Đòn thù cho dã ngoại nhân quyền Các bạn trẻ phân phát tài liệu về quyền con người cho mọi người tham dự buổi dã ngoại hôm 05/5/2013 tại Sài Gòn. Photo courtesy of huynhngocchenhblog Tình trạng bị bắt bớ và đàn áp đã xảy ra với những người tham gia buổi dã ngoại nhân quyền ở Sài gòn. Những nạn nhân này đã trải qua nhiều khốn khó, cụ thể các sự việc này gồm có những gì ?
Xịt nước, bắt bớ Trong số những người bị công an Việt Nam bắt giữ tại công viên 30 tháng Tư vào ngày 5 tháng này, có blogger Hoàng Vi. Chúng tôi tiếp xúc qua điện thoại và được chị ấy cho biết như sau:
“Hôm qua, như thông báo thì đúng 8 giờ 30’ tôi bắt đầu cuộc dã ngoại chia sẻ về nhân quyền. Gặp rất nhiều bạn bè trong công viên, họ đã cùng tham gia với chúng tôi.
Tình hình sáng ngày 5 tháng Năm trong công viên, là họ cưa cây và xịt nước. Khi nhóm người chúng tôi đi đến đâu thì họ xịt nước đến đó, để nhằm gây khó khăn cản trở việc trao đổi chia sẻ nhân quyền.
Tới khoảng 9 giờ 30’, họ bắt Quốc Anh trước, sau đó là đến lượt tôi bị bắt lên xe. Họ đưa tôi về công an phường Phú Thạnh quận Tân Phú.
Tại công an phường, họ tự động lục lọi đồ đạc của tôi và khám xét người tôi. Khám xét giống y chang như lần trước, hồi phiên tòa phúc thẩm Điếu Cày, chỉ khác là không có quay camera
Sau đó họ bắt tôi viết tường trình. Tôi mới trả lời họ rằng, tôi sẽ viết tường trình nếu anh cho biết lý do gì mà đem bắt tôi về công an phường. Họ hỏi rằng, sáng nay tôi đã làm gì ở công viên.
h bắt bớ, đàn áp. Photo courtesy of huynhngocchenhblog Tôi trả lời, sáng nay tôi đi dã ngoại chia sẻ về vấn đề nhân quyền; đồng thời đã phát cho mọi người Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền để mọi người hiểu hơn về quyền của mình.
Khi tôi mới nói như vậy, họ đã trả lời: đây chính là lý do bắt đem tôi về công an phường. Tôi đã quay ngược lại hỏi, có phải chính việc tôi đi dã ngoại để chia sẻ về vấn đề nhân quyền, phát Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền là nguyên nhân tôi bị bắt và bị khám xét đồ lẫn người một cách tự tiện hay sao?
Khi tôi hỏi như vậy thì họ bắt đầu im lặng, họ nói rằng là không cần lý lẽ gì nữa hết.”
Một khi lý lẽ không được dùng trong đối thoại thì hành vi bạo quyền sẽ được đem ra cư xử. Sự việc bị công an có những đối xử thô bạo không chỉ xảy ra với blogger Hoàng Vi mà cả mẹ của chị ấy cũng là nạn nhân:
“Mẹ tôi và cả nhà tôi lên công an phường đòi lại cho bằng được tài sản của tôi. Nhưng khi hỏi thì họ bảo rằng không giữ tài sản gì của tôi cả.
Khi họ chối như vậy thì chúng tôi một mực ở lại đòi cho bằng được, vì tôi rất nhiều lần đã bị mất tài sản vào tay của họ.
Khi tôi và mẹ tôi quyết tâm như vậy; họ đã nhào vào lôi, nắm cổ nắm đầu mẹ của tôi để kéo đi.
Mặc kệ mẹ của tôi là người già và đang có bệnh trong người, làm cho mẹ tôi trở nên khó thở và cảm thấy khó chịu về mặt sức khỏe.
Tôi cũng bị họ nhào vào đánh đập. Họ làm một hồi thì mẹ tôi khó thở nên phải nằm xuống.
Mấy chị em tôi không sẵn tiền mua nước cho mẹ uống để qua cơn. Trong công an phường cũng có nước nhưng họ đã giả lơ, họ không cho mẹ tôi một miếng nước, để cứu tính mạng của mẹ tôi lúc đó.
Cho đến khi chúng tôi phải lên tiếng, họ mới bắt đầu đi kiếm ly rót nước cho mẹ tôi uống.”
Hành hung, đánh đập Blogger Hoàng Vi cũng cho chúng tôi biết thông tin về những trường hợp bị bắt khác, như sau:
“Theo như thông tin tôi biết thì có blogger Hành Nhân (tức Vũ Sỹ Hoàng) bị bắt và một trường hợp bị bắt khác là bạn nữ tên Ánh Hiền, một sinh viên của trường Đại học Luật.
Bạn Quốc Anh bị họ đánh đập cho đến lúc đưa về đồn công an phường Cầu Kho quận I thì hình như là bạn ấy bị xỉu luôn. Tức là nó đánh ngay lúc bị bắt, nó đánh người ta tới mức họ bị ngất đi.”
Blogger Vũ Quốc Anh (August Anh) sinh năm 1985, hiện đang làm việc ở Sài Gòn. Để xác minh sự việc, chúng tôi có liên hệ với blogger Vũ Quốc Anh và được cho biết như sau:
“Tôi đến công viên để chia sẻ với mọi người về vấn đề nhân quyền. Nhân viên ở công viên đã xịt nước vào những người đi trao đổi về nhân quyền, họ phá không cho chia sẻ.
Lúc đó có một cô gái bị ướt và tôi đã lên tiếng, các anh không được xịt nước vào người, các anh hãy xịt nước vào cỏ vào đất. Tại sao các anh lại xịt nước vào người khác ?
Lúc ấy, có 5 – 6 người nhào vô người tôi, bắt đầu đánh đập tôi để đưa lên xe. Tôi đã chống cự lại, không chấp nhận lên xe.
Lại có thêm vài người nữa áp lại để bắt tôi. Lúc đó họ đánh vào đầu, vào mặt, vào cổ của tôi. Cuối cùng thì họ bắt tôi vào xe, đưa về công an phường Cầu Kho quận I.”
Sự việc không chỉ dừng lại ở đây, blogger Vũ Quốc Anh còn tiếp tục chịu đựng những tổn thương khác:
“Nhiều người xúm vô đánh tôi, tôi không biết là ai cả vì lúc đó tôi không còn biết gì nữa rồi. Lúc mà đưa về đồn, tôi không còn sức để đi được nữa. Khi ấy họ lôi tôi, kéo tôi và khiêng tôi vào.
Một lúc sau tôi mới tỉnh lại được và họ bắt đầu ghi biên bản.
Trong quá trình ghi biên bản thì họ tiếp tục nạt nộ, chửi bới, chửi tục. Họ có những hành động không phải là để con người đối với nhau.
Bởi vì không chịu hợp tác với họ để lập biên bản; họ lại đánh tôi, tát vào mặt của tôi. Rồi không cho tôi ăn. Mua cơm về để đó; họ nói rằng, chừng nào mày khai để ghi biên bản xong thì mới được ăn.
Tôi cũng không chịu hợp tác, họ tiếp tục đánh, họ tát. Có khi họ dùng cây viết ghi biên bản để quất vào đầu, vào mặt, vào vai và quất vào đùi nữa.
Bên cạnh đó, họ liên tục chửi bới, mắng nhiếc tôi. Kêu tôi là đồ hèn, dám ra đó mà không dám nhận. Rồi thậm chí, họ còn chửi tục rằng “nhân cái l…”.
Tôi chỉ nói rút lại thôi, chứ thực ra họ nói còn trắng trợn hơn nữa. Tôi nói về nhân quyền thì họ nói là như vậy.”
Nhân quyền tại Việt Nam? Sau những sự việc được tường thuật, chúng tôi vẫn thắc mắc đâu là lý do khiến các hoạt động nhân quyền ôn hòa như của blogger Hoàng Vi và Vũ Quốc Anh phải hứng chịu những ngược đãi khốc liệt từ phía nhà cầm quyền. Blogger Vũ Quốc Anh đã cho biết như sau:
“Tôi có hỏi họ về lý do vì sao mà họ bắt tôi về đây, họ trả lời là tôi đã gây rối đến trật tự tự do của người khác. Họ cũng cho rằng, bởi vì tôi không xin phép nhà nước trước khi làm điều đó.
Tôi đã trả lời là những điều này là bình thường, không bị pháp luật ngăn cấm, tôi có quyền làm. Nhà nước đã ký kết vào bản Tuyên ngôn Nhân quyền Liên hiệp quốc năm 1977 và cam kết thực hiện, ở đây tôi nghĩ chẳng có gì phải xin phép nữa.
Những sự việc này rất tự nhiên và bình thường giống như tôi ăn, tôi uống. Chẳng lẽ khi tôi ăn, tôi uống, tôi ngủ thì tôi cũng phải đi xin nhà nước? Vậy còn cái gì là quyền cơ bản của con người chứ?
Họ chửi tôi, mày là thằng nhãi thì mày biết cái gì mày nói! Rồi họ lồng lên, vì cùng lý rồi thì họ chỉ biết nạt nộ tôi mà thôi.”
Sau khi trải qua cách hành xử của nhà cầm quyền trước nhu cầu muốn thể hiện quyền con người của các công dân, blogger Hoàng Vi đã chia sẻ những suy nghĩ với thính giả của đài Á châu Tự do như sau:
“Chính khi Việt Nam đang làm cái đơn ứng cử vào chiếc ghế Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, họ lại ngang nhiên chà đạp nhân quyền một cách dã man.
Họ mặc tình đánh đập các công dân chỉ vì những người này chia sẻ Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.
Điều này là đủ bằng chứng để tố cáo sự chà đạp nhân quyền ở Việt Nam và họ không xứng đáng ngồi vào chiếc ghế ủy viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.”
Trong bối cảnh hiện nay, việc những con người đi quảng bá về quyền con người quả là đang gặp nhiều khó khăn.
Trước những sự việc vừa mới xảy ra tại Sài gòn, liệu Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc sẽ có những suy nghĩ gì trong cuộc họp tại Thụy Sỹ, tổng xét về vấn đề thực thi nhân quyền của Việt Nam vào tháng 1 năm 2014 sắp tới.
Source: RFA
VIDEO