logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
chung  
#1 Đã gửi : 09/11/2016 lúc 05:31:09(UTC)
chung

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 16-07-2013(UTC)
Bài viết: 1,773

Truyện Kiều, viết theo thể lục bát, là một kiệt tác. Đó là điều không ai chối cãi. Nhưng nói thế không có nghĩa rằng mọi câu thơ trong thi phẩm ấy đều hay hơn tất cả các câu thơ trong những tác phẩm khác. Như Chinh Phụ Ngâm, viết theo thể song thất lục bát, chẳng hạn.

Nhưng trước hết xin có vài ý kiến về hai thể thơ lục bát và song thất lục bát.

Thể lục bát gò bó về âm, vần, điệu, nhất là luật bằng trắc theo quy tắc “nhất tam, ngũ bất luận, nhì tứ lục phân minh”.

Bằng trắc:



Câu lục: bằng bằng trắc trắc bằng bằng

Câu bát: bằng bằng trắc trắc bằng bằng trắc bằng



Những chữ in đậm phải theo đúng quy tắc, những chữ in nghiêng có thể bằng hoặc trắc. Như vậy, âm bằng chiếm đa số.

Vần:

Chữ cuối của câu 6 vần với chữ thứ 6 của câu 8; tiếp theo, chữ cuối câu 8 vần với chữ thứ 6 của câu 6.

Xin lấy 4 câu đầu tiên trong Truyện Kiều làm ví dụ:



Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng



Do đó những chữ dùng để gieo vần, hiệp vần, vần giữa câu (yêu vận) và vần cuối câu (cước vận) đều thuộc âm bằng. Cho nên tất cả các chữ cuối mỗi câu đều phải thuộc âm bằng, và chữ thứ 6 của câu 8 cũng phải âm bằng.

Chữ thứ 2 của mỗi câu cũng phải thuộc vần bằng với ngoại lệ: Khi 6 chữ của câu 6 được chia làm 2 phần bằng nhau, hoặc đối nhau (tiểu đối), chữ thứ 2 có thể bằng hoặc trắc.

Ví dụ:



Tuần trăng khuyết, đĩa dầu hao

...

Mai cốt cách, tuyết tinh thần



Sự nhàm chán về âm điệu dễ xẩy ra nếu bài thơ không đủ ngắn, hoặc không quá dài. Tuy nhiên thể lục bát phát xuất từ ca dao, từ văn chương bình dân, truyền khẩu, cho nên rất quen thuộc đối với những người tạo ra nó (tác giả) cũng như người hưởng ngoạn (người nghe, người đọc) từ thời xa xưa (cách đây đến 2000 năm nếu câu ca dao Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng được tương truyền rằng đã xuất hiện vào thời Hai Bà Trưng), cho đến bây giờ.

Nhưng thế nào là vừa đủ ngắn? Một bài thơ lục bát ngắn nhất có thể chỉ có hai câu. Bài thơ không nhan đề của Bàng Bá Lân mà nhiều người nghĩ là ca dao là một ví dụ:



Hỡi cô tát nước bên đàng

Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi



Trong ca dao có rất nhiều bài hay chỉ có vỏn vẹn hai câu. Chẳng hạn:



Qua sông nên phải lụy đò

Tối trời nên phải lụy o bán bán dầu



Con mèo con chó có lông

Cây tre có mắt nồi đồng có quai



Xin mở ngoặc về hai câu trên. Có lần trong một buổi bình thơ, Xuân Diệu chê hai câu thơ đó là nôm na, vụng về, nhất là không nói lên được điều gì mới mẻ. Thật ra viết được hai câu như trên không phải là chuyện dễ. Nó hóm hỉnh, ngộ nghĩnh. Nó nói lên sự thân thương, gần gũi của con người đối với cuộc sống quanh mình từ con mèo con chó đến cây tre, nồi đồng. Nó diễn tả được một điều rất thường tình, rất hiển nhiên, mà ta muốn “cãi chày cãi cối” cũng không thể bác bỏ nổi. Tóm lại, đó là một bài thơ hay.

Ca dao với 4 câu, 6 câu hay nhiều câu hơn cũng không hiếm:



Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương

Nhớ ai dãi nắng dầm sương

Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao



Em là con gái đồng trinh

Em đi bán rượu qua dinh ông Nghè

Ông Nghè sai lính ra ve

Trăm lạy ông Nghè tôi đã có con

Có con thì mặc có con

Thắc lưng cho dòn mà lấy chồng quan

(câu 4 hiệp vần biến thể)



Nói chung, cao dao thường làm theo thể lục bát, hoặc lục bát biến thể, và không quá dài. Và thơ cũ hay Thơ Mới cũng thế. Chẳng hạn những bài thơ lục bát có tiếng như Thề Non Nước[1] của Tản Đà (22 câu), Ngậm Ngùi[2] của Huy Cận (12 câu), Lẳng Lơ[3] của Nguyễn Bính (8 câu), Nguyện Cầu[4] của Vũ Hoàng Chương (18 câu), vân vân, đều có độ dài từ 2 câu đến vài mươi câu. Thanh Tâm Tuyền nổi tiếng về thơ Tự Do cũng có lúc đặt bước vào dòng thơ lục bát bằng một bài thơ rất hay chỉ có 6 câu. Xin đăng nguyên bài:



thơ tình trong tù

Vẫn em của thuở trăng nào

Đêm hôm nở đóa chiêm bao xanh ngần

Vẫn em tình của trăm năm

Đoan trang khóe hạnh thâm trầm dáng thơ

Vẫn em mối kết thiên thu

Vẫn em xoa dịu sầu tư cõi này



Thử tưởng tượng một tác phẩm viết theo thể lục bát dài năm bảy trăm câu với những ràng buộc về vần điệu, nhất là về luật bằng trắc như đã nêu trên, chắc chắn tác phẩm đó khó tránh khỏi sự đều đặn, nhàm chán, buồn tẻ. Thế mà có người đã để lại một trường thiên lục bát dài đến 3254 câu, lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu. Sức lôi cuốn của nó mạnh mẽ và bền bĩ từ đầu tới cuối khiến người đọc phải ngạc nhiên đến bàng hoàng. Phải là một thiên tài mới làm được việc ấy. Khỏi nói, ai cũng biết đó là Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều.

Nguyễn Du (1765-1820) là người phù thuỷ của ngôn ngữ, là bậc thầy trong việc vận dụng thi pháp, mỹ từ, tu từ. Truyện Kiều là một toàn thể nhất quán, cân đối về cấu trúc, nội dung, ngôn từ. Thế mà ta vẫn có thể trích dẫn từ đấy nhiều đoạn ngắn đứng độc lập mang những đề mục khác nhau, chẳng hạn mô tả thiên nhiên, độc thoại, đối thoại, tự sự, cảm xúc, trí tuệ, biệt ly, vân vân. Mỗi đoạn ngắn và độc lập ấy trở thành một bài thơ toàn bích.

Ta thử lấy đề tài “Biệt Ly”.

Từ Đông sang Tây, từ Cổ đến Kim, cảnh biệt ly vẫn là nguồn cảm hứng cho thi nhân viết nên những bài thơ bất hủ.

Lý Bạch (701- 762) viết Biệt Hữu Nhân. Đó là biệt ly giữa hai người bạn diễn ra trong một thiên nhiên hùng tráng cùng với thành quách, núi sông. Vái chào nhau lần cuối, người đi sẽ phiêu bạt như cánh bồng, như mây nổi, kẻ ở nghe tiếng ngựa vẳng lại buồn tênh. Bài thơ được Tản Đà dịch rất tài tình theo thể lục bát:



Tiễn Bạn

Chạy dài cõi Bắc non xanh

Thành Đông nước chảy quanh thành trắng phau

Nước non này chỗ đưa nhau

Một xa muôn dặm biết đâu cánh bồng

Chia phôi khác cả mối lòng

Người như mây nổi kẻ trông bóng tà

Vái nhau thôi đã rời xa

Nhớ nhau tiếng ngựa nghe mà buồn tênh

(Biệt Hữu Nhân

Thanh sơn hoành Bắc quách

Bạch thuỷ nhiễu Đông thành

Thử địa nhất vi biệt

Cô bồng vạn lý chinh

Phù vân du tử ý

Lạc nhật cố nhân tình

Huy thủ tự tư khứ

Tiêu diêu ban mã minh)



Nhà thơ thời lãng mạn người Anh, George Gordon Byron (1788 - 1824), sống gần như đồng thời với Nguyễn Du, thì chia tay trong im lặng, trong nước mắt. Hôn nhau tiễn biệt mà nụ hôn của người yêu nhau còn lạnh hơn cả khuôn mặt tái xanh, như điềm báo trước cho những năm tháng đau khổ vì xa nhau. When We Two Parted của Byron, khác hẳn Thơ Đường của Lý Bạch, không có thiên nhiên bao la, nhưng lại có nhiều xúc động gần gũi giữa người với người:



(When We Two Parted

When we two parted

In silence and tears

Half broken - hearted

To sever for years

Pale grew thy cheek and cold

Colder thy kiss

Truly that hour foretold

Sorrow to this …)



Cũng có thể ghi thêm Biệt Ly Êm Ái của Xuân Diệu, một nhà thơ Việt Nam rất mới của Thời Tiền Chiến. Ảnh hưởng của văn học lãng mạn Pháp hiện lên rất rõ trong thơ Xuân Diệu (Sương bám hồn, gió cắn, tay trong tay đầu dựa sát bên đầu, đôi trái tim đau), nhưng đồng thời những nét Đông Phương vẫn còn rải rác (vây phủ bởi trăng thâu, sương, gió, đầy khói hương xưa tràn ân ái cũ...}:



Biệt Ly Êm Ái

Chúng tôi ngồi vây phủ bởi trăng thâu

Sương bám hồn gió cắn mặt buồn rầu

Giờ biệt ly cứ đến gần từng phút

Chúng tôi thấy đã xa nhau một chút

Người lặng im và tôi nói bâng quơ

Chúng tôi ngồi ở giữa một bài thơ

Một bài thơ mênh mông như vũ trụ

Đầy khói hương xua tràn ân ái cũ

Chúng tôi ngồi vây phủ bởi trăng thâu

Tay trong tay đầu dựa sát bên đầu

Tình yêu bảo: ”Thôi các ngươi đừng khóc

Các ngươi sẽ đoàn viên trong mộng ngọc”

Cứ nhìn nhau rồi lạt vẫn nhìn nhau

Hạnh phúc ngừng giữa đôi trái tim đau.



Và đây, Biệt ly của Nguyễn Du trích từ Truyện Kiều. Nó chỉ vỏn vẹn 8 câu. Nó cấu thành một bài thơ ngắn tuyệt tác. Và nó mang những đặc trưng khác hẳn mấy bài thơ biệt ly nói trên.

Không là hai người bạn vái chào nhau khi chia tay trong Biệt Hữu Nhân mà tác giả là một trong hai người, không là người yêu nói với người yêu trong When We Two Parted, hay trong Biệt Ly Êm Ái trong đó tác giả cũng đóng một vai. Trái lại, đây là cảnh biệt ly của hai nhân vật lạ, hai tha nhân, diễn ra trước cái nhìn kín đáo của thi nhân. Không có tiếng động, không có âm thanh, không tiếng vó ngựa phi, không cả những lời đối đáp, thủ thỉ của “đôi trái tim đau”, và cũng không có những giọt nước mắt. Tất cả hoang liêu. Tác giả đang đứng giấu mặt ở một góc nào đấy lặng lẽ quan sát, rồi ghi lại một cách ngắn gọn những cảnh tượng đang dàn trải ra trước mắt bằng cảm xúc, và bằng những dòng thơ cao sang, lung linh, uyển chuyển, nhịp nhàng, huyền diệu.



Nếu xem 8 câu của Biệt Ly là một màn (act) trong một vở kịch lớn, nó sẽ gồm có 4 cảnh (scenes), mỗi cảnh chỉ chiếm 2 câu.

Cảnh 1: Sắp xa nhau.

Hai người bịn rịn chia tay. Chàng đã lên ngựa nàng mới buông áo chàng. Trời đất bỗng thảng thốt, mùa thu bỗng vì ai mà tô lên rừng phong màu sắc của biệt ly, của cách trở, của núi non và cửa ải. Thật ra câu thứ nhì trong Cảnh 1 ý tứ mông lung, có thể được hiểu rừng phong vào mùa thu đã nhuộm màu chia cách, và cũng có thể hiểu mùa thu trong rừng phong nhuốm màu ly biệt. Theo nghĩa nào, ta cũng thấy có mối tương tác giữa người và cảnh vật.



Người lên ngựa, kẻ chia bào

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san



Cảnh 2: Xa nhau.

Đám bụi quay cuồng cuốn theo chiếc yên của người kỵ mã phóng nhanh. Mà cũng có thể hiểu đám bụi hồng đó, tức là cuộc đời đầy gió bụi đó, đã mang người và ngựa đi biệt tích. Nghĩa thứ hai nói lên thân phận của con người yếu đuối bị cuốn hút trong trần gian. Đúng thế, chàng và nàng đâu muốn xa nhau. Chẳng qua vì lâm vào cái thế “chẳng đặng đừng” (muốn phấn đấu cho một tương lai vững chắc, tốt đẹp nhưng cuối cùng gặp nhau mà không thể nhìn thẳng vào mặt nhau được nữa, như được diễn tả trong phần sau của tập thơ).



Dặm hồng bụi cuốn chinh an

Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh



Cảnh 3: Thân phận của kẻ ở, người đi.

Nàng trở về chiếc bóng, chàng ra đi một mình. Nàng bị vây phủ bởi bóng tối năm canh, chàng xông pha ngoài trời đất muôn dặm. Mỗi người một số phận khác nhau, đối chọi nhau khốc liệt.



Người về chiếc bóng năm canh

Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi



Cảnh 4: Cảm nghĩ của tác giả.

Phải chăng một đi là vĩnh biệt. Trăng mà còn bị chia làm đôi, huống là con người. Trăng phải để một nửa chiếu vào phòng the, nửa kia soi lên trên con đường bất tận.

Hình tượng mặt trăng, trăng thề, được Nguyễn Du hơn một lần nhắc nhở, Vầng trăng vằng vặc giữa trời/Đinh ninh hai miệng một lời song song hoặc Còn duyên may lại còn người/Còn vầng trăng bạc, còn lời nguyền xưa. Vâng, những vầng trăng ấy làm chứng lời thề của Kim và Kiều, hai người cuối cùng tái hợp. Nhưng lần biệt ly này giữa Thúc Sinh và Kiều, vầng trăng này hoàn toàn khác. Thoạt tiên ta tưởng nó đóng vai trung gian, sẵn sàng san sẻ niềm an ủi cho kẻ ở người đi. Nhưng không phải thế. Chính mặt trăng cũng bị chia cắt như nói trên, mặt trăng cũng cũng biệt ly. Vầng trăng bị chia làm hai đó càng làm tăng thêm nỗi cô đơn của nàng, nỗi hoang mang của chàng.



Vầng trăng ai xẻ làm đôi

Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường



Cuộc chia ly diễn ra trong lặng im, với rất nhiều hình ảnh, màu sắc, và chuyển động.

Trước hết trong đoạn thơ trên, không có một chữ nào nói đến âm thanh.

Hình ảnh thì rất nhiều, người, ngựa, cát bụi, con đường dài, ngàn dâu, rừng núi, vầng trăng, mọi thứ dồn dập từ đầu đến cuối không còn chỗ dành cho tiếng than, tiếng khóc.

Màu sắc là rừng phong mùa thu bày ra trước mắt nhiều cung bậc của màu vàng, màu đỏ, mà ta vẫn chứng kiến trên núi rừng Đông Bắc nước Mỹ, Canada lúc thu về; và ngàn dâu thì xanh, con đường dài thì mịt mù bụi hồng.

Và chuyển động. Chuyển động nhẹ nhàng, dùng dằng lúc ban đầu, bỗng chốc bụi cuốn quay cuồng chàng biệt tăm. Có thể kể thêm chuyển động cùa vầng trăng in lên gối, soi trên đường.

Đấy là cảnh biệt ly của Nguyễn Du. Mà biệt ly thì phải buồn như ta vẫn mong đợi. Bỗng nhớ câu kết của một bài học thời thơ ấu xa xưa có nhan đề là Kẻ ở người đi trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Dự Bị (nay là lớp 2) ra đời cách đây gần một thế kỷ: “Ôi! Cái cảnh biệt ly sao mà buồn vậy!“

Không, biệt ly của Nguyễn Du mang một dáng vẻ khác. Nó rất ngắn, rất linh động và cảm động. Và rất đẹp. Nhưng không buồn. Đúng ra, không kịp buồn, cảnh cũng như người. Chỉ càng về sau càng cô liêu.

Một đặc điểm nữa trong 8 câu thơ trên là phép đối. Cái mô - típ toàn bài là chia ly, cho nên thủ pháp đối ngẫu được tác giả sử dụng tối đa. Đối nhau để đương đầu, tranh chấp, hay để sum vầy, thì hai đối tượng phải gần nhau, nhưng để tách rời như trong bài này thì trái lại hai đối tượng càng lúc càng xa nhau. Càng đối nhau càng làm tăng thêm tính cách “gùn ghè, gay cấn”, xin mượn lời của thi sĩ Bùi Giáng, của sự chia cắt.

Biệt ly được mở ra bằng câu 6 đầu tiên gồm 2 vế đối nhau:



Người lên ngựa đối với kẻ chia bào



và được khép lại bằng câu 8 cuối cùng cũng gồm 2 vế đối nhau:



Nửa in gối chiếc đối với nửa soi dặm trường



Trong hai câu 5 và 6, “người về” đối với “kẻ đi”, “chiếc bóng” đối với “một mình”. Hai câu 5 và 6 không đối nhau từng chữ, từng vế, nhưng đối ý.

Xin đăng trọn 8 câu:



Người lên ngựa, kẻ chia bào

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san

Dặm hồng bụi cuốn chinh an

Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh

Người về chiếc bóng năm canh

Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi

Vầng trăng ai xẻ làm đôi

Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm đường
chung  
#2 Đã gửi : 09/11/2016 lúc 05:33:30(UTC)
chung

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 16-07-2013(UTC)
Bài viết: 1,773

Truyện Kiều được dịch ra nhiều ngoại ngữ. Riêng tiếng Pháp, có trên 10 bản dịch khác nhau. Nhưng thơ không thể dịch ra ngoại ngữ mà không đánh mất cái hồn của nó, cái thi vị của nó, dù được dịch ra cũng bằng thơ hay văn xuôi tiếng Anh, tiếng Pháp, v.v... Dưới đây, xin trích dẫn đoạn dịch 8 câu nói trên ra văn xuôi tiếng Pháp của Xuân Phúc và Xuân Việt trong cuốn Kim Vân Kiêu do nhà Xuất Bản Gallimard nổi tiếng của Pháp in năm 1961 (Nguyen Du, Kim Van Kieu, CONNAISSANCE DE L’ORIENT, collection UNESCO d’oeuvres representatives). Bài dịch gẫy gọn, sáng sủa nhưng không thể nào chuyên chở được tình ý, hồn thơ, và ngôn ngữ thơ của nguyên tác:



Il monte en selle; elle lâche le pan de sa tunique. L’automne a teint des couleurs de l’adieu la forêt d’érables. Un tourbillon de poussière rose emporte la selle du cavalier. Bientôt, on le perd de vue derrière l’épaisseur des vertes mu^raies. Elle rentre, ombre solitaire, le long des cinq veilles nocturnes. Seul au loin, il parcourt les dix mille stades. Le disque de la lune, qui l’a partrgé en deux? Une moitié s’imprime sur l’oreiller soliraire, l’autre moitié éclaire la route interminable.

(Tạm dịch: Chàng lên yên ngựa; nàng buông tay khỏi chéo áo của chàng. Mùa thu đã tô màu biệt ly lên rừng phong. Một đám bụi hồng quay cuồng mang theo chiếc yên ngựa của người kỵ sỹ. Chẳng mấy chốc, ta không thấy chàng đâu nữa sau ngàn dâu xanh. Nàng về, chiếc bóng cô đơn suốt năm canh dài. Một mình xa xôi, chàng vượt qua vạn dặm. Vầng trăng, ai đã chia nó ra làm hai? Một nửa in lên gối chiếc, nửa kia soi sáng con đường dài bất tận.)

*

Để thoát ly một phần nào cái thể điệu đều đặn của thơ lục bát, thể song thất lục bát ra đời. Với thể này, hai câu 7 chữ được đặt trước câu 6 rồi đến câu 8. Cách hiệp vần và luật bằng trắc như sau.

Vần:

Chữ cuối của câu 7 trên vần với chữ thứ 5 của câu 7 dưới, đều là vần trắc; tiếp đến là chữ cuối của câu 7 dưới vần với chữ cuối của câu 6, đều là vần bằng; tiếp đến nữa là theo lối gieo vần theo lối lục bát. Thế là được 1 đoạn 4 câu. Để chuyển qua đoạn kế tiếp, chữ cuối của câu 8 của đoạn vừa rồi vần với chữ thứ 5 của câu 7 trên của đoạn tiếp theo. Và cứ thế, tiếp tục.

Bằng trắc:

2 câu 6 và 8 theo đúng luật của thể lục bát. 2 câu 7:



Câu 7 trên: 0 trắc trắc bằng bằng trắc trắc

Câu 7 dưới: 0 bằng bằng trắc trắc bằng bằng

(số 0 bằng trắc tuỳ nghi, không kể. Những chữ còn lại theo quy tắc nhất tam ngũ bất luận, nhì tứ lục phân minh. Những chữ in nghiêng có thể bằng hoặc trắc)

Ví du:



Đường rong ruổi lưng đeo cung tiễn

Buổi tiễn đưa lòng bận thê noa

Bóng cờ tiếng trống xa xa

Sầu lên ngọn ải oán ra cửa phòng



Ngoại lệ: Khi 2 câu 7 đối nhau, hoặc được đặt sóng với nhau, chữ thứ 3 của câu 7 trên theo quy tắc phải trắc có thể đổi thành bằng:



Chàng thì đi cõi xa mưa gió

Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn

(đối nhau)

Chàng từ đi vào nơi gió cát

Đêm trăng này nghỉ mát phương nao

(sóng với nhau, không đối)



Đôi khi có biến cách trong gieo vần. Xin nêu vài ví dụ trong Chinh Phụ Ngâm:



Chín lần gươm báu trao tay

Nửa đêm truyền hịch hẹn ngày xuất chinh

Nước thanh bình ba trăm năm cũ

Áo nhung trao quan vũ từ đây

...

Giã nhà đeo bức chiến bào

Thét roi cầu Vỵ ào ào gió thu

Ngòi đầu cầu nước trong như lọc

Đường bên cầu cỏ mọc con non



Ta vừa đề cập đến vần, điệu, luật bằng trắc, trong thơ lục bát và song thất lục bát. Thật ra các quy luật ấy được rút ra từ văn chương truyền khẩu trong dân gian, trong ca dao, trong thơ cũ, Thơ Mới tiền chiến. Nó quá quen thuộc. Nó đã nằm trong máu, trong thịt của người làm thơ. Cho nên, khi làm hai loại thơ ấy, người thơ không cần phải ôn lại hay để ý đến các quy luật như vừa nêu.

Thơ lục bát có thể có từ thời Hai Bà Trưng như trên đã nói. Thế thể song thất lục bát ra đời vào lúc nào? Trước thế kỷ thứ 14 chăng? Nguyễn Trãi (1380 - 1442) đã làm những bài trong Gia Huấn Ca theo thể đó. Xin trích dẫn 4 câu đầu:



Phép Dạy Con

Ngày con đã biết chơi biết chạy

Đừng cho chơi cầm gậy trèo cao

Đừng cho chơi búa chơi dao

Chơi vôi chơi lửa chơi ao có ngày ...



Đến thế kỷ thứ 18, những tác phẩm rất giá trị như Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm (1705 - 1748), lời thơ não nuột, réo rắt, và đầy nữ tính -- hay của Phan Huy Ích (1750 - 1822)? --, Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều (1741 - 1798) rất hay nhưng mang tính chất “đàn ông” hơn là giọng oán than của một cung nữ, đều được viết theo thể song thất lục bát. Ngay cả Nguyễn Du, bậc thầy của thể loại lục bát, cũng từng ghé mắt qua thể song thất lục bát bằng một thi phẩm bất hủ dài đến 184 câu: Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh. Xin trích 4 câu đầu tiên:



Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt

Toát hơi may lạnh buốt xương khô

Não người thay bấy chiều thu

Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng



Xin trở lại với đề tài “Biệt Ly”, lần này biệt ly trong thơ song thất lục bát Chinh Phụ Ngâm. Vì là sự phối hợp của thơ 7 chữ và thơ lục bát, thể song thất lục bát cho phép người làm thơ có được nhiều áp dụng về thi pháp hơn, nhất là về mặt âm thanh và gieo vần – bằng trắc ở yêu vận (vần giữa câu) và cước vận (vần cuối câu) thay nhau xuất hiện khiến âm điệu câu thơ biến chuyển nhanh chóng và đa dạng. Nhờ vậy, 408 câu trong Chinh phụ Ngâm đã tuôn dào dạt, réo rắt, như dòng nước chảy, như tiếng sáo diều, như lời than thở dồn dập trùng trùng điệp điệp không bao giờ dứt của người cô phụ . Đề tài “Biệt ly” trong Chinh Phụ Ngâm cũng được viết đến 40 câu từ câu 25 đến câu 64[5].

Đây là một đoạn thơ hay. Xin trích dẫn nhận xét của Giáo Sư Hà Như Chi trong Việt Nam Thi Văn Giảng Luận về 40 câu thơ nói trên:

“ ... Nhờ sư phụ họa của màu sắc: nước trong như lọc, cỏ mọc còn non, áo đỏ tựa ráng pha, ngựa trắng như tuyết, ngàn dâu xanh ngắt, của âm thanh: tiếng nhạc ngựa, tiếng trống, tiếng địch, của hình ảnh hào hùng: “Múa gươm rượu tiễn chưa tàn/chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo” và nhất là tình cảm đượm buồn, trang nhã, đằm thắm của chinh phụ, ta đã cảm thấy một cách sâu sắc vẻ đẹp Á Đông và cổ kính cùa một cảnh ly biệt.”

Ngoài ra, về mặt thi pháp, tác giả tận dụng một vài ưu thế của thể thơ song thất lục bát so với thể thơ lục bát, đó là phép đối và liên hoàn.

Phép Đối: trong thơ lục bát có phép đối trong phạm vi từng câu riêng lẻ (tiểu đối), chẳng hạn đối trong câu 6 hoặc đối trong câu 8, như đã nêu trong phần “Biệt Ly” của Nguyễn Du. Ngoài ra, câu 6 không thể đối với câu 8.

Trong thơ song thất lục bát, trong phạm vi câu 6 hoặc câu 8 lẽ tất nhiên có thể có tiểu đối (câu thứ 343: “nghĩ bạc mệnh” đối với “tiếc niên hoa”; câu thứ 16 “sầu lên ngọn ải đối với oán ra cửa phòng”). Với những cặp câu 7, thủ pháp đối ngẫu được sử dụng rất nhiều và rất chỉnh:



Quân trước đã gần ngoài Doanh Liễu

Kỵ sau còn khuất nẻo Tràng Dương

...

Chàng thì đi cõi xa mưa gió

Thiếp thì về buồng cũ gối chăn

...

Chàng ruổi ngựa dặm trường mây phủ

Thiếp dạo hài lối cũ rêu in

...

Tìm chàng thuở Dương Đài lối cũ

Gặp chàng nơi Tương phố bến xưa



Liên hoàn (chữ cuối của câu trước được chữ đầu của câu kế tiếp lặp lại): Thủ pháp này không được sử dụng trong thể lục bát, trái lại trong Chinh Phụ Ngâm có nhiều đoạn liên hoàn đặc sắc:



Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai.

...

Mặt biếng tô miệng càng biếng nói

Sớm lại chiều dòi dõi nương song

Nương song luống ngẩn ngơ lòng

Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai



Có thể kể thêm 6 câu song thất lục bát dưới đây. Cùng với liên hoàn là những thủ pháp nhân cách hóa, ẩn dụ, tượng trưng, điệp ngữ, và rất nhiều hình ảnh, ngôn từ láy đi láy lại, tất cả họp lại diễn tả nỗi bi thương, lời oán thán, miên man, bất tận. Một điểm đặc biệt là chỉ trong 6 câu (42 chữ), có rất nhiều điệp ngữ. Thế nhưng các câu thơ tuôn ra như dòng suối, không chút vấp váp, cấn cái, trái lại quấn quýt nhau, nâng đỡ nhau, âm vang, ray rứt.

Một đặc điểm khác nữa, câu cuối trong 6 câu đưới đây muốn nói gì? Phải chăng người chinh phụ đáng thương đó đã trải qua nhiều đêm thức trắng? Không chợp mắt mới chứng kiến được, mới đếm được, trong “đêm sương” hoa mấy lần rụng. (Bà Đoàn Thị Điểm đã dịch rất thoát, nếu không muốn nói sáng tạo ra câu cuối cùng này, nghe hay hẳn lên. Nguyên tác: Hoàng hoa lão hề lạc mãn tường/Hoa lạc như kim kinh kỷ sương nghĩa là Hoa vàng già rồi rụng đầy tường/Hoa rụng đến nay đã trải qua mấy năm?).

Đây, 6 câu thơ ấy:



Hướng dương lòng thiếp như hoa

Lòng chàng lẩn thẩn e tà bóng dương

Bóng dương để hoa vàng chẳng đoái

Hoa để vàng bởi tại bóng dương

Hoa vàng hoa rụng quanh tường

Trải xem hoa rụng đêm sương mấy lần

(người viết in nghiêng và tô đậm)

*

Trên đây là ca dao, là những vần thơ cổ, là những bài thơ thuộc phong trào Thơ Mới tiền chiến. Qua hậu bán thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, thơ lục bát và song thất lục bát vẫn còn tồn tại. Một nhà thơ rất tài ba, đầy sáng tạo, ngôn ngữ rất phong phú, lắm khi pha trộn với sự tinh quái, nghịch ngợm, có lúc đi đến “mép rìa” của huyền bí, kinh dị, điên loạn, thay vì tiếp cận với các thể loại hiện đại, hậu hiện đại, vẫn thường sử dụng những lối thơ cũ như thơ 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ, nhất là thơ lục bát, và thỉnh thoảng song thất lục bát. Đó là Bùi Giáng. Thử đọc vài ba bài thơ lục bát trong thời gian đầu của nhà thơ này:



Anh Về Bình Dương

Anh về đất rộng Bình Dương

Trái cây và lá con đường cỏ xanh

Môi người nắng ngọt vây quanh

Nụ cười Nam Việt yên lành bấy nay

Em về đẩy mộng lên vai

Chào xuân ngả nón bụi ngày gió ru

Mừng vui con mắt ngây thơ

Mày nghiêng như lệ pha mờ chiêm bao

Yêu nhau cảm động dường nào

Anh về đất rộng cúi chào Bình Dương



Kỷ Niệm

Trời xưa mây đổ dặm ngàn

Bước lang thang đã hao mòn mấy thu

Chập chờn hình ảnh phiêu du

Ghì môi máu nhạt giữa mù mịt sương

Quê chàng trời quạnh Liêu Dương

Quê chàng đất quạnh trên đường chia phôi

Tình em mây phủ chân đồi

Phụng dâng lở dở nước trời mênh mông



Mắt Buồn

Bóng mây trời cũ hao mòn

Chiêm bao náo động riêng còn hai tay

Tấm thân với mảnh hình hài

Tấm thân thể với canh dài bão giông

Cá khe nước cõng lên đồng

Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một giêng

Tạ từ tháng chạp quay nghiêng

Ầm trang sử lịch thu triền miên trôi

Bỏ trăng gió lại cho đời

Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa

Bỏ người yêu bỏ bóng ma

Bỏ hình hài của tiên nga trên trời

Bây giờ riêng đối diện tôi

Còn hai con mắt khóc người một con



Chữ nghĩa bay lượn, mới mẻ, ý tình tha thiết, man mác. Và giữa những hàng chữ dâng lên một nỗi niềm khác – một chút yêu đương, một chút băn khoăn, một chút áo não và rất nhiều hoang mang, cô đơn.

Sau đó, trong một bài viết ngắn, ông nhắc nhở đến Huy Cận, đồng thời bày tỏ quan niệm của mình về thơ:



“A thân thể! Một cái bình tội lỗi

Đất sơ sinh đã hóa lại bùn lầy



Một ý tưởng chẳng có chi mới lạ. Nhưng câu thơ của Huy Cận lại tươi mát như bầu trời.



Và cổ đứng như mình cây vững chãi

Và vai ngang như mặt nước xuôi dài

(4 câu trên trích từ bài Thân Thể trong tập Lửa Thiêng của Huy Cận – NT chú thích)



Viết câu thơ lai rai như thế mới đích thị là thiên tài. (Còn như cái bài Tràng Giang của ông chính ông cũng lấy làm đắc ý lắm, thật ra còn vướng vướng, không có chi là huyền ảo cả.

Và cái câu:

Tôi đội tang đen và mũ trắng

Ra đi không hẹn ở trên đường



Ông viết hai câu kỳ tuyệt như thế, thì thử hỏi: còn chi đáng kể nữa? Ông thừa sức xô ùa Đường Thi cgạy mất hút. Toàn khối thi ca Trung Quốc, toàn khối thi ca Tây Phương, hầu như bị nổ bung lông lốc, vì cái trái lựu đạn đơn giản đó của ông tung ra.” (Thi Ca Tư Tưởng, CADAO xuất bản lần thứ nhất 12/69, SAIGON – VIỆT NAM)



Bùi Giáng vẫn có thói quen đưa đẩy ngọn bút của mình đến chỗ không kiểm soát nổi. Mặt khác, căn cứ vào ý kiến của ông về thơ Huy Cận vừa nêu trên (Đặt bài Thân Thể ít người biết lên trên bài Tràng Giang nổi tiếng), ta nhận thấy ông càng về sau càng xa lánh chữ nghĩa du dương, hoa mỹ, dễ dãi, chải chuốt của Thơ Mới thời Tiền Chiến. Ông muốn đi theo con đường khác, muốn đi sâu vào thế giới u uẩn khó nắm bắt, hoặc muốn chụp lấy những rung động khi ẩn khi hiện, chợt lóe chợt tắt, và viết bằng một thứ ngôn ngữ nghịch ngợm, lai rai, “chịu chơi”, “hồ đồ”, “gùn ghè, gay cấn”, có khi đi đến chỗ hỗn mang, quái dị. Xin trích dẫn vài ba bài thơ trong tập thơ Mưa Nguồn và Lá Hoa Cồn (An Tiêm, Sài Gòn, 1973) của Bùi Giáng:



Trời Mưa Trên Đầu

Trời mưa lộp độp trên đầu

Thì xin Thượng Đế chia sầu với tôi

Thuở còn trẻ dại rong chơi

Thì sung sướng với mưa rơi trên đầu

Bây giờ cái sướng đi đâu

Cái gì ở lại ra màu dở dang

Chiêm bao rớt hột hàng hàng

Từ xiêm trắng xuống hỗn mang trên đầu



Gái Ăn Quà

Chị em xuống phố ăn quà

Gặp lưu manh đón đường tra hỏi gì

Lặng nhìn mái tóc từ bi

Lắng nghe môi miệng nhu mì mở ra

(Chị em xuống phố ăn quà

Làn mi liễu mộng miệng hòa chan chan)

Làn mi thổi gió lên ngàn

Chị em xuống phố hoà chan ăn quà

Vô ngần miệng ngọc mở ra

Môi răng thể lệ ăn quà thể quang

Chị em xuống phố hòa chan

Ăn quà rất mực thênh thang thật là



Hai bài thơ thật hay, ý nghĩa đột ngột, “phiêu bồng”, chữ dùng lạ lùng, mới mẻ. Ông còn đưa vào thơ nhiều tiếng rất bình dân chen lẫn với chữ nghĩa thông thái. “Gái Ăn Quà” là đề tài của thơ thì cũng là chuyện chưa từng thấy trong văn học Việt Nam. Bài này cho thấy tấm lòng thương yêu bao la, đằm thắm, trìu mến của tác giả đối với phái nữ. Không phải chỉ những nữ lưu cao sang như Nam Phương Hoàng Hậu, Trí Hải Ni Cô, Hà Thanh, Kim Cương, Marilyn Monroe, vân vân, mà cả những người vô danh trong đám dân dã. Môi, miệng, răng, mi, tóc của con gái ăn quà trông sao mà “nhu mì mở ra” như thế, dễ thương đến thế. Thảo nào lưu manh đón muốn “tra hỏi gì”, muốn trấn lột hay sách nhiễu tình dục chăng, cũng đành phải “lặng nhìn”, lắng nghe”, quên khuấy đi mất cái ý định sàm sỡ của mình.

Xin trích mấy đoạn để biết thêm “tấm lòng” của Bùi Giáng đối với phái đẹp.

Đừng nói bậy về “Cô Bán Phở” nhé:



Hai cô bán phở dịu dàng

Đừng nên nói bậy hai nàng buồn ta



“Thôn Nữ” quá hấp dẫn:



Em xin chàng chớ lai rai

Con đường thôn lấm ngày dài chi mô

Mở môi ngôn ngữ hồ đồ

Vén xiêm em lội xuống hồ nước kia



“Gái Chửa Hoang” đầy cám dỗ khiến tôi chưa chịu về:



Hội nào em lỡ chửa hoang

Và em đã khóc lệ tràn như mưa

Bây giờ tôi đã quên xưa

Sài Gòn cám dỗ tôi chưa chịu về



Nhưng khi viết về Phùng Khánh (tức là ni cô Trí Hải, nhỏ tuổi hơn Bùi Giáng nhiều, NT chú thích), cũng có chút bỡn cợt gọi nhân vật nữ này là mẫu thân, ông đã tỏ rõ tấm lòng thương yêu nồng nàn chan chứa xen lẫn với buồn tủi, ngậm ngùi, chẳng khác gì đứa con thơ côi cút vừa trông thấy mẹ mới về đứng ở đầu sân bỗng dưng mẹ bỏ đi đâu mất:



U hoài đầu mộng hôm qua

Mẫu thân phùng khánh thật là u u

Chân đi từng bước hư phù

Mộng đi từng bước tuyệt trù ống chân

Mẹ về đứng giữa đầu sân

Cuối cùng mẹ bước vô ngần mẹ đi



Là một người uyên bác với tấm lòng bao la, ông đã để lại một sự nghiệp văn chương đồ sộ bao gồm văn, triết, dịch thuật, và nhất là thơ. Thơ của ông rất đa dạng về tư tưởng, về ngôn ngữ, trong giai đoạn đầu. Sau đó, ông bước thêm một bước nữa trong lối sử dụng “chữ nghĩa lai rai, gùn ghè, chịu chơi, gay cấn”. Ví dụ bài thơ dưới đây làm theo thể song thất lục bát (trong bài viết này, để được tập trung, xin chỉ trích dẫn thơ lục bát và song thất lục bát của nhiều tác giả, và của Bùi Giáng trong khi nhà thơ này có nhiều bài rất hay viết theo các thể loại khác):



Bà Hiệu Trưởng Bước Đi Đệ Nhất

Bà hiệu trưởng bước đi đệ nhất

Cô giáo viên bản chất nữ sinh

Chào xuân mật niệm u tình

Biên thành bắc húc bình minh nam triều

Bà đi bước hoang liêu ngờ vực

Cô bước theo càng lúc càng nghi

Chỉn e trận trận giai kỳ

Ruộng nương nảy lúa hột phì nhiêu thơm

Bà đi bước sớm hôm tề chỉnh

Gió tương lai vẫn thỉnh cầu sương

Nắng vàng trút lục nghìn phương

Bà về phố thị cô mường tượng thôn

Hình dung bước hà sơn như thể

Láng giềng dàng hội lễ tháng ba

Biển dâu bước một chan hoà

Bà vào rún đất cô ra chân trời

(Đệ Nhị Bà Cô

về U Thâm Đệ Nhất )



Cảm tưởng đầu tiên là càng đọc càng thấy bài thơ thật lạ, thật hay, ngôn ngữ thật tân kỳ, ngộ nghĩnh. Nhưng tác giả muốn nói gì? Phải chăng bà thì khắc khổ, ngờ vực; cô thì sợ sệt, hoang mang? Phải chăng bà gay gắt, khó chịu; cô ngây thơ, phục tùng? Phải chăng bà đã bị đô thị hóa, hướng “về phố thị”, bó thân vào “rún đất”; cô vẫn còn mơ màng những bước phiêu bồng hoang dã? Nghĩa là khoảng cách giữa bà và cô còn xa lắm? Nhà thơ “nể” bà nhưng “quý” cô? Bà đã bị tha hóa, cô còn nguyên si? Ấy là người viết chỉ “đoán mò” những “ý đồ” của tác giả. Có lẽ đối với Bùi Giáng, câu chuyện giữa bà hiệu trưởng và cô giáo trẻ là điều thứ yếu, là cái cớ để từ đó tác giả vung bút múa may đùa cợt với ngôn ngữ.

Về sau nhiều lúc tâm thần của ông không ổn định, thơ của ông nghe như những lời mê sảng, chẳng lóe cho ta thấy chút ánh sáng nào. Loại thơ này khá nhiều trong kho tàng thơ đồ sộ của Bùi Giáng. Tôi chỉ xin trích dẫn một bài theo thể lục bát, một bài theo thể song thất lục bát:



Âm Thanh

Âm thanh chạy tuột lên đường

Tồn lưu thái thậm vô thường cảo thơm

Gà con gãy cẳng cá tôm

Chuyên cần trì ngự bao hàm trì lưu

Tan canh eo óc dê cừu

Sơ lan vãn huệ xin trừu tượng bông

Cô nương máu giục phi hồng

Ngọ về đứng nắng sương đồng chảy tuôn

Đầy vơi ngôn ngữ cỗi nguồn

Ngậm cười mở ngọn mối buồn trung niên



Tứ Diện Ca

Quả ấn độ bà là mật túy

Trái xiêm la giáp trĩ phong phiêu

Em chanh chua ngọt ngọn triều

Thiền vu khâm mệnh cung thiều hằng sa

Số đếm lộn ra tòa kiếp số

E rằng sai âm hộ ôn hinh

Lầm than tứ diện tâm tình

Quy y tam bảo lục trình trở cơn

A tăng kỳ kiếp liên tồn

Thoái tàng ư mật lá cồn lập thu

*

Càng ngày các loại thơ cũ, nhất là thơ lục bát và song thất lục bát, càng bị thờ ơ, nếu không muốn nói rẻ rúng. Trước những tấn công ồ ạt của các phương tiện truyền thông hiện đại, nhất là từ khi truyền thanh, truyền hình, điện ảnh, và đặc biệt là điện toán ra đời, thú đọc thơ, bình thơ bị giảm sút nhiều. Ngay cả đối với những ai còn quan tâm tới thi ca, đại đa số cũng không muốn đi trên những con đường mòn cũ. Họ sáng tạo, họ sục sạo tìm cái mới, cái lạ, họ hối hả du nhập những trào lưu thi ca hiện đại, hậu hiện đại của thế giới. Thơ Tự Do, Thơ Không Vần, Thơ Xuôi, Thơ Tân Hình Thức, Thơ Cụ Thể, vân vân, ra đời. Thử trích một đoạn ngắn trong bài thơ “Thơ: cái gì lơ lửng” của Nguyễn Tôn Hiệt hiện sống tại Úc:



...Tôi không thể nào đi trực tiếp vào trang giấy.

Giữa tôi và trang giấy luôn luôn có sự lơ lửng.

Từ tôi đến trang giấy luôn luôn có một khoảng lơ lửng.

Phải chăng thơ chính là khoảng lơ lửng ấy?

Nếu thơ chính là cái lơ lửng ấy, tại sao tôi còn phải chép nó xuống trang giấy?

...



Và đoạn đầu trong bài thơ Những Hạt Cơ Hàn của Phan Thị Trọng Tuyến hiện sống ở Pháp:



Thứ hai, tôi thấy em đang leo ngược

dốc. Lưng nhỏ cong mềm vai oằn quang

gánh. Em hồn nhiên: ấy nghiệp dĩ mẹ

cha. Thúng thiện bên này, bên kia thúng

ác. Thiên hạ xếp hàng hò reo mắng

nhiếc. Trải khăn, ghế, nướng thịt cùng píc

níc. Ai gánh gánh, ai ăn ăn. Em

độ lượng gật gù. Tôi cúi mặt băn

khoăn. Quay lưng, mò tìm sandwich, gặm



Quả là những luồng gió mới khiến người đọc cảm thấy ngạc nhiên, thích thú. Những nhà thơ hôm nay, tuyệt đại đa số, đều không làm thơ theo thể lục bát và song thất lục bát. Đa số độc giả cũng không còn ưa chuộng hai thể thơ trên như trước kia. Có người làm thơ lục bát nhưng dùng kỹ thuật vắt dòng mong nó có dáng dấp của một loại thơ bây giờ. Chẳng hạn:



Trăm năm trong

Cõi

Người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo

Là ghét nhau



Thơ bây giờ cần tự do. Gạt bỏ những ràng buộc về thanh, vần, nhịp, điệu, luật bằng trắc, gạt bỏ những thủ pháp về tu từ, mỹ từ, và đi thật gần với lối nói bình dị hằng ngày, lối nói có thể dịch ra một ngoại ngữ mà không làm mất ý nghĩa của nguyên bản, nói cách khác nó hướng đến tính cách “toàn cầu hóa”[6]. Người làm thơ, do đó, tha hồ vẫy vùng ngọn bút. Nhưng làm một bài thơ tự do, thơ không vần, thơ cụ thể, thơ tân hình thức, thơ hậu hiện đại, hậu ngôn ngữ, vân vân, cho thực hay, đó không phải là chuyện dễ, nếu không muốn nói nó còn khó hơn làm một bài thơ theo thể cách cũ. Dưới đây là một bài thơ hay thuộc loại tân tân hình thức, tác giả là Mai Phương:



Đi Tìm Nơi Mặt Trời Mọc

Buổi sáng, trên xa lộ

dài và rộng, không còn

anh bên cạnh, những dòng

xe tấp nập, những con

đường đi về đâu mà



thênh thang nỗi nhớ. Phía

trước mặt, màu đỏ của

mặt trời đốt cháy nỗi

cô đơn rực nóng, những

đam mê một thời khao

khát, anh ở đâu? Có

hay một người đang tìm

anh, tìm lại hạnh phúc

của đời mình đã để



vụt bay. Xa lộ, đoàn

xe nối nhau bất tận,

những màu xe vượt qua

mặt, xe nào anh trong

đó, vùng nào anh đang

đi sao nỡ vội xa

nhau ...?



Hơn thế nữa, một bài thơ theo thể lục bát hoặc song thất lục bát, nếu hay, không phải tùy thuộc vào thể thơ. Thể thơ không cứu vãn một bài thơ dở. Thể thơ có khi làm thiệt hại cho bài thơ. Ngay cả 4 câu đầu tiên trong Chinh Phụ Ngâm dịch từ 3 câu của Đặng Trần Côn là những câu thơ khá hay, nhưng nếu được dịch thành văn xuôi, không chừng nghe hàm súc hơn, gợi ý hơn.

Vì phải khép vào vần điệu của thể song thất lục bát, 3 câu nguyên tác của Đặng Trần Côn với 16 chữ:



Thiên địa phong trần

Hồng nhan đa truân

Du du bỉ thương hề thùy tạo nhân



được Đoàn Thị Điểm dịch ra thành 4 câu 28 chữ âm điệu du dương, réo rắt, hơi dài dòng, và có vài ba chữ thừa :



Thuở trời đất nổi cơn gió bụi

Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên

Xanh kia thăm thẳm từng trên

Vì ai gây dựng cho nên nỗi này



Dịch 3 câu nguyên tác ra văn xuôi sẽ không có cái trầm bổng của thể song thất lục bát, nhưng sẽ gọn hơn, chữ nghĩa mạnh dạn hơn, và sẽ giữ được ấn tượng sâu đậm hơn mà nguyên tác đã tạo nên: “thiên địa phong trần” (trời đất gío bụi) là nhân, đưa đến “hồng nhan đa truân” (má hồng gian truân) là quả. Hai vế sóng với nhau, đối với nhau về ý nghĩa, dù không đối với nhau về thanh âm. Chiến tranh không mang đau khổ cho chinh phu, cho chiến sỹ ngoài mặt trận, mà chủ yếu là cho người chinh phụ, người vợ ở nhà cô đơn, mong đợi.

8 chữ đầu tiên nêu lên chủ đề (theme) của toàn khúc ngâm, nó dùng để dẫn nhập đồng thời tóm lược cho toàn thể trên 400 câu của bài thơ dài. Do đó, nó đóng vai trò rất quan trọng. Câu thứ 3 tiếp theo chỉ là lời phụ họa.

Xin tạm dịch ra văn xuôi 3 câu chữ Hán:



Trời đất gió bụi

Má hồng gian truân

Cao xanh kia vì ai gây nên cớ sự



Nói là văn xuôi, 3 câu trên có thể được xem như là thơ, thơ không vần, chữ nghĩa giản dị mà súc tích.

Theo thời gian, trước những biến chuyển vô cùng lớn lao của cuộc sống hiện tại, của một thế giới thiên hình vạn trạng, một thế giới hung tàn, quay cuồng, điên đảo, liệu các thể thơ hoa mỹ, êm đềm, dịu dàng cũ, đặc biệt là thơ lục bát và song thất lục bát, có đủ khả năng mô tả, diễn đạt tâm thức của con người bây giờ? Hay nó đã lỗi thời, đang bị lạnh nhạt nếu không muốn nói bị rẻ rúng, và sẽ tàn lụi trong một tương lai không xa? Là vì, cũng như các loại hình nghệ thuật khác, thơ muốn tồn tại phải trải qua nhiều trăn trở, thay đổi để có thể theo kịp thời đại, hay cũng có thể vượt thời đại. Và cứ thế, trên con đường dài bất tận không bao giờ đến được đích, thơ lại muốn sống còn, thì lại phải biến đổi hay ngay cả tự hủy như con phượng hoàng trong thần thoại tự đốt cháy ra tro để tái sinh thành con phượng hoàng mới lẫm liệt gấp bội. Hậu sinh khả uý!

Nhưng cũng có trường hợp ngược lại. Trong nền thi ca Tàu, các thời đại Tống, Nguyên, Minh, Thanh đều không so sánh nổi với thời Thơ Đường. Ở phương Tây, nhà thơ mù Homer Cổ Hy Lạp vẫn là hình ảnh chói lọi khiến hậu thế cả mấy ngàn năm sau kính phục.

Và đây là một thực tế ở nước ta. Mặc những tấn công, đả kích các loại thơ cũ, hoặc những khằng định, chẳng hạn, rằng bây giờ “Thơ là trí tuệ. Không phải là rung động[7]”, khi nhìn lại những bài thơ xa xưa có giá trị như một số bài thơ thượng dẫn, người thưởng ngoạn vẫn thấy lòng rung động, không phải cái rung động bất chợt khi bắt gặp một kỷ niệm thân thương của thời còn bé dại. Đấy là rung động đích thực trước cái hay, cái đẹp đứng vững với thời gian.

Tóm lại, các loại thơ vần điệu cũ, nhất là thơ lục bát và song thất lục bát, vẫn có thể tồn tại, vẫn có thể tìm được chỗ đứng xứng đáng trong nền thi ca bây giờ nếu nó biết tự điều chỉnh, chuyển biến, cách tân, thay đổi. Chẳng hạn như thơ lục bát của Bùi Giáng, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng, Nguyên Sa, vân vân.

Ngự Thuyết
11/2016
_____________

[1] Nước non nặng một lời thề

Nước đi đi mãi không về cùng non

Nhớ lời nguyện nước thề non

Nước đi chưa lại non còn đứng không

Non cao những ngóng cùng trông

Suối tuôn dòng lệ chờ mong tháng ngày

Xương mai một nặm hao gầy

Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương

Trời tây chiếu bóng tà dương

Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha

Non cao tuổi vẫn chưa già

Non thời nhớ nước nước mà quên non

Dù như sông cạn đá mòn

Còn non còn nước hãy còn thề xưa

Non xanh đã biết hay chưa

Nước đi ra biển lại mưa về nguồn

Nước non hội ngộ còn luôn

Bảo cho non chớ có buồn làm chi

Nước kia dù hãy còn đi

Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui

Nghìn năm giao ước kết đôi

Non non nước nước không nguôi lời thề



[2] Nắng chia nửa bãi chiều rồi

Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu

Sợi buồn con nhện dăng mau

Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây

Lòng anh mở với quạy này

Trăm con chim mộng về bay đầu giường

Ngủ đi em mộng bình thường

Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ

Cây dài bóng xế ngẩn ngơ

Hồn em đã chím mấy mùa thương đau

Tay anh em hãy tựa đầu

Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi



[3] Láng giềng đã đỏ đèn đâu

Chờ em ăn dập miếng giầu em sang

Đôi ta cùng ở một làng

Cùng đi một ngõ vội vàng chi anh

Em nghe họ nói mong manh

Hình như họ biết chúng mình ... với nhau

Ai làm cả gió đắt cau

Mấy hôm sương muối cho giầu đổ non


[4] Ta còn để lại gì không?
Kìa non đã lở, này sông cát bồi
Lang thang từ độ luân hồi
U minh nẻo trước xa xôi dặm về
Trông ra bến hoặc, bờ mê
Nghìn thu nửa chớp, bốn bề một phương
Ta van cát bụi bên đường
Dù nhơ, dù sạch đừng vương gót này
Để ta tròn một kiếp say
Cao xanh liều một cánh tay níu trời
Nói chi thua được với đời
Quản chi những tiếng ma cười đêm sâu
Tâm hương đốt nén linh sầu
Nhớ quê dằng dặc ta cầu đó thôi
Đêm nào ta trở về ngôi
Hồn thơ sẽ hết luân hồi thế gian
Một phen đã nín cung đàn
Nghĩ chi còn mất, hơi tàn thanh âm.





[5] Ngòi đầu cầu nước trong như lọc

Đường bên cầu cỏ mọc còn non

Đưa chàng lòng dặc dặc buồn

Bộ khôn bằng ngựa thủy khôn bằng thuyền

Nước có chảy lòng phiền chẳng rửa

Cỏ có thơm dạ nhớ khó quên

Nhủ rồi tay lại trao liền

Bước đi một bước lại vin áo chàng

Lòng thiếp tựa bóng trăng theo dõi

Dạ chàng xa ngoài cõi Thiên Sa

Múa gươm rượu tiễn chưa tàn

Chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo

Săn Lâu Lan rằng theo Giới Tử

Tới Man Khê bàn sự Phục Ba

Áo chàng đỏ tựa ráng pha

Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in

Tiếng nhạc ngựa lần chen tiếng trống

Giáp mặt rồi phút bỗng chia tay

Hà Lương chia rẽ dường này

Bên đường trông bóng cờ bay ngùi ngùi

Quân trước đã gần ngoài Doanh Liễu

Kỵ sau còn khuất nẻo Tràng Dương

Quân đưa chàng ruổi lên đường

Liễu Dương biết thiếp đoạn trường này chăng

Tiếng địch thổi nghe chừng đồng vọng

Hàng cờ bay trong bóng phất phơ

Dấy chàng theo lớp mây đưa

Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà

Chng thì đi cõi xa mưa gió

Thiếp thì về buồng cũ gối chăn

Đoái trông theo đã cách ngăn

Tuôn màu mây biếc trải ngần núi xanh

Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại

Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang

Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương

Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dau

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai

[6] Một trong những nỗ lực của nhà thơ tân hình thức là làm những câu thơ thật đơn giản, thật gần với tiếng nói thông thường. Muốn thế phải loại bỏ tu từ, âm điệu, vần. Tu từ (loại tu từ vẫn được sử dụng, chứ không phải tân tu từ, “new rhetoric”) khiến cho ngôn ngữ bị uốn nắn, chải chuốt đến độ mất đi tính cách uyên nguyên của nó. Âm điệu du dương là để nghe, nhưng thơ tân hình thức là để đọc hơn là nghe, đọc trong “cô đơn, tĩnh lặng”. Âm điệu réo rắt có thể làm xao nhãng người đọc, khiến người đọc không lãnh hội đầy đủ ý tưởng của bài thơ.

[7] Mai Thảo có lần viết: Với những cõi thơ như Vũ Hoàng Chương phải vận dụng trí tuệ mới mong mở được lối vào. Thơ là trí tuệ. Không phải là rung động. Về điểm này, thấy được, nói được những điều xứng đáng về tiếng thơ Vũ Hoàng Chương, cũng phải từ một tâm hồn , một trí tuệ xuất chúng. (Chân dung 15 nhà văn nhà thơ Việt Nam của Mai Thảo, Văn Khoa xuất bản, Wesminster, California, 1985)
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 2.000 giây.