Thiên An Môn, hồi ức bị cấm đoánMùa Xuân Bắc Kinh 1989 : Cảnh tượng sau vụ đàn áp Thiên An Môn do hãng AP lưu lại (64memo.com)“Thiên An Môn” hay “Cách mạng văn hóa” cho đến giờ vẫn là những chủ đề thời sự “cấm kỵ” trên báo chí lẫn trên văn đàn tại Trung Quốc. Mặc dù các sự kiện đó đã trôi qua mấy thập niên nay rồi, nhưng vẫn còn rất nhiều nhân sĩ trí thức khao khát được nói lên sự thật về những gì mà họ đã chứng kiến.
Thế nhưng, đối với chính quyền Bắc Kinh, đó lại là những chủ đề rất nhạy cảm, thậm chí là nguy hiểm, vì nó có thể khơi dậy lại những lời kêu gọi dân chủ hóa, như những gì đã xảy ra trong sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Chính vì thế, có rất nhiều văn sĩ trong nước đã phải cầu viện đến các nhà xuất bản nước ngoài như Hồng Kông hay Pháp để có thể phơi bày những sự thật mà họ muốn nói.
Le Monde chạy tựa “Thiên An Môn, hồi ức bị cấm đoán”. Tờ báo cho biết gần đến ngày 04/6, tất cả những gì có liên quan đến con số “sáu bốn” (do người Trung Quốc để tháng trước ngày), những con số gợi nhắc lại sự kiện Thiên An Môn ngày 04/06/1989 đều bị cấm tại nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Còn đối với nhà văn Lưu Tâm Vũ (Liu Xinwu), ngày 04/06 “sẽ luôn là một ngày cực kỳ đau buồn vì đó cũng là ngày sinh nhật” của ông. Lưu Tâm Vũ vừa cho xuất bản tác phẩm “Tôi sinh ngày 04/06”, một quyển sách dày đến 1000 trang nhằm đề tặng “các sinh viên, thị dân và những người lính đã ngã xuống trong đêm 04/6/1989. Một cái chết lẽ ra không thuộc về định mệnh của họ”, do nhà xuất bản Pháp Gallimard phát hành vào tháng ba năm nay.
Tâm sự với phóng viên thường trực của Le Monde ngay trong chính căn hộ của mình tại Bắc Kinh, ông rất khao khát hồi phục lại sự thật của một quá khứ đau thương. Ông nói “Tất cả những ai đã nếm trải qua giây phút đó lẽ ra phải được viết lại một cách tự do và công bố những gì mà họ muốn”.
Đối với Lưu Tâm Vũ, bổn phận viết hồi ký là một nhiệm vụ khẩn cấp, nhằm dự báo trước các thảm kịch trong quá khứ quay trở về. Điều trớ trêu là tác phẩm “Tôi sinh ngày 04 tháng 06” lại không được phép xuất bản tại Trung Quốc.
Theo báo Le Monde, các tác phẩm có liên quan đến ngày 04 tháng 06 đều bị chính quyền giám sát chặt chẽ. Như trường hợp nhà thơ Liệu Diệc Vũ, hiện đang sống lưu vong tại Đức. Ông này đã bị cầm tù nhiều năm chỉ vì cho đăng bài thơ “Đại thảm sát”.
Ông Từ Hữu Ngư, triết gia Trung Quốc, một trong những người đi tiên phong trong việc viết ký ức trong một thảm kịch khác, cuộc “Cách mạng văn hóa” nhận định “Đảng Cộng sản Trung Quốc lúc nào cũng chụp mũ thành công vài kẻ làm vật tế thần cho các thảm kịch mà Trung Quốc đã trải qua. Có rất ít người xem đảng là một tên tội phạm. Thế nhưng, ngày 04/06 vẫn là một lãnh vực mà người dân cho rằng có một món nợ máu”.
Bài viết cho rằng ngày càng có nhiều nhân sĩ trí thức Trung Quốc cầu viện đến việc xuất bản ở ngoài nước nhằm thoát lên được một luồng tư tưởng khác với truyền thống và cho thấy một cái nhìn về lịch sử không mang màu sắc chính trị. Còn theo như cách nói của ông Lưu Hiểu Ba, giải Nobel Hòa bình đang bị cầm tù, đây cũng là một cách thức để “lật đổ hệ thống dối trá với sự thật”.
Le Monde liệt kê một lọat các tên tuổi văn học Trung Quốc ở trong nước như, nhà báo kiêm sử gia Dương Kế Thằng phải nhờ đến một nhà xuất bản tại Hồng Kông để phát hành quyển sách “Những tấm bia mộ”. Một tác phẩm điều tra về nạn đói xảy ra vào cuối những năm 1950, làm thiệt mạng khoảng 36 triệu người dân.
Nhà văn Diêm Liên Khoa, với tác phẩm “Bốn quyển sách” cũng được xuất bản tại Hồng Kông. Quyển sách phản ảnh một trường đoạn lịch sử cận đại Trung Hoa đó là những trại lao động dành cho kẻ trí thức “tư sản” có từ năm 1957.
Hay như tác phẩm “Trung Quốc trong mười từ” của nhà văn Dư Hoa, nói về sự kiện Thiên An Môn năm 1989, được nhà xuất bản Actes Sud của Pháp phát hành vào năm 2010.
Trong đó đỉnh điểm của những vòng trấn áp chính là cuộc Cách mạng Văn hóa (giai đoạn 1966-1976). Về thảm kịch này, phải kể đến giải Nobel Văn học năm 2000, nhà văn người Pháp gốc Hoa Cao Hành Kiện, với tác phẩm “Sách về một người đàn ông đơn độc”. Một tác phẩm cho đến giờ vẫn chưa được phép phát hành tại Trung Quốc.
Từ những tổng quan về các tác phẩm văn học bị cấm đoán đó, Le Monde nhận thấy rằng sở dĩ có chiếc mũ chụp lên hồi ức Thiên An Môn là vì: cái bóng của nó đã trở nên quá nặng nề những năm gần đây đến mức mà nhiều lời kêu gọi dân chủ hóa đã tái trỗi dậy.
Nhà văn Lưu Tâm Vũ tự tin khẳng định rằng, phiên bản “ngày 04 tháng 06” ấn bản tại Hồng kông chắc chắn là sẽ làm khuấy động cộng đồng mạng Trung Quốc. Ngay chính trên trang blog của mình, ông đã viết rằng “Hồi ức cần được duy trì. Một trong những nguồn cung cấp cho nó có lẽ chính là sự can đảm”.
Source: RFI
Sửa bởi người viết 03/06/2013 lúc 09:43:44(UTC)
| Lý do: Chưa rõ