Y án với bà Hồ Thị Bích KhươngTòa Phúc thẩm ở tỉnh Nghệ An giữ nguyên mức án với nhà vận động nhân quyền Hồ Thị Bích Khương và Mục sư Nguyễn Trung TônBà Hồ Thị Bích Khương bị bắt ba lần trong bảy nămPhiên xử ngắn diễn ra hôm 30/5 tuyên giữ nguyên mức án 5 năm tù giam, quản chế 3 năm với người phụ nữ quê xã Nam Anh, Nam Đàn, Nghệ An, và 2 năm tù giam, quản chế 2 năm với vị mục sư ở xã Quảng Yên, Quảng Xương, Thanh Hoá.
Thông Tấn xã Việt Nam tường thuật bị cáo Hồ Thị Bích Khương, tại cả phiên sơ thẩm và phúc thẩm, “không khai nhận hành vi phạm tội”.
“Tuy nhiên căn cứ vào lời khai của Nguyễn Trung Tôn và đặc biệt là tài liệu thu giữ tại nhà Hồ Thị Bích Khương cho thấy chính Khương đã viết ra cũng như tàng trữ nhiều bài viết của các đối tượng khác,” tường thuật này viết.
Với Mục sư Nguyễn Trung Tôn, theo Thông Tấn xã Việt Nam, “trong quá trình điều tra khai nhận tương đối thành khẩn, song lại kháng cáo”.
Hai người bị khởi tố tội "Tuyên truyền chống Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" vào ngày 22/1/2011.
Nhiều nhà hoạt động đã và sắp được đưa ra xử ở Việt NamNhiều lần vào tùTổ chức Nhân Quyền Human Rights Watch có trụ sở tại New York đã yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho bà Bích Khương.
Tổ chức này cho hay bà Khương bị kết án tù vì trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài, với nội dung bị chính quyền cho là phê phán chính phủ, và vì đã làm ra, tàng trữ và phát tán các tài liệu bị coi là chống nhà nước trong phiên sơ thẩm hôm 29/12/2011.
Trong thông cáo ngày 29/5, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói: “Đây là lần thứ ba trong vòng bảy năm, bà Hồ Thị Bích Khương bị vào tù vì đã thực thi quyền bày tỏ quan điểm của mình.”
HRW cho hay bà Khương bị bắt giữ lần đầu tiên hồi tháng 5/2005, ở Hà Nội khi tới một văn phòng của chính phủ để nộp đơn khiếu nại về việc chính quyền địa phương tịch thu các cửa hàng của bà và bị xử tù sáu tháng vì gây rối trật tự công cộng” theo điều 245 bộ luật hình sự
Hồi tháng 4/2007, công an bắt giữ bà tại một tiệm Internet ở Nghệ An vì đang đọc thông tin trên các trang mạng nước ngoài.
Một năm sau đó, Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An xử bà hai năm tù về tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước” theo điều 258 hồi tháng 4/2008.
Ông Robertson nói thêm: “Việc áp dụng điều 88 một cách có hệ thống để tùy tiện trừng phạt các blogger và những người phê phán chính phủ cho thấy mức độ coi thường tự do ngôn luận của Việt Nam vẫn không hề suy giảm.”
Tội danh Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN theo Điều 88 trong Bộ luật Hình sự trong một thời gian dài đã được chính quyền sử dụng để xét xử nhiều nhân vật bất đồng chính kiến.
Trong tháng 5/2012, chính quyền Việt Nam đã xử tù bốn thanh niên Công giáo ở Vinh vì tội danh tuyên truyền chống nhà nước.
Ba blogger khác của Câu lạc bộ nhà báo Tự do dự kiến cũng sắp bị đưa ra xử vì tội danh này.
Các tổ chức theo dõi nhân quyền ở nước ngoài thường xuyên chỉ trích chính phủ Việt Nam là vi phạm tự do ngôn luận.
Mới đây, nhân ngày Tự do Báo chí Quốc tế 3/5, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ra tuyên bố kêu gọi các nước, trong đó có Việt Nam, công nhận và tạo điều kiện cho các nhà báo độc lập.
Source: BBC
Phiên phúc thẩm xử bà Hồ thị Bích Khương và mục sư Nguyễn Trung TônTòa án tối cao thành phố Vinh, tỉnh Nghệ an đã diễn ra phiên tòa phúc thẩm xử Bà Hồ thị Bích Khương và Mục sư Nguyễn Trung Tôn.
Y án sơ thẩmVào lúc 10.30 sáng 30 tháng 5 năm 2012, tại Vinh, thành phố Nghệ An, tòa án tối cao đã mở phiên phúc thẩm để xử bà Hồ thị Bích Khương, người từng giúp dân oan và viết nhiều bài báo chống tham nhũng và Mục sư Nguyễn Trung Tôn.
Hiện diện trong phiên tòa là bà Nguyễn thị Lành, vợ Mục sư Nguyễn Trung Tôn, ông Nguyễn Viết Thịnh, chấp pháp hội thánh Tin Lành, bà Hồ thị Lan, chị của bà Hồ thị Bích Khương và luật sư bào chữa cho cả hai là luật sư Hà Huy Sơn.
Bà Nguyễn thị Lành cho biết diễn tiến phiên tòa như sau:
“Thường thì các phiên tòa giết người xử trước, các phiên chính trị xử sau. Phiên chính trị thì 10.04 giờ VN, đến 12 giờ thì họ đình phiên tòa . Đến 2 giờ chiều thì tiếp tục đến 4 giờ chiều kết thúc. Phiên tòa rất chi là kéo dài: 4 tiếng.”
Dù có sự bào chữa của luật sư, bản án phúc thẩm vẫn y án sơ thẩm : bà Hồ thị Bích Khương 5 năm với 3 năm quản chế và Mục sư Nguyễn Trung Tôn 2 năm với 2 năm quản chế. Bà Lành cho biết tiếp:
“Luật sư bào chữa cho phiên tòa đã vạch ra cho thấy ông Tôn với chị Khương là không làm điều gì sai cả, luật sư nói họ đúng hết, họ không có gì làm sai mà kết tội cho hai bị cáo này. Luật sư Sơn nói hai người này không có tội mà họ vẫn kết án anh Tôn 2 năm tù và 2 năm quản chế ở nhà. Chị Khương 5 năm và 3 năm quản chế ở nhà.”
Tường An: Hiện MS Tôn và bà Khương bị giam ở đâu ạ?
Bà Lành: Mục sư Tôn bị giam ở tỉnh Nghệ an, trại đó là trại tạm giam, nhưng bây giờ thành trại tù rồi.”
Tường An: Bà thấy tình trạng Mục sư Tôn như thế nào? Và trong phiên tòa, bà có cơ hội nói chuyện với mục sư không ạ?
Bà Lành: “Chuẩn bị vào phần kết thúc phiên tòa để tuyên án hai người thì họ bố trí để nói chuyện một lúc, tọa đàm xong mới tuyên án thì lúc đó tôi mới được nói chuyện với anh ấy. Nói chung là nói về những công việc của gia đình. Nhìn anh ấy thì gầy nhưng tinh thần anh ấy nói chung thì rất là tốt. Những bài viết của anh ấy và chị Khương thì vạch ra những đường lối sai trái của Đảng và nhà nước VN. Họ không chống lại nhà nước VN nhưng họ lên tiếng cho những người dân thấp cổ bé họng cũng như những người dân nói nhưng bị khống chế. Tôi thấy tiếng nói của hai người rất chi là tốt. Hôm nay tranh luận ở phiên tòa thì rất là tốt.”
Tường An: Bà nghĩ sao về kết quả bản án của phiên tòa này?
Bà Lành: “Sơ thẩm và phúc thẩm chẳng có sai chệch gì cả, nó không có giảm mà nó còn kết tội hai con người này nữa nên tôi nghĩ rằng sự bất công của người dân, những người đại diện cho những người dân oan như chồng tôi là Nguyễn Trung Tôn và chị Hồ thị Bích Khương. Tôi thấy đó là những tấm lòng đấu tranh rất chi là tốt. Tôi rất khâm phục. Tôi cũng là một người vợ nhưng mà đối với tôi, một tấm lòng muốn thay đổi một chế độ độc tài cho người dân thấp cổ bé họng đỡ phải khổ. Nhưng đơn khiếu nại, khiếu kiện, đơn thư của gia đình tôi là gia đình tôn giáo họ cũng đâu có trả lời gì đâu! Họ còn tiếp tục lũng đoạn gia đình nhà tôi nữa”
Tường An: Riêng mục sư Tôn có được quyền tự bào chữa không ạ?
Bà Lành: “Chồng tôi nói là chúng tôi không chấp nhận phiên tòa hôm nay là cho chúng tôi vào điều 88. Chúng tôi không tuyên truyền chống phá nhà nước VN, chúng tôi chỉ muốn thay đổi cái chế độ ngày hôm nay cho đất nước cho dân tộc, chúng tôi có tinh thần yêu đất nước, yêu dân tộc chúng tôi mới làm những điều như thế, còn bắt chúng tôi vào đây để kết tội chúng tôi thì chúng tôi phải chịu thôi.”
Tình trạng sức khỏe bà Khương
Bà Hồ thị Lan, chị của bà Hồ thị Bích Khương, mặc dù trong gia đình có nhiều người đang bệnh và bản thân bà cũng đang bệnh, nhưng bà cũng cố gắng trả lời chúng tôi. Bà Lan cho biết tình trạng của bà Hồ thị Bích Khương như sau:
“Tôi thấy tình trạng chị Khương hiện nay là rất nguy hiểm, người ốm, ho và cứ ôm bụng đau, gương mặt thất thần và da mặt bầm tím tái, tôi không biết em tôi đã bị bệnh gì và cuối cùng ra về thì em tôi có nói to: “Sau khi xử 5 ngày, nếu như mà em không được đi viện thì chị hãy xuống gặp em” có nói như thế thôi.”
Bà Bích Khương trong phiên sơ thẩm hôm 29/12/2011Tường An: Bà Hồ thị Bích Khương bị xử 5 năm tù và 3 năm quản chế, bà nghĩ sao về bản án này ạ?
Bà Lan : «Nói chung là không đúng! Theo tôi nhận định là không đúng ! Vì tôi nói thật, nếu như con người mà không có quyền nói lên những cái gì mình thấy và những cái gì mình biết thì đó cũng chẳng phải là con người nữa . Thực tế xã hội hiện này là tham nhũng, oan sai rất nhiều.
Người dân bức xúc, họ nói chị Khương thế này thế kia, nhưng tôi nghĩ là người dân bức xúc mà chẳng dám nói ra. Họ nói chị Khương nói cái gì cũng đúng, nhưng không ai dám nói ra những điều chị Khương nói. Ở đây họ nhận định như thế, mà nhiều người họ nói với tôi là chị Khương dại.
Riêng bản thân tôi, chồng tôi bị tai nạn giao thông từ năm 2000 mà tòa án đã tuyên án, chúng tôi đã làm đơn hết nơi này đến nơi khác nhưng cuối cùng tôi phải bỏ cả cái xác của chồng tôi vì tôi không dám liên quan đến công an và luật pháp nữa. Sợ mình bức xúc nên rồi họ lại bỏ tù tôi nữa thì sao!»
Biện hộ cho bà Hồ thị Bích Khương và mục sư Nguyễn Trung Tôn là luật sư Hà Huy Sơn, có mặt trong phiên tòa phúc thẩm hôm nay, luật sư Hà Huy Sơn cho biết :
«Phiên phúc thẩm thì không khác gì nhiều với phiên sơ thẩm, tức là bà Khương và ông Tôn thì khẳng định là họ không phạm tội tuyên truyền chống nhà nước XHCN VN. Nhưng chứng cứ đưa ra thì cũng không được rõ ràng lắm nhưng mà bên đại diện luật pháp thì họ dẫn ra những chứng cứ nói xấu Đảng và nói xấu lãnh đạo đảng nên cuối cùng thì người ta vẫn y án sơ thẩm.»
Tường An : Về phần luật sư thì luật sư đã dùng những lập luận như thế nào để biện hộ cho hai bị cáo ạ ?
LS Hà Huy Sơn : «Chị Khương và anh Tôn cũng được lên tiếng, nói chung là cũng nói được đầy đủ. Không bị hạn chế gì nhiều. Tôi dựa vào, thứ nhất là thủ tục tố tụng có những vi phạm nghiêm trọng thì tôi cũng đã trình bày, thứ hai là chứng cứ nó không đảm bảo tính khách quan, không hợp pháp. Tôi cho rằng những chứng cứ mà bên đại diện luật pháp đưa ra để cáo buộc hai người này là không thể chấp nhận được tức là nó không hợp pháp. Tôi đề nghị là vô tội. Thế còn một lập luận nữa mà tôi có đưa ra để bảo vệ ông Tôn, bà Khương đó là các vị đó thực hiện khoản A điều 19 của công ước dân sự và chính trị trong công ước quốc tế do do Liên Hiệp Quốc thông qua năm 1966 mà VN đã tham gia năm 1982. Đấy là hai vấn đề cơ bản mà tôi dùng để bảo vệ hai vị ấy. »
Bản án được định sẵn?
Tường An : Thưa luật sư, so với các phiên tòa khác thì phiên tòa này có phần nào tiến bộ, có nghĩa là phiên tòa kéo dài hơn và bị can được quyền lên tiếng bào chữa cho mình. Tuy nhiên, dù bị can hay luật sư bào chữa như thế nào thì bản án thì vẫn không thay đổi. Điều này làm cho người ta có thể nghĩ rằng việc bào chữa chỉ là hình thức và có vẻ như là bản án đã được định sẵn, Luật sư nghĩ gì về nhận định này ạ ?
LS Hà Huy Sơn: “Đúng như là chị nói, cái chuyện đối đáp giữa luật sư và đại diện luật pháp cũng không được ông chủ tọa thực hiện nghiêm túc cho lắm. Tức là gọi là đối đáp để cho có hình thức thôi chứ còn không làm rõ từng vấn đề ra và thời gian đối đáp thì ông ấy cũng hạn chế cho nên phần nào nó cũng thể hiện chuyện phiên tòa có một sự chuẩn bị trước. Người ta cũng không căn cứ vào chuyện tranh tụng tại tòa để mà nghị án.”
Hiện tình trạng gia đình của bà Tôn rất khó khăn, bà tâm sự:
“Cám ơn chị đã quan tâm đến gia đình tôi. Bố Mẹ chồng tôi thì già, Bố thì bị bệnh phổi mãn tính, tôi là vợ thì cũng có trách nhiệm , Bố nằm việ thì tôi cũng phải đi nuôi. Ngoài ra tôi còn phải vất vã nuôi ba đứa con, một đứa đã vào đại học , còn hai đứa, một đứa thì còi, chậm phát triển về chiều cao, trí tuệ, nói chung là suy dinh dưỡng, còn đứa thứ ba thì mới 3 tuổi rưởi. Hoàn cảnh này thì anh Đài cũng biết cho nên anh ấy quan tâm và động viên tôi trong hoàn cảnh này, tôi cũng cảm ơn anh ấy và cảm ơn nhiều người lắm ạ.
Tôi cũng mong là đài RFA và những người ở nước ngoài cũng giúp cho đất nước ra khỏi cơn khổ ải này, đấu tranh cho những người như chị Bích Khương và những người tù chính trị ngày hôm nay”
Xin được nhắc lại, tháng tư năm 2007, bà Hồ thị Bích Khương bị bắt lần đầu tại một quán cà phê Internet ở Nghệ An và bị xử hai năm tù vì tội “lạm dụng tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước” theo Điều 258 của bộ luật hình sự.
Sau đó vào ngày 15 tháng 1 năm 2011, bà Hồ Thị Bích Khương bị bắt lần thứ hai tại Nam Đàn, Nghệ An. Vào 17/01/2011, công an đến khám xét nhà MS Tôn ở Thanh Hóa và bắt ông để « kiểm tra thủ tục hành chính » . Cả hai bị ra tòa sơ thẩm vào ngày 29/12/2011 với bản án 5 năm tù và 3 năm quản chế cho bà Hồ thị Bích Khương, 2 năm tù và 2 năm quản chế cho MS Nguyễn Trung Tôn về tội tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN theo điều 88 bộ luật hình sự VN.
Phiên tòa phúc thẩm lẽ ra diễn ra ngày 28/3 vừa qua, nhưng đã bị hoãn lại cho đến hôm nay. Bà Hồ thị Bích Khương là 1 trong 4 cây bút VN đã được trao giải Hellman Hammet năm 2011.
Source: RFA