Việt Nam: Người bỏ báo nhà nước viết blog đầu tiên bị bắtCredit: Audience Submitted) .Theo tổ chức Phóng viên không biên giới công bố gần đây, Việt Nam hiện có 31 công dân mạng bị giam giữ. Ngày 26/5, công an vừa bắt thêm nhà báo tự do Trương Duy Nhất tại Đà Nẵng.
Trong số những người bị cầm tù vì viết lách nổi tiếng nhất phải kể đến các thành viên của CLB nhà báo tự do. Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), bị xử 12 năm tù giam; Tạ Phong Tần, 10 năm tù giam; và Phan Văn Hải (Anh Ba Sài Gòn) 3 năm tù giam. Ba công dân mạng này bị tuyên án tù trong phiên phúc thẩm trong một phiên tòa vào cuối năm 2012.
Cũng vì viết blog, ông Huỳnh Ngọc Chênh cựu biên tập viên của tờ Thanh Niên bị công an ngăn không cho xuất cảnh sang Mỹ du lịch vào ngày 10/5. Ông Chênh được giải thưởng quốc tế công dân mạng Netizen, của tổ chức Phóng viên Không biên giới và tập đoàn Google trao tặng vào 12/3/2013.
Trường hợp Phan Thanh Hiếu (blogger Người Buôn Gió) để được sang Đức học về ngôn ngữ theo lời mời của chính phủ nước này cũng phải thỏa hiệp với an ninh Việt Nam một số điều kiện.
Nhiều blogger, công dân mạng còn gắn với các hoạt động kêu gọi dân chủ, nhân quyền trong nước nên họ càng bị chú ý và gây khó khăn.
Bị bắt vì nói thẳngÔng Trương Duy Nhất, chuyên tâm vào việc viết cho trang báo cá nhân của mình vào đầu năm 2011. Trước đó ông Nhất từng là phóng viên của tờ Công An Đà Nẵng, trưởng đại diện tại miền Trung của tờ Đại Đoàn Kết.
Từ khi còn blog, cho đến khi chuyển sang trang báo cá nhân ông Nhất dùng câu sologan ‘Một góc nhìn khác’. Trên trang truongduynhat.vn của mình ông viết và cho đăng lại những bài sắc bén, đụng đến các vụ việc mà báo chí nhà nước không dám nói. Bài viết của ông Nhất không hề e dè các quan chức chính phủ, Bộ Chính trị.
Vào dịp cuối năm ông đưa ra bình chọn nhân vật của năm được đông đảo bạn đọc chờ đợi, quan tâm. Gần đây ông tiến hành cuộc bỏ phiếu cùng quốc hội sự tín nhiệm với các đại biểu quốc hội, thành viên chính phủ và chức danh cao cấp trong đảng trên trang báo của mình.
Tháng 10/2012, ‘Một góc nhìn khác’ đã nhận được lời cảnh cáo về thái độ tiêu cực, thiếu ý thức xây dựng, thậm chí kích động dư luận xã hội. Và ông Nhất đã từng bị an ninh yêu cầu ‘làm việc’ liên quan đến trang báo của mình.
Ông Nhất là người yêu cầu viết báo, blog, website phải có tính chính danh. Do đó ông không ủng hộ các trang như ‘Dân làm báo’, ‘Quan làm báo’, hay một số blogger dấu nhân thân khác.
Ngày 26/5, ông Nhất bị công an bắt với cáo buộc vi phạm điều 258, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước. Hiện ông Nhất đã được di lý từ Đã Nẵng ra Hà Nội.
Đòn răng đeTiến sĩ Nguyễn Quang A, từ Hà Nội cho biết: “Trang website của anh Trương Duy Nhất là trang khá lý thú. Anh Nhất viết theo cách nhìn riêng của mình về những vấn đề thế sự. Không ngạc nhiên anh Nhất bị bắt vì trang website của mình.”
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm) từ Nha Trang ngạc nhiên về việc chủ nhân trang truongduynhat.vn bị bắt, nhưng không ngạc nhiên về bị bắt về điều 258 bộ luật hình sự. Theo blogger Mẹ Nấm: “Ngạc nhiên ở thời điểm này việc bắt anh Nhất có ý nghĩa gì. Với thời lượng và việc viết bài như của anh nếu đã bắt thì bắt lâu rồi, chứ không phải chờ đến lúc này.”
Tiến sĩ Quang A cho rằng: “Việc bắt anh Nhất chắc chắn là muốn răn đe các nhà báo tự do, blogger khác. Người ta bực anh Trương Duy Nhất nhiều nhất có lẽ vì thăm dò tín nhiệm đại biểu, thành viên chính phủ, quan chức đảng thế này, thế kia”. Và Tiến sĩ Quang A khẳng định, “anh Nhất chẳng vi phạm điều gì cả”.
Người đã từng bị bắt khẩn cấp điều 258, và cũng mới có văn bản xử phạt hành chính vì phát tuyên ngôn nhân quyền, nhận định của mình sau phiên tòa Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha, blogger Mẹ Nấm nhận xét: “Điều 258 sắp tới sẽ đòn siết mạnh với các blogger. Điều này sẽ tránh được các điều 79 và 88. Điều 258 là điều mơ hồ với quy đình xâm phạm lợi ích nhà nước, nên ở các tổ chức quốc tế, nước ngoài cũng cũng khó can thiệp hơn.”
Theo Tiến sĩ Quang A giải thích: “Cùng với điều 79, 88, điều 258 là công cụ để an ninh bịt miệng, răng đe những người dám cất lên tiếng nói. Tuy nhiên, đây là biện pháp làm không hiệu quả và thiếu khôn ngoan. Nó cũng không làm nhụt chí được các blogger, nhà báo tự do khác. Việt Nam chưa bao giờ thực sự có tự do ngôn luận cả. Nhưng mức độ cởi mở của 7 – 8 năm về trước có vẻ khá hơn. Dù vậy, bây giờ có kiểu cởi mở khác khi có rất nhiều trang như của anh Trương Duy Nhất, đủ loại sắc thái mà trước đây không thể có. Những trang này vô cùng quan trọng và ngày càng quan trọng hơn trong tiến trình tự do ngôn luận, tự do báo chí và dân chủ ở Việt Nam. Đến một lúc nào đó người ta phải thay đổi và chính những trang mạng này có thể sẽ trở thành các tờ báo tư nhân đầu tiên ở Việt Nam.”
“Việc anh Trương Duy Nhất bị bắt, thì các blogger, người viết tự do cũng có thể bị bắt được. Do vậy cần lên tiếng, phản đối về trường hợp của anh Nhất, Mẹ Nấm nói.
Source: ABC Australia