗ. Các chuyên gia phân tích ông Gore cố tình “lấn đất”, tính áp đảo tinh thần ông Bush, không ngờ ông cao bồi này tỉnh bơ. Chuyện nhỏ, nhưng mang nhiều ý nghiã. Dân Mỹ khoái ông cao bồi hơn. Ông Bush làm tổng thống 8 năm, trong khi ông Gore được giải an ủi: Nobel Hoà Bình vì có công cảnh giác thế giới sẽ thành lò lửa khoảng ba chục ngàn năm nữa! Nguy quá, may mà có ông Gore rung chuông báo động sớm!
OBAMA – ROMNEY
Cuộc tranh luận đầu tiên giữa TT Obama và TĐ Romney năm 2012 là một đại họa khiến TT Obama xém mất job. TT Obama ngạo mạn, khinh thường TĐ Romney, tự tin ở khả năng thiên phú của mình, không tập dợt hay chuẩn bị gì, đi đánh gôn trong khi TĐ Romney đóng cửa học bài và tập dợt.
Ra trận, cả nước thấy TĐ Romney ăn nói thao thao trong khi TT Obama ú ớ, ấp úng, mặt mày ngơ ngác. Sau cuộc tranh luận ngay cả TTDC phe ta cũng phải thú nhận TT Obama quá tệ. Ông rút bài học, hai lần sau chuẩn bị thật chu đáo, tranh luận vững hơn, được TTDC dĩ nhiên tung hô “đại thắng”, để rồi ông tái đắc cử.
Trên đây là những mẫu chuyện về tranh luận giữa hai ứng viên tổng thống. Ngay cả những tranh luận giữa các ứng viên phó, hay các ứng viên trong cuộc bầu sơ bộ cũng có chuyện vui.
QUAYLE – BENTSEN
Năm 1988, TNS Dan Quayle [dân tỵ nạn ta gọi là ông Quay-Lơ] trẻ, đẹp trai, được PTT Bush cha chọn đứng phó cùng liên danh, ra chống lại đồng nghiệp TNS già Lloyd Bentsen cùng liên danh với TĐ Dukakis. Ông Quayle tự cho mình là TT John Kennedy tân thời, nhưng của CH.
Ông Bentsen đoán biết thế nào ông Quayle cũng kiếm cách tự ví mình với Kennedy, nên có chuẩn bị chu đáo. Y như rằng, ông Quayle lôi Kennedy ra, và ông Bentsen phạng ngay bằng một giọng khinh bỉ, miả mai: “Tôi biết TT Kennedy. Ông ta là bạn xưa của tôi. Ông Nghị sĩ à, ông không phải là Kennedy đâu!”. [Senator, youre no Jack Kennedy!]. Cả hội trường vỗ tay rầm rộ. Ông Quayle chưng hững, mặt nghệt ra không biết phải phản ứng như thế nào.
Câu chuyện này chôn chặt ông Quayle vào hình ảnh một anh chính khách đẹp mã nhưng không mấy thông minh xuất chúng. Sau đó, ông Bush đắc cử và ông Quayle thành PTT. Nhưng trong suốt thời gian làm PTT, luôn luôn bị truyền thông bôi bác, khinh thường, không ngóc đầu lên nổi. Thời TT Clinton, ông ra tranh cử tổng thống, được chưa tới 5% hậu thuẫn trong nội bộ đảng CH. Phải từ giã chính trường, đi làm luật sư.
OBAMA – HILLARY
Trong cuộc tranh luận sơ bộ giữa TNS Obama và TNS Hillary năm 2008, cả hai đều được chú ý rất kỹ, và cả hai đều phải… uốn lưỡi bẩy lần trước khi mở miệng, chỉ vì nguyên tắc phải đạo chính trị, được coi như chuyện sinh tử trong khối cấp tiến DC. Một bên là một ông da đen, một bên là một phụ nữ. Cả hai đều thuộc thành phần “thiểu số” rất nhạy cảm, mà mọi đụng chạm đều sẽ bị khai thác triệt để bởi truyền thông.
Trả lời một câu hỏi về việc bà mang tiếng là không được nhiều người thích cho lắm, bà Hillary nhìn nhận bà không xuất sắc lắm trong chuyện tạo cảm tình, rồi quay qua TNS Obama nói ông này được nhiều người thích đấy –very likeable. Ông Obama cười cười nói ngay, “Bà cũng được cảm tình tạm tạm đấy, bà Hillary!” [Youre likeable enough, Hillary!].
Thái độ và câu nói của ông Obama sau đó bị đả kích kịch liệt vì thể hiện một cách nhìn có vẻ trịch thượng, coi thường phụ nữ, kiểu như lên giọng trưởng thượng vỗ đầu con nít. Giới phụ nữ thề sống chết bảo vệ bà Hillary. Ông Obama phải giải thích lên giải thích xuống.
PERRY
Ông Rick Perry là thống đốc Texas. Năm 2012, tiếng tăm ông nổi như cồn vì kinh tế Texas phát triển ào ào, thất nghiệp ít nhất, trong khi cả nước ngụp lặn trong dư âm khủng hoảng kinh tế. Năm đó, cả hơn nửa tá chính khách CH ra tranh cử tổng thống, chẳng ông nào được hậu thuẫn mạnh hết, kể cả ông đứng đầu là TĐ Mitt Romney, bị coi như … CH giả mạo, cấp tiến nằm vùng.
Ông Perry quyết định ra tranh cử, được rầm rộ đón chào như cứu tinh cho CH, bảo đảm sẽ đè bẹp dúm đương kim TT Obama thôi. Không ngờ ngôi sao Perry chưa nổi bao lâu đã chìm nghỉm rất mau lẹ.
Trong một cuộc tranh luận giữa cả nửa tá ứng viên, ông Perry hùng hổ hứa hẹn sẽ dẹp tiệm 3 bộ trong nội các, “bộ thương mại, bộ giáo dục, và… và…”. Đến đây ông mất trí nhớ, lúng túng mấy chục giây đồng hồ, vẫn không nhớ ra được cái bộ thứ ba ông muốn đóng cửa là gì nữa. Cuối cùng nói “ooops!” Một tiếng than trời đi vào lịch sử tranh cử tổng thống Mỹ.
Hậu thuẫn của ông Perry rớt nhanh hơn diều đứt giây, vài tuần sau lui về Texas, không ra tranh cử nữa.
xxx
Có cả triệu yếu tố quyết định trong một cuộc tranh cử tổng thống, dù vậy, những mẫu chuyện trên chứng tỏ vai trò cực kỳ quan trọng của tranh luận. Quan trọng vì tính tiêu cực nhiều hơn. Trong cuộc tranh luận kéo dài hơn cả tiếng đồng hồ, chỉ cần một cử chỉ hố hay một câu nói sai có vài giây đồng hồ thôi, cũng có thể quyết định thắng thua dễ dàng.
Chuyện hy hữu, cả hai ứng viên năm nay đều bị mang tiếng nói láo như vẹt, khác nhau chỉ ở điểm bà Hillary nói láo có tính toán, cân nhắc, để có thể chẻ sợi tóc làm tư biện giải nếu bị bắt quả tang nói láo, trong khi ông Trump nói láo vung vít, bị bắt quả tang cũng coi như pha, không thèm cải chính. Ai cũng muốn xem họ nói láo tới đâu. Các cơ quan truyền thông đều đã chuẩn bị đầy đủ tài liệu để bắt bẻ và tố giác chuyện nói láo của cả hai bên. Vai trò của truyền thông cũng cực kỳ quan trọng, có thể thổi phồng chuyện nhỏ hay ngược lại dìm chuyện lớn. TTDC hiện nay đang đứng về phe nào, khỏi cần bàn thêm.
Cuộc tranh luận năm nay còn thu hút cử tri ở điểm có thể sẽ gặp bất ngờ giờ chót mà không ai đoán trước được, như tò mò muốn biết xem sức khoẻ bà Hillary có cho phép bà đứng đánh nhau tay đôi với ông thiên lôi Trump được cả tiếng đồng hồ không, hay bất ngờ lên cơn ho hay bị qụy thì sao, hay cũng muốn xem ông Trump khoa tay múa chân, nói nhảm tới mức nào.
Chiến lược của hai bên rõ hơn ban ngày. Bà Hillary sẽ tìm cách chọc gai ông Trump để ông này nổi cơn điên, nói nhảm. Ông Trump sẽ bới móc xì-căng-đan, có khi lôi luôn chuyện gái gú của ông Clinton ra nữa, để bà Hillary lên máu, té xiủ không chừng.
Cuộc bầu cử năm nay đặc biệt hơn tất cả các kỳ bầu trước, vì cả hai ứng viên đều bị ghét như nhau. Cả chục triệu người muốn coi ông Trump bị đánh đến cỡ nào, trong khi cả chục triệu người khác muốn xem bà Hillary bị đập tới đâu. Người ta ước tính cuộc tranh luận đầu tiên ngày thứ hai 26 tháng 9 có thể sẽ có khoảng 100 triệu người coi, một kỷ lục chưa từng thấy. Trong cả trăm triệu người coi đó, may ra có năm người muốn biết về chương trình kinh bang tế thế của hai ứng viên. (25-09-16)
Vũ Linh