Nhi bật khóc. Bài thơ Thương ca 1 của thi sĩ L. T. Y mà Phạm Duy vừa dùng nguyên văn vừa thay đổi nhiều chỗ để phổ thành ca khúc Tưởng Như Còn Người Yêu đã làm vỡ bờ nỗi lo lắng sợ hãi đang tràn ngập trong lòng cô. Là người yêu của lính tiền đồn mới ngày đầu tiên đã đụng trận, Nhi không kềm được nước mắt khi nghĩ đến một ngày nào đó, biết đâu là ngày mai ngày kia, cô rồi cũng sẽ nhận được tin dữ và trở thành người thiếu phụ đi nhận xác chồng như trong bài ca. Thấy Nhi bật khóc, bạn bè trong phòng nhìn nhau không biết phải làm gì để Nhi khuây khỏa. Một cô lanh trí chuyển hướng:
“Ê, tụi mi. Bài ca của Phạm Duy hay thật, nhưng tụi mi nghĩ thế nào về bài thơ?”
Một cô bĩu môi:
“Chà, mấy cô giáo bắt học trò làm nghị luận văn chương chắc?”
Cô khác nói:
“Tao nghĩ nếu Phạm Duy không phổ nhạc, có lẽ bài thơ cũng chẳng còn được ai nhắc đến.”
“Tao cũng nghĩ vậy. Bài thơ hay về tứ nhưng hỏng nhiều chỗ về từ.”
Cô mở lời đầu tiên nói:
“Tao thì nhận ra hỏng cả tứ cả từ. Ngay trong đoạn đầu, Say đi để thấy mình không là mình, Say đi cho rõ người tình, và kết đoạn đó bằng Say đi mà tưởng như còn người yêu, tứ thơ không vững. Đàn ông mượn rượu giải sầu là chuyện thường tình trong xã hội Việt Nam chúng mình nhưng đàn bà có mấy người? Mà tại sao nhậu say mới nhận ra được chính mình và rõ được người tình?”
“Nhưng Phạm Duy vẫn phổ nguyên văn câu thứ hai và câu cuối đoạn như mi nói đó thôi.”
“Tao cho hoặc Phạm Duy tôn trọng nguyên văn hoặc đã không chú ý tới vì bị hơi thơ cuốn đi.”
“Bị cuốn đi là thế nào?”
“Là khi đọc, người đọc bị hơi thơ đồng hóa tình tiết, cứ tưởng bài thơ đang nói về một người đàn ông thay vì nói về một người đàn bà.”
“Tao không hiểu.”
“Bỏ câu đầu và sáu câu cuối đi, bài thơ nói về rượu và về người yêu chẳng khác đang nói đến tâm tình một người đàn ông uống rượu cho say để qua cơn buồn mất mát người tình.”
“Nhưng có câu Như môi thiếu phụ nhạt mờ dấu son đó thôi? Chẳng đàn bà thì là gì?”
“Câu đó ở thể so sánh, hai từ thiếu phụ không nói đến nhân vật chính.”
“Mi có lý, nhưng bài thơ có nhiều câu hay, phải không?”
Cô gái đóng vai chính trong cuộc trò chuyện nói:
“Có sáu câu liền nhau khá đắt như sau:
Chao ơi thèm nụ hôn quen,
Đêm đêm hẹn sẽ chong đèn chờ nhau,
Chiếc quan tài phủ cờ màu,
Hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng,
Em không thấy được xác chàng,
Ai thêm lon giữa hai hàng nến trong?”
“Mi nói về tứ hay từ?”
“Về tứ, từ thì không đắt mấy. Cờ màu, đỏ au phũ phàng, ai thêm lon, đó là ba cái hỏng về từ. Màu cờ bị ép thành Cờ màu để giữ vần là một hỏng; ba vạch đỏ của Quốc kỳ vàng ba sọc đỏ thì sao lại phũ phàng là hai hỏng; người chồng hi sinh được truy thăng sao lại viết là ai lên lon là ba hỏng.”
“Ba vạch đỏ au phũ phàng, có phải tác giả muốn nói đến lòng người thiếu phụ đau đớn phũ phàng khi nhìn thấy lá Quốc kỳphủ trên quan tài chồng không?”
“Chẳng sai chút nào, nhưng từ diễn không hết tứ. Vì thế, Phạm Duy đã sửa các lỗi đó lại thành:
Chao ôi, thèm nụ hôn quen,
Chong đèn hẹn sẽ đêm đêm đợi chờ,
Bây giờ anh phủ màu cờ,
Em không nhìn được xác chàng,
Anh lên lon giữa hai hàng nến trong.”
“Nhưng Phạm Duy không theo luật lục bát.”
“Quả có vậy, nhưng phổ nhạc không buộc phải theo đúng luật thơ.”
Một cô lắc đầu nói:
“Hết chưa mấy cô giáo? Nghe tụi mi bình giảng mà ớn.”
“Chưa hết. Câu chót Nghĩa trang mà ngỡ như phòng riêng ai thì tứ thơ thật quái lạ. Cách nào có thể ví nghĩa trang với phòng riêng được?”
Một cô ngẫm nghĩ rồi nói:
“Tao cho rằng tác giả muốn diễn cái ý từ nay người chồng chọn nghĩa trang làm phòng riêng, không còn ở trong phòng riêng của hai vợ chồng nữa.”
“Thế là lại thêm một lần từ không diễn được tứ. Phạm Duy sửa lại, Ôm mồ cứ tưởng ôm vòng người yêu, tao cho là ngọt vừa tứ vừa từ, vừa nói lên nỗi đau đớn của người vợ, vừa gợi được hình ảnh người thiếu phụ ôm mồ khóc chồng.”
“Mi làm tao nhớ lại chuyện Trang Chu giúp bà vợ nào đó quạt mồ chồng cho mau khô để tái giá.”
Một cô cười lớn:
“Con ni hư. Người ta nói chuyện ôm mồ khóc chồng của người vợ chung thủy thì mi lại giạt sang chuyện mụ vợ lăng loàn quạt cho mồ chồng mau khô để đi lấy chồng khác.”
Cô vừa nói cười hì hì:
“Chung thủy với không chung thủy, ai biết đâu đó thời buổi này.”
Lời bàn qua luận lại chào xáo của bạn bè quả thực đã giúp Nhi giảm bớt nỗi sầu muộn lo lắng trong lòng. Cô bạn thân nhất của Nhi choàng tay qua vai Nhi, nói:
“Anh Hưng mi bình yên, mi đặt cày trước trâu lo lắng làm gì? Có lo là mi lo thi cho đậu làm cô giáo để sớm tính đến chuyện hai người, có hơn không?”
Một cô tiếp lời:
“Nó nói đúng đó, lo làm chi cho mệt. Con trai rồi đứa nào cũng thành lính, con gái rồi đứa nào cũng thành người yêu của lính, đố đứa nào chạy đâu cho thoát.”
Một cô cười lớn, chống tay lên hông, nói:
“Có tao, tao thoát. Tao đây thề chẳng bao giờ có bồ nhà binh.”
Cô khác cười:
“Thiệt không đó, mi thử đưa lưỡi liếm mũi, liếm được tao mới tin lời mi. Thời buổi này, không bồ nhà binh thì mi bồ với thằng đui què sứt mẻ nào?”
“Có chớ mi, có mấy đứa Đại học Sư phạm và Quốc gia Hành chánh.”
“Ôi ôi, mấy thằng đó đếm trên đầu ngón tay. Đã vậy, tình yêu đâu cho phép tính toán.”
Một cô reo lên:
“Chân lý, chân lý! Yêu mà tính toán thì thành buôn bán xác thân. Tao thì thích để con tim tao chỉ đường cho tao vào tình yêu hơn.”
Một cô ngân nga:
“Đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần sầu.”
Một cô trầm tư:
“Tao chẳng hiểu đàn ông sao lại thích đánh nhau. Phải chi thế giới chỉ có hòa bình, chẳng có chiến tranh.”
Một cô chen vào:
“Thế mi không học sử sao? Thế giới từ tạo thiên lập địa đến giờ không bao giờ không có chiến tranh, chẳng nơi này cũng nơi khác.”
“Nhưng, chiến tranh rồi cũng phải có lúc chấm dứt, chẳng lẽ đánh nhau hoài?”
Một cô nghêu ngao:
“Khi đất nước tôi không còn chiến tranh, Mẹ già lên núi tìm xương con mình.”
Một cô ra vẻ thành thạo:
“Chấm dứt cách nào chứ bằng cách cho Việt Cộng thắng thì còn quá cha, thà chiến tranh còn hơn.”
“Tại sao lại quá cha? Hết chiến tranh thì phải có hòa bình, không đúng sao?”
“Mục tiêu của cộng sản là cướp chính quyền, chưa cướp được chính quyền thì không bao giờ ngưng chiến tranh.”
“Nhưng cướp được rồi thì hết chiến tranh, sao mi nói còn quá cha chiến tranh?”
Cô ra vẻ thành thạo trả lời:
“Dù đã cướp được chính quyền, cộng sản cũng không hết chiến tranh.”
“Tại sao?”
“Tại cốt lõi của chủ thuyết cộng sản là đấu tranh, đấu tranh giai cấp, đấu tranh chủ thuyết, đấu tranh xây dựng xã hội, đấu tranh để đấu tranh!”
“Cứ cho là thế, nhưng rồi cũng có lúc chẳng còn cái gì để đấu tranh nữa, lúc đó phải có hòa bình đích thực như mi định nghĩa.”
Cô khởi đầu tranh luận lắc đầu:
“Hết còn cái gì để đấu thì chỉ còn cái tan hoang, không phải là hòa bình.”
“Tao không hiểu.”
“Cộng sản không lúc nào không còn đấu tranh vì cốt lõi của chủ thuyết cộng sản là đấu tranh, nhất là đấu tranh giai cấp, hết đấu tranh thì hết cộng sản.”
“Mày nói lạ. Cộng sản chủ trương thế giới đại đồng thì còn đâu giai cấp để đấu tranh?”
“Giai cấp nằm ngay trong câu Đảng ta là đảng cầm quyền. Có cầm quyền thì phải có thuộc quyền, nghĩa là có giai cấp thống trị và giai cấp bị trị, hiểu theo nghĩa nặng nghĩa nhẹ đều là thế. Nghĩa là, chẳng bao giờ có cái gọi là thế giới đại đồng, cái gọi là xã hội không còn giai cấp.”
“À, tao hiểu ra một chút. Đảng không còn cầm quyền thì cộng sản không còn, mà muốn còn cầm quyền thì phải gây chiến tranh, không với nước ngoài thì với nội bộ.”
Một cô gật gù:
“Lý luận hay, từ trong cốt lõi, chủ thuyết cộng sản đã là một cuộc chiến tranh.”
“Đúng thế, một cuộc chiến mà phần thắng không bao giờ thuộc về giai cấp bị trị.”
“Tại sao?”
“Rõ như ban ngày. Giai cấp thống trị có súng đạn có quyền thế trong tay, giai cấp bị trị có cái gì?”
Một cô chen vào:
“Tao đồng ý trăm phần trăm. Không còn chiến tranh, cộng sản cũng không đem lại hạnh phúc thực sự cho dân cho nước. Gương Liên Xô, Trung Quốc, Cuba, Bắc Hàn, Đông Đức sờ sờ ra đó, không chiến tranh nhưng chẳng có nước nào dân được hưởng tự do và hạnh phúc thực sự. Mấy nước đó ngon cứ bỏ hết bức màn tre bức màn sắt, mở cửa toang hoang xem người phe tư bản chạy qua phe cộng sản hay ngược lại.”
Cả bọn ồ lên:
“Không đứa nào chạy qua phe cộng sản đâu. Gương Đông Đức Tây Đức sờ sờ ra đó.”
Nhi im lặng suy nghĩ chẳng hiểu tại sao đất nước Việt Nam của cô không bao giờ được hưởng thanh bình lâu dài. Không ai không biết câu Nhất tướng công thành, vạn cốt khô, nhưng tướng nào cũng lấy chiến tranh để tranh hơn thua, tranh quyền lực. Cô lại càng không hiểu tại sao chủ thuyết Cộng sản quyến rũ được nhiều nước nhiều người trên thế giới, kể cả những người trí thức. Đột nhiên thấy Nhi im lặng, một cô lên tiếng:
“Nhi làm sao thế, sao mi ngồi thừ ra thế?”
“Tụi mi bàn luận làm tao nhớ lại lần anh Hưng và tao cũng bàn luận về chủ thuyết cộng sản.”
“Tụi mi bàn chuyện gì?”
“Chuyện tại sao nhiều người tin theo chủ thuyết cộng sản.”
“Thế anh Hưng nghĩ sao?”
“Anh Hưng tao cho là tại người ta tin xã hội cộng sản sẽ đi đến chỗ là một xã hội tốt đẹp không còn giai cấp, không còn người bóc lột người, trong đó mọi người làm theo phân bố, hưởng theo nhu cầu.”
Hưng cho rằng xã hội nói trên là niềm mơ ước của bất cứ người nào, nhưng mà là xã hội lý tưởng không thể có trên thực tế. Vũ trụ trong bản chất đã có sự tranh đoạt thay đổi không ngừng, âm dương tương khắc sinh tứ tượng, tứ tuợng sinh bát quái. Hưng nói:
“Đã tranh đoạt thay đổi không ngừng như thế thì em nghĩ làm sao dừng lại ở chỗ không còn giai cấp nữa, nghĩa là không còn tiến hóa nữa?”
Nhi tán đồng:
“Em nghĩ anh nói đúng. Cộng sản đã tự mâu thuẫn khi dừng lại ở xã hội đó, trong khi tiến hóa là một trong các mấu chốt hình thành tư duy cộng sản của Marx.”
Nhi ngẫm nghĩ rồi nói tiếp:
“Nhưng anh nghĩ coi, còn gì sung sướng cho con người hơn khi được làm việc theo đúng khả năng chuyên môn và hưởng mọi quyền lợi vật chất theo mong muốn?”
Hưng nói:
“Em đúng, và ai cũng mơ ước như thế. Nhưng để đạt được niềm sung sướng đó, guồng máy xã hội phải điều chỉnh cho phù hợp: Giáo dục đào tạo đúng chuyên môn xã hội đang cần đến không hơn không kém, cơ xưởng sản xuất đúng sản phẩm cần được sản xuất không sai không chạy, số lượng sản xuất lúc nào cũng vừa đủ để đáp ứng nhu cầu không thừa không thiếu. Quá lýtưởng, phải không em? Làm sao có được điều kiện cân bằng số không đó?”
Nhi đưa tay nắm tay Hưng, trìu mến nói:
“Đúng, anh nói đúng.”
Hưng nhấn mạnh:
“Nhưng thực tế, chẳng cơ chế kinh tế nào giữ vững được tình trạng quân bình đó, chế độ cộng sản lại càng không.”
“Tại sao không?”
“Tại cung tùy thuộc cầu, mà cầu không bao giờ là một hằng số bất biến.”
“Anh nói rõ hơn, được không?”
“Ngay cả nhu cầu ở đẳng cấp thấp nhất của tam giác nhu cầu là cái ăn cái uống cũng thay đổi không ngừng. Đang cơn đói khát, con người chỉ mong cơm đầy bụng, áo che thân, nhưng khi no đủ lại mong ăn ngon mặc đẹp. Thế nhưng, ngon và đẹp chẳng ai định nghĩa được rõ ràng và dứt khoát ở mức độ nào là mức chấm dứt.”
“Nghĩa là thế giới không thể dừng lại mà vẫn phải tiến hóa không ngừng.”
“Đúng vậy, em.”
“Anh làm em nhớ lại chuyện Trạng Trình cho vua ăn mầm đá.”
Hưng gật đầu:
“Chuyện tiếu lâm đó đúng là để chứng minh tính không bền vững của nhu cầu con người.”
Nhi ngẫm nghĩ rồi nói tiếp:
“Anh Hưng nè, em cho rằng mô hình xã hội cộng sản nói trên chẳng qua chỉ phỏng theo mô hình xã hội loài ong, loài kiến.”
“Nghĩa là gì?”
“Xã hội ong, kiến bao gồm một lũ ong thợ, kiến thợ suốt đời cung cúc lao động để nuôi sống một ong chúa, một kiến chúa, và một bầy ong đực, kiến đực được ưu đãi để lưu truyền dòng giống.”
Hưng gật đầu:
“So sánh tuyệt vời. Xã hội phân bố của cộng sản đúng là vậy, bao gồm hầu hết người dân cung cúc tận tụy làm việc để nuôi sống nhóm đứng đầu Đảng và Nhà Nước. Em dẫn chứng giỏi quá.”
Nhi bẽn lẽn:
“Em là học trò của anh mà. Từ đó em còn nghiệm thấy chế độ chính trị không sinh ra con người mà con người sinh ra chế độ. Một ông vua quân chủ biết lo cho dân còn gấp vạn lần một ông tổng thống ông chủ tịch chỉ biết lo kiếm tiền cho đầy hầu bao, chẳng biết lấy dân làm đầu.”
Bạn bè Nhi trong phòng ồ lên:
“Hai vợ chồng con Nhi bàn luận nghe cứ như giáo sư triết đang giảng bài.”
Một cô lên tiếng:
“Nhưng vợ chồng hắn bàn đúng, phải không tụi bay.”
Một cô xua tay:
“Thôi thôi tụi mi ơi, cả đám tụi mình có đứa nào học chính trị đâu mà sao hôm nay bàn hăng thế?”
Cô gái thắc mắc chuyện bội tinh là gì lúc ban đầu lên tiếng:
“Dẹp chuyện chính chị chính em đi. Con Nhi hay đứa nào có cho tao biết bội tinh là cái khỉ mốc gì không?”
Một người trả lời thay Nhi:
“Bội tinh là cái mề đay. Học sư phạm Quốc văn mà dốt như mi, ra trường học trò hỏi làm sao mà trả lời?”
Cô bạn vừa hỏi nguýt người trả lời:
“Con ni à nha. Tao ngu là ngu mấy cái chuyện nhà binh nhà bơ, đâu có ngu văn chương chữ nghĩa.”
Cô khác hỏi:
“Mề đay là như người ta nổi mề đay đầy mình, phải không tụi bay?”
Cô đưa vấn đề ra đầu tiên cười:
“Rõ ràng chưa, đâu phải mình tao không biết.”
Cô trả lời thay Nhi nói lại:
“Mề đay cái mồ cha mi, tiếng Pháp médaille nghĩa là huy chương đó.”
“Huy chương thì nói là huy chương, còn mề với đay.”
Cô khác vội chặn ngang không cho hai người cãi nhau tiếp nữa:
“Cái lũ bay, con Nhi nó đang lo mà hết bình luận lại cãi nhau om sòm. Bộ tui mi hết chuyện nói rồi hay sao?”
Một cô nói:
“Hết chuyện thì tan hàng, để con Nhi viết thư trả lời cho bồ nó.”
Mấy người nhao nhao:
“Thế không đi ciné?”
Một cô nhìn đồng hồ tay:
“Đi mốc gì nữa, tối quá rồi. Để con Nhi viết thư rồi mai đi cũng được.”
Một cô cười, nói:
“Thư với từ, chưa cưới thì mơ mộng, cưới rồi mới biết.”
“Biết cái gì, mi đã cưới ai đâu mà biết?”
“Mấy bà chị tao nói.”
“Nói sao?”
“Nói có chồng mệt lắm, tối tối phải dỗ con ngủ, rồi còn phải dỗ chồng ngủ.”
“Chồng mà dỗ ngủ?”
“Là dỗ cái chuyện đó đó. Hắn mà đòi thì trằn trọc ngủ không được, véo cấu cho đến khi nào xong chuyện mới lăn ra ngáy khò khò.”
Mấy cô gái đập vai nhau, cười hì hì:
“Chà, con này coi bộ rành dữ? Bộ mi dỗ thằng nào rồi sao?”
Cả đám ôm vai nhau, vừa cười vừa kéo nhau ra khỏi phòng:
“Đi ra, đi ra, để con Nhi nó viết thư không nó chửi cho bây giờ.”
***
Căn phòng trở lại im lặng. Nhi ngồi xuống đọc lại thư Hưng, đọc đi đọc lại bấy nhiêu chữ bấy nhiêu câu đến gần như thuộc lòng. Nhi bỗng cảm thấy như Hưng đang ngồi đó, đang âu yếm trò chuyện với cô. Tờ giấy màu hồng phấn gấp đôi trải trên bàn học như lòng cô đang trải rộng ra với người tình:
Huế, ngày tháng năm.
Anh thân yêu của em,
Một nhạc sĩ nào đó đã viết “Tình yêu như trái phá, Con tim mù lòa.” Tình yêu như trái phá thì em không biết, vì nếu là trái phá thì tình yêu đã nổ tung chẳng còn gì để lại. Con tim mù lòa thì trái lại em hiểu rất rõ vì con tim em hiện đúng là đang mù lòa. Tim em mù lòa nên tâm trí em cũng mù lòa, em chẳng còn suy nghĩ được điều gì mạch lạc ngoại trừ đang đập rộn ràng vì yêu anh, nhớ anh, và lo lắng cho anh. Em ước gì giờ đây anh đang ở đây, bên em, để em dâng trọn những gì em đang có cho anh, chẳng chút đắn đo, chẳng chút ngại ngùng, chẳng chút vương vấn, chẳng chút lo toan. Mà dẫu con tim em không mù lòa, em cũng làm cho nó mù lòa để yêu anh, yêu không biết chừng mực nào là tận cùng.
Nếu anh biết được em đã khóc đã buồn đến chừng nào khi anh và em đến nay vẫn còn phải xa nhau. Tại sao trời lúc nào cũng cay cú với các kẻ yêu nhau, bắt phải xa nhau vậy anh nhỉ? Bộ trời chẳng biết yêu, hoặc không có ai để yêu nên ghen với người yêu nhau chăng? Em bây giờ như người mất hồn, nhẩm đi nhẩm lại không biết chán câu ca dao em mà anh đã biết:
Chim xa rừng thương cây nhớ cội,
Người xa người tội lắm người ơi,
Thà rằng không biết thì thôi,
Biết nhau mỗi đứa mỗi nơi cũng buồn.
Chẳng hiểu tại sao ông nhà thơ này viết “cũng buồn” anh nhỉ? Phải viết “rất buồn,” “hết sức buồn,” “buồn vô cùng vô tận” mới đúng, phải không anh? Nghĩa là em muốn cho anh hiểu em đau đớn buồn bã đến chừng nào khi phải xa anh. Bao giờ trời mới cho hai đứa mình sum họp đây anh? Bom đạn cứ làm em canh cánh bên lòng nỗi sợ hãi có ngày nào đó anh và em phải chia lìa nhau mãi mãi. Trở thành Người Yêu Của Lính, em mang nỗi đau đớn đợi chờ của vợ lính chờ chồng, luôn cầu trời đừng bắt em phải trở thành người thiếu phụ trong bài Tưởng Như Còn Người Yêu.
Em một lòng chờ đợi anh, mãi mãi thuộc về anh trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù bất cứ điều gì xẩy ra. Anh yên tâm giữ gìn sức khỏe để vượt qua những khó khăn vất vả đang phải chịu đựng. Sao người ta không để cho thế giới an bình, để những kẻ yêu nhau như anh em mình không bị chia lìa phân cách vậy anh? Em hỏi cho vui vậy thôi vì biết anh chẳng có câu trả lời, và hình như cũng chẳng ai có được câu trả lời.
Em hứa thêm một điều nữa là sẽ viết thư cho anh mỗi ngày, dĩ nhiên không gửi đi mỗi ngày nhưng sẽ gửi tất cả một tuần một lần để anh có thể đọc mỗi ngày một thư em gửi cho anh. Anh không cần phải viết lại cho em như thế đâu, vì em biết anh không có nhiều thì giờ. Một tuần, anh viết cho em một mẩu giấy nhỏ cũng đủ rồi, viết mấy chữ “Anh yêu em” rồi gửi đi, để em được đọc mấy lời đó do chính tay anh viết ra, cho dẫu em biết không nói ra thì anh cũng đã yêu em, vẫn yêu em, và sẽ mãi mãi yêu em.
Em hôn anh, người yêu và là chồng em.
15 tháng 10, 2016
Trần Hữu Thuần