Thượng đỉnh Trump – Kim : Mỹ xuống nước, Trung Quốc ló dạng?Cái bắt tay lịch sử giữa tổng thống Mỹ, Donald Trump (T) và lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un (P) tại Singapore ngày 12/06/2018. REUTERS/Jonathan Ernst
Tâm điểm thời sự quốc tế trên các nhật báo lớn của Pháp ngày 12/06/2018 đương nhiên vẫn là thượng đỉnh Singapore. Kết quả cuộc gặp ra sao, tác động của Trung Quốc như thế nào và tương lai nào cho nền kinh tế Bắc Triều Tiên là những mảng chủ đề được khai thác nhiều nhất.
Vào thời điểm lên khuôn các bài để chuẩn bị ra sạp ngày hôm nay, cái bắt tay lịch sử giữa Kim Jong Un và Donald Trump vẫn chưa diễn ra. Do đó, nhiều bài viết trên các nhật báo đa phần đều đưa các nhận định mang tính dự báo.
Dù vậy, các nhật báo cũng kịp đưa hình ảnh cái bắt tay lịch sử giữa tổng thống Mỹ và lãnh đạo Bắc Triều Tiên trên trang mạng của mình. Le Figaro thốt lên : « Bắt tay lịch sử giữa Donald Trump và Kim Jong Un tại Singapore ». Les Echos thông báo : « Trump và Kim cam kết bước vào một kỷ nguyên mới ».
Le Monde cho biết rõ hơn : « Kim Jong Un hứa một tiến trình phi hạt nhân hóa toàn diện bán đảo Triều Tiên ». La Croix trưng ảnh chụp tài liệu có chữ ký của hai nguyên thủ, trích nhận xét lạc quan của tổng thống Mỹ về cuộc gặp này : « Donald Trump, cuộc gặp với Kim Jong Un là xứng đáng và có kết quả ». Để giúp độc giả theo dõi dễ dàng thượng đỉnh, hầu hết trang mạng các nhật báo đều để chế độ Live, tường thuật trực tiếp, cập nhật liên tục các thông tin.
Riêng tờ báo thiên tả Libération trong số báo ra hôm nay, trên nền ảnh ghép khuôn mặt một bên là của Donald Trump và bên kia là Kim Jong Un, chạy tít lớn : « Thượng đỉnh Trump – Kim, Lịch sử và Cuồng loạn, hãy chọn ô đúng ».
Lịch sử bởi vì sự kiện mang lại hy vọng chấm dứt « gần 70 năm đối đầu giữa Washington và Bình Nhưỡng » như tựa một bài viết trên Le Figaro và La Croix. « Cuồng loạn » vì đây là một thượng đỉnh giữa hai nhân vật đều có tính khí khó đoán khó lường.
Cuộc họp thượng đỉnh này là kết quả sau nhiều tháng chửi rủa và dọa dẫm lẫn nhau, để rồi giờ đây lại ngồi tươi cười bắt tay. Libération chơi chữ Fol Amour (nếu viết dính liền là tên một nhân vật trong phim Folamour) đặt câu hỏi : « Trump – Kim : Tình yêu điên loạn tại Singapore ? »
Phi hạt nhân hóa : Hoa Kỳ đổi ý ?Trước khi hai lãnh đạo Mỹ và Bắc Triều Tiên đặt bút ký một tài liệu, hầu hết các tờ báo Pháp đều dự báo kết quả cuộc hẹn này là « mù mờ ». Bởi vì, theo Le Monde, tổng thống Mỹ đang lao vào một cuộc « phiêu lưu ngoại giao ».
Ngay từ đầu vụ việc, Donald Trump không đi theo một quy ước ngoại giao nào. Ông bất ngờ nhận lời mời gặp của lãnh đạo Bắc Triều Tiên, do đặc sứ Hàn Quốc chuyển đến. Tổng thống Mỹ đoạn tuyệt với các phương pháp ngoại giao truyền thống, ông bỏ qua mọi hình thức cẩn trọng và ông đã hành động cũng như ra quyết định theo bản năng của mình.
Trong khi đó, lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã khôn khéo sử dụng « quyền lực mềm » của mình. Les Echos trong bài viết đề tựa « Kim Jong Un và Donald Trump trình làng một cuộc hẹn ngoạn mục với kết quả bất định » có nhận định rằng « Kim Jong Un sẽ không tỏ ra mềm mỏng trong các cuộc đối thoại với Donald Trump ».
Nhận xét này được minh chứng bằng việc ngoại trưởng Mỹ trong chiều tối thứ Hai 11/06 cho biết là « thượng đỉnh thật ra chỉ là màn khởi động một tiến trình đàm phán dài hơn rất nhiều ». Nhằm có thể mang lại ấn tượng thành công cho thượng đỉnh, các đoàn đàm phán hai bên chỉ trong vòng có hai tháng đã phải gặp nhau 7 lần.
Từ lâu luôn tỏ ra « bất di bất dịch », Hoa Kỳ giờ hiểu rằng Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ chấp nhận nguyên tắc phi hạt nhân hóa toàn diện, có thể kiểm chứng và ngay lập tức kho vũ khí hạt nhân của mình, như đòi hỏi ban đầu của tổng thống Mỹ.
Về điểm này, ông Mathieu Duchâtel, chuyên gia địa chính trị trên nhật báo Le Monde còn bồi thêm rằng « Hoa Kỳ không còn chọn lựa nào khác là phải chấp nhận lô-gic của Bắc Triều Tiên ». Nghĩa là mỗi một sự nhượng bộ sẽ được đáp trả bằng một nhân nhượng tương tự. Như vậy, mới có hy vọng giảm bớt sự nghi kỵ hiện vẫn đang đe dọa một sự trật rày cho thành quả mong manh hiện nay.
Trung Quốc và thượng đỉnh Singapore: « Tuy không mà có » Cũng liên quan đến thượng đỉnh Singapore, Le Figaro có nhận định « Bóng dáng các bên vắng mặt bao trùm thượng đỉnh ». Đó chính là những nước còn lại có tham gia đàm phán sáu bên : Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy không có mặt, nhưng những nước này đang nỗ lực vận động hành lang nhằm bảo vệ các lợi ích của mình.
Do vậy, Trung Quốc của Tập Cận Bình đã hào phóng cho Bắc Triều Tiên mượn chuyên cơ để đến Singapore. Vladimir Putin thì vội vã gởi ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đến Bình Nhưỡng, đồng thời mời lãnh đạo Bắc Triều Tiên đến thăm Nga nhân diễn đàn kinh tế vào tháng 9/2018.
Thủ tướng Nhật Bản lo ngại cho lợi ích đất nước bị tổng thống Trump bỏ qua tuyên bố sẵn sàng mặt đối mặt với Kim Jong Un. Tổng thống Hàn Quốc lo ngại chiến tranh xảy ra tìm cách giữ hòa khí giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên.
Về phần mình, Les Echos nói thẳng : « Tuy vắng mặt tại thượng đỉnh Singapore, nhưng Trung Quốc vẫn nắm trong tay nhiều lá bài ». Bị bất ngờ trước sự xích lại gần ngoạn mục giữa Bình Nhưỡng và Washington, Bắc Kinh đã nhanh chóng sửa sai. Điều này được thể hiện rõ qua hai lần chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bất ngờ tiếp lãnh đạo Kim Jong Un.
Les Echos trích phân tích của chuyên gia Jean-Pierre Cabestan, giáo sư đại học Hồng Kông cho rằng trên bình diện địa chính trị, một thế cân bằng mới trên bán đảo Triều Tiên trên cơ sở phi hạt nhân hóa và phi quân sự có thể là sẽ rất lâu và từ từ. Do đó, Trung Quốc có đủ thời gian để bảo vệ các lợi ích của mình.
Hơn nữa, Trung Quốc còn có một khả năng gây ảnh hưởng mạnh về mặt kinh tế. 90% trao đổi ngoại thương của Bắc Triều Tiên đều thông qua Trung Quốc. Do vậy, « mọi thủ tục trừng phạt Bắc Triều Tiên cũng phụ thuộc vào nước này », ông Jean-Pierre Cabestan cho biết tiếp.
Cuối cùng, Trung Quốc cũng muốn là một bên tham gia, nếu như có ký kết một hiệp định hòa bình theo đúng nghĩa trong thời gian sắp tới, với tư cách là một đồng minh lâu đời và là quốc gia từng tham gia ký kết hiệp định đình chiến 1953.
Kinh tế : Bắc Triều Tiên chưa thể là một « Việt Nam mới »Liên quan đến lĩnh vực kinh tế, Les Echos có bài viết đề tựa « Kinh tế Bắc Triều Tiên vật vã thức tỉnh ».
Theo giải thích của nhật báo kinh tế, trữ lượng khoáng sản (ít nhất là 200 mỏ) của Bắc Triều Tiên là dồi dào, nhất là nguồn đất hiếm, rất cần cho các tập đoàn công nghệ cao. Thế nhưng, do thiếu thốn phương tiện, công nghệ, kỹ thuật, mạng lưới vận chuyển và điện năng, nên Bình Nhưỡng không có khả năng khai thác các nguồn tài nguyên đó.
Ngoài khoáng sản, ngành nông nghiệp hay nguồn nhân công giá rẻ của Bắc Triều Tiên vẫn còn bị bỏ ngỏ. Les Echos cho rằng Bình Nhưỡng không thể nào làm một cú nhảy vọt như Việt Nam do việc triển khai các nguồn lực này phải được tiến hành một cách từ từ.
Hơn nữa, theo nhật báo, để có thể thu hút đầu tư nước ngoài, Bình Nhưỡng phải tiến hành cải cách sâu rộng bộ máy chính trị và kinh tế, được cho là đầy nguy hiểm đối với chế độ. Về điểm này, ông Ian Bennett, chuyên viên tin học, từng có thời gian đến thuyết giảng về công ty khởi nghiệp tại Bình Nhưỡng cho rằng : « (…) Nhịp độ cải cách kinh tế phải được tuân thủ sao cho bảo đảm được sự bình ổn chính trị ».
Theo RFI