logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 23/11/2016 lúc 07:26:02(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Nhi, nữ sinh viên năm cuối Đại học Sư phạm Quốc Văn tạm trú tại một căn nhà nhỏ chuyên cho học sinh sinh viên các tỉnh thành khác đến Huế trọ học. Căn nhà dài lợp tôn ngăn thành nhiều phòng, nằm giữa đường đi lên chùa Từ Đàm và cầu Phủ Cam, trên con đường đất đỏ ngắn và thẳng nối đường Phan Châu Trinh với đoạn đường rầy xe lửa Bắc Nam chạy ngang qua trước khi rẽ theo hướng khác.

Chủ nhà Nhi trọ là một người đàn bà luống tuổi, dịu dàng, dáng dấp đường bệ như đã từng là mệnh phụ phu nhân, vợ quan quyền Huế thời xưa cũ. Đám trọ học như Nhi lẽ ra phải gọi bà bằng bà hoặc bằng mụ như người Huế quen gọi các bà nhiều tuổi, nhưng tất cả đều gọi bằng cô theo vai vế của bà đối với anh nam sinh trung học cháu bà đang cùng trọ học tại đó. Nhi chưa từng tò mò hỏi đến quá khứ của bà, phần vì tò mò không phải là bản tính của cô, phần vì ngại sẽ khó xử nếu chẳng may quá khứ của bà không như cô nghĩ. Bà rất nể trọng Nhi chẳng phải chỉ vì biết không lâu nữa Nhi sẽ là cô giáo mà còn vì Nhi trả tiền cơm tiền trọ gấp đôi các bạn cùng trọ học. Thực tình ngay từ ngày đóng tiền lần đầu tiên, Nhi chỉ đóng đúng số tiền bà chủ đưa ra, tám trăm đồng một tháng. Ba mẹ Nhi cung cấp đủ tài chánh cho Nhi theo học nên Nhi không thấy khó khăn gì khi phải đóng số tiền đó cho dẫu đó là một số tiền tương đối lớn so với người khác. So sánh một chút ta có thể thấy giá trị đồng tiền những năm 1960, thời Ngô Đình Diệm là vị tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa. Một ly cà phê đen nhỏ giá một đồng rưỡi, một tô phở nhỏ giá ba đồng; tám trăm đồng gần năm trăm trăm ly cà phê, gần ba trăm tô phở nhỏ. Lương một người lính độc thân mỗi tháng một ngàn hai trăm năm chục đồng; tám trăm tiền trọ hơn nửa tháng lương người lính. Bạn cùng trọ cũng chẳng ai biết Nhi đã đóng bao nhiêu một tháng.

Nhận thấy bà chủ trọ đối xử với Nhi có phần khác biệt hơn các bạn cùng trọ học, Nhi hơi ngạc nhiên nhưng chẳng tiện hỏi lý do. Tình cờ, một hôm về sớm khác ngày thường do giáo sư bệnh, vừa bước qua cửa vào nhà, Nhi nghe ai đó đang than phiền với bà chủ việc bà đối xử với Nhi dễ dãi hơn anh chị em khác cùng trọ học trong nhà. Người con gái lớn giọng lanh lảnh vì không ngờ Nhi đã về:

“Cô coi nè, Nhi để điện suốt đêm trong khi người khác đến giờ là phải tắt, bữa cơm nào Cô cũng có phần thức ăn riêng cho Nhi, sáng sáng Cô mời Nhi uống trà mà chẳng mời ai khác, Nhi lỡ về muộn có người vui vẻ ra mở cửa còn người khác bị cằn nhằn.”

Giọng bà chủ trọ điềm nhiên:

“Còn gì nữa không cô nói hết đi?”

Không có tiếng cô gái nói gì thêm. Bà chủ nói tiếp:

“Cô nói cho cô hay đại diện các cô cậu khác?”

Cô gái rụt rè:

“Dạ, con nói cho con mà cũng cho mấy bạn khác.”

Giọng bà chủ có phần cười cợt:

“Hóa ra cô là người đại diện.”

Cô gái nhỏ nhẹ:

“Dạ, cũng không hẳn là đại diện, nhưng nghe các bạn thì thầm bàn tán, con nghĩ nên hỏi thẳng Cô thì tốt hơn chăng?”

Bà chủ trọ húng hắng rồi hơi lên giọng:

“Các cô cậu nói năng không biết suy nghĩ. Các cô cậu có biết phải đối xử cho hợp lẽ công bằng là cách răng không?”

Có tiếng con gái càu nhàu:

“Công bằng là công bằng thế nào? Cùng ở trọ mà cái gì tụi con cũng bị hạn chế còn Nhi thì không.”

Bà hơi gắt:

“Các cô các cậu biết một mà không biết mười. Giả sử cô trả tiền gấp đôi tiền cô Nhi trả và được tôi đối xử như tôi đang đối với Nhi, cô Nhi có cho là tôi không công bằng không?”

Giọng con gái trở nên dè dặt:

“Chẳng lẽ Nhi trả nhiều hơn sao Cô? Con tưởng người nào cũng trả bốn trăm như nhau cả.”

Bà chủ đổi giọng:

“Cái cô tưởng khác với cái sự thực; cô Nhi trả gấp đôi, tám trăm một tháng.”

“Sao Cô bắt Nhi trả nhiều vậy?”

“Tui mô có bắt. Đó là giá chính thức. Các cô các cậu chỉ trả bốn trăm là do tui bớt vì muốn giúp các cô cậu thành tài mà không đủ tiền theo học. Đã không biết ơn tui các cô cậu còn trách tui nghĩa là răng?”

“Vậy Nhi có biết tụi con trả ít hơn Nhi không Cô?”

Bà chủ dịu giọng:

“Cô Nhi không biết, có lẽ không, cô nớ không khi mô tò mò chuyện người khác. Với lại, cô Nhi mô có đòi tui phải đối xử khác với cô nớ. Đối xử như rứa là tại tui muốn cho phải đạo, người trả tiền nhiều thì phải hưởng đúng số tiền đã trả. Cô cho là không đúng răng?”

Im lặng. Giọng con gái dịu hẳn xuống:

“Con xin lỗi Cô, Cô làm đúng. Tụi con không biết chuyện.”

Bà chủ mỉm cười xuống giọng:

“Không lỗi phải chi mô. Có điều tụi con nhớ đừng phê phán điều gì trước khi biết rõ ngọn ngành.”

“Dạ, con hiểu. Con sẽ giải thích lại cho các bạn.”

Do nể trọng Nhi, sáng nào Nhi không đi học sớm, bà cho đứa cháu phục dịch lên phòng lễ phép mời Nhi xuống cùng bà uống trà sáng. Trà bà dùng chỉ khá hơn loại thường một chút, không phải loại thượng hạng đặc biệt như ba Nhi thường dùng. Thế nhưng, bà có cách pha làm cho trà thêm hương vị. Lối thưởng thức trà của bà đáng được xếp vào hàng quý phái, không phải như đám ngưu ẩm bất tri kỳ vị. Bà trồng một cây hoa mà bà gọi tên là Hoa Sói nhưng Nhi không chắc tên gọi là đúng vì chẳng giống chút nào với hoa Sói cô đã nhìn thấy trong vài bức ảnh. Cô trồng cây hoa trong một chậu đất đặt trong phòng khách, chăm bón hàng ngày. Cây thân chồi thẳng đứng, cao chừng hơn mét, hoa trắng nhỏ như hạt gạo nở lấm tấm dọc thân và cành, dính sát vào thân và cành gần như không có cuống, hương nhẹ và dịu. Quanh năm, chẳng ngày nào cây không nở hoa, toàn thân đầy hoa chỉ lơ thơ lá, chẳng biết do bà chăm sóc đặc biệt hoặc do bản chất loài hoa là thế. Để pha trà, bà nấu nước sôi tại chỗ trong một ấm đất trên một lò than nhỏ cũng bằng đất đặt cạnh một chiếc bàn thấp. Bà bảo Nhi:

“Cô biết không? Trà ngon không phải hoàn toàn do trà mà còn do nước để nấu sôi, do cách nấu nước, do hoa thơm bỏ vào, và nhất là do cách hãm trà.”

Nhi nhìn bà ngạc nhiên.

“Thật vậy sao Cô? Con không hiểu kịp Cô nói gì.”

“Nước sôi pha trà phải nhẹ, nước nặng làm mất mùi trà.”

Nhi gật đầu:

“Cái này thì con hiểu, nước nặng có độ pH cao, dùng không tốt. Vậy nước nào là nước nhẹ dùng được?”

“Tùy địa phương. Nước giếng, nước mưa đều dùng được, thử vài lần trước khi chọn đúng thứ. Tôi dùng nước mưa hứng thẳng từ trời, đặt vào chỗ thoáng gió cho nước lúc nào cũng lành lạnh.”

Cời cời than trong lò, bà nói tiếp:

“Cô đọc truyện Tàu Hồng Lâu Mộng chưa?”

“Dạ rồi.”

“Rứa có nhớ một ni cô trong truyện đã dùng tuyết lấy từ trên núi cao bỏ vào bình chôn xuống đất, mấy năm sau mới đào lên dùng làm nước nấu sôi pha trà không?”

Nhi lè lưỡi:

“Con tưởng Tào Tuyết Cần bịa chuyện cho vui, chẳng lẽ cầu kì đến thế thật sao?”

“Không bịa mô, đúng là rứa đó, Nghề chơi cũng lắm công phu. Nước phải nấu trong ấm sành ấm đất, nấu trong ấm nhôm ấm đồng nước ám mùi kim loại, mất mùi trà.”

“Ái chà!”

Bà cời than cho lửa thấp xuống:

“Nước quá sôi thì trà khét, kém sôi thì trà chua, quá nóng mất vị, không đủ nóng không đủ vị.”

Nhi lắc đầu:

“Ba con ngày nào cũng uống trà nhưng chẳng bao giờ nói đến các yếu tố làm trà ngon như Cô cả.”

Thấy Nhi chăm chú nghe, bà nở một nụ cười tươi tắn:

“Còn nữa, người cùng uống trà cũng phải lựa chọn. Trà ngon không chỉ do trà mà còn do người cùng uống có biết thưởng thức hay không.”

Nhi ngẫm nghĩ chắc bà chủ trọ đã xếp cô vào loại biết thưởng thức trà nhưng chính cô đâu biết mô tê gì, uống trà với cô chưa chừng còn không bằng uống các thứ nước cô thích. Nghĩ vậy nhưng Nhi không nói ra, chi mỉm cười thêm vào lời bà chủ vừa nói:

“Còn chỗ ngồi uống nữa chớ Cô?”

Nhi lầm bầm không thành tiếng nhại kiểu nói của Tản Đà:

“Trà không ngon, không ngon. Trà ngon, nước không ngon, không ngon. Trà ngon, nước ngon, người cùng uống không ngon, không ngon. Trà ngon, nước ngon, người cùng uống ngon, chỗ ngồi uống không ngon, không ngon….”

Thấy môi Nhi mấp máy, tưởng Nhi nói gì nhưng quá nhỏ không nghe được, bà hỏi lại:

“Cô Nhi nói chi rứa?”

Nhi mỉm cười, nói trớ:

“Dạ, con đang nghĩ nước sôi rồi còn phải làm gì nữa.”

“Nước sôi rồi, không châm vào trà ngay mà phải đợi một chút cho nước hạ xuống rồi châm từ từ để cho cánh trà kịp sống lại.”

Nhi hỏi:

“Thế còn hoa Sói?”

“À, hoa làm cho trà tăng thêm hương vị, Lài, Sen, Ngâu, Sói đều dùng được. Có người đem trà cho vào đóa Sen chưa nở, buộc dây lại để qua đêm, sáng mở dây lấy trà ra. Có người thích Lài. Cô chỉ thích Sói, hương không hắc mà ngát nhẹ nhàng.”

Nước trong ấm đang sôi sùng sục, nắp ấm như muốn bật tung lên. Bà dùng que cời lấp tro che bớt than hồng. Lửa hạ xuống, nước cũng hạ xuống. Bà thận trọng mở nắp chiếc bình sành đựng trà, nhúm hai nhúm cho vào ấm. Bình sành men nền trắng vẽ cành tùng uốn éo vươn dài, bên dưới có hai thiếu nữ quay mặt nhìn cành cây, mình mặc áo quần phơi phới; cây và người đều màu xanh. Bà bảo Nhi:

“Bình cổ đời Minh đó cô.”

Vói tay qua chậu Sói, bà cấu lấy năm bảy nụ hoa, mở nắp ấm trà cho hoa vào rồi đậy ngay lại. Quay qua khay trà, bà nhấc ấm nước đang sôi trên hỏa lò, xoay xoay vòng tròn vòi nước đang bốc hơi chế vào bốn chung hạt mít; nước đầy qua miệng tràn xuống chiếc dĩa nhỏ bên dưới. Đặt lại ấm lên bếp, bà nhấc mỗi lần một đôi cả đĩa cả chung rồi thận trọng đổ nước xuống chiếc ống nhổ để sẵn dưới chân bàn. Đứng dậy, bà mở tủ lấy ra một hộp chữ nhật trong suốt, dài ngắn chừng gấp rưỡi các chiều của bộ bài Tây, bên trong nhìn thấy rõ mấy chiếc bánh đậu xanh bằng ngón tay cái. Đặt hộp xuống bàn, bà rót nước trà ra bốn chung vừa tráng, rồi châm tiếp nước sôi vào ấm trà. Xong, bà một tay nâng một chung trà nhỏ lên trịnh trọng mời Nhi, tay kia mở hộp bánh nói:

“Cô dùng một tấm. Bánh đậu xanh ni tôi đặt riêng một mụ ngày xưa chuyên làm bánh cho ngài ngự.”

Nhi hiểu ngay cho ngài ngự là cho vua ngày trước. Bà nói tiếp:

“Mụ nớ bây chừ hàng ngày bán chè hoa cau, ngon lắm, gánh ra khỏi nhà vài giờ sau là hết.”

“Chè hoa cau là chè gì vậy Cô? Bộ nấu bằng hoa cây cau?”

Bà cười:

“Không mô, hoa cây cau ăn mô được. Người ta ví von đó thôi. Đậu xanh đãi vỏ nấu đến mức vừa nở trông như hoa cây cau, bùi mà không nát. Chè được thêm hương thơm tho.”

“Hương gì cô?”

“Bí quyết, mụ nớ không tiết lộ.”

Nhi tò mò hỏi:

“Con ở đây đã mấy tháng mà có thấy ai bán thứ chè đó đâu?”

“Hiếm khi mụ gánh ngang qua nhà mình.”

Bà chủ nâng chung trà đưa lên môi:

“Dùng trà đi cô, nhấp một ngụm rồi dùng bánh, đừng dùng bánh trước không cảm được vị trà. Nhi nhấp trà, dùng hai ngón tay kẹp miếng bánh nhỏ đưa lên miệng nhỏ nhẻ cắn một chút. Bánh ngon. Đậu xanh như tan ra khi vừa cho vào miệng, vị ngọt và hương thơm quyện lấy nhau làm Nhi sảng khoái. Nhi đột nhiên có cảm giác tiêng tiếc nghĩ đến khi miếng bánh nhỏ này rồi sẽ chẳng còn lại gì, bị phá tan chẳng khác một công trình nghệ thuật đã bị phá tan đi. Quan sát thấy nét mặt sảng khoái của Nhi khi ăn bánh, bà chủ mỉm cười hiền lành:

“Ngon tuyệt phải không cô Nhi? Bữa mô mụ nớ gánh chè ngang qua đây mà có cô ở nhà, tôi mời cô một lần cho biết. Nhà mình hơi khuất nên mụ ấy khi ít vô, chỉ loanh quanh ngoài đường lớn vùng Phủ Cam Bến Ngự cũng đã bán hết gánh rồi.”

“Đâu khuất gì mấy thưa Cô?”

“Gì mấy thì cũng khuất. Mụ vừa gánh ra khỏi nhà là người ta chực sẵn rồi, một hai giờ sau là hết gánh, chưa nói có người đãi trọn gánh.”

“Sao bà ta không nấu thêm mà bán?”

“Không hề. Mụ nói nhiều mất quý, bán vừa đủ tiền gạo là thôi.”

Nhi mỉm cười:

“Chà, không ngờ bà ấy cũng biết qui luật kinh tế cung cầu. Cầu nhiều cung ít, giá cao hàng quý.”

“Cung cầu chi chẳng biết, nhưng giá thì lúc nào cũng rứa, không hề tăng giảm.”

Hai người một già một trẻ tiếp tục thưởng thứ trà bánh. Hương trà nhè nhẹ. Mùi hoa Sói phảng phất. Vị trà chan chát trên đầu lưỡi nhưng ngòn ngọt khi qua khỏi cổ họng. Nhi ngẫm nghĩ nhận ra quả thực vị trà của bà khác nhiều so với vị trà ba cô thường uống mỗi ngày ở nhà.



***



Thứ sáu cuối tuần, trước giờ đi học, mấy bạn gái sinh viên cùng trọ học bảo Nhi:

“Sau giờ học, cơm xong, tụi mình đi coi phim Đường Sơn Ngủ Ngoài Sân của Lý Tiểu Long đi.”

Một cô ré lên:

“Cái gì ngủ ngoài sân?”

Cô khác xen vào:

“Mầy tin nó làm gì, nó nói trại phim Đường Sơn Đại Huynh đó.”

“Sao nói trại ra như thế?”

Cô rủ rê ban đầu nói:

“Tao đâu biết, nghe người ta nói thế thì nói theo cho vui.”

Lý Tiểu Long đang là thời thượng thu hút khán giả khắp thế giới với các chiêu võ xuất thế nhập thần cộng với cách đóng vừa giễu vừa thật. Đi ngang qua nghe các cô bàn tán chuyện ngủ ngoài sân, một bạn nam nói:

“Các chị muốn biết tại sao không?”

“Bộ anh biết?”

Anh chàng cười lém lỉnh:

“Chuyện gì mà tôi không biết.”

“Thế thì giải thích đi.”

Chàng sinh viên trẻ mỉm cười đắc chí vì đã thu hút được sự chú ý của số người đẹp trọ chung nhà:

“Bạn tôi kể chuyện thế này….”

Một viên đại úy mèo mỡ sao đó đến khuya mới về nhà. Bà vợ ghen ngồi chờ sẵn. Vừa bước vào nhà, viên sĩ quan liền bị vợ tra hỏi:

“Ông đi theo con nào đến giờ mới về?”

Viên sĩ quan lúng túng trả lời:

“Theo con nào đâu, tôi vừa đi coi phim Đường Sơn Đại Huynh với mấy ông bạn.”

“Thật không đó? Coi xuất mấy giờ?”

Không tìm hiểu trước, viên sĩ quan chẳng biết phim chiếu xuất nào giờ nào nên trả lời bừa. Bà vợ gắt lên:

“Hết còn nói dối nghe. Pồ-gam đây này, làm gì có xuất chiếu vào giờ ông nói.”

Viên sĩ quan cố làm hòa nhưng bà vợ đẩy ông ta ra khỏi cửa rồi khóa trái cửa lại. Người hùng đành chịu trận ngủ dưới mái che trước nhà vì chẳng lẽ giờ đó còn đi gõ cửa nhà bạn xin ngủ nhờ. Không biết cách nào, chuyện ông ta bị vợ phạt ngủ ngoài sân lọt đến tai đám sĩ quan cùng đơn vị. Từ đó, ông sĩ quan bị bạn bè trêu gọi là Đại úy Đường Sơn Ngủ Ngoài Sân. Mấy cô gái phá lên cười:

“Cho đáng đời!”

Đám con gái thỏa thuận đi coi xuất tối. Chiều hôm đó, sau giờ học, Nhi bận vài công chuyện nên về nhà hơi muộn. Vừa bước vào nhà, Nhi nghe bạn giục:

“Mi sửa soạn rồi xuống ăn cơm. Tụi tao ăn rồi, để phần mi. Ăn xong đi liền kẻo tối.”

Nhi thay đồ, xuống phòng ăn. Ngồi sẵn đó như chừng đang chờ cô, bà chủ nhà bảo:

“Cô Nhi có thư.”

Nhìn tên người gửi trên bì, Nhi bỏ cơm vụt chạy lên phòng. Ngạc nhiên, đám bạn gái đi theo, hỏi:

“Gì vậy mi? Thư ai mà mi vụt chạy vậy? Bộ có chuyện gì khẩn cấp sao?”

Nhi cười e ấp:

“Không có gì. Thư chồng tao, lính chiến.”

Một cô chen vào:

“Con ni có chồng hồi nào mà sao không mời tụi tao gì hết?”

Một cô nói:

“Hắn chưa cưới chồng, còn đợi ra trường.”

Quay qua Nhi, cô vừa nói hỏi:

“Mi nhận thư anh ấy, sao lại bỏ chạy?”

“Tao đang trông thư lòng như lửa đốt, không chạy sao được?”

“Sao mà lửa đốt?”

“Ảnh mới ra trường Thủ Đức, trình diện tiền đồn, không biết có nguy hiểm gì không.”

Một cô hỏi:

“Mi kiếm anh chàng Thủ Đức đó ở đâu ra vậy, chỉ chỗ cho tao kiếm với?”

Nhi mỉm cười lúng túng:

“Ảnh nguyên là thầy dạy Toán của tao thời Trung học, nhà ảnh và nhà tao ở gần nhau.”

“Ủa, ảnh là thầy dạy sao phải đi lính?”

“Ảnh chỉ có Cử nhân Toán, không học Đại học Sư phạm.”

Cô bạn cười:

“Con ni hư nghe, học trò mà dám lấy thầy!”

Một cô khác cười hì hì:

“Con Nhi bậy quá, tam cương ngũ thường bỏ tuốt tuồn tuột.”

“Cái chi mà mi nói hắn bỏ tuốt tuột?”

“Không phải sao? Quân, Sư, Phụ. Sư còn đứng trên Phụ. Con Nhi có bồ là Sư mà Sư còn trên Phụ nên hóa ra là quá loạn rồi.”

Đám con gái phá lên cười. Một cô bảo Nhi:

“Con Nhi ni, chồng mi và mi thân thiết nhau như rứa thì mi sợ chi mất mà lo.”

Một cô xen vào:

“Đâu phải nó sợ mất như mi nghĩ mà là sợ ảnh bị chết trận đó. Đúng không mi, Nhi?”

Nhi nói thêm:

“Trời cho tụi bay vớ được anh chàng lính chiến như tao mới biết thế nào là lo lắng sợ hãi.”

Một cô ngâm nga:

“Chàng từ đi vào nơi gió cát, Thiếp ở nhà nghỉ mát với người ta.”

Nhi gắt:

“Nói bậy. Sửa Chinh phụ ngâm là một bậy. Tao chung thủy một lòng, chẳng đi nghỉ mát với ai cả, là hai bậy.”

“Đùa thôi. Mày đọc thư đi xem chinh phu của mày có bị hồn tử sĩ gió ù ù thổi không. Tụi tao chờ.”

Không đợi bảo thêm, Nhi xé vội phong bì. Phong bì nhàu nát đóng dấu bưu điện nhạt nhòa, chứng tỏ đã qua nhiều bưu trạm trước khi đến tay Nhi. Thư viết trên giấy học trò, nét chữ không ngoằn ngoèo khập khểnh như các miếng thư viết trên giấy carô sổ tay thời còn trong quân trường nhưng cũng không được nắn nót ngay hàng thẳng lối như khi viết trên bàn trên ghế phẳng phiu bình thường. Đám bạn ngồi im lặng. Nhi vừa đọc vừa lau khóe mắt. Tò mò, một cô hỏi:

“Gì thế Nhi? Chuyện gì xẩy ra?”

Nhi ngập ngừng nói:

“Anh Hưng tao ngày đầu mới trình diện đã đụng trận liền với Việt Cộng.”

Đám bạn xanh mặt, dồn dập hỏi Nhi:

“Ảnh có sao không?”

Nhi rớm nước mắt, trả lời:

“Cũng may, không sao lại còn được thưởng bội tinh bội tiếc gì đó?”

“Bội tinh là cái gì? Được thưởng sao mày khóc?”

“Tao khóc không phải vì ảnh được thưởng mà vì lo quá.”

“Lo chuyện gì?”

“Lo chuyện ảnh đánh nhau.”

“Lính nào mà chẳng đánh nhau?”

Một cô nói:

“Có chơ mày, lính ma, lính kiểng, lính văn phòng.”

Một cười lớn:

“Con Nhi ni là người yêu của lính, mà lính thì một xanh cỏ, hai đỏ ngực. Hắn đang sợ cảnh ngày mai….”

Ai đó cướp lời, ngân nga hát:

“Ngày mai đi nhận xác chồng, Say đi để thấy mình không là mình.”
song  
#2 Đã gửi : 23/11/2016 lúc 07:27:56(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Nhi bật khóc. Bài thơ Thương ca 1 của thi sĩ L. T. Y mà Phạm Duy vừa dùng nguyên văn vừa thay đổi nhiều chỗ để phổ thành ca khúc Tưởng Như Còn Người Yêu đã làm vỡ bờ nỗi lo lắng sợ hãi đang tràn ngập trong lòng cô. Là người yêu của lính tiền đồn mới ngày đầu tiên đã đụng trận, Nhi không kềm được nước mắt khi nghĩ đến một ngày nào đó, biết đâu là ngày mai ngày kia, cô rồi cũng sẽ nhận được tin dữ và trở thành người thiếu phụ đi nhận xác chồng như trong bài ca. Thấy Nhi bật khóc, bạn bè trong phòng nhìn nhau không biết phải làm gì để Nhi khuây khỏa. Một cô lanh trí chuyển hướng:

“Ê, tụi mi. Bài ca của Phạm Duy hay thật, nhưng tụi mi nghĩ thế nào về bài thơ?”

Một cô bĩu môi:

“Chà, mấy cô giáo bắt học trò làm nghị luận văn chương chắc?”

Cô khác nói:

“Tao nghĩ nếu Phạm Duy không phổ nhạc, có lẽ bài thơ cũng chẳng còn được ai nhắc đến.”

“Tao cũng nghĩ vậy. Bài thơ hay về tứ nhưng hỏng nhiều chỗ về từ.”

Cô mở lời đầu tiên nói:

“Tao thì nhận ra hỏng cả tứ cả từ. Ngay trong đoạn đầu, Say đi để thấy mình không là mình, Say đi cho rõ người tình, và kết đoạn đó bằng Say đi mà tưởng như còn người yêu, tứ thơ không vững. Đàn ông mượn rượu giải sầu là chuyện thường tình trong xã hội Việt Nam chúng mình nhưng đàn bà có mấy người? Mà tại sao nhậu say mới nhận ra được chính mình và rõ được người tình?”

“Nhưng Phạm Duy vẫn phổ nguyên văn câu thứ hai và câu cuối đoạn như mi nói đó thôi.”

“Tao cho hoặc Phạm Duy tôn trọng nguyên văn hoặc đã không chú ý tới vì bị hơi thơ cuốn đi.”

“Bị cuốn đi là thế nào?”

“Là khi đọc, người đọc bị hơi thơ đồng hóa tình tiết, cứ tưởng bài thơ đang nói về một người đàn ông thay vì nói về một người đàn bà.”

“Tao không hiểu.”

“Bỏ câu đầu và sáu câu cuối đi, bài thơ nói về rượu và về người yêu chẳng khác đang nói đến tâm tình một người đàn ông uống rượu cho say để qua cơn buồn mất mát người tình.”

“Nhưng có câu Như môi thiếu phụ nhạt mờ dấu son đó thôi? Chẳng đàn bà thì là gì?”

“Câu đó ở thể so sánh, hai từ thiếu phụ không nói đến nhân vật chính.”

“Mi có lý, nhưng bài thơ có nhiều câu hay, phải không?”

Cô gái đóng vai chính trong cuộc trò chuyện nói:

“Có sáu câu liền nhau khá đắt như sau:

Chao ơi thèm nụ hôn quen,

Đêm đêm hẹn sẽ chong đèn chờ nhau,

Chiếc quan tài phủ cờ màu,

Hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng,

Em không thấy được xác chàng,

Ai thêm lon giữa hai hàng nến trong?”



“Mi nói về tứ hay từ?”

“Về tứ, từ thì không đắt mấy. Cờ màu, đỏ au phũ phàng, ai thêm lon, đó là ba cái hỏng về từ. Màu cờ bị ép thành Cờ màu để giữ vần là một hỏng; ba vạch đỏ của Quốc kỳ vàng ba sọc đỏ thì sao lại phũ phàng là hai hỏng; người chồng hi sinh được truy thăng sao lại viết là ai lên lon là ba hỏng.”

“Ba vạch đỏ au phũ phàng, có phải tác giả muốn nói đến lòng người thiếu phụ đau đớn phũ phàng khi nhìn thấy lá Quốc kỳphủ trên quan tài chồng không?”

“Chẳng sai chút nào, nhưng từ diễn không hết tứ. Vì thế, Phạm Duy đã sửa các lỗi đó lại thành:

Chao ôi, thèm nụ hôn quen,

Chong đèn hẹn sẽ đêm đêm đợi chờ,

Bây giờ anh phủ màu cờ,

Em không nhìn được xác chàng,

Anh lên lon giữa hai hàng nến trong.”

“Nhưng Phạm Duy không theo luật lục bát.”

“Quả có vậy, nhưng phổ nhạc không buộc phải theo đúng luật thơ.”

Một cô lắc đầu nói:

“Hết chưa mấy cô giáo? Nghe tụi mi bình giảng mà ớn.”

“Chưa hết. Câu chót Nghĩa trang mà ngỡ như phòng riêng ai thì tứ thơ thật quái lạ. Cách nào có thể ví nghĩa trang với phòng riêng được?”

Một cô ngẫm nghĩ rồi nói:

“Tao cho rằng tác giả muốn diễn cái ý từ nay người chồng chọn nghĩa trang làm phòng riêng, không còn ở trong phòng riêng của hai vợ chồng nữa.”

“Thế là lại thêm một lần từ không diễn được tứ. Phạm Duy sửa lại, Ôm mồ cứ tưởng ôm vòng người yêu, tao cho là ngọt vừa tứ vừa từ, vừa nói lên nỗi đau đớn của người vợ, vừa gợi được hình ảnh người thiếu phụ ôm mồ khóc chồng.”

“Mi làm tao nhớ lại chuyện Trang Chu giúp bà vợ nào đó quạt mồ chồng cho mau khô để tái giá.”

Một cô cười lớn:

“Con ni hư. Người ta nói chuyện ôm mồ khóc chồng của người vợ chung thủy thì mi lại giạt sang chuyện mụ vợ lăng loàn quạt cho mồ chồng mau khô để đi lấy chồng khác.”

Cô vừa nói cười hì hì:

“Chung thủy với không chung thủy, ai biết đâu đó thời buổi này.”

Lời bàn qua luận lại chào xáo của bạn bè quả thực đã giúp Nhi giảm bớt nỗi sầu muộn lo lắng trong lòng. Cô bạn thân nhất của Nhi choàng tay qua vai Nhi, nói:

“Anh Hưng mi bình yên, mi đặt cày trước trâu lo lắng làm gì? Có lo là mi lo thi cho đậu làm cô giáo để sớm tính đến chuyện hai người, có hơn không?”

Một cô tiếp lời:

“Nó nói đúng đó, lo làm chi cho mệt. Con trai rồi đứa nào cũng thành lính, con gái rồi đứa nào cũng thành người yêu của lính, đố đứa nào chạy đâu cho thoát.”

Một cô cười lớn, chống tay lên hông, nói:

“Có tao, tao thoát. Tao đây thề chẳng bao giờ có bồ nhà binh.”

Cô khác cười:

“Thiệt không đó, mi thử đưa lưỡi liếm mũi, liếm được tao mới tin lời mi. Thời buổi này, không bồ nhà binh thì mi bồ với thằng đui què sứt mẻ nào?”

“Có chớ mi, có mấy đứa Đại học Sư phạm và Quốc gia Hành chánh.”

“Ôi ôi, mấy thằng đó đếm trên đầu ngón tay. Đã vậy, tình yêu đâu cho phép tính toán.”

Một cô reo lên:

“Chân lý, chân lý! Yêu mà tính toán thì thành buôn bán xác thân. Tao thì thích để con tim tao chỉ đường cho tao vào tình yêu hơn.”

Một cô ngân nga:

“Đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần sầu.”

Một cô trầm tư:

“Tao chẳng hiểu đàn ông sao lại thích đánh nhau. Phải chi thế giới chỉ có hòa bình, chẳng có chiến tranh.”

Một cô chen vào:

“Thế mi không học sử sao? Thế giới từ tạo thiên lập địa đến giờ không bao giờ không có chiến tranh, chẳng nơi này cũng nơi khác.”

“Nhưng, chiến tranh rồi cũng phải có lúc chấm dứt, chẳng lẽ đánh nhau hoài?”

Một cô nghêu ngao:

“Khi đất nước tôi không còn chiến tranh, Mẹ già lên núi tìm xương con mình.”

Một cô ra vẻ thành thạo:

“Chấm dứt cách nào chứ bằng cách cho Việt Cộng thắng thì còn quá cha, thà chiến tranh còn hơn.”

“Tại sao lại quá cha? Hết chiến tranh thì phải có hòa bình, không đúng sao?”

“Mục tiêu của cộng sản là cướp chính quyền, chưa cướp được chính quyền thì không bao giờ ngưng chiến tranh.”

“Nhưng cướp được rồi thì hết chiến tranh, sao mi nói còn quá cha chiến tranh?”

Cô ra vẻ thành thạo trả lời:

“Dù đã cướp được chính quyền, cộng sản cũng không hết chiến tranh.”

“Tại sao?”

“Tại cốt lõi của chủ thuyết cộng sản là đấu tranh, đấu tranh giai cấp, đấu tranh chủ thuyết, đấu tranh xây dựng xã hội, đấu tranh để đấu tranh!”

“Cứ cho là thế, nhưng rồi cũng có lúc chẳng còn cái gì để đấu tranh nữa, lúc đó phải có hòa bình đích thực như mi định nghĩa.”

Cô khởi đầu tranh luận lắc đầu:

“Hết còn cái gì để đấu thì chỉ còn cái tan hoang, không phải là hòa bình.”

“Tao không hiểu.”

“Cộng sản không lúc nào không còn đấu tranh vì cốt lõi của chủ thuyết cộng sản là đấu tranh, nhất là đấu tranh giai cấp, hết đấu tranh thì hết cộng sản.”

“Mày nói lạ. Cộng sản chủ trương thế giới đại đồng thì còn đâu giai cấp để đấu tranh?”

“Giai cấp nằm ngay trong câu Đảng ta là đảng cầm quyền. Có cầm quyền thì phải có thuộc quyền, nghĩa là có giai cấp thống trị và giai cấp bị trị, hiểu theo nghĩa nặng nghĩa nhẹ đều là thế. Nghĩa là, chẳng bao giờ có cái gọi là thế giới đại đồng, cái gọi là xã hội không còn giai cấp.”

“À, tao hiểu ra một chút. Đảng không còn cầm quyền thì cộng sản không còn, mà muốn còn cầm quyền thì phải gây chiến tranh, không với nước ngoài thì với nội bộ.”

Một cô gật gù:

“Lý luận hay, từ trong cốt lõi, chủ thuyết cộng sản đã là một cuộc chiến tranh.”

“Đúng thế, một cuộc chiến mà phần thắng không bao giờ thuộc về giai cấp bị trị.”

“Tại sao?”

“Rõ như ban ngày. Giai cấp thống trị có súng đạn có quyền thế trong tay, giai cấp bị trị có cái gì?”

Một cô chen vào:

“Tao đồng ý trăm phần trăm. Không còn chiến tranh, cộng sản cũng không đem lại hạnh phúc thực sự cho dân cho nước. Gương Liên Xô, Trung Quốc, Cuba, Bắc Hàn, Đông Đức sờ sờ ra đó, không chiến tranh nhưng chẳng có nước nào dân được hưởng tự do và hạnh phúc thực sự. Mấy nước đó ngon cứ bỏ hết bức màn tre bức màn sắt, mở cửa toang hoang xem người phe tư bản chạy qua phe cộng sản hay ngược lại.”

Cả bọn ồ lên:

“Không đứa nào chạy qua phe cộng sản đâu. Gương Đông Đức Tây Đức sờ sờ ra đó.”

Nhi im lặng suy nghĩ chẳng hiểu tại sao đất nước Việt Nam của cô không bao giờ được hưởng thanh bình lâu dài. Không ai không biết câu Nhất tướng công thành, vạn cốt khô, nhưng tướng nào cũng lấy chiến tranh để tranh hơn thua, tranh quyền lực. Cô lại càng không hiểu tại sao chủ thuyết Cộng sản quyến rũ được nhiều nước nhiều người trên thế giới, kể cả những người trí thức. Đột nhiên thấy Nhi im lặng, một cô lên tiếng:

“Nhi làm sao thế, sao mi ngồi thừ ra thế?”

“Tụi mi bàn luận làm tao nhớ lại lần anh Hưng và tao cũng bàn luận về chủ thuyết cộng sản.”

“Tụi mi bàn chuyện gì?”

“Chuyện tại sao nhiều người tin theo chủ thuyết cộng sản.”

“Thế anh Hưng nghĩ sao?”

“Anh Hưng tao cho là tại người ta tin xã hội cộng sản sẽ đi đến chỗ là một xã hội tốt đẹp không còn giai cấp, không còn người bóc lột người, trong đó mọi người làm theo phân bố, hưởng theo nhu cầu.”

Hưng cho rằng xã hội nói trên là niềm mơ ước của bất cứ người nào, nhưng mà là xã hội lý tưởng không thể có trên thực tế. Vũ trụ trong bản chất đã có sự tranh đoạt thay đổi không ngừng, âm dương tương khắc sinh tứ tượng, tứ tuợng sinh bát quái. Hưng nói:

“Đã tranh đoạt thay đổi không ngừng như thế thì em nghĩ làm sao dừng lại ở chỗ không còn giai cấp nữa, nghĩa là không còn tiến hóa nữa?”

Nhi tán đồng:

“Em nghĩ anh nói đúng. Cộng sản đã tự mâu thuẫn khi dừng lại ở xã hội đó, trong khi tiến hóa là một trong các mấu chốt hình thành tư duy cộng sản của Marx.”

Nhi ngẫm nghĩ rồi nói tiếp:

“Nhưng anh nghĩ coi, còn gì sung sướng cho con người hơn khi được làm việc theo đúng khả năng chuyên môn và hưởng mọi quyền lợi vật chất theo mong muốn?”

Hưng nói:

“Em đúng, và ai cũng mơ ước như thế. Nhưng để đạt được niềm sung sướng đó, guồng máy xã hội phải điều chỉnh cho phù hợp: Giáo dục đào tạo đúng chuyên môn xã hội đang cần đến không hơn không kém, cơ xưởng sản xuất đúng sản phẩm cần được sản xuất không sai không chạy, số lượng sản xuất lúc nào cũng vừa đủ để đáp ứng nhu cầu không thừa không thiếu. Quá lýtưởng, phải không em? Làm sao có được điều kiện cân bằng số không đó?”

Nhi đưa tay nắm tay Hưng, trìu mến nói:

“Đúng, anh nói đúng.”

Hưng nhấn mạnh:

“Nhưng thực tế, chẳng cơ chế kinh tế nào giữ vững được tình trạng quân bình đó, chế độ cộng sản lại càng không.”

“Tại sao không?”

“Tại cung tùy thuộc cầu, mà cầu không bao giờ là một hằng số bất biến.”

“Anh nói rõ hơn, được không?”

“Ngay cả nhu cầu ở đẳng cấp thấp nhất của tam giác nhu cầu là cái ăn cái uống cũng thay đổi không ngừng. Đang cơn đói khát, con người chỉ mong cơm đầy bụng, áo che thân, nhưng khi no đủ lại mong ăn ngon mặc đẹp. Thế nhưng, ngon và đẹp chẳng ai định nghĩa được rõ ràng và dứt khoát ở mức độ nào là mức chấm dứt.”

“Nghĩa là thế giới không thể dừng lại mà vẫn phải tiến hóa không ngừng.”

“Đúng vậy, em.”

“Anh làm em nhớ lại chuyện Trạng Trình cho vua ăn mầm đá.”

Hưng gật đầu:

“Chuyện tiếu lâm đó đúng là để chứng minh tính không bền vững của nhu cầu con người.”

Nhi ngẫm nghĩ rồi nói tiếp:

“Anh Hưng nè, em cho rằng mô hình xã hội cộng sản nói trên chẳng qua chỉ phỏng theo mô hình xã hội loài ong, loài kiến.”

“Nghĩa là gì?”

“Xã hội ong, kiến bao gồm một lũ ong thợ, kiến thợ suốt đời cung cúc lao động để nuôi sống một ong chúa, một kiến chúa, và một bầy ong đực, kiến đực được ưu đãi để lưu truyền dòng giống.”

Hưng gật đầu:

“So sánh tuyệt vời. Xã hội phân bố của cộng sản đúng là vậy, bao gồm hầu hết người dân cung cúc tận tụy làm việc để nuôi sống nhóm đứng đầu Đảng và Nhà Nước. Em dẫn chứng giỏi quá.”

Nhi bẽn lẽn:

“Em là học trò của anh mà. Từ đó em còn nghiệm thấy chế độ chính trị không sinh ra con người mà con người sinh ra chế độ. Một ông vua quân chủ biết lo cho dân còn gấp vạn lần một ông tổng thống ông chủ tịch chỉ biết lo kiếm tiền cho đầy hầu bao, chẳng biết lấy dân làm đầu.”

Bạn bè Nhi trong phòng ồ lên:

“Hai vợ chồng con Nhi bàn luận nghe cứ như giáo sư triết đang giảng bài.”

Một cô lên tiếng:

“Nhưng vợ chồng hắn bàn đúng, phải không tụi bay.”

Một cô xua tay:

“Thôi thôi tụi mi ơi, cả đám tụi mình có đứa nào học chính trị đâu mà sao hôm nay bàn hăng thế?”

Cô gái thắc mắc chuyện bội tinh là gì lúc ban đầu lên tiếng:

“Dẹp chuyện chính chị chính em đi. Con Nhi hay đứa nào có cho tao biết bội tinh là cái khỉ mốc gì không?”

Một người trả lời thay Nhi:

“Bội tinh là cái mề đay. Học sư phạm Quốc văn mà dốt như mi, ra trường học trò hỏi làm sao mà trả lời?”

Cô bạn vừa hỏi nguýt người trả lời:

“Con ni à nha. Tao ngu là ngu mấy cái chuyện nhà binh nhà bơ, đâu có ngu văn chương chữ nghĩa.”

Cô khác hỏi:

“Mề đay là như người ta nổi mề đay đầy mình, phải không tụi bay?”

Cô đưa vấn đề ra đầu tiên cười:

“Rõ ràng chưa, đâu phải mình tao không biết.”

Cô trả lời thay Nhi nói lại:

“Mề đay cái mồ cha mi, tiếng Pháp médaille nghĩa là huy chương đó.”

“Huy chương thì nói là huy chương, còn mề với đay.”

Cô khác vội chặn ngang không cho hai người cãi nhau tiếp nữa:

“Cái lũ bay, con Nhi nó đang lo mà hết bình luận lại cãi nhau om sòm. Bộ tui mi hết chuyện nói rồi hay sao?”

Một cô nói:

“Hết chuyện thì tan hàng, để con Nhi viết thư trả lời cho bồ nó.”

Mấy người nhao nhao:

“Thế không đi ciné?”

Một cô nhìn đồng hồ tay:

“Đi mốc gì nữa, tối quá rồi. Để con Nhi viết thư rồi mai đi cũng được.”

Một cô cười, nói:

“Thư với từ, chưa cưới thì mơ mộng, cưới rồi mới biết.”

“Biết cái gì, mi đã cưới ai đâu mà biết?”

“Mấy bà chị tao nói.”

“Nói sao?”

“Nói có chồng mệt lắm, tối tối phải dỗ con ngủ, rồi còn phải dỗ chồng ngủ.”

“Chồng mà dỗ ngủ?”

“Là dỗ cái chuyện đó đó. Hắn mà đòi thì trằn trọc ngủ không được, véo cấu cho đến khi nào xong chuyện mới lăn ra ngáy khò khò.”

Mấy cô gái đập vai nhau, cười hì hì:

“Chà, con này coi bộ rành dữ? Bộ mi dỗ thằng nào rồi sao?”

Cả đám ôm vai nhau, vừa cười vừa kéo nhau ra khỏi phòng:

“Đi ra, đi ra, để con Nhi nó viết thư không nó chửi cho bây giờ.”



***



Căn phòng trở lại im lặng. Nhi ngồi xuống đọc lại thư Hưng, đọc đi đọc lại bấy nhiêu chữ bấy nhiêu câu đến gần như thuộc lòng. Nhi bỗng cảm thấy như Hưng đang ngồi đó, đang âu yếm trò chuyện với cô. Tờ giấy màu hồng phấn gấp đôi trải trên bàn học như lòng cô đang trải rộng ra với người tình:

Huế, ngày tháng năm.

Anh thân yêu của em,

Một nhạc sĩ nào đó đã viết “Tình yêu như trái phá, Con tim mù lòa.” Tình yêu như trái phá thì em không biết, vì nếu là trái phá thì tình yêu đã nổ tung chẳng còn gì để lại. Con tim mù lòa thì trái lại em hiểu rất rõ vì con tim em hiện đúng là đang mù lòa. Tim em mù lòa nên tâm trí em cũng mù lòa, em chẳng còn suy nghĩ được điều gì mạch lạc ngoại trừ đang đập rộn ràng vì yêu anh, nhớ anh, và lo lắng cho anh. Em ước gì giờ đây anh đang ở đây, bên em, để em dâng trọn những gì em đang có cho anh, chẳng chút đắn đo, chẳng chút ngại ngùng, chẳng chút vương vấn, chẳng chút lo toan. Mà dẫu con tim em không mù lòa, em cũng làm cho nó mù lòa để yêu anh, yêu không biết chừng mực nào là tận cùng.

Nếu anh biết được em đã khóc đã buồn đến chừng nào khi anh và em đến nay vẫn còn phải xa nhau. Tại sao trời lúc nào cũng cay cú với các kẻ yêu nhau, bắt phải xa nhau vậy anh nhỉ? Bộ trời chẳng biết yêu, hoặc không có ai để yêu nên ghen với người yêu nhau chăng? Em bây giờ như người mất hồn, nhẩm đi nhẩm lại không biết chán câu ca dao em mà anh đã biết:

Chim xa rừng thương cây nhớ cội,

Người xa người tội lắm người ơi,

Thà rằng không biết thì thôi,

Biết nhau mỗi đứa mỗi nơi cũng buồn.

Chẳng hiểu tại sao ông nhà thơ này viết “cũng buồn” anh nhỉ? Phải viết “rất buồn,” “hết sức buồn,” “buồn vô cùng vô tận” mới đúng, phải không anh? Nghĩa là em muốn cho anh hiểu em đau đớn buồn bã đến chừng nào khi phải xa anh. Bao giờ trời mới cho hai đứa mình sum họp đây anh? Bom đạn cứ làm em canh cánh bên lòng nỗi sợ hãi có ngày nào đó anh và em phải chia lìa nhau mãi mãi. Trở thành Người Yêu Của Lính, em mang nỗi đau đớn đợi chờ của vợ lính chờ chồng, luôn cầu trời đừng bắt em phải trở thành người thiếu phụ trong bài Tưởng Như Còn Người Yêu.

Em một lòng chờ đợi anh, mãi mãi thuộc về anh trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù bất cứ điều gì xẩy ra. Anh yên tâm giữ gìn sức khỏe để vượt qua những khó khăn vất vả đang phải chịu đựng. Sao người ta không để cho thế giới an bình, để những kẻ yêu nhau như anh em mình không bị chia lìa phân cách vậy anh? Em hỏi cho vui vậy thôi vì biết anh chẳng có câu trả lời, và hình như cũng chẳng ai có được câu trả lời.

Em hứa thêm một điều nữa là sẽ viết thư cho anh mỗi ngày, dĩ nhiên không gửi đi mỗi ngày nhưng sẽ gửi tất cả một tuần một lần để anh có thể đọc mỗi ngày một thư em gửi cho anh. Anh không cần phải viết lại cho em như thế đâu, vì em biết anh không có nhiều thì giờ. Một tuần, anh viết cho em một mẩu giấy nhỏ cũng đủ rồi, viết mấy chữ “Anh yêu em” rồi gửi đi, để em được đọc mấy lời đó do chính tay anh viết ra, cho dẫu em biết không nói ra thì anh cũng đã yêu em, vẫn yêu em, và sẽ mãi mãi yêu em.

Em hôn anh, người yêu và là chồng em.

15 tháng 10, 2016
Trần Hữu Thuần
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.842 giây.