‘Nỗi sợ: Trump trong Tòa Bạch Ốc’Quyển sách này sẽ được xuất bản vào ngày 11/9 tới
Quyển sách sắp được ra mắt của nhà báo huyền thoại Bob Woodward có tựa đề: “Nỗi sợ: Trump trong Tòa Bạch Ốc” mô tả những hỗn loạn trong Nhà Trắng dưới sự điều hành của Tổng thống Donald Trump như là ‘Phố điên’ cùng nỗi lo sợ từ thuộc cấp của ông Trump rằng ông là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia khiến họ tìm đủ cách để không tuân lệnh.
Từ Phòng Bầu dục cho đến Phòng Tình huống và nơi nghỉ ngơi của gia đình Tổng thống, nhà báo Woodward đã sử dụng các cuộc phỏng vấn kín với các cố vấn hàng đầu của ông Trump để cho khán giả cái nhìn chưa từng có về những gì xảy ra trong Nhà Trắng dưới cái nhìn của các cộng sự thân cận nhất của ông Trump, bao gồm những người tín cẩn, các quan chức trong nội các và giới chức cấp cao, trong cuốn sách dày 448 trang này.
Cuốn sách đã thuật lại chi tiết những sự đối đầu và xung đột hàng ngày nhưng bức tranh do những quan chức chính quyền Trump vẽ ra cho thấy họ thấy tình hình rất đáng lo ngại. Cuốn sách kể lại những trợ lý cấp cao của ông Trump đã ngày càng cảm thấy bất an như thế nào với tính khí thất thường, sự thiếu hiểu biết và xu hướng thích nói láo của ông Trump.
Chánh văn phòng John Kelly mô tả Tổng thống Trump là ‘tên ngốc’ và ‘rối loạn tâm thần’. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cho biết ông Trump có hiểu biết cỡ ‘học sinh lớp năm hay lớp sáu’. Cựu luật sư riêng của ông Trump, ông John Dowd, gọi Tổng thống là ‘kẻ dối trá trơ trẽn’. Ông Dowd cho biết ông từng nói với ông Trump rằng có ngày ông sẽ ‘mặc áo tù’ nếu ông ra khai chứng với Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller.
“Ông ấy là tên ngốc. Thuyết phục ông ấy chẳng có tác dụng gì đâu. Ông ấy thích tự tung tự tác. Chúng ta đang ở trong Phố Điên,” Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly được dẫn lời nói trong một cuộc họp nhân viên tại phòng làm việc của ông. “Tôi thậm chí còn không hiểu sao chúng ta lại có mặt ở đây nữa. Đây là công việc tồi tệ nhất mà tôi từng làm.”
Cuốn sách còn kể lại nỗi ám ảnh đặc biệt của ông Trump với cuộc điều tra về âm mưu thông đồng với Nga, trong đó có những cuộc nói chuyện giữa luật sư của ông Trump với ông Mueller. Ngoài ra, sách còn thuật lại một buổi mô phỏng Trump trả lời phỏng vấn với Mueller ở tư dinh của ông ở Nhà Trắng mà khi đó ông Trump đã không thể vượt qua được.
Sách kể lại rằng ông Gary Cohn, cựu trưởng cố vấn kinh tế của ông Trump, đã nhìn thấy một bản thảo lá thư mà ông cho là nguy hiểm đối với an ninh quốc gia trên bàn làm việc của ông Trump trong Phòng Bầu dục.
Lá thư này có khả năng sẽ đưa Mỹ ra khỏi một thỏa thuận thương mại hệ trọng với Hàn Quốc. Các trợ lý của ông Trump lo sợ rằng nếu điều đó xảy ra thì một chương trình an ninh quốc gia tối mật của Mỹ sẽ bị đe dọa, đó là khả năng dò ra các cuộc phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên chỉ trong vòng 7 giây.
Ông Cohn đã cảm thấy ‘thất kinh’ trước khả năng ông Trump sẽ ký lá thư đó. “Tôi đã trộm nó khỏi bàn làm việc của ông ấy,” ông Cohn nói với một thuộc cấp. “Tôi sẽ không để cho ông ta trông thấy nó. Tôi phải bảo vệ đất nước.”
Không chỉ ông Cohn mới làm vậy. Ông Rob Porter, cựu thư ký Nhà Trắng, cũng nhiều lấn giấu hồ sơ giấy tờ như vậy, Woodward kể lại trong sách. Bên cạnh đó, họ còn tìm cách chặn hay trì hoãn quyết định hay khiến cho ông Trump quên đi những mệnh lệnh mà họ cho rằng sẽ đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ.
“Một phần ba công việc của tôi là cố gắng phản ứng lại với một số ý tưởng thật sự nguy hiểm của ông ấy và cố gắng đưa ra cho ông ấy những lý do để tin rằng đó không phải là ý tưởng hay,” ông Porter, người làm thư ký cho Nhà Trắng để xử lý giấy tờ cho Tổng thống cho đến khi ông nghỉ việc do bị cáo buộc bạo hành gia đình, cho biết. Ông Porter và những người khác hành động với sự đồng lòng của cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus.
Trong sách, Woodward thuật lại những cuộc họp tối mật. Một trong số đó là cuộc họp ngày 27/7/2017 khi các lãnh đạo an ninh quốc gia của Trump tề tựu lại ở Lầu Năm Góc để tìm cách giảng giải cho Tổng thống hiểu được về tầm quan trọng của các mối quan hệ đồng minh đối với Mỹ.
Tuy nhiên, triết lý ngoại giao của ông Trump lại mang tính cá nhân: “Mọi thứ chỉ là việc của nhà lãnh đạo này đối với nhà lãnh đạo khác, giữa tôi với ông Kim,” ông nói quan điểm của ông về Bắc Triều Tiên.
Những thuộc cấp thân tín của ông thì lo ngại về ‘Vấn đề lớn’ – tức sự thiếu hiểu biết của ông Trump rằng chiến dịch áp thuế quan của ông sẽ khiến an ninh toàn cầu gặp nguy cơ.
Tuy nhiên cuộc gặp đã không diễn ra như mong muốn. Ông Trump đã huấn thị các vị tướng của ông: “Các ông chỉ cần đi giết người. Các ông đâu có cần chiến lược để giết người đâu,” ông Trump được dẫn lời nói về Afghanistan.
Ông còn chất vấn liệu Mỹ có khôn ngoan không khi đóng quân ở Hàn Quốc.
“Vậy thì thưa Ngài Tổng thống,” ông Cohn nói với Trump, “Ngài cần có gì ở khu vực để có thể đêm nào cũng ngủ ngon được?”
“Tôi chẳng cần quái gì hết,” ông Trump nói. “Tôi ngủ ngon như em bé vậy.”
Sau khi ông Trump đi khỏi, Ngoại trưởng khi đó là ông Rex Tillerson đã tuyên bố: “Ông ấy là tên ngốc.” Chính lời nói ‘tên ngốc’ này của ông Tillerson đã dẫn đến hiềm khích của ông với Tổng thống và cuối cùng ông bị cách chức thông qua một dòng thông báo trên Twitter.
Một chủ đề thường được nhắc đến là việc Trump dường như không để ý gì đến các quan ngại về an ninh quốc gia bởi vì ông lúc nào cũng nghĩ đến tiền bạc: thâm hụt thương mại và chi phí duy trì quân đội ở nước ngoài.
Trong nhiều cuộc họp, Trump liên tục đặt câu hỏi tại sao Mỹ phải bỏ tiền để duy trì một quân số lớn như vậy ở Hàn Quốc.
“Chúng ta làm như vậy để tránh xảy ra Chiến tranh Thế giới lần thứ ba,” Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis giải thích với Trump. Chính điều này đã khiến Mattis nói với những người thân tín của ông sau đó rằng ông Trump ‘có hiểu biết của học sinh lớp năm hay lớp sáu’.
Tuy nhiên ông Trump vẫn không chịu nghe theo. “Tôi cho rằng chúng ta sẽ rất giàu nếu chúng ta không ngu ngốc như thế,” ông nói.
Một quan chức cấp cao giấu tên trong Nhà Trắng được thuật lời trong sách có nhìn nhận thậm chí còn bi quan hơn: “Rõ ràng nhiều cố vấn cấp cao của Tổng thống, nhất là những người phụ trách an ninh quốc gia, cực kỳ quan ngại về tính khí thất thường của ông ấy, việc ông ấy không thể học hỏi được cũng như những gì mà họ xem là những quan điểm nguy hiểm.”
Cuốn sách của Woodward còn cho biết Tổng thống Trump rất mê mẩn Twitter bất chấp việc các cố vấn khuyên ông về những hiểm họa của những dòng Tweet của ông đem lại.
Theo tường thuật trong sách, ông Trump đã yêu cầu in những dòng tweet của ông ra để nghiên cứu xem cái nào được đón nhận nhiều nhất và những dòng tweet ăn khách nhất thường lại là những dòng gây sốc nhất.
Các cố vấn an ninh của ông Trump rất lo ngại về thói quen tweet của ông Trump và đã cảnh báo ông rằng ‘Twitter có thể đưa chúng ta đến chiến tranh’.
Kinh hoảng trước những dòng tweet bốc lửa của ông Trump, các cố vấn của ông đã cố gắng thành lập một ‘ủy ban Twitter’ để rà soát kỹ lưỡng giọng văn của Trump. Tuy nhiên họ vẫn không ngăn được ông.
Ông Priebus, người không biết gì hết khi ông Trump tuyên bố cách chức ông trên Twitter, mô tả phòng ngủ của Tổng thống Trump là ‘động quỷ’ và gọi những thời khắc lúc sáng sớm và tối Chủ nhật – những lúc mà ông Trump đăng nhiều dòng tweet nhất – là ‘khoảnh khắc phù thủy’.
Cuốn sách cũng thuật lại những công kích của những người xung quanh Tổng thống Trump đối với ái nữ Ivanka Trump và hiền tế Jared Kushner của ông.
Có lần, ông Steve Bannon, cựu chiến lược gia trưởng của ông Trump, đã mắng vào mặt Ivanka tại một cuộc họp: “Cô không là gì cả mà chỉ là nhân viên quèn. Cô đi tới đi lui ở đây và hành xử như thể cô là người phụ trách vậy. Cô chỉ là nhân viên thôi.”
“Tôi không phải là nhân viên,” cô Ivanka nạt lại Bannon. “Tôi sẽ không bao giờ là nhân viên. Tôi là đệ nhất tiểu thư.”
Ông Priebus đã mô tả chính quyền của ông Trump là một nơi ‘có đầy thú ăn thịt’.
“Khi anh bỏ một con rắn, một con chuột, một con diều hâu, một con thỏ, một con cá mập và một con hải cẩu trong một sở thú mà không có tường ngăn thì mọi thứ sẽ rối tung rối mù và đẫm máu,” ông Priebus được dẫn lời nói trong sách.
Cuốn sách của Woodward dựa trên hàng trăm giờ phỏng vấn được thu âm lại và hàng chục nguồn tin từ trong những người thân cận của ông Trump cũng như các văn bản, tài liệu, nhật ký và ghi nhớ, trong đó có một ghi chú do chính Trump viết tay. Woodward cho biết ông đã phỏng vấn các nguồn tin này với thỏa thuận ông có quyền sử dụng toàn bộ thông tin mà không cho biết ai là người nói.
Nhà báo kỳ cựu Bob Woodward đã hai lần đoạt giải Pulitzer, trong đó có một giải được trao cho những bài tường thuật của ông về vụ bê bối Watergate vốn dẫn đến việc Tổng thống Richard Nixon phải từ chức.
Theo CNN